Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

BÚT TRE VÀ TRƯỜNG PHÁI THƠ miền Bắc

"Phong trào làm thơ Bút Tre theo lối “cưỡng từ đổi nghĩa, sửa dấu ép vần” là độc nhất vô nhị của văn học Việt Nam".
Hoan hô đồng chí Bút Tre
Thơ phú ngang phè mà lại hóa hay
Phải chăng trường phái thơ ngây
Làm cho ai cũng mê say thích nghè [nghe]
Ngày nay cuộc sống bộn bề
Nụ cười thuốc bổ: ca vè dân gian
Bởi ai cũng có thể làm

Bút Tre, bút nứa, lại càng bút bi...

       Miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa có nhà thơ Bút Tre, ông tên thật là Đặng Văn Đăng (1911–1987). Không giống với các thi sĩ nổi tiếng của chế độ như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Hoàng Cầm, Xuân Diệu… Bút Tre là người làm thơ theo kiểu dân gian của người miền Bắc thời kháng chiến và hậu kháng chiến.

      Phong cách thơ của Bút Tre vừa độc đáo, vừa sáng tạo, vừa dung tục nhưng lại giàu sức lan tỏa trong dân gian. Cũng vì thế, Bút Tre đã trở thành một trường phái thơ dân gian rất thịnh hành ở miền Bắc và cho đến sau này cũng được nhiều người ở miền Nam biết đến.

      Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đăng (còn có tên gọi là Đặng Văn Quang) quê xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Ông đỗ tú tài triết học dưới thời Pháp thuộc, viết báo dưới bút danh Lục Y Lang (Chàng áo xanh) và sau này, khi tham gia kháng chiến, được kết nạp vào đảng Lao động Việt Nam năm 1946.

      Trước năm 1945, Đặng Văn Đăng làm nghề dạy học và viết báo. Ông đã từng có truyện dài và được đăng nhiều kỳ trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy và báo Đông Pháp.  Ông rất giỏi Anh văn, Pháp văn, am hiểu triết học, chính trị, văn hóa, nghệ thuật và văn thơ. Điều rất ít người biết là ông có một tập Nhật ký thơ gồm 398 bài thơ đường luật rất nghiêm chỉnh. 

      Sau năm 1954, ông làm công tác ngoại giao trong chính phủ Hà Nội với chức danh Bí thư thứ hai tại sứ quán Việt Nam ở Rumani. Năm 1956, ông là thư ký của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm.  Sau đó, ông về làm Trưởng ty (tương đương với chức Giám đốc sở ngày nay) Văn hoá Phú Thọ từ năm 1962 đến 1968.

      Trong thời gian làm Trưởng Ty Văn Hoá tỉnh Phú Thọ, ông là người đề xướng nghiên cứu nhiều vấn đề lớn về văn hoá của đất nước, chẳng hạn như nghiên cứu Văn hoá Hùng Vương.  Ông chính là người đã có công ghi lại (theo kiểu thơ) để lưu truyền câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Giếng lúc về thăm Đền Hùng (ngày 19/9/1954):Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

      Trong thời gian giữ chức trưởng ty văn hóa Phú Thọ, ông Đăng cho in tập Thơ Bút Tre, chủ yếu để lưu hành nội bộ trong ty và tặng thân hữu. Hầu hết thơ trong tập này là nhũng bài hoặc ca ngợi lãnh đạo, hoặc hô hào, cổ động cho các kế hoạch của đảng và nhà nước. Điều đáng nói là tuy mang danh trưởng ty văn hóa nhưng thơ của ông quá bình dân, nhiều bài ngô nghê đến độ buồn cười: 
      Bây giờ đang đứng trưởng ty
      Bút Tre thơ phú tôi thì có sau 
      Cuối cùng xin nhắc một câu
      Văn hóa cơ sở là đầu chúng ta

       
      Bút Tre Đặng Văn Đăng (1911-1987)

