Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

LỜI THỀ CỎ MAY

Tác giả: Phạm Công Trứ


Làm sao quên được tuổi thơ
Tuổi vàng, tuổi ngọc - tôi ngờ lời ai

Thuở ấy tôi mới lên mười
Còn em lên bảy, theo tôi cả ngày
Quần em dệt kín bông may
Áo tôi đứt cúc, mực dây tím bầm
Tuổi thơ chân đất đầu trần
Từ trong lấm láp em thầm lớn lên
Bây giờ xinh đẹp là em
Em ra thành phố dần quên một thời
Về quê ăn Tết vừa rồi
Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò
Gặp tôi, em hỏi hững hờ
"Anh chưa lấy vợ, còn chờ đợi ai ?"
Em đi để lại chuỗi cười
Trong tôi vỡ ... một khoảng trời pha lê

Trăng vàng đêm ấy, bờ đê
Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may ...


comay









Phạm Công Trứ: Lời thề cỏ may
Giữa lúc người ta xuôi về thành phố, thì Phạm Công Trứ lại ngược ra ngoại ô, trở về làng quê, và rồi anh cứ đi mãi, đi hút mãi về xứ dân gian. Ở đó anh gặp Nguyễn Bính, và ngay lập tức anh đã bị ông thi sĩ đồng hương này bắt mất hồn! Bởi vậy, có một nhà thơ ở bậc đàn anh, đọc xong Trứ bảo: “Đời đã có một Nguyễn Bính rồi. Có nên cần thêm một Nguyễn Bính hạng hai, hạng ba nữa không ?
Nói thế thì oan cho Trứ quá . Anh đâu phải Nguyễn Bính. Dú có khoác tấm áo the, có đội cái khăn xếp xưa của Nguyễn Bính cũng đâu đã phải là Nguyễn Bính. Hãy xem cô gái nhà quê ra tỉnh này về thì rõ. Cái áo chẽn, cái quần bò đã khác xa cái áo the quần lĩnh cổ cài khuy bấm ngày xưa, chí ít cũng là sự khác biệt về một trang phục của thiếu nữ ở hai thời.
Dẫu khác thế, người đọc Phạm Công Trứ vẫn cứ nhớ đến Nguyễn Bính. Giá không có Nguyễn Bính, có lẽ Phạm Công Trứ đã có một cái chiếu giữa làng văn. Nhưng cái chiếu Trứ đang ngồi vào hiện nay, Nguyễn Bính đã ngã bóng mình xuống đó cách đây nữa thế kỷ. Bởi thế, thơ Trứ có chỗ quả cũng cớm nắng, xanh xao. Thiết tưởng, Trứ cũng có thể bắt chước người xưa , ngữa mặt lên trời mà than rằng: Trời đã sinh ra Trứ sao trước đó còn sinh ra Bính?
                                                                                                          Trần Đăng Khoa

Phạm Công Trứ: Gã nhà quê: ở phố

Mộc mạc, hồn nhiên, chân thật, đó là những gì người ta có thể cảm nhận về gã nhà thơ tự nhận mình là "quê mùa" Phạm Công Trứ.

Phạm Công Trứ sinh ra ở vùng quê ven biển Hải Hậu, Nam Định, suốt đời ám ảnh bởi lũy tre, cánh đồng, rơm rạ, củ khoai, con cá. Cho dù đã từng sống ở nước ngoài chăng nữa thì nỗi nhớ ấy vẫn không ngừng hiện diện trong thơ anh. Nhưng nó không ở trạng thái hoài cảm, buồn sầu như thơ của nhiều thi sĩ khác. Mà nó hài hước, bông phèng, tếu táo. Cái chất trào lộng ấy đã định vị một chỗ đứng riêng của Phạm Công Trứ trong đời sống văn chương. Nhưng đọc kỹ anh, thì đằng sau cái bông đùa, tếu táo là rất nhiều suy ngẫm, là ăm ắp nỗi buồn.
Nhiều độc giả đã thuộc nằm lòng bài thơ "Lời thề cỏ may" của Phạm Công Trứ. Anh là người làm thơ hạnh phúc vì ngay từ buổi đầu chạm ngõ văn chương đã có tác phẩm "định danh" mình. Hỏi, vì sao anh lại mê hoa cỏ may mà không phải những thứ hoa khác sang trọng hơn, Phạm Công Trứ cười, lại tếu táo: "Hoa cỏ may là thứ hoa mọc chìm khuất nơi bờ đê, không có mùi hương. Có thể mình mê loài hoa như vậy nên cả đời cầm bút mình bình lặng chăng". Tôi thì không nghĩ vậy, hoa cỏ may là loài hoa khiêm nhường, nhưng nó là thứ quyến luyến đôi chân người đi. Không đúng như thế thì sao lại có người "ngồi gỡ lời thề cỏ may" nhỉ? Cỏ may có mặt không chỉ trong những bài thơ đầu tiên của Phạm Công Trứ mà nó còn xuất hiện trong suốt sự nghiệp thơ của anh. Nó giống như hình bóng quê nhà, một lời nhắc nhở, một nỗi nhớ về nơi nhà thơ sinh ra, nơi tổ tiên, gốc gác, họ hàng của mình.
Phạm Công Trứ giữ cái vẻ "nhà quê" không phải cố tình cố ý gì cả, cũng không có ý đồ làm "đặc sản" văn chương thời buổi thừa mứa những văn minh phố xá, đồ ăn Tây, Tàu nên người ta thích rau lang, cà dầm, gái quê…Giản dị là anh sống thật thà với chính mình, không thích tô vẽ hay che đậy, thậm chí không cần sự thay đổi. Anh bảo, cha mẹ mình nhà quê "chính hiệu". Mình là con nhà nông dân, không hiểu trời xui đất khiến thế nào lại dính dáng vào nghiệp thơ văn.
Từng có những năm tháng tuổi trẻ ở Trường Sơn, cũng va đập bom đạn, cái sống, cái chết như bao người lính trận, rồi sang Nga bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Luật, làm báo Pháp Luật, nhưng nói như nhà phê bình Chu Văn Sơn thì thơ Phạm Công Trứ không có khói súng, và "cơ hồ cũng không có chút luật nào". Mà anh chủ trương quay về khơi tiếp cái mạch hồn quê, cái phong vị mà anh rất yêu trong thơ Nguyễn Bính.
Độc giả đọc Phạm Công Trứ thì ít nhiều nhớ Nguyễn Bính. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết: "Giá không có Nguyễn Bính, có lẽ Phạm Công Trứ đã có một cái chiếu trải giữa làng văn rồi. Nhưng cái chiếu Trứ đang ngồi vào hiện nay, Nguyễn Bính đã ngả bóng mình xuống đó cách đây nửa thế kỷ. Bởi thế, thơ Trứ có chỗ quả cũng cớm nắng, xanh xao. Thiết tưởng, Trứ cũng có thể bắt chước người xưa ngửa mặt lên trời mà than rằng: Trời đã sinh ra Trứ sao trước đó còn sinh ra Bính?". Đó là cách nói vui của nhà thơ thần đồng thôi, nhưng chắc chắn độc giả đều đồng ý rằng, chúng ta đang ngày một mất dần đi cái cảm thức nhà quê trong văn học.
Trong một lần trò chuyện với nhà thơ Mai Linh, ông đã bày tỏ đại ý rằng, các nhà thơ hôm nay chỉ toàn mặc áo thành thị, đau buồn những nỗi tủn mủn của thành thị mà bỏ quên làng quê của mình. Ngay trong Ngày thơ vừa diễn ra tại Hà Nội cũng không "bói" đâu ra một nhà thơ của nông thôn. Người nông dân đang bị văn học bỏ rơi. Họ không tìm thấy bóng dáng mình trong văn học nữa. Ý kiến này thực là xác đáng. Bởi vậy mà ta càng thấy trân trọng những người cầm bút như Phạm Công Trứ. Anh cứ đau đáu về cái làng của mình, về cây gạo, ánh trăng, bờ đê, cô gái mặc áo phông quần bò…
Người nông dân trong thơ Phạm Công Trứ là người nông dân thời hội nhập với nhiều đổi thay không tránh khỏi của đời sống thời kinh tế thị trường. Những đổi thay ít nhiều buồn lòng, ít nhiều tiếc nuối, thậm chí ít nhiều kệch cỡm, nhưng thật khó tránh khỏi. Viết về những đổi thay này, giọng thơ tếu táo, hài hước của Phạm Công Trứ tỏ ra rất… lợi hại. Trong cái vỏ trào lộng ấy, nhà thơ có thể giấu được những xót xa, những hoài cảm của mình. Phạm Công Trứ bày tỏ, anh viết về người nông dân vì họ là hình bóng của anh, của cha mẹ anh. Người nông dân Việt Nam thiệt thòi nhiều, có lúc họ bị bỏ quên cả trong đời sống lẫn trong nghệ thuật. "Ngày xưa có dòng văn học về nông thôn rất rõ. Những Anh Thơ, Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ… đã có thể tạo nên diện mạo của nông thôn. Nhưng hôm nay thì diện mạo nông thôn không còn được rõ ràng, đẹp và có hồn như vậy nữa. Cái hồn quê đã phôi phai đi quá nhiều. Tôi nghĩ rằng có nhiều lý do, nhưng cơ bản là tâm thế người cầm bút hôm nay đã khác đi nhiều rồi. Xu thế hội nhập, quá trình đô thị hóa đã xâm chiếm vào ngòi bút nhà văn.
