Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Những bài hát yêu thích do Bảo Yến hát

Huế xưa
Nhạc sĩ: Châu Kỳ

Lời bài hát:

Tôi có người em sông Hương, núi Ngự 
Của lũy tre Thôn Vỹ hiền từ 
Của kinh thành cổ xưa thật xưa 
Buổi trưa em che nón lá 
Cá Sông Hương liếc nhìn ngẩn ngơ 
Lũ chim quyên ngất ngây từ xa 

Tôi sống độc thân trong căn phố nghèo 
Bởi trót thương nên nhớ thật nhiều 
Bởi em là hạnh phúc tình yêu 
Ở bên ni qua bên nớ 
Cách con sông chuyến đò chẳng xa 
Nhỏ sang thăm có tôi đợi chờ 

Huế ơi có biết bây chừ 
Tiếng ca nào vương bên mạn thuyền 
Có ai chờ ai qua Tràng Tiền 
Không biết bây chừ nữ sinh mang nón bài thơ 
Để trai xứ Huế mộng mơ 
Huế ơi ta nhớ muôn đời 
Bóng trăng hồ sen trong Hoàng Thành 
Tiếng chuông từng đêm Thiên Mụ buồn 
Ta nhớ muôn đời người con gái Huế quá xinh 
Tóc mây ngang lưng trữ tình 

Non nước Thần Kinh quê hương đất lạnh 
Là trái tim sông núi của mình 
Cả linh hồn của dân hùng anh 
Bởi đâu gây nên nông nỗi 
Cánh chim bay giữa trời lẻ loi 
Nhỏ tôi yêu khóc bao giờ nguôi 

Tôi đã lạc em trong cơn biển động 
Để tháng năm hai đứa lạnh lùng 
Để đêm ngày kẻ nhớ người mong 
Khổ đau cao như mây tím 
Cố năm xưa đã buồn buồn thêm 
Nhỏ yêu ơi biết đâu mà tìm




Tình cây và đất
Nhạc sĩ: Tô Thanh Tùng


Lời bài hát: 
Đất vắng cây đất ngừng ngừng hơi thở 
Cây thiếu đất cây sống sống với ai...! 
Chuyện trăm năm ân tình cây và đất 
Cây bám rễ sâu, đất ôm chặt tận đáy lòng...! 

Những con đường trải dài bóng mát 
Những mảnh vườn trái ngọt cây xanh 
Ôi đẹp làm sao tình cây và đất 
Đem đến môi sinh sự sống cho đời 

Trời xe duyên nên khiến anh gặp em 
Cho lứa đôi kết thành mộng ước của ngày xanh 
Rồi mai đây anh là đất em là cây 
Vinh phúc cho ai biết rằng từ đó mùa xuân vĩnh hằng.
 



Ở hai đầu nỗi nhớ
Nhạc sĩ: Phan Huỳnh Điểu
Thơ: Trần Hoài Thu



Lời bài hát: 

Có một không gian nào đo 
Chiều dài nỗi nhớ 
Có khoảng mênh mông nào 
Sâu thẳm hơn tình thương 
Ở đầu này nỗi nhớ anh mơ về bên em 
Ngôi sao như xuống thấp cho ta gần nhau thêm 

(Đêm nghe tiếng mưa rơi 
Đếm mấy triệu hạt rồi mà chưa vơi nỗi nhớ 
Ở hai đầu nỗi nhớ 
Yêu và thương sâu hơn 
Ở hai đầu nỗi nhớ 
Nghĩa tình đằm thắm hơn) 2 lần 

Có một không gian nào đo chiều dài nỗi nhớ 
Có khoảng mênh mông nào sâu thẳm hơn tình thương 
Ở đầu này nỗi nhớ anh mơ về bên em 
Ngôi sao như xuống thấp cho ta gần nhau thêm 

Đêm nghe tiếng mưa rơi 
Đếm mấy triệu hạt rồi mà chưa vơi nỗi nhớ 
(Ở hai đầu nỗi nhớ 
Yêu và thương sâu hơn 
Ở hai đầu nỗi nhớ 

Nghĩa tình đằm thắm hơn) 2 lần
...
Nghĩa tình đằm ... thắm hơn ...



Những bài hát khác Bảo Yến hát

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Bài hát đầu tiên được học từ ngày đi vỡ lòng


Nhạc và lời: Hoàng Long, Hoàng Lân.

Lời bài hát: đi học vế là đi học về em vào nhà em chào cha mẹ cha em khen rằng em rất ngoan mẹ âu yếm hôn đôi má em.

P/s:  Năm 1965 được thầy Thịnh người thầy đầu tiên ở lớp vỡ lòng dạy cho, thuộc ngay và hát hăm hở. Nhớ đến tận bây giờ!

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

LỤC NHÂN

Để thành công, cần có 3 yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hoà, trong đó yếu tố “Nhân hoà” là quan trọng nhất. Nhưng nhân hoà là những nhân nào, hoà với ai, hoà như thế nào mới là quan trọng. Các nhà tâm lý học đã chỉ ra “thuyết lục nhân”, nghĩa là để thành công, từ việc nhỏ đến việc lớn đều cần có sáu loại người (nhân) sau.