      Người ta nhớ đến Bút Tre vì thơ ông gần với thể loại ca dao với cách gieo vần bất ngờ và lối dùng chữ đặc biệt. Một số nhà phê bình văn học lại cho rằng thơ Bút Tre không hẳn là ‘thơ’ hiểu theo nghĩa thông thường. ‘Thơ’ của ông mang dáng dấp những câu ‘vè’ khiến cho lớp người bình dân mỗi khi đọc lên thấy sảng khoái, ý nhị và dung tục. Có người lại miệt thị thơ của Bút Tre và coi đó là loại ‘thơ con cóc’, không thể nào so sánh được với trường phái ‘văn chương bác học’. Dưới đây là bức tranh làng quê qua ngòi bút phác họa của Bút Tre: 
      Làng ta có cái núi voi
      Đủ cả đầu đuôi, đủ cả vòi
      Voi cũng hăng say đua sản xuất
      Đầu thì trồng sắn, đít trồng khoai

      Với ngôn ngữ đặc thù của miền Bắc trong thời kỳ “đi lên xã hội chủ nghĩa”, Bút Tre đã vẽ một bức tranh ‘tăng gia sản xuất’ lồng trong những khẩu hiệu chính trị. Đọc những câu dưới đây người ta không thể không mỉm cười: 
      Bà con toàn thể xã ta
      Ðồng tâm phấn khởi giồng cà dái dê
      Dái dê to mập dài ghê
      Năm sau ta cứ dái dê ta trồng

      Và đây là một buổi học tập chính trị với cách dùng từ ‘sửa dấu, ép vần’ một cách tài tình nhưng cũng pha lẫn chút mỉa mai, dung tục: 
      Hôm qua học tập chính tri [chính trị]
      Cán bộ ngồi ỳ, chẳng chịu phát biêu [phát biểu]
      Cơm ăn chẳng được bao nhiêu
      Đảng ủy lại bắt phát biêu cả buồi [phát biểu cả buổi]

      Hoặc tả cảnh quê hương Phú Thọ của ông với đầy đủ đồi chè, đồi cọ… có đàn bò giống nhập từ Cu Ba lang thang gậm cỏ: 
      Chuối tiêu Phú Thọ nổi tiếng

      Quê Hương thi sĩ Phú Thò [Phú Thọ]
      Chè xanh, cọ biếc, mập to trái chuồi [chuối]
      Lòng còn nhớ mãi cái buồi [buổi]
      Đầu làm phân bắc, chăn nuồi đàn bo [chăn nuôi đàn bò]
      Cu Ba lông mượt giống to
      Cách màng văn hoá đất tô lại càng...

       

      Bút Tre sống dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa nên thơ ông là tấm gương phản chiếu cuộc sống hàng ngày với những sinh hoạt của một xã hội mà đối với người miền Nam hoàn toàn xa lạ. Bốn câu thơ dưới đây mang chút mỉa mai:  
      Thi đua ta quyết thi đua
      Thi đua ta quyết tiến lên hàng đầu
      Hàng đầu rồi biết đi đâu
      Đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi

      hoặc một chút bỡn cợt: 
      Hội trường yên ắng ngủ say
      Thuyết trình vừa dứt… vỗ tay ra về

      Khẩu hiệu ‘Hoan hô…’ cũng là một đề tài thường được nhắc đến trong thơ Bút Tre. Những bài thơ ‘hoan hô’ trong tập Thơ Bút Tre nếu không ngô nghê về cú pháp thì cũng nghèo nàn về ý tứ và lắm khi sai cả niêm luật. Tuy thế, đó là văn chương bình dân.

      Chẳng hạn như sự kiện nhà phi hành vũ trụ Phạm Tuân (sinh năm 1947) tại Thái Bình trở thành người châu Á đầu tiên bay vào không gian năm 1980 trong chương trình Intercosmos của Liên Xô, đã được ‘nhiệt liệt hoan hô’ tại miền Bắc. Phạm Tuân cũng là một trong số ít người nước ngoài được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Bút Tre góp tiếng hoan hô bằng những lời thơ chất phác: 
      Hoan hô đồng chí Phạm Tuân
      Bay vào vũ trụ một tuần về ngay