Trong văn xuôi, không còn những trang văn như bậc thầy Nam Cao đã từng viết. Bây giờ làng quê có Chí Phèo không? Nhiều chứ, nhưng không có nhà văn viết về Chí Phèo như Nam Cao nữa. Mấy năm nay, ngoài "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư, không có gì hay viết về người nông dân cả. Văn học hôm nay không còn mê hoặc được người nông dân nữa. Cái hồn quê như tôi nói, nó phôi phai đi là vì cảnh quê cũng đã mất dần đi. Văn học sinh ra phải có thiên nhiên, môi trường của nó. Giống như văn học Nga, nó đẹp vì thiên nhiên đẹp. Một không gian đặc trưng sẽ luôn có hương vị. Và nó tỏa lên các trang sách. Cảnh trí nông thôn ngày hôm nay không còn ám ảnh người viết nhiều. Nó thay đổi quá".  
Phạm Công Trứ thừa nhận mình tài năng không lớn. Anh cũng không nuôi tham vọng nhiều trong văn chương, dù đó là tình yêu của anh. Nói về tình yêu, anh luận giải: "Trong văn học, tình yêu cũng chính là tài năng, là tài sản của người cầm bút. Rất nhiều tác phẩm lớn sinh ra từ tình yêu. Tình yêu dành cho văn học đó là sự thế chấp, sự hy sinh, sự dám đánh đổi. Tôi chắc rằng những tình yêu như vậy trong nhà văn chúng ta hiện nay không nhiều lắm. Bởi thế, sách xuất bản thì nhiều, khối lượng càng nặng thì giá trị càng nhạt". Rất sòng phẳng, Phạm Công Trứ cho rằng: "Nhà văn bây giờ viết để đăng báo là chính chứ không viết cho lâu dài được. Một số nhà văn trẻ đang nổi danh đấy nhưng tôi cứ có cảm giác họ sẽ không đi xa. Vì vấn đề của văn chương là cái hồn. Văn chương không có hồn thì không vang vọng, không làm người ta đắm đuối được".
Tự nhận xét về mình, Phạm Công Trứ nói đời mình đơn giản và anh cũng không đi ra khỏi những cái "thường tình thế thôi" được: "Mình đi bộ đội, đi học, đi làm báo, lằng nhằng hết cả tuổi trẻ cũng bò lên được chức Trưởng ban Nội chính của báo. 42 tuổi mình mới lấy vợ. Điều ân hận nhất của mình là bố mất rồi vẫn lo cho mình vì chưa lấy vợ. Làm thơ mà sống một mình thì bị nhiều đồn thổi lắm. Lúc chưa có vợ mình cũng bị thiên hạ nghĩ thế này, thế kia nhiều lắm. Còn bây giờ thì vợ con cũng có vẻ "đề huề" như ai. Có điều tuổi đã cao mà con thì còn nhỏ, sức khỏe thì kém đi, lo lắng thì nhiều lên. Bàn về tình yêu trong đời thi sĩ thì tôi nghĩ thế này. Tình yêu cũng như văn chương vậy, lúc trẻ thì đẹp lắm. Lúc trẻ mình nghĩ tình yêu giống như ánh trăng chiếu xuống dòng sông óng ánh vậy. Nhưng rồi khi dòng sông ấy cạn đi, nó nhô ra những mảnh chĩnh, mảnh sành. Nói là mình đã có tình yêu chưa, mình có hạnh phúc không thì tôi không dám chắc. Vì hạnh phúc nó khó định nghĩa lắm. Giống như việc làm thơ cũng vậy thôi. Chúng ta cố mấy cũng không đi quá được cái giời cho. Việc làm thơ không bao giờ cố được. Tôi tự dặn lòng, thôi thì đừng ảo tưởng. Mình là kẻ đến với cánh đồng chữ nghĩa nhọc nhằn này, có bỏ công sức cày cuốc, có yêu, có ý thức rằng yêu là hy sinh, là dấn thân. Nhưng với những thứ trời cho mình, mình vẫn chỉ là người làm đông cho nền văn học này chứ không phải làm đỉnh. Mình chắc chắn không ảo tưởng".
Ảo tưởng, căn bệnh thường gặp ở người cầm bút, nhất là những người cầm bút trẻ, nó cũng có mặt tích cực là làm cho người viết say sưa với chính mình. Phạm Công Trứ đã qua cái ngày say sưa ấy. Anh tỉnh táo, biết mình, không cần khiêm tốn cũng không cần khoa trương. Đúng như thơ anh: thật, không trừu tượng, không hoa lá, không mỹ từ. Thôi thì anh đã chọn một lối để đi. Mà cái lối ấy cũng đã là riêng biệt, khiến người đọc nhận diện được ra mình. Chỉ thế thôi đã là hạnh phúc. Những điều khác có quan trọng gì. Văn chương nếu thực sự là chuyện của trời đất, thì nhà thơ có thể quên tác phẩm của mình đi ngay sau khi nó ra đời. Hãy để thời gian tiếp tục công việc của nó. Và những giá trị thật thì còn mãi.
                                                                                                      Bình Nguyên Trang

Ngoài Nguyễn Du, Nguyễn Bính... Ngày nay nhà thơ thành công với lục bát có: Đồng Đức Bốn (1948-2006, Phạm Công Trứ 1957, Nguyễn Trọng Khơi 1960)

1 nhận xét:

  1. Trước cứ nghĩ tay này trẻ tuổi thư sinh, ai ngờ râu ria, vuông vức!

    Trả lờiXóa