Thuyết “Lục nhân” để thành công

1-Một là phải có quý nhân phù trợ. Quý nhân là người nâng đỡ, tạo điều kiện cho bạn, giới thiệu bạn với ai đó. Họ là những bề trên của bạn, đối xử tốt với bạn. Tất nhiên, bạn phải là người tốt mới có quý nhân phù trợ. Xin đừng hiểu quý nhân phù trợ là trời, là phật hay một thế lực siêu nhiên nào đó. Đó có thể là sếp của bạn, người thầy của bạn, người giữ cương vị cao hơn bạn trong cơ quan…

2-Hai là cần có cổ nhân để chỉ dẫn. Cổ nhân là những người tuy không giúp bạn về tiền bạc hay nâng đỡ bạn như quý nhân, nhưng cho bạn những hài học quý giá, chỉ dẫn cho bạn đường đi nước bước. Họ không hẳn phải là người già. Đó có thể là thầy giáo của bạn, nhà tư vấn, người tiền nhiệm hay đơn giản chỉ là người bạn đã đi trước bạn một bước.

3-Dù có quý nhân phù trợ, có cổ nhân chỉ bảo, nhưng cái nhân thứ ba mới quan trọng. Đó chính là “bản nhân”, tức chính bản thân bạn. Sự nỗ lực của chính bạn mới quyết định bạn có thành công hay không. Chính vì có bản nhân vững vàng, bạn mới nhận ra ai là quý nhân, ai là hiền nhân để cậy nhờ, hỏi han, xin chỉ giáo. Có người bản nhân yếu, nên gặp quý nhân mà không biết, ngồi cạnh cổ nhân chẳng khai thác được gì, ngoài chuyện tào lao.

4-Không ai có thể làm việc gì thành công mà không có hiền nhân. Hiền nhân là những người cùng chí hướng, sống chết cùng với bạn. Bạn hô có hiền nhân ủng hộ. Bạn làm, có hiền nhân làm cùng. Làm cùng nhau nhưng mỗi người theo đuổi một mục đích riêng, giữ miếng, thủ thế với nhau thì không phải hiền nhân.

5-Đừng quên rằng ở đời không bao giờ hết “tiểu nhân”. Đó là những kẻ ghen ăn tức ở, ghanh ghét bạn, chọc phá bạn. Đừng ngạc nhiên hay tức giận, bởi tiểu nhân rất có lợi cho bạn. Nhờ tiểu nhân “chọc ngoáy” mà ý kiến của bạn, dự định của bạn được phản biện, bạn lại cẩn trọng hơn trong suy nghĩ, làm ăn. Thế là chính tiểu nhân đã giúp bạn hoàn thiện bản thân, tránh được tư tưởng chủ quan, lạc quan thái quá.

6-Thứ nhân cuối cùng trong lục nhân chính là “tình nhân”. Đừng vội nghĩ về nghĩa xấu của hai tiếng tình nhân. Đó chỉ là người có tình với bạn, nặng lòng về bạn. Với tình nhân, bạn có thể dốc bầu tâm sự, dựa đầu vào vai họ để khóc mà không sợ người ta chê bạn yếu đuối, bạn hứng khởi la hét, không bị người đó nói bạn có vấn đề. Tình nhân là dòng nước mát bạn tắm khi nóng, là lò sưởi khi bạn lạnh, là miếng ngon khi bạn đói. Ai là tình nhân của bạn, bạn phải tự xác định.

Có lục nhân bạn sẽ thành công nhanh chóng. Nhờ có lục nhân, nó có thể làm đảo ngược tình thế, ngay cả khi chưa có được thiên thời, địa lợi. Nào, hãy kiểm điểm xem bạn có mấy nhân rồi? nếu còn thiếu, phải tự mình tạo dựng.
Đinh Đoàn

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

HƯƠNG ỔI 2

Mùa Ổi
Tác giả: Nguyễn Ngọc Giang
Đàn chào mào bụng trắng
Lảnh lót trên cây cao
Trời dần quên màu nắng
Đến mùa ổi rồi sao ?

Hoa nở đầy kẽ lá
Khi chúa xuân vừa sang
Ấp ủ đến mùa hạ
Trái trĩu cành mênh mang

Ổi bát như trái bưởi
Ổi mỡ ruột trắng ngà
Ổi đào nom căng mọng
Bóng vàng màu mỡ gà

Ổi thơm mùi bình dị
Hương ổi hương hồn quê
Không mùi hương đô thị
Giống như táo như lê 

Con ong cùng cái kiến
Bảo nhau đến hít hà
Mùi thơm lừng ổi chín
Say sưa quên lối ra

Tiếng nói cười ồn ã
Lẫn tiếng hót chung vui
Của đàn chim hoang dã
Mừng mùa mới đến rồi

Bà đội nón đi chợ
Chùm quả chín quả ương
Gió se phả vào tóc
Mùi hương ổi vương vương

Đàn chào mào quên hót
Rơi rụng lá úa vàng
Cành khô, tươi lẫn lộn
Mùa hạ đã phai tàn

Nguyện mình như trái ổi
Dâng ngon ngọt cho người
Dâng cả mùi hương thắm
Để đời mãi vui tươi

(Sài Gòn ngày 26/05/2014)



Sang Thu

Tác giả: Hữu Thỉnh
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Gió chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.




