Có phải em mùa thu Hà Nội
Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014
Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014
CHIA TAY MÙA HẠ - MẸO VIẾT CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT
CHIA TAY MÙA HẠ.
Tác giả: Trần Mạnh Hảo.Mùa hạ đi rồi em ở đây Con ve kêu nát cả thân gầy Sông Hương như mới vừa say khướt Tỉnh lại trôi về phía gió may
Hoa phượng trên đầu bỗng xuống chân Chia tay mùa hạ đã bao lần Em như chim sẻ vừa kêu chiếp Quả chín trong vườn chửa kịp ăn
Mặt trời vô cớ vọt lên cao Trời biếc hình như cũng thế nào Em không giữ nổi con ve lại Mùa hạ đi rồi níu lại sao?
Thu chửa kịp về hạ đã qua Mình em đứng đợi cả hai mùa Nếu anh về kịp thay mùa hạ Chắc là phượng lại cháy bừng trưa.
Sài Gòn mùa hè 1979
MẸO TIẾNG VIỆT
Tác giả: Trung Nguyên
Một số mẹo khắc phục lỗi chính tả khi viết và phát âm
Có thể nói, chính tả là một vấn đề có tính
phổ quát đối với mọi thứ chữ viết ghi âm được dùng hiện nay trên thế giới. Ở mỗi thứ chữ viết ghi âm, bao giờ
cũng có vấn đề nên viết thế nào cho đúng chính tả.
Tiếng Việt là ngôn ngữ thống nhất. Chính
tả tiếng Việt về căn bản là một chính tả thống nhất. Tuy nhiên, do tiếng Việt
có nhiều phương ngữ, thổ ngữ nên bên cạnh tính thống nhất là chủ đạo, nó cũng
có những nét dị biệt khá rõ ràng trong cách phát âm, cách dùng từ giữa các vùng
và tạo ra ấn tượng mạnh mẽ về sự tồn tại trong thực tế ba “giọng” nói khác
nhau: “ giọng miền Bắc, giọng miền Trung và giọng miền Nam”, tương ứng với ba
vùng phương ngữ Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Đặc điểm phát âm đặc trưng cho từng
vùng khác với phát âm chuẩn chính là nguyên nhân dẫn đến những cách viết sai
chính tả. Chẳng hạn, chính tả phân biệt tr và ch, s và x…nhưng phát âm của
người Hà Nội không có sự phân biệt này. Vì vậy, khi viết, họ rất dễ nhầm lẫn
các phụ âm này với nhau. Trong khi đó, phát âm của người miền Trung lại không phân
biệt thanh hỏi/ thanh ngã nên khi nói cũng như khi viết, họ thường nhầm lẫn các
thanh ấy v.v…
Trong thực tế, những lỗi chính tả thường
gặp trong tiếng Việt khá đa dạng, phản ánh bức tranh phương ngữ của tiếng Việt
trên các miền đất nước. Song, lỗi chính tả mà chúng ta hay mắc phải nhất là lỗi
về phụ âm đầu. Để khắc phục lỗi này, chúng ta có nhiều cách. Tuy nhiên, trong
khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập tới giải pháp khắc phục lỗi chính
tả một cách đơn giản và tương đối hiệu quả, đó là dùng các mẹo chính tả.
Có thể coi, mẹo chính tả là những cách
thức giản tiện, dễ nhớ do các nhà ngôn ngữ đặt ra. Mẹo chính tả giúp cho người
viết dễ dàng tìm ra cách viết đúng một cách nhanh nhất mà không cần phải tra
cứu từ điển.
1.Lẫn lộn L và N
Đây là lỗi khá phổ biến ở ngoại thành Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ
nói chung. Sự lẫn lộn về mặt từ vựng đã khiến nhiều trường hợp trong khi nói và
viết đã nhầm lẫn giữa L và N. Để khắc phục lỗi này, ta có các mẹo sau:
*Mẹo về âm đệm: L có thể đứng trước âm đệm, còn N thì không.
Theo thống kê, các vần có âm đệm trong tiếng Việt là oa, oă, uâ,
oe, uê, uy. Vì vậy, chỉ cần nhớ câu sau “ Ngoa ngoắt Tuấn khoe quê Thúy”để nhận
biết vần có âm đệm là có thể áp dụng mẹo này.
Theo mẹo này, ta có thể yên tâm viết: lòa xòa, cái loa,loắt choắt,
loăn quăn, luẩn quẩn, lí luận, quần loe, lóe sáng, luyến tiếc, luyện tập, lũy
thừa, liên lụy…
Mẹo này có một ngoại lệ: noãn nghĩa là trứng chỉ dùng trong hai từ
Hán Việt là noãn cầu và noãn sào.
· Mẹo láy âm : Khi ở vị trí thứ nhất trong một từ láy âm, L có thể
láy âm với các âm đầu khác, còn N thì không có khả năng này.
Vậy, nếu gặp một tiếng không rõ viết với L hay N, ta hãy thử tạo
một từ láy âm phụ âm đầu. Nếu tiếng đó có thể đứng trước thì nó được viết với L.
Sau đây là một số ví dụ về khả năng láy phụ âm đầu rất rộng rãi của
L:
- L láy với B: lắp bắp, lõm bõm, lạch bạch, lấn bấn, lu bù…
- L láy với C (K, Q): la cà, lục cục, lấn cấn, lẩm cẩm, luẩn quẩn,
loăng quăng…
- L láy với D: lở dở, lim dim, lai dai…
- L láy với Đ: lốm đốm, lục đục, lờ đờ, lao đao, long đong, lênh
đênh…
- L láy với H: lúi húi, loay hoay…
- L láy với M: lơ mơ, liên miên, lễ mễ, lan man, lề mề…
- L láy với X: lao xao,lăng xăng, loăn xoăn, lèo xèo…
- L láy với T: le te,lon ton, lách tách, lung tung, lả tả…
- L láy với R: lai rai, lâm râm, lè rè…
- L láy với V: lởn vởn, lảng vảng, lặt vặt…
- L láy với CH: loắt choắt, loạc choạc, lanh chanh,loạng choạng…
- L láy với NH: lăng nhăng, lam nham, lải nhải, lảm nhảm…
- L láy với KH:lom khom, lọm khọm, lụ khụ…
- L láy với NG: lơ ngơ, loằng ngoằng, lêu nghêu…
Trong trường hợp tiếng đang xét ở vị trí thứ hai của từ láy âm, ta
lại có một quy tắc khác: L láy âm với các âm khác ngoài GI và âm đầu zêzo mà
không láy âm với các âm khác.
Chẳng hạn ta có:
- L láy âm với B: bông lông, bảng lảng, bằng lăng…
- L láy với CH: chói lọi, cheo leo,chìm lỉm…
- L láy với KH: khóc lóc, khéo léo, khét lẹt…
Trong khi đó, N chỉ láy với GI và âm đầu zêzo: giãy nảy, gian
nan,áy náy, ảo não…
· Mẹo đồng nghĩa lài- nhài: Khi gặp một tiếng chưa rõ viết với L
hay N mà thấy đồng nghĩa với một tiếng khác viết với NH thì có thể kết luận
tiếng chưa rõ ấy sẽ được viết với L.
Có thể minh họa mẹo này qua các ví dụ sau: Lài- nhài, lầm- nhầm,
lem- nhem, lời- nhời, loáng – nhoáng, lố lăng- nhố nhăng…
2. Lẫn lộn TR với CH
* Mẹo thanh điệu trong từ Hán- Việt: Những từ Hán- Việt mang dấu
nặng và dấu huyền đều chỉ đi với TR mà không đi với CH.
- TR đi với dấu nặng: Trịnh trọng, trị giá, trụy lạc, trục lợi, trụ
sở, vũ trụ, thổ trạch,trạm xá, hỗ trợ, triệu phú, trận mạc…
- TR đi với dấu huyền: Truyền thống, từ trường, trần thế , trù bị,
trùng hợp, phong trào, lập trường ,trầm tích, trừng trị…
* Mẹo láy âm: CH láy âm với các phụ âm khác ở vị trí đứng trước
hoặc đứng sau, trái lại TR không láy âm đầu với các phụ âm khác , trừ bốn ngoại
lệ đều là láy với L: Trọc lóc, trụi lũi, trót lọt, trẹt lét…
- CH đứng ở vị trí thứ nhất: Chơi bời, chèo bẻo, cheo leo, chìm
lỉm, chi li, chói lọi, chểnh mảng, chào mào, chộn rộn, chình rình,choáng váng,
chờn vờn, chon von, chơi vơi, chót vót, chênh vênh, chạng vạng…
- CH đứng ở vị trí thứ hai: Loắt choắt, lau chau, lanh chanh, lã
chã, loạng choạng, lởm chởm,loai choai…
* Mẹo đồng nghĩa tranh – giành: Khi gặp một tiếng chưa rõ viết với
CH hay TR mà lại đồng nghĩa với một từ viết với GI thì từ đó phải được viết với
TR.
Ví dụ: Tranh- giành, nhà tranh- nhà gianh, trầu – giầu, trai- giai,
trăng- giăng, tráo trở- giáo giở,, trối trăng- giối giăng, trời- giời, tro-
gio, trả- giả…
· Mẹo trường từ vựng:
- Mẹo cha- chú: Những từ chỉ quan hệ thân thuộc trong gia đình thì
viết với CH chứ không viết với TR: Cha, chú, chị, chồng, cháu, chắt, chút ,
chít…
- Mẹo chum- chạn: Đồ dung trong gia đình được viết với CH chứ không
viết với TR: Cái chạn, cái chum, cái chai, cái chiếu, cái chăn, cái chõng, cái chày
giã gạo, cái chổi, cái chuồng gà, cái chĩnh, cái chậu…Có một ngoại lệ: Cái tráp.
· Mẹo kết hợp âm đệm: TR không đi với các vần oa, oă, oe. Chỉ có CH
là đi với các vần này.
3. Lẫn lộn S và X
* Mẹo kết hợp âm đệm: S không đi với các vần oa, oă,oe, uê, chỉ có
X là đi với các vần này.
Ví dụ: Xoa tay, xoay xở, cây xoan, xoắn lại, tóc xoăn, xòa tay, xoen
xoét, xuề xòa, xuyên qua…Có các trường hợp ngoại lệ như soát trong rà soát,
kiểm soát…, soạn trong soạn bài và những trường hợp điệp âm đầu trong từ láy:
suýt soát, sột soạt, sờ soạng…
· Mẹo láy âm: Chỉ có X mới láy âm với các âm đầu khác, còn S không
có khả năng này.
Ví dụ như: Bờm xơm, bờm xờm, lao xao, lòa xòa, liêu xiêu, loăn
xoăn, liểng xiểng, lộn xộn, lì xì, xoi mói, xích mích,…
· Mẹo từ vựng:
- Tên các thức ăn và đồ dùng liên quan đến việc nấu nướng, ăn uống
thường viết với X. Ví dụ như: Xôi, xa lat, lạp xường, xúc xích, cái xanh, cái
xoong, cái xiên nướng thịt…
- Hầu hết các danh từ còn lại viết với S. Chặng hạn như: Ông sư, bà
sãi, cây sen, cây sim, cây sồi, cây sung, cái sọt, sợi dây, sao, sương giá,
sông, suối, sấm, sét…Có các trường hợp ngoại lệ : Chiếc xe, cái xuồng, cây
xoan, cây xoài, trạm xá, xương, cái túi sách hay cái xắc, cái xẻng, mùa xuân…
4. Lẫn lộn R với D và GI
Người miền Bắc không phân biệt R với D và GI trong phát âm nên
thường lẫn lộn chúng trong chữ viết. Có thể dùng một số mẹo đơn giản sau để
khắc phụ lỗi này.
· Mẹo về âm đệm: R và GI không kết hợp với âm đệm, chỉ có D mới kết
hợp với các vần này. Chẳng hạn như: Dọa nạt, hậu duệ, kiểm duyệt, duy trì, duy
nhất…(Trường hợp ngoại lệ roa trong cu-
roa).
· Mẹo láy âm “Co ro- bịn rịn”: R láy âm với B và C ( K) là những
hình thức mà D không có. Ví dụ như:Bịn rịn, bủn rủn, bứt rứt, bối rối, co ro,
cập rập…
· Mẹo run rẩy- rừng rưc: Những từ láy điệp âm đầu R mô phỏng tiếng
động tượng thanh, chỉ sự rung động ở nhiều cung bậc khác nhau, chỉ những sắc
thái ánh sáng động, tươi, chói đều viết với R. Ví dụ như: Rì rào, rả rích, răng
rắc, rầm rập, róc rách, rúc rích, ra rả, run rẩy, rung rinh, rón rén, rập rình,
rạo rực, rần rật, rực rỡ, rừng rực, roi rói, rạng rỡ…
Trên đây là các mẹo để khắc phục lỗi chính
tả. Tuy nhiên, đó không phải là cách duy nhất. Những mẹo nêu trên chỉ là một
trong rất nhiều cách để giúp chúng ta viết đúng chính tả. Song, có thể nói, các
mẹo chính tả đó có tác dụng như những đơn thuốc mà các nhà ngôn ngữ học đã pha
chế cho chúng ta (bằng cách hệ thống hóa
các hiểu biết thực tế và các tri thức ngữ học thành những công thức giản tiện),
giúp cho việc chữa lỗi chính tả hàng ngày.
Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014
13 CỰC HÌNH TÀN KHỐC LỊCH SỬ NHÂN LOẠI
Từ thời Trung Cổ, con người đã có những hình thức tra tấn vô cùng dã man, tàn khốc, nhằm trừng phạt tội phạm, thẩm vấn hoặc răn đe.Ngũ mã phanh thây, cưa người, ném vào vạc dầu, lột da là những cực hình được xem là tàn khốc nhất lịch sử nhân loại cho đến tận ngày hôm nay.
1.Cưa người làm đôi
Cưa người là hình thức hành quyết dã man được sử dụng từ thời La Mã cổ đại. Phạm nhân sẽ bị treo ngược người lại. Thanh cưa sẽ từ trên xuống, dọc theo cơ thể và bắt đầu từ giữa hai nhân của phạm nhân. Điều kinh hoàng nhất là người bị hành quyết sẽ không chết ngay, nạn nhân vẫn có ý thức và cảm nhận được đau đớn đến tột cùng cho đến khi thanh cưa đi đến tận đầu và cắt đôi cơ thể ra làm hai mảnh.
2. Chiếc bàn tử thần
Đây là một dụng cụ tra tấn hình chiếc bàn dài làm bằng gỗ và sắt. Nó có con lăn 2 đầu, ở giữa là một đòn bẩy khiến 2 con lăn di chuyển. Nạn nhân sẽ bị đặt vào chiếc bàn, tay chân bị trói chặt vào 2 con lăn. Tiếp đó, họ sẽ bị người tra tấn dùng đòn bẩy kéo căng tay và chân ra 2 chiều ngược nhau. Nạn nhân sẽ vô cùng đau đớn, đầu tiên da thịt bị rách lìa, các cơ bắp sẽ đứt đoạn, cuối cùng là xương gãy thành từng đoạn.
3. Lăng trì
Lăng trì là hình thức được dùng phổ biến tại Trung Quốc. Người ta dùng một con dao cắt đi từng phần trên cơ thể của phạm nhân khiến họ chết dần chết mòn. Lăng trì được dùng cho những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, chẳng hạn như tội phản quốc, giết người hàng loạt, con giết cha mẹ…
4. Tứ mã phanh thây, Ngũ mã phanh thây
Tứ mã phanh thây là hình phạt mà tứ chi của phạm nhân bị cột vào bốn sợi dây nối vào bốn con ngựa. Khi hành hình, các nài ngựa sẽ thúc ngựa phi ra bốn hướng, từ đó bốn sợi dây kéo tứ chi phạm nhân đến khi thân thể của phạm nhân bị xé thành nhiều mảnh. Phạm nhân sau đó bị bỏ mặc cho máu chảy đến chết. Hình phạt này còn có một biến thể khác là ngũ mã phanh thây với sợi dây thứ năm cột vào cổ phạm nhân.
5. Phanh thây bằng dao búa
Phanh thây được sử dụng chủ yếu ở Anh. Phạm nhân bị dây thừng cột vào đầu rồi bị những con ngựa kéo đến nơi hành hình. Lúc này họ đã suy yếu. Sau đó, họ bị chặt làm nhiều mảnh bằng dao hoặc búa và bị mang đi bêu riếu khắp nơi. Hình thức xử phạt này chỉ dành cho đàn ông.
6. Lột da
Lột da là hình thức tàn bạo nhất và thiếu văn minh nhất thời trung cổ. Người ta lột da của những tù nhân vẫn còn sống. Sau khi da đã bị lột hết, người bị kết án vẫn bị quăng quật để chảy máu cho đến chết. Những người thực thi hình phạt này còn dùng muối để tăng thêm đau đớn cho phạm nhân. Biện pháp trừng trị này dành cho tội phạm, tù binh và “phù thủy”, được sử dụng cách đây 1 ngàn năm ở Trung Đông và Châu Phi.
7. Moi nội tạng
Moi nội tạng, nhiều nhất là ruột là biện pháp tra tấn dành cho những tên trộm hoặc những ai bị buộc tội ngoại tình. Nạn nhân bị rạch bụng và một số cơ quan bên trong cơ thể bị lôi ra ngoài, chủ yếu là bộ phận nằm ở vùng bụng.
8. Đóng đinh vào đầu
Nạn nhân của hình phạt này bị trói tay chân, cỏ bị gông chặt. Khi hành hình, đầu nạn nhân bị kẹp chặt sau đó đầu sẽ bị người ta dùng búa đóng vào vào đinh sắt xuống đầu. Nạn nhân sẽ vô cùng đau đớn khi đón nhận cái chết.
9. Thả trôi sông
Những người Ba Tư cổ đại cột nạn nhân đã bị lột quần áo, buộc vào một chiếc bè và bị ép họ uống sữa hoặc ăn mật ong. Chiếc bè sau đó bị thả trôi sông. Nạn nhân sẽ bị tiêu chảy do ăn nhiều đồ ngọt, bị côn trùng cắn và kiệt sức đến chết.
10. Ném vào vạc dầu
Ném vào vạc dầu là hình thức tra tấn hết sức dã man. Nạn nhân sẽ bị ném thẳng vào vạc dầu đã được đun sôi . Hình thức này sẽ khiến nạn nhân đau đớn và chết ngay lập tức.
11. Tử hình bằng voi
Hình thức tử hình bằng voi là cho voi nghiền nát, giày xéo. Cách tử hình này được sử dụng tại phía Nam và Đông Nam Á trong hơn 4.000 năm. Có nguồn tin cho biết nó từng được sử dụng bởi người La Mã và Triều Nguyễn tại Việt Nam.
12. Thiêu sống
Thiêu sống chủ yếu được thực hiện tại Rome, Akragas ở Sicily, Ý, Anh và một số vùng Bắc Mỹ. Cơ thể phạm nhân sẽ bị đốt theo trình tự từ bắp chân, đùi, bàn tay, thân, cánh tay, ngực, ngực trên, mặt và sau đó là chết. Người ta còn đổ cả nhựa thông vào để ngọn lửa cháy nhanh hơn.
13. Khủng bố tinh thần bằng chuột
Với kiểu tra tấn bằng động vật này, nạn nhân sẽ bị đặt một chiếc chụp kim loại lên người và trong đó chứa những con chuột. Tiếp đó, người tra tấn sẽ nung nóng chiếc chụp và khiến lũ chuột sợ hãi tìm lối thoái. Theo bản năng, bầy chuột tìm lối thoát bằng cách ngặm nhấm cơ thể của nạn nhân. Cách tra tấn này vừa gây đau đớn về thể xác và khủng bố tinh thần nạn nhân.
CÂY HOA TỬ ĐẰNG 144 TUỔI Ở NHẬT
Cây hoa tử đằng khổng lồ và lâu năm này đã làm say mê hàng ngàn du khách gần xa đổ về công viên Hoa ở Nhật chỉ để ngắm nhìn nó.
Nằm ở khuôn viên của công viên hoa Ashikaga, cây hoa tử đằng đẹp lung linh ở đây là cây hoa tử đằng lớn nhất và lâu đời nhất ở Nhật. Tuy chưa phải là lớn nhất thế giới nhưng cây hoa tử đằng ở công viên Ashikaga đã
chiếm một diện tích rất lớn là 1990 mét vuông diện tích và được trồng
vào năm 1870 (tức là bây giờ nó đã 144 tuổi). Do số lượng dây hoa khổng
lồ nên cây trở nên khá nặng nề và ban quản lý công viên phải làm một dàn
đỡ phía trên để tránh việc không may bị gãy đổ.
Hoa tử đằng trong quan niệm của Nhật được xem là biểu
tượng của tình yêu vĩnh cửu bất diệt vì tuy hoa nhìn có vẻ mềm mại, uyển
chuyển, nhưng rễ của nó lại rất mạnh mẽ, vững chắc mang ý nghĩa là tình
yêu phải kiên trì và vượt qua khó khăn, thử thách. Nếu có điều kiện,
bạn hãy tới công viên Ashikaga và ngắm cây hoa tử đằng đẹp như cổ tích này cùng người yêu mình, đảm bảo là vô cùng lãng mạn.
XE ĐẠP
1. Hồi đó làng Lộc An quê tôi chỉ ba nhà có xe đạp. Năm 1969, ba tôi được đơn vị hóa giá một chiếc xe hiệu Vĩnh Cửu của Trung Quốc, kiểu xe thồ, không có gác đờ bu (chắn bùn), gác đờ sên (chắn xích), tồng ngồng như một gã thanh niên cao lớn cởi truồng. Ba tôi mang xe đạp về rồi lên Trường Sơn. Trước khi đi, ông lên công an huyện đăng ký, lấy chứng nhận và biển số xe về giao cho mạ tôi, dặn: "Ba đăng ký tên mẹ, con nó còn nhỏ, mẹ khoan cho đi". Mạ tôi lấy dây treo chiếc xe lên sát phên đất trong nhà.
Một năm sau, tôi mới táy máy đưa xuống, bơm lên và dắt, bọn trẻ xúm sau mà đẩy, miết không biết thế nào lại có thể thò chân qua khung mà đạp, cứ đạp nửa vòng lại đạp ngược lại vì chân thò không đến nơi... Hôm tôi đạp chạy quanh làng, cả làng xôn xao như có sự kiện lớn. Ai nấy phục lăn.
Bây giờ mới biết, tài sản đầu tiên đứng tên mạ tôi là chiếc xe đạp, ngang một gia tài, lại chính chủ nữa mới oai (hồi đó cái nhà tranh nhà tôi chưa có sổ đỏ).
2. Lên học cấp 3, nhà xa trường 8 km. Xe hay bị hỏng và chỉ có một chỗ sửa duy nhất là nhà bác Bích ở Mỹ Lộc. Bác Bích trước ở Thái Lan về nên bà con gọi là ông Bích Thái Lan. Bác Bích rất khéo tay. Hồi đó bác lên rừng, tìm chỗ máy bay rơi nhặt về từng đoạn ống đuya ra (hợp kim không gỉ) rồi chế lại làm cái khung xe đạp, uốn làm ghi đông... Chỗ mảnh thân máy bay thì nung chảy, đúc vành và các phụ tùng khác. Bác ráp lại thành chiếc xe trắng tinh, đẹp không thể tả. Bác đạp xe đi, ai cũng ngưỡng mộ.
Thế rồi một ngày, đi học về ngang nhà bác, thấy rất đông người, tôi len vào xem. Thì ra công an huyện đang lập biên bản. Bác ký biên bản xong, mấy chú công an lấy búa đập khung xe bẹp dúm rồi vứt xuống sông Kiến Giang trước nhà. Bác ngồi đốt thuốc liên miên, không nói không rằng.
Lúc đó chỗ khung xe đạp dưới ổ trục có số. Có số khung mới được đăng ký và có biển số. Xe bác không có số khung, tất nhiên không đăng ký được. Xe lại làm toàn bằng vật liệu của bọn đế quốc sài lang. Phải đập.
Lâu sau, có lần bác kể, bên Thái Lan xe đạp không cần đăng ký. Tôi nghe nhưng không tin, lại còn nghĩ bác tư tưởng tư sản, ca ngợi bọn tư bản giãy chết. Có điều không nói ra, sợ bác lấy tiền sửa xe.
Xe đạp gắn biển số của học sinh Trường THPT Sào Nam - Ảnh: Nguyễn Tú |
3. Thời bao cấp, xe đạp thuộc diện phân phối. Cán bộ được phân một chiếc xe đạp Thống Nhất, Hữu Nghị... là quý lắm. Tôi nhớ đâu như giá 360 đồng (lúc đó 1.000 đồng có thể mua được ngôi nhà ngói 3 gian, loại có thể coi ngang biệt thự bây giờ). Tất cả phụ tùng đều phân phối, gọi là chế độ "cung cấp". Có tiền cũng không dễ gì mua. Vì thế nhiều người đi xe hai chiếc săm vá chằng vá đụp, chiếc lốp nát khâu không được phải dùng cao su quấn lại, gọi là lốp cố vấn (cố mà vấn lại).
Người bình thường đi xe không phanh, không chuông, không gác đờ bu nên mới có lời chế từ bài hát Tôi, người lái xe rất thịnh hành lúc đó. Nguyên bài hát có lời: Xe tôi băng qua trăm núi ngàn sông/Khắp nơi nhân dân đêm ngày ngóng trông... thành ra Xe tôi không phanh không gác đờ bu/Vẫn lai cô em trên đường vi vu...
Người "có điều kiện" thì xe đầy đủ, có cả chuông, cả đèn.
Thành bạn học của tôi có chiếc xe đạp Phượng Hoàng. Nó nhét sau yên xe một cái khăn, hễ dừng xe là nó rút khăn ra lau sạch không còn hạt bụi. Dựng xe, nó lôi từ túi quần ra một miếng bìa, lót xuống đất rồi mới lấy tay bẻ chân chống xuống (chứ không dùng chân đá như người khác). Về nhà, khi tựa xe vào vách, nó lấy khăn bịt chỗ tay cầm trên ghi đông mới đặt sát vô tường.
4. Những năm 1970, những năm tháng khốn khó của thời bao cấp, xe đạp là phương tiện giao thông tiến bộ nhất của người dân.
Những năm đó, sinh viên đi học ở Liên Xô về nước mang theo xe đua hiệu Sputnhic là rất oai. Anh nào đi chiếc Sputnhic thì không gái nào là tán không được.
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, xe đạp sản xuất từ miền Nam theo chân bộ đội phục viên, xuất ngũ hay đi phép ra miền Bắc nhiều lại không đóng số khung, hồi đó không có nhiều thông tin nên không biết có nghị định nào không nhưng công an bỏ luôn đăng ký và cấp biển số xe đạp.
Sang đến thập niên 1980, người đi xuất khẩu lao động ở các nước Đông Âu gửi về các loại Favorit (Tiệp), Mifa (CHDC Đức) được coi là hợp mốt nhất thời kỳ đó.
Thời kỳ đầu Đổi mới, xe cũ của Nhật theo cánh thủy thủ tàu viễn dương về nhiều. Xe Nhật bền nhưng giá một chiếc gọi là còn mới không dưới 6 chỉ vàng. Thủy thủ nào mang về 10 chiếc lãi mua được cả căn hộ ở Hà Nội. Các tỉnh phía bắc, nhất là thủ đô ngập tràn xe đạp. Người con gái mặc áo dài đi xe đạp là hình ảnh đẹp và đặc trưng của Việt Nam thời đó. Chả thế mà có bài hát Mùa xuân đến, đạp xe trên phố, tóc xõa vai mềm... ngày nào Đài tiếng nói VN chẳng phát vài lần. Một thành phố mà mọi người lưu thông bằng xe đạp thấy rất yên bình.
Nguyễn Thế Thịnh
Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014
NHỮNG ĐẶC SẢN GÂY THƯƠNG NHỚ CỦA NGHỆ AN
Các đặc sản của Nghệ An hầu hết được làm từ các nguyên liệu dân dã, đơn sơ nhưng "nhắc là thèm" và luôn khiến những người con xa xứ phải nhung nhớ.
1. Nhút Thanh Chương
Ở Nghệ An nói chung và Thanh Chương nói riêng, nhút là thức ăn dân dã, truyền thống của mọi gia đình. Nhút thường được làm từ mít xanh hoặc xơ mít chín và muối trắng. Với mít non sau khi hái xuống, gọt vỏ ngoài, người ta không rửa mà dùng lá chuối khô lau đến hết nhựa. Mít được băm thành sợi nhỏ, ngắn rồi cho vào cối giã, ngâm nước muối rồi vắt. Tiếp đó hỗn hợp này được bỏ vào vại sành, khoả đều, phủ đậy bằng một chiếc vửng đan bằng nứa, chặn đá, đổ tiếp nước muối, ủ khoảng 3 đến 6 ngày là dùng được. Nhút có thể chấm nước mắm, làm nộm, xào, nấu canh.
2. Tương Nam Đàn
Nói đến "nhút Thanh Chương" thì không thể bỏ qua "tương Nam Đàn". Nguyên liệu chính để làm tương toàn là những thứ gần gũi, thân thiết với cuộc sống hàng ngày: đậu nành, nếp hoặc ngô, muối và nước. Ngô và đậu rang, xay, ngâm rồi phơi (ngô không ngâm, ủ với lá nhãn làm mốc), đặc biệt đậu chỉ xay hoặc giã vỡ đôi, vỡ ba, không vỡ vụn như tương bần miền Bắc, đảm bảo khi lấy ra bát thấy mẻ đậu như từng con thuyền bé xíu nổi trên mặt bát nước vàng óng.
Tương có thể dùng làm nước chấm, kho với cá thịt hoặc đơn giản hơn là chan ăn với cơm không. Ăn tương, ta cảm nhận được vị mát lành của hương phù sa trong từng hạt đỗ, hương thơm của ruộng đồng trong nếp xôi, vị mặn mòi của biển cả trong hạt muối và vị nồng ấm của mạch đất quê hương qua từng giọt nước.
3. Bánh đa Đô Lương
Dù bánh đa phổ biến ở nhiều vùng miền khắp cả nước nhưng bánh đa Đô Lương, Nghệ An vẫn được nhiều người nhắc đến khi nói về bánh đa ngon. Bánh được làm từ bột gạo, tiêu, tỏi và các gia vị khác. Nguyên liệu tuy đơn giản, dễ kiếm nhưng để có một chiếc bánh ngon đòi hỏi rất nhiều công phu. Gạo phải trắng, tuyệt đối không lẫn trấu hay cám. Gạo được xay nhuyễn với nước rồi trộn với vừng (mè) đen, cùng với tỏi giã nhỏ, hạt tiêu được xay mịn và những gia vị vừa đủ rồi tráng bằng nồi hấp. Khi bánh chín thì vớt ra, cho lên giá phơi cho đến khi khô giòn. Công đoạn tráng bánh khá công phu và là khâu quan trọng, đòi hỏi sự khéo léo của người thợ. Bánh đa là thứ bánh dân dã, dễ ăn kèm với các món khác hoặc ăn riêng đều rất ngon.
4. Bánh đa xúc hến
Bánh đa xúc hến là món nhậu quen thuộc những dịp bạn bè gặp nhau của người dân xứ Nghệ. Hến ăn kèm phải là những con hến được đãi từ sông Lam béo và sạch rồi xào cùng mỡ. Những miếng bánh đa Đô Lương giòn tan lúc này sẽ biến thành những chiếc thìa cho ta nhẩn nha xúc những con hến ngon lành và cảm nhận hương vị ngọt, thơm, cay, bùi, béo đầy quyến rũ. Món bánh đa xúc hến không thể thiếu được một số gia vị như ớt, rau sống và lạc giã dập.
5. Cháo lươn, súp lươn
Đến Nghệ An mà không thưởng thức cháo lươn, súp lươn thì quả là đáng tiếc. Cả 2 món đặc sản chế biến từ lươn này đều có vị cay nồng đặc trưng. Cháo lươn Nghệ An không xào thịt lươn đến săn khô như cháo lươn ở Hà Nội mà miếng lươn đước để nguyên, vẫn mềm, ngọt, thấm đậm vị thơm cay của hành, của ớt, của tiêu, óng ánh sắc vàng của nghệ. Bát cháo múc ra được điểm mầu xanh của lá hành tăm, chỉ nhìn thôi cũng đủ thấy hấp dẫn.
Ngoài cháo lươn, súp lươn cay từ lâu đã là niềm tự hào của người dân nơi đây. Lươn được chế biến thơm nức mũi với vị cay nồng cộng hưởng với mùi thơm đặc biệt từ rau răm và một ít cốt chanh khiến cho bát súp không thế hấp dẫn hơn. Ăn kèm cùng với bát súp lươn cay là bánh mỳ được nướng sẵn hay bánh mướt được tráng mỏng cộng thêm một nhúm hành khô được rắc lên trên, ngoài ra có nhiều người còn ăn kèm cùng bánh đa rất lạ miệng.
6. Bánh mướt
Thoạt nhìn, bánh mướt có vẻ giống với bánh cuốn ngoài Bắc nhưng nó lại có hương vị thơm ngon rất riêng. Bánh chỉ được làm bằng bột gạo tẻ - gạo được ngâm nước rất lâu sau đó được vớt ra xay nhuyễn và được ủ trong nhiều giờ liền. Bánh mướt thường dài như ngón tay trỏ của người lớn, cuộn tròn, mềm, mịn, trắng trong. Bánh mướt thường được ăn kèm với nước mắm vắt chanh, đường vừa đủ, ớt cắt lát mỏng. Chỉ đơn giản thế mà có thể ăn đến no.
7. Ốc xào Nghệ An
Ốc xào là món ăn vặt được người dân xứ Nghệ đặc biệt ưa thích. Ốc xào ở Vinh không để nguyên con như ốc xào me Hà Nội mà được chặt đít và tẩm với gia vị, lá chanh, sả, ớt, sau đó được xào lên cùng với hành tóp mỡ. Tất cả vị đậm đà, cay mặn thấm sâu vào từng con ốc. Ốc xào được ăn kèm bánh đa và rau sống. Nếu có dịp đến Nghệ An, đừng bỏ qua cơ hội thử món ốc thơm lừng, béo ngậy mà cay xè này nhé.
8. Khoai xéoKhoai xéo là một món ăn dân dã đặc trưng đã gắn bó với biết bao người con của xứ Nghệ. Để làm khoai xéo, sau khi thu hoạch, người ta chọn những củ khoai ngon, nhiều bột nhất rồi đem đi rửa sạch, sau đó cát lát mỏng đem đi phơi cho đến khi khoai khô giòn thì bỏ vào chum vại, đậy kín và để ăn dần.
Gọi là khoai xéo bởi khi nấu chín, ta phải dùng tới mỗi tay ba chiếc đũa để xéo khoai, xéo cho tới khi khoai tơi thành bột mới thôi. Dân dã thì nấu khoai không rồi xéo lên ăn với cà, sang và cầu kỳ hơn thì nấu cùng đỗ, nếp, đường hoặc mật mía. Mỗi khi mùa đông về hay mưa rét thì đem 1 ít ra nấu. Giữa tiết trời lành lạnh mà có một bát khoai xéo ăn thì ấm lòng biết bao nhiêu.
9. Cháo canh
Cháo canh làm từ bột mỳ, mỗi sợi nhỉnh hơn đầu đũa, có nhiều vị như cháo canh tôm, cháo canh giò heo… nhưng với những người dân Vinh thì quen thuộc nhất vẫn là vị cháo canh thịt. Một trong những khâu quan trọng làm cháo canh ngon và thu hút người ăn đó chính là nước dùng. Nước dùng được ninh từ xương, có vị ngọt nhẹ sau đó thả sợi mỳ vào cùng với một ít tôm, thịt băm và hành khô. Trước khi múc cháo canh ra tô thì cho thêm một chút sa tế và hành lá khiến khách “ngồi không yên”.
1. Nhút Thanh Chương
Ở Nghệ An nói chung và Thanh Chương nói riêng, nhút là thức ăn dân dã, truyền thống của mọi gia đình. Nhút thường được làm từ mít xanh hoặc xơ mít chín và muối trắng. Với mít non sau khi hái xuống, gọt vỏ ngoài, người ta không rửa mà dùng lá chuối khô lau đến hết nhựa. Mít được băm thành sợi nhỏ, ngắn rồi cho vào cối giã, ngâm nước muối rồi vắt. Tiếp đó hỗn hợp này được bỏ vào vại sành, khoả đều, phủ đậy bằng một chiếc vửng đan bằng nứa, chặn đá, đổ tiếp nước muối, ủ khoảng 3 đến 6 ngày là dùng được. Nhút có thể chấm nước mắm, làm nộm, xào, nấu canh.
2. Tương Nam Đàn
Nói đến "nhút Thanh Chương" thì không thể bỏ qua "tương Nam Đàn". Nguyên liệu chính để làm tương toàn là những thứ gần gũi, thân thiết với cuộc sống hàng ngày: đậu nành, nếp hoặc ngô, muối và nước. Ngô và đậu rang, xay, ngâm rồi phơi (ngô không ngâm, ủ với lá nhãn làm mốc), đặc biệt đậu chỉ xay hoặc giã vỡ đôi, vỡ ba, không vỡ vụn như tương bần miền Bắc, đảm bảo khi lấy ra bát thấy mẻ đậu như từng con thuyền bé xíu nổi trên mặt bát nước vàng óng.
3. Bánh đa Đô Lương
Dù bánh đa phổ biến ở nhiều vùng miền khắp cả nước nhưng bánh đa Đô Lương, Nghệ An vẫn được nhiều người nhắc đến khi nói về bánh đa ngon. Bánh được làm từ bột gạo, tiêu, tỏi và các gia vị khác. Nguyên liệu tuy đơn giản, dễ kiếm nhưng để có một chiếc bánh ngon đòi hỏi rất nhiều công phu. Gạo phải trắng, tuyệt đối không lẫn trấu hay cám. Gạo được xay nhuyễn với nước rồi trộn với vừng (mè) đen, cùng với tỏi giã nhỏ, hạt tiêu được xay mịn và những gia vị vừa đủ rồi tráng bằng nồi hấp. Khi bánh chín thì vớt ra, cho lên giá phơi cho đến khi khô giòn. Công đoạn tráng bánh khá công phu và là khâu quan trọng, đòi hỏi sự khéo léo của người thợ. Bánh đa là thứ bánh dân dã, dễ ăn kèm với các món khác hoặc ăn riêng đều rất ngon.
Bánh đa xúc hến là món nhậu quen thuộc những dịp bạn bè gặp nhau của người dân xứ Nghệ. Hến ăn kèm phải là những con hến được đãi từ sông Lam béo và sạch rồi xào cùng mỡ. Những miếng bánh đa Đô Lương giòn tan lúc này sẽ biến thành những chiếc thìa cho ta nhẩn nha xúc những con hến ngon lành và cảm nhận hương vị ngọt, thơm, cay, bùi, béo đầy quyến rũ. Món bánh đa xúc hến không thể thiếu được một số gia vị như ớt, rau sống và lạc giã dập.
5. Cháo lươn, súp lươn
Đến Nghệ An mà không thưởng thức cháo lươn, súp lươn thì quả là đáng tiếc. Cả 2 món đặc sản chế biến từ lươn này đều có vị cay nồng đặc trưng. Cháo lươn Nghệ An không xào thịt lươn đến săn khô như cháo lươn ở Hà Nội mà miếng lươn đước để nguyên, vẫn mềm, ngọt, thấm đậm vị thơm cay của hành, của ớt, của tiêu, óng ánh sắc vàng của nghệ. Bát cháo múc ra được điểm mầu xanh của lá hành tăm, chỉ nhìn thôi cũng đủ thấy hấp dẫn.
Ngoài cháo lươn, súp lươn cay từ lâu đã là niềm tự hào của người dân nơi đây. Lươn được chế biến thơm nức mũi với vị cay nồng cộng hưởng với mùi thơm đặc biệt từ rau răm và một ít cốt chanh khiến cho bát súp không thế hấp dẫn hơn. Ăn kèm cùng với bát súp lươn cay là bánh mỳ được nướng sẵn hay bánh mướt được tráng mỏng cộng thêm một nhúm hành khô được rắc lên trên, ngoài ra có nhiều người còn ăn kèm cùng bánh đa rất lạ miệng.
6. Bánh mướt
Thoạt nhìn, bánh mướt có vẻ giống với bánh cuốn ngoài Bắc nhưng nó lại có hương vị thơm ngon rất riêng. Bánh chỉ được làm bằng bột gạo tẻ - gạo được ngâm nước rất lâu sau đó được vớt ra xay nhuyễn và được ủ trong nhiều giờ liền. Bánh mướt thường dài như ngón tay trỏ của người lớn, cuộn tròn, mềm, mịn, trắng trong. Bánh mướt thường được ăn kèm với nước mắm vắt chanh, đường vừa đủ, ớt cắt lát mỏng. Chỉ đơn giản thế mà có thể ăn đến no.
7. Ốc xào Nghệ An
Ốc xào là món ăn vặt được người dân xứ Nghệ đặc biệt ưa thích. Ốc xào ở Vinh không để nguyên con như ốc xào me Hà Nội mà được chặt đít và tẩm với gia vị, lá chanh, sả, ớt, sau đó được xào lên cùng với hành tóp mỡ. Tất cả vị đậm đà, cay mặn thấm sâu vào từng con ốc. Ốc xào được ăn kèm bánh đa và rau sống. Nếu có dịp đến Nghệ An, đừng bỏ qua cơ hội thử món ốc thơm lừng, béo ngậy mà cay xè này nhé.
8. Khoai xéoKhoai xéo là một món ăn dân dã đặc trưng đã gắn bó với biết bao người con của xứ Nghệ. Để làm khoai xéo, sau khi thu hoạch, người ta chọn những củ khoai ngon, nhiều bột nhất rồi đem đi rửa sạch, sau đó cát lát mỏng đem đi phơi cho đến khi khoai khô giòn thì bỏ vào chum vại, đậy kín và để ăn dần.
Gọi là khoai xéo bởi khi nấu chín, ta phải dùng tới mỗi tay ba chiếc đũa để xéo khoai, xéo cho tới khi khoai tơi thành bột mới thôi. Dân dã thì nấu khoai không rồi xéo lên ăn với cà, sang và cầu kỳ hơn thì nấu cùng đỗ, nếp, đường hoặc mật mía. Mỗi khi mùa đông về hay mưa rét thì đem 1 ít ra nấu. Giữa tiết trời lành lạnh mà có một bát khoai xéo ăn thì ấm lòng biết bao nhiêu.
9. Cháo canh
Cháo canh làm từ bột mỳ, mỗi sợi nhỉnh hơn đầu đũa, có nhiều vị như cháo canh tôm, cháo canh giò heo… nhưng với những người dân Vinh thì quen thuộc nhất vẫn là vị cháo canh thịt. Một trong những khâu quan trọng làm cháo canh ngon và thu hút người ăn đó chính là nước dùng. Nước dùng được ninh từ xương, có vị ngọt nhẹ sau đó thả sợi mỳ vào cùng với một ít tôm, thịt băm và hành khô. Trước khi múc cháo canh ra tô thì cho thêm một chút sa tế và hành lá khiến khách “ngồi không yên”.
Món cháo canh nhìn rất ngon mắt.