Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

DÒNG NƯỚC

Tác giả: Nguyễn Xuân Hưng

Lát nữa, đứa em họ mà từ trước đến giờ Hoà mới chỉ nhìn thấy trong “webcam” sẽ từ trên trời đáp xuống. Nó sẽ hiển hiện thật sự đến bên anh. Hoà đứng dõi mắt về phía đường băng, lòng bồi hồi và hơi hoang mang.

Trước khi Hoà trở thành sinh viên, mối quan hệ giữa bố và người chú ruột hầu như không mấy động chạm đến Hoà. Hoà chưa bao giờ gặp chú ấy. Tấm ảnh một đứa bé tám tuổi cách đây nửa thế kỷ không thể gợi cho Hoà cảm giác gì về chú giờ đây đã là một ông già như bố. Bà trẻ kể:
- Khi ông nội cháu còn ở chiến khu, chưa tiến về thủ đô, thì bà nội cháu đã mang chú ấy di cư vào Nam.
- Sao mọi người ít nói đến chú thế hả bà?
- Chú ấy đi lính, là sĩ quan chế độ Sài Gòn, sau năm bảy lăm, có đi cải tạo một vài năm. Rồi sau đó vượt biên luôn, giờ ở Mỹ. – Bà trẻ cũng chỉ nói về chú rất vắn tắt và có phần thương cảm. – Cũng vất vả chứ không sung sướng gì. Khổ cái tâm.
Có lẽ, mối quan hệ ấy cứ mờ nhạt đi, nếu không có một hôm, một bà già xuất hiện ở nhà Hoà…
Linh cảm mách bảo Hoà đó là bà nội. Bà tóc bạc trắng, nếp nhăn nhiều dù cho son phấn rất khéo cũng vẫn lộ rõ. Gương mặt bà có phảng phất nét mặt trầm tư của bố. Bà dè dặt chào mọi người, nhưng khi gặp ông, trên khoé mắt bà hiện lên ngấn lệ. Bà nói:
- Già quá rồi. Tôi tính về đây để chết.
Ông lặng lẽ cười, điềm đạm bảo:
- Bà cứ về mà sống vui…
Bà kể:
- Đến đâu rồi cũng phải quen đấy. Canada đồng cỏ hun hút. Buồn.
Nhưng rồi ở chơi ít ngày, bà vẫn ra đi mà không ở lại. Bà bảo cả nhà:
- Tôi biết tôi chưa thể chết được. Con với cháu mình ngược xuôi làm ăn không cho tôi đi đâu, dù cho lâu lâu mới gặp chúng nó một lần. Nhất là ngày giỗ tết, thì chúng nó ở Mỹ ở Anh cũng về. Mình còn ngồi đấy là chúng còn gốc gác, chứ không rồi tản mát hết…
Bà lại rưng rưng nước mắt. Ông gật:
- Phải đấy. Chúng nó cần bà…
Hoà cũng xúc động. Nếu như mình bị tan biến giữa trời đất khác, tiếng nói khác, thì sẽ thế nào? Bà chăm chú nhìn Hoà hồi lâu, rồi bảo:
- Con Hoa cũng cỡ tuổi cháu Hoà...
Chính nhờ bà mà Hoà đã liên lạc được với cô em họ. Chỉ cần một cái “nickname” để hẹn nhau lên mạng là hai người đã có thể “chat” với nhau. Internet quả là một thế giới toàn cầu trẻ trung, kỳ ảo. Xa xôi mà thật là gần gũi. Có thể nhìn thấy nhau chả khó khăn gì. Một cô gái có nét mặt thanh tú, thoạt nhìn có thể là trầm tĩnh, nhưng khi cười thì rất xinh tươi. Hai anh em nói với nhau nhiều chuyện, bằng bàn phím, bằng thứ ngôn ngữ “chat” ngắn gọn hiện lên màn hình. Cô đã kể cho anh cuộc sống của cô. Đôi lúc lại hỏi anh có tưởng tượng được không?
- Em đã lái xe đi học mấy chục cây số mỗi ngày.
- Anh ở ký túc xá đi bộ lên giảng đường.
- Sướng thế. Làng quê mình thế nào hả anh?
- Ờ, thì cũng núi non, sông, cánh đồng… Nói chung chắc là đâu cũng giống nhau cả thôi. Chỉ có con người là có khác.
- OK, con người, chính là nhờ con người sống ở một mảnh đất làm nên những nền văn hoá.
- Nhà anh cấy vài sào lúa…
- Là bao nhiêu ki lô mét vuông?
- Một sào 360 mét vuông.
- Ôi, không thể tin được. Quá nhỏ bé. Anh có tưởng tượng được không, bên này người ta bón phân phải rải bằng máy bay.
- Mùa này thu hoạch lạc, ông rất thích rang lạc cả vỏ. Từ bao năm nay, tối anh học khuya, vẫn thấy ông vừa nhấm rượu vừa bóc lạc lốp bốp.
- Bóc lạc thế nào?
- Em định hỏi…?
- Em thấy hạt lạc trong siêu thị, màu đỏ, mềm…
- Đó là hạt lạc, ông thích lạc rang cả củ, còn vỏ.
- Uh, em đâu có nhìn thấy củ lạc.
- Ô… Thế cây lạc, em biết không?
- Không. Em đâu có biết.
Chuyện quê, chuyện cuộc sống, rồi đến chuyện tuổi trẻ.
- Em đã yêu ai chưa?
- Có. “Six”.
- Sao?
- Em yêu sáu người đàn ông rồi.
- Ô… Cùng lúc hả?
- “No”, lần lượt.
- Hơi nhiều.
- Hiện nay em đang sống với “my boyfriend”, cũng là dân mình làm ở một sàn giao dịch chứng khoán.
- Sao bà bảo em chưa có gia đình?
- Sống… thử thôi, chưa biết có OK không. Em có tự do của em.
- Quá tự do.
- Khả năng tình dục của anh thế nào?
- Gì thế?
- Tình dục. Anh thích loại nào?
- Anh chưa từng yêu ai.
- Kỳ quá. Em không hiểu (trên màn hình hiện ra một cái mặt nạ biểu lộ sự kinh hãi). Vậy thì anh phải đi khám bác sĩ, có thể anh bị bệnh gì, em coi hình anh khoẻ mạnh thế cơ mà?
- Ôi trời ơi… Anh có gien từ ông đến bố, sẽ đẻ nhiều con, những đứa con khoẻ mạnh, ương bướng như bố em, khí phách như bố anh.
- (Một cái mặt nạ cười toàn răng toe toét) Bây giờ ít có người muốn đẻ nhiều, “sex” là vấn đề của con người hiện đại…
Chỉ đến khi nói chuyện học hành, hai người mới hiểu nhau nhanh chóng. OK liên tục. Cả hai đều học kỹ thuật. Toán học, vật lý học và kho tàng tri thức của nhân loại thì ở bất cứ đâu cũng dùng những ký hiệu như nhau…

*

*   *
Máy bay kềnh càng đã bò trên đường băng hướng về phía nhà ga. Hoà nhớ lại một buổi “chat” dài đột xuất với cô em họ. Đó là ngày mà hai chiếc máy bay như thế này đâm vào toà nhà tháp chọc trời New York. Hoa có vẻ xúc động mạnh. Họ đã nói chuyện với nhau về chiến tranh.
- Anh biết chiến tranh hả?
- Trong ký ức của anh, chiến tranh là mùi đất ẩm mốc của căn hầm chữ A hồi sơ tán. Tóm lại anh không trực tiếp… Nhưng biết.
- Làng mình có bị bom không?
- Bom đã phạt rặng tre tơi tả, làng hiện ra dưới bầu trời mất hẳn vẻ ấm áp, lúc ấy anh thấy hoang mang.
- Bây giờ em đã thấy chiến tranh ở trước mũi mình, rất khác những gì anh nói. Không thể tưởng tượng được toà nhà ấy lại sụp xuống như vậy. Có lẽ em phải làm một cái gì…
- Ông nội và bố anh cũng đã đi bộ đội.
- Em cũng biết bố em cũng có thời chiến binh, nhưng mà ổng đâu có kể gì về thời đó với em. Em không thể hiểu họ đã ở hai phía bắn nhau?
- Đó là lịch sử.
- Mai em sẽ vào thư viện để tìm hiểu về lịch sử, về chiến tranh. Khó có thể cắt nghĩa được. Đa số con em mình bên này đều lao vào kỹ thuật và tránh xa các ngành xã hội học. Tâm lý phi bản xứ và tha hương bao giờ cũng như sợi dây xiết chặt trên đầu họ.
- Đó là cái vòng kim cô.
- Kim cô là sao?
Lúc đó, Hoà nhìn thấy cô em họ hoa tay lên, nhún vai rất Tây trong “webcam”…
Du khách đã lục tục vào ga. Hoà nhận ra ngay cô em họ. Hơi nhỏ nhắn so với tưởng tượng của anh.
- Helo, chào anh. – Cô bối rối, có chút lóng ngóng ngập ngừng.
Hoà chìa tay ra:
- Em đi đường có mệt không? – Hoà nhìn gương mặt đẹp của cô em họ, son phấn qua loa có phần vội vàng.
- Không, em khoẻ. Chắc em kỳ lắm hà?
Hoà bật cười:
-Một người đi ra từ màn hình vi tính, nói thứ tiếng Việt ngồ ngộ, dễ thương. Cũng… kỳ chứ.
Cả hai cùng cười vui vẻ. Thật là dễ chịu.
Hoa trải tấm bản đồ ra:
- Đường đi về quê thế nào, anh?
Hoà chỉ vào bản đồ:
- Hai anh em mình đi tắc xi về Hà Nội, lên tàu hoả đến đây, coi như ngược theo sông Hồng, rồi xuống đi ô tô đến đây, từ đây đi xe ôm về huyện, ở đó có xe ngựa đưa anh em ta về làng.
- Bao xa?
- Là khoảng hơn trăm cây số.
- Như vậy em thường lái xe hơn một giờ.
Hoà tủm tỉm cười:
- Bây giờ mới gần đứng bóng mặt trời, sẩm tối về đến nhà đã là may, em ơi…
- Kỳ quá hả. Nhiều cái kỳ quá.
Chuyến đi suôn sẻ, khi hai anh em về đến đầu làng, dải núi Hiệp Sơn trước mặt đã ngả màu sẫm. Bầu trời loe lên màu son đỏ rực. Bà trẻ lò dò đi ra ngoài ngõ, nhìn tận mặt hai anh em, kêu lên:
- Ông ơi, cháu ông về rồi đây. Sáng nay tôi nghe thấy chim khách kêu, biết ngay có chúng nó về.
Rồi rất nhanh chóng, nhiều người đã kéo đến lố nhố ở sân.
Bà trẻ dẫn hai đứa vào nhà. Hoa vấp nhẹ một cái vì ngạch cửa. Một ngọn đèn dầu chỉ đủ soi một quầng sáng chỗ giường ông. Ông đang thiêm thiếp. Râu tóc ông như khói toả lên gương mặt gầy gò cũ kỹ. Chính vì ông ốm nặng mà thôi thúc Hoa đã trở về chứ không chờ dịp nào khác nữa. Nhưng giờ đây, cô đứng lặng, đăm đắm nhìn ông không biết nói gì. Mí mắt ông động đậy, rồi ông nhìn lên với con mắt mờ đục. Bất giác Hoa kêu lên:
- Ông ơi!
Ông khẽ cử động bàn tay. Cô để bàn tay mình vào lòng bàn tay xương xẩu của ông.
Rồi điện bật sáng. Chỉ một ngọn điện cũng làm cho ba gian nhà tràn đầy thứ ánh sáng trong biêng biếc. Hoa nhìn rõ từng đốm tàn nhang trên gương mặt của ông như lay động, từng cái râu bạc cứ óng ánh như thể ông sắp nói câu gì. Bất giác, cô cứ có cảm tưởng ông là con chim nhỏ hoá thạch, đã xây xong cái tổ và đang thiếp nghỉ trước một chuyến bay xa lắm…

*

*   *
Hoà dẫn Hoa cùng ra ruộng lạc. Bây giờ mùa lạc đang vào củ. Hoà đã giảng giải cho cô em họ cách thức sinh thành củ lạc:
- Sau khi ra hoa, cái nhuỵ đã chúc vòi về đất để kết quả.
- Thế đáng lẽ phải gọi là quả lạc.
- Nhưng cái quả ấy lại lớn lên trong ruột đất, nên tiếng Việt mình phải gọi là củ lạc, em ạ. Nó đặc cách được là cội rễ.
Hoa yên lặng…
Một đám trẻ đủ mọi lứa tuổi đang chơi đùa trên triền đê. Chúng đốt một đám lửa nhỏ, khói lên ngoằn nghèo như một dải mây mềm lượn lên từ cỏ. Hoà sà vào với chúng, anh bảo Hoa:
- Mới ngày nào anh cũng như chúng, chăn trâu thả diều triền đê này, ôm cây chuối bơi dưới sông kia. Và bới trộm lạc nướng ăn nhí nháu.
Hoa thoáng ngơ ngác, nói:
- Còn tuổi thơ của em… Biết nói thế nào nhỉ. Tràn đầy màu sắc, hình khối, tốc độ. Nhưng ít màu cổ điển. Đâu có lãng mạn…
- Lãng mạn? – Hoà ngạc nhiên – Anh lớn lên đã thấy sông thế này, đê thế này.
- Em không biết, nhưng em cảm thấy rất thoải mái.
- Hồi xưa làng còn toàn bộ đường đất, không điện, chiều chiều lũ lượt gánh nước sông.
- Các nước công nghiệp phát triển họ chi tiền nhiều lắm để giữ môi trường. Em có đi du lịch một số nơi, cũng đến như thế này, gọn ghẽ hơn, sung túc hơn, nhưng cứ trống trải thế nào ấy. Có lẽ ở đó vắng tiếng người…
Hoa quỳ xuống, cũng cùng bới ra những củ lạc với Hoà và với lũ trẻ con. Tiếng vỡ vỏ lách tách, một mùi thơm kỳ lạ làm sướng khứu giác của một cô gái đến từ chân trời khác. Không thể nào tưởng tượng được là bố cô cũng đã sống ở đây, ông bà tổ tiên cô đã hít thở cái không khí làng quê này, chắc là cảm giác ấy có sẵn trong cô từ sâu thăm thẳm nguồn cội tế bào đã làm nên hình hài và tâm tưởng của cô. Chỉ chờ có dịp này mà thức dậy trong cô nên mới quen thuộc đến thế này.
Lũ trẻ bắt đầu chạy ù xuống tắm sông. Cả một khoảng sông đằng kia vụt xôn xao. Không gian lay động. Hoa bảo:
- Anh Hoà, dòng sông này dẫn đến đâu?
- Sông này trông gầy thế này thôi, nhưng nó sẽ nở ra ở phía dưới kia, nhập vào sông Cái.
- Sông gì?
- Chính là sông Hồng, thường gọi là sông Cái.
- Cái?
- Đấy mới là từ thuần Việt. Cái là Mẹ, là to lớn, vĩ đại.
- Sông Mẹ?
- Nó chảy đến biển Đông.
Hoà tươi cười:
- Em nhập vào dòng nước này, rồi cũng ra biển, đến bên kia đại dương…
Cả hai không nói nữa. Cùng nhìn đăm đắm dòng nước trôi thao thiết. Rồi một ngày gió sẽ đưa hạt nước về nguồn trong hình hài của mây bay, của mưa rơi… Và dòng nước cứ rì rào tươi mới vĩnh cửu đến muôn đời như nó đã trường tồn.

NỰNG ẢO


Đọc cùng HG..

Tác giả: Nguyễn Xuân Hưng


-A bit k (anh biết không), lão sếp cú vọ hum (hôm) nay lại nhăn mặt với e. Bùn cừi lém. (Buồn cười lắm)
-Em cãi lão à?
-E chỉ đi mụn mỗi sí sôi. (Em chỉ đi muộn mỗi tý thôi)
-Thế thì lão nhăn còn ít. Phải anh, anh quát cho một trận.
-Ùi… Anh chỉ đùa, chắc anh k (không) bao giờ thế.
-Thế khi lão nhăn mặt, em thế nào?
-Em kệ. Em k (không) nói gì.
-Lần sau em cười tươi tỉnh với lão ấy nhá.
-Em á…? Em không làm được.
-Sao vậy?
-Trời sinh ra thế.
Đó là đoạn chat của tôi với cô ta, nick emlacongdantot.
Tôi ngồi cách cô ta một khoảng kê được hai cái bàn. Nhưng cô ta không biết tôi là ai. Với cô ta, tôi chỉ là một cái nick, hungvan2004. Tôi là một người ảo trên mạng Internet.
Văn phòng rộng, phóng viên và thư ký, biên tập đều chung nhau cả, nhìn thấy nhau hết. Khó có ai làm việc riêng nhưng tụi phóng viên vẫn chat chit nhí nhố được một lúc nào đó. Cô ấy khi đó mới tập làm quen với mạng, tôi nghe thấy con bé phóng viên mới tập sự hướng dẫn bà chị: Đầu tiên chị phải lập một cái nick… Đây này… Tôi đi ngang qua hai cô phóng viên, liếc mắt thấy cái nick của cô ta. Cô bé phóng viên tập sự tinh quái đã mở cửa sổ chat yahoo hẹp, dài như màn hình “.doc”, nhằm che mắt người khác, nhưng tôi vẫn kịp nhìn thấy cái nick ấy, emlacongdantot.
Sau đó một tuần, tôi đã chat với cô ta. Tôi chuẩn bị cho mình một cái lý lịch. Có lẽ ngành tình báo ngày xưa cũng chuẩn bị cho điệp viên của mình như tôi làm cho tôi trên mạng ảo. Tôi sẽ là một kỹ sư đang đi thực tế ở cơ sở, một người đàn ông hiểu biết và dí dỏm. Nói về cái gì tôi cũng biết một chút. Tôi cố lèo lái đến những vấn đề tôi thành thạo. Nghề biên tập báo chí khiến người ta phải có cái nền kiến thức rộng giúp ích cho tôi tán tụng cô ta. Vả lại, tôi biết rõ cô ta đang dùng nick này, còn cô ta thì không biết. Tôi đang là ảo ảnh, còn cô ta hiện ra toàn bộ phần thực và phần ảo trước mắt tôi. Cô ta trúng kế ngay, ngạc nhiên vì sao tôi lại là người đàn ông thú vị đến thế.
Lập một cái nick, tôi thành người ảo. Nói gì thì nói, giải trí tý thôi. Tôi đã chat chit với một số người rồi. Thế giới hiện hữu có thể phân thành quốc gia, dân tộc. Con người đời thực có thể là nam hay nữ, hoặc đảng phái chính trị, hội đoàn. Còn thế giới ảo là một thực thể dân chủ tuyệt đối. Anh có thể là một người đa tính cách, vừa là người yêu đời lịch thiệp, vừa có thể chửi bới rủa xả. Trên mạng, anh đối diện với không gian phi chuẩn. Với mạng ảo, anh trở thành siêu nhân. Trong một thế giới như vậy, cái tôi của tôi gắn liền với nick, một kiểu chính danh mới. Còn bản thân vật chất của tôi chỉ là kẻ làm thuê, chỉ là để đánh máy nên những câu chữ diễn tả tâm trạng của “tôi” ảo. Tôi, hungvan2004 là một “người” đàn ông phong trần, đang lắng nghe cô ta, emlacongdantot dốc bầu tâm sự.
Hồi tôi mới được điều về cơ quan báo này, tổng biên tập bảo tôi, người giỏi nhất là cô ta, nhưng cũng là bướng nhất, tính khí thất thường. Tổng biên tập nhăn mặt nói: “Các cô ấy kiêu ngạo. Tớ nghiệm ra, những cô nào như vậy y như là có chuyện với chồng. Đến mình tám tiếng ở với chúng nó còn khó chịu, nhiều khi nhẫn để được việc. Chồng chúng nó ở những mười sáu tiếng, mà k có nội quy, thì đánh nhau cãi nhau dễ hiểu”
Tuần đầu tiên, tôi đã trở thành nỗi kinh hãi của cô ta. Thực ra đâu đến nỗi thế. Nhưng cô ta dùng chữ ấy, “nỗi kinh hãi”. Hãy xem là đoạn chat dưới đây:
-Tuần đầu tiên, lão sếp đã hành em.
-Hành? Em có nói quá không?
-Thật đấy. Buổi trưa mới giao bài, đi phỏng vấn, đòi cuối giờ chiều phải nộp.
-Anh tưởng báo chí phải nhanh?
-Hắn gầm lên anh ạ, nếu không làm được thì sau hai tiếng đồng hồ phải báo về.
-Em không làm được chứ gì?
-Hi… Em mà không làm được?
-Thế sao lão lại hành?
-Lão sếp cũ, trước lão này ấy mà, trưa giao thì mai mới phải nộp bài. Phỏng vấn chứ có phải chạy ra chợ hỏi chuyện đâu. Nên em làm xong, cứ đủng đỉnh…
-Thế là lão sếp hành?
-Lão ấy gọi mãi, em không thèm trả lời. Kệ lão, sáng mai em nộp. Vì có phải vấn đề gì nóng lắm đâu.
-Em làm thế…
-Nhưng anh ạ, hôm sau lão ấy đã có bài khác thay thế. Và lão ấy nhất định không nhận bài của em nữa. Em tức quá…
-Trời sinh ra thế à?
-Nhưng mà lão ấy cũng quá đáng. Thế là hành phóng viên. Anh biết không, đấy là trị em để làm gương đấy.
-Anh nghĩ cũng không hẳn thể…
-Anh này… Anh nhân hậu, bao giờ cũng nghĩ về phía tốt…Lão sếp em đúng là một nỗi kinh hãi. Sao trời lại sinh ra thế?
Tôi muốn cười, không cười được. Tôi cũng buồn, cũng không dám thể hiện. Chat ở cơ quan đúng là giống một thằng ăn trộm. Dấu diếm sếp, dấu diếm chính mình. Tôi nhìn sang chỗ cô ta. Cô ta cũng vậy. Mặt bình thản, nhưng ánh mắt lúc thì ướt long lanh, lúc thì tinh quái… Nick -tôi và nick -cô ta cùng đồng loã phân thân tôi ra làm hai mảnh. Một mảnh là “lão sếp kinh hãi”, một mảnh lại là “anh nhân hậu”.

*
 Ban đầu, tôi chỉ định trêu đùa. Tôi là dân chat có nghề, còn cô ta là người chập chững. Cô ta chân thực, thật thà khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Sao một con người đời thường đanh đá, ghê gớm thế, mà bộc lộ tâm tình trên mạng lại hồn nhiên đến thế.
Tôi bắt đầu kiểm chứng lại những chuyện đã qua, khi cô ta kể hành kể tỏi về lão sếp kinh hãi của cô. Vào một hôm tôi nổi trận lôi đình về việc cô ta viết sai tên tổ chức quốc tế, dùng từ kinh tế sai. Thật lạ là cô ta không cãi, mà lẳng lặng sửa chữa, rồi ngoan ngoãn ngồi lại, bảo với tôi: “Em tranh thủ làm việc mai sẽ có bài cho anh sớm”.
Tôi duyệt trang xong, đợi một “bông” nữa, ngồi vào máy, thì thấy cô ta hiện ra trên mạng.
-Anh ạ, em vừa bị lão sếp quát. Nhưng em không cãi lại. Anh biết vì sao không?
-Em có lỗi chứ gì? Hay trời sinh ra thế?
-Ừ, nhưng thường thì em có lỗi em cũng cãi. Lão sếp cũ sợ em một vành. Bây giờ em không cãi vì có anh đấy.
-Sao vậy?
-Trời sinh ra anh.
-Và em nữa chứ? Hì
-Em chửi rủa lão ấy, anh nghe. Em có chỗ để xả hận. Anh nói năng hiền hậu. Nên em chả cần lão ấy. Em coi lão ấy bé bằng con kiến.
Tôi giật mình. Toàn thân lạnh đi. Hay là cô ta biết tôi rồi? Tôi nhìn sang bên kia, cô ta vẫn cắm cúi, thanh thản. Cô ta đúng là coi tôi như con kiến. Tôi yên tâm trấn tĩnh…
-Em cũng ghê gớm nhỉ? Anh thương lão sếp em. Hì.
-Hihi. Em nghĩ là em ghê gớm, nhưng từ khi có anh, em ngạc nhiên thấy mình cũng hiền hơn. Nhưng mà anh không cần thương lão sếp em.
-Sao, cũng nên thương chứ.
-Con người càu cạu, coi bọn em như lũ lao công. Có gì cũng phải nói năng cẩn thận. Gia trưởng, độc đoán. Làm gì cũng phải đúng ý lão. Không có chúng em thì các lão sếp làm sao ra được báo, sao ra được sản phẩm. Nhưng lúc nào cũng coi chúng em như bọn lười nhác.
-Có lẽ không đến nỗi thế…
-Em nghĩ, hình như các lão sếp mất khả năng đối thoại với nhân viên. Họ không muốn nghe lời trái ý của họ.
-Vậy à?
-Hôm nọ, em bảo lão sếp, sao anh cứ gọt bài em rồi chữa thành câu cú giống anh. Anh xem, tờ báo mấy bài đều văn phạm giống nhau, đều giống một bài. Tên mấy người nhưng như một người viết…
-Lão ấy nói thế nào.
-Lão ấy hầm hừ: Đây là báo, các cô cứ viết có thông tin, làm văn chỗ khác.
-Lão ấy ghét văn chương, văn hoá à?
-Đâu phải. Lão ấy văn hoa lắm, viết cũng hay. Nhưng lão ấy không muốn ai hơn…
-Có phải thế không, hay em đoán thế, có khi sai…
-Có thể sai. Nhưng đúng là những lão sếp đều muốn độc tài. Không riêng lão sếp em, các lão đều không muốn đối thoại. Trời ở chỗ em sinh ra thế hay sao?
Hôm đó, tôi ra về hơi muộn. Xuống dưới chỗ để xe nhìn thấy cô ta đang lúi húi dắt xe ra. Tôi muốn gọi cô ta lại nói đôi câu, nhưng cô ta lướt qua tôi như mọi khi. Tôi đứng lại, hơi buồn. Cuộc sống ảo của tôi đang tiến triển, nhưng cuộc sống thật này với các mối quan hệ dường như vẫn đọng lại giống như hồi tôi mới đến.
Cô ta nói về tôi đúng hết. Tôi thấy tôi cũng độc tài. Tổng biên tập bảo tôi: “Cậu giỏi đấy, trị được con bé đấy là chúng nó im hết. Chúng nó nói cậu ác một chút, nhưng kệ chúng nó. Mình đến đây làm việc chứ có phải trông trẻ đâu”
Tôi không phải kẻ trông trẻ, nhưng chuyện cô ta nói với tôi về việc tờ báo có những bài rất giống nhau là đúng. Tôi bảo Tổng biên tập: “Anh ạ, anh có thấy báo mình một chiều, đơn điệu không?” Tổng biên tập cười: “Có nhẽ thế. Nhưng ông ơi, đúng trước đã, rồi mới đến hay. Chúng ta cứ giữ để không bị thổi còi, rồi đâu đấy tính sau”
Tôi cảm thấy bối rối. Cái bẫy chat do tôi giăng ra, tôi vẫn tỉnh táo, nhưng hình như tôi cũng bị trả giá. Cô ta nói về lão sếp độc đoán, kinh hãi, tôi có thể kệ, nhưng cô ấy kết tội lão sếp không muốn cho ai hơn mình thì có quá đáng không? Cô ta muốn hơn tôi ư? Thật là ngạo mạn. Hay là mai tôi không chat với cô ta nữa. Tôi sẽ “hiện nguyên hình” xem phản ứng của cô ta thế nào? Hoá ra bây giờ cô ta không chỉ là một cái nick, cô ta là sự phán xét, là quan toàn lương tâm của tôi à?

*
Sáng hôm sau cái hôm cô ta tổng sỉ vả “lão sếp” với tôi, tôi đến cơ quan, không hiểu sao, nhìn thấy các cô phóng viên, tôi liền chào niềm nở. Có lẽ đó là phản ứng chống lại những lời kết tội của cô ta. Tôi sẽ làm cho cô ta thấy mình nhầm. Tôi sẽ niềm nở. Ai cũng tươi cười. Tôi nhìn thấy cô ta buồn bã đi về phía bàn của mình, chợt những toan tính “hiện nguyên hình” từ chiều qua biến mất. Cô ta có chuyện gì ư? Tôi hỏi: “Em mệt à?”
Cô ta ngạc nhiên: “Sao anh hỏi thế?”
“À, nếu em mệt, thì anh cho nghỉ. Anh thấy em có gì đó…”
-Anh ạ, hoá ra lão sếp của em cũng tâm lý. Hôm nay em đến cơ quan, em tưởng trời sụp, lão ấy hỏi em, rồi bảo nếu em mệt thì nghỉ.
-Sao em có vẻ ghét lão ấy thế?
-Em có ghét đâu.
-Em mệt thật à?
-Vâng.
-Thế thì lão ấy cũng không đến nỗi nào.
-Vâng, có lẽ tại em bị áp bức nhiều quá ở nhà, nên lúc nào cũng bức xúc.
-Em cãi nhau với chồng à?
-Vâng. À, mà không hẳn. Chồng em nó chửi em…
Cô ta có ông chồng làm kỹ sư xây dựng. Tốt nghiệp đại học là qua một cái ngưỡng tối thiểu để có thể nói mình “có học”. Có thể là trí thức đấy. Nhưng hoá ra, cái gọi là trí thức không chỉ là phải tốt nghiệp đại học.
-Anh ạ, trí thức gì thằng chồng em. Nó đánh em như là tập thể thao. Lúc đầu em buồn lắm, cố chịu.
-Em chịu à?
-Em chịu vì em muốn làm dâu tốt, vợ hiền. Nhưng nó không muốn. Nó đánh em. Một thằng đàn ông đánh đàn bà đã không chấp nhận được. Thế mà đánh vợ mình, anh bảo có kinh tởm không?
-Kinh tởm. Đả đảo những thằng đàn áp đàn bà hiền dịu.
-Xì, anh lại đùa, em chả nói nữa.
-Ừ, vì anh muốn em không buồn thôi. Nhưng anh nghe em nghiêm túc.
-Sau khi nó đánh, nó lại xin lỗi. Đó là khi đêm đến. Hồi đầu tiên em cũng thử chịu để yên cửa nhà, nhưng sau đó em nghiệm thấy…
-Thấy rất hay à?
-Anh này… Anh có nghiêm túc không?
-Có chứ. Em nghiệm thấy gì?
-E thấy mình có chịu đựng thì mình cũng giống con vật. Vì mình không yêu nữa rồi. Không tin nữa rồi. Chán rồi.
-Thế thì em vùng lên à?
-Em chống lại. Trời sinh ra thế.
-Mác nói, em chỉ mất xiềng xích.
-Em bắt đầu ly dị. Nhưng anh ạ, thằng chồng em nó khốn nạn. Nó đường đường là một thằng đàn ông chủ gia đình, nó có quyền lực. Nó không yêu em nữa thì để cho em độc lập tự do. Mà nó cũng sẽ tìm con khác. Đằng này nó tìm mọi cách hành hạ em, giấu sổ hộ khẩu, viết đơn đến cơ quan kể xấu em, gặp em ở ngoài đường túm tóc đánh…
-Em chịu à?
-Em không chịu đâu… Em chán. Ở nhà thì có thằng chồng quân thù, đến cơ quan thì có ông sếp kinh hãi. May mà gặp anh…
-Giờ em ly dị xong chưa?
-Chưa xong anh ạ. Cuộc sống đôi khi cứ buồn bã thế đấy… Nên đêm nằm em hay nhớ đến anh. Anh thế nào nhỉ?
-Anh cũng giống ông sếp em.
-Anh đùa…  Anh có muốn biết em thế nào không?
-Muốn chứ. Nhưng sao anh em ta không gặp nhau…
Im lặng rất lâu. Tôi phải “buzz”.
-Em sợ. Liệu gặp anh, anh có còn tốt như em cảm thấy anh trên mạng không?
-Anh không biết. Nhưng khi tiếp xúc với em trên mạng ảo, anh bộc lộ bản chất của mình nhất. Anh đối xử với em bằng những đức tính tốt nhất của anh…
-Và nếu gặp anh, em có dám tâm sự thoải mái nữa không?
-Có chứ. Anh và em đã hiểu nhau rồi.
-Anh này…
-Gì em?
-Em bỗng muốn đi một chuyến xa xa. Cho thay đổi thời tiết một chút. Em nghĩ, nếu em đi đâu xa, em vẫn chat được với anh.
-Em muốn đi đâu?
-Em muốn đến biển. Tự nhiên em thèm tự do. Năm ngoái em đi Quảng Ninh, em gặp một anh làm nghề chài lưới. Em đã đi ra biển với mấy người đàn ông. Đêm xuống, trời thì đầy sao, gió mát rượi, tự nhiên em nhìn thấy anh dân chài ấy thật là đẹp. Em cứ ước giá như anh ấy bảo em ngủ với anh ấy, em sẽ rất sung sướng.
-Bây giờ em đi tìm anh ta à?
-Vâng. Có thể gặp anh ấy hay anh khác cũng được. Nhưng cái chính là em tạm xa chỗ này mấy hôm.
-Sợ lão sếp à?
-Không. Lão sếp ấy chỉ cú vọ tí thôi. Nhưng rắc rối là ở chỗ khác…
-Lại có lão nào khác à?
-Vâng ạ. Đó là lão này… Già hơn cả lão sếp. Lão sếp đẹp trai, còn lão này xấu, hút thuốc hôi như chuột. Em không thể chịu được khi nhìn vào mặt lão ấy. Thế mà…
-Lão ấy tỏ tình?
-Ô, anh đoán đúng thế. Em hãi quá, suýt ngất. Lão ấy bảo biết em khổ, lão ấy muốn yêu em…
-Lão ấy cũng cùng cơ quan em à?
-Vâng. Lão ấy làm hợp đồng, đọc mo-rat, biên tập tin chính trị lằng nhằng.
-Ồ… Này…
-Dạ.
-Nếu lão sếp em tỏ tình, em thế nào?
-Anh này… Anh chỉ đùa.
-Lão ấy…
-Thôi. Em đi Quảng Ninh, chắc sẽ nhớ anh lắm đấy. Giờ anh là phần hồn của em. Thôi em out đây, em sẽ xin phép nghỉ…
Tôi giật mình. Tôi cũng kinh hãi khi cô ta nói về “lão ấy” đã tỏ tình. Ông A. vốn là cán bộ cấp vụ quản lý nhà nước, về hưu thì Tổng biên tập bảo vào làm hợp đồng cho vui. Tổng biên tập bảo tôi: “Cho lão ấy ngồi đó, một tháng trả mấy tiền, còn hơn là mỗi khi mình có sai sót, chạy đi chạy lại cũng còn mệt gấp mấy”. Tôi cười: “Hoá ra ông A ở đây làm con ngóao để doạ người khác à?” Tổng biên tập gật: “Chú nghĩ thế thì anh chịu”
Quả thật, tôi có cảm tưởng ông A. chính là một loại ngáo ộp. Ông đã tuổi hưu, nay đi làm thêm, nhưng ông luôn chỉ đạo việc này việc kia, như thể ông ấy là bố già ở cơ quan. Ông ấy ở nhà là chính, đôi khi mới đến cơ quan. Hồi đầu cứ lọ mọ mang bài viết trên giấy đến, sau đó biết đánh máy, thì hướng dẫn mãi mới biết thao tác gửi bài vào mạng cơ quan. Gương kính lên, ông ấy đọc mo-rat, nhưng hễ có em phóng viên nào đi qua là ông ấy lại ngẩng lên nói chuyện. Ông ấy tham dự mọi câu chuyện cả công việc và linh tinh lang tang của lũ phóng viên. Cô ta có lần bảo ông A: “Sao anh chịu khó buôn thế?”. Ông A phân trần: “Tớ nguyên là bộ đội gần hết đời, sau mới chuyển ngành, nên tớ có thói quen thích tình đồng đội. Tớ mà không đi làm thêm, thì tớ về nông thôn ở”.
Con người có đôi mắt hấp háy, hồn nhiên đến độ vô nguyên tắc ấy, con người nông dân ấy hoá ra lại tỏ tình với cô ta. Quái lại vô cùng…
Cô ta đến bảo tôi: “Anh ạ, mai em xin phép về quê mấy ngày. Anh cho em nghỉ”
Tôi suýt bật ra: Cô bảo đi biển Quảng Ninh cơ mà? Nhưng tôi kiềm chế, gật. Hỏi thêm: “Em đi đâu?”. “ Em về quê chồng em mà”
Ông A chạy đến: “Em về quê à? Mai mấy giờ em đi?”
“Mai em đi sớm”
“Anh thường dậy sớm. Anh đưa em đi ra bến ô tô nhé”
Cô ta cười. Tôi cũng bật cười.
“Thôi khỏi lo cho em. Em nhờ xe riêng rồi”
“Sao em cứ từ chối anh giúp em?”
“Trời sinh ra em thế”
Tôi nghe thấy tiếng cô ta quen quá. Hiện ra từ mạng ảo.
Mất điện một lúc. Tôi thấy ông A hơi buồn. Ông ấy bảo tôi: “Giờ bật máy lại gửi bài vào mạng lâu lắm. Anh là anh không thạo mấy thứ hiện đại máy miếc. Hay là chú cầm cái này của anh, chú đưa vào mạng toà soạn cho anh”. Tôi vui vẻ nhận lời.
 *
Khi cô ta đi chơi rồi, tôi cũng có việc bận túi bụi. Bỗng nhiên tôi cảm thấy mình thừa thãi ra khi đối diện với màn hình chat. Tôi cũng bắt đầu nghĩ đến cô ta thường xuyên. Hoá ra, đằng sau cái vẻ ngoài đanh đá, ghê gớm, lại là một tâm hồn mềm yếu. Hoá ra, đằng sau vẻ kiêu hãnh, đàng hoàng của một phóng viên có nghề, lại là cuộc đời đau khổ. Có lẽ ai cũng vậy. Tôi bỗng thấy cuộc sống dường như ai cũng là tảng băng trôi, phần nổi rất nhỏ bé so với phần chìm lấp sâu dưới nước.
Từ lâu, khi nói những lời yêu thương với cô ta, tôi tự thấy mình cũng cân bằng trở lại. Tôi không hay nói nặng lời với mọi người. Cô ta trở thành quan toà có quyền phán xét tôi. Mà tôi không có lý gì ngăn được.
Một hôm, đứa phóng viên tập sự bảo tôi: “Hình như anh dạo này có cô nào, nên hiền hẳn đi”. Tôi hồn nhiên bảo: “Ừ, anh đang yêu”. Tất cả đám cười ồ lên. Tôi thấy buồn một chút. Có lẽ chúng nó nghĩ tôi đùa.
Cô ta ngẩng lên, nói đế vào: “Tao cũng đang yêu đây”
Mọi người cười, nhưng lại không dám đùa với tôi. Quay sang trêu nhau. “Ừ, em thấy chị dạo này vui hơn đấy, chắc có anh nào rồi”
Khi nói chuyện tình cảm, cô ta bắc chước giọng của bọn thanh niên tuổi “tin” đang chat.
-A iu. (Anh yêu)
-Cái gì đấy?
-E nhớ a (Em nhớ anh)
-Tưởng gì.
-Thế anh nghĩ còn cái gì hơn là yêu và nhớ.
-Nhưng em đánh máy chữ kiểu gì đấy.
-Ồi, anh già rồi à? Em đoán anh già như lão đọc mo rát cơ quan em.
-Không đến nỗi thế đâu, e iu (em yêu).
-Ha ha ha…
-Anh ơi, sao tự nhiên em muốn có anh để bồng bế, để iu (yêu) và sương (thương). Để nựng.
-Nựng ảo à?
-Cũng được. E hun a. E thay sug suog la ok rui (Em hôn anh. Em thấy sung sướng là ok rồi)
-Thì gặp nhau nhé.
-Ồ, không… À, chưa.
-Sao vậy?
-Em nghĩ, iu nhau phần tâm hồn là cao nhất rùi (Yêu nhau phần tâm hồn là cao nhất rồi)
-Nhưng con người ta còn thể xác nữa.
-Thể xác là cái gì đâu. Em nghiệm ra rằng, thể xác em đẻ cho thằng chồng một đứa con, mà em thấy bế tắc. Chỉ khi gặp anh em mới thấy sung sướng.
-Trời ơi, em gần Phật xa trần rồi…
Tôi vào phần lưu trữ, xem lại một số đoạn chat với cô ta. Tự dưng thấy cũng lạ lạ. Khi người ta chia sẻ tâm hồn, người ta dường như sống trẻ. Cô ta muốn mình làm trẻ con, lại muốn mình làm bà già lo âu cho con cái. Chỉ có mạng ảo cô ta mới thể hiện được mình tự do và dân chủ như vậy. Quay về thực tại, cô ta như kẻ bị giam cầm.
-A iu. Cho e hun a nha (Anh yêu, cho em hôn anh nhá)
-Có mà hôn hàng triệu cái cũng được.
-Suog wa (Thương quá)
-Em không làm việc à?
-E xong rui (Em xong rồi)
-Anh buồn ngủ.
-Ngủ đi. Em ru nhé. Cái ngủ mày ngủ cho ngoan…
Người đàn bà bị giam ấy hôm nay muốn chạy ra khỏi cái lồng con một chút. Tôi nghĩ cô ta đang chu du với anh thuyền chài chăng? Tôi nhìn sang bàn cô ta, thấy một cái ghế trống. Một khoảng trống mênh mông đang dâng lên trong lòng tôi.
Tôi bỏ chỗ ở cơ quan, đi lang thang một chút…
Qua một hôm, tôi mới mở máy tính, thấy một dòng chat “óp-lai” (offline): “Chiều nay em đã đi biển với anh thuyền chài hôm xưa. Em nghiệm thấy em không còn tình cảm với anh ấy như trước nữa. Em nhớ đến anh. Em cứ nghĩ đây là anh thì hay quá. Em muốn yêu anh cứ như bây giờ em đang yêu, nhưng em lại muốn nhiều hơn. Giữa biển trời độc lập tự do này, em lại muốn hạnh phúc có thật. Em bắt đầu nghĩ đến việc có nên gặp anh không. Nếu anh hiện ra như bao nhiêu con người trần tục quanh em, thì anh có đáng chán như họ không? Và em sợ em lại trở về cái máng lợn ngày xưa… Anh có thấy em đang thầm thì với anh không?”
Tôi ngồi lặng đi.
Tôi đang đi chơi vơi giữa ảo và thực. Tôi đang là nạn nhân của trò mạng ảo do chính tôi làm nên. Nhưng nếu không có mối quan hệ mạng ảo này, chắc là cuộc sống của tôi cũng chỉ hơn cô ta một chút, đơn điệu và buồn chán. Nếu không có những câu nựng ảo của cô ta, một lão sếp kinh hãi có biến thành người khác hiền hoà và kiên nhẫn hay không?
Chuông điện thoại reo.
Tin kinh khủng: Ông A bị tai nạn, đang hôn mê mười phần chết chín rồi. Tôi vội vã chạy xuống cầu thang. Vừa ra khỏi cửa thì thấy cô ta đến. Cô ta đen hơn một chút. Nắng gió biển làm cho cô ta rắn rỏi hơn. Gương mặt cô ta ưu tư hơn? Hay là tôi tự kỷ ám thị thấy thế?
“Em lên cơ quan một tý, rồi đến bệnh viện thăm anh ấy sau”
Ông A nằm với dây dợ chằng chịt quanh người. Từ ngực đến cổ băng kín mít. Bác sĩ bảo tôi: Ông ấy cực kỳ nguy kịch. Bác sĩ là chỗ thân tình với tôi, nên không giữ ý, lắc đầu rất mạnh.
Tôi quanh quẩn un ủi người nhà người bị nạn. Thì bỗng cô ta đến. Cô ta sùng sục chạy lại, thảng thốt nhìn ông A. Nhưng nào có nhìn thấy gì ngoài một bó vải quấn trắng nham nhở máu đỏ. Cô ta bật khóc. Khóc thổn thức. Khóc không giữ được. Và cũng không cần giữ. Ông A không có vợ, chỉ có mấy người con cháu đứng đó. Họ bỗng ngạc nhiên và chạy đến ôm lấy cô.
Tôi cũng ngạc nhiên. Có cái gì đó tôi còn chưa hiểu trong câu chuyện tình tang than khóc này chăng?
Cô ta nói trong nước mắt: “Anh ấy… Thế mà tôi không biết…”
Người nhà ông A nói: “Thôi chị… Chị cứ bình tĩnh”
Tôi bỗng nhớ ra một chuyện. Như có ánh chớp loé lên trong một phần trăm giây soi vào tâm trí. Tôi vội bỏ ra về.
Tôi chưa bao giờ lâm vào tình cảnh quẫn bách như lúc ấy. Tôi lao xe máy như điên. Giá như tôi có thể bị tai nạn như ông A? Tôi muốn như thế. Tôi xứng đáng bị như thế.
Tôi ngồi như chết rồi trước máy tính. Hôm qua, tôi đã nhầm lẫn gửi bài của ông A từ hộp thư nick chat hungvan2004, cái nick tôi thường chat với cô ta, emlacongdantot.
Tôi phải làm gì bây giờ? Trời sinh ra câu chuyện này, trời đã giáng chỉ tôi kết thúc. Phải thế không?