Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

LỘC VỪNG

Đã đến mùa Lộc vừng rồi em nhỉ!

Đã đến mùa lộc vừng rồi em nhỉ!
Thà là dưới gốc lộc vừng sung mãn lả lơi bên Bờ Hồ và cùng trong thể trạng “Shakespeare đang yêu” thì còn đi một nhẽ! Đằng này, lúc đó cả bọn vừa chui ra khỏi một cái quán xấu điên nằm trong một cái ngõ xấu điên.
Và ăn may thế nào, lại có một quả lộc vừng trồng trong chậu, dù cũng có hoa như ai, nhưng trông cũng xấu điên. Trước đó nữa, cả bọn vừa tám chuyện “Vua Mi – đát thích vàng”. Đứa kể chuyện từng quyết tâm sở hữu hẳn một quả vàng miếng, thế là nhân dịp lãnh tiền tết, lao vào xếp hàng ở Bảo Tín Minh Châu, chờ mãi mới tới lượt, bèn dõng dạc: “Cho em vàng miếng!”. “Mấy cây?”. “Dạ… 2 chỉ!”.  “À, vàng miếng không có loại 2 chỉ nhé!”. Tới lúc đủ tiền quay lại, mua hẳn 1 cây (tức 1 miếng), thì lại nhận được hung tin: Nhà nước cấm bán vàng miếng. Thế là tan tành giấc mơ vàng miếng! Một đứa khác, cũng quyết tâm và dõng dạc không kém, sau bao năm ròng rã tích cóp, bèn rành rọt: “Chị ơi, em cần mua một - lượng - lớn”. “Là bao nhiêu? Có cần giao tại nhà?”. “Thôi em lấy luôn, khỏi phiền! Là… 1 cây!”. Một đứa khác, tầm thường hơn, cũng chỉ mua được 2 chỉ, nhưng tới khi người ta đưa cho 1 quả nhẫn đúc nguyên 2 chỉ, thì ngay lập tức giẫy như đỉa phải vôi: “Có loại nhẫn… 5 phân không em? Lấy loại ấy cho… nhiều!”. 

Cả ba kẻ ngây thơ “sót lại của rừng người” may sao đều không bị bảo vệ đuổi, vì không dưng đến hiệu vàng diễn “Đời cười”. Hỡi ôi là những giấc mơ không lấp lánh nổi của một đời công chức! Hỏi sao không mỗi lúc một hèn đi! Khác nào lộc vừng trồng chậu!
Ấy vậy mà Kính Cận lại bỗng dưng lơ mơ (mà hào sảng) bảo thế, vừa ngay sau câu chuyện tuy trong trắng ngây thơ nhưng vẫn sặc mùi vàng kia. “Đã - đến - mùa - lộc - vừng - rồi - em - nhỉ!”. Gần như là thoáng lặng đi, và mắt dịu hẳn lại, y như lúc bắt gặp cái tựa sách đến là dễ thương của Hàn Quốc: “Ai đã ăn hết những cây sing - a ngày ấy”, dù chả biết cây sing - a ấy là cây gì. Ừ, đã đến mùa lộc vừng rồi nhỉ, vậy mà gần như không đứa nào trong bọn nhận thấy, dù tất cả đều cùng đi qua. Chỉ vì đó là lộc vừng trồng chậu? Còn lộc vừng Bờ Hồ, thì dễ đến mấy tuần nay luẩn quẩn thế nào mà lại quên lên chơi. Hoặc giả, có lên đấy lượn lờ được vài vòng, chưa chắc đã nhớ ngó lộc vừng. 
“Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê”, và giờ là chuyện… lộc vừng? Vẻ như đã sống lầm lụi quá, tất tưởi quá, để quên mất rằng, lộc vừng (kể cả trong chậu) vẫn đều đặn ra hoa, rỡ ràng mà lặng lẽ? Như chính tuổi trẻ đã đi qua, tuổi học trò đã đi xa, để đến nỗi, có lúc cả phượng và bằng lăng nở bàng hoàng khắp thành phố, rồi rụng hoang hoải, cũng không buồn nhận biết. Chỉ lăm lăm ước sao có lúc sở hữu được “vàng miếng” (loại… 2 chỉ), hoặc “một lượng lớn” (cỡ… 1 cây). Trách chi không nhớ lộc vừng!
Kính Cận, nguyên tên thật là Duy Thanh. Cả bọn chơi trò chiết tự, thì tạm dịch nghĩa ra là kẻ đó, cả đời hóa ra chỉ kêu một tiếng. Đúng 1 tiếng, duy nhất. Đại loại thuộc trường phái “tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Phàm đã không hót thì thôi, nhưng một khi đã hót, là phải hót một tiếng hay nhất trong đời, rồi ngay lập tức lao vào bụi rậm, ức tóe máu, cũng vẫn chơi, chả ngán! 
Thế mới bõ một đời chim! Nhưng kể ra, làm thằng đàn ông, mà cả đời chỉ được kêu có đúng một tiếng thì kể cũng chán, nhỉ? Thế chẳng nhẽ, mỗi lúc thăng hoa, lại đành chơi bài ngậm hột thị, quyết “hoãn lại sự sung sướng”? Khác nào Trạng Quỳnh đồng ý cho lính phá nhà, nhưng lại không được hét “hò dô ta”? Đến huấn luyện viên The Voice, giành giật ác chiến thế, mà cũng vẫn còn được quyền bấm nút 16 lần kia mà? Đây, chỉ được kêu đúng 1 lần, quá là chơi khó!

Vậy, nếu chỉ được kêu lên 1 tiếng, đúng 1 lần duy nhất trong đời, thì nên kêu gì nhỉ? Không nhẽ lại kêu: Tại sao già nửa đời người rồi mà tôi vẫn chưa sở hữu được một miếng vàng miếng nào (thực ra là lúc mua được thì không nhớ, mà lúc nhớ thì lại không mua được - éo le thế chứ!)? Tại sao một tâm hồn lớn như tôi lại không thể mua vàng với “một - lượng - lớn”? Tầm thường, tầm thường quá! Đẹp mặt ra thì cũng phải kêu lên được một tiếng, dù chỉ là kêu khẽ, nhưng quá đỗi âm vang như đã nói ở trên: Đã đến mùa lộc vừng rồi em nhỉ? Và đó, biết đâu cũng chính là “vàng”?
Chỉ vì một câu nói ấy thôi mà đêm ấy bỗng quyết tâm về đọc cuốn “Ai đã ăn hết những cây sing - a ngày ấy”. Một cuốn sách mua đã khá lâu, chỉ vì cái tên sách, lại cũng mỏng thôi, vậy mà vẫn chưa lúc nào thu xếp đọc được. Dù mỗi lần đi qua cái gáy sách, cũng bồn chồn sốt ruột lắm, vì đã đưa được nó về nhà rồi mà mãi vẫn chưa biết “ai” là ai, và cái cây sing - a ấy là cây gì. Ngày giờ ngắn quá, một tuần giờ trôi qua nhanh quá, vì bao nhiêu thứ phải sấp ngửa lo toan. Thật đúng là “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con…”! Buồn, nhỉ?
“Ai đã ăn hết những cây sing - a ngày ấy”? Còn ai vào đây nữa! Nếu không phải là mấy cái đứa từng xếp hàng mua vàng miếng (bất thành) ở trên.
locvung@yahoo.com
(LĐ) - Số 135 - Thứ bảy 15/06/2013


Cây sing-aLà cây thuộc họ Rau Răm (hay còn gọi là cây họ Nghể) có tên khoa học là Aconogonum Polymarphum. Đây là loài thân thảo, sống lâu năm, thường mọc ở sườn núi. Thân cây cao khoảng một mét, cành vươn thẳng, nở hoa màu trắng từ tháng Sáu đến tháng Tám, ngọn non và có vị chua nên còn là thứ ăn vặt phổ biến của trẻ con nông thôn Hàn Quốc trước đây. Hiện tại, ở Hàn Quôc không còn nhiều loài cây này nữa.


Lộc vừng:
Lộc vừng, còn gọi là chiếc hay lộc mưng. Cây lộc vừng có thân và gốc đẹp, hoa thường màu đỏ, khi nở có hương thơm, được dùng làm cây cảnh. 
 Trong số những loài cây cảnh, có lẽ lộc vừng là loại cây mà nhiều người ưa nhất. Thích không chỉ ở tên gọi gợi nhớ chuyện “Vừng ơi mở cửa…” mà còn quý bởi chúng thuộc một trong bốn cây cảnh quý “sanh, sung, tùng, lộc” mà  nghệ nhân ca tụng. Lộc vừng - có thân và gốc đẹp, hoa có hương thơm, được người ta ưa thích. Lộc vừng - tên khoa học là Barringtoria acutangula Gaertn , nằm trong bộ tam đa sinh vật cảnh:  cây vạn tuế ứng với thọ, cây lộc vừng ứng với lộc và sung mang nghĩa sung túc, phúc lành. Loại cây lưu niên, tuổi thọ hàng trăm năm; lộc tía, hoa đỏ thõng dài. Chúng mọc nhiều ở thượng nguồn vùng sông Hương, sông Mã, sông Cả và ven bờ sông nước.
Thông thường cây lộc vừng mỗi năm cho hoa 2 vụ, vào các tháng 6 - 7 và  tháng 10 - 11 âm lịch. Cây lộc vừng rất ưa nước nên dễ chăm sóc, có thể bắt lộc vừng nở hoa theo ý.
Hiện ở Hồ Gươm - Hà Nội có 2 cây lộc vừng hoa màu đỏ rực, nở từng dẫy dài rũ xuống mặt hồ. Ai thấy nó rồi vẫn nhớ mỗi lúc đi xa. Không ít danh họa, nhà nhiếp ảnh tìm tới đây để sáng tác những tác phẩm tuyệt vời, góp vào tinh thần nhớ mãi mùa thu Hà Nội. Được biết, ngoài Hà Nội ra còn có những địa danh nổi tiếng về cây lộc vừng mà ai cũng nên biết như: làng lộc vừng Siêu Quần gần 500 tuổi, cách thành phố Huế chừng 40 km về phía Bắc, thuộc xã Phong Bình, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế được bao bọc bởi rừng lộc vừng cổ thụ. Trên con đê làng với hàng nghìn cây lộc vừng xanh mướt chạy dài dọc theo cánh đồng. Đến nay cây lộc vừng vẫn phát triển tốt với diện tích  gần 20 ha.
Lộc vừng hiện được dùng làm cây cảnh giá trị cao. Giá cả thì vô chừng tùy sở thích người mua và sự ra giá của người bán, có thể lên tới trăm triệu một cây cảnh đẹp là chuyện bình thường mà dân thích chơi cây cảnh, những đại gia đang làm ăn phát đạt sẵn sàng đem về trồng.
Mỗi dịp hè về, những người yêu bonsai bắt đầu chờ đợi mùa hoa lộc vừng. Đây là loài cây quý, theo phong thủy lộc vừng được coi là loại cây mang đến tài lộc,theo cha ông xưa thì Lộc ứng với Tài lộc - Vừng ngụ ý là nhỏ nhặt nhưng nhiều, thêm hoa của cây màu đỏ và rất đẹp mang lại ý nghĩa là sự thịnh vượng, chính vì những lẽ đó mà lộc vừng được các nghệ nhân yêu cây xanh bonsai trồng rất nhiều. Trồng cây hoa lộc vừng không khó nhưng chăm sóc để cây sống, phát triển bền lâu và ra hoa được trong ang chậu…lại là việc không dễ chút nào.
Cây cảnh Bonsai có rất nhiều loại khác nhau, có loại Lộc Vừng lá tròn dài, loài hoa màu hồng, màu đỏ màu vàng, loại hoa trắng. Loại nào cũng ra hoa vào thời điểm tháng 6-8 âm lịch thời điểm mưa nhiều. Loài Lộc Vừng lá tròn bao giờ cũng ra hoa sớm hơn, bông dài và bao giờ cũng tàn muộn hơn loài Lộc Vừng lá dài.


Lộc vừng  Siêu Quần:

rung mung




Một cây cổ thụ trị giá cũng 50 triệu đồng nhưng làng không bao giờ muốn bán.    Ảnh: N.Đ.T






      

        

      

     

    

    

     

      

    

   

3 nhận xét:

  1. Những bức ảnh đẹp quá ạ, HG rất thích! Nhà bố mẹ HG cũng có cây lộc vừng hoa đỏ thắm như thế.

    Trả lờiXóa
  2. HG lại quên rùi! Ở nhà bố mẹ HG ngay xưa Cck nhớ là còn có 1 cây Hoa giấy xinh xắn rất đáng yêu. Khi cây lớn , bắt đầu trổ hoa, không biết ai rinh đi đâu mất hút! :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. CCK chỉ xạo thôi! CCK biết HG ngày xưa bao giờ đâu, mà lại còn nhà bố mẹ HG nữa mới "sợ" chứ!!! Đúng là một tấc đến giời (!) :-))

      Xóa