"Ngày nay nghe đến hai tiếng "Lều", "Chõng" có lẽ nhiều người sẽ lấy làm lạ vì những vật ấy từ biệt chúng ta mà đi đến chỗ mất tích đã gần ba chục năm nay.
Nhưng mà trước hơn hai chục năm đi ngược trở lên, cho đến hơn một nghìn năm, "Lều" "Chõng" vẫn làm chủ vận mệnh của giang sơn cũ kỹ mà người ta vẫn khoe là "bốn nghìn năm văn hiến". Những ông ngồi trong miếu đường làm rường làm cột cho nước nhà, những ông ở nơi tuyền thạch, làm khuôn mẫu cho đạo đức phong hóa, đều ở trong đám lều chõng mà ra. Lều Chõng với nước Việt Nam không khác một ông tạo vật, đã chế tạo đủ các hạng người hữu dụng hoặc vô dụng. Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa, rồi lại chính nó đã đưa nước Việt Nam đến cõi diệt vong. Vì nó, nước Việt Nam trong một thời kì rất dài đã phát hiện ra nhiều cảnh tượng kỳ quái, có thể khiến cho người ta phải cười, phải khóc, phải rùng rợn hồi hộp" Ngô Tất Tố-1939
Thi cử Xưa "Lều chõng đi thi"
Ban giám khảo
Ban giám khảo
Lều chõng đi thi
Một cảnh thi năm 1895 (tranh vẽ)
Cảnh đi thi 1897
Ông Phan Nhụy, anh ruột của Phan Thanh và Phan Bôi, chỉ học chữ Hán
và chữ quốc ngữ ở trình độ đọc thông viết thạo. Tuy nhiên ông cũng đã dự một
khoa thi Hương tại Huế vào năm 1913. Hồi ký của ông viết năm 1978:
Được cha mẹ đồng ý, trước tiên tôi dự một
lớp học ôn vào năm 1912, do ông Tú Phan Khôi mở dạy trong làng. Sau đó,
tôi phải qua một kỳ sát hạch tại tỉnh Quảng
Hôm đi xem bảng, thấy tên mình trúng
tuyển, tôi vô cùng vui sướng, chuẩn bị qua giêng lên đường ra miền sông Hương,
núi Ngự.
Đúng ngày quy định, văn nhân sĩ tử cả 5
tỉnh Bình, Trị, Thiên, Nam Ngãi đầu tập trung về chốn cố đô. Nhìn trước ngó
sau, tôi thấy mình sao bé nhỏ quá, giống như một tiểu đồng đi bưng điếu tráp
hầu hạ một ông quan chứ không phải học trò đi thi, tuy tôi cũng đã 17 tuổi.
Cùng đi với tôi có hai cậu là anh em ruột với mẹ tôi. Hai cậu đã có bằng tú
tài, nhưng vì nhà rất nghèo, đi dự thi để vào được trường thi làm bài giúp học
trò dốt kiếm tiền, chứ không phải thi để lấy bằng cấp cao hơn. Hai ông dẫn tôi
đến khu vực trường thi, hướng dẫn cho tôi một số việc cần chuẩn bị, rồi đưa
nhau đi đâu không rõ.
Trường thi là một khu đất trống khoảng 10
mẫu, chung quanh có thành bao bọc. Bên trong, có con đường thập đạo chia khu
đất thành 4 vi, vi tả, vi hữu, vi giáp và vi ất. Hai bên đường thập đạo là
thành cao vừa quá đầu người để ngăn cách người qua lại. Mỗi thí sinh đi thi
phải mang theo 3 quyển, mỗi quyển có 10 tờ giấy, khổ rộng. Mặt trước quyển ghi
sẵn tên họ, xã, tổng, phủ, huyện, tỉnh, niên canh và cung khai tam đại, nghĩa
là tên tuổi cha, ông nội, già hay trẻ, sống hay chết.
Danh sách thí sinh các tỉnh đã được gởi về
đây để các quan chấm thi nắm được mà làm thẻ tre. Trên mỗi thẻ tre ghi tên họ
thí sinh. Xong rồi các quan trường ra chia thẻ ấy làm 4 đống cho 4 vi. Căn cứ
theo đó, họ lập ra bảng danh sách thí sinh ở mỗi vi, treo bảng danh sách ấy ở
cửa vi vào chiều hôm trước để thí sinh biết mà vào trường thi khi nghe xướng
đến tên mình.
Chung quanh khu vực trường thi, những dụng
cụ cần thiết cho thí sinh đều được bày bán đầy đủ.
Trước hết, tôi mua cái lều. Đó là một tấm
hình vuông do lá tơi kẹp lại, mỗi cạnh chừng một thước rưỡi. Tôi lại mua 4 cái
trụ, 4 khoanh dây đay, 4 cái cọc tre vót nhọn, 1 cái vồ đục để đóng cọc, 1 chai
đựng nước uống và 1 ống trúc đựng quyển. Ống trúc có nắp, trên nắp có khung để
xỏ giây vào khung ấy mà mang. Tôi không quên mang hương, đèn, giấy cúng, vàng
bạc để khi dựng lều xong thì cúng âm hồn theo lời cha tôi dặn.
Đến ngày thi, tôi thức dậy lúc 1 giờ sáng
để từ nhà trọ lên đường. Vai bên tả tôi mang một cái tráp, trong tráp đựng
nghiên, bút, mực, giấy nháp và các lễ vật để cúng. Cái tráp ấy cũng là cái bàn
để tôi làm bài. Vai bên hữu, tôi mang lều trại, gồm trụ và dây, kèm theo có
manh chiếu con để trải trong trại.
Tôi dò dẫm bước về phía trường thi, lúc
đầu thì còn dễ đi, đến khi gần tới trường, người đông đúc, phải chen lấn rất
khó khăn.
Thí sinh ở Huế thì có cha mẹ, anh em đưa
đi, kẻ mang giúp cái này, người mang cái nọ. Có người mang theo lồng đèn đỏ đủ
màu sắc khiến cho cả khu vực trường thi lấp lánh như sao rất đẹp.
Thí sinh con quan lớn thì sắm cái lều như
cái xe, chung quanh được che bằng lá tơi. Trong xe có cái sạp bằng tre, đặt cái
bàn con ngồi làm văn và viết quyển. Cái lều xe này do 4 người lính đẩy tới cổng
trường mới trở ra.
Thí sinh là con của thường dân thì không
những trăm việc đều tự tay làm lấy, mà khi vào trường còn bị kiểm tra lục soát
rất kỹ.
Tôi xem bảng, biết mình sẽ thi tại vi ất
nên đứng sẵn chờ nghe tên, nhưng người tôi đã thấp bé lại mang đồ đoàn lỉnh
kỉnh, vì vậy có nghe loa gọi tên nhưng không làm sao chen vào để lãnh quyển.
Lúc trời đã sáng, thí sinh vào trường gần hết, tôi mới vào được. Thấy mọi người
chung quanh đã đóng xong lều trại, tôi vội soạn các thứ ra, nhìn chung quanh để
bắt chước họ. Tôi cũng bày các vật cúng ra, đốt đèn, đốt hương, nhưng tôi chẳng
biết khấn vái thế nào, cứ ngồi nhìn đèn hương cháy, rồi đốt mấy tờ vàng bạc,
coi như đã xong buổi lễ. Tôi đang mài mực thì nghe tiếng trống đánh và loa rao:
"Yêu cầu sĩ tử đi biên đề thi!" Tôi lấy giấy, bút mực chạy đến chỗ
tấm bảng để biên đề. Trở về lều, tôi mở đề ra đọc và suy nghĩ về ý nghĩa của đề
thi. Có câu tôi hiểu tường tận, có câu tôi hiểu lờ mờ, có câu tôi thấy mù tịt.
Phải chi hai cậu tôi cùng ở vi tôi, thì tôi có người để hỏi, đằng này các ông
lại ở vi khác, tôi như người tứ cố vô thân.
Nhưng rồi tôi bình tĩnh lại. Tôi nghĩ tôi
đi thi đây có mong gì đậu ông Tú, ông Cử đâu, mà chỉ là đi cho biết trường thi.
Thôi, ai học giỏi thì họ nhờ, mình học dốt thì phải chịu. Rất tiếc là nay đã
sáu, bảy mươi năm trôi qua, tôi không còn nhớ đến đề bài thi cũng như bài làm
của mình. Nhưng có một điều tôi nhớ không sai là "tôi đã lấy râu ông nọ
cắm vào cằm bà kia". Tôi mượn sự việc và chữ nghĩa của ông Hán Cao Tổ mà
tra vào cho ông Tần Thủy Hoàng. Tôi mượn sự dâm ô tàn bạo của ông Trụ mà tra
vào đời hiếu thảo tuyệt vời của ông Thuấn. Tôi cặm cụi nháp và viết được một ít
vào quyển thì nghe trống đánh, loa gọi đi lấy dấu nhật trung là dấu đúng Ngọ,
có ý nhắc nhở cho thí sinh biết là đã thi được nửa ngày rồi, còn nửa phần bài
phải làm vào buổi chiều cho xong, nếu không xong là bị ngoại hạng. Dấu nhật
trung được đóng vào chữ cuối cùng của câu văn mình đương viết trong quyển. Tôi
giở cơm trưa ra ăn, vừa ăn vừa nhìn sang các lều bên cạnh. Tôi thấy ở trại mấy
ông tú tài già, có người xúm xít rất đông, thì thầm to nhỏ. Đó là những người
học lực kém nhưng lại muốn được tiếng đậu trường nhất, trường nhì để về làng
kiếm được chức tổng lý hoặc chạy chọt chút hương sư.
Phần tôi, biết mình phải tự lực nên cố
gắng làm cho đủ bài để viết vào quyển. Kiến thức của tôi không có bao nhiêu nên
đến xế chiều đã xong 5 đạo văn. Tôi cuốn tròn quyển bỏ vào ống, ung dung đi nộp
rồi ra về. Tôi chỉ mang cái tráp có nghiên bút, giấy, còn lều trại và chai,
chiếu, các thứ linh tinh khác, tôi bỏ hết.
Tôi về đến nhà trọ rất sớm. Ông chủ trọ
tưởng tôi bỏ thi, nhưng khi tôi đưa bài nháp ra, ông vui vẻ nói: "Văn bài
cậu thế nào tôi không biết, chớ chữ của cậu tốt quá!" Chữ viết của tôi tốt
là nhờ tôi đã mấy năm giúp cha tôi bán thuốc bắc, giao dịch với chủ tiệm người
Tàu ở Hội An, tôi phải viết các tên thuốc bằng chữ Hán nên quen tay. Hai cậu
tôi thì mãi tối mịt mới về, có lẽ các ông bận làm bài thuê cho nhiều người.
Hơn 10 ngày đi thi ở chốn đế đô, tôi biết
thêm nhiều điều thú vị, nhất là mấy cách gian dối để lấy được điểm cao của một
số sĩ tử:
1. Một cách phổ biến là: Thí sinh cùng ông
tú, cử nào đó ngã giá với nhau đồng ý rồi thì liên hệ với người viết thẻ tre để
đặt vấn đề. Người viết thẻ viết tên thầy vào 1 thẻ, tên thí sinh vào một thẻ
rồi dùng sợ dây rất nhỏ buộc hai thẻ ấy vào nhau. Khi thẻ đã được dồn lại và
phân ra làm 4 phần cho 4 vi, thì thẻ ấy sẽ có mặt ở vi nào đó, thế là thầy và
trò chung một vi.
2. Cái trại của thí sinh con quan lớn được
thiết kế như cái xe đẩy, gồm có 2 đáy. Ông thầy vào nằm ở đáy dưới. Khi trại
được 4 người lính đẩy vào tới trường thi thì ông thầy chui ra, đi lẫn vào đám
đông, cái đáy xe liền bị phá để mất dấu. Đến giờ làm bài, ông thầy xuất hiện,
gà bài cho cậu thí sinh con quan.
3. Gởi gắm cho quan trường. Việc gởi gắm
cho quan trường chỉ dành cho trường hợp các con cháu quan lớn, vì thí sinh đông
đúc, làm sao quan trường biết văn bài của thí sinh được gởi mà cho điểm ưu
tiên? Vì vậy phải có cuộc gặp riêng trước ngày thi. Thí sinh được chỉ vẽ phải viết
một kiểu chữ riêng đặc biệt để khi chấm quyển các quan nhận ra mà nâng điểm.
Trong khoa thi, vui nhất là lễ xướng danh
sĩ tử trúng truyển. Các quan trường, từ chánh chủ khảo đến phó chủ khảo đều mũ
cao áo dài ra dự lễ. Trước cổng trường thi, người đông như hội. Các cử nhân tân
khoa áo khăn đường bệ, trò chuyện hân hoan. Một vài cô thiếu nữ con nhà giàu có
ngồi trên xe kéo gọng đồng bóng loáng, lượn qua lượn lại, hình như muốn cậu tân
khoa nào để ý đến mình.
Người được xướng đầu tiên là thủ khoa cử
nhân. Nhưng loa cứ xướng đi xướng lại năm bảy lần mà chẳng thấy ai lên tiếng.
Mãi sau, dễ có gần đến lần thứ mười, mới có người bước ra, nhận mình là thủ
khoa. Không phải là vị tân cử nhân này không nghe tiếng loa đâu, nhưng đó là
ông ta muốn nhiều người biết đến tên mình, một cách tự quảng cáo khéo léo của
nhà nho lúc bấy giờ, tôi nghe các cụ tú, cụ cử già nói vậy.
Quốc tử Giám ở Huế
Ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa, chế độ
khoa cử Việt là thi Nho giáo. Các kỳ thi
Nho học ở Việt Nam bắt đầu có từ năm 1075 dưới triều Lý Nhân Tông và chấm dứt
vào năm 1919 đời vua Khải Định. Trong 845 năm đó, đã có nhiều loại khoa thi
khác nhau, ở mỗi triều đại lại có những đặc điểm khác nhau, song trong các đời
Lý, Trần, Hồ có một đặc điểm chung là các khoa thi đều do triều đình đứng ra tổ
chức, chỉ đạo thi. Hệ thống thi cử tuyển người làm quan này gọi là khoa cử .
Khoa bảng là cái bảng danh dự, liệt kê tên họ các
thí sinh đỗ đạt học vị trong các kỳ thi cử này, phần lớn được tuyển chọn làm
quan chức cho triều đại phong kiến Việt Nam. Khoa bảng là tính từ để chỉ những
người đỗ đạt này. Thí dụ: “Gia đình khoa bảng” là gia đình có học, có người
trong họ đỗ đạt cao trong những kỳ thi cử do triều đình tổ chức và chấm khảo. Các
kỳ thi theo thứ tự là Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình, học theo mô hình Trung Hoa.
Kết quả các kỳ thi, ai vượt qua kỳ trứơc mới thi tiếp kỳ sau. Đạt mức nào sẽ có các danh hiệu tương ứng tóm tắt như sau:
- Kỳ thi HƯƠNG (Giải nguyên) lấy: Hương cống Sinh đồ.
- Kỳ thi HỘI (Hội nguyên) lấy: Thái học sinh, Phó bảng
- Kỳ thi ĐÌNH (Đình nguyên): lấy
+ Đệ Nhất giáp: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa;
+ Đệ Nhị giáp: Hoàng giáp;
+ Đệ Tam giáp: Hoàng giáp.
Bảng Nhãn: (榜眼) là một danh hiệu của học vị Tiến sĩ.
Được xác định trong kỳ thi bậc nhất của thi Đình, còn gọi là Đệ nhất giáp tiến sĩ xuất thân, đệ nhị danh. Người thi đỗ bảng nhãn đứng thứ hai trong tam khôi (dưới trạng nguyên, trên thám hoa).
Thám hoa (探花) là một loại danh hiệu của học vị Tiến sĩ.Được xác định trong kỳ thi bậc nhất của thi Đình, còn gọi là Đệ nhất giáp tiến sĩ xuất thân, đệ tam danh. Người thi đỗ thám hoa đứng thứ ba trong tam khôi (dưới trạng nguyên và bảng nhãn).
Thái học sinh (太學生) là học vị cấp cho những thí sinh thi đỗ kỳ thi Hội.Học vị này xuất hiện từ khoa thi Nhâm Thìn (1232) đời Trần Thái Tông cho đến khoa thi Canh Thìn (1400) đời Hồ Quý Ly, được xem là tương đương học vị Tiến sĩ, hay trong dân gian gọi là ông Nghè, xuất hiện về sau này, từ khoa thi Nhâm Tuất (1442) đời Lê Thái Tông cho tới khoa thi Nho học cuối cùng ở Việt Nam vào năm Kỷ Mùi (1919) đời Khải Định.
-Kỳ II: chiếu, chế, biểu;
-Kỳ III: thơ phú;
-Kỳ IV: văn sách.
-Kỳ I: kinh nghĩa, thư nghĩa;
-Kỳ II: chiếu, chế, biểu;
-Kỳ III: thơ phú;
-Kỳ IV: văn sách.
Phó bảng (副榜;) là một học vị trong hệ thống giáo dục Việt Nam thời nhà Nguyễn (1802-1945).Học vị ở dưới Tiến sĩ, trên Cử nhân. Người đi dự thi Hội mà không đủ điểm đỗ tiến sĩ, được lấy đỗ thêm để khuyến khích, tên ghi vào một bảng phụ, nên gọi là Phó bảng.
Chính bảng và phó bảng cách biệt khá xa. Ngày ra bảng thi Hội, bảng danh sách các chánh bảng được đặt lên án đỏ, có khăn đoạn vàng trùm kín, che lọng đỏ. Án khiêng đi trước, các quan giám thí tuần sát đem quân lính đi sau hộ vệ, rồi đến quan chủ khảo, quan Tri cống cử ngồi võng đi theo, đến Ngọ môn thì dừng lại đem danh sách vào trình vua theo nghi thức, sau đó lại đem ra rồi cả đoàn lại cứ thế đi đến Phu văn lâu đem bảng treo lên 3 ngày. Bảng danh sách Phó bảng chỉ được đem treo lên một ngày, hôm sau cất đi, không có nghi lễ gì.
Phó bảng không được dự thi Đình để xếp loại tiến sĩ. Từ năm 1851 vua Tự Đức có cho thêm một số Phó bảng có điểm số thi Hội gần với điểm chuẩn đỗ chánh bảng được tham dự thi Đình để có thêm cơ hội phấn đấu. Nếu đạt điểm chuẩn đỗ tiến sĩ thì được công nhận là tiến sĩ, nếu không đạt vẫn được công nhận là Phó bảng.
Hương cống (鄉貢) là một loại học vị được xác định trong kỳ thi Hương.
Vào đời nhà Hậu Lê mỗi khoa thi Hương có 4 kỳ (xưa gọi là 4 trường) kéo dài khoảng 1 tháng. Nội dung thi cơ bản như sau:
Hương cống và sinh đồ là tên gọi do vua Lê Thánh Tông đặt năm 1466.
Sinh đồ (生徒) là một loại học vị xác định trong kỳ thi Hương, thi đỗ kỳ III, vào kỳ IV không đỗ thì được nhận học vị sinh đồ, đỗ cả 4 kỳ được nhận học vị hương cống. Đến năm 1828 vua Minh Mạng mới đổi cách gọi: sinh đồ thành Tú tài, hương cống thành Cử nhân.
Ông Đồ dạy học
Cụ thí sinh!
21 lần đi thi, đến năm 82 tuổi mới đậu cử nhân. Thí sinh đặc biệt nhất của lịch sử thi cử Việt Nam, Đoàn Tử Quang (1818-1928), quê làng Phụng Đạt, xã Phụng Công, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh
Lều chõng của thí sinh
Quan bắc loa gọi tên thí sinh vào trường thi
Xem bảng
Vinh Qui bái tổ
|
Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013
LỀU CHÕNG
Bố đỗ Diplom, Bác Đ N Bạ có bài thơ chúc mừng Ông Bà:
Trả lờiXóaÔng Bà xưa, họa có hay
Khoa nối gót, sắc chen vai
Ba cửa dào nền phúc khánh
Chú Mự rày xem phỏng đã
Mẹ tuổi già, con đậu trẻ
Một nhà vui vẻ tiệc đoàn vien!
HG đọc nhiều đoạn buồn cười quá: :))
Trả lờiXóa"Người được xướng đầu tiên là thủ khoa cử nhân. Nhưng loa cứ xướng đi xướng lại năm bảy lần mà chẳng thấy ai lên tiếng. Mãi sau, dễ có gần đến lần thứ mười, mới có người bước ra, nhận mình là thủ khoa. Không phải là vị tân cử nhân này không nghe tiếng loa đâu, nhưng đó là ông ta muốn nhiều người biết đến tên mình, một cách tự quảng cáo khéo léo của nhà nho lúc bấy giờ, tôi nghe các cụ tú, cụ cử già nói vậy."
Các cụ ngày xưa đi thi cũng "nhiều chuyện" thật! ^^