      Nhà phi hành vũ trụ’ Phạm Tuân

      Trước đó, Liên Xô có con chó Laika là sinh vật đầu tiên được đưa lên vũ trụ và cũng là động vật đầu tiên hy sinh trên quỹ đạo năm 1957. Laika qua đời vài giờ sau khi tàu vũ trụ rời bệ phóng, cái chết được dự đoán là do tình trạng căng thẳng và nhiệt độ tăng cao. Bút Tre cũng có thơ ca tụng chó khi nghe tin qua radio: 
      Hôm nay đài nói vui thay
      Người ở dưới đất, chó bay lên trời

      Đến khi Yuri Alekseievich Gagarin (1934–1968) là người đầu tiên trên thế giới thực hiện chuyến bay vào vũ trụ ngày 12/4/1961 trên tàu vũ trụ Phương Đông. Bằng kỹ thuật ‘sửa dấu, ép vần’, Gagarin biến thành Ga Ga Rỉn nên mới có câu: 
      Liên xô rất đỗi tự hào
      Anh Ga Ga Rỉn bay vào vũ tru [vũ trụ]

      Bóng đá cũng đi vào thơ của Bút Tre. Gheorghe Hagi là một cầu thủ bóng đá Romania, người nước xã hội chủ nghĩa anh em, nổi tiếng với kỹ thuật cá nhân điêu luyện và những cú sút xa rất chính xác: 
      Hoan hô đồng chí Hagi
      Cách ba mươi mét mà ghi được bàn

      Loại thơ ‘Hoan hô…’ còn rất nhiều, từ đồng chí lái tàu Trần Đăng Ấn chạy nhanh như… rùa:  
      Hoan hô! đồng chí Trần Đăng
      Ấn cho tàu chạy băng băng như rùa.

      đến những người cao tuổi tham gia chiến dịch ‘trồng cây nhớ Bác’: 
      Hoan hô các cụ trồng cây
      Mười cây chết chín một cây gật gù.
      Chúng mày có mắt như mù
      Mười cây chết cả gật gù ở đâu?

      Theo lịch sử quân đội nhân dân, “… Anh La Văn Cầu (sinh năm 1932) là một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1952. Anh là người dân tộc Tày, quê tỉnh Cao Bằng. Trong Trận Đông Khê (Chiến dịch biên giới năm 1950), khi đang chỉ huy tổ bộc phá hàng rào để đơn vị tiến công đồn, anh bị thương gẫy nát cánh tay và đã nhờ đồng đội chặt đứt để khỏi vướng, dùng tay trái ôm bọc phá đánh mở đường, tạo thời cơ cho đơn vị đánh chiếm đồn địch”: 
      Hoan hô anh La Văn Cầu
      Cánh tay bị đứt nhưng đầu vẫn nguyên

      hoặc: 
      Hoan hô anh Nguyễn Đình Dề
      Trước là Thổ Phỉ nay về với ta
      Hoan hô anh Nguyễn Văn Ba
      Trước là thổ phỉ nay ta đã về.

      Hầu như bài thơ nào của Bút Tre cũng nghèo nàn về ý, ngô nghê về từ… nhưng đó lại là sự thật, một sự thật pha trộn ý mỉa mai, có vẻ như… cay cú. Trong những bài này, có những câu đã khiến người đọc phải phì cười, chẳng hạn như bài tâng bốc lãnh đạo khi vị này đến thăm Phú Thọ: 
      Bàn tay Người vẩy muôn dòng mắt theo
      Bên đường Người nhẩy cây reo…

      Rồi đến những câu ca ngợi Tướng Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương Hà Nội vào đầu thập niên 60: 
      Anh đi đồng ruộng lắng nghe
      Lúa mừng phân bắc, khoai che mảnh vườn

      Hai câu trên là của Bút Tre nhưng hai câu dưới đây chắc chắn không do Bút Tre chấp bút nhưng được sáng tác theo ‘trường phái’ của ông: 
      Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh
      Về đây phân bắc, phân xanh đầy nhà

      Đến khi đặt bút tung hô tướng Võ Nguyên Giáp, Bút Tre muốn nói “Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thắng trận Điện Biên trở về”. Tuy nhiên, sự bó buộc của luật thơ lục bát khiến ông phải cắt tên ông Giáp, đặt vào hai câu riêng rẽ. Người đọc không khỏi liên tưởng đến một lời châm chọc xách mé: 
      Hoan hô đại tướng Võ Nguyên
      Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về

      Nhà nghiên cứu văn học Ngô Quang Nam viết rằng “… Duy nhất có anh Giáp của chúng ta có được hai từ rất đắt, nó quí giá như tấm huân chương của Văn hóa dân gian trao cho Đại Tướng vậy”.

