Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

KỂ TỪ GIỜ

Kể từ giờ em hãy sống vì em
Dù mạnh mẽ, hay yếu mềm, cũng được.
Miễn thản nhiên cười và vô tư bước,
Đau khổ hay không là tự do mình.

Kể từ giờ em phải thật là xinh,
Rạng rỡ yêu đời dù mưa hay nắng
Không phải để cho người nào nhìn ngắm,
Bởi thanh xuân ngắn lắm, sắp qua rồi...

Kể từ giờ em phải sống thật vui
Để chôn vùi nỗi buồn vào quá khứ.
Ai tổn thương mình thì cũng nên tha thứ,
Bởi sau cùng em đáng được bình yên.

Kể từ giờ không phải nhớ hay quên,
Không muộn phiền vì một người nào nữa.
Vui đi em, nếu không thì sẽ lỡ
Chuyến tàu mang hạnh phúc đến ga rồi.
(Trích Tự yêu - Du Phong) 

 Kết quả hình ảnh cho kể từ giờ

Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

Tướng Lê Văn Cương: Không nước nào kìm hãm Việt Nam như Trung Quốc

VietTimes - “Vẫn còn một bộ phận không nhỏ, kể cả một số quan chức các cấp vẫn lo sợ Trung Quốc. Khi nào mà vẫn còn tư tưởng sợ Trung Quốc thì không thể bảo vệ được đất nước và đất nước cũng không thể phát triển được”, Tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an nói.
20/4/2016 - 08:10
Tướng Cương
Không có nước nào kìm hãm Việt Nam như Trung Quốc

Thưa ông, việc Trung Quốc đang từng bước khống chế biển Đông, xâm phạm một cách trắng trợn lãnh thổ Việt Nam. Nếu xét về mức độ “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng” và “đặc biệt nghiêm trọng” thì hành động của Trung Quốc hiện đang ở cấp độ nào?
- Trước hết chúng ta phải nói về nhận thức về tầm quan trọng của biển Đông đối với an ninh và phát triển của Việt Nam, rồi sau đó sẽ thấy việc Trung quốc đang làm ở biển Đông thuộc cấp độ nguy hiểm nào.
Có thể nói, suốt thời kỳ thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và giải phóng đất nước năm 1945-1975 chúng ta tập trung vào giành độc lập dân tộc. Các trận chiến chủ yếu trên đất liền, trên biển cũng có, nhưng không lớn. Nhưng sau khi giải phóng miền Nam rồi, biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa trở thành vấn đề đặc biệt quan trong đối với an ninh và phát triển của Việt Nam. Từ trước đến nay phần lớn chúng ta nhìn biển Đông dưới góc độ kinh tế.
Như vậy là chưa trúng và chưa đúng. Biển Đông là hội tụ hai vấn đề quan trọng bậc nhất của Việt Nam là an ninh và kinh tế. Đúng hơn là an ninh và phát triển. Nó có vai trò đặc biệt quan trọng ở chỗ:Thứ nhất, đó là lối ra của Việt Nam. Năm 1956, Bác Hồ đã nói: “Đất liền là nhà, biển là cửa”. Nếu cái cửa này mà bị bên ngoài người ta chặn lại không ra được thì làm sao mà phát triển được. Tuy nhiên, tôi có cảm giác rằng có không ít người trong chúng ta chưa nhận thức được đầy đủ, đúng đắn vấn đề này.
Đáng ra, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) chúng ta phải định rõ chuyện này. Muộn nhất nữa thì đến khi Trung Quốc đánh chiếm Trường Sa 14/3/ 1988 chúng ta cũng phải có một chiến lược về biển. Tuy vậy phải 20 năm sau, năm 2008, chúng ta mới có chiến lược về biển. Điều mà tôi muốn nhấn mạnh là những người có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc phải có một nhận thức đầy đủ, đúng đắn hơn về vai trò và vị trí của biển Đông đối với an ninh và phát triển của Việt Nam.

