Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

THẰNG TÂY



Một thằng sinh viên Việt Nam du học ở châu Âu dẫn bạn là một thằng Tây về nhà chơi. Hai thằng đi bằng xe máy, thằng Việt Nam đưa cho thằng Tây cái mũ bằng nhựa mỏng dính nói thằng Tây đội vào, thằng Tây nói :
-Tao có mũ vải rồi.
-Không được, cái này gọi là mũ bảo hiểm, theo luật giao thông, nếu không đội mũ này mày sẽ bị phạt.
-Nhưng cái mũ này làm sao có tác dụng bảo hiểm ?
-Mày đúng là thằng Tây, tao có nói để bảo hiểm đâu, chỉ để khỏi bị phạt thôi.

Đi một đoạn, thấy mấy tay công an đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, thằng Tây hỏi :
-Luật giao thông Việt Nam không áp dụng cho công an à ?
-Có áp dụng.
-Vậy sao họ không đội, họ không lo bị phạt sao ?
-Vì đó là công an, không đội cũng không bị phạt, vì công an không ai lại đi phạt công an.

Đi tiếp, thấy mấy thanh niên không đội mũ bảo hiểm đi ngang qua cảnh sát giao thông cũng không bị phạt, thằng Tây hỏi :
-Đó cũng là công an à ?
-Mày lại hỏi đểu à, đó là bọn trẻ trâu, nó không bị phạt vì nó nhuộm tóc vàng và khoe hình xăm ở cánh tay, nó sẵn sàng bỏ chạy khi bị thổi còi, lâu dần nó không cần bỏ chạy cũng không bị phạt.
-Tại sao tóc tao cũng vàng, tay tao cũng có hình xăm mà mày bắt tao đội mũ bảo hiểm ?
Thằng Việt Nam bí quá nói đại :
-Tại tóc mày chỉ có một màu vàng, bọn kia tóc nó nhuộm hai màu. Mắt mày lại xanh, mũi lõ nên không giống mấy đứa đó được.

Đến ngã tư, có đèn đỏ thằng Việt Nam vẫn đi tiếp, thằng Tây kinh ngạc hỏi :
-Mày không nhìn thấy đèn đỏ à ?
-Có.
-Vậy sao mày không dừng ?
-Mày không hiểu cái gì hết, cần phải xem xe container đằng sau nó có dừng không, nếu nó vẫn lao nhanh thì phải chạy tiếp không nó húc chết. 
Thằng Tây ngoái lại thấy một xe container lù lù chạy đằng sau, mặt xanh lét, vừa sợ vừa khâm phục kiến thức giao thông của thằng Việt Nam.

Đến ngã tư khác, gặp đèn xanh, thằng Việt Nam dừng lại không đi, thằng Tây hỏi :
-Sao đèn xanh mày lại dừng ?
-Tại phải chờ cho các anh em nhân dân ở đường vuông góc với đường này nó vượt đèn đỏ xong đã rồi mới đi được, không nó húc chết.
Vừa nói xong thì một người nhân dân thiếu kinh nghiệm bị xe của làn vuông góc húc ngã vì liều lĩnh vượt đèn xanh. Thằng Tây lại càng khâm phục kiến thức giao thông của thằng Việt Nam. Xe vượt đèn đỏ gây tai nạn bỏ chạy, thằng Tây gọi thằng Việt Nam đến hỗ trợ người bị nạn, đỡ người, vẫy xe ô tô để chở nạn nhân đi viện nhưng không ai hỗ trợ, cũng không ai cùng vào giúp, thằng Tây hỏi :
-Tại sao không ai cùng giúp nạn nhân như chúng ta ?
-Tại người Việt Nam ai cũng bận.
-Người châu Âu không bận sao ?
-Nhưng người Việt Nam bận hơn người châu Âu, và cứu người cũng có thể gặp phiền phức, mà thôi không hỏi nữa, mày với tao chở nạn nhân vào viện bằng xe máy.

Hai thằng đến quá nửa đêm mới về đến nhà. Sáu giờ sáng hôm sau, đang ngủ, bị đánh thức bởi tiếng loa phường, thằng Tây hỏi:
-Tại sao loa không thông báo muộn hơn ?
-Tại muộn hơn thì mọi người đi làm, không có ai nghe.
-Vậy phát thanh sớm thì có người nghe không ?
-Cũng không có.
-Vậy tại sao phải phát thanh sớm ?
-Tại muộn hơn thì mọi người đi làm, không có ai nghe.


Sáng hôm sau, chỉ có thằng Tây và thằng Việt Nam ở nhà, hai thằng tổ chức nấu ăn. Thằng Việt Nam nấu, nhờ thằng Tây đi...đổ rác :
-Mày ra cổng, rẽ trái, đi khoảng 40 mét gặp một cái biển ghi chữ “Cấm đổ rác” thì đổ ở đó.
-Lạy Chúa, sao lại đổ rác ở chỗ cấm đổ rác ?
-Vì đó là chỗ duy nhất có thể đổ rác, cả tổ dân phố này đều ngầm quy ước đó là chỗ đổ rác.

Nấu ăn một lúc, thằng Việt Nam phát hiện ra không còn thực phẩm, nói thằng Tây trông nhà để đi chợ, thằng Tây nói :
-Mày ở nhà, để tao thử đi chợ, tao thử đi một mình xem sao, tao muốn trải nghiệm. Mà chợ chỗ nào ?
-Mày đi ra cổng, rẽ phải khoảng 300 mét, thấy một cái biển ghi...
-Ghi “Cấm họp chợ” phải không ?
-Đúng, mày thành người Việt Nam mất rồi. Đó, chợ ở ngay sau cái biển đó.

Ăn xong, thằng Tây muốn đi ra trạm ATM rút tiền. Thằng Việt Nam nói :
-Chắc mày chuẩn bị muốn đi đến vùng không có máy rút tiền hả.
-Đúng, hôm trước tao rút mấy lần, có lần thì bị “nuốt thẻ”, có lần thì phải chờ gần nửa giờ chờ xong thì máy...hết tiền, nên tao muốn rút nhiều một chút đỡ phải đi rút.
-Để tao gọi taxi đi !
-Tao muốn đi xe máy, tao bắt đầu thích xe máy.
-Vậy mày cầm cái túi không quai này, ngồi sau tao chở đi rút tiền.
-Cái túi để làm gì vậy ? Đựng tiền hả ?
-Không, cái túi này không có gì, mày cứ cầm ngồi sau, cầm lỏng thôi để cho cướp giật nó giật.
-Không có quai để khi nó giật thì không bị ngã xe phải không ?
-Mày đoán như thần vậy.
-Còn tiền rút xong để đâu ?
-Để trong túi áo, túi quần chứ còn để đâu.

Trên đường về thì thấy một thằng ô tô biển xanh vượt qua các xe khác với tốc độ khoảng trên 100km/h ở làn đường chỉ cho ô tô chạy không quá 70km/h. Thằng Tây hỏi :
-Nó là xe ưu tiên à ?
-Không, như xe biển trắng thôi.
-Nhưng sao nó phóng vậy mà không bị “bắn” tốc độ, hay lái xe biển xanh nhuộm tóc hai màu và xăm hình ở cánh tay ?
-Không phải, lái xe không nhuộm tóc xăm hình. Đó là xe của cơ quan nhà nước, tay sếp của cơ quan đó kiểu gì cũng quen biết bên cảnh sát giao thông, không quen trực tiếp thì quen gián tiếp. Cảnh sát giao thông có bắt thì lại phải nghe điện thoại “giải mã” rồi lại phải thả nên thà không bắt nữa cho khỏi mất thời gian.

Trên đường đi, thấy nhiều nơi ghi “Tất cả vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh”. Thằng Tây hỏi :
-Ghi vậy làm gì mày ?
-Khi mày đang rất đói thì mày muốn bàn chuyện đi đâu ?
-Tất nhiên là đi ăn.
-Đó, thiếu cái gì thì nói nhiều về cái đó.

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ

Người đàn bà ngồi tựa vào tường trên lối mòn của một con hẻm. Mệt mỏi và thiếp đi cạnh quang gánh của mình. Hai đầu gánh là đủ thứ quà vặt như bánh tráng, kẹo, đến chanh, ớt… rồi có cả đồ chơi trẻ con chằng cột. Chị như muốn kéo cả thế giới chung quanh đi theo mình trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn không có ngày tháng cuối.


Blog Tuấn Khanh: 'Những câu chuyện về đàn bà' - ảnh 1
Hình ảnh đó đẹp đến mức tôi dừng lại, muốn chụp tấm ảnh làm kỷ niệm thì chị choàng tỉnh. Chị sợ hãi hỏi tôi chụp ảnh để làm gì. Có lẽ những cuộc rượt đuổi hàng rong trên hè phố là cơn ác mộng triền miên khiến chị không bao giờ có được chút thanh thản. Trò chuyện ít lâu, mới biết chị đi từ Quảng Ngãi vào bán hàng rong để gửi tiền về giúp cho gia đình. Tháng nhiều thì được 700.000 - 800.000 đồng. Tháng ít thì 300.000 - 400.000 đồng.
Người phụ nữ ấy chỉ là một trong hàng trăm ngàn con người đang lưu lạc mưu sinh trên đất nước này. Ẩn trong nụ cười hay lời rao hàng đơn giản đó, là những câu chuyện đời trôi dạt theo miếng ăn, trắc trở.
Khi chị ngồi giở mẩu giấy ghi lại tiền nong đã buôn bán trong ngày. Những ngón tay lần mò trên con số ngắn và nhỏ hơn biết bao lần những biên lai tính tiền thường nhật trong thành phố. Những ngón tay của chị nhiều ngày tháng không có được hơi ấm của chồng. Bao nhiêu người phụ nữ trên đất nước này đã bước lên chuyến xe đời khốn khó và không biết ngày nào có lại được hơi ấm từ người đàn ông của mình? Một trong những người phụ nữ như vậy mà tôi gặp nói rằng bà đã rời khỏi nhà gần 15 năm, sống một mình, làm lụng gửi tiền về quê nhưng chưa bao giờ có ý định chọn một tấm chồng khác.
Khi tôi xin được chụp hình chung với gánh hàng rong của người phụ nữ từ Quảng Ngãi, chị hốt hoảng nói không được. Hỏi mãi, thì chị mới nói thật là sợ chụp hình chung, nếu lỡ chồng đang đi làm ở quê thấy được, tưởng chị “mèo mỡ” sẽ buồn giận, tội nghiệp lắm.
Tôi cứ ước mình viết được một bài hát về người phụ nữ này, hay những người phụ nữ tương tự như vậy. Những nốt nhạc không bật ra được, cứ nghẹn lại trong hốc sâu nào đó. Những người đàn bà được mô tả đẹp như cổ tích trong văn chương, hội hoạ… thường thấy, chưa bao giờ có đủ hình ảnh quê mùa và ngọt ngào đến vậy.


Nhưng tôi vẫn còn nợ một bài hát khác, về những người phụ nữ Việt vô danh khác.
Trên một chuyến đi, may mắn được ngồi cùng vài cô gái Việt Nam lấy chồng Đài Loan về thăm quê, tôi bèn xin hỏi chuyện đời sống của họ. Nói về chuyện báo chí Việt Nam vẫn mô tả cuộc sống đi lấy chồng Đài Loan như địa ngục hay nô lệ, các cô nhìn nhau, rồi nhìn tôi cười.
“Cũng có những người không may, nhưng không phải ai cũng vậy, anh à”, một cô gái đồng hương Cần Thơ giải thích. Những cô gái rất trẻ nói về cuộc sống mới của mình. Họ nói rằng đã chọn hài lòng với cô đơn, hài lòng với những khó khăn mà họ phải trải qua, ít nhất để cho mình, cho cha mẹ mình thoát nghèo khó. Ở miền Tây, có rất nhiều nơi được đặt tên là làng Đài Loan, làng Hàn Quốc… chỉ vì những đứa con gái lấy chồng xa xứ tằn tiện chi tiêu chỉ để dựng lại nhà cho gia đình mình.
Khi được hỏi về nạn bạo hành gia đình của các cô lấy chồng ngoại quốc, một người lại nhìn tôi cười, hỏi rằng “bộ anh không biết là lấy chồng dưới quê xứ mình cũng bị đánh tới chết cũng không ai cứu à?”.
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này mở ra cho tôi một góc nhìn khác về những người phụ nữ Việt tìm duyên tha hương. Thật buồn khi có một thời đại mà những người phụ nữ Việt phải chọn cuộc sống khác hơn ở quê hương mình. Rất nhiều người đã phỉ báng họ. Nhưng giữa chọn lựa rất thực tế, có thể tự xoay sở cho đời mình, họ đủ thành thật để không màng một tiếng thơm hảo. Nỗi buồn xin gửi lại cho thời cuộc, họ chỉ là nạn nhân.
Có thể rồi những người phụ nữ này bình an, nhưng họ khó mà có được hạnh phúc. Điều mà cả thế gian mơ đến thì họ chấp nhận lìa bỏ trong kiếp sống tạm, để có thể làm được gì đó cho gia đình, hoặc không là gánh nặng ở quê nhà. Cũng như người đàn bà mưu sinh đến từ Quảng Ngãi, bao giờ thì những người phụ nữ lấy chồng xa này sẽ có, hay cảm nhận được hơi ấm của hạnh phúc đời mình?
Trong những ngày xưng tụng phụ nữ được ghi vào lịch, hình bóng “xấu xí” của những người phụ nữ này chắc không thể có trong diễn văn hay những bông hoa đẹp, dù là phô diễn. Cũng không có những bài ca nào chia sẻ, hát về họ giữa một hiện trạng thiếu những trái tim biết yêu thật thà.
Thật đáng buồn nếu chỉ còn biết có hotgirl hay xưng tụng một nhóm người khoe khoang mua sắm tiền tỉ, thèm khát những vẻ đẹp bề ngoài. Khi trò vui che lấp các số phận, đến một ngày nào đó, tất cả chỉ là mồi thiêu như các loại hàng mã.
Tôi ước mình viết được bài ca để hát về câu chuyện của những người đàn bà vô danh ấy, một ngày nào đó. Những số phận ấy tầm thường mà khác thường. Nhưng những nốt nhạc hiện thực vẫn chưa thể vang lên.

Có thể rồi những người phụ nữ này bình an, nhưng họ khó mà có được hạnh phúc. Điều mà mọi tôn giáo dạy con người đi tìm, cả thế gian mơ đến thì họ chấp nhận lìa bỏ trong kiếp sống tạm, để có thể làm được gì đó cho gia đình, hoặc không là gánh nặng ở quê nhà. Cũng như người đàn bà mưu sinh đến từ Quảng Ngãi, bao giờ thì những người phụ nữ lấy chồng xa này sẽ có, hay cảm nhận được hơi ấm của hạnh phúc đời mình?

Tuấn Khanh

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

Đoan Ngọ 5-5

Tết Đoan Ngọ hoặc Tết Đoan Dương, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, là một ngày Tết truyền thống tại một số nước Đông Á như Việt Nam, Triều Tiên  Trung Quốc.
Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11h-13h
Dương: hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan ngọ đều lên đến tột bậc
Ở Việt Nam, gọi ngày Tết Đoan Ngọ là Tết chiết sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được.
Ở Trung quốc, tết Đoan Ngọ liên quan tới Khuất Nguyên vị đại thần cuối thời Chiến Quốc giả bài thơ Ly tao nổi tiếng.






Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

Điểm mặt 16 phi công ‘Át chủ bài’ của Không quân Nhân dân Việt Nam (kỳ 2)

Điểm mặt 16 phi công ‘Át chủ bài’ của Không quân Nhân dân Việt Nam (kỳ 1)

Danh sách gồm 16 phi công Bắc Việt Nam, 2 phi công Mỹ, 3 sĩ quan kiểm soát hệ thống vũ khí hoặc thuộc WSO và 1 phi công Liên Xô.

Chiến tranh Việt Nam ghi nhận những chiến công đặc biệt của các phi công tiêm kích. Có đến 16 phi công Việt Nam được công nhận danh hiệu Át (Aces).
* Át (Aces) là một danh hiệu công nhận cho các phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số 5 trở lên. Danh hiệu Át có từ Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Chiến tranh Việt Nam ghi nhận cuộc chạm trán không cân sức giữa lực lượng không quân hùng hậu nhất thế giới của Mỹ với lực lượng không quân còn non trẻ của Việt Nam. Tuy mới thành lập, thiếu kinh nghiệm, trang thiết bị kém hiện đại hơn nhưng với sự nỗ lực phi thường công với tinh thần sáng tạo, dũng cảm các phi công Việt Nam đã lập được những chiến công hiển hách.

Có đến 16 phi công Việt Nam được công nhận danh hiệu Át trong khi đó con số phi công Át của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam chỉ có 5 người. 

Dưới đây là danh sách 16 phi công Việt Nam được công nhận danh hiệu Át:

Chim cắt số 2" Nguyễn Văn Cốc.

1-Phi công Nguyễn Văn Cốc Đứng đầu trong danh sách các “Át” của Không quân Nhân dân Việt Nam là phi công Nguyễn Văn Cốc với 9 lần bắn rơi máy bay Mỹ trong đó có 7 lần được phía Mỹ công nhận.

Phi công Nguyễn Văn Cốc sinh năm 1943 tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông được tuyển chọn đi học lái máy bay MiG-17 vào năm 1961. Sau đó, ông lại sang Liên Xô học chuyển loại MiG-21. Ông bắt đầu các hoạt động bay chiến đấu với MiG-21 trong biên chế Trung đoàn 921, đoàn Sao Đỏ từ tháng 12/1965.

Chỉ trong vòng 2 năm (1967-1968), ông đã bắn rơi 9 máy bay Mỹ (gồm 3 F-4, 3 F-5, 1 F-102, 2 UAV tầng cao AQM-34A). 

Một trong những trận đánh đáng nhớ nhất của ông, được tuyển chọn vào tập sách những trận đánh hay của không quân là trận ngày 30/4/1967.

Khi đó, biên đội của ông gồm phi công Nguyễn Ngọc Độ bay số 1, ông bay số 2 cất cánh đánh chặn một tốp F-105  của địch.Trong trận đánh, sau khi phi công Nguyễn Ngọc Độ phóng tên lửa diệt một máy bay, tranh thủ lúc lúc địch chưa phát hiện ra ta, ông đã nhanh chóng công kích bắn hạ thêm một máy bay F-105. 

Đây có thể nói là bước “cải tiến chiến thuật”, vì theo nguyên tắc chiến thuật bài bản, trong biên đội 2 MiG-21 thì số 2 chỉ có nhiệm vụ yểm trợ, quan sát đối phương giúp số 1 công kích. Tuy vậy, Nguyễn Văn Cốc đã sáng tạo cải tiến chiến thuật, khi thời cơ đến, ở thế có lợi cùng tham gia tiêu diệt máy bay địch, vừa bảo vệ đồng đội nhưng vừa tăng hiệu suất chiến đấu. 

Việc sáng tạo ra chiến thuật cải tiến số 2 cùng công kích, ông đã được đồng đội đặt cho biệt danh “chim cắt số 2”. Với những chiến công xuất sắc trong 2 năm chiến đấu, năm 1969, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân

Phi công Nguyễn Hồng Nhị.

2-Phi công Nguyễn Hồng Nhị 
Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị là một trong những phi công xuất sắc của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Chỉ trong vòng 3 năm từ 1966-1968, phi công Nguyễn Hồng Nhị đã lập chiến công bắn hạ 8 máy bay địch. Trong đó, riêng năm 1967, ông bắn hạ tới 6 chiếc F-4 và F-8 của địch. 

Một trong những trận đánh đáng lưu ý của ông là vào ngày 4/4/1966, khi đó ông đã dùng một chiếc MiG-21 bắn hạ máy bay không người lái tầng cao ở độ cao 18.000m. Điều đặc biệt ở đây, ông là người đầu tiên bay trên MiG-21 chiến và cũng là lần đầu tiên MiG-21 của ta lập công diệt địch.

Trong quá trình học tập trở thành phi công của ông. Ban đầu, ông được chọn đi học lái tiêm kích – bom. Nhưng khi về nước lại được giao lái máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-21. Đây là một trở ngại lớn vì những khoa mục, bài tập tiêm kích ông học rất ít, không thuần thục. 

Bằng, lòng dũng cảm, sáng tạo, ông đã lập được những chiến công xuất sắc bảo vệ bầu trời miền Bắc Việt Nam. Thậm chí, những người phe đối phương cũng phải “ngả mũ kính phục” ông.

Năm 2005, một sĩ quan cao cấp Hải quân Mỹ (sau này trở thành Đô đốc Hải quân) đã tới Hà Nội du lịch với mong muốn được gặp Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị để bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Rất tiếc, khi đó ông không có mặt ở Hà Nội. 
Phi công Phạm Thanh Ngân.
3-Phi công Phạm Thanh Ngân Phạm Thanh Ngân sinh ngày 18/4/1939 tại xã Lương Phú, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Tháng 3/1959, ông nhập ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 4/1961, ông được cử sang Liên Xô học lái tiêm kích MiG-17. Tháng 10/1964, ông về nước và tham gia chiến đấu trong Trung đoàn 921 Sao đỏ. 

Tháng 8/1965, ông đi học chuyển loại tiêm kích MiG-21. Tháng 6/1966, ông về nước và bắt đầu trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ bầu trời miền Bắc. 

Trong thời gian từ 1966-1968, ông cùng đồng đội tham gia chiến đấu và trực tiếp bắn rơi 8 máy bay địch. Có hai trận đánh ngày 18 và 20/11/1967, ông và phi công Nguyễn Văn Cốc đã bắn rơi tới 4 máy bay địch.

Đặc biệt, 2 trong số máy bay MiG-21 mà ông từng điều khiển mang số hiệu 4324 và 4326 đều là những chiếc có số lần bắn hạ đối phương cao nhất (4324 với 14 lần và 4326 với 13 lần).

4-Phi công Mai Văn Cương Anh hùng phi công Thiếu tướng Mai Văn Cương sinh năm 1941 tại xã Hoàng Đạo, huyện Hoàng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông nhập ngũ ngày 28/3/1959 và được kết nạp vào Đảng ngày 23/8/1964.

Tháng 7/1961, ông được cử đi học lái máy bay tiêm kích MiG-17 tại Liên Xô. Năm 10/1964, ông là sĩ quan lái máy bay của Trung đoàn 921. Tháng 9/1965, ông tiếp tục cử đi học chuyển loại MiG-21 tại Liên Xô. 

Trong quá trình chiến đấu, phi công Mai Văn Cương đã bắn hạ 8 máy bay Mỹ các loại. 


5-Phi công Đặng Ngọc NgựPhi công Đặng Ngọc Ngự với 7 lần bắn hạ máy bay Mỹ, phi công lái Mig-21 thuộc Trung đoàn 921, đoàn Sao Đỏ. Ngày 22/5/1967 bắn rơi chiếc F-4C, ngày 10/5/1972 bắn rơi chiếc F-4E, ngày 8/7/1972 bắn rơi chiếc F-4E. ??
Phi công Nguyễn Văn Bảy.

6-Phi công Nguyễn Văn Bảy 
Anh hùng phi công Đại tá Nguyễn Văn Bảy A (*) sinh năm 1936 tại xã Hòa Thành, Lai Vung. Năm 1953, do không chịu lấy vợ theo ý gia đình ông bỏ trốn vào bộ đội. Sau hiệp định Geneva 1954, ông tập kết ra miền Bắc.

Năm 1960, ông được chọn đi học lái máy bay tiêm kích MiG ở Liên Xô. Tháng 4/1965, ông về nước tham gia chiến đấu trong đội hình Trung đoàn tiêm kích 921 Sao Đỏ.

Trong suốt những năm chiến đấu (1966-1968), phi công Nguyễn Văn Bảy đã tham gia đánh 13 trận bắn rơi 7 máy bay Mỹ và chưa lần nào phải nhảy dù.

Đặc biệt có những trận đánh hiếm có mà có lẽ khi nghe tới nhiều phi công Mỹ cũng phải “thán phục”. Trận ngày 7/10/1965, khi chiến đấu trên bầu trời Yên Thế, máy bay của ông bị trúng đạn thủng kính buồng lái. Dù vậy, ông vẫn bình tĩnh bịt lỗ thủng to nhất và đưa máy bay hạ cánh an toàn. Sau trận đó, ông đếm tất cả có 82 lỗ thủng nắp buồng lái. Có thể nói, đây là kỳ tích hiếm có phi công nào trên thế giới làm được.

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, năm 1967, ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Có một điều lạ, cuộc đời ông dường như gắn chặt với con số “7”. “Tao toàn gặp số bảy: Tên Bảy, con thứ 7, đi bộ đội lúc 17 tuổi, học văn hóa 7 ngày lên 7 lớp, 7 lần bắn rơi 7 máy bay Mỹ bằng máy bay MiG-17, được phong Anh hùng năm 1967…”, ông kể.

Phi công Nguyễn Đức Soát.
7-Phi công Nguyễn Đức Soát 
Anh hùng phi công Trung tướng Nguyễn Đức Soát sinh năm 1946 tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. 

Năm 1965, ông nhập ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng trong năm này ông được cử đi học lái tiêm kích MiG-21 tại Liên Xô.

Năm 1968, ông về nước và được cử vào Trung đoàn Không quân 921 Sao Đỏ. Chỉ trong năm 1972, ông đã lần lượt bắn rơi 6 máy bay Mỹ. 

Một trong những trận đánh đáng nhớ của ông và đồng đội là trận ngày 27/6/1972. Trong trận đánh đó, hai biên đội MiG-21 Nguyễn Đức Soát – Ngô Duy Thư (trung đoàn 921) và Phạm Phú Thái – Bùi Thanh Liêm (trung đoàn 927) đã phối hợp tiêu diệt 4 chiếc F-4.

Đây là trận thắng oanh liệt khi chỉ trong ít phút bốn phi công của ta đã bắn rơi bốn máy bay phản lực hiện đại được những phi công sừng sỏ Không quân Mỹ điều khiển.

Với những chiến công xuất sắc trong chiến đấu, năm 1973, phi công Nguyễn Đức Soát được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi mới 27 tuổi.
Chiếc Mig-21 FM94 số hiệu 5020 do phi công Nguyễn Đức Soát điều khiển bắn rơi 5 máy bay
Mỹ tại Bảo tàng Phòng không-Không quân Việt Nam.

8-Phi công Nguyễn Ngọc ĐộAnh hùng phi công Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Độ sinh năm 1934 tại xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tháng 6/1953 ông nhập ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 10/1956 ông được cử đi học lái máy bay chiến đấu tại Trung Quốc. Năm 1964, ông về nước tham gia chiến đấu trong Trung đoàn 921.

Trong quá trình chiến đấu, ông trực tiếp cầm lái chiếc MiG-21 F13 số hiệu 4420 bắn rơi 6 máy bay chiến đấu Mỹ. 

(còn nữa)
Chiếc MiG-17 số hiệu 2047 do phi công Nguyễn Văn Bảy điều khiển đánh bom gây thiệt hại tàu khu trục USS-Oklahoma City của Mỹ năm 1972.
(*) Không quân Nhân dân Việt Nam còn có một phi công nữa tên là Nguyễn Văn Bảy (biệt danh Bảy B). Ông nổi tiếng với chiến công dùng MiG-17 không kích tàu khu trục Mỹ USS Higbee (DD-806) vào ngày 19/4/1972. 
Đây là chiến công đầu tiên của không quân Việt Nam đánh vào lực lượng Hải quân Mỹ. Rất tiếc, trong trận đánh vào ngày 6/5/1972, ông đã bị bắn rơi và anh dũng hi sinh. Năm 1994, phi công Nguyễn Văn Bảy B được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Theo Đất Việt

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Tháng 6-2016 - Tình cha nghèo dành cho con trong ngày Tết thiếu nhi 1/6


Kết quả hình ảnh cho 1-6-2016 quốc tế thiếu nhi

 

Rớt nước mắt về tình cha nghèo dành cho con trong ngày Tết thiếu nhi 1/6
 Huyền Trân
Những người cha dù nghèo khó, vất vả, lao khổ thế nào cũng luôn cố gắng hết sức để mong dành cho con mình những điều tốt đẹp nhất, và đó chính là món quà vô giá mà cha vẫn dành tặng cho con mỗi ngày.
Trong những ngày lễ dành cho con trẻ như ngày Tết Thiếu nhi 1/6 hay Tết Trung thu, nếu ai đó được nghe một câu chuyện hay thấy một người cha giàu có mua một bộ đồ chơi thật xịn hay một bộ cánh thât đắt tiền dành tặng cho con mình, có thể bạn sẽ trầm trồ ngưỡng mộ hoặc có thể bạn sẽ ao ước có được một món quà tương tự như thế.
Nhưng chắc chắn bạn sẽ cảm thấy cảm động vô cùng khi thấy hình ảnh một người đàn ông lam lũ đi xe cà tàng, quần áo lấm lem nhưng vẫn xách theo một con gấu bông mới trắng tinh được bọc túi sạch sẽ, gọn gàng về làm quà cho con.

tinh-cha
 Bức ảnh “mua gấu bông cho con” khiến cho cộng đồng mạng xúc động trong ngày Tết Thiếu nhi 1/6
Hình ảnh được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội và trên cả các báo, các trang tin cùng với những lời bày tỏ sự xúc động vì tình cảm cha con thiêng liêng trong người đàn ông này, cũng như sự thương yêu vô bờ bến mà tất cả những người làm cha khác trên thế gian này dành cho con mình.
Nhiều người còn không giấu nổi sự thổn thức, xúc động khi nhìn thấy bức ảnh xuất hiện trên mạng xã hội vào sáng ngày hôm nay, cũng là ngày Tết Thiếu nhi 1/6. “Thế mới thấy dù cha có nghèo khổ thế nào, vất vả thế nào cũng chỉ mong dành được cho con những điều tuyệt vời nhất. Cảm ơn người đàn ông ấy, cảm ơn bố của con và tất cả những người bố trên thế gian này”, Facebook Nguyễn Hương chia sẻ.
 Không ít người cũng chia sẻ rằng, nhìn bức ảnh lại khiến họ thấy thương người cha của mình hơn. Facebook Lam Chau viết: “Khi xưa ngày còn nhỏ, niềm vui của con là mỗi buổi chiều muộn thấy bóng cha thấp thoáng cùng với chiếc xe đạp về đến đầu ngõ, tiếng xích xe lạch cạch vọng đến ngày càng gần cùng với nụ cười của bố hiện ra. Ngày nào bố cũng trích ra một ít tiền công phụ hồ ở công trình trên thành phố cách nhà 30 cây số để mua cho con hai chiếc bánh rán bọc đường. Lần nào con cũng đưa bố một cái nhưng bao giờ bố cũng nhường hết cho con ăn. Bố ơi!”.
“Thế mới biết, dù những người cha có phải chịu đói cũng luôn mong cho các con có bữa no, dù vất vả thế nào cũng chỉ để cho các con có cuộc sống hạnh phúc. Cảm ơn cha vì đã sinh con ra trên đời này và để con có được như ngày hôm nay”, bạn Hạnh Nguyên chia sẻ nỗi lòng.
Trước hình ảnh trên, dù không phải trong ngày Tết Thiếu nhi nhưng cũng đã có không ít những hình ảnh đã thể hiện được tình cảm thiêng liêng vô bờ bến mà những người làm cha dành cho con mình.
Mới đây nhất, trong trận ngập lụt lịch sử diễn ra ngày 25/5 vừa qua, một nhiếp ảnh gia (biệt danh là Chan Hong Vuong) đã vô tình bắt được khoảnh khắc một người cha xắn quần móng lợn lội nước bì bõm, cõng trên lưng cô con gái bé bỏng đang đeo một chiếc cặp sách nặng trĩu.

Bức ảnh cha cõng con lội nước đến trường cho kịp giờ
 Bức ảnh cha cõng con lội nước đến trường cho kịp giờ
Bức ảnh cha cõng con lội nước đến trường cho kịp giờ trong trận lụt lịch sử ngày 25/5 ở Hà Nội
Dù ngập lụt, đi lại khó khăn vì cõng nặng nhưng người cha vẫn lội nước thật nhanh cho cô con gái đến trường đúng giờ, và tất nhiên là sẽ không để cho con phải chịu ướt để đi học. Không những thế, trên gương mặt của người cha lại là một nụ cười hết sức rạng rỡ và ngập tràn hạnh phúc.
Trước đó, cộng đồng mạng cũng từng truyền tay nhau một bức ảnh chụp lại khoảnh một người cha đang đạp xe chở một cái thúng lớn, trên lưng địu cô con gái nhỏ đang ngủ say sưa.
Bức ảnh đã khiến nhiều người cảm động khi người đàn ông vất vả miu sinh vẫn dành cho con những giây phút được say ngủ. Xúc động hơn nữa là người chụp bức ảnh này còn chia sẻ rằng, người cha vừa đạp xe lại vừa ngân nga ca hát, hết sức yêu đời.

Bức ảnh cha vừa đạp xe địu con trên lưng vừa ngân nga ca hát ở Hà Nội
Bức ảnh cha vừa đạp xe địu con trên lưng vừa ngân nga ca hát ở Hà Nội
Nhiều nguồn tin còn xác nhận, hai nhân vật trong bức ảnh vốn dĩ là hai bố con sống ở khu vực Gia Lâm, Hà Nội. Vì hoàn cảnh khó khăn nên từ bé, mỗi khi đi làm, người cha này lại địu con trên lưng và đạp xe đi làm.
Khi cô bé mới 2 tuổi, người cha đặt cô bé trong chiếc thúng buộc ở xe, lớn hơn thì được cha cõng trên lưng.
Cũng giữa nơi Hà thành phồn hoa, tình cảm cha con giản dị mà rất đỗi thiêng liêng đã hiện lên rất rõ nét qua một bức ảnh mà người ta từng đặt tên là “Nụ hôn của em bé khuyết tật và người cha nghèo”.
tinh-cha4-660x449
 Bức ảnh nụ hôn của em bé khuyết tật dành cho người cha nghèo
Theo lời chia sẻ của tác giả bức ảnh là anh Tuấn Anh đăng cùng bức ảnh: “Người cha lững thững dắt con đi với đôi dép tổ ong ngả màu vàng, trên tay cầm que kem vừa bóc. Còn em thì như đang bơi trong chiếc áo rộng tới 3-4 lần so với cơ thể bé nhỏ của mình, chiếc đầu thì loắt choắt tí xíu nổi bật… ăn xong 2 bố con lại lững thững dắt nhau đi tìm xe bus. Hỏi ra thì mới biết đó là kì nghỉ hè mà bố dành cho em!”.
Anh cũng nói rằng, trên gương mặt người cha lúc nào cũng ánh lên sự hạnh phúc, đôi mắt nhìn người con của mình hết sức âu yếm, trìu mến đầy yêu thương.
 Khoảnh khắc xúc động nhất được anh vô tình chụp lại, đó khi cậu con trai 12 tuổi khuyết tật ngồi trên ghế đá, được người cha cho ăn kem thì bất chợt em với đầu cha và hôn cha rất tình cảm.
“Dù cậu bé không được khỏe mạnh, thông minh như những em bé khác nhưng em vẫn hiểu được tấm lòng yêu thương mà cha dành cho em. Nụ hôn đã chứng minh rằng dù cha có nghèo thì con vẫn không bao giờ phụ cha, dù con không được như “con nhà người ta” nhưng cha thì không bao giờ bỏ rơi con cả. Trên đời này không gì tuyệt vời hơn tình cảm cha mẹ dành cho con cái”, một Facebooker chia sẻ.
Bạn Trần Lâm thì chỉ viết một đoạn thơ hết sức nổi tiếng để nói lên cảm xúc của mình về bức ảnh: “Đi hết thế gian không ai tốt bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”.
Nhân dịp Tết Thiếu nhi 1/6 cũng là nhân dịp những em nhỏ sẽ được cha mẹ dành tặng cho những món quà thú vị đầy bất ngờ. Nhưng đối với bất kỳ một người làm cha làm mẹ nào, họ vẫn hàng ngày đang đều dành tặng cho con những món quà vô giá mà không nơi nào khác ngoài gia đình có được, đó là một tình yêu thương vô điều kiện, vô bờ bến mà không điều gì có thể sánh bằng.