Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

MÍA TẾT

truyennganmoi

Tác giả: Trang Đài-Trần Nguyễn


 Tết cũng là mùa ươm mía. Đám mía này sắp bán được, thì chuẩn bị trồng đám mía mới.  Cho nên cái khoảng mấy tháng giữa hai mùa mía là chúng tôi nhớ mía nhất.  Gò nhà Ngoại đất rộng, nên Dì Thơ và Dì Hiền cứ xoay tua, trồng cà, bắp, mía, chuối, đậu xanh… để giữ đất.  Miếng gò này năm nay trồng mía, năm sau trồng bắp, đất không bị chai.
Gần Tết, hai Dì đi xuống chợ, vô vựa mua mía giống.   Hồi đầu, Dì Thơ trồng mía lau để bán cho mấy hãng làm đường.   Sau này, Dì trồng mía thanh dịu, bán cho người ta ăn, tụi nhỏ cũng được hưởng ké.   Tết mà có ít cây mía thanh dịu để xướt thì khỏi chê.  Có năm, cả đám kéo nhau ra gò mía, ngồi giữa đám mía, rồi đi ruồng xung quanh, lựa cây nào ngon bẻ ăn tại chỗ.  Gió chướng thổi loạt xoạt từng cơn như khúc nhạc giao hưởng bất tận.  Nắng óng ánh rót mật xuống áo quần, đầu tóc hoa niên.  Mía thanh dịu vừa mềm vừa thơm, ăn hoài mà không bị rát miệng.  Có đứa mê ăn mía quá, no luôn, không ăn cơm.   Nhưng thích nhất là cả đám ngồi với nhau, rỉ rả kể chuyện đời của con nít, xúm nhau cập đôi một đứa với đứa nào nó ghét nhất trong xóm, rồi cười nghặt nghẽo với nhau.   Sướng ơi là sướng.  Thường thì khi trồng đồ để bán, Ngoại luôn chọn đồ tốt để bán, để vui lòng người mua.  Ngoại hay nói mình nên ăn những cái không bán được, mà vẫn ngon, như những cây mía hơi ốm và tướng tá không bảnh bao, nhìn không đẹp nhưng ngọt và mềm.  Hay những trái bắp bên cao bên thấp nhưng ngọt lịm và thơm phức, đêm rằm nấu cả rổ, trãi đệm trước sân, vừa ngắm trăng, vừa nghe vạc sành kêu, vừa ăn bắp, có khi không muốn ngủ.  Có khi Ngoại thấy trái bắp nào ngon quá, hay cây mía nào mộng quá, cũng để dành cho cháu.  Còn Mồng Một Tết thì xả dàn! Một năm chỉ có một ngày để hưởng những gì ngon nhất!
Trồng mía lau thì đỡ công chăm sóc, bán cũng có tiền vì lúc đó, cả nước thiếu đường.  Đường cát trắng là xa xí phẩm, nhiều khi Dì Thơ đi kiếm mua để Ông Bà Ngoại uống cà phê mỗi sáng mà cũng không có, phải mượn bạn hàng mua dùm từ trên Sài Gòn đem về.  Dì Thơ luôn chuộng hàng chất lượng, nhất là khi mua đồ cho Ông Bà Ngoại.  Dì không ngại tốn tiền, miễn là Ông Bà Ngoại được hưởng những gì xứng đáng nhất, như Ông Bà đã có trước cuộc đổi đời.  Không lấy chồng, không có con, nên Dì thương và lo cho cả bầy cháu.  Có bánh ngon là Dì mua cho ăn, miễn là lúc đó Dì còn tiền.  Lúc nào túng bấn quá, thì Dì cũng dành dụm mua đường, xay bột, rồi tự tay làm bánh cho tụi tôi ăn.  Dì làm bánh mức và nấu ăn rất khéo. Ở nhà, Dì giống Bà Ngoại nhất, từ khuôn mặt đến tính tình, và giống nhất là ở chỗ hai người nấu ăn rất ngon. Mẹ nói, Ông Ngoại cưng Dì Thơ nhất là tại Dì giống Bà Ngoại như đúc. Dì Thơ lại rất hiếu thảo.  Nhiều khi chỉ vì đi mua một kí đường cát trắng để pha cà phê cho Ông Bà Ngoại, mà Dì Thơ phải đi giáp cả chợ, nhưng rốt cuộc hỏi hết mấy sạp đường mà cũng không ra.  Nấu ăn thì xài đường tán, màu vàng nâu, thơm thơm, người ta đóng cục hình bầu dục.  Mỗi lần Dì Thơ mới mua đường về, là tụi tôi dắt nhau lén đi ăn vụng, nhất là mùa hè, khi ai nấy cùng về Ngoại chơi.  Hình như sau đó thì bịch đường mất sự nhiệm mầu của nó, hay vì chúng tôi mắc theo đuổi những cái thú khác của tuổi thơ cũng không biết.  Chỉ cần lấy một cục đường, rồi cả đám kéo ra đống rơm, hay chạy ra bờ sông, ngồi rạp với nhau trên cỏ.  Mỗi đứa cắn một cái, rồi chuyền đi.  Đường ngọt, nên cuộc đời cũng ngọt theo.  Ngon cách gì!