      “Bút Tre, thơ và giai thoại” của Ngô Quang Nam

      Thật là hết chỗ nói! Người làm văn hóa nghĩ sao khi một nhà thơ có chữ nghĩa như Bút Tre, nổi máu tếu, cắt tên Võ Nguyên Giáp ra làm hai, nửa trên câu lục, nửa dúi xuống câu bát mà lại được khen nức nở như thế? Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã trải qua những năm tháng thất sủng. Ông có thời gian đặc trách kế hoạch hạn chế sinh đẻ. Thơ dân gian Bút Tre ghi lại: 
      Hoan Hô Đại Tướng Võ Nguyên,
      Giáp ta triệt sản chị em ... quần hồng

      Chị em nô nức đặt vòng hoa trên mộ liệt sĩ để tỏ lòng biết ơn đến khi được diễn tả bằng một câu lục bát với kỹ thuật ‘cố ý ngắt từ’ đã trở thành một câu cổ súy cho việc ‘đặt vòng’ qua chương trình kế hoạch hóa gia đình:
       Chị em nô nức đặt vòng
      Hoa mồ liệt sĩ tỏ lòng biết ơn

      Cũng với lối xuống dòng ngang xương một cách cố tình, người đọc không khỏi bật cười với cảnh chơi cầu lông:
       Chị em mặc váy đánh cầu
      Lông bay phơ phất trên đầu các anh

      Phong cách ‘cắt tên, xuống dòng’ xuất hiện khá nhiều trong thơ Bút Tre và cả trong trường phái Bút Tre sau này. 
      Anh đi công tác Pơ-Lây-
      Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra? [Pleiku]
      Còn em, em vẫn ở nhà
      Cửa mình em mở người ra kẻ vào

      Niêm luật lục bát không cho phép một câu dài quá 8 chữ nên tác giả thay vì viết ‘cửa nhà mình’ đành phải rút gọn thành cửa mình… Cũng vì lý do đó, ta lại gặp ‘cửa mình’ trong hai câu: 
      Chị em du kích tài thay
      Bắn tàu bay Mỹ rơi ngay cửa… mình

      Lại nữa, tỉnh Bắc Ninh có Nguyễn Trùng Dương đã giành chức vô địch đô vật trong lễ hội xuân được Bút Tre ca tụng: 
      Bắc Ninh có cậu Nguyễn Trùng
      Dương vật khỏe quá cả vùng thất kinh

      Hết nước nói. Trong thơ Bút tre có đủ cả cửa mình lẫn dương vật, những ngôn từ dung tục đã đi lạc vào thơ. Thế mới gọi là ‘chữ nghĩa’ bình dân, chữ thì tục nhưng nghĩa lại thanh!

      Bút Tre khi còn đương chức.

      Rất nhiều địa danh từ Bắc xuống đến Nam đã được nhắc đến trong thơ Bút Tre nguyên thủy cũng như thơ Bút Tre cải biên. Tại tỉnh Lai Châu thuộc vùng biên giới Việt-Trung có huyện Mường Tè nằm ở phía Tây Bắc, giáp tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Phía Tây và phía Nam huyện Mường Tè giáp huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên. Phía Đông Mường Tè là huyện Sìn Hồ: 
      Anh đi công tác bản Mường
      xong một cái lên đường về quê

      Sông Lô là phụ lưu tả ngạn của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào Việt Nam tại xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Điểm cuối là ngã ba Việt Trì, còn gọi là ngã ba Hạc. Sông Lô ‘anh hùng’ là địa danh nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Pháp qua Trường ca sông Lô của Văn Cao và Tiếng hát sông Lô của Phạm Duy: 
      Chồng người du kích sông Lô
      Chồng em ngồi bếp nướng ngô cháy quần

      Lại nói về danh lam thắng cảnh, Tam Đảo là một dãy núi đá ở vùng Đông Bắc, nằm trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Gọi là Tam Đảo, vì ở đây có ba ngọn núi cao nhô lên trên biển mây, đó là Thạch Bàn, Thiên Thị và Máng Chỉ. 
      Không đi không biết Tam Đao [Tam Đảo]
      Đi thì không biết chỗ nào mà ngu [ngủ]
      Một giường nó nhét hai cu [cụ]
      Thôi thì cố nhịn đến chu nhật về… [chủ nhật]

      Tại Hải Phòng có bãi biển Đồ Sơn là một quận cách trung tâm thành phố khoảng 20 km về hướng đông nam. Đồ Sơn có một khu nghỉ mát gồm nhiều bãi biển có phong cảnh đẹp ở miền bắc Việt Nam. Bút Tre chơi chữ Đồ Sơn và… đồ nhà: 
      Chưa đi chưa biết Ðồ Sơn
      Ði về mới biết chẳng hơn đồ nhà
      Ðồ nhà tuy xấu tuy già
      Nhưng là đồ thật hơn là đồ sơn
      Tỉnh Hà Tĩnh có kẹo Cu Đơ là một loại kẹo lạc (đậu phộng). Kẹo được nấu từ mật mía, đường, mạch nha, gừng có thêm lạc nhân và được đổ vào hai miếng bánh tráng ép lại.
      Cái tên Cu Đơ được cho là xuất phát từ xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, nơi có người đầu tiên làm loại kẹo này. Vốn dĩ kẹo Cu Đơ ban đầu chỉ được gọi đơn giản là kẹo lạc, nhưng được dân gian hay gọi là kẹo Cu Hai để ghi danh người làm ra nó, vốn là một người cha có hai con trai (cu hai). Cái tên Cu Đơ như hiện nay bắt nguồn từ tiếng Pháp Deux (đọc là đơ) có nghĩa là hai.
      Chưa ăn chưa biết Cu đơ
      Ăn rồi mới biết nó đờ cu ra
      Kẹo ‘cu đơ’, đặc sản Hà Tĩnh

      Tỉnh Nghệ An chịu ảnh hưởng của gió Lào nên: 
      Nghệ An nổi tiếng gió Lào
      Trẻ già trai gái người nào cũng đen

      Cửa Lò là một thị xã thuộc phía đông tỉnh Nghệ An, nổi tiếng với bãi biển, khu nghỉ mát và cảng biển sầm uất. Cửa Lò lớn lắm nhưng vẫn chưa to bằng cửa…: 
      Chưa đi chưa biết Cửa Lò
      Đi về mới biết nó to thế này

      Xuôi về Nam ta cũng bắt gặp một số địa danh. Thị xã Phan Thiết là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận. Phan Thiết nằm trên quốc lộ 1A, cách Sài Gòn 198 km, vốn nổi tiếng về nước mắm: 
      Nhớ nhung về thị xã Phan
      Thiết tha mơ tưởng cô hàng nước măm [nước mắm]

      Ban Mê Thuột vốn là thủ phủ của miền cao nguyên cũng được Bút Tre để mắt đến: 
      Anh đi anh ghé Buôn Mê
      Thuột xong một cái thì về với em

      Bài lục bát dưới đây về Sài Gòn ngày 30/4/1975, chắc chắn không phải của Bút Tre, nhưng thuộc về trường phái Bút Tre: 
      Hôm nay giải phóng Sài Gòn
      Bà con phấn khởi chạy bon ra đường
      Có cô đang ngủ trên giường
      Vội vàng tỉnh dậy, bị thường vào tày [bị thương vào tay]
      Ô tô cấp cứu đến ngay
      Ðưa vào bệnh viện ba ngày thì khoi… [khỏi]

      Cách Sài Gòn khoảng 50km có Cần Giờ là một huyện ven biển nằm ở phía đông nam. Huyện Cần Giờ tiếp cận với biển Đông có một khu rừng ngập mặn đan xen với hệ thống sông rạch dày đặc chứa đựng các hệ sinh thái mang tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động thực vật đặc hữu của miền duyên hải Việt Nam. 
      Chưa đi chưa biết Cần Giờ
      Đi rồi mới biết họ không cần gì

      Thơ Bút Tre còn vói tới các nước lân cận với Việt Nam như Lào và Campuchia. Một cán bộ tham nhũng bị ở tù khi đi công tác tại Cămpuchia:
      Anh đi công tác Cam Pu
      Chia chiến lợi phẩm ở tù ba năm

       
      Bút Tre về hưu bên các cháu nội

      Loại thơ theo kiểu ‘con cóc nhảy ra, con cóc nhảy vô’ khá phổ biến trong văn chương bình dân Việt Nam. Ở miền Nam có dạng thơ ‘lẩy’ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu như: 
      Vân Tiên cõng mẹ trở ra
      Đụng phải cột nhà cõng mẹ trở vô
      Vân Tiên cõng mẹ trở vô
      Đụng phải cái bồ cõng mẹ trở ra…

      Trong thơ Bút Tre và trường phái Bút Tre, người ta cũng bắt gặp rất nhiều hình ảnh ‘đi vào, đi ra’: 
      Ở trong hang đá đi ra
      Vươn vai một cái rồi ta đi vào

      Hôm nay mồng tám tháng ba
      Chị em phụ nữ đi ra đi vào
      Anh em thấy vẫy tay chào
      Chị em phấn khởi đi vào đi ra …

      Rộng lớn như thể nước Nga
      Người ta không cấm thụt ra thụt vào
      Nhỏ bé như thể nước Lào
      Cũng không có cấm thụt vào thụt ra
      Chỉ riêng có Việt Nam ta
      Đâu đâu cũng cấm thụt ra thụt vào.

      Trăm năm trong cõi người ta
      Ai ai cũng phải hít ra thở vào
      Trăm năm trong cõi người nào
      Ai ai cũng phải hít vào thở ra
      Xa xa như nước Cu-Ba
      Người ta còn phải hít ra thở vào
      Gần gần như cái nước Lào
      Người ta cũng phải hít vào thở ra
      Nói chung trong cõi người ta
      Bắt buộc là phải thở ra hít vào.

      Chân dung Bút Tre của họa sĩ Trần Văn Cẩn

      Bút Tre dí dỏm cho rằng “… loại thơ đứng đắn là thơ nghiêm còn loại thơ tếu là thơ nghỉ”. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, không ít những bài thơ nghiêm được viết để ca tụng nhưng Bút Tre lại có hai câu thơ nghỉ viết theo kiểu ‘huề vốn’: 
      Bỗng nghe tin sét đánh ngang
      Bác Hồ đang sống, chuyển sang từ trần.

      Chính nhà văn Nguyễn Tuân cũng đã nhắc nhở giới lãnh đạo văn nghệ Vĩnh Phú và Hội Nhà Văn cần phải nghiên cứu nghiêm túc về hiện tượng thơ Bút Tre, vì tác giả của nó, một người có học vấn, không thể vô tình khi hạ bút viết những câu thơ tưởng như ngô ngê, ngớ ngẩn kia.

      Chưa nghe ai nghiên cứu và cũng chưa ai nhắc tới câu hỏi của Nguyễn Tuân. Trước đây nhà văn Kim Ngọc đã khen ngợi Bút Tre ‘dẫn xướng sự đổi mới’, lập tức bị bọn ‘lãnh đạo văn hóa’ bâu vào phê bình, kiểm điểm. Bây giờ người ta lại không hết lời ca tụng ông, Quốc Hội trao huân chương cho ông.

      Bút Tre có tên trong Tự Điển Văn Hóa (NXB Văn Hóa, năm 1993, trang 49). Ông được coi là ‘tấm lòng thơ của một cán bộ văn hóa(Lê Huy Ngọ), ‘xứng đáng với danh hiệu nhà thơ dân gian(Nguyễn Hữu Nhân),ông là nhà văn hóa mà dòng đời của ông đắm mình trong dòng văn hóa dân gian’ (Ngô Quang Nam).

      Có người lại nói ông Đặng Văn Đăng vốn là dân tập kết từ miền Nam ra Bắc, quê ông ở Bến Tre nên mới lấy bút hiệu Bút Tre (!). Có lẽ vì quá ngưỡng mộ tài làm thơ của ông nên mới có trường hợp ‘nhận vơ’ như vậy. Tuy nhiên, nếu Bút Tre là người miền Nam thật thì hai câu thơ cổ động bầu cử tự do của ông lại càng thâm thúy: 
      Ta đi bầu cử tự do
      Chọn người xứng đáng mà cho vào hòm

      Người miền Bắc dùng chữ hòm để chỉ cái thùng, cái hộp trong khi đó ở miền Nam hòm lại là quan tài dành cho người chết. Thế cho nên, chọn người xứng đáng mà cho vào hòm hiểu theo người miền Nam thì… hết nước nói!

       
      Có thể nói, phong trào làm thơ Bút Tre theo lối “cưỡng từ đổi nghĩa, sửa dấu ép vần” là độc nhất vô nhị của văn học Việt Nam. Cốt lõi của dòng thơ là tính trào phúng và chất dung tục. Khi thì tục lồ lộ, khi thì tục mà thanh, khi thì thanh mà tục… đáp ứng được thị hiếu của người đọc cần những nụ cười sảng khoái để quên đi những khoảnh khắc lầm than. 
      Tuy nhiên, có điều người làm thơ Bút Tre cần ghi nhớ: 
      Làm thơ nên tránh vần ồn
      Kẻo không lại đụng cái … chị em!





      Đọc thêm:
      Năm 1968, Bút Tre là phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ. Năm 1970, nghỉ hưu.
      Bút Tre mất ngày 18/5/1987 trong cảnh thanh bần tại quê nhà. Ngoài những tác phẩm đã công bố ông còn để lại hơn nghìn trang bản thảo chưa kịp xuất bản. 


      Tôi dặn, tiễn tôi tới suối vàng
      Thưa kèn, giảm trống, chẳng đò ngang
      Dứt đường Tây Trúc, kinh thôi tụng
      Buông sách Thọ Mai, lễ chẳng màng
      Xã hội, cơ quan ngừng phúng viếng
      Họ hàng thân thuộc chút khăn tang
      Hương thơm, đèn sáng, vòng hoa trắng


      Trầm mặc, cử hành đám lễ tang.


      Nhiều người Việt, dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới tự dưng đều thuộc dăm ba câu thơ Bút Tre, thuộc mà không biết vì sao mình thuộc...

      Bút Tre và phong cách thơ Bút Tre:
      Con đò dịch đít sang ngang
      Bên kia có một cái làng thò ra

      Chợ Đồng Xuân có tiếng đồn
      Có chị bán trứng vịt lồn [lộn] rất to 


      Tiễn anh lên bến ô tô
      Đêm về em khóc ... tồ tồ cả đêm"


      Phụ nữ thường rất hay lười
      Riêng em anh thấy là người cần... cu [cần cù]


      Ngọt ngào bóc múi em ra
      Mời nhau cặp bưởi, chút quà Hùng Đoan


      Bác Hồ quả thật có kinh
      Nghiệm trong sử sách có mình bác thôi

      Hôm nay về viện Bảo Tàng
      Cũng là công tác cách màng [mạng] giao cho


      Bốn ông chung một đĩa lòng
      Lợn ngồi chễm chệ bên thùng bia hơi

      Mời anh vào quán Kara
      O.K. em đã mở ra sẵn sàng

      Hôm nay trên quốc lộ hai
      Thể nào cũng có một vài… ô tô (!)


      Trên đường xe chạy bon bon
      Nhìn bông lúa chín hạt tròn hạt vuông (!)


      Con mèo đánh đổ cái bô
      Sau đây liên khúc đít-cô (disco) bắt đầu.

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét