Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

ĐOẢN KHÚC THÁNG TƯ

Tác giả: Trần Công Sản 

Tháng Tư nào mẹ cũng nhắc tên anh
Nó đi mãi sao không về cưới vợ
Tuổi tám mươi mẹ lúc quên lúc nhớ
Đôi mắt có mờ vẫn nhìn rõ hình con 
Cau trong vườn mẹ bảo vẫn còn non
Giàn trầu vàng mẹ không cho người hái
Mẹ cứ thì thào thằng bé còn thơ dại
Biền biệt tháng ngày không một lá thư thăm 
Đúng cái ngày nóng bỏng đó-bảy nhăm
Con của mẹ tiến đánh vào Xuân Lộc
Thủ pháo rung lên đồn thù đổ sập
Viên đạn lạc loài - anh thành ánh sao băng.

THÁNG TƯ-2014





Tháng tư về
Nhạc: Dương Thụ
Hát: Anh Thơ

 

Hoa loa kèn mang tháng tư vào Hà Nội

Những ngày này, thủ đô đang được tô điểm bởi màu trắng tinh khiết của những gánh hoa loa kèn. Chỉ nở duy nhất một tháng trong năm, loài hoa còn có tên gọi huệ tây mang đến mùi hương dịu nhẹ khắp phố phường Hà Nội.
1
Từ sáng sớm, loài loa được coi là đặc trưng của tháng 4 Hà Nội đã chất đầy trên những gánh hàng hoa mang theo mùa vào phố.
2
Không cầu kì và rực rỡ, hoa loa kèn mang vẻ đẹp nhẹ nhàng nhưng say đắm lòng người.
3
Loa kèn nở - cũng là lúc Hà Nội bừng tỉnh trong cái nắng đầu hạ.
4
Những giọt sương sớm vẫn đọng trên những nụ hoa e ấp.
5
Điểm thêm màu xanh cho những gánh hàng hoa
1-760531-1368793663_500x0.jpg
Làm rực sáng cả phố phường bằng vẻ đẹp tinh khôi.


Tháng Tư về, có một loài hoa cho riêng em! 2 



 


 
 
 

TIẾNG VIỆT

Tác giả: Lưu Quang Vũ

Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng
Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya
Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng
Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê.

Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa
Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi
Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ
Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.

"Ðá cheo leo trâu trèo trâu trượt..."
Ði mòn đàng dứt cỏ đợi người thương
Ðây muối mặn gừng cay lòng khế xót
Ta như chim trong tiếng Việt như rừng.

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.

Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta
Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già.

Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng
Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi
Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.

Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng
Cao quý thâm trầm rực rỡ vui tươi
Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người
Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ.

Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ
Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay
Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay
Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt.

Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi
Như vị muối chung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.

Ai thuở trước nói những lời thứ nhất
Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu
Ðiều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt
Ai người sau nói tiếp những lời yêu ?

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya ?
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình...





Bài hát: Tiếng Việt
Nhạc: Nguyễn Lê Tâm

Phỏng thơ: Lưu Quang Vũ


Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

EM GÁI MỘT NHÀ VĂN


 Tác giả: Nguyễn Quốc Văn
Nhà có hai anh em. 
    Lần ba uống rượu say, chơi trong đám bài, cãi lộn, bị người ta đấm một quả vào mặt, ngã vật vào tường, ai cũng tưởng con bạc ngủ. Đám bạc tan nghe người ta kêu, má kêu xích lô đến đón. Bả khóc rú lên khi thấy ba đã lạnh cứng... 
    Lúc ấy hai anh em đang chơi nhảy lò cò. Thấy má khóc hai đứa chạy vô ngó, thấy ba ngủ như mọi lần say rượu, lại ra ngõ chơi... 
    Rồi má đến ở nhà chú xích lô. Má có thêm em Tèo, em Tuột, em Thôi, em Út Lớn, em Út Nhỏ... Trước má còn ghé thăm, sau hai anh em trông mỏi mắt, dắt nhau đến nhà chú xích lô, thấy má khóc lại dắt nhau về với bà nội. 
    Chuyện ấy xảy ra đã lâu lắm, tưởng như không còn ở trên đời, nếu Tết vừa rồi, người em không khóc nấc lên trước bàn thờ bà nội và ba má. 
    Em có một tổ hợp may mặc. Tèo, Tuột, Thôi, Út Lớn, Út nhỏ đứa làm bảo vệ, đứa đứng máy, ăn lương theo sản phẩm, bữa trưa được người chị cho không, khỏi tính vô lương. 
    Người anh là một nhà giáo. Anh mắc lỗi (anh hay bảo thế) đam mê văn chương, đàn bà và rượu... Nên nghèo cũng chẳng phải do số kiếp. 
    Từ khi người em làm nên, thương anh, hay cho tiền xài. Cũng không rõ có phải vì thế hay vì hậm hực bởi nỗi bất công ở đời anh thề nguyền không đụng đến văn chương nữa... Bạn bè bảo anh là nhà văn không có tác phẩm. Đã thế, việc trường lớp anh cũng bỏ bê, khiến bà hiệu trưởng đã ba lần khuyên anh nên tự làm đơn xin thôi việc. Anh cóc cần đơn từ. Ai đuổi cứ đuổi. Đời anh bị đuổi từ lúc nhỏ xíu rồi. 
    Người anh bị đuổi thiệt. 
    Anh trở thành thằng nghèo, không có tiền, không có đàn bà và cũng chẳng có văn chương. Anh vẫn độc thân. Trơ trọi trên đời. 
    Anh mò đến đám bạc. Không phải để chơi. Có tiền đâu mà chơi, mà để xin tiền. 
    Chẳng có ai cho lấy một xu. 
    Cướp thì không dám. Anh bèn thò tay định thó vài ngàn trên chiếu... Một quả đấm còn nặng hơn cả búa tạ thoi vào bụng, ruột gan tưởng nát hết. Đám bạc ù chạy, bỏ lại cả một số tiền. Anh chết vật đè lên chúng... 
    Người em thuê xích lô đến. Chị lẳng lặng bế anh đặt lên xe, lẳng lặng vơ hết số tiền trên chiếu bỏ vô giỏ... Về đến nhà thì anh tỉnh lại, miệng vẫn còn ri rỉ máu. 
    Lúc ấy sắp giao thừa. 
    Và như ta đã biết, trước bàn thờ, chị đã khóc. 
    Tèo, Tuột, Thôi, Út Lớn, Út Nhỏ khóc theo. Rồi họ xúm vào lau rửa, xoa bóp, bón cháo... cho anh. Họ thấy anh hao hao giống mình. 
    Ít lâu sau, anh khoẻ lại. Nằng nặc đòi em xếp chân bảo vệ. Người em chiều ý. Với một điều kiện. 
    Điều kiện ấy là anh làm bảo vệ không lĩnh lương, mọi sinh hoạt em lo cho. Nửa thời gian còn lại, mỗi ngày phải viết một trang sách, kể về chính cuộc đời của mấy anh em. Khi nào cuốn sách viết xong, anh sẽ được lãnh một số tiền đủ mua một căn nhà nhỏ để tự lập. 
    Trời ơi, viết hết 365 trang thì người ta thành nhà văn hẳn hoi! Mà mong ước của người em chỉ là anh thành người tốt... 
    Người anh nhận lời và bắt tay vào việc. 



    Những trang đầu viết xong, anh đưa cho em đọc. Em khóc và đặt những trang ấy lên bàn thờ. 
    Anh xúc động, đêm ấy viết 20 trang. 
    Mới có nửa năm, cuốn sách đã viết xong. 
    Người em đã bỏ tiền ra in nó. Không biết có đúng không, chị khoe với anh trai mình cuốn sách lời hai mươi triệu. 
    Chị đưa cả số tiền ấy cho anh. Và giục anh đi tìm một căn nhà, đúng như chị đã hứa. 
    Người anh đã khất lần... Anh còn muốn viết nữa, viết nữa.... và anh đã trở thành một nhà văn. Bây giờ chỉ cần nói bút danh này, bút danh kia của anh là đã có nhiều người nhận ra anh. 
    Và cũng chỉ đến bây giờ, do anh đã quá nổi tiếng, nên tôi mới tiết lộ rằng, cuốn sách đầu tiên in ra của anh, hiện nay đang nằm trên gác nhà tôi, đủ cả 5000 bản. Người em là bạn thân của tôi. Chị rất tin cái gác nhà tôi biết giữ mồm giữ miệng, chí ít là đến lúc anh đã thành danh.

BÀI THƠ MỘT CHỮ

Tác Giả: Nguyễn Quốc Văn
Thuở tôi còn nhỏ, nhà tôi nghèo đến mức cứ trông thấy cơm là tôi thèm có thể khóc lên được vì thương thân, tủi phận... 
    Vào ngày họ làm đám giỗ cụ tằng tổ, tuy chỉ bé như cái kẹo, nhưng do được cụ trưởng họ bổ theo lệ một suất đinh, tôi cũng được gọi đến để trình diện trước bàn thờ tiền nhân. 
    Đến lượt, tôi phủ phục xuống trước ban thờ lớn đang nghi ngút hương trầm. Lúc ngẩng đầu lên, tôi thấy một mâm xôi gấc vàng óng ánh những mỡ gà; bên trên là một cái thủ lợn lớn. Vái xong, tôi đứng dậy, lầm rầm khấn... 
    Mâm xôi níu chân tôi lại. Thừa lúc cụ trưởng họ quay ra ngoài gọi một tay đinh khác vào trình tổ, tôi thò tay véo một nắm xôi nhỏ, giấu lẹm vào túi áo nâu. Lẻn ra ngoài ngõ, tôi ngồi tựa lưng vào một đụn rạ, lấy xôi ăn trộm được ra ăn. 
    Chính ngọ, mâm lễ được hạ xuống. Cụ đồ Bỉnh, trưởng họ nhìn chăm chắm vào chỗ xôi bị khuyết, giọng lạc đi: 
    - Các cụ thương con cháu nghèo nên chỉ nếm tí chút hương hoa... 
    Thấy tôi tái mặt đi, cụ trưởng họ hỏi: 
    - Có đúng như vậy không, cháu? 
    Tôi lí nhí: 
    - Không đúng! Cháu thèm quá nên đã véo một miếng... 
    - Trời ơi ! Bố tôi đứng bên cạnh kêu lên. 
    Rồi ông nắm lấy tay tôi, lôi xềnh xệch về nhà. 
    Tôi ăn đến cái roi mây thứ mười thì cụ trưởng họ tới. Cụ nắm lấy cái roi trong tay bố tôi, can: 
    - Cháu nó trót dại. Nhưng nó đã không lừa ai. Con nên tha trước, rồi dạy dỗ sau... 
    Bố tôi buông roi, chắp hai tay, lạy: 
    - Con xin lĩnh lời thầy. Xin thầy xá tội bố chưa dạy bảo con đến nhẽ... 
    - Thôi được - Cụ trưởng họ nói - Ra ngoài rằm, con cho nó đến nhà ta học lấy ít chữ nghĩa thánh hiền... 
    

    Lớp học toàn trẻ con trong xóm. Dĩ nhiên cụ đồ chỉ dạy chữ nho. "Nhân chi sơ, tính bản thiện", sáu chữ này thầy dạy viết và giải nghĩa mất vị chi là chín buổi. Rồi "Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín", "Trung, hiếu, tiết, nghĩa"...Về sau, thầy bình cả thơ Đường luật. Hầu hết là thơ tứ tuyệt, do thầy trước tác... 
    Cụ đồ về với tổ tiên vào đúng ngày xã tôi khánh thành trường cấp một xây ở cạnh một ngôi chùa cổ. Năm ấy, tôi đến trường học chữ quốc ngữ. Càng lên các lớp trên, vốn chữ nho thầy đồ Bỉnh truyền cho chúng tôi cứ ngày một rơi rụng dần. Riêng tôi, học thầy hơn một ngàn chữ, lúc ấy không nhớ nổi lấy vài trăm...Bố tôi hay phàn nàn rằng, trước lúc mất, thầy dặn đã viết riêng cho tôi một bài thơ, nhưng không rõ cụ ghi vào tờ giấy nào. Mà có tìm thấy nó, không biết tôi có còn đủ chữ để đọc và hiểu rõ nghĩa không ! 
    Mấy chục năm đã trôi qua, lòng tôi vẫn canh cánh bài thơ cuối cùng cuả thầy. Tiếc là cả dòng họ lục tìm mọi bút tích cuả cụ đồ, vẫn tịnh không thấy. 
    Hè vừa qua, tôi vượt gần hai ngàn cây số về thăm quê. Rồi bố tôi và tôi - một tóc đã trắng như mây, một mái đầu cũng đã điểm nhiều sợi bạc - lại dắt nhau đến nhà thờ họ. Bố tôi bảo bài trí trên bàn thờ họ thầy tôi đã xếp đặt lại ngay sau ngày tôi véo nắm xôi kia, đến hôm nay vẫn chưa hề thay đổi. Trước bài vị tổ tiên, vẫn hai chiếc độc bình lớn, một cắm thanh gươm, một cắm cây bút lông theo thế nghiêng vào nhau... 
    Tôi mở to mắt, ngạc nhiên, kêu lên thảng thốt: 
    - Bố ơi ! Bài thơ thầy để lại kia kia kìa ! Chỉ độc có một chữ... 


 
    Bố tôi bảo tôi đọc bài thơ. Nghe xong, ông ngồi sụp xuống, ôm lấy mặt. Một lát sau, ông nắm lấy tay tôi, khẽ khàng nói: 
    - Bố biết con học cao, đi nhiều, biết lắm. Song bố cũng cứ hỏi thật: con đã thấu chữ "nhân" thầy để lại chưa? 
    Nghe bố hỏi, mặt tôi đỏ rần lên vì xấu hổ...

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

HÀ NỘI RỰC RỠ 12 MÙA HOA (12 tháng)

Bốn mùa, người Hà Nội cứ náo nức với hoa, bồng bềnh trong sắc hoa rạng rỡ. Mỗi tháng đi qua, người Hà Nội lại nhận ra đang đi giữa hương thơm ngào ngạt của muôn sắc hoa tự lúc nào.

 

 

Có thể chúng ta sẽ không nhận ra mùa hoa cho đến khi bất chợt thấy nó bừng trên mọi con phố, nhưng với những người đi xa Hà Nội, họ chợt cảm thấy nhớ da diết những mùa hoa.

1-Tháng Giêng, hoa đào đón xuân cùng hoa mùi già ngan ngát
Hoa đào rộn ràng trên phố, hương mùi già thoang thoảng trong căn bếp cũ, thấy hoa là biết mùa xuân đang gõ cửa mọi nhà.
adsgf
Hoa đào tô điểm mùa xuân.
Xuân sang, hoa đào khoe những cánh hồng mỏng manh trong làn mưa bụi. Dù cái Tết đến thật gần nhưng thiếu đi cành đào, khí xuân cũng vợi đi mất một nửa.
Hương mùi già ngan ngát xua đi những điều xui xẻo của năm cũ.
Hương mùi già ngan ngát xua đi những xui xẻo của năm cũ.
Theo chân mùa xuân, những cành đào đầu tiên cũng đã có mặt trên những chiếc xe đạp cũ kĩ, những người bán hoa chở theo mùa xuân phía sau. Và những nhánh mùi già đã bày bán khắp chợ. Đêm tất niên, cả nhà tắm gội bằng lá mùi, gột rửa mọi điều không may của năm cũ để đón một mùa xuân tràn ngập hy vọng tương lai.

2-Tháng Hai, hoa ban tím
Không phải là loài hoa bắt nguồn từ mảnh đất Hà Nội, nhưng hoa ban đã gắn bó và trở thành loài hoa thân thiết với mảnh đất này. Mùa xuân, hoa ban nở tím biếc trên phố và sẽ lưu lại trong khoảng ba tuần trước khi rời cành.
Những cánh hoa ban mảnh mai mà đầy quyến rũ
Những cánh hoa ban đỏ mảnh mai mà đầy quyến rũ

3-Tháng Ba, trắng muốt hoa sưa
Bỗng bất chợt một ngày đi trên phố, nhận ra hàng cây vẫn đứng lặng thầm suốt mùa đông bừng nở trắng xóa một loài hoa, đấy là sưa đã về với phố. Tháng Ba, những ngày xuân được tô điểm bởi muôn vàn những cây hoa sưa nở trắng trời và cũng là mùa của muôn loài chim làm tổ.

Hoa sưa điểm trắng trời
Hoa sưa điểm trắng trời


4-Tháng Tư, loa kèn chờ xuống phố
Mùa hoa đến nhanh lắm và đi cũng thật nhanh. Có khi người ta chưa kịp nhận ra mùa hoa đã về thì cánh hoa loa kèn đã úa tàn. Từ trong nhà ra đến ngõ phố, từ ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng cho đến ngôi biệt thự sang trọng, từ trên giỏ xe chiếc xe đạp lọc cọc đã tróc sơn đến chiếc ô-tô cao cấp thanh lịch, trong những chiếc lọ bằng men sứ thông thường hay những bình pha lê đắt tiền, loa kèn vẫn bình dị, khiêm nhường và cao quý.

adsgf
Loa kèn bình dị, khiêm nhường mà cao quý.


5-Tháng Năm, tím biếc bằng lăng, rực trời phượng cháy
 Mùa hoa đặc biệt của tuổi học trò, mùa hoa của mùa thi, mùa chia tay mái trường. Khi bằng lăng nở tím mọi con đường, cũng là lúc hoa phượng chờ đến lượt mình. Bằng lăng nhạt màu theo những cơn mưa đầu tiên của mùa hạ cũng là lúc hoa phượng đốt hết mình rực rỡ trong nắng hè.

Hoa bằng lăng rủ bóng bên Hồ Gươm
Hoa bằng lăng rủ bóng bên hồ


6-Tháng Sáu, trong đầm gì đẹp bằng sen

Sen hồng một loài hoa được xem như biểu tượng của người Việt Nam
Sen hồng một loài hoa được xem như biểu tượng của người Việt Nam
Từ 4 giờ rưỡi sáng, những người đi hái sen đã khéo léo lách thuyền trong hồ sen. Những bông hoa sen to và hé nụ sẽ được hái đem về. Những bông hoa mới hái một phần sẽ được bó lại và bán cho những người đến mua hoa sớm, phần còn lại sẽ được ủ với chè tươi. Số khác sẽ được tách chỉ lấy nhụy hoa để ướp trà. Trong chiếc lán ven hồ, những cánh sen mỏng manh tỏa hương thơm dìu dịu. Sáng sớm mùa hè, hãy đến với hồ sen, để thưởng hương sen, pha ấm trà sen thơm ngọt giọng và ngắm một Hồ Tây lao xao gió yên bình.

7-Tháng Bảy, thơm hương hoa sấu, hoa xà cừ

gffgf
Hoa sấu ngọt ngào.
Sau một mùa trút lá, những bông hoa sấu đầu tiên đã nở và rụng đầy trên những con phố. Có thể bạn sẽ không nhận ra những hương thơm ấy bởi hàng trăm mùi hương khác trên phố. Nhưng đâu đó phảng phất là vị ngọt của hoa sấu, là hương hoa xà cừ dìu dịu, thoang thoảng.

8-Tháng Tám, trở lại với tuổi thơ cùng hoa dâu da xoan
Chẳng biết tại sao nó có cái tên dài loằng ngoằng thế, chỉ biết rằng nó có khá nhiều trên những con phố Hà Nội này. Hoa trắng tinh, bé li ti, vươn lên trời xanh, khi mưa xuống, hoa rụng dát trắng hè phố.

ádjkfgh
Những bông hoa nhỏ li ti khi mưa xuống rụng trắng hè phố.
Trưa hè, đi ngoài đường, nhìn từng chùm hoa trắng toát kiêu hãnh vươn lên trời cao, màu trắng của hoa được tôn lên trên nền lá xanh tươi nhìn thật mát mắt, tưởng như con nóng mùa hè đã dịu đi nhiều.

9-Tháng Chín, hoa sữa thôi rơi

Hoa sữa ngào ngạt đầu phố
Hoa sữa ngào ngạt đầu phố
Mùa thu, hoa sữa về như một cái hẹn mỗi năm. Đi trên đường chợt thoảng nghe mùi hương hoa sữa. Bất giác nhìn lên hàng cây hoa sữa ven ngôi nhà thờ, hoa đã nở trắng cây tự khi nào. Mùi hương hoa sữa thật nhẹ nhàng nhưng cũng nồng nàn lắm. Mỗi năm, cứ vào độ ấy, hễ nghe thấy mùi hương hoa sữa là biết thu đang đến.

10-Tháng Mười, sen tàn cúc lại nở hoa
Thu sang, cúc đến. Loài hoa của riêng mùa thu mang nét phảng phất buồn cho những ngày gần mùa đông giá rét. Hoa cúc bền bỉ. Lọ hoa cắm đến hai tuần vẫn tươi rói sắc. Hoa cúc man mác buồn như thể nỗi buồn mùa thu đi theo mỗi xe hoa trên phố đông người.

Cúc về trên Phố
Cúc về trên Phố

11-Tháng Mười một, hoa lưu ly
Tím biếc trên những giỏ xe, hoa lưu ly đi qua phố trong những ngày giá rét. Loài hoa cánh mỏng ấy lại có một sức sống lâu bền và mảnh liệt. Lưu ly chỉ xuất hiện trên phố khoảng hai tuần rồi biến mất, trước khi những cơn gió lạnh giá của mùa đông ào ào qua phố vắng.

Hoa ly tím
Hoa Lưu ly chóng nở nhanh tàn.

12-Tháng Mười hai, mùa hoa cải ven sông

Mùa hoa cải, người Hà Nội lại cùng nhau ra các ruộng cải ven sông để ghi lại những khoảnh khắc lãng mạn
Mùa hoa cải, người Hà Nội lại cùng nhau ra các ruộng cải ven sông để ghi lại những khoảnh khắc lãng mạn
Hà Nội có một mùa đặc biệt xen giữa những ngày đông u ám giá lạnh: mùa hoa cải. Cuối tháng Mười một, hoa cải vàng rực một góc vườn, đung đưa trong gió, trên môi cười của thiếu nữ trẻ, thành hoa cài tóc và hoa cầm tay cho các cô dâu.
Văn Thanh (Sưu tầm)

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

GIẢI YẾM TRONG THƠ

Thơ Tết, thơ Xuân thường là ước lệ. Nhưng qua những ước lệ chúng ta có được nhiều câu thơ hay, và hay về nhiều mặt: nghệ thuật, tâm cảm và phong tục. Trên ba kích thước ấy, có lẽ Nguyễn Bính là người lưu lại nhiều thơ Tết, thơ Xuân hay nhất, từ tâm sự tha hương đến hình ảnh mùa xuân đất nước hay ngày Tết dân tộc:
Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Tay lần tràng hạt miệng nam mô
(1937, Tâm hồn tôi)
 
Bài dưới đây ghi lại hình ảnh dải yếm, trong y phục phụ nữ Việt Nam ngày xưa, sau này ít người dung và nhớ đến. Yếm là mảnh áo lót, che phần ngực bụng, hình quạt, có hai cặp dây buộc phía sau cổ và eo lưng. Tấm yếm gắn bó mật thiết với thân xác và nhan sắc người đàn bà, vừa khêu gợi vừa gìn giữ, phô bày và che đậy. Dải yếm nằm trong biện chứng kín và hở, khoe và che.
Trong thơ cổ điển, Hồ Xuân Hương đã tả dải yếm đào trong bức tranh thiếu nữ khêu gợi và thanh tú:
Lược trúc biếng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Đôi gò bồng đảo hương còn ngậm,
Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông.


Trong bài tơ Vịnh Ốc Nhồi, tương truyền của bà, có chuyện “bốc yếm” lẳng lơ hơn:
Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi
Lăn lóc đêm ngày đám cỏ hôi
Quân tử có thương thì bóc yếm
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.


Về tấm yếm truyền thống, ông Lam Điền trên báo Kiến thức ngày nay, số Xuân 1994, có bài viết vừa căn cơ vừa bay bướm:
“Ở chừng mực nào đó, chiếc yếm thể hiện được bản sắc văn minh Việt Nam: kín đáo, đạo đức nhưng cũng rất gợi cảm. Đối với một cô gái trẻ, chiếc yếm dùng để che bộ ngực thanh xuân bát ngát, làm giảm đi tính cách khiêu khích của phái tính nhưng đồng thời vẫn nói lên một thứ ngôn ngữ lãng mạn của niềm tự hào về phái tính. Đó là chiếc yếm được may với những màu sắc tươi đẹp: màu hồng của hoa đào, màu xanh lục của lá non, màu xanh phỉ thúy của ngọc, màu trắng của bình minh nhan sắc. Chiếc yếm ấy được mặc trong cái áo tứ thân và vào những dịp quan trọng, những ngày lễ hội (…). Mùa xuân chiếc yếm thắm tạo màu sắc tưng bừng trên khắp nẻo đường quê. Những ngày hội làng, những đêm hát chèo, hát bội; chiếc yếm thắm rộn ràng những cuộc gặp gỡ, xôn xao những xúc động tình yêu và long lanh những lời hò hẹn” (Lam Điền, tr. 70).
Trong bài Chợ Tết, chỉ trong hai câu thơ ngắn, Đoàn văn Cừ đã mô tả hai loại yếm khác nhau:
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ


Dải yếm thắm sặc sỡ, trang sức của tuổi trẻ, và tấm yếm không màu - chắc là yếm sồi, nhuộm nâu hay đen, của người mẹ, thầm lặng, kín đáo. Ông Lam Điền, trong bài báo đã dẫn cũng có nhắc đến chiếc yếm quê, phổ biến trong toàn quốc: “Tôi nhớ mãi hình ảnh bốn mươi năm về trước, dưới lũy tre của làng Bàn Thạch nằm cuối hạ lưu sông Thu (Quảng Nam). Mẹ tôi mặc chiếc quần vải tám đen, phía trên mặc chiếc yếm nâu lam lũ, đang khâu vá hoặc đang lặt rau, chẻ củi (..) Tôi và bao nhiêu người trạc tuổi tôi đã lớn lên từ những dòng sữa ngọt, tự nhiên phía sau những chiếc yếm”. Viết được một đoạn như vậy, Lam Điền là người có tình có nghĩa.
Dải yếm thắm trong Thơ Mới, nơi Anh Thơ, Nguyễn Nhược Pháp chẳng hạn, chỉ phảng phất âm hao xa vắng của những hương nhạt màu phai. Phải đợi đến thơ Hoàng Cầm thì dải yếm, ngoài giá trị hoài niệm, mới đạt tới chức năng thẫm mỹ, và động lực tạo hình, diễn đạt và cấu trúc:
Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trảy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh
(1948)


Và phải đến tập thơ Về Kinh Bắc (1959-1960, xuất bản 1994) chúng ta mới tìm thấy nhiều hình tượng đẹp về dải yếm, từ người mẹ:
Mùa chưa về
Tu hú gọi Em đi tìm Mẹ
Dãy tre xa giấu biệt dải khăn diều
Khi gậy nắng ăn mày đã quăng sau núi
Hàng tre nhả yếm
trả Mẹ về
lều dột đón mưa đêm
… Bao giờ Mẹ về
Buổi yếm đào phai vỗ hát ru
(Đợi Mùa)

Cho đến dải yếm “rợn xuân tình trên bộ ngực thanh tân” (Đinh Hùng) của những ngày hội:
Luồn tay ôm say
giấc bay lay đỉnh núi
Tuột hàng khuy lơi yếm tóc buông mành
(Thi đánh đu)
Gái Tam Sơn đờ đẫn mời trầu
Ngực yếm phập phồng bưởi ngọt
(Hội vật)


Đến lúc nào đó trong sáng tạo, cái yếm mất tính chất hiện thực của nó, trở thành một hình tượng nghệ thuật có chức năng cấu tứ - như một số điển cố trong thơ xưa:
Chùa Phật Tích ruổi trong màn lụa bạch
Chuông chiều cởi yếm
Chuông sớm đội khăn
Trưa hè gãy rắc cành hoa đại
Mái hậu cung bồ các tha rơm
Liếu điếu vỗ hoa soan lả tả
Lụa sồng nén nghẹn búp thanh xuân
(Đêm thủy)


Chức năng cấu trúc của hình ảnh dải yếm trong thơ Hoàng Cầm rõ nhất trong bài Hội yếm bay ở tập Lá Diêu bông (1993). Giữa hàng chục đám hội hè trên quê hương Kinh Bắc, Hoàng Cầm tưởng tượng thêm “huyền sử”, một lễ hội các nàng hoa khôi phải … tung yếm:
Đã phanh yếm mỏng thì quăng hết
Những nếp xiêm hờ giả bộ ngây


Vị trí ưu đãi của dải yếm trong thơ Hoàng Cầm là một biệt lệ, có thể là duy nhất trong thơ Việt nam, vì bản thân thơ Hoàng Cầm đã mang sắc thái đặc biệt, một định mệnh lẻ loi. Ngày nay, trong thơ hiện đại - và đời sống - ta không còn thấy yếm, ngoài ký ức những nhà thơ cao tuổi.
Đã đành là vậy, cuộc đời là vậy, nhưng chúng ta vẫn ái ngại cho tâm tình một Nguyễn Bính ngày xưa, khi cô gái “đi tỉnh về”:
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm. Em làm khổ tôi
Thị thành bôi nhọ em rồi
Nào đâu cái yếm mua hồi sang xuân.

 
Mấy câu này là nguyên bản bài Chân quê (1937) trong tập Tâm hồn tôi, do nhà Lê Cường in năm 1940. Những bản in sau này đã thay lời đổi ý. Giấy trắng mực đen, ngày một ngày hai, còn thay đen đổi trắng, trách cứ chi cô gái quê chỉ mới ngấp nghé xài… khuy bấm.
Chuyện cái yếm là cuộc rong chơi dông dài ngày Tết, không nên lấy làm đề tài văn hóa, văn chương hệ trọng.
Đặng Tiến
12-2006