Hai Dì mua mía xong thì đi mướn ghe trong xóm chở về.  Mình chỉ hẹn người ta xuống gặp mình ở vựa mía, rồi coi họ chất mía lên ghe đàng hoàng.  Ghe đi rồi, thì mình mới đạp xe đi đường ổ gà và đường bờ con để về.  Có lần, Dì Thơ cho tôi theo ghe đi đón mía.  Chỉ được theo ghe lúc đi đón thôi, khi ghe còn trống, vì khi về thì ghe phải chở mía, tôi ngồi băng sau của xe đạp đeo eo của Dì mà về.  Lúc đi trên sông thanh vắng, ngắm cảnh.  Lúc về phố xá náo nhiệt, ngắm người.
Lần đầu tiên được đi ghe, háo hức lắm. Tôi mê mẩn ngồi ở đầu ghe, ngó những hàng dừa nước hai bên bờ sông xanh mướt, ngó thấy con sông thông với những liếp ruộng bạt ngàn. Phèn mùa này khắn vô đất, vì là mùa khô. Những thửa ruộng ở xa trông vàng rực như ráng chiều. Giữa những tàu bập dừa mũm mĩm, tôi thấy lưng người nhấp nhô trên những mảng ruộng xa xa. Chắc họ đang trở đất, chuẩn bị cho mùa lúa sau.  Có chỗ, người ta đang đốt đồng, khói trắng lượn lờ giữa khoảng xanh.  Thấp thoáng bên kia là những cây bần già, gốc cây sần sùi nhiều nấn như một bức tượng điêu khắc.  Chim chóc ríu rít quanh sông. Tiếng con bìm bịp là lớn nhất. Nó bay là đà trong đám dừa nước, miệng liên hồi kêu nước sông lên. Hồi đó, nhà cửa còn thưa thớt, đứng ở xóm này nhìn thấu mấy xóm xung quanh.  Mẹ nói lúc nhỏ, Mẹ chỉ cần leo lên cây me ở chỗ đìa lạng, là nhìn rõ ra tuốt tới đường cái.  Bữa nào Mẹ với mấy cậu mấy dì mà phá cái gì, thì cứ thay phiên nhau leo lên cây me để coi Ông Bà Ngoại đã về gần tới chưa.  Tới thời của tôi thì không còn cái lợi thế đó nữa, vì nhà cửa bắt đầu mọc lên, và người ta cũng trồng cây quanh nhà, cản mất luồng trinh thám của những đứa trẻ cần thông tin quan trọng nhằm quyết định có thể kéo dài hay phải dập tắt cuộc phá phách.
Tôi phóng tầm mắt về phía trước. Nắng chiếu lóng lánh trên mặt nước, bàng bạc, lung linh.  Chiếc ghe cứ từ từ đi tới, có lúc rẽ theo nhánh sông này, có lúc xuôi theo dòng nước nọ.  Người chủ ghe chèo quen tay, ghe đi êm ru.  Xa xa, mấy con cá há miệng đớp mấy con bọ nước ở trên mặt sông, kêu bũm bũm.  Có con đang tập khinh công, ưỡn mình trên không rồi rớt ùm xuống nước.  Tôi ráng nhìn coi đáy sông nông hay cạn, mà không cách chi biết được, vì nước sông không trong vắt, mà lờ lợ vì có phèn và phù sa.  Vùng đất này ngày xưa có lẽ là một phần của đại dương. Khi chơi trong gò nhà Ngoại, tôi thường lượm được nhiều vỏ sò thật đẹp và lạ mắt, không thấy ở đâu khác trong vùng. Chắc vì Ông Bà Cố khai hoang đã mấy chục năm trước, nhưng giữ miếng đất này như hồi mới tới, nên trong đất còn giữ được di tích cũ.  Các nơi khác, người ta xây nhà, hoặc đào lên làm ruộng, dần dần cũng xoá hết vết tích ngày trước, hoặc bị nước sông cuốn đi mỗi bận nước ròng.  Phải chăng chính đại dương đã trồi lên, nước biển về trời, để tặng cho con người miền đất trù phú an hoà này?


Ngó mông một hồi thì tôi thấy nhức đầu.  Không biết say ghe hay say nắng.  Chiều đó, khi cạo gió cho tôi, Mẹ nói tại tôi bị say sóng, giống Mẹ. Tôi không chịu.  Tôi bị say ‘sông’ chứ không phải say sóng, vì ghe chỉ đi trong những con sông nhỏ nước lợ của quê tôi, chứ có ra biển đâu mà có sóng.  “Ờ, thì có cái gì mà con không biết. ” Mẹ giả đò nói vậy, để tôi ngồi yên. Tôi sợ sâu, sợ bóng tối, không sợ ma lắm, như sợ hơn cả là cạo gió.  Mẹ nói tôi như con sâu đo, dúm người lên, không cạo được.  Có nhiều lúc tôi trúng gió nặng, gió đỏ rừ, cạo tới đâu nổi dề tới đó, mà cứ dúm người, Mẹ bực quá, đét vô đít tôi một cái, nhưng tôi vẫn cứ dúm.  Mẹ sanh tôi ra vậy, đâu phải tại tôi.
Ghe về tới mé sông, thì chủ ghe tấp vô bờ, rồi đi băng gò vô kêu Dì ra lấy mía. Dì Thơ đã chở tôi về tới nhà cả nửa tiếng rồi.  Đi ghe thì lâu hơn đi xe đạp, vì ghe mía nặng, chỉ có một người chèo, mà phải đi vòng chứ không đi tắt được như đi bộ.  Đàn ông trong nhà xếp hàng ra vác mía, mỗi bó chừng chục cây dài ngoẵng, đem chất vô mé hè. Chiều đó, đàn bà xúm vô chặt lấy mắc mía, bỏ vô bao bố, đem ngâm dưới đìa cho nó lên mộng. Đàn ông thì đi mần cỏ ngoài gò, lên liếp để đặt mía xuống dưới rãnh.  Ban đầu khi đặt mía, thì phải đặt ở dưới rãnh để tưới nước cho nó mau lớn.  Khi mía lớn rồi, thì mới vô chân mía, giữ cho gốc mía được chắc, vì cây mía thì cao và thon, nếu gốc không vững thì sẽ ngã, cây không lớn đều mà cũng không mạnh, lại cong queo, sau này cũng khó chặt để bán.  Mỗi tuần lại phải đánh lá mía, để cây mía vượt lên, và đám mía không bị rậm. Có nắng thì mía mới ngon và mới ngọt.  Dì Thơ và Dì Hiền làm gì cũng công phu hơn người ta.  Không ai trồng mía mà tỉ mỉ như hai Dì, nhưng nhờ vậy mà mấy người lái mía thích mua mía nhà Ngoại. Nhất là hai Dì làm ăn lúc nào cũng thành thật và nghĩ tới người khác.
Khi người lớn chặt mía, thì bầy con nít xúm quanh hôi của, lượm lóng mía đem vô rửa rồi xướt, hoặc đứa nào theo thủ tục thì lấy dao thớt ra róc, chặt cục nhỏ.  Nhưng chỉ có đứa nào dại mới làm theo thủ tục.  Lấy dao thớt ra tới thì tụi kia đã ăn hết nửa rổ rồi.  Mà ngồi xúm một đám, vừa xước mía, vừa nói chuyện rổn rảng, mới thích.  Con nít quê nghèo, chỉ cần một rổ mía lóng là đủ thành tiệc.  Miễn là chịu ngồi chơi với nhau. Đánh lộn, giận lộn như cơm bữa.  Nhưng có mía lóng thì ngu gì mà giận.  Giận lẫy xẩy cùi. Đứa nào giận, ngồi riêng, thì khỏi vui, khỏi xướt mía.  Dễ ợt!
Đang ăn thì thằng Tỉn kêu lên, “Coi kìa!” Cả đám nhìn lên.  Lần nào cũng vậy, hễ thấy con Ít, con của bà Sáu Bún ở xóm trên trờ tới đầu đường, là tụi tôi xúm nhau bưng rổ mía lóng đem cất, dù đang ăn ngon lành.  Con nhỏ này, tuy vai vế thì tụi tôi phải kêu bằng chị, nhưng không đứa nào thèm thí cho nó một tiếng chị bao giờ.  Nó thấy cái gì được mắt là xin, xin không ngại ngùng, xin không cân nhắc. Nó mở miệng, là Bà Ngoại cho, còn tụi tôi thì chưng hửng, không dưng bất ngờ mất của mất vui. Lần nào chặt mía, nó cũng mò xuống.  Ở đây ai cũng đi bộ hay đi xe đạp bằng đường bờ con, nên lúc gặp nhau trên đường, hay nói chuyện trong xóm.  Ghe mía về tới bờ sông nhà Ngoại thì trên xóm trên, con Ít cũng biết. Nó rành thời khoá biểu mua mía, đón mía, chặt mía, ngâm mía của nhà Ngoại từ lâu. Khi chặt mía, nó sẽ có mặt để xin mía lóng.  Con Ít chưa lớn mà đã thích điệu, đi cà vẹo cà vẹo từ ngoài sân vô, rồi đon đả:
- Thưa Bà Bảy!
- Ít đó hả con? Vô nhà chơi, con. Mấy đứa nhỏ, lấy mía ra cho chị Ít ăn coi nè.


Chúng tôi nhìn nhau ngán ngẩm. Giấu rồi mà cũng không yên.  Chúng tôi đặt tên cho con Ít là ‘cán bộ cấp cao’ – nói theo mật mã là ‘cờ bờ cờ cờ’ và phải nhăn mặt, lắc đầu khi nói – vì lần nào nó tới, chúng tôi cũng bị nó tịch thu cái gì đó.  Nó tịch thu bằng ánh mắt.  Nó chỉ cần nhìn cái gì một cái, thì Bà Ngoại kêu tụi tôi cho liền.  Tôi nghe trong ca dao, người ta hay nói, “Con mắt em sắc như là dao cau. ” Chắc là nói con mắt của con Ít.  Mắt nó nhìn một cái, là cắt đứt mối quan hệ sở hữu giữa chúng tôi và đồ đạc của chúng tôi. Sắc như vậy mới sợ chứ.
Lần này cũng không thoát. Cả đám vừa nê rổ mía lóng ra tới, con Ít sà vô liền. Rồi nó buông rổ đứng lên. Tụi tôi tưởng lần này nó biết chuyện, hí hửng trong bụng.  Nó nói với Bà Ngoại tôi một câu gọn hơ:
- Bà Bảy cho con đem dìa cho Má con ăn nghen.


Bà Ngoại ừ cái cốc, cũng gọn hơ. Cái chiêu này thì tụi tôi không ngờ tới, nên không phản ứng kịp.  Rổ mía nặng vậy, mà con Ít xốc lên, bưng một bên hông, càng gọn hơ.  Nó đi xăm xăm ra tới ngoài sân rồi mà mấy đứa còn đứng ngó nhau như trời trồng. Tưởng chỉ phải tạm thời ngưng ăn thì mất ngon thôi, nào ngờ mất luôn của. Mọi việc diễn ra trong vòng vài cái chớp mắt. Diễn ra một cách gọn hơ. Mấy lần trước, con Ít lựa hết lóng ngon đem về. Nó lựa lóng nào mập mà da sậm, nghĩa là lóng ở phía dưới gốc, ngọt hơn, nhiều nước hơn.  Nó đi rồi là tụi tôi xúm nhau lượm những lóng còn lại lên, rồi liệng trở xuống, vì toàn lóng trên ngọn, lạt nhách, có gì ngon mà ăn! Lần này thì tới cái rổ cũng không còn, nói chi là mía ngọn. Phải rồi, má nó là cháu, kêu Ngoại bằng dì.  Nó xin cho má nó thì làm sao Ngoại hổng cho! Mỗi lần nhà bị công an xã xét, họ lấy đi cái gì, tụi tôi cũng buồn theo người lớn, nhưng rồi ra sông tập bơi, đi tắm đìa, đi hái ổi, ra rẫy bắt còng, một chút là quên.  Những thứ bị mất đi tuy quý giá, nhưng không mang đậm ý nghĩa đối với cuộc đời thơ ngây của chúng tôi.  Chuyện đó để người lớn lo.  Nhưng bữa nay, chỉ có rổ mía lóng này để huyên náo.  Rổ mía đi rồi, cả đám như con lật đật bị đứt dây thiều.
Mía ngâm chỉ ít ngày là chất đường lên men, thịt mía đỏ au, có mùi nồng nồng. Ở mắt mía, cái mộng tròn u, đẩy lên một cục. Người lớn đem những mắt mía đã lên mộng ra đặt vô những cái liếp đã cuốc sẵn mấy bữa trước.  Ghim mía xuống xong, thì mọi người xúm nhau, mỗi người một cái đòn gánh, gánh hai cái thùng có bông sen, lội xuống đìa gánh nước lên, ria tưới cả hai hàng mía cùng một lúc.  Cái thùng bằng nhôm hình chữ nhật, có cái vòi đưa về phía trước khá dài.  Nước trào ra vòi sen, tuôn xuống trên rãnh mía, kêu rào rào, như lời thăm hỏi.  Đất mịn mở tung da thịt, đón nước vào để nuôi mía.  Mặt trời lững thững bò xuống khỏi chân trời phía xa, nhắm mắt. Ở xóm bên, tiếng ai kêu vịt chiều “chuốc chuốc chuốc” từng hồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét