Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

DƯƠNG TRUNG QUỐC GIẢI THÍCH VỀ LÝ DO "KHÔNG BẤM NÚT"


clip_image002

Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Một Thế Giới về quyết định ấn nút “không biểu quyết” thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ngày 28.11, ĐB Dương Trung Quốc cho biết: “Tôi không có sự lựa chọn nào khác giữa “tán thành" và “không tán thành”.

– Được biết, ông là một trong hai đại biểu không biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sáng 28.11 tại Quốc hội, ông có thể chia sẻ thêm lý do ông lại không biểu quyết?

Bỏ phiếu “không biểu quyết” tôi muốn thể hiện quan điểm của “một bộ phận nhân dân vẫn còn một số ý kiến khác với một số nội dung của Hiến pháp” mà Chủ tịch Quốc hội đã nêu trong lời mở đầu phiên họp. Tôi đánh giá cao thái độ tôn trọng đối với những người có ý kiến khác biệt mà ông Chủ tịch Quốc hội đã thể hiện trong  phát biểu của mình.

– Nếu chưa thực sự hài lòng về Hiến pháp, tại sao nút bấm không phải là "Không tán thành" mà lại là "Không biểu quyết"? Có phải điều mà ĐB Bùi Thị An phát biểu trước đó: "Không bấm nút thì không được mà bấm nút thì áy náy” là có thật nên ông đã chọn không bấm nút?

Áy náy” chỉ là một cách nói. “Không biểu quyết” là cách ứng xử khi không có sự lựa chọn nào khác giữa “tán thành” và “không tán thành”, nói cách khác là chưa thoả mãn cho một sự tán thành, nhất là với một vấn đề hệ trọng như Hiến pháp.

– Điều gì mà ông vẫn còn đang "lăn tăn" về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này?

Hiến pháp là một văn kiện được coi là Bộ luật Mẹ, luật gốc định hướng cho sự phát triển bền vững và lâu dài của một quốc gia, dân tộc. Nhiều quốc gia, Hiến pháp có sức sống tồn tại hàng trăm năm nhờ những định hướng có mục tiêu lâu dài.

Ở nước ta, trừ Hiến pháp 1946 mang giá trị “lập quốc” với sự lựa chọn thể chế “Dân chủ - Cộng hoà” đã đặt nền tảng cho một tiến trình phát triển lâu dài. Nhưng dường như do những biến động quá khắc nghiệt của chiến tranh, lại chịu tác động chính trị quốc tế khiến Hiến pháp của chúng ta luôn phải thay đổi “ứng biến theo thời cuộc” để rồi đến nay chỉ còn là ý chí của Đảng cầm quyền (ý Đảng lòng dân), trở thành văn bản nhằm “thể chế hóa cương lĩnh chính trị” của Đảng trong một thời kỳ lịch sử. Với bản Hiến pháp sửa đổi lần này là “cương lĩnh thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Cái khiến tôi băn khoăn là trong lịch sử lập hiến của nước ta, đây là lần đầu tiên trong lời nói đầu của Hiến pháp viết thẳng quan niệm Hiến pháp chỉ là “thể chế hoá cương lĩnh” của Đảng và kế thừa những Hiến pháp có trước. Và cũng vì thế, nhiều vấn đề mà quá trình thảo luận trong quá trình sửa đổi Hiến pháp còn chưa ngã ngũ thì cái nguyên tắc “thể chế hóa" khiến mọi sửa đổi không thể vượt qua những quy định của Cương lĩnh tựa như “kỵ húy”, ví như các vấn đề sở hữu, vị thế của kinh tế nhà nước... 

Đó là chưa kể tới những vấn đề liên quan đến hệ thống chính quyền địa phương, chính quyền đô thị, hội đồng nhân dân các cấp quá trình thảo luận còn chưa rõ ràng thì thời hạn phải thông qua khiến cho có nhiều nội dung chưa thật rõ ràng trong một văn kiện quan trọng như Hiến pháp... thì làm sao không “áy náy".

– Trong quá trình thảo luận tại Quốc hội, ĐB Trương Trọng Nghĩa đã phát biểu: "Hậu thế sẽ đánh giá Quốc hội khóa XIII khi thúc đẩy hay cản trở sự phát triển của lịch sử dân tộc". Bản Dự thảo Hiến pháp chưa khiến ông hài lòng, vậy theo ý kiến của ông, bản Hiến pháp 1992 sửa đổi lần này có làm chậm lại sự phát triển của dân tộc như ĐB Nghĩa đã lo lắng trước đó không?

Ý kiến của luật sư Trương Trọng Nghĩa là nói thay cho tôi và chắc cũng của nhiều người khác.

Trước đó, ông có kiến nghị gì với Quốc hội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này không? Ví dụ như nếu chưa thảo luận thấu đáo thì nên dành thêm cho nó một thời gian nữa để biểu quyết vẫn chưa muộn chẳng hạn?

Tôi là người được Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp 1992 mời tham gia một số công việc cụ thể và tham gia các hoạt động của Ủy ban. Vì thế, với công việc của một đại biểu QH, tham gia các hoạt động của cơ quan biên soạn và biên tập tôi có thể nói rằng lần Sửa đổi này  không chỉ diễn ra trong một thời gian dài (hơn 2 năm), huy động đông đảo những nguồn lực trí tuệ xã hội, đương nhiên cũng tốn kém tài lực... tạo ra mối quan tâm xã hội như một cuộc vận động nhận thức chính trị rộng lớn chưa từng có.

Trong bối cảnh ấy, tôi cũng có rất nhiều cơ hội để thể hiện quan điểm, đưa ra những kiến nghị cụ thể trong những phiên thảo luận ở Quốc hội, các cuộc hội thảo, các cuộc họp của Ủy ban sửa đổi và các văn bản kiến nghị cá nhân hay chuyển các ý kiến đóng góp của cử tri, v.v.

Tôi ghi nhận là những ý kiến của mình luôn được xử lý nghiêm túc, có cái được ghi nhận, có cái không được chấp nhận và đều được trả lời rõ ràng. Tôi cũng nhận thấy tính nghiêm túc trong quá trình thảo luận, xử lý các ý kiến khác nhau, nỗ lực tiếp cận những ý kiến khác biệt... của những người có trách nhiệm trong quá trình sửa đổi, không khí trong thảo luận là dân chủ, không giới hạn...

Đã có lúc Ủy ban đã đưa ra một Dự thảo mà theo đánh giá của riêng tôi là rất “cấp tiến” hiểu theo nghĩa là rút ngắn nhất những khoảng cách khác biệt, kể cả những vấn đề mà mọi người đều quan tâm như sự lựa chọn liên quan đến “quốc hiệu” (Dân chủ Cộng hòa hay Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa). Nhưng rất tiếc là những thay đổi cuối cùng để trình ra bản dự thảo để Quốc hội thông qua thì đã có nhiều “điều chỉnh” lại để tránh những gì bị coi là không phù hợp với Cương lĩnh.

Cũng có ý kiến cho rằng cần có thêm thời gian làm rõ và hoàn thiện dự thảo. Nhưng mọi người đều biết rằng công việc sửa đổi Hiến pháp đã khởi động từ tháng 8.2011 đến nay cũng là một thời gian không ngắn, với cơ chế này thì có kéo dài thảo luận nữa cũng chẳng làm thay đổi được.

...Có thể trong một bộ phận nhân dân (trong đó có tôi) cho rằng sau 20 năm phát huy của Hiến pháp 1992 (đã có một lần sửa) những trải nghiệm của công cuộc Đổi mới, nhất là Hội nhập đã bộc lộ những bất cập... Một kiến nghị cuối cùng được viết thành văn bản sau lần thảo luận cuối cùng ở Quốc hội trước ngày “bấm nút” tôi đã nêu rõ quan điểm của mình về việc lời nói đầu Hiến pháp viết thẳng ra rằng “Thể chế hóa Cương lĩnh” là nguyên lý đầu tiên (tiếp theo mới là kế thừa các Hiến pháp trước đó) liệu có phải là một bước tiến trong nhận thức về lập hiến hay không? Tôi cũng đề nghị phải đặt việc “ứng phó với biến đổi khí hậu” ở vị thế hệ trọng hơn tương xứng với tầm quan trọng như một nhân tố tác động lâu dài và khắc nghiệt đối với tương lai của dân tộc ta. Những đề nghị ấy đều có hồi âm nhưng vẫn đề nghị “giữ nguyên như dự thảo”.

Tại sao ông lại vẫn biểu quyết thông qua Nghị quyết về thực hiện HP ngay sau đó chỉ vài chục phút?

Khi thông qua tôi đã “không biểu quyết” nhưng với nghị quyết của Quốc hội sau khi đã được tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội thông qua thì việc tán thành của tôi là lẽ đương nhiên. Không chỉ là “thiểu số phục tùng đa số” mà là trách nhiệm đối với cử tri. Vả lại cũng cần đánh giá rằng, tuy có thể “một bộ phận” chưa thoả mãn nhưng Hiến pháp sửa đổi lần này cũng chứa đựng rất nhiều những sửa đổi rất tích cực trên nhiều lĩnh vực liên quan đến quyền của dân và sự phát triển của đất nước. 

Sau cuộc biểu quyết, đại biểu Trương Trọng Nghĩa khi trao đổi với tôi rằng chỉ cần thực hiện nghiêm túc những gì đã viết trong Hiến pháp sửa đổi này thì cũng đã tạo ra rất nhiều thay đổi tích cực cho dân, cho nước rồi. Bây giờ là lúc Quốc hội phải thực hiện quyền giám sát hành pháp và nâng cao năng lực lập pháp để bản Hiến pháp sửa đổi này “đi vào cuộc sống”. 

Dẫu sao đây mới là Sửa đổi Hiến pháp 1992, cũng có nghĩa là Hiến pháp 1992 đã  vượt kỷ lục “tuổi thọ” so với các Hiến pháp 1946, 1959, và 1980 nhờ đó luôn được “sửa đổi” và ai cũng biết rằng thời kỳ quá độ sẽ rất dài lâu như dự báo của các nhà lãnh đạo, cho nên có lẽ sẽ có nhiều lần sửa đổi tiếp theo khi thực tiễn đòi hỏi. Phải chăng đó cũng là một nét riêng trong việc Lập Hiến ở nước ta?!
Tuấn Ngọc (thực hiện)

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

TRÓT ĐÃ KHẮC TRONG TIM
Bao giờ lại giống với ngày xưa
Trò đến thăm thầy vui háo hức
Đèo nhau í ới nói cười đùa
Bối rối đứng ngồi không nhớ chúc.

Bây giờ hoa đẹp, gói vuông xinh
Trôi chảy thưa thầy lời ý đủ
Nên cứ nghe như chẳng với mình
Tan biến sau cười từng câu chữ.

Mong giống ngày này như x­­­ưa quá
Mộc mạc, đơn sơ đậm nghĩa tình
Khó thế, dấn thân nghề cao cả
Chữ thầy trót đã khắc trong tim... 
                           19-11-2013



MỘT NGÀY
Bình thường như mọi ngày qua
Đêm dần cũng nốt để là ngày mai
Mà như lặng lẽ rông dài
Đầu đông se lạnh phôi phai một ngày
Cứ như không phải ngày thầy
Có khi chả phải là ngày hôm nay.
Cửa ngoài gió thổi lá bay
Lửng lơ tâm tưởng không này chẳng kia
Sáng chiều không rõ phân chia
Bây giờ đến lúc đêm khuya rã rời
Một ngày không phải cho tôi
Nhiều năm, lại đến và rồi lại qua.
                                 
  20-11-2013

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

THÂN PHẬN NGƯỜI THẦY

Người thầy ngày xưa sống với nghề, được xã hội trọng vọng, có quyền hành và có tự do trong việc tổ chức giảng dạy và đánh giá học sinh của mình. Còn người thầy ngày nay trong xã hội ta thì sao?
người thầy, giáo viên, 20/11
Chân dung người thầy hiện nay
Người thầy ngày nay nhất là đối với giáo viên phổ thông thực sự là một người “thợ dạy” nghèo về vật chất, vất vả áp lực trong công việc, thiếu tự do và quyền hạn trong chuyên môn, và do đó, cũng chẳng phong phú gì về mặt tinh thần.
Trước hết là chuyện cơm áo gạo tiền. Theo kết quả đề tài khoa học cấp Nhà nước do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, làm chủ nhiệm cho thấy: “Thu nhập bình quân từ lương và các phụ cấp theo lương trong khoảng từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Tính theo năm công tác thì lương giáo viên sau 13 năm từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng, sau 25 năm từ 4,1 đến 4,7 triệu đồng/tháng. GV mới ra trường ở cả 3 cấp học nhận mức lương trên dưới 2 triệu đồng/ tháng. Với số lượng GV như hiện nay, theo tính toán của đề tài, chỉ khoảng 50% GV các cấp có thâm niên dạy học từ 13 năm trở lên và được hưởng mức lương bình quân, 50% còn lại được hưởng dưới mức lương bình quân”1.
Cả hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam hiện nay tựa như một trường đua mà đích đến là đủ thứ danh hiệu gắn liền với cá nhân với tập thể.
Lương của giáo viên như thế, trong khi vật giá đắt đỏ, các thầy cô cứ phải sống tằn tiện qua ngày. Nếu hai vợ chồng cùng là giáo viên, nuôi hai đứa con ăn học, thì kể là đói. Có thực mới vực được đạo, bụng mà còn đói thì khó có thể nói chuyện lý tưởng “trồng người”, tiêu cực dạy thêm học thêm, mua bán, trao đổi điểm chác cũng từ đây mà ra, làm nền giáo dục đi xuống, làm hình ảnh người thầy nhếch nhác trong mắt học trò và xã hội.
Về thời gian, trước đây tuy vẫn thiếu thốn, nhưng người giáo viên còn thong dong về mặt thời gian vì họ chỉ dạy một buổi, nay đa số trường dạy hai buổi một ngày, nên họ phải có mặt ở trường từ sáng sớm đến chiều, về tới nhà lại còn phải lo chuyện gia đình, con cái, rồi bao nhiêu chuyện không tên như soạn giáo án, làm sổ sách, vv. Ngày này qua ngày khác làm họ mệt mỏi, những người có lý tưởng khi mới vào nghề vì vậy cũng phai nhạt dần.
Người thầy bị giao phó đủ thứ nhưng lại chẳng có quyền hành gì trong công việc. Các đề thi các kỳ kiểm tra trong năm đều do phòng và sở giáo dục ra. Nghĩa là giáo viên cứ dạy theo những gì có sẵn, nhưng ai đó bên trên họ lại là người giữ quyền đánh giá học sinh của họ.
Chuyện thiếu thời gian, thu nhập ở trên đã là vấn đề, thì chuyện áp lực trong nghề nghiệp là vấn đề trầm trọng, thường trực đối với người thầy hiện nay. Nhiều giáo viên nói với tôi là họ bị căng thẳng thường trực vì luôn chịu áp lực. Căng thẳng vì phải luôn lo đối phó với các đoàn thanh tra, kiểm tra từ Bộ, từ sở, từ phòng và từ ban giám hiệu trường. Có những đợt thanh tra, dự giờ có báo trước, nhưng cũng có nhiều lúc không báo trước. Để đối phó với các đoàn thanh tra, giáo viên nhiều lúc phải bố trí cho học sinh đóng kịch, tạo ra các giờ học “chất lượng” giả tạo, không phản ánh đúng chất lượng thật, không tốt gì cho học sinh và cho cả xã hội.
Người thầy còn chịu áp lực vì bệnh thành tích, hệ quả của cách quản lý giáo dục kiểu “thi đua khen thưởng”. Cả hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam hiện nay tựa như một trường đua mà đích đến là đủ thứ danh hiệu gắn liền với cá nhân với tập thể. Người ta nhắc lên đặt xuống các cán bộ quản lý, các giáo viên và cả học sinh đều dựa chủ yếu trên các thành tích thi đua khen thưởng này. Sự hơn thua trong các cuộc đua được đánh giá thông qua các thành tích điểm số bên ngoài. Vì phải đua, nhà trường khoán cho giáo viên làm sao đó để cuối kỳ, cuối năm, phải đạt bao nhiêu học sinh khá, giỏi, xuất sắc nhằm có được những con số đẹp trong các báo cáo. Ngoài chuyện này, hệ thống còn tổ chức vô số các cuộc đua khác, một người bạn giáo viên tiểu học viết thư cho tôi kể: “bọn mình dạy tiểu học đến trường ngày 2 buổi cho đến hết tuần. Tối về lại bao nhiêu việc không tên khác như làm báo cáo, soạn bài, làm các chuyên đề để lên lớp và ôn luyện cho các cuộc thi: Thi quản lí giỏi, giáo viên dạy giỏi các cấp, thi khảo sát chất lượng quản lí và giáo viên, hội thi hát dân ca, thi đàn piano, thi luật an toàn giao thông….Tháng 1 này (2013) chúng mình đếm có đến 6 cuộc thi quan trọng. Nghe thầy Hiệu trưởng công bố chúng mình hồn vía lên mây xanh cả, cảm thấy áp lực vô cùng”.
Người thầy bị giao phó đủ thứ nhưng lại chẳng có quyền hành gì trong công việc. Các đề thi các kỳ kiểm tra trong năm đều do phòng và sở giáo dục ra. Nghĩa là giáo viên cứ dạy theo những gì có sẵn, nhưng ai đó bên trên họ lại là người giữ quyền đánh giá học sinh của họ. Không có quyền gì, nhưng họ lại là người phải chịu trách nhiệm nếu như học sinh mình không đỗ đạt cao. Kiểu tổ chức thi cử đánh giá này thể hiện sự không tin tưởng và tôn trọng người thầy, đặt cả thầy và trò vào thế bị động, buộc họ phải đối phó một cách căng thẳng và tiêu cực. Với cách làm này, chúng ta hoàn toàn dễ hiểu tại sao giáo viên sẵn sàng dạy “văn mẫu” cho học sinh, vì chỉ làm như vậy mới có thể đối phó với các đề thi áp đặt từ trên xuống.
...

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

NGUYÊN NHÂN ĐẢNG CS LIÊN XÔ TAN RÃ

2. Đảng Cộng sản Liên Xô đã tha hóa, biến chất như thế nào?
Sơ bộ có thể nêu ra một số biểu hiện lớn sau đây:
- Một là, Đảng Cộng sản Liên Xô đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Đi liền với nó là các bệnh tật: độc đoán, chuyên quyền, không chấp nhận những ý kiến khác với mình; coi thường tập thể, coi thường cấp dưới, tự cho mọi ý kiến của mình là chân lý buộc mọi người phải tuân theo, coi những ai có ý kiến ngược lại là chống đối, thậm chí là thù địch, khi cần thiết bảo vệ "cái uy" của mình, họ sẵn sàng đối xử với đồng chí, đồng đội như đối với kẻ thù. Kết quả là trong sinh hoạt, đảng mất hết sinh khí, mất hết tính chiến đấu. Sinh hoạt đảng trở nên tẻ nhạt, khô cứng, độc thoại một chiều. Trong điều kiện đó nhiều đảng viên trung kiên, trong sáng không được trọng dụng, cố nín nhịn để tồn tại, những kẻ cơ hội, nịnh bợ có điều kiện được thăng tiến.
- Hai là, Bộ Chính trị, BCHTƯ Đảng Cộng sản Liên Xô đã quan liêu xa rời thực tiễn, để mất quan hệ máu thịt giữa Đảng CSLX với nhân dân Liên Xô. Tệ quan liêu làm cho những người lãnh đạo các cấp của Đảng CSLX xa rời thực tế, không có hiểu biết đúng đắn hiện trạng xã hội mà mình đang lãnh đạo, quản lý. Họ thờ ơ trước những nguyện vọng chính đáng của quần chúng, thậm chí không có rung động, phản ứng trước những nỗi thống khổ, oan ức của một bộ phận quần chúng nhân dân, trong đó có cả một bộ phận đảng viên, cán bộ cấp dưới.
- Ba là, những suy thoái về đạo đức, lối sống của một số lãnh đạo cấp cao giữ vai trò chủ chốt với những biểu hiện nổi bật: Sống ích kỷ, đặt lợi ích của bản thân, gia đình và người thân lên trên lợi ích của Đảng, của nhân dân; cục bộ địa phương, kéo bè kéo cánh đưa những người thân tín với mình, kể cả những người yếu về năng lực, kém về đạo đức, lối sống vào những vị trí lãnh đạo để làm vây cánh, che chắn bảo vệ mình; tham ô, sống xa hoa, nói một đằng làm một nẻo, cá biệt còn tha hoá, suy đồi về đạo đức, lối sống.
Trên đây là những biểu hiện nổi bật chủ yếu sự thoái hoá của một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Liên Xô, nhất là các cán bộ chủ chốt ở cấp cao.
Chỉ khi nào sự thoái hóa, biến chất diễn ra tại trung tâm quyền lực (chóp bu) của Đảng thì mới trở thành nguy cơ đối với Đảng, đó là đêm trước của sự tan rã, sụp đổ. Đảng Cộng sản Liên Xô và các "phiên bản" Đông Âu của nó thuộc trường hợp này.
Thông thường các biểu hiện trên không tồn tại biệt lập, mà luôn song hành, có quan hệ với nhau, tác động với nhau, có lúc cái này làm tiền đề, điều kiện cho cái kia tồn tại và phát triển. Những biểu hiện thoái hoá nói trên, không bỗng nhiên xuất hiện, mà có một quá trình từ chớm nở như một ung nhọt nhỏ rồi phát triển qua nhiều giai đoạn. Những bệnh tật này lặng lẽ tích dồn liên tục trong nhiều tháng, nhiều năm làm Đảng mất sức chiến đấu, thiếu nhạy bén, không đưa ra được đường lối, quyết sách đúng đắn, khả thi. Trong Đảng CSLX đã thực sự có phân hoá: Một bộ phận cán bộ, đảng viên giàu lên nhanh chóng do đặc quyền, đặc lợi, đại bộ phận sống khó khăn; nhiều đảng viên nói một đằng làm một nẻo, trong cuộc họp nói khác ngoài cuộc họp, suy nghĩ một đằng phát biểu một nẻo. Tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng dần dần nguội lạnh, nhiều đảng viên trở nên thờ ơ trước những vấn đề chính trị có quan hệ đến vận mệnh của Đảng CSLX.
Theo Ph. M. Rudinxki, có thể chia 20 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô làm 4 loại: 1, Những đảng viên chân chính thường chiếm tỷ lệ nhỏ, 2. Những người thực hiện, chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng như cái máy (chiếm khoảng hơn 96 %); 3. Những kẻ cơ hội , xu thời, nịnh bợ (phần lớn trong bộ máy công quyền) ; 4. Những người im lặng (phần lớn họ là những người có hiểu biết nhưng sợ bị trù dập nên họ giữ im lặng, không dám phát biểu).
N. I. Rưscôp, nguyên ủy  viên Bộ Chính trị ĐCS Liên Xô, Thủ tướng Liên Xô (1985 - 1990) cho rằng: Tồn tại hai Đảng trong Đảng Cộng sản Liên Xô: Một đảng của hàng chục triệu đảng viên bình thường và một đảng của những quan chức chóp bu trong hệ thống đảng, nhà nước Liên Xô . Những đảng viên nắm quyền lực ở cấp cao ngày càng xa rời, cách biệt với hàng chục triệu đảng viên bình thường. Số đảng viên này, về thực chất, không đại diện và bảo vệ lợi ích của giai cấp, của dân tộc, mà chỉ tìm mọi cách bám giữ quyền lực vì lợi ích cá nhân của họ.
Do những bệnh tật kể trên, đại bộ phận quần chúng nhân dân giảm lòng tin đối với sự lãnh đạo của Đảng CSLX, thờ ơ đối với những vấn đề chính trị trọng đại của đất nước, thậm chí có một số trông chờ, mong muốn có sự thay đổi. Chính đó là trạng thái trong Đảng Cộng sản Liên Xô và trong xã hội Liên Xô vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, đêm trước của sự sụp đổ, tan rã (1989 - 1991).
3. Thử bàn về các nguyên nhân.
Về hoạt động chống phá của Mỹ và các thế lực chống cộng quốc tế thì rõ ràng, có đầy đủ thông tin, tư liệu để khẳng định. Tuyệt đối không được mơ hồ, mất cảnh giác.
Mặt trái của cơ chế thị trường cũng là một nguyên nhân. Nhưng nếu quá nhấn mạnh, cường điệu mặt trái của cơ chế thị trường thì khó lòng giải thích được những thoái hoá của Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời kỳ Mao Trạch Đông, Xtalin và Brê-giơ-nhép nép lãnh đạo, vì thời Mao, thời Xtalin, thời Brê-giơ-nhép chưa có kinh tế thị trường.
Nghiên cứu kỹ quá trình thoái hoá của Đảng Cộng sản Liên Xô, kể cả những đảng cầm quyền rồi mất quyền và những đảng hiện nay còn cầm quyền, chúng tôi xin nêu ra hai vấn đề để trao đổi, thảo luận.
- Một là, về mặt tổ chức, trong suốt quá trình tồn tại, phát triển của mình, Đảng Cộng sản Liên Xô chưa xây dựng được cơ chế hữu hiệu để đảm bảo dân chủ thực sự trong sinh hoạt Đảng. Đảng CSLX đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong suốt quá trình hoạt động. Theo chúng tôi, đây là điểm khởi thuỷ, nguồn gốc của mọi biểu hiện khác về sự thoái hoá của Đảng CSLX (quan liêu, tha hoá về tư tưởng chính trị, thoái hoá về đạo đức, lối sống, chia rẽ mất đoàn kết...). Ở đâu và khi nào trong sinh hoạt đảng thể hiện sục sôi dân chủ, thì đảng có sức sống mãnh liệt. Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga dưới thời lãnh đạo của Lênin là một ví dụ điển hình.
Xét đến cùng, do thiếu dân chủ trong sinh hoạt Đảng nên cơ quan lãnh đạo của Đảng CSLX thiếu thông tin nhiều mặt về một vấn đề, đặc biệt là những vấn đề hệ trọng quan hệ đến sinh tồn của Đảng. Thiếu dân chủ cho nên trong sinh hoạt đảng thường là độc thoại một chiều từ những người lãnh đạo cao nhất, thiếu hẳn thông tin phản hồi từ dưới lên. Thiếu dân chủ, nên những đảng viên ưu tú, nhạy bén, sắc sảo, thông minh không có chỗ để thể hiện ý tưởng của mình. Trong một tổ chức như vậy, bộ tham mưu cao nhất không có đủ thông tin nhiều chiều, toàn diện, do đó những quyết định về đường lối, sách lược thường không phù hợp với thực tiễn, thậm chí trái ngược với quy luật, ngược với hiện thực khách quan. Phải chăng, đó là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng nghị quyết, chỉ thị rất nhiều nhưng việc đưa vào cuộc sống không được bao nhiêu. Theo ngôn ngữ y học, thuốc rất nhiều nhưng không có loại đặc trị, nên bệnh tình sẽ ngày càng trầm trọng.
Dưới góc độ lý thuyết hệ thống, có thể xem một tổ chức đảng như một hệ thống. Để đảm bảo cho hệ thống đó tồn tại bền vững, nhất thiết phải có trao đổi thông tin. Nếu thiếu trao đổi thông tin (theo 2 chiều thuận - nghịch, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong) thì sớm muộn hệ thống đó sẽ bị đổ vỡ để chuyển sang một trạng thái khác. Thiếu dân chủ trong sinh hoạt đảng, tức là thiếu trao đổi thông tin (trên xuống, dưới lên, trong đảng ra ngoài xã hội và ngược lại). Nếu trạng thái này kéo dài thì sẽ sinh ra thoái hóa của hệ thống đảng dưới nhiều biểu hiện như đã trình bày ở trên. Nếu không khắc phục được, để kéo dài, thì sớm muộn sự thoái hóa của một số đảng viên ở vị trí chủ chốt sẽ dẫn đến sự thoái hóa của đảng cầm quyền.
Hãy trở lại với Đảng Cộng sản Liên Xô để chúng ta hiểu rõ vấn đề dân chủ trong đảng. Nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng được ghi rõ trong Điều lệ, Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Bôn - sê - vích Nga từ năm 1903. Điều lệ Đảng Cộng sản Liên Xô, qua nhiều lần thay đổi, vẫn là một văn bản quy định rất chặt chẽ, rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm của đảng viên. Tại sao không ngăn chặn được những biến thái lệch lạc của Xta-lin, Brê-giơ-nhép, không ngăn chặn được hành vi lạm quyền, lộng quyền và phản bội của Góoc-ba-chốp? Cớ sao hàng chục triệu đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô không có phản ứng gì khi Góoc-ba-chốp tuyên bố giải tán Đảng? Không thể nói cách khác, thiếu dân chủ trong sinh hoạt Đảng và không có cơ chế giám sát quyền lực hữu hiệu, đặc biệt là thiếu hẳn cơ chế giám sát hoạt động của Tổng bí thư, của Bộ Chính trị là nguồn gốc sinh ra tệ lạm quyền, lộng quyền của những người lãnh đạo Đảng CSLX, làm cho đảng có một xác thịt to lớn (hàng chục triệu đảng viên), nhưng không có hồn, không có sức sống.
Thực tế xác nhận: Đảng CSLX trước đây không có lực lượng nào và không có cơ chế nào thực hiện giám sát và phản biện hoạt động của Tổng Bí thư, của Bộ Chính trị. Một nhóm nhỏ này, có khi chỉ dăm ba người nắm quyền lực tối cao, tự tung tự tác, ai có ý kiến khác sẽ bị họ chụp cho cái mũ là "chống đối", "là phản động", "là chống Đảng", thậm chí là "phản bội Tổ quốc"...
Cũng do thiếu dân chủ trong sinh hoạt Đảng mà các thành viên trong tổ chức có quan hệ với nhau rất lỏng lẻo, đảng mất hết sức sống, tính chiến đấu chỉ còn lại trong nghị quyết.
Do thiếu dân chủ trong sinh hoạt Đảng, mà một thời gian dài trước khi sụp đổ, tan rã, trong Đảng Cộng sản Liên Xô cũng như trong các Đảng Cộng sản ở các nước XHCN ở Đông Âu đã lặng lẽ diễn ra một quá trình phân hóa trong đảng, cả trong sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Các đảng viên nghĩ một đằng phát biểu một đằng, không dám thể hiện chính kiến của mình ngay cả đối với vấn đề quan hệ đến sinh tồn của Đảng. Trong cuộc họp người ta nói một đằng, mà phần lớn không thật lòng, ngoài cuộc họp người ta nói riêng với nhau lại khác, cấp trên áp đặt, cấp dưới điều chỉnh hành  vi cho phù hợp với cấp trên, mọi thông tin chính thức từ trên xuống và đặc biệt là từ dưới lên đều thiếu chân thật. Chưa đến một tháng trước khi tan rã, mất quyền lãnh đạo, những người lãnh đạo của một Đảng Cộng sản cầm quyền vẫn khẳng định sức chiến đấu của đảng mình, vẫn tuyên bố tuyệt đại bộ phận nhân dân còn ơn đảng, theo đảng, tin đảng và tuyệt đại đa số đảng viên là tin cậy, trung thành...!
Cũng do thiếu dân chủ trong sinh hoạt Đảng mà Đảng CSLX đã mắc sai lầm trong việc đánh giá cán bộ, đào tạo cán bộ, tuyển chọn và bố trí, sử dụng cán bộ vào vị trí chủ chốt trong Đảng, trong Nhà nước. Thiếu dân chủ là bà đỡ của thói nịnh bợ, luồn lọt, là điều kiện tốt cho chủ nghĩa thực dụng, cơ hội vị kỷ phát sinh tồn tại trong đảng, nhất là ở các cơ quan lãnh đạo cấp cao. Ai cũng biết cán bộ quyết định tất cả, và thực tiễn cũng xác nhận điều đó. Nhưng Đảng CSLX phạm sai lầm trong công tác sử dụng, bố trí cán bộ.
- Hai là, sự thoái hóa của Đảng CSLX là do các đảng viên, trước hết và chủ yếu là các đảng viên trước hết giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt ở cấp cao, chưa đủ độ chín muồi về mặt chính trị, chưa thực sự giác ngộ về giai cấp, về lý tưởng cộng sản. Khi kết nạp mọi đảng viên đều tuyên thệ về sự giác ngộ lý tưởng cộng sản của mình, hứa hẹn một lòng một dạ phấn đấu vì  lợi ích  của giai cấp, của những người lao động, nguyện trung thành với lý tưởng cộng sản... Nhưng khi đã vào đảng rồi thì họ thiếu rèn luyện và trong hoạt động thực tiễn, họ dần dần xa rời những lời tuyên thệ, hứa hẹn của mình. Đó là quá trình tha hóa của đảng viên, và kéo theo sự tha hóa của đảng. Tất nhiên, không phải mọi đảng viên đều diễn ra quá trình tha hóa đó.
Tất nhiên, còn nhiều vấn đề thuộc về nguyên nhân và điều kiện làm cho Đảng CSLX thoái hóa, Liên Xô tan rã. Ở đây chúng tôi không có điều kiện để trình bày tất cả, chỉ nêu ra những nhân tố quan trọng nhất, cơ bản nhất. Có thể xem nó là nguồn gốc của mọi thoái hóa của Đảng cầm quyền nói chung, của Đảng CSLX nói riêng.
*
*          *
Năm 2013, nhân dân Nga nói riêng, nhân dân 15 nước Cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ) cũng như nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ nói chung, kỷ niệm 96 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại (7/11/1917 - 7/11/2013). Chủ nghĩa xã hội đã tồn tại 74 năm tại nước Nga (1917 - 1991) và Liên Xô tan rã đã 22 năm (1991 - 2013). Người Nga nói riêng, nhân loại tiến bộ nói chung, còn phải tiếp tục nghiên cứu lý giải một cách cặn kẽ và có sức thuyết phục về những vấn đề liên quan đến sự tan rã của Liên Xô.
Sau chừng ấy thời gian, cho phép chúng ta khái quát ba vấn đề lớn sau:
- Một là, từ Cách mạng tháng Mười Nga đến khi Liên Xô tan rã (1917 - 1991) có thể phân kỳ như sau: 1. Thế hệ cách mạng đầu tiên do Lênin lãnh đạo đã đưa nước Nga Xô viết non trẻ vượt qua thử thách "ngàn cân treo sợi tóc" 1917 - 1920 để tồn tại và phát triển; 2. Thế hệ lãnh đạo thứ hai do Stalin lãnh đạo đã tiêu diệt Chủ nghĩa phát xít Đức - Nhật - Ý và đưa Liên Xô trở thành cường quốc thế giới; 3; Thế hệ lãnh đạo thứ ba ở Liên Xô từ Khơrusốp đến Bregiơnép là những người đã tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941 - 1945) và họ đã đưa Liên Xô trở thành cường quốc hàng đầu thế giới; 4. Thế hệ lãnh đạo thứ tư với hạt nhân là Góocbachop, là những người sinh ra trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc vĩ đại và chưa nếm trải thử thách của chiến tranh.
Chính thế hệ lãnh đạo thứ tư đã làm cho Đảng CSLX mất quyền lãnh đạo, làm cho Liên Xô tan rã.
- Hai là, thế hệ lãnh đạo thứ tư ở Liên Xô với Góocbachop là hạt nhân đã nắm trong tay mọi quyền lực và mọi nguồn lực của đất nước, nhưng họ không thuận theo lòng dân, không được dân ủng hộ nên đánh mất toàn bộ cơ đồ sự nghiệp và bị lịch sử vứt vào sọt rác.
Hóa ra, việc thâu tóm được mọi quyền lực và mọi nguồn lực quốc gia không khó bằng nắm được lòng dân. Những ai không nắm được lòng dân thì họ đã thất bại ngay khi đang nắm quyền lực.
- Ba là, các đảng cộng sản đang cầm quyền và chưa cầm quyền cần rút ra bài học từ thất bại của Đảng CSLX, từ sự tan rã của Liên Xô để vượt qua chính mình vì hạnh phúc của nhân dân và sự hưng thịnh của đất nước.
Sai lầm và khuyết điểm rất khó tránh, nhưng không thực sự nguy hiểm. Điều nguy hiểm nhất là không dám thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, đặc biệt là không có quyết tâm chính trị để tránh sai lầm, khắc phục khuyết điểm.
Thiếu tướng Lê Văn Cương (Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an)

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

NHỚ VỀ VỤ ÁN OAN CỦA TRUNG TƯỚNG HỮU ƯỚC.

Ngày xưa mà nói thế này nhỉ?

Ngày nay nói thế này, Cơ quan liên quan có phản biện lại không?

Câu nói hay nhất của Nguyễn Thanh Chấn khi nghĩ về thân phận: .. :
"
Tất cả anh em trong tù đều mang trên mình tội lỗi khác nhau nhưng con thấy họ mới là con người thật."


Ba năm giời đằng đẵng, ông trải qua 4 phiên tòa và rồi cuối cùng được tuyên trắng án. Rồi ông lại trở về báo Công an nhân dân làm việc nhưng cũng chẳng được phục hồi, chẳng được bồi thường gì cả và ông phải làm lại tất cả mọi việc từ đầu.

Những ngày này, dư luận hết sức quan tâm về vụ án oan đến 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn. Đành rằng, đây là một vụ án xảy ra cách đây 10 năm và cho đến bây giờ thì những vụ án oan sai kiểu như thế này có lẽ không còn nữa. Nhưng, hầu như ai cũng bị ám ảnh rằng, tại sao một số người bảo vệ pháp luật, những người cầm cán cân công lý lại có thể thờ ơ, vô cảm với sinh mệnh của người dân đến như vậy.
Rồi đây, các cơ quan chức năng sẽ phải điều tra, làm rõ những ai gây ra nỗi oan tày đình cho ông Chấn và chắc chắn, họ sẽ phải bị xử lý. Đây cũng là bài học cho những người làm công tác điều tra, xét xử…
Nghĩ về vụ án này, tôi không thể không nhớ đến một vụ án oan khác đã xảy ra cách đây gần 30 năm: Đó là vụ án oan của Trung tướng, nhà văn Nguyễn Hữu Ước, hiện đang là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân. Ngày ông bị bắt là vào khoảng tháng 9 năm 1985. Khi ấy, ông là Đại úy, Phó trưởng phòng Thời sự Báo Công an Nhân dân.
Trong trí nhớ của tôi, lệnh bắt ông mang số 067 và chỉ có mấy dòng mơ hồ “vi phạm pháp luật”. Không có tội danh nào cụ thể.
Vậy mà người ta bắt ông rồi chuyển thẳng vào trong thành phố Hồ Chí Minh, lúc thì giam ở trại B34, lúc thì ở Chí Hòa.
Ba năm giời đằng đẵng, ông trải qua 4 phiên tòa và rồi cuối cùng được tuyên trắng án. Rồi ông lại trở về báo Công an nhân dân làm việc nhưng cũng chẳng được phục hồi, chẳng được bồi thường gì cả và ông phải làm lại tất cả mọi việc từ đầu.
Chúng tôi đã nói rằng, vụ án oan của ông là điển hình cho việc xâm hại các hoạt động tư pháp, mà điều đáng nói ở đây, ông là một Đại úy công an, là một nhà báo, là đảng viên, là người từng chưa đủ 18 tuổi đã lên đường nhập ngũ sang Lào chiến đấu. Với một người như vậy mà người ta còn bắt lấy được rồi tống vào Chí Hòa, bị giam chung với những kẻ đầu trộm đuôi cướp, đám lưu manh chuyên nghiệp thì quả là khủng khiếp.
Nhưng việc ông phấn đấu rồi được đề bạt đến cấp hàm Trung tướng, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thì cũng là một điển hình về ý chí của một con người và điển hình về sự đổi mới trong công tác cán bộ.
Lịch sử chắc sẽ không lặp lại một vụ như thế nữa.
Nhớ về vụ án oan của Trung tướng Hữu Ước
Trở lại vụ án của ông. Tôi nhớ. Năm 1991, tôi đi viết về một vụ án lừa đảo. Khi cùng với các cán bộ điều tra của Công an Hà Nội hỏi cung đối tượng bị bắt thì gã lại khai ra một chuyện, ấy là hắn từng “được” giam chung với ông Nguyễn Hữu Ước. Gã còn kể, gã được “vinh dự” giao nhiệm vụ “giám sát”, không cho ông tự tử.
Sau này, khi ra tù, trở về Báo Công an Nhân dân, ông kể cho chúng tôi nghe các kiểu hành hạ ông mà một số cán bộ điều tra đã nghĩ ra. Nghe ông nói mà chúng tôi cứ dựng hết tóc gáy và thầm bảo rằng, nếu mình vào cảnh như thế này, có khi bị bắt phải “vu cho bố mình là phản động” thì cũng buộc phải khai cho xong để thoát khỏi cực hình.
Cũng đã có một số vụ án khác mà cán bộ điều tra đã nghĩ ra rất nhiều trò để tra tấn phạm nhân. Nhiều người chịu không nổi đã phải tìm con đường giải thoát - ấy là tự tử.
Hiện nay, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng đang điều tra lại về một vụ án bắt giam sai của Công an Tiền Giang hơn chục năm trước. Báo Năng lượng Mới cũng đã có phóng sự về vụ án này và cũng đã được biết những người chịu không nổi cực hình mà phải tự tử. Nhưng Giời vẫn còn thương họ nên làm cho sợi dây họ dùng treo cổ bị đứt…
Sau này, khi đi viết phóng sự về khám Chí Hòa, tôi được một cán bộ quản giáo của trại giam - người đã từng làm quản giáo thời ông Hữu Ước bị giam ở đó dẫn đi tham quan. Ông chỉ cho tôi phòng giam nào ông Ước từng ở, chỗ nào ông Ước từng nằm. Rồi ông lại kể cho tôi nghe vanh vách chuyện ông Ước đã từng phải đánh nhau với bọn đầu gấu vì chúng cướp cơm, cướp chỗ ngủ của ông, hay cả những lần đám phạm nhân há hốc mồm nghe ông đọc “Tam quốc diễn nghĩa”.
Khủng khiếp nhất là trong thời gian ông Ước ở Chí Hòa, cứ vài tháng, các quản giáo lại nhận được lệnh từ một cấp trên nào đó chuyển ông sang phòng giam khác. Đối với phạm nhân, đang ở phòng giam này mà phải chuyển sang phòng giam khác, đó là một sự tra tấn vô cùng tinh vi, nhất là khi “chỗ ở” mới cũng là nơi giam giữ những kẻ lưu manh chuyên nghiệp, đám đầu trộm đuôi cướp và phòng nào cũng rất sẵn đám “đầu gấu, đại bàng”. Bởi người mới vào thì phải nằm chỗ bẩn thỉu nhất, phải hầu hạ đám “đầu gấu, đại bàng” và phải bị ăn những trận đòn “ra mắt”.
Những năm tháng bị giam cầm đã gây cho ông một căn bệnh mà chúng tôi cứ gọi là “hội chứng nhà giam”.
Hàng chục năm đã trôi qua nhưng ông vẫn nằm mê thấy cảnh mình phải ăn cơm trộn cát; vẫn nằm mê thấy cảnh đánh nhau với bọn đầu gấu… Và ông cũng vẫn nằm mê thấy cảnh những cán bộ quản giáo tìm cách dúi cho ông thêm nắm cơm, miếng bánh, an ủi, động viên ông trong những tháng ngày tù tội đó.
Được trả tự do, sự đền bù duy nhất mà người ta dành cho ông là đưa ông đi khám bệnh và an dưỡng ít ngày.
Nhiều cán bộ công an đã từng gây nên nỗi oan cho ông thì vẫn lấp liếm rằng: “Nó không có tội, nhưng cũng có lỗi”. Nhưng lỗi gì thì chẳng ai chỉ ra được.
Ấy vậy mà, ông đã nghiến răng làm lại sự nghiệp của mình. Không nửa lời oán trách. Không có những phát ngôn bất đắc chí. Không tìm cách kiện tụng những người đã gây nên nỗi đau khổ tột cùng cho mình và gia đình.
Tôi đã chứng kiến khi làm Tổng biên tập Báo An ninh Thế giới, ông vẫn đến thăm hỏi, biếu quà vào dịp lễ, tết những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên vụ án oan của ông. Bởi ông hiểu rõ, những người ấy thực ra cũng chẳng thù oán gì ông nhưng thời ấy tư duy nó thế, cách làm tùy tiện, vô luật pháp là thế… Sợi dây oán thù nên cởi không nên buộc!
Kinh Dịch có câu rằng: “Vật cùng tắc biến”, nghĩa là, cái gì phát triển đến cùng rồi thì sẽ có sự thay đổi.
Vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường đã khiến cho những người quản lý của ngành y tế phải tỉnh ra và có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn các cơ sở khám chữa bệnh, làm đẹp tư nhân. Và đến lúc ấy người ta mới tá hỏa ra, lâu nay, vẫn tồn tại những cơ sở làm đẹp tư nhân hoạt động không có giấy phép.
Vụ Nguyễn Thanh Chấn cũng khiến những cơ quan bảo vệ pháp luật phải tỉnh ra và chắc chắn cũng sẽ có những biện pháp rà soát lại các vụ án có dấu hiệu oan sai hoặc có những biểu hiện xâm hại hoạt động tư pháp.
Cũng phải công nhận rằng, trong khoảng 5 năm trở lại đây, việc các cán bộ điều tra dùng nhục hình hoặc nhục hình biến tướng, hoặc bức cung, mớm cung, dụ cung phạm nhân đã được giảm thiểu rất nhiều. Nhưng, ở đâu đó, cũng vẫn còn. Mong rằng, những người làm công tác xét xử hãy nghĩ đến câu “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” và “Việc gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”.
Nguyễn Như Phong

LỜI RU CỦA THẦY

Mỗi nghề có một lời ru 

Dở hay thầy cũng chọn ru khúc này 

Lời ru của gió màu mây 

Con sông của mẹ đường cày của cha 


Bắt đầu cái tuổi lên ba 

Thầy ru điệp khúc quê nhà cho em 

Yêu rồi cũng nhớ yêu thêm 

Tình yêu chẳng có bậc thềm cuối đâu! 


Thầy không ru đủ nghìn câu 

Biết con chữ cũng đứng sau cuộc đời 

Tuổi thơ em có một thời 

Ước mơ thì rộng như trời, ngàn năm 


Như ru ánh lửa trong hồn 

Cái hoa trong lá, cái mầm trong cây 

Thầy ru hết cả mê say 

Mong cho trọn ước mơ đầy của em. 


Mẹ ru em ngủ tròn đêm 

Thầy ru khi mặt trời lên mỗi ngày 

Trong em hạt chữ xếp dày 

Đừng quên mẹ vẫn lo gầy hạt cơm 


Từ trong vòm mát ngôi trường 

Xin lời ru được dẫn đường em đi 

(Con đường thầy ngỡ đôi khi 

Tuổi thơ lăn một vòng bi tới rồi!) 


Hẳn là thầy cũng già thôi 

Hóa thân vào mỗi cuộc đời các em 

Thì dù phấn trắng bảng đen 

Hành trang ấy đủ thầy đem theo mình
                                    

Đoàn Vị Thượng

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

ÁN OAN, ÉP CUNG VÀ "DÊ TẾ THẦN"

 - Nước mắt của nhân dân, là khóc cho bi kịch của một quốc gia - khó phát triển.

I- Tự do là trạng thái tự nhiên và giá trị sống tuyệt vời nhất của con người trong xã hội. Nhưng có những con người, cái giá tự do buộc phải trả quá đắt. Mà trường hợp và số phận của tù nhân Nguyễn Thanh Chấn (Việt Yên, Bắc Giang), vừa được tạm tha, sau 10 năm bóc lịch oan trong tù với cái “án giết người” không gây ra, khiến cả xã hội chấn động mạnh, là một minh chứng buồn.
Sự tự do đó không phải được đánh đổi bằng tài năng điều tra, trách nhiệm công tâm của cơ quan chức năng hay tòa án, mà bằng sự “điều tra’ tận tụy, kiên nhẫn vô bờ bến của người vợ ông bỗng trở thành “thám tử tư” bất đắc dĩ, dẫn đến sự hối thúc và hung thủ giết người phải ra thú tội trước cơ quan chức năng- Lý Nguyễn Chung, sau đúng 10 năm lẩn trốn.
Nguyễn Thanh Chấn, tư pháp, tham nhũng
Anh Nguyễn Thanh Chấn trở về trong vòng tay gia đình. Ảnh: VietNamNet
Thật ra, tư pháp của bất cứ quốc gia văn minh nào cũng vẫn có những án oan sai “chết người”. Thế giới từng ghi nhận những án oan chấn động- của Darryl Hunt, Thomas Kennedy, Dewey Bozella (Mỹ), Arthur Allan Thomas (New Zealand), Donald Marshall, Jr (Canada)… , những số phận người bình thường bỗng thành nổi tiếng một cách đắng cay.
Vì thế mà nhân gian luôn tồn tại những bi kịch.
Nguyễn Thanh Chấn chỉ là một nông dân ở Bắc Giang. Cái án oan khiên bất ngờ rơi xuống đầu ông chỉ có mấy tiếng, trong buổi tối định mệnh ngày 15/8/2003, khi ông đi lấy nước, khi người ta phát hiện người phụ nữ đơn thân tên là H. cùng thôn Me với ông này, bị giết hại. Nguyễn Thanh Chấn bị khép tội với bản án chết người- “giết người”- tù chung thân.
Bị kịch của người nông dân trong thời hiện đại “sống và làm việc theo pháp luật”, có nỗi bi thảm riêng của nó. Đâu phải chỉ có  Nguyễn Thanh Chấn, kéo theo là sự thiệt hại về kinh tế của một gia đình nghèo, là nỗi đau của người vợ có chồng mang tiếng giết người, là nỗi tổn thương và tủi hổ của những đứa trẻ con cái ông, trong ánh mắt kỳ thị của cộng đồng, làng xóm, bạn bè sau lũy tre làng.
Có điều, bi kịch đó đến thời điểm này, khi mọi việc vỡ lở tung tóe, người ta mới thấy hàng loạt điều “phi pháp luật” của cơ quan thực hiện pháp luật, có thẩm quyền kết án … oan sai, khiến xã hội bàng hoàng, bức xúc.
Ai là những nhân vật điều tra viên đã “có tài” ép cung, đẩy Nguyễn Thanh Chấn đến bước đường buộc phải nhận cái tội mình không mắc? Tệ đến mức (theo lời ông Chấn) hướng dẫn ông này khai báo sự việc, hướng dẫn vẽ sơ đồ hiện trường, và luyện tập thuần thục để thực nghiệm? Động cơ nào khiến họ thản nhiên làm một việc “dựng chuyện” thất đức đến vậy, và nghiệp vụ “phản pháp luật” đó, thực chất, còn mang tính chất “lừa đảo” cả tòa án?
Vì sao tòa án không đủ chứng cứ, nhân chứng, ngoài hai dấu vết chân gần giống, nhưng cả hai phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm vẫn thản nhiên kết luận y án “giết người”? Phải chăng, ngoài sự non yếu và lỏng lẻo nghiệp vụ, còn có tâm lý nghề nghiệp méo mó, hệt bác sĩ, nhìn đâu cũng thấy vi trùng?
Vì sao, người vợ ông 10 năm kêu oan cho chồng. Nhưng những lá đơn khiếu nại của người đàn bà khốn khổ vẫn rơi vào trong sự im lặng đáng sợ? Lá đơn đó, liệu có là một trong số không biết bao nhiêu lá đơn có số phận hẩm hiu trong thời “bạn hỏi, chúng tôi … không thèm trả lời”?
Để rồi sau 10 năm, cuối cùng, bi kịch mang tên Nguyễn Thanh Chấn cũng được mở nút, khi thủ phạm chính xuất hiện, với màn diễn có hậu- Viện KSNDTC công bố quyết định kháng nghị tái thẩm, tạm đình chỉ thi hành án do “xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án”, trả tự do cho Nguyễn Thanh Chấn.
Dù vậy, bi kịch Nguyễn Thanh Chấn có vẻ chưa thể kết thúc. Khi ông Vũ Đức Khiển, nguyên chủ nhiệm UBPL của QH khẳng định, kháng nghị và xét xử tái thẩm là sai. Bởi điều tra sai, kết tội sai thì bây giờ phải minh oan cho người vô tội. Phải giám đốc thẩm để tuyên hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm, chứ không phải vì một kẻ ra đầu thú nhận tội mà coi đó là tình tiết mới.
Cũng theo ông Vũ Đức Khiển, nếu đưa ra tái thẩm, là các cơ quan tố tụng đang cố tình lấp liếm đi cái sai của mình trước đó, dễ bề phủi trách nhiệm đã gây oan cho ông Chấn (Lao động, ngày 06/11). Có lẽ, chỉ những người trong ngành tư pháp, mới hiểu bản chất của vấn đề?
Có điều, khi bi kịch Nguyễn Thanh Chấn mới mở nút, thì những phát ngôn ấn tượng của hai ông Nguyễn Minh Năng (nguyên chủ tọa phiên xét xử sơ thẩm năm 2004), Trần Văn Duyên (nguyên thẩm phán TAND tỉnh Bắc Giang, thẩm phán phiên xét xử sơ thẩm) những quan chức tòa án từng có quyền sinh quyền sát với số phận ông Nguyễn Thanh Chấn, cho thấy họ vô cảm, và rũ sạch trách nhiệm đến chừng nào:
Giờ bị cáo oan sai thì trách nhiệm là do QH chứ biết sao được? Và:Chúng tôi xử sơ thẩm mà cấp phúc thẩm y án thì chứng tỏ có đủ căn cứ kết tội bị cáo về tội giết người. Cấp phúc thẩm tuyên y án có nghĩa chúng tôi xử đúng rồi và chúng tôi cũng không có trách nhiệm gì. Giờ vụ án có sai thì trách nhiệm thuộc về cấp phúc thẩm của tòa tối cao.
Không hiểu QH biến thành… tòa án tự lúc nào? Không hiểu, khi “đá bóng trách nhiệm” lên cấp phúc thẩm, các vị có nhớ đến câu dân gian Con nó lú có chú nó khôn. Dường như ở đây, con lú, chú nó cũng lú theo?
Cũng hệt như các quan chức đó, những điều tra viên đã “ép cung” năm xưa, giờ không nhận, và họ cũng quên hết những gì đã làm với ông Nguyễn Thanh Chấn. Nhưng chắc chắn, vụ án đáng xấu hổ này, sẽ đi vào lịch sử tư pháp, khó quên
Chắc chắn, vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn không phải là vụ duy nhất, không phải vụ đầu tiên và cũng chưa phải vụ cuối cùng. Rồi đây, cơ quan chức năng sẽ phải có chính sách đền bồi thiệt hại cả danh dự lẫn kinh tế cho ông này.
Nhưng bi kịch của một người nông dân như ông, cho thấy “lỗi hệ thống” của ngành tư pháp, trong vai trò công cụ quản lý và xét xử tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.
II-Bi kịch Thần Công lý bị “bịt mắt” trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn, trở nên chua chát hơn, nếu đặt vụ án đó trong bối cảnh công cuộc diệt trừ tham nhũng hiện nay. Ở công cuộc đó hình như Thần Công lý còn … nhắm tịt mắt?
Nguyễn Thanh Chấn, tư pháp, tham nhũng