Ấy là về nhận thức, còn việc làm của Trung Quốc về cấp độ nguy hiểm thì đang ở mức nào, thưa ông?
- Việc làm của Trung Quốc trên biển Đông hiện nay là vấn đề hệ trọng bậc nhất đối với an ninh của Việt Nam. Xét cho cùng thì không có gì hệ trọng hơn thế. Có không ít người thường xuyên nói nguy cơ chính là “diễn biến hòa bình”. Thì đúng rồi, bản chất của Mỹ là “dị ứng” với cộng sản. Nhưng chỉ nói như vậy là không đầy đủ. Mỹ không chỉ tìm cách lật đổ cộng sản, mà tất cả những chế độ mà Mỹ cho là độc tài, không minh bạch, không rõ ràng, không dân chủ Mỹ đều ghét.
Tuy nhiên, nguy cơ này chưa nguy hại trực tiếp bằng việc Trung Quốc đe dọa trên biển Đông. Mỹ chưa làm gì để kìm hãm sự phát triển của Việt Nam cả. Còn Trung Quốc, từ nhiều hướng, bằng mọi cách, bằng mọi thủ đoạn, trên nhiều phương diện, đều tìm mọi cách kìm hãm sự phát triển của Việt Nam, kìm hãm cả về chính trị, cả về kinh tế, cả về ngoại giao và cả về an ninh, quốc phòng.
Tôi đố các anh thấy trên thế giới này có nước nào lại cố tình kìm hãm sự phát triển của Việt Nam như Trung Quốc không? Không có nước nào cả! Không có một nước nào kìm hãm Việt Nam như Trung Quốc. Mà chặn biển Đông chính là chặn con đường phát triển của Việt Nam. Người Việt Nam phải nhận thức ra điều này.
Gạt bỏ tâm lý sợ Trung Quốc

Trên thực tế thì Trung Quốc là một nước lớn trong khu vực, vì vậy tâm lý lo sợ Trung Quốc cũng là một thực tế dễ hiểu. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
-Trung Quốc lớn, nhiều người, nhiều của, nhiều súng đạn…Nhưng không có nghĩa là nước mạnh. Hơn nữa, trên biển Đông Trung Quốc đang thể hiện họ yếu thế nhất. Họ không có cơ sở pháp lý nào cả. Hội nghị G8, tháng 8/2015 ở Đức, trong tuyên bố chung lần đầu tiên có một phần, tuy không nhắc đích danh Trung Quốc, yêu cầu phải có trách nhiệm xử lý các vấn đề biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, không được gây hấn, không được thay đổi hiện trạng.
Nhưng đến ngày 11/4/2016 mới đây, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao 7 nước công nghiệp phát triển, có đại diện Liên minh châu Âu tham dự, đã ra một tuyên bố về an ninh hàng hải, nêu rõ: “Chúng tôi cực lực phản đối mọi hành động gây hấn, cưỡng bức, đe dọa, thay đổi hiện trạng trên biển Đông. Chúng tôi yêu cầu các bên tranh chấp có trách nhiệm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế”. Mặc dù tuyên bố này cũng không có một từ nào nói về Trung Quốc cả, nhưng ai theo dõi tình hình chả biết là Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế đã nhận thức rất rõ về mối đe dọa của Trung Quốc ở biển Đông.
Tôi nghĩ người Việt Nam đừng sợ Trung Quốc. Tồn tại trên đất nước Việt Nam này vẫn có một bộ phận không nhỏ, kể cả một bộ phận quan chức các cấp, vẫn sợ Trung Quốc. Khi nào mà vẫn còn tư tưởng sợ Trung Quốc thì không thể bảo vệ được đất nước. Đất nước không thể phát triển được. Họ mạnh hơn Việt Nam, nhưng trên biển Đông họ thua Việt Nam về cơ sở pháp lý, thua về đạo lý. Hành động vũ phu, chèn ép, cưỡng bức bằng vũ lực, như vậy là không thể chấp nhận được. Cái thua của Trung Quốc nữa là cộng đồng quốc tế luôn đứng về phía Việt Nam.

Thưa ông, có một thực tế là, lâu nay báo chí Việt Nam, người dân Việt Nam phần lớn biết được những việc cụ thể mà Trung Quốc đang làm trên biển Đông lại là từ… báo chí nước ngoài. Tại sao không có một cấp có thẩm quyền nào của chúng ta cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân như quy định? Do chúng ta không nắm bắt được hay còn vì một lý do nào khác nữa?
- Một mặt là chúng ta không có thông tin kịp thời, nhưng chủ yếu là chúng ta biết nhưng dường như không dám nói ra. Nói ra, nhiều khi cứ sợ mấy thứ luẩn quẩn đại loại như: vướng vào chuyện kích động “chủ nghĩa dân tộc” bài Trung Quốc; ám ảnh bởi 16 chữ vàng như cái “vòng kim cô”, trong khi phía Trung Quốc chả coi chuyện này là gì cả. Vẫn là thế. Thực chất là thế. Điều 70 của Hiến pháp nói rằng công dân có quyền được thông tin. Nhà nước có trách nhiệm thông báo kịp thời: Tại giờ ấy, ngày ấy, tháng ấy, tại tọa độ ấy, Trung Quốc đã hành động thế này thế kia. Người dân phải được biết, hệ thống truyền thông phải thông báo kịp thời để người dân được biết. Điều này hoàn toàn khác, không phải là kích động chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc. Người dân cần phải được biết an nguy của dân tộc ở đâu. Nếu không làm chuyện này thì trách nhiệm thuộc về các cấp có thẩm quyền.
Không ai làm thay được chúng ta.

Nhiều người chúng ta đang có tâm lý mong chờ Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… tham gia sâu hơn, mạnh hơn vào việc ngăn chặn Trung Quốc bành trướng trên biển Đông. Tại sao chúng ta không ra hẳn một nghị quyết về biển Đông thay vì ra “nghị quyết” hoan nghênh Quốc hội Mỹ ra nghị quyết về tình hình biển Đông?
- Không ai làm thay được chúng ta cả. Nếu mà chọn một dân tộc lớn tốt với Việt Nam thì không ai bằng Liên Xô trước đây và Ấn Độ cả. Gần 70 năm, từ khi cách mạng thành công, Ấn Độ thực hiện chế độ đa đảng, đa nguyên, lúc thì đảng này cầm quyền, lúc đảng kia cầm quyền, nhưng tình cảm với Việt Nam thì luôn sâu đậm. Nhưng mà họ ở xa và tiềm lực của họ cũng có hạn, nên không thể giúp đỡ chúng ta như mong muốn. Người Nga cũng vậy. Rất tốt. Nhưng khi Trung Quốc đánh chiếm 7 đảo chìm ở Trường Sa ngày 14/3/1988 thì Hạm đội của Nga ở Cam Ranh có hành động gì đâu.
Một ông Thủ tướng Anh cuối thế kỷ 19 nói rằng, không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn. Điều này đúng với 5.000 năm trước và sẽ còn đúng với 5.000 năm tới. Nga không hành động gì cả vì lợi ích. Đừng có mơ hồ. Trung Quốc có làm gì đi chăng nữa thì các nước mạnh lắm cũng chỉ tuyên bố bằng mồm thôi. Tuy nhiên, điều quan trọng mà tôi muốn nói ở đây là, các nước họ ủng hộ Việt Nam đến đâu là do mình có làm được gì mà trong đó có lợi ích của họ không. Việc của mình mà mình còn không làm thì ai làm.
Tại sao khi ta chống Pháp, cả thế giới người ta ủng hộ chúng ta? Xin thưa là vì chúng ta “nai lưng”, đổ xương máu ra chiến đấu chống thưc dân để giành tự do và độc lập. Bao nhiêu năm chống Mỹ cả thế giới đứng quanh Việt Nam là vì mình chống xâm lược. Còn bây giờ mình mà không chống sự bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông thì ai ủng hộ. Bây giờ tôi chỉ nói đơn giản chuyện thế này thôi. “Gã hàng xóm” đẩy cửa vào đập phá nhà “anh”, người dân xung quanh đến giúp, “anh” lại bảo: “Không có chuyện gì đâu. Bạn bè chưa hiểu nhau ấy mà”. Thế thì ai còn có thể giúp “anh” được nữa. “Anh” phải lên tiếng phản đối với tổ trưởng dân phố thì bạn bè, bà con hàng xóm người ta mới đến giúp “anh” chứ. Nó đến nó đập nhà phá phách thế mà “anh” lại bảo không có chuyện gì cả thì thôi chứ còn gì nữa.

Vừa qua cộng đồng quốc tế cũng phản ứng khá mạnh mẽ về hành động ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc trên biển Đông, nhưng Trung Quốc vẫn ngang nhiên thực hiện ý đồ khống chế biển Đông. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?
- Có hai nguyên nhân. Thứ nhất là, chính sách khống chế biển Đông của Trung Quốc là nhất quán và không bao giờ thay đổi. Hai là, phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế chưa đủ sức răn đe Trung Quốc. Họ thấy như vậy nên họ càng lấn tới. Chứ nếu Việt Nam và cộng đổng quốc tế phản ứng mạnh mẽ hơn, tẩy chay Trung Quốc thì chắc chắn một năm sau mưu đồ của Trung Quốc sẽ sụp đổ. Như vậy, muốn hay không muốn họ cũng phải dừng lại. Phản ứng của Việt Nam chưa đủ mạnh, phản ứng của cộng đồng quốc tế chưa đủ mạnh, chưa buộc Trung Quốc phải trả giá.
Trung Quốc đang ráo riết quân sự hóa các đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Trường Sa (ảnh vệ tinh chụp Đá Gạc Ma đang được Trung Quốc lắp đặt thiết bị quân sự)

Ngoài tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm, Trung Quốc đã triển khai tiêm kích J-11B ra đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tôi nhắc lại một câu nói nổi tiếng của Napoleon đại ý rằng, thế giới phải chịu sự tàn phá khủng khiếp chính là do những người tốt không chịu hành động, chứ không phải do kẻ xấu gây ra. Trong trường hợp biển Đông hoàn toàn đúng. Nếu 90 triệu người Việt Nam, 8 tỷ người trên hành tinh nhất tề phản đối thì Trung Quốc không dám làm càn.

Thưa ông, có ý cho rằng, muốn bảo vệ đất nước, muốn đất nước phát triển thì đã đến lúc phải nhận thức được ai là bạn, ai là thù. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Tư duy nước này là bạn, nước kia là kẻ thù là sai với Nghị quyết của Đảng. Chính một số cán bộ, thậm chí cán bộ có trọng trách, đã diễn giải sai Nghị quyết, làm mất phương hướng đấu tranh. Tôi là một trong những người tham gia viết Nghị quyết về chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới năm 2003. 10 năm sau, năm 2013, chúng ta có Nghị quyết bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Nhưng có một luận điểm mà Nghị quyết năm 2013 không thay đổi so với năm 2003. Đó là ta không xác định ai là kẻ thù cả. Nghị quyết của Đảng nói thế này: Những ai ủng hộ sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, ủng hộ đường lối đổi mới của Việt nam thì đó là đối tác của chúng ta.
Bất cứ những ai xâm phạm đường lối đổi mới, phát triển theo định hướng XHCN; bất kể những ai mà xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam thì đấy đều là đối tượng đấu tranh. Vì thế nghị quyết mới nói trong đối tượng có đối tác. Trong đối tác có đối tượng. Ví dụ Mỹ là đối tác kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ quan trọng nhất, nhưng nếu họ lại tìm mọi cách để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng thì về mặt này họ lại là đối tượng để đấu tranh. Ngược lại, Trung Quốc là nước láng giềng, họ là đối tác về kinh tế, nhưng họ lại xâm phạm chủ quyền của ta ở biển Đông nên họ là đối tượng đấu tranh trong lĩnh vực này. Nghị quyết nói rõ ràng mạch lạc thế cơ mà. Chứ còn ai nói rằng Mỹ là kẻ thù vĩnh viễn, Trung Quốc là bạn vĩnh viễn thì đấy là ngụy biện, xuyên tạc Nghị quyết của Đảng và phản bội lại lợi ích dân tộc.  Trung Quốc sắp khống chế toàn bộ Biển Đông

Trung Quốc cứ ngày càng lấn tới, nếu chúng ta cũng cứng rắn chống lại thì điều tồi tệ nhất là sẽ dẫn tới chiến tranh. Liệu điều xấu nhất ấy có xảy ra không, theo ông?
- Theo tôi thì Trung Quốc chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh. Mà họ cũng chẳng dại gì lại đi phát động chiến tranh cả. Họ đang áp dụng chiến lược của Quản Trọng (một chiến lược gia tài ba thời Xuân Thu, 685 TCN- NV) “Không đánh mà vẫn thắng”.

Vậy, theo ông thì Trung Quốc sẽ hành động như thế nào trong thời gian tới?
- Nếu chúng ta không có những hành động mạnh, quyết liệt thì chỉ trong vòng 15 tháng nữa (đến nửa đầu năm 2017) Trung Quốc sẽ khống chế toàn bộ biển Đông. 15 tháng còn lại kể từ tháng 4 năm 2016 này, Trung Quốc sẽ hoàn thiện tất cả các căn cứ quân sự ở biển Đông, đưa máy bay ném bom chiến lược H-6, H-6K xuống sân bay đá Chữ Thập, đưa máy bay tiêm kích J-10, J-11 xuống sân bay Gạc Ma, lắp thêm hàng chục ra đa tần số cao phục vụ quân sự ở các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa; đưa thêm các tên lửa hành trình YJ-62 chống hạm, đưa một loại tên lửa đạn đạo tầm bắn 1.400km đến Phú Lâm và các đảo khác nữa. Coi như họ hoàn thiện hệ thống quân sự trên biển Đông và khống chế hoàn toàn biển Đông.

Chẳng lẽ chúng ta chấp nhận điều ấy?
-Nếu ta cứ ngồi yên như hiện nay thì họ sẽ làm như vậy.

Trước tình thế như vậy, là người có nhiều năm nghiên cứu về tình hình biển Đông, theo ông Việt Nam cần phải làm gì?
- Trung Quốc trắng trợn thay đổi hiện trạng như vậy trên biển Đông mà ta phản ứng của chúng ta mới chỉ ở mức Người phát ngôn Bộ Ngoại giao thì không được. Phải là ở cấp cao nhất. Phải là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao gửi công hàm cho Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Phải là Thủ tướng Chính phủ gửi công hàm cho Thủ tướng Trung Quốc. Phải là Chủ tịch nước, Tổng Bí thư gửi cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc công hàm phản đối chuyện này, nhắc lại với họ rằng, Việt Nam rất quý trọng quan hệ Việt- Trung, nhưng những việc làm của Trung Quốc trên biển Đông đã đi ngược lại hệ thống luật pháp quốc tế, đi ngược lại 7 lần Lãnh đạo Trung Quốc cam kết với Việt Nam. Ông Hồ Cẩm Đào, ông Ôn Gia Bảo: 3 lần hứa với Việt Nam. Ông Tập Cận Bình: 3 lần hứa với Việt Nam. Ông Lý Khắc Cường một lần hứa với Việt Nam. 7 lần hứa, nhưng không thực hiện. Sau đó thông báo kịp thời thực trạng biển Đông cho người dân biết.

Còn người dân có được quyền phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc bằng các hình thức như biểu tình chẳng hạn?
- Quan điểm của tôi là cho phép người dân biểu tình trong trật tự luật pháp. Ở nông thôn, ở thành phố người dân được biểu tình. Hàng ngàn người xuống đường không ảnh hưởng đến các hoạt động của xã hội, chỉ hô vang các khẩu hiệu: “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam!”, “Phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc xâm chiếm trái phép lãnh thổ Việt nam!”. Hô khẩu hiệu rền vang từ núi rừng, nông thôn đến thành phố phản đối Trung Quốc quân sự hóa biển Đông, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Tuy nhiên không cho phép ai kích động người dân chống Trung Quốc một cách cực đoan. Chúng ta phải phân biệt 1 tỷ 300 triệu người Trung Quốc với nhà cầm quyền Bắc Kinh. Người dân Trung Quốc họ cũng nhân hậu lắm, hòa hiếu như người Việt Nam thôi, chứ đừng có “vơ đũa cả nắm”. Tại sao chúng ta lại không hoan nghênh những người dân Trung Quốc ủng hộ Việt Nam? Đi biểu tình một cách văn minh, không ảnh hưởng đến trật tự giao thông, không đụng chạm đến sứ quán và các cơ quan đại diện, văn phòng, doanh nghiệp của Trung Quốc.
Xin cám ơn ông!
Lê Thọ Bình - Phạm Đức Bảo 



https://www.youtube.com/watch?v=HrD2pZhEvEE

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Chùm thơ tình bên cây Hoa Gạo tháng 3



1-Bài Thơ: Hai mùa hoa
Tác giả: Nguyễn Văn Chiêu

Tháng ba năm trước mộng mơ
Màu hoa gạo đỏ tựa như máu hồng
Chiều buông vương sợi tơ lòng
Buộc anh chặt lại tình nồng duyên trao

Bàn tay vuốt nhẹ má đào
Bóng em nghiêng thỏa lối vào chiều hôm
Nồng say mộng đắm tương hồn
Tay chèo khua nhẹ trăng vờn cõi mơ

Dập dềnh con sóng đôi bờ
Thuyền trôi dưới ánh trăng mờ đêm thâu
Năm nay hoa gạo đỏ màu
Em đâu chẳng thấy ruột nhàu buồn vương

Anh về tìm bến sông tương
Con thuyền tách bến lạc đường nẻo xa
Bỗng nghe có tiếng chim ca
Tiếng kêu thổn thức lời đà ái oan
Lời chim hót líu than van

Duyên xưa đứt đoạn xua tan mộng rồi
Nghe chim đã biết tình đời
Mây trôi nẻo khuất tình tôi héo sầu

Ngày quen hứa buộc chỉ màu
Se duyên đỉnh ước hẹn câu chung tình
Lời thề còn đọng môi xinh
Lòng em đã vội cắt tình duyên ngang

Để cho duyên phận bẽ bàng
Đêm nay nhìn ánh trăng vàng rượu suông
Trời khuya lá đẫm giọt sương
Vẳng đâu tiếng nhạc ai đương dạo đàn

Anh không nỡ vội trách hờn
Có duyên không nợ dập dờn sóng trôi
Anh tìm bến khác cùng người
Dù cho không đẹp sắc ngời như em

Chỉ cần hương lửa ấm êm
Thuận buồm xuôi gió bên thềm giăng hoa
Chúc em hạnh phúc nẻo xa


Mai sau có gặp cũng là bạn nhau
Cuộc đời như những chuyến tàu
Hành trang kỷ niệm cho nhau còn gì
Đoàn tàu chuyển bánh ra đi
Sân ga có một bờ mi thoáng buồn.





2-Bài Thơ: Ký ức cây Gạo
Tác giả: Cẩm Chi Châu
Bông hoa gạo rơi rơi đầy dưới gốc
Để tình anh bỗng chốc hóa tro tàn
Như hoa gạo rực đỏ một phím đàn
Buông một tiếng giữa muôn vàn tiếng gió

Cây hoa gạo giữa cánh đồng trước ngõ
Vẫn con đường tuy nho nhỏ thân quen
Dưới gốc gạo chẳng hoa cỏ bon chen
Vẫn một mình chẳng ai ghen ai tức

Hoa gạo rơi là lòng anh rạo rực
Đã xa nhau một ký ức học trò
Ngày hai đứa mũi vẫn chảy thò lò
Dắt nhau đi nhảy lò cò đến lớp

Có những lúc cành gạo che tia chớp
Đôi chim non ngơm ngớp ở cành cao
Cành khẳng khiu khoe dưới ánh trăng sao
Lọt vào mắt khi em chao nón lá

Ký ức ngày nào sao mà nhớ quá
Anh nhớ em khi đôi má ửng hồng
Anh ước mơ mình là vợ là chồng
Mà em chẳng dành tình nồng chờ đợi

Để hôm nay anh nhớ em vời vợi
Chờ hoa rơi anh vẫn đợi em hoài
Nhưng đời em cuộc sống đã an bài
Nay chỉ đợi hoa gạo rơi anh ngắm

Hoa gạo ơi sao sắc màu đỏ thắm
Để tình trôi xa vạn dặm người ơi
Ký ức xưa đang găm ở giữa trời
Và rơi xuống giữa đường đời sâu thẳm.




3-BÀI THƠ: NỖI LÒNG HOA GẠO
Tác giả: Ninh Tùng Giang
Lưng trời rực rỡ Mộc miên hoa
Điểm xuyết từng mây, giọt nắng nhòa
Lửa dạ bồi hồi, trông Hạ đến
Mưa lòng quyến luyến, tiễn Xuân qua

Nhụy vàng ấp ủ đang còn vẹn
Cánh thắm khoe tươi, chẳng vỡ òa
Nhắn gửi người xa, mùa Gạo nở
Mộc Miên mãi đợi bến giao hòa!...