Bài thơ mùa ổi
Tác giả: Nguyễn Lãm Thắng
Tháng ba mùa ổi chín 
Thơm nức vườn nhà em 
Chào mào về thăm viếng 
Ổi vàng hoe tiếng chim 

Ngọn gió nồm mát rượi 
Đưa hương ổi bay xa 
Em mời anh mời chị 
Cuối tuần ghé thăm nhà 

Ổi năm nay to lắm 
Ngọt lịm tận đầu môi 
Những trái vàng rám nắng 
Nhìn là thích lắm rồi 

Anh chị về, về nhé! 
Ông bà đợi đã lâu 
Nhớ không được về trễ 
Ổi rụng chẳng còn đâu! 

 mùa ổi chín



Nhớ mùa ổi
Tác giả: Văn Lượng Mai Hồng
Quên đi cái tuổi sáu mươi
Để tôi về sống lại thời ngày xưa
Cái thời đánh đáo chơi ô
Con trai con gái nô đùa dưới trăng
Đêm nao dưới lũy tre làng
Tò mò trộm trái “địa đàng”*…ổi xanh
Thẹn thùng em nắm tay anh
Đừng, đừng thế. Hãy để dành nghe anh.

Thế rồi đất nước chiến tranh
Tôi đi theo bước quân hành nơi xa
Ở nhà ổi vẫn sai hoa
Chờ anh về hái vườn nhà quả thơm

Mười năm tăm cá,bóng chim
Biết người còn nhớ về tìm cố nhân
Ổi mùa chín mọng vàng sân
Mẹ buồn thúc giục mấy lần bán đi
Kẻo mai quá lứa lỡ thì
Của hàng hoa, đợi chờ gì nữa con?
Lênh đênh một chiếc thuyền nan
Em ôm theo mối sầu riêng qua đò
Thương ai đã chót hẹn hò
Biết người xưa ấy bây giờ nơi đâu?...
Chiều nay tháng bảy mưa ngâu
Tôi tìm lối cũ vườn sau địa đàng
Trên cây ổi đã chín vàng
Một con chim nhỏ lạc đàn ngẩn ngơ
Bồi hồi nhớ tuổi ấu thơ
Chăn trâu, đuổi bướm bây giờ còn đâu
Thời gian nhuộm bạc mái đầu
Vẫn thơm hương ổi,nhớ câu hẹn hò
Ước gì trở lại tuổi thơ
Một lần thôi...ngắm “trái tơ” Địa đàng.
 15 -5- 2007



Mùa ổi chín
Tác giả: Hoàng Anh Tuấn
Heo may hương ổi tràn đê
Chào mào rủ bạn bay về vườn xưa
Mật vàng là nắng ban trưa
Lặn vào quả ổi đu đưa giữa trời
Chim say vị ổi ngọt rồi
Từng giọt tiếng hót đánh rơi bên thềm
Ráng chiều chưa ngả sang đêm
Ngàn "chùm trăng ổi" tỏ lên trong vườn
Mẹ tôi áo bạc, tóc sương
Gánh mùa ổi chín ven đường lá bay...
Sớm nay trời trở heo may
Mà hương ổi chẳng dâng đầy vườn quê
Tuổi thơ lạc bước trên đê
Gió lạc hương ổi thổi se sắt lòng...




Qua vườn ổi
Tác giả: Hoàng Mạnh Cầm
Em mười hai tuổi tìm theo Chị 
Qua cầu bà Sấm, bến cô Mưa 
Đi... 
   ngày tháng lụi 
       tìm không thấy 
Giải yếm lòng trai mải phất cờ 
Cách nhau ba bước vào vườn ổi 
Chị xoạc cành ngang 
Em gốc cây 
- Xin chị một quả chín! 
- Quả chín.. 
     quá tầm tay 
- Xin chị một quả ương 
- Quả ương 
     chim khoét thủng 
Lẽo đẽo Em đi vườn mai sau 
Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng.



Hương ổi
Tác giả: Ngọc Diệp
Thu về, những làn gió làng quê mang theo hương ổi chín làm cho lòng nó thấy nôn nao. Đã bao lâu rồi nó không còn được ngửi cái mùi thân thuộc mà xa lạ ấy?

Từ tấm bé nó đã lẫm chẫm bước đi những bước đầu đời, rồi là chạy nhảy lăn lội trong vườn cây của ông bà nội dưới tán cây xanh rì. Nhà nghèo, bố mẹ lại không chăm sóc được nó nên chị em nó vẫn ở với ông bà còn nhiều hơn ở với bố mẹ.

Mỗi gốc cây trong vườn nó đều thuộc lòng nhưng nó vẫn thích nhất là gốc ổi. Nó thích cây ổi vì thân cây không xù xì thô ráp như thân cây nhãn, cũng không có những cành dễ gẫy như cây xoài. Thân cây ổi nhẵn nhịu, cành cây tuy bé nhưng chắc lắm nhé. Đã vậy những quả ổi chín lại thơm ơi là thơm, nó thích cái cảm giác vừa cắn một ngụm nhỏ thôi đã tràn ngập hương ổi trong miệng. Thịt ổi mềm mềm, ngọt ngọt, ruột ổi càng thơm hơn, như thể cả hương vị trời thu đọng trong ấy. Ông bảo ổi thóc chín là ngon nhất, nó nhìn những những bông hoa ổi nở ra, chậm rãi kết quả, rồi cũng đợi được những quả ổi chín vàng ươm, lúc ấy nó đã nghĩ đó là niềm hạnh phúc nhất.
Thời thơ ấu của nó chẳng rời khỏi cây ổi.
Là trưa hè nóng nực, chị em nó làm nhà trên cây ổi. Gọi là nhà cho oai chứ mới bảy, tám tuổi thì biết làm cái gì đâu. Mấy tấm gỗ lén lút lấy từ trong đống gỗ sau nhà của bà ghép lại thành sàn nhà. Vài ba chiếc bao đã rách miếng to rạch ra rồi căng làm tường nhà, nóc nhà. Chỉ vài động tác đơn giản thế là có cái nhà nho nhỏ trên crạc cây cách mặt không cao. Những cơn mưa bất chợt đến, chị em nó chẳng muốn vào nhà mà chen chúc trong ngôi nhà trên cây nước dột khắp nơi ấy cùng cười khờ dại.
Là những ngày chúng nó chơi đồ hàng, vặt lá ổi làm “tiền”, hoa ổi là “thức ăn”. Cứ thế mà nghịch nhưng vui lắm. Để bà nội biết lại bị bà mắng “vặt trụi hoa ổi chúng bay lấy đâu ra ổi mà ăn?”.
Là những buổi chiều tan học cùng kéo nhau về vườn cây rồi tập kích cây ổi sai quả trĩu trịt, trẻ nhà quê chẳng có nhiều lắm quà ăn vặt, những quả ổi chín đã quý lắm rồi. Nó thích ổi, nhưng nó cũng nhớ lời dặn dò của cô giáo đã dặn “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Kiểu gì nó và em trai cũng giành những quả ổi to nhất, chín nhất phần ông bà.
Là những lúc ấm ức, bị bắt nạt nó thường trốn trên cành ổi cao nhất mà nó leo lên được ngồi trên đó mà khóc khiến bà tìm mãi đến tận cơm chiều mới chịu tụt xuống.
Ông nội sau đó mất, lúc ấy nó chỉ biết ông ngủ thật lâu không dậy nữa, những mùa ổi chín cây ổi vẫn sai quả nhưng chẳng còn người hái từng quả chín cho nó nữa. Lớn hơn nó đi học xa, rồi em trai cũng có những trò chơi hấp dẫn hơn, ổi chín để đó cho chim chào mào đến ăn.
Hương ổi của tuổi thơ vẫn phảng phất…



 Kết quả hình ảnh cho ổi





Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Người đầu bếp và những chuyện thú vị về bữa ăn của Bác Hồ

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương  (Ca dao)

Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ măng rau đã sẵn sàng...(Tố Hữu)
                                               
Ở tuổi ngoài 80, cao lớn, khỏe mạnh nhưng bị nặng tai. Trí nhớ còn khá minh mẫn, ông bồi hồi nhớ lại từng chi tiết thời gian được nấu ăn phục vụ Bác Hồ và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong Phủ Chủ tịch. Tên ông là Đặng Văn Lơ.
Phục vụ việc nấu ăn cho Bác từ năm 1960 đến ngày Bác qua đời (1969) có ông Đinh Văn Cẩn và ông, trong đó ông Cẩn được phân công làm bếp chính của Bác, ông là bếp chính của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhưng vì Bác Hồ và bác Phạm Văn Đồng ở cùng một nơi, ăn cùng một chỗ, ngồi cùng một mâm, nên hai ông thay phiên nhau phục vụ cả hai người.
Ông Lơ kể, nhà ông rất nghèo, chỉ học đến lớp 3 rồi vào bộ đội, trung đoàn 15, đại đội 421 đóng quân ở chợ Chu. Từ năm 1949, có nhiều cố vấn Trung Quốc sang giúp Việt Nam, vì vậy một số bộ đội được chọn đi học nấu món ăn Trung Quốc. Tổng cộng có 150 người, nhưng ông là một trong những học viên xuất sắc nhất, thường xuyên được nấu tiêu chuẩn đặc táo (tức là trên cả trung táo và tiểu táo).
 dau-bep-bac-ho
Ông Đặng Văn Lơ
Lý do ông được nhận vinh dự cao quý này là trong thời gian từ năm 1953-1954, Bác Hồ thường sang Đồi cố vấn làm việc với các chuyên gia. Ông Cẩn mượn bếp của ông để nấu cơm cho Bác. Thấy ông là người chăm chỉ, thật thà lại khỏe mạnh, nấu ăn ngon nên ông Cẩn chú ý. Kháng chiến thành công, Trung ương về Hà Nội, ông Cẩn đã giới thiệu ông và được chấp nhận.
Ông kể: “Ông Cẩn được Pháp đào tạo, nấu giỏi cả cơm Tây lẫn cơm Việt, tôi coi là bậc thầy. Anh em thường xuyên trao đổi nên sau này các món ăn Tây, Tàu, Việt cả hai đều thạo cả. Hai chúng tôi thay nhau phục vụ, khi tôi làm thì ông Cẩn nghỉ và ngược lại. Hàng ngày, người phục vụ đứng bên này ao, trông sang nhà sàn của Bác, nếu nghe tiếng chuông leng keng sẽ xuống bếp báo chúng tôi chuẩn bị.
Buổi sáng Bác ăn lúc 6h, trưa ăn lúc 10 rưỡi, còn chiều ăn vào lúc 17h30. Bác Đồng làm việc bên ngoài nếu về kịp thì ăn cùng, còn bận đi tiếp khách thì Bác ăn một mình. Các món ăn thay đổi luôn cho ngon miệng, nhưng thường thì bữa sáng Bác dùng cà phê đen, với bánh ngọt giống như bánh patêsô bây giờ. Có hôm Bác đổi sang xúc xích chấm mù tạt hoặc bánh mì trứng ốp la.
10h Bác uống một ly nước sâm, 10h30 thì ăn trưa. Đến 2h chiều Bác uống một cốc cà phê sữa, 4h lại uống 1 ly nước sâm, rồi 5h30 chiều thì ăn cơm. 8h tối Bác uống thêm một cốc cà phê sữa nữa, chỉ thế thôi.

dau-bep-bac-ho-1
Căn bếp nơi phục nấu ăn cho Bác Hồ và cố Thủ tướng 
Phạm Văn Đồng trong Phủ Chủ tịch
Bữa cơm của Bác giản dị lắm, món ăn chính chỉ có 3 món: canh, rau, thịt (hoặc cá), ăn xong tráng miệng bằng một quả táo nướng. Đây là loại táo Trung Quốc, đem bổ đôi, bỏ ruột, nướng xém, phết một ít đường và bơ, Bác cầm chiếc thìa nhỏ xúc ăn.”
Bác ăn rất đúng giờ, luôn dặn người phục vụ chỉ làm vừa đủ, không được làm thừa, lãng phí. Khi ăn, món nào không ăn hết, Bác trở đầu đũa để riêng, bảo cất đi, đến chiều làm nóng lại cho Bác ăn tiếp.
Ông Lơ kể tiếp: “Chúng tôi muốn Bác ăn được nhiều, nên múc một bát súp lớn, nhưng Bác sẻ lại một nửa. Sau chúng tôi rút xuống 1/3 bát thì Bác ăn hết. Biết thói quen của Bác nên mâm cơm bao giờ chúng tôi cũng bày thêm một miếng cháy nhỏ. Hai anh em thường xuyên trao đổi với nhau, để kịp thời điều chỉnh. Tiêu chuẩn là phải vệ sinh, tinh khiết, chất lượng.”
Thực phẩm hàng ngày được ô tô đưa đến tận nơi, đựng trong một chiếc hòm bằng gỗ, đề số 401. Bên trong có 2 hộp nhôm để riêng hàng chín và hàng tươi sống kèm theo hóa đơn, cuối tháng thì thanh toán một lần.
Cơ bản thì hai bác ăn như nhau, nhưng buổi sáng bác Phạm Văn Đồng thích ăn các món vặt mỗi thứ một tí: 2 quả chà là, cốc nước chè tươi, một ca nhỏ cháo vừng đen. Hôm thì ăn miếng phomat kèm vài miếng đu đủ. Bữa chính thì bác Đồng thường ăn thêm khoai lang, 2 miếng đậu rán non và mấy nhánh tỏi.
Ông Lơ bật mí về công tác an ninh, an toàn thực phẩm phục vụ hai bác. Người phục vụ thường xuyên được kiểm tra sức khỏe, nhắc nhở cắt móng tay, quần áo phải luôn sạch sẽ. Hàng ngày cứ trước giờ ăn 1 tiếng, an ninh đến lấy mẫu thức ăn mang về xét nghiệm. Nếu không vấn đề gì thì thôi, nếu có họ sẽ gọi điện sang. Ông Lơ tự hào nói: “Nhưng trong từng ấy năm, chưa bao giờ chúng tôi bị gọi “gọi điện” cả.”

dau-bep-cu-bac-ho
Để giữ bí mật, trên bảng chấm cơm ở nhà bếp Bác Hồ lấy tên là Cụ Hiền, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lấy tên là ông Lành.
Những hôm Bác có khách là chuyên gia nước ngoài, hay anh hùng, chiến sĩ thi đua thì hai ông khá bận rộn vì chỉ có hai người tự tay nấu tất cả các món ăn. Ông Lơ làm thêm bánh bao, tráng bánh cuốn, ông Cẩn làm bánh mỳ. Khi nào Bác họp với Bộ Chính trị, các ông cũng phục vụ luôn, lúc thì bánh cuốn, bánh giò, lúc thì cháo cá quả, mì vằn thắn, phở… Ngay cả khi có khách, Bác đều dặn kỹ chúng tôi có bao nhiêu người, chỉ làm vừa đủ, không được làm thừa, lãng phí.
Ông Lơ tự hào kể, phục vụ Bác 9 năm trời, có 2 lần ông được Bác hỏi chuyện riêng. “Một lần tôi đi chăn bò về thì gặp Bác. Bác ra hiệu cho tôi dừng lại hỏi, chú đông con lắm phải không? Tôi thưa vâng. Bác hỏi thăm hoàn cảnh gia đình thế nào, tôi không dám thưa kỹ, nhưng Bác biết. Vài hôm sau thấy ông Vũ Kỳ mang chăn, áo len xuống bảo Bác cho tôi để gửi về nhà.
Lần khác tôi ngồi ở bờ ao, bấy giờ chưa kè đẹp như bây giờ đâu, đánh xoong nồi bằng trấu và cát. Bác đi bộ qua thấy, dừng lại hỏi chú đánh nồi bằng cái gì thế? Tôi thật thà thưa. Bác bảo, đánh bằng trấu và cát thì xoong nhanh mòn, lại không bóng, chú chịu khó đánh bằng tro bếp, nó lâu một tí nhưng nồi không bị mòn mà lại bóng. Ấy là Bác dạy tôi đức tính tiết kiệm.”

ong-dang-van-lo
Ông Đặng Văn Lơ đã "biểu diễn" lại những món ăn từng phục vụ Bác Hồ. Bên cạnh là thiếu tướng Phạm Sơn Dương, con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
 Những khi Bác đi công tác, hai ông xếp sẵn thức ăn vào cặp lồng. Đến trưa thì trải một tấm ni lông ra bày thức ăn lên. Bác không cho địa phương làm cơm, vì Bác bảo tiếp một mình Bác mà bày cỗ bàn linh đình sẽ tốn kém của dân của nước!
Món ăn Bác thích là thịt mỡ kho, nhưng vì tuổi Bác đã cao, nên các bác sĩ không đồng ý. Hai ông chỉ dám lọc thịt mỡ ra, cho vào miếng vải màn, ép thành nước, tẩm ướp với thịt nạc rồi đem kho, nhưng mỗi bữa cũng chỉ 2 miếng nhỏ thôi. Mỗi khi ăn xong, Bác đều xếp lại bát đũa gọn gàng, phục vụ chỉ việc bê đi.
Vui nhất là bữa cơm tất niên, mỗi năm hai bác ăn với anh em phục vụ vào ngày 28 hoặc 29 Tết. Bác ân cần bảo, anh em vất vả quanh năm, bữa cơm này phải ăn thật khỏe, thật nhiều, ăn cho hết nhé.
Chúng tôi hỏi, được phục vụ gần Bác lâu như vậy, điều gì ông rút ra cho mình từ tấm gương của Bác? Ông Lơ nói ngay: Thường xuyên vận động. Bác Hồ đi bộ rất đều, ăn uống điều độ, đúng giờ. Bác luôn quan tâm đến mọi người, sống giản dị, tình cảm chân thật. “Những hôm trời mưa, chúng tôi định mang cơm lên nhà sàn, Bác trông thấy bắt bê về, rồi Bác tự xắn quần đi xuống nhà ăn.” Ông Lơ xúc động nhớ lại.
Sau ngày Bác mất một thời gian, ông Đinh Văn Cẩn cũng qua đời. Ông Lơ tiếp tục phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến năm 1988 thì hết tuổi, tổng cộng ông nấu ăn trong Phủ Chủ tịch 28 năm 6 tháng. Ông được ưu tiên sang Trung Quốc làm đầu bếp tại Đại sứ quán Việt Nam 3 năm nữa thì về hưu. Hiện ông đang sống tại Hà Nội.
Cách đây không lâu, ông đã “biểu diễn” lại một số món ăn mình từng phục vụ Bác Hồ cho một nhóm cán bộ chiến sĩ, trong đó có thiếu tướng Phạm Sơn Dương là con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Cách làm một số món ăn phục vụ Bác Hồ của ông Đặng Văn Lơ
Gà rán Quảng Đông: Gà nhỏ 7-8 lạng, pha nước 3 sôi 2 lạnh, rửa sạch gà, thả vào nồi rồi mới vặt lông. Để ráo, ướp xì dầu trong ngoài đầy đủ. Trước khi ăn, cho vào chảo mỡ ngập, rán vàng hết hai mặt, khi chặt ra trong xương gà còn hơi hồng hồng.
Gà luộc Quảng Đông: Gà nhỏ 7-8 lạng, rửa gà, cho vào nước 3 sôi 2 lạnh. Vặt lông, để ráo, rắc muối gia vị lên con gà sau đó luộc đến độ sôi khoảng 80 độ thì bắc ra, để nguyên trong nồi 15 phút. Sau đó cho con gà đã luộc vào nồi nước thật lạnh, để 15 phút nữa. Khi chặt thịt bên trong vẫn còn nước hơi hồng hồng, như thế khi ăn thịt sẽ mềm và da gà vẫn giòn. Thái vát, bỏ xương, lấy nước dùng, pha thêm ít mì chính là ăn.
Cá bống kho tộ: bống sông rửa sạch, lấy khăn thấm khô, ướp gia vị, rồi tưới nước màu (nước hàng) lên. Sau đó cho vào nồi đất, có nước dùng gà xâm xấp, đun sôi đến chín, rồi để nhỏ lửa, khoảng 60 độ, chờ cá săn lại là được.

TRUYỆN MI-NI của Thái Bá Tân

NHỮNG TRUYỆN NGẮN CHỈ LỚN BẰNG LÒNG BÀN TAY
LỜI MÀO ĐẦU CỦA TÁC GIẢ
Tôi mượn đầu đề này của nhà văn Nhật nổi tiếng Yasunari Kawabata. Ông cũng có một chùm truyện ngắn với tên gọi như vậy. Cách đây ba chục năm chính tôi dịch và in báo một số truyện trong chùm ấy, nay thất lạc chẳng nhớ gì. Chỉ mang máng nhớ một truyện nói về người đàn bà nọ mang thai những mấy năm mới đẻ. Thì ra bà ta gắng chịu đến khi chiến tranh kết thúc mới dám cho con ra đời để tránh họa binh đao. Truyện khác về một người đàn ông từ xa về đến nhà thì vợ đã chết, người xám ngoét, nhăn nhúm. Suốt nhiều giờ liền ông ta dùng đôi tay khỏe mạnh của mình xoa bóp cơ thể vợ cho đến khi da thịt căng ra, đỏ hồng. Và bà đã mỉm cười với ông. Cả hai truyện đều rất ngắn, đúng chỉ bằng lòng bàn tay như tên gọi, nhưng ấn tượng để lại thật sâu sắc, trong khi suốt đời mình có lẽ tôi đã đọc đến cả núi sách, phần lớn thường dài mà đọng lại trong trí nhớ chẳng được bao nhiêu.
Vả lại thời gian gần đây do tuổi tác, tôi đọc nhiều các tác phẩm triết lý của người xưa. Các bậc thánh hiền như Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử hoặc Trang Tử đều rất kiệm lời. Nhiều khi cả triết lý vĩ đại chỉ nằm trong mấy chữ. “Tri giả bất ngôn, Ngôn giả bất tri” (Nói là không biết. Biết thì không nói)  của Lão Tử là một thí dụ. Thơ Đường luật và thơ ngũ ngôn xưa cũng vậy. Cách nói của người xưa là không nói, mà chỉ gợi ý để người đọc tự suy ngẫm, tự tìm ra ý và cái triết lý sâu xa tác giả muốn nói.
Có người ví văn chương vốn dĩ như con đường bằng phẳng đã trải nhựa, đáng lẽ theo đó mà đi thì nhân danh cái mới, chúng ta cứ thi nhau phá phách đâm ngược rẽ xuôi, đào chỗ này, đắp chỗ kia, đến mức làm méo mó cả văn chương. Tất nhiên không ai phủ nhận những tìm tòi, sáng tạo chân chính để khỏi phải dẫm chân tại chỗ. Nhưng những gì đã định hình và được mọi người chấp nhận là chuẩn mực thì nên chăng cứ thế mà chấp nhận. Cái mới nằm ở nội dung, không nhất thiết ở hình thức và cách diễn đạt nội dung đó. Suy cho cùng, như Khổng Tử nói, văn dĩ tải đạo. Mà đạo thì giản dị, rạch ròi và luôn đi thẳng. Tôi nghĩ bộ com-lê chững chạc và chiếc cà vạt khiêm tốn cả thế giới đang mặc còn tồn tại lâu, và sẽ ngớ ngẩn nếu ai đó tìm cách làm một cuộc cách mang lớn nhằm thay đổi chúng.
Nhiều truyện ngắn của ta hiện nay, trong đó có truyện của tôi, công bằng mà nói, có thể rút ngắn từ một vài chục trang xuống vài ba trang hoặc thậm chí ít hơn mà vẫn truyền tải hết ý. Chưa chừng hiệu quả còn lớn hơn. Đấy là chưa nói việc bây giờ thời đại tin học với nếp sống công nghiệp bận rộn, hơi đâu người ta chịu nghe mình rông dài này nọ. Cá nhân tôi cũng luôn thích đọc những truyện ngắn và không muốn tác giả hiểu hộ cho mình.
Đó là lý do khiến tôi thử viết chùm truyện này. Những truyện chỉ lớn bằng lòng bàn tay. Còn việc chúng có được như tôi mong muốn hay không thì lại là chuyện khác.

1. NHỮNG NỐT NHẠC ĐEN TRẮNG
Căn phòng nằm trên tầng cao nhất một chung cư mới xây ở Vũng Tàu, nên dẫu xa bờ vẫn có thể nhìn thấy biển, nhưng lúc này biển chẳng có gì để nhìn vì trời đang mưa.
Trong phòng có ba người. Nửa nằm nửa ngồi trên chiếc đi-văng là một ông già gầy khô, tóc trắng, hai bàn tay nhăn nheo đặt lên đầu gối, với những chiếc ngón dài như ngón tay Chúa trong tranh của El Greco. Ông ngồi như thế đã lâu, hoàn toàn bất động. Đôi mắt cũng bất động nhưng không nhắm. Có vẻ ông đang ngủ thiếp. Nhiều người già vẫn hay ngủ thiếp cách ấy.
Hai người kia là anh con chưa đến bốn mươi, béo mập và mút hai đầu như chiếc bánh mỳ căng phồng, tóc húi cua lởm chởm, và đứa con gái mười tuổi dài ngoẵng như nhiều đứa khác ở cái tuổi ấy. Nó đang học đàn với bố. Những ngón tay nhỏ và ngắn lóng ngóng lướt trên phím đàn pianô. Thỉnh thoáng gặp chỗ khó, nó ngừng đàn ngước nhìn bố vẻ xin lỗi. Anh kia nói điều gì đấy rồi ngồi yên chờ con chơi tiếp. Khác với vẻ ngoài đồ sộ, thậm chí hơi dữ dằn, anh ta có giọng nói nhỏ nhẹ. Cả cách nói cũng nhỏ nhẹ.
Cách đây nửa tháng, đang đêm, ông bố gọi điện từ Hà Nội vào:
- Lúc nãy con thổi bài Hành Khúc của Verdi à?
Anh con giật mình:
- Vâng, làm sao bố biết ạ?
Ông bố không đáp, mãi lúc sau mới nói:
- Nó làm bố nhức đau nhói trong ngực.
Đó là bản Hành khúc Thắng lợi Ai Cập trong vở ôpera Aida nổi tiếng của Verdi. Anh vốn là nhạc công của Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội, chơi kèn trompet. Cũng ở dàn nhạc này, trước bố anh chơi đàn viôlông bè một, sau mắc chứng suy tim nên thôi.
Nghe bố nói thế anh thấy lo. Ông là người rất nhạy cảm, anh biết, nhưng ở cách hàng ngàn cây số mà nghe được con thổi kèn, lại còn đau trong ngực thì quả có cái gì đấy không ổn. Mấy ngày sau, thấy bố lại gọi điện kêu đau đầu khi anh thổi một bài nhạc buồn chuyển thể của Sô-panh, anh lập tức bay ra Hà Nội đưa ông vào ở cùng, dù vẫn như trước, ông thích sống một mình.
- Con bé tập pianô có làm phiền bố không ạ? - anh hỏi. Từ hôm có bố trong nhà, anh không thổi kèn nữa.
- Không, - ông đáp. - Ngược lại, còn thích.
Thế là hôm nay tự ông vào phòng cháu rồi ngồi bất động trên ghế suốt từ nãy đến giờ.
Anh con đang nhẹ nhàng giải thích tính chất một đoạn nhạc khó:
- Con chơi đúng nốt, đúng nhịp đấy, nhưng chưa có nhạc. Nhạc là hồn, là tình cảm, con biết rồi mà. Như chỗ này chẳng hạn, - anh cúi xuống dí ngón tay quả chuối vào mấy dòng nhạc. - Phải dịu dàng hơn, đặc biệt các phím đen. Phím đen không chỉ có màu sắc mà tình cảm cũng khác phím trắng. Biết nói thế nào được nhỉ?... Như ngày và đêm vậy, như niềm vui và nỗi buồn…
- Con không thích phím đêm, - cô bé lí nhí đáp.
- Nhưng đó là cuộc sống. Có ngày phải có đêm. Có vui ắt có buồn. Rốt cục bản nhạc cuộc đời nào cũng chỉ hai nốt đen trắng ấy, và chúng đang ở trong tay con. Con phải xử lý chúng cho đúng, phải làm sao để thành dòng chảy, mượt mà và tương phản. Đằng này con chơi khô khan, các nốt nhạc cứ như va vào nhau rơi tung tóe xuống đất. Con không thấy thế à? Nào chơi lại bố nghe.
Dẫu chưa lĩnh hội hết những lời triết lý kia của bố, cô bé ngoan ngoãn chơi lại cả bản nhạc, nét mặt căng thẳng như người lớn. Cả lần này nó vẫn chưa kết hợp nhuần nhuyễn được các nốt trắng đen ngày đêm, hạnh phúc và nỗi buồn ấy. Và chúng vẫn tiếp tục “va vào nhau rơi tung tóe xuống đất” như bố nó nói.
Lúc này bên ngoài mưa ngớt tự lúc nào. Thậm chí mặt trời chui khỏi đám mây, chiếu những tia nắng ẩm ướt vào phòng, làm các nốt nhạc đen trắng rơi vãi trong đó bỗng ánh lên rực rỡ.
Hai bố con học xong ra khỏi phòng từ lâu, ông già vẫn ngồi yên. Cuối cùng ông gượng dậy, đi về phía chiếc đàn rồi bò lổm ngổm trên sàn gỗ, cố nhặt những nốt nhạc rơi của đứa cháu. Thỉnh thoảng ông giơ một vài nốt lên soi dưới ánh mặt trời.
Tối ấy, khi vào phòng mời ông xuống ăn cơm, người ta thấy ông già đã chết, trên chiếc đi-văng vẫn ngồi. Hôm sau, khi lượm bố vào quan tài, anh con dùng hết sức mới gỡ được hai bàn tay nắm chặt của ông. Từ đấy hai dòng kim cương đen nhánh chảy ra, lấp lánh như những vì sao giữa sàn nhà sẫm tối.
Mãi sau này, khi lên mười bảy tuổi và chuẩn bị đi New York theo học pianô tại Nhạc viện Julliard, cô cháu “không thích phím đêm” của ông tình cờ thấy trong va-li một gói lớn những viên kim cương trắng muốt được gói cẩn thận trong tấm vải cũ bằng nỉ người ta thường dùng để phủ lên đàn viôlông. 
Hà Nội, 30. 5. 2011