Đó không phải là hình ảnh ví von văn chương, mà là một nghịch cảnh phũ phàng. Nếu như tham nhũng được gọi đích danh bằng những ngôn từ, mạnh mẽ bao nhiêu, búa rìu bao nhiêu- “giặc nội xâm”, “quốc nạn”, “vấn nạn”, thì kết quả phòng chống, diệt trừ tham nhũng, thương thay, lại yểu mệnh bấy nhiêu: Giặc tham nhũng chưa bị sát thương; Phòng chống tham nhũng mới bắt được sâu nhỏ; Đánh tham nhũng mới mơn man bên ngoài; Chống tham nhũng kiểu “dội nước vội vàng”.. v.v và v.v…  
Trong khi phòng chống tham nhũng, về hình thức, có đầy đủ từ bộ máy từ TƯ đến địa phương, có đầy đủ các văn bản luật, các quy định, chế tài về sự công khai minh bạch tài sản, có đầy đủ cả hệ thống bảo vệ pháp luật- cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Có điều, sự “vô hiệu hóa” của chiến dịch rầm rộ này ngay từ đầu, có vẻ như đã được báo trước.
Bởi sự bất lực trước quyền lực của các “nhóm lợi ích” thâu tóm, chi phối, từ những người đứng đầu các công ty, tập đoàn kinh tế Nhà nước. Những vị này, khi lâm nạn, cũng vẫn chỉ là “con dê tế thần” trước thanh thiên bạch nhật. Rút cục, “dê tế thần” bị mổ xẻ, bị mất hết cả danh dự lẫn sự nghiệp, nhưng kẻ chăn dắt thì nhởn nhơ, vô can với đôi tay… sạch.
Bởi sự “nhờn” với tham nhũng, thái độ cam chịu  chung sống với tham nhũng một cách vô cảm của người dân, là kết quả tất nhiên của một tâm lý yếm thế, mất niềm tin trước những giá trị đen trắng đảo lộn trắng trợn trong xã hội: Người ngay sợ kẻ gian, cái tốt sợ cái xấu, người còng làm cho thằng ngay ăn….
Bởi sự ràng buộc trách nhiệm với người đứng đầu cao nhất một đơn vị, hóa ra không kích thích được ý thức trách nhiệm cao trong quản lý của họ. Vô tình “ràng buộc” họ trở thành người sẵn sàng bao che những bất ổn về tham nhũng của đơn vị mình, che dấu tội lỗi cho kẻ tham nhũng, nhân danh “bảo đảm sự bình ổn” của tập thể. Mà cái gốc của nó là bệnh thành tích.
Đặc biệt, bởi quy định công khai, minh bạch tài sản của quan chức chỉ mang tính hình thức- nói vậy không phải vậy- đã gây hoài nghi sâu sắc trong lòng nhân dân, nhân danh mỹ từ “bảo vệ uy tín cán bộ”, hệt câu chuyện ngụ ngôn “chiếc áo của hoàng đế”, trong khi có uy tín nào thực chất hơn phẩm cách trong sạch, vì nước, vì dân?
Nguyễn Thanh Chấn, tư pháp, tham nhũng
ĐBQH Lê Như Tiến: "Mèo ăn miếng thịt chẳng tha. Hồ vồ con lợn đứng mà thở than".
 Ảnh: Lê Anh Dũng
Sự “vô hiệu hóa”, mũ ni che tai, nhắm tịt mắt trước giặc tham nhũng giờ đây quá tinh vi, lan đến cả nghị trường. Khi mà chính đại biểu QH mỗi lần ra họp QH cũng được căn dặn rất kỹ- không phát biểu về tham nhũng, bởi nếu còn cơ chế xin- cho, thì mình xin ai cho (Tuổi trẻ, ngày 07/11). Đại biểu QH đại diện cho quyền lợi của dân, mà còn đành ngoảnh mặt làm ngơ thì đủ biết, tham nhũng có gương mặt lưu manh, ma giáo thế nào?
Và điều này mới quan trọng, khi chính vị Chủ tịch QH phải đặt câu hỏi nghi vấn: Liệu có tiêu cực, bao che trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong lực lượng phòng chống tham nhũng không? (VietNamNet, ngày 07/11). Ngành tư pháp liệu có thể trả lời câu hỏi này được không?
Dư luận xã hội còn chưa quên hiện tượng UB Tư pháp của QH đi giám sát một số đia phương, có tỉnh 02 năm chỉ xử được 09 bị cáo về tội tham nhũng, thì đã có 08 bị cáo hưởng án treo?
Không ít trường hợp, vụ to làm thành nhỏ, vụ nhỏ thành “án treo. Chợt nhớ tới nạn nhân Nguyễn Thanh Chấn khốn khổ, bị kết án chung thân, và phải tù tới 10 năm mới được giải oan, chỉ vì một cái tội không mắc. Vì sao, cùng kiếp người, trước Thần Công lý, lại nhất bênquan tham, bét bên dân lành, bất công như vậy?
Điều này càng cần đặt ra, nếu biết, nhiều án tham nhũng lớn bị “tắc” vì giám định tư pháp. Bởi kết luận giám định tư pháp rất quan trọng, cho việc xét xử đúng người đúng tội.
Vậy nhưng, trong một số trường hợp, kết luận giám định chưa bảo đảm, còn chung chung, mập mờ, không rõ ràng, không khẳng định rõ đúng sai và có dấu hiệu né tránh khiến cho các cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng, khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án (Chính phủ.vn, ngày 07/11). Đây là yếu kém về kỹ thuật giám định, hay còn nguyên nhân nào khiến các vụ án tham nhũng như … ngậm hột thị?
Hậu quả của hiện tượng “chạy” giám định tư pháp để thoát tội, dẫn đến có trường hợp phải đình chỉ vụ án. Khi đó, sẽ có người ngoài cười nụ… , còncó ai khóc thầm không, thì chỉ có người dân đóng thuế là biết rõ.
III- Bi kịch Nguyễn Thanh Chấn, bi hài kịch chống tham nhũng luẩn quẩn loanh quanh cho thấy, muốn chống “giặc nội xâm” triệt để, muốn sửa chữa các khuyết tật của hệ thống tư pháp, mà vụ án oan sai 10 năm ngồi tù của ông này là một lỗ hổng hổ thẹn, cho thấy cải cách tư pháp phải được quyết liệt thực hiện, nếu muốn người dân lấy lại niềm tin đã mất. Nhưng cải cách tư pháp chỉ có hiệu quả, một khi gắn liền với cải cách thể chế chính trị, cải cách cơ chế quản lý kinh tế- xã hội, xây dựng một nền quản trị quốc gia văn minh, tiến bộ.
Đó là một thách thức lớn, cũng là một cơ hội lớn. Nắm bắt hay bỏ qua?
Không phải ngẫu nhiên, Ts. Nguyễn Sĩ Dũng, trong trả lời phỏng vấn của báo Tuổi trẻ, ngày 04/11 khẳng định: Đổi mới là mệnh lệnh thời đại! Để chúng ta thiết kế nền quản trị quốc gia đáp ứng yêu cầu thời đại, tạo ra xung lực mới cho sự phát triển.
…Chúng ta đang sống trong một thế giới đã thay đổi. Sống theo cách cũ, vì vậy sẽ không có tương lai. Điều đáng lưu ý là không chỉ thế giới đã rất khác, mà những người dân cũng đã rất khác. Bởi hàng chục triệu người dân đã hội nhập với thế giới hiện đại nhanh chóng và hiệu quả hơn so với nhiều thiết chế đang vận hành nền quản trị quốc gia của chúng ta.
Cái thế giới đã thay đổi đó, đang thách thức chính nhận thức, tư duy xã hội, thách thức trí tuệ, bản lĩnh của cả một dân tộc- cập nhật để phát triển hay chối bỏ, mặc cho dân tộc tụt hậu? Hội nhập văn minh hay mãi mãi ở “cái bẫy trung bình” không chỉ là chất lượng sống, mà cả văn minh, văn hóa nhân loại? Muốn thế, một nền tảng, một cơ chế quản lý theo kiểu pháp trị phải thực sự được thượng tôn, định hướng và điều chỉnh mọi quan hệ xã hội.
Không phải ngẫu nhiên, đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa đã phải thẳng thắn: Hậu thế sẽ đánh giá Quốc hội khóa XIII  làm gì để thúc đẩy chứ không cản trở sự phát triển của dân tộc.
Nếu không có những giải pháp toàn diện và đột phá thì đất nước không thể chuyển biến tích cực một cách căn bản… Công cuộc đổi mới thể chế và luật pháp đã chậm bước so với nhu cầu của đất nước.
Khi đọc bài báo đầu tiên về vụ án Nguyễn Thanh Chấn, nhìn vòng vây yêu thương, tràn đầy nước mắt của người dân vô tội đón người thân tù tội trở về, nhiều người đã cay mắt. Nước mắt khóc cho bi kịch một cá nhân.
Nhưng nếu quốc nạn tham nhũng cứ mãi ngang nhiên thách thức, trước nền tư pháp lạc hậu, yếu kém đầy khuyết tật, trước một thể chế, cơ chế quản lý già nua tư duy, xơ cứng nhận thức, thì nước mắt của nhân dân, là khóc cho bi kịch một quốc gia- khó phát triển.
Vâng, hậu thế sẽ đánh giá cha ông họ- hôm nay.
Kỳ Duyên