Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

MỒNG MỘT TẾT CHA, MỒNG HAI TẾT MẸ, MỒNG BA TẾT THẦY!

 

 

Nhà cha là nhà bên họ nội. Ngày mùng một thiêng liêng nhất nên ai cũng về từ đường bên họ nội cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi và chúc tụng họ hàng.

Cũng vậy, ngày mùng Hai, lại kéo cả nhà về bên họ ngoại, cố thực hiện cho bằng được ý nghĩa đoàn tụ truyền thống trong mấy ngày Tết nhất.


Ai cũng hiểu, cha mẹ là đấng sinh thành, dưỡng dục, còn dạy dỗ cho nên người hữu dụng chính là thầy học của mình, do đó ngày mùng Ba thì học trò đồng môn rủ nhau đến viếng thầy (dạy chữ hoặc dạy nghề). Họ mang theo lễ vật để tỏ chút lòng. Thầy trò làm thơ, nói chuyện văn chương hoặc trao đổi chuyện làm ăn, nghề nghiệp rất vui vẻ, bổ ích.

Do mọi việc xã giao, chúc tụng đều tập trung cho kịp trong ba ngày Tết, nếu để “ra ngoài ngày” (tức từ mùng Bốn trở đi) sẽ giảm mất ý nghĩa, nhất là về mặt tình cảm, tôn kính quý trọng, cho nên người ta cũng sắp xếp có người trực ở nhà vừa không để trống vắng lạnh lẽo, vừa cũng để tiếp khách.

Do đó có quy ước truyền thống “Mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba Tết thầy”, nên bạn bè muốn đến vui chơi trong ba ngày này đều nhất thiết phải hẹn trước, thích hợp nhất là chiều tối.

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

CHIỀU BA MƯƠI TẾT

Tác giả: Nguyễn Hưng Hải
Chiều ba mươi Tết ở quê
mẹ còn chân vấp, nón mê ra đồng
vội vàng cấy nốt cho xong
mấy đon mạ mới ở trong sương mù.

Cánh đồng chia khoảnh, chia khu
vẫn liền chân mạ, vẫn như bao đời
gió ơi, đừng thổi rỗng trời
đồng không ai biết mẹ tôi nhọc nhằn.

Ngày cùng tháng tận bao năm
Còn lo manh áo, cái ăn xuân về
Bao người như mẹ ở quê
Chiều ba mươi vẫn nón mê ra đồng

Một đời cấy hái chưa xong
mẹ đi lui đến lưng còng còn lui
nhẹ nhàng đon mạ ấy thôi
mà bao gồng gánh, khóc cười đăm đăm

Tháng mười vui tới tháng năm
Nào ai gặt hái xa xăm có nhìn
đồng quê bóng mẹ hút chìm
Chiều ba mươi vẫn đi tìm mùa xuân

Cho sang năm hết nợ nần
mẹ tin rảnh mạ đang cầm trên tay
là bình minh của một ngày
là giao thừa của xưa nay giao thừa.


Gặp nhau cuối năm vtv 2014:

www.youtube.com/

TẾT XƯA CỦA MẸ


Mỗi lần Tết đến là mình lại nhớ mẹ, nhớ mẹ da diết.
Vì mẹ là người làm ra Tết.
***
Tết bắt đầu đến từ ngoài tháng Chạp, khi gió mùa se lạnh về, mẹ phơi vải hoa mới ngoài bờ rào, màu áo hoa chúm chím hồng sưởi ấm ngày giá lạnh và báo hiệu 1 mùa mới đã về!
Tết bắt đầu đến khi mẹ mang sàng măng lưỡi lợn vàng tươi phơi trên sân nắng. Miếng Măng khô vàng cong, thơm nồng mùi hăng hắc của đất trộn lẫn mùi lá tre khô.
Tết bắt đầu khi mẹ chọn mua nếp hoa vàng, nếp ngỗng. Mẹ ngồi tẩn mẩn chuốt lạt tươi và lựa từng bó lá dong xanh.
Tết bắt đầu vào rằm tháng Chạp khi mẹ tỉ mỉ lặt từng lá mai của cội mai già ngoài hiên, miệng không ngớt phàn nàn năm nay mưa trễ, nắng to sợ Mai ưa nắng sẽ nở hết trước Tết.
Tết bắt đầu khi mẹ đem bộ lư đồng trên bàn thờ xuống bắt mấy anh em hì hục chà tro bếp trộn với vỏ chanh đánh cho đến khi bộ lư sáng bóng có thể soi gương.
Tết đến khi ngày 23 tháng Chạp mẹ đi chợ từ sáng sớm, về nhà với lỉnh kỉnh cá chép, kẹo thèo lèo, cây mía dài còn nguyên cả lá tươi và 3 bộ áo quần hia mũ bằng giấy rực rỡ màu sắc.
Tết đến thật gần khi mẹ ngồi cong lưng tỉa hoa cà rốt, trải củ cải và đu đủ thái nhỏ ra sân phơi, ngâm kiệu vào nước tro đến khi trắng ngần và muối lại vịm cải chua xanh rờn với củ hành nén tím ngắt.
Tết như đã chập chờn đầu ngõ, khi mẹ thức khuya bên chảo mứt dừa non thơm ngào ngạt mùi đường tới lửa và lá dứa, bên cạnh là thau mứt chùm ruột chín đỏ, mứt gừng cay nồng, mứt trái tắc tròn vo căng mọng và mứt mãng cầu trắng ngần trong lớp giấy bóng kiếng...
Tết tràn vào hiên nhà nơi mẹ ngồi gói bánh chưng bánh tét, bên mâm nếp trắng, mâm đậu xanh vàng hực và tú hụ nhân thịt heo ướp tiêu hột thơm cay nồng. Không gì vui bằng mấy chị em tranh nhau ngồi vào lòng mẹ quanh nồi bánh chưng nấu với củi gộc rực đỏ lửa, say sưa nghe mẹ kể chuyện ngày xưa và gật gà nửa thức nửa ngủ chờ trời sáng cho bánh chưng chín và được là người đầu tiên vớt cái bánh ú nhỏ xíu tự tay tỉ mẩn gói lẫn lộn trong những đòn bánh chưng chắc nịch của mẹ.
Tết luẩn quẩn trong hương trầm nghi ngút trên bàn thờ rực rỡ hoa mai hoa đào và mâm ngũ quả mẹ sắp xếp công phu hình rồng phượng. Là bên gian bếp thơm lừng mùi nồi chân giò heo ninh măng nhừ rục và nồi thịt kho trứng váng óng màu nước dừa.
Tết lẫn trong màu áo mới chị em mình mặc xúng xính đỏ xanh hồng khi mẹ gò lưng đạp nhanh trên máy may đường chỉ cuối cùng cho kịp nhỏ em út (lúc này đang phụng phịu ngồi trong góc nhà) mặc đón giao thừa.
Và Tết, tết đến rồi khi đồng hồ buông từng nhịp thong thả 12 tiếng, mẹ long lanh mắt ướt đen, vấn lại búi tóc dày, trong tà áo dài mới, nghiêm trang đứng bên bố thắp nhang bàn thờ tổ tiên. Ngoài sân rộn rã từng tràng pháo, mấy chị em náo nức chạy ra vào trong không gian ngập tràn hương pháo, hương trầm , hương hoa và hương đất trời vào tiết xuân mới...
Năm nào cũng như thế, dù nghèo hay khá giả, chiến tranh hay yên bình, mẹ luôn luôn cố gắng chu đáo lo 1 cái Tết cổ truyền, đầy đủ hương sắc cho cả gia đình.
Mẹ là người truyền cho mình niềm đam mê Tết sâu thẳm và níu giữ nét đẹp văn hóa Tết cho mãi về sau...
Đất trời đem lại mùa XUÂN cho con người. Nhưng chính Mẹ là người đem lại TẾT cho gia đình.
Không có Mẹ, không có Tết và Xuân chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

NGƯỜI ĐÀN BÀ CHIỀU 30 TẾT

Tác giả: Kim Hài 
Người đàn ông trông còn rắn rỏi, khoẻ mạnh trái với mái tóc óng bạc trắng như cước. Giọng nói của ông dịu dàng pha chút buồn buồn:
    - Dễ gần 30 năm rồi tôi mới trở về thành phố. Ồn ào và rộn ràng quá. Khác xa chỗ tôi … Ờ, mà anh ngạc nhiên cũng phải. Lý do gì mà tôi cứ ở hoài giữa chốn núi rừng quạnh quẽ, đèo heo hút gió ấy? Tôi có tiền, đủ sức để mua một chỗ ở đàng hoàng ở thành phố. Vậy mà tôi cứ ở mãi chỗ ấy … Có lý do chứ anh. Chiều nay ,giữa dòng thời gian tưởng như ngưng đọng của cái buổi năm cùng tháng tận này. Bỗng dưng, tôi muốn nhắc lại một kỷ niệm ,mà cũng là lý do, trước nhất nhằm gợi lại những hình ảnh cũ, hai nữa để đáp lễ tấm chân tình của người bạn thân yêu từ thuở thiếu thời là anh đó.
    Nắng chiều hây hây màu vàng ươm trườn lặng lẽ trên cụm mai vàng ngoài sân. Người đàn ông nhìn ra xa tựa như ký ức hiện hữu đâu đó sau những đám mây trắng đang bay bay tận cuối chân trời.
    - Dạo ấy tôi còn trẻ lắm. Nhưng cuộc sống lại không ưu đãi chàng thanh niên sôi nổi, tràn trề sức sống. Tôi thi hoài thi mãi không qua được cái Tú tài 2. Cuối cùng để trốn lính, tôi chui vào ngành đường sắt làm một công chức trẻ. Lúc đó vĩ tuyến vừa mới phân chia, chiến tranh tạm lắng dịu. Vì vậy tôi không nề nà khi được phân công làm trưởng trạm một ga xép nhỏ dưới chân đèo Cù Mông heo hút.
    - Không lẽ anh không hiểu rằng vùng đất ấy khó thể thích hợp với một thanh niên còn trẻ độc thân?
    - Chỉ khi đến nơi, tôi mớùi hối hận. Bốn bề toàn rừng và núi. Đây không phải là một cái ga xép như tôi tưởng tượng. Nói đúng ra, đây chỉ là một trạm bảo vệ đường sắt Nha Trang – Phú Yên. Công việc chẳng có gì nhiều. Mỗi ngày tôi chỉ cần làm việc 2 lần, một vào lúc 8 giờ sáng và một vào lúc 1 giờ trưa.
    - Thế anh định làm gì vào những lúc rỗi rảnh?
    - Thoạt đầu, tôi còn đi săn gà rừng, chim, cheo, gọi là để giết thời giờ. Riết rồi chán ngấy, tôi nằm nhà đọc tiểu thuyết kiếm hiệp kỳ tình của Phi Long, Người Nhạn Trắng … Nhưng thời gian vẫn dài lê thê, rừng vẫn một màu xanh nhàm chán , núi vẫn lừng lửng những phiến đá lạnh lẽo câm nín. Tôi đâm thèm có người nói chuyện vãn. Cứ mỗi tháng có một chiếc xe tiếp tế lương thực và thư từ ghé qua. Tôi bíu lấy người lái xe hỏi han đủ mọi chuyện. Hoặc khi gặp những người đốn củi, lấy gỗ không quen biết, tôi cũng neo lại trạm thăm hỏi, chuyện trò. Song phải thú thật, những mẩu chuyện vô vị với những con người đơn giản đó chỉ làm tăng thêm cơn khát được giao lưu, được tâm tình của tôi mà thôi.
    - Chuyện đó đến bao giờ mới chấm dứt?
    - Vâng, ba năm sau. Đó là lần mà cơn lũ đã cuốn trôi cái cầu và bẻ cong một đoạn đường sắt. Trong khi chờ thông đường, tôi được phép về thăm nhà ba ngày. Mấy ngày phép ngắn ngủi đó đã làm thay đổi cuộc sống của tôi.
    - Anh uống thêm một chén trà Bắc Thái này đi. Vị đậm và thơm lắm.
    Người đàn ông cầm lấy chén trà, nhưng ông không để ý gì đến nó. Những sợi tơ khói lay động càng làm ánh mắt ông trở nên đăm chiêu. Những nếp nhăn vạch nát vầng trán nâu mốc ,ông đang cố hồi tưởng lại câu chuyện ngày xưa.
    - Bố mẹ tôi lúc đó cũng đã lớn tuổi, các em tôi còn nhỏ. Nhìn gánh nặng gia đình của cha mẹ tôi đâu nở kể lể hoặc than thở gì, mà cũng không dám nghỉ việc. Nhưng có lẽ mẹ tôi dường như hiểu được phần nào nỗi cô đơn của tôi, ngay chiều hôm đầu tiên, bà gợi ý:
    - Con à, nay con đã trưởng thành, có công ăn việc làm, mẹ thiết nghĩ con cũng nên lập gia đình để có người chăm lo. Con có thương ai thì bảo, mẹ sẽ tác thành cho.
    Câu ứớm hỏi khá bất ngờ làm tôi bối rối. Lấy vợ rồi đem vợ về ở trong cái trại ga vắng vẻ đó ư? Có cô gái nào dại dột đâm đầu vào cơ chứ?. Với lại vội vàng làm gì.Đợi hết tuổi quân dịch , có một số vốn kha khá, tôi sẽ xin chuyển về tỉnh.Lúc ấy ,đàn bà con gái bu theo tôi gạt đâu cho hết. Hy vọng như vậy, tôi thấy vui vui trong lòng nên mỉm cười nói đùa với mẹ.
    - Ai mà chịu lấy con hở mẹ?Nên hể cô nào mẹ chấm, đồng ý theo con ra trạm là con chịu vô điều kiện. Nhưng nói trước là con không còn ngày phép để về lo chuyện tìm hiểu ,tỏ tình như trong xi nê đâu đó. Mẹ cứ cưới đùm con...
    Mẹ tôi sốt sắng:
    - Mẹ lo được mà.
    Tôi cười lúc nghĩ đến cô bạn học cùng xóm mà mẹ tôi vẫn thường khen rối rít, và cái lúc cô nghe mẹ tôi ngõ lời theo cái kiểu mà tôi vừa đưa ra. Mẹ sẽ phải thất vọng bỏ ngay ý định kiếm vợ cho tôi.
    Mẹ tôi không nghĩ vậy ,bà vẫn tiếp tục nói với giọng vui mừng vì đã thuyết phục được con trai:
    -Yên trí đi, Mẹ chọn ai thì người ấy phải là dâu hiền, vợ thảo, không làm khổ con đâu.
    Vậy mà không ngờ mùa thu năm ấy, tôi nhận được thư yêu cầu về gấp để cưới vợ. Mọi chuyện đã chuẩn bị xong, chỉ chờ tôi về. Đầu tiên, tôi buồn cười quá, sau đó mới đâm hoảng. Mọi việc té ra nghiêm trọng thực chứ không phải trò đùa. Tôi vội vàng xin phép để về.
    - Anh đồng ý cưới vợ ư?
    - Tôi chỉ định về xem xét mọi chuyện rồi tìm cách từ chối. Dù sao tôi cũng là một thanh niên tiến bộ chứ đâu phải quê mùa, xưa cổ đâu mà lấy như vậy.
    - Thế anh có thành công không?
    - Con bão rớt cuối cùng trong năm ấy đã ngăn cản hành động của tôi. Rồi vài đột biến quân sự khiến tôi không thể rời trạm.
    Khi đường thông thương trở lại , một buổi chiều đi rừng về, tôi thấy một người con gái ngồi sẵn trong trạm với rương đồ đạc…
    - Té ra cô ấy đến để ở với anh. Gan thật.
    Người đàn ông nín lặng, lắng nghe tiếng pháo chọi lẻ tẻ của đám trẻ con ngoài xóm. Mãi ông mới nói tiếp:
    - Chả hiểu bằng cách nào cô ấy một mình đến được đây với bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh.Hẳn phải có sự lựa chọn rõ ràng ,một quyết tâm lớn lao mới làm như vậy. Nhưng lúc ấy tôi chỉ thấy bực mình. Tôi thầm nghĩ đến những điều oái ăm mà đâm tức tối rồi ghét lây cả cái người gọi là vợ mình. Thật không thể hiểu được tại sao tôi lại độc ác đến thế. Tôi bước vào và nạt nộ ngay câu đầu tiên.
    - Cô đến đây làm gì? Tôi không cần tới ai cả. Cô về đi. Cô không biết là ở đây chỉ có đá với rừng thôi sao?
    Không ngờ cô ấy vẫn từ tốn trả lời thay vì khóc lóc như tôi nghĩ.
    - Mẹ cho phép em ra đây để cơm nước cho anh. Dù sao em vẫn là vợ anh.
    Vợ, vợ tôi đấy ư? Không. Trong thới gian còn đi học và cả khi đang ở cái trạm heo hút này, tôi vẫn mơ về một người vợ, một mái gia đình khác hẳn với người vợ và cái trạm hẻo lánh này. Trời đã không ưu đãi tôi trong học hành công việc, nay lại đày đoạ tôi suốt cuộc đời với ngươi đàn bà bất đắc dĩ này.
    Nhưng thay vì dỗi hờn, khóc lóc, hoặc ngạc nhiên tức giận trước thái độ của tôi, cô gái làm thinh đứng dậy, cất gọn đồ đạc, thay quần áo và bắt đầu dọn dẹp căn phòng. Dù sao tôi vẫn có chút suy nghĩ. Mọi việc có phần lỗi của tôi và do gia đình tôi. Do đó, tôi nén lòng, cố tìm phương cách giải quyết.
    - Anh gửi cô ấy về theo chuyến tàu ngược Nam là xong chuyện chứ gì?
    Người đàn ông mỉm cười lắc đầu:
    - Không, Nhàn,tên cô ấy, không phải là một người dễ nản lòng. Cô ấy nhất định ở lại với những lý do chắc chắn, hợp lý mà tôi không thể cãi lại mà nếu cãi lại thì chứng tỏ gia đình tôi chỉ là những kẻ bất lương.
    - Thế anh phải đối phó ra sao? A, nhưng cuối cùng cô ấy đã là vợ anh mà.
    - Không làm sao được, tôi đành để Nhàn ở lại. Có điều là tôi căm ghét ra mặt. Hễ Nhàn ở nhà, tôi ra đường sắt ngồi. Nhàn ra sân tôi tìm cách đi ăn bắn. Nhàn chẳng nói một lời, cứ lo trông nom dọn dẹp. Có hôm, Nhàn còn thay tôi trong công việc. Mới đầu tôi tháo vát ghê lắm. nhưng sau đó, thấy Nhàn làm đúng, tôi lợi dụng việc này nhảy tàu về Nha Trang rong chơi, uống rượu suốt đêm, hôm sau lại leo tàu trở về.
    - Hẳn cô ấy rất buồn.
    - Chắc vậy, nhưng lúc đó tôi không biết và không màng nghĩ đến chuyện ấy. Được làm vợ của tôi là phúc, cô ấy không có quyền đòi hỏi gì thêm. Tôi phải hy sinh cả cuộc đời còn lại để cùng ở chung một mái nhà với cô ấy thì cô ấy phải chấp nhận các thói hư tật xấu của tôi chứ. Mấy tháng liền chúng tôi chưa lần nào ăn chung một bữa cơm.
    - Anh sắt đá quá.
    - Tuổi trẻ độc ác hơn người già, có lẽ vì vậy mà tôi dửng dưng trước nỗi buồn câm lặng của Nhàn. Rồi tôi quen được một cô gái bán quán ở chợ Đầm. Cô ta xinh xắn, chải chuốt, lượt là. Thế là tôi mê tít, suốt ngày ở Nha Trang, tắm biển, tiêu pha hết nhẵn tiền mới mò về. Và lần nào cũng say bê bết. Khi về lại mắng chửi, tìm cách nói cay đắng để nhổ được cái gai trước mắt. Nhàn càng nhẩn nhục, tôi càng bực bội. Có lần tôi đã la lên:
    - Cô hèn lắm, lẽ ra cô phải trở về nhà để tôi rảnh nợ. Cô bám lấy tôi làm gì? Cô đâu phải là để làm vợ tôi. Cô nhìn lại mình xem, quê mùa, ít học, xấu xí …
    Ôi, tôi không từ một lời xấu xa nào để đổ lên đầu Nhàn. Lần ấy, Nhàn khóc nhiều và bỏ đi. Tôi mừng vì thoát nạn, nhưng sáng hôm sau, tôi vừa thức dậy đã thấy Nhàn ngồi nhặt thóc cho gà ăn ở sân nhà, mắt sưng vù thảm não. Tôi còn nhớ hôm ấy là ngày 23 tháng chạp, ngày Ông Táo về trời.Lần này, cô ấy không im lặng mà nói thẳng với tôi:
    - Cha mẹ tôi đã gả tôi cho anh, có cưới xin, hai họ, xóm làng đều biết cả, Vì vậy chỗ của tôi là ở đây, dù anh có đối xử như thế nào mặc lòng. Tôi chỉ ra đi khi bố mẹ anh sang nói với bố mẹ tôi. Bây giờ tôi vẫn còn là vợ anh.
    Tôi ngạc nhiên đến độ quên cả nỗi bực bội thường ngày. Khi sửa soạn nhảy tàu đi Nha Trang thăm cô bồ , tôi vẫn còn lẩm bẩm tự nhủ- té ra nó chẳng hiền gì.- Cái này mới thật là gay, song không hiểu tại sao khi nghĩ vậy tôi không bực tức Nhàn như mọi khi.
    - Có lẽ Nhàn vừa cho anh thấy một khía cạnh mới của con người mình, nhẫn nại, nhưng quật khởi đúng lúc. Tính cách cuả phụ nữ Việt Nam.
    Người đàn ông hít một hơi dài. Mái tóc bạc trắng của ông nổi bật trên nền trời chiều, bàn tay run run vì xúc động. Hồi ức hình như đang sống lại sinh động trong lòng ông.
    - Nhưng tôi lại chìm trong men rượu. Tôi ở lì ngoài Nha Trang, tiêu hết món tiền lương tháng 13 cuả mình với cô bồ xinh. Sáng 30 tết, cô bồ trở mặt đuổi tôi ra khỏi quán, viện cớ năm hết tết đến, tôi không thể ở trong nhà cô ta. Tất nhiên tôi thừa thông minh để hiểu tình đời bạc bẻo là thế. Không có tiền thì tình yêu cũng tan như mây khói. Tôi muốn về trạm, nhưng có một cuộc đụng độ đâu đó ở trên núi, làm tắc. Nhớ đến nhiệm vụ của mình, tôi quýnh quánh tìm mọi cách để về trạm. Láng cháng, không về được, tôi có thể bị tình nghi là thông đồng với Cộng Sản , hoặc nhẹ nhất là trốn nhiệm sở … Bề nào cũng rũ tù. Nhưng muốn thuê xe về thì túi không có lấy một đồng. Còn xin quá giang, chẳng ai chịu nhận một kẻ quần áo tóc tai bẩn thỉu nồng nặc hơi men như tôi, lỡ tôi là kẻ gian thì sao?
    Ngày 30 tết, pháo nổ, phố xá rộn ràng, các quán rượu bập bùng tiếng nhạc. Tôi bụng đói, chân mỏi, ngồi bó gối dưới gốc dừa cạnh bãi biển, lòng nguyền rủa mãi số phận đen đủi của mình.
    - Anh thoát ra bằng cách nào?
    - Trưa 30 Tết, khi tôi đang thiêm thiếp trên chiếc ghế đá, một bàn tay lay tôi dậy. Nhàn hiện ra trước mắt tôi như một cứu tinh. Cô ấy đã đi bộ băng núi để đón xe đò và tìm được tôi ngay tại chỗ tôi nằm.
    - Phải là một người thông minh và can đảm mới làm được việc đó thật chính xác.
    - Sau này tôi có hỏi, nhưng cô ấy chỉ nói một cách đơn giản, rằng vì tôi là chồng cô, cô phải đi kiếm cho được tôi và tất nhiên phải kiếm ra thôi.
    Cả hai chúng tôi cùng về vừa kịp chuyến tàu ra Trung thông đường. Nhìn chuyến tàu vượt qua, khuất sau rừng cây thẩm màu. Tôi buồn rầu thở dài:
    - Chiều 30 Tết rồi mà chẳng có gì thay đổi.
    Nhưng tôi đã nhầm. Khi bước vào nhà, cảnh nhà như lạ hẳn. Căn phòng sáng sủa, đẹp đẻ tươi vui với một cây mai nở hoa vàng ươm trên cửa sổ. Trên mặt tủ, không phải là những món đồ lỉnh kỉnh mà là một bát nhang và hai cây đèn thấp đỏ với bánh chưng ,bánh tét, bánh khoai mì, bánh su sê ,đầy một đĩa to hụ. Ởû giữa mâm trái rừng đủ màu sắp xếp vui mắt. Chưa có cổ bàn, nhưng căn nhà đã có không khí tết và ấm cúng như mọi nhà. Mùi xào nấu từ dưới bếp bay lên thơm nức mũi, kích thích cơn đói tôi mãnh liệt. Chẳng bao lâu Nhàn bước lên nói với tôi:
    -Có nước lá thơm ở đằng sau, anh ra tắm rồi ăn cơm.
    Tôi làm thinh ngoan ngoãn ra tắm rửa. Nước nóng làm bao mệt nhọc tiêu tan. Lúc trở vào ,thức ăn đã sẳn sàng. Tôi ngại ngần một chút rồi bước đến bàn thờ thắp một nén nhang thơm. Đàng sau tôi, Nhàn lâm râm khấn vái.
    Khi ăn đến bát thứ ba, tôi mới cảm nhận chính xác được tài nấu ăn của Nhàn. Với những thức đơn giản, nàng đã chế biến nêm nếm để cho những đĩa thức ăn ngon lành, tinh khiết, vừa miệng.
    Dưới ánh đèn đêm 30 Tết, bỗng dưng tôi không còn cảm giác cô đơn nữa. Mẹ tôi đã nói đúng. Bà đã chọn cho tôi một người vợ thảo. Cách chọn của bà tuy không có sự đồng ý của tôi và chẳng thích hợp với thời đại ,nhưng công bằng mà nói, Nhàn là một người phụ nữ tốt và dễ thương phù hợp với cuộc sống gia đình, nhất là một gia đình vì công việc phải ở nơi hẻo lánh như tôi.
    - Hai anh chị bắt đầu hoà hợp với nhau từ tết năm ấy.
    Vâng, trái tim tôi đã chấp nhận Nhàn, và càng ngày, tình yêu càng nảy nở trong tôi. Nhàn đã chứng tỏ cái đức hạnh công dung mà chưa chắc một cô gái đẹp nào đó hơn được. Có Nhàn, rừng núi chẳng còn hiu quạnh. Rồi con cái ra đời, và tôi không mong gì hơn nữa.
    Nhưng chiến tranh càng ngày càng ác liệt.
    Mồ hôi rịn chảy trên da mặt người đàn ông. Mái tóc bạc rũ xuống. Nét mặt hằn đầy đau khổ. Cặp mắt rong lanh rướm lệ. Ông lắc đầu cố xua đuổi dĩ vãng.
    - Không, tôi không muốn nhắc lại những ngày đau lòng.
    - Vâng, cái chết của chị tôi đã nghe. Tôi nghiệp. Anh nên rời chỗ cũ, vì đó đâu còn trạm nữa và anh cũng đâu còn làm việc.
    - Nhưng, ngôi nhà ấy đã trở thành nhà tôi.Đã có nhiều ngôi nhà khác ở bên cạnh,nơi đây đâu còn vắng vẽ nữa. Tôi an tâm giữ gìn chút kỷ niệm với người đã mất. Tôi chỉ ân hận là mình chưa nói được câu tỏ tình với vợ như những đôi tình nhân. Câu nói mà lẽ ra tôi phải nói vào một buổi chiều 30 Tết năm xưa...

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

CHỊ BÁN VE CHAI VA QUÁN CƠM 5000Đ

Câu chuyện có thật diễn ra vào trưa ngày 13/1 vừa qua, tại quán cơm chay Thiên Phước 5000đ, ở 62 Nguyễn Chí Thanh, phường 16, quận 11, TP.HCM. Trong lúc mọi người đang loay hoay vì giờ cao điểm khách vào ăn cơm đông, cậu sinh viên (là lực lượng tình nguyện viên phụ giúp quán) báo có cô bán ve chai là khách hàng thương xuyên của quán muốn gặp.
Vừa gặp chủ quán, chị đã khóc và kể: "Năm nay làm ăn khó khăn quá, đối với chúng tôi những người lao động xa quê lên đất Sài Gòn tìm một công việc đã khó và còn khó hơn khi vật giá leo thang. Thu nhập thì thấp (chị vẫn vừa nói vừa khóc), nhưng tôi đã vào quán này ăn từ ngày quán khai trương cho đến nay.
Dân mạng “nóng” câu chuyện cảm động ở quán cơm 5000đ - Ảnh 1
Người phụ nữ bán ve chai mang một bao tải gạo và một chai dầu ăn đến quán cơm chay Thiên Phước 5000đ.
Đối với chúng tôi đây thật sự là điểm đến buổi trưa ấm lòng, tiết kiệm được chút ít chi phí cho bữa ăn hàng ngày...”. Nói xong, chị đi ra xe đẩy ve chai của mình ôm vào quán một bao gạo 10kg và một chai dầu ăn 1 lít rồi nói, xin quán hãy nhận ở nơi tôi tấm lòng, để chia sẻ với nhau.
Chủ quán cơm ngỡ ngàng, không biết phải làm sao vì món quà này đối với nhiều người tuy không lớn, nhưng đối với một người thu nhập thấp thì đây quả là một số tiền cũng không hề nhỏ. Rồi anh nói sẽ nhận ở tấm lòng của chị.
Thế nhưng chị nhất quyết không chịu, bắt chủ quán phải nhận bao gạo và chai dầu ăn. Chủ quán cơm chỉ còn cách nhận những món quà tình, quà nghĩa kia và dặn dò chị mai mốt chị đến ăn cơm, hôm nào buôn bán ve chai được kha khá thì chị có thể đem lại 1 bó rau muống hoặc 1 chai nước tương nho nhỏ là được rồi, không nên mua với số tiền vượt khả năng của mình, quán sẽ không nhận đâu. Chị cười và câu chuyện cứ như dài bất tận tựa tấm lòng của những người tốt gặp nhau.

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

TẾT CỦA MẸ TÔI

Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều,
Mẹ tôi lo liệu đủ trăm điều.
Sân gạch tường hoa người quét lại,
Vẽ cung trừ quỷ, trồng cây nêu.

Nuôi hai con lợn tự ngày xưa,
Mẹ tôi đã tính "tết thì vừa."
Trữ gạo nếp thơm, mo gói bó,
Dọn nhà, dọn cửa, rửa bàn thờ.

Nay là hăm tám tết rồi đây,
(Tháng thiếu cho nên hụt một ngày)
Sắm sửa đố lề về việc tết,
Mẹ tôi đi chợ buổi hôm nay.

Không như mọi bận người mua quà,
Chỉ mua pháo chuột và tranh gà,
Cho các em tôi đứa mỗi chiếc,
Dán lên khắp cột, đốt inh nhà.

Giết lợn, đồ xôi, lại giết gà,
Cỗ bàn xong cả từ hôm qua.
Suốt đêm giao thừa mẹ tôi thức,
Lẫm nhẫm cầu kinh Đức Chúa Bà.

Mẹ tôi gọi cả các em tôi,
Đến bên mà dặn: "Sáng ngày mai
Các con phải dậy cho thật sớm,
Đầu năm năm mới phải lanh trai.

Mặc quần mặc áo lên trên nhà,
Thắp hương thắp nến lễ ông bà.
Chớ có cãi nhau, chớ có quấy,
Đánh đổ, đánh vỡ như người ta..."

Sáng ngày mồng một sớm tinh sương,
Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường.
Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi,
Rửa mặt hoa mùi nước đượm hương.

Thầy tôi lấy một tờ hoa tiên,
Bút lông dầm mực viết lên trên.
Trên những gì gì tôi chẳng biết,
Giữa đề năm tháng, dưới đề tên.

Mẹ tôi thắt lại chiếc khăn sồi,
Rón rén lên bàn thờ ông tôi.
Đôi mắt người trông thành kính quá,
Ngước xem hương cháy đến đâu rồi.

Mẹ tôi uống hết một cốc rượu,
Mặt người đỏ tía vì hơi men,
Người rủ cô tôi đánh tam cúc,
Cười ầm tốt đỏ đè tốt đen.

Tôi mặc một chiếc quần mới may,
Áo lương, khăn lượt, chân đi giày.
Cho tôi đi lễ bên quê ngoại,
Người dặn con đừng uống rượu say.

Xong ba ngày tết mẹ tôi lại,
Đầu tắt mặt tối nuôi chồng con.
Rồi một đôi khi người dậm gạo,
Chuyện trò kể lại tuổi chân son.
                  Nguyễn Bính

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

CHỢ TẾT

Dải mây hồng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam, ôm ấp nóc nhà gianh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ,
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu.
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa,
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh
 .

Người mua bán ra vào đầy cổng chợ.
Con trâu đứng vờ lim dim mắt ngủ,
Để lắng nghe người khách nói bô bô.
Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ,
Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán,
Một thầy khoá gò lưng trên cánh phản,
Tay mài nghiên hí hoái viết thơ xuân.
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.
Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu,
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu.
Áo cụ lý bị người chen sấn kéo,
Khăn trên đầu đương chít cũng tung ra.
Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi.
Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi,
Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa,
Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha,
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết.
Con gà sống mào thâm như cục tiết,
Một người mua cầm cẳng dốc lên xem.
Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm
Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh.
Trên con đường đi các làng hẻo lánh,
Những người quê lũ lượt trở ra về.
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê.
Lá đa tơi bời quanh quán chợ.
                                      
Đoàn Văn Cừ

MƯA XUÂN



Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây luạ trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Ðặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Ðoài hát tối nay”

Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chả sang xem!

Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe
Mưa bụi nên em không ướt áo
Thôn Ðoài cách có một thôi đê


Thôn Ðoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em

Chờ mãi anh sang anh chẳng sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Ðể cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng!

Mình em lầm lũi trên đường về
Có ngắn gì đâu môt dải đê!
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Ðặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày!
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Ðặng đi ngang ngõ
Ðể mẹ em rằng “hát tối nay”?
                 
Nguyễn Bính

Bài hát
Mưa xuân
Nhạc: Huy Thục


http://baicadicungnamthang.net/bai-hat/mua-xuan-1829.html
http://baicadicungnamthang.net/bai-hat/mua-xuan-1829.html
 

MÙA XUÂN NHO NHỎ


Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời.
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng

Mùa xuân người cầm súng
Lộc dắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao

Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước
Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc

Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế.
                     Thanh Hải


Bài hát: 

Một mùa xuân nho nhỏ - Anh Thơ - YouTube

Thơ: Thanh Hải
Nhạc: Trần Hoàn
Ca sĩ: 
Anh Thơ

NỤ HOA VÀNG MÙA XUÂN

Anh cho em mùa xuân
Nụ hoa vàng mới nở
Chiều đông nào nhung nhớ
Đường lao xao lá đầy
Chân bước mòn vỉa phố
Mắt buồn vin ngọn cây

Anh cho em mùa xuân
Mùa xuân này tất cả
Lộc non vừa trẩy lá
Thơ còn thương cõi đời
Con chim mừng ríu rít
Vui khói chiều chơi vơi

Đất mẹ gầy cỏ lúa
Đồng ta xanh mấy mùa
Con trâu từ đồng cỏ
Giục mõ về rộn khua
Ngoài đê diều thẳng cánh
Trong xóm vang chuông chùa

Chiều in vào bóng núi
Câu hát hò vẳng đưa
Tóc mẹ già mây bạc
Trăng chờ sau liếp dừa
Con sông dài mấy nhánh
Cát trắng bờ quê xưa…

Anh cho em mùa xuân
Bàn tay thơm sữa ngọt
Dải đất miền chim hót
Người yêu nhau trọn đời
Mái nhà ai mới lợp
Trẻ đùa vui nơi nơi

Hết buồn mưa phố nhỏ
Hẹn cho nhau cuộc đời
Khi hoa vàng sắp nở
Trời sắp sang mùa xuân
Anh cho em tất cả
Tình yêu non nước này

Bài thơ còn xao xuyến
Nắng vàng trên ngọn cây…
         
           Kim Tuấn

Bài hát:
Ai cho em mùa xuân
Thơ: Kim Tuấn
Nhạc: Nguyễn Hiền
Ca sĩ: Helen Nguyễn

ÔNG ĐỒ


Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
‘’Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay’’.

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiêng sầu…

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay.

Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
                  Vũ Đình Liên

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

TÁC PHẨM ĐIÊU KHẮC BẰNG GỖ

Chắc chắn bạn sẽ vẫn phải nhìn đi nhìn lại xem những tác phẩm điêu khắc này để xem chúng là thật hay chỉ được tạo nên từ gỗ cùng với vài màu sơn đơn giản.

 

Những tác phẩm mà bạn nhìn thấy dưới đây, tất cả đều được tạo nên bởi Randall Rosenthal, một nhà điêu khắc tài năng người Mỹ. Từ những khúc gỗ thô mộc ban đầu, Randall đã “hô biến” chúng thành một thùng tiền y như thật.  

 
Những cuốn tạp chí xếp chồng lên nhau được gọt đẽo và trang trí vô cùng tỉ mỉ. 

 
 Một cuốn sổ gắn đầy những tấm ảnh thẻ của các ngôi sao thể thao. 

 
Hay một tập bản thảo đã ố vàng. 

 
Một chiếc thùng nhỏ với tờ giấy bên trên bề mặt. 

 
Bản đồ, hộ chiếu và vài chiếc danh thiếp. 

 
 Rất nhiều tiền được đựng trong phong bì. 

 
Hay báo.  

 
Tạp chí.  

 
 Truyện tranh.  

 
Nếu chỉ nhìn những hình ảnh trên, có lẽ nhiều người sẽ không tin.   

 
Vì vậy, chúng ta sẽ cùng xem những bức hình ghi lại quá trình làm hai tác phẩm từ đầu đến cuối của người thợ mộc “bậc thầy” này! 

  
 Bắt đầu được tạo hình. 

  
 Đẽo gọt tỉ mẩn. 

  
Một cuốn sách, một con dao, củ tỏi... 

  
Và cuối cùng là sơn màu để có tác phẩm hoàn thiện. 

  
Trông thì có vẻ đơn giản, nhưng kỳ thực nhà điêu khắc làm nên những tác phẩm ấn tượng này đã đầu tư cực kỳ nhiều chất xám cũng như thời gian và công sức cho chúng. 

  

 

 
 














Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

NHỚ NGÀY ÁP TẾT

Chuyện phiếm của Nguyễn Kỳ
 Vừa hôm qua nắng còn vàng hanh, sáng nay đã thấy mưa phùn và gió bấc thổi dọc con phố nhỏ. Tết lại sắp đến rồi. Năm nào cũng thế, cứ vào tầm sau Noel và tết dương lịch là không khí tết lại râm ran trong câu chuyện của mọi người, nhất là các bà nội trợ. Bây giờ, câu chuyện có sức hút nhất chắc là về tiền thưởng tết năm nay nhiều hay ít, được nghỉ dài ngày thì tranh thủ đi đâu…, nhưng vài chục năm trước thì điều các bà quan tâm chỉ xoay quanh chuyện mua gì, ở đâu; Vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước, khi còn là một đứa trẻ, tôi nhận biết tết sắp đến từ lúc thấy trong góc sân nhà được xếp ngay ngắn một đống củi khá to. Cỡ khoảng hơn một tháng trước tết, trên những con phố buổi trưa yên tĩnh của Hà Nội, đã thấy cái xe ba gác chất đầy củi bắp, những thanh củi to như bắp tay, được cắt đều tắp, xếp thành từng lớp ngay ngắn, do hai người đàn ông, một kéo đằng trước, một đẩy đằng sau, vừa đi vừa rao bán. Nghe tiếng rao, mẹ bảo tôi ra gọi để họ dừng lại, rồi mẹ ra xem, nếu thấy củi đẹp, chắc và khô thì mặc cả và mua để chuẩn bị cho nồi bánh chưng Tết. Cũng vào tầm ấy, các hiệu may đã bắt đầu đông khách. Hồi trước 1960, Hà Nội có mấy cửa hiệu may nổi tiếng, chuyên may complet có Tiến Thành ở phố Lê Thái Tổ, Phúc Mỹ, Tân Đức Việt ở phố Hàng Trống, Nhà may Phú Hưng, Tân Tân ở Tràng Tiền, Tràng Thi…; quần và sơ mi thì có Anh Quân, Bùi Huy Nhượng…, các bà, các chị thì may áo dài, áo bông ở phố Lương Văn Can, Cầu Gỗ; quần áo trẻ em có cửa hàng Đức Hạnh ở Hàng Trống. Sau này các bậc nghệ nhân ấy hầu hết đều vào công tư hợp doanh, những năm sáu mươi lại có nhiều thợ may giỏi thường nhận làm thêm tại nhà. Thời ấy may một bộ complet là chuyện lớn lắm, nhiều khi chú rể cũng chỉ dám đi mượn để mặc trong đám cưới chứ không đủ điều kiện may mới. Thế mà tầm sát tết, nhà may nào cũng tất bật để kịp trả hàng trước tết và kịp cho thợ nghỉ về quê ăn tết với gia đình.
Các cửa hàng bán đồ tết cũng chuẩn bị hàng hóa và nhà nào có điều kiện thì cũng đã lo mua sẵn đủ những thứ đồ khô như những bóng bì, miến, măng khô, gạo nếp, hạt tiêu, nấm hương, đến cận tết thì mua bánh kẹo và mấy hộp mứt… Các thứ thực phẩm, chợ nào cũng sẵn hàng, kể cả trong những năm chiến tranh, nhưng phong phú nhất phải kể đến chợ Đồng Xuân và chợ Bắc Qua ở ngay sau chợ Đồng Xuân. Quầy hàng thịt mậu dịch có đến hàng mấy chục cửa bán hàng, ngày gần tết hàng trăm người đứng xếp hàng, ai cũng mong chọn được miếng thịt ngon… Các hàng đồ khô bày la liệt, ngoài bóng bì lợn, còn có cả bóng cá dưa, bóng cá thủ, trông như những bông hoa vàng xốp, rất thích mắt. Khu hàng gà bên chợ Bắc Qua cũng đông các bà các chị chọn mua, từng bu gà chồng chất, tiếng gà kêu quang quác bốn phía. Được đi chợ Đồng Xuân với mẹ, tôi rất thích: được mẹ hướng dẫn chọn đồ ngon, có khi lại được xà vào khu hàng ăn để mẹ thưởng cho bát bún gì đó... Còn ở đầu Hàng Bông, nhà số 9 thì phải, có hàng giò chả ngon lắm, mẹ tôi vẫn gọi đó là cửa hàng "bà cụ Hàng Hài", (hình như Hàng Hài là tên cũ của phố Hàng Bông?). Bà cụ hồi ấy đã già, gương mặt đầy nếp nhăn, lưng đã còng, hay mặc áo cánh phin nõn trắng và chiếc áo bông kép bên ngoài. Bây giờ ngôi nhà đó vẫn là cửa hàng giò chả Quốc Hương nổi tiếng.

Thời bao cấp, để có một cái tết tạm tươm tất, nhà nào cũng phải “ăn dè” để dành tiền lo tết. Mỗi người có mấy mét phiếu vải, dành cả năm để may bộ quần áo mới, nhất là cho trẻ con; phiếu thịt cũng phải dành dụm để mua mấy cân thịt làm bánh chưng và làm cỗ tết. Thế mà vẫn vui.
Rồi ngày tết cứ đến gần. Ai cũng trông chừng thời tiết. Tết mà gặp tiết trời nồm hay nắng nóng thì không thích, vì đồ ăn chóng hỏng, không giữ được lâu, nhất là bánh chưng chua mốc thì phí quá. Tết mà rét quá thì lo bộ quần áo mới may chưa đủ ấm. Nhưng nóng hay rét thì những ngày giáp tết vẫn là những ngày bận rộn nhất và vui nhất. Mà sao lắm việc thế không biết. Việc lớn nhất chắc là nồi bánh chưng. Nhà tôi thường gói bánh vào ngày 28 tết. Chiều tối 27 là mẹ sai mấy anh em tôi rửa lá, đãi đỗ, ngâm đỗ, ngâm gạo. Mới đầu còn chuyện trò trêu chọc nhau, ríu rít, được một lúc thì rét. Hai bàn tay ngâm trong nước lạnh trắng lợt ra, lưng cúi mãi cũng mỏi nhừ. Lúc ấy ai cũng ao ước giá mà được bát phở nóng nhỉ. Phở thì chẳng có, nhưng tối mịt làm xong, được ngồi quây quần trong gian bếp ấm, bàn tay ôm quanh chén nước vối nóng, vừa xuýt xoa vừa tán chuyện, sao vui thế.
Sáng hôm sáu, tờ mờ sáng mẹ đã dậy nấu đỗ xanh làm nhân bánh. Thường cỡ sáu giờ thì bác tôi sang cùng gói bánh. Bác Cả là anh ruột của mẹ, tuy đã già nhưng còn khỏe và tinh lắm. Bác gói bánh cực khéo. Bác và mẹ tôi ngồi gói bánh, ba tôi chỉ ngồi bên cùng chuyện trò được một lúc rồi đi làm. Sau này tôi thấy nhiều nhà gói bánh bằng khuôn, nhưng khi ấy, bác Cả và mẹ tôi chẳng dùng khuôn gì hết, chỉ lấy kéo cắt hai đầu tấm lá dong, đăt mấy chiếc lá dọc, ngang rồi đổ vào giữa một bát gạo, lấy một nắm đậu xanh đã giã mịn, tãi đều lên, rải miếng thịt đã ướp từ đêm trước, thêm một lượt đậu xanh, một lượt gao nếp rồi gập ba cạnh lá như cái hộp vuông, sau đó dựng chiếc bánh lên, giỗ xuống mặt mâm cho chặt và gấp nốt cạnh thứ tư, thế là xong chiếc bánh vuông vức, đều tắp mười chiếc như một. Mấy đứa chúng tôi đón lấy, dùng lạt giang buộc chắc từng chiếc, rồi buộc hai chiếc thành một cặp. Tôi nhớ hồi ấy năm nào nhà tôi và nhà bác Cả cũng gói và luộc chung, mỗi năm làm chừng bốn chục chiếc. Nhưng trước khi xong, bao giờ bác cũng làm mấy chiếc bánh chưng “con” cho lũ nhóc chúng tôi, bánh nhỏ bằng bàn tay trẻ con, như cái bánh chưng rán của các bà bán hàng bây giờ, nhưng đủ cả nhân đậu, thịt, buộc lạt đàng hoàng. Đến tầm mười giờ thì bắc nồi luộc bánh: kê mấy viên gạch làm kiềng, nồi là một chiếc thùng phuy cỡ 100 lít, củi đã sẵn khô và chắc, cháy đượm, mấy chốc nồi bánh bắt đầu sôi, hơi ấm từ bếp bánh chưng tỏa thơm một khoảnh sân, mấy đứa chúng tôi lại ngồi quây quần sưởi lửa. Năm nào “xông xênh”, còn dư lại gạo nếp và thịt thì làm nồi cơm nếp với thịt kho tàu, sao ngon thế.
Nhà tôi ở Hàng Trống. Buổi chiều ba tôi đi làm về sớm hơn thường lệ, gọi tôi hoặc anh tôi đi cùng lên Hàng Lược sắm cành đào. Đây là thú vui không thể tả. Hà Nội ngày ấy không đông đúc như bây giờ, nhưng chợ hoa thì lúc nào cũng đông. Ba tôi đi suốt dãy hàng hoa rồi đến dãy bán cành đào. Gặp cành nào đẹp, ba ngắm nghía, quay phía này, phía khác, ngắm kỹ cái gốc, xem xét từng cành, xem bông xem nụ rồi hỏi giá. Có khi gặp cành đào ưng ý lắm rồi nhưng giá hơi cao, cụ lại giả vờ bỏ đi một đoạn xem người bán có đổi ý không, thế mà lại được việc. Chắc người bán hoa cũng thấy vui vì bán được cho người biết chơi đào nên không nỡ giữ giá. Mua được rồi, hai bố con thay nhau vác về, dọc đường bao nhiêu người nhìn và hỏi giá. Có năm ba mua cành to hoặc mua cây đào thế phải thuê xích lô chở về, nhưng tôi biết mặc dù rất thích chơi cây đào thế nhưng cụ thường chỉ mua cành đào có thế đẹp để cắm được trên bàn thờ gia tiên. Rước cành đào về đến nhà là mùa xuân đã đến, ba cùng chúng tôi lau rửa kỹ lưỡng mấy chậu lan, đặt hai bên bậc tam cấp trước cửa rồi lau chùi bàn thờ, đổ nước và cát vào chiếc lọ độc bình trên bàn thờ để cắm cành đào. Thêm bát hoa thủy tiên được mẹ tôi gọt tỉa công phu từ bao giờ nhằm sao cho nở đúng giao thừa, bày trên chiếc bàn kính giữa nhà, thế là cùng với làn khói bếp bánh chưng lan tỏa, ngày tết như đã đến rồi.
Tầm mười giờ đêm thì vớt bánh. Khói và hơi nước cay xè mắt, mấy anh em tôi dùng thanh sắt uốn cong một đầu, móc từng cặp bánh vớt ra, cho vào chậu nước lạnh rửa sạch cho hết váng mỡ bám trên lá bánh, sau đó xếp bánh thành mấy hàng liền nhau, dùng một tấm gỗ như cái bảng đặt lên trên, lại xếp lên đó cái cối đá và mấy viên gạch để nén bánh cho chặt. Lại phải chặn kín các cạnh để canh chừng lũ chuột. Sáng hôm sau là hoàn thành các công đoạn, mẹ tôi chọn hai cặp bánh đẹp nhất để bày trên bàn thờ, còn lại treo lên một cái sào dọc theo tường bếp. Thế là đã ngày 29 tết rồi.
Quê tôi ở ngay Ninh Hiệp, cũng gần. Năm nào cũng vậy trước tết mấy ngày ba tôi cũng về quê, ra thắp hương trên mộ tổ tiên mời các cụ về ăn tết với con cháu. Ở làng mấy ngày gần tết, nhà nào có ao cá đều tát ao bắt cá bán. Ba tôi ở nhà một ngày, xem tát ao, cùng họ hàng ăn bữa cá luộc và cháo cá, rồi mua một con chép hay trắm cỡ cân rưỡi, hai cân đem ra Hà Nội để mẹ tôi làm nồi cá kho gừng. Ngoài bánh chưng ra, có thêm nồi cá kho, nồi canh măng khô nấu với chân giò và vại dưa hành nữa, thế là đi chơi tết yên tâm. Thế nhưng từ ngày 29, mẹ tôi lại bắt đầu chuẩn bị cho bữa cỗ ngày ba mươi và ngày mùng một. Bóng bì, bóng cá, giò sống, thịt nạc, nấm hương, hoa lơ, su hào, cà rốt… cho nồi canh bóng; luộc măng cho mềm và hết đắng rồi cho vào nồi ninh với chân giò. Mấy con gà đã mua từ nửa tháng trước nuôi để vỗ béo. Chỉ mấy món cỗ mà bao nhiêu công phu chuẩn bị: từng miếng xu hào, cả rốt được cắt tỉa khéo léo, đẹp mắt, con gà luộc đặt trên ban thờ phải có dáng thật đẹp: chân quỳ, hai cánh dang ra, đầu ngẩng cao, mỏ ngậm bông hoa hồng đỏ thắm… Tất cả những việc ấy, mẹ vừa làm vừa chỉ bảo cho các chị tôi cùng làm “để sau này về nhà chồng còn biết đường mà làm cỗ”..
Chiều ba mươi, bữa cỗ tất niên đã xong, mọi người đều đã “tắm tất niên” bằng nồi nước lá mùi già thơm nức. Ngoài đường chốc chốc lại vang lên tràng pháo tiễn năm cũ. Làn khói mỏng trên ban thờ tỏa mùi hương trầm ấm cúng và thiêng liêng. Ba mẹ gọi mấy anh em chúng tôi vào dặn dò: “Mai là năm mới, các con thêm một tuổi, phải ngoan hơn và phải biết lễ phép, nghe lời người lớn. Ai đến thăm nhà hay đi đến nhà ai đều phải chào hỏi thưa gửi đàng hoàng, người trên mừng tuổi phải biết cảm ơn và chúc tết; không được cãi vã nhau, không được nói những điều không hay và không bao giờ được làm những điều không tốt…”
Vâng, thưa ba mẹ, con xin ghi nhớ lời ba mẹ, và đến bây giờ con vẫn dạy các con của con như thế.