 


4-BÀI THƠ: EM NGHIÊNG
Tác giả: Toàn Tâm Hòa
Em nghiêng cái nắng tháng ba
Hứng hoa gạo rụng la đà bên sông
Hạ về khắp cả trời không
Hanh hao con nắng trải đồng vàng mơ

Em nghiêng chiếc nón bài thơ
Để tôi đánh rớt câu thơ của mình
Biết cố ý...hay vô tình
Em đong đưa một ánh nhìn...tôi say

Em nghiêng theo gió lắt lay
Để cho suối tóc vờn bay mộng thường
Lạ kỳ một chút vấn vương
Con tim loạn nhịp...cứ đường đột rung

Em nghiêng gót ngọc ung dung
Kiêu kỳ một chút, lạnh lùng bước qua
Tay cầm hoa gạo tháng ba
Để cho ai đó gần xa...yêu thầm.



5-BÀI THƠ: LỠ MỘT MÙA HOA
Thơ: Phú Sĩ
Anh lại chờ đến mùa hoa gạo nở
Tìm lại mình một khoảng lặng đơn côi
Mùa hoa xưa nay đã khuất xa rồi
Bởi ngày ấy anh vô tình gác lại

Anh bỏ quên nỗi lòng hoa hoang dại
Quên chiều vàng tê tái cánh hoa rơi
Bước lang thang quên lối cũ chiều trôi
Khi quay lại xa rồi màu hoa đỏ

Anh có biết cánh hoa buồn ngày đó
Như tiếng lòng mong đợi kẻ quên đò
Để mùa về cơn gió gói mùa đi
Để hôm nay còn gì trong kỷ niệm

Anh có nhớ chuyện tình hoa sim tím
Sắc hoa tàn ngất lịm nhạt màu mây
Còn lại gì hương lan tỏa đâu đây
Đã lỡ rồi một mùa hoa ngày ấy...


 


6-BÀI THƠ: MÙA HOA GẠO
Thơ: Bình Minh
Xưa anh hẹn đến mùa hoa gạo đỏ
Anh trở về để thỏ thẻ lời yêu
Thời gian đi mặc nắng sớm mưa chiều
Hậu phương đó em đây nhiều ngóng đợi

Xuân đã sang trời quê xanh vời vợi
Lại đến mùa hoa Gạo ngóng người đi
Hải đảo xa anh có nhớ những gì
Lời buổi ấy thầm thì trong nắng sớm

Em vẫn biết khi tình ta vừa chớm
Lại chia xa mỗi đứa một con đường
Để tình đầu còn mộng mị vấn vương
Sầu lưu luyến quê nhà thương em đợi

Dù cách xa đôi khi lòng chới với
Mong anh về bên bến đợi hôm mai
Rồi một ngày nắng đẹp một thân trai
Về cùng em sải chân dài ta bước

Anh ra đi vì quê hương đất nước
Đón anh về chung bước một mùa hoa!




7-THƠ HỌA ẢNH: MÙA HOA GẠO
Tác giả: Chieu Nguyen Van
Cành gạo khoe màu đỏ sắc bông
Thầm phô nét đẹp ở bên đồng
Quê nhà em hứa nguyền tâm vẹn
Phố thị chàng còn trọn ý không

Mãi giữ tình yêu lòng đã nguyện
Vẫn gìn chữ nợ dạ từng trông
Chờ buồng cau trổ trầu xanh lá
Sính lễ vu quy thỏa mặn nồng.




8-THƠ TÌNH MÙA HOA GẠO
Tác giả: Cao Hằng
Em có nhớ mùa hoa gạo trước
Xưa một thời nguyện ước ta trao
Với anh luôn thấy nghẹn ngào
Vì rằng nó đã in vào đáy tim.

Ngày tạm biệt em tìm đường mới
Dẫu biết rằng chới với lo toan
Hẹn nhau sau nếu chu toàn
Không quên mùa gạo em ngoan sẽ về.

Anh tìm kiếm đam mê thuở dại
Của những ngày hứa mãi trao nhau
Nhặt bông hoa rụng úa màu
Nâng lưu tự hỏi mà đau cõi lòng

Nhớ ngày ấy chong chong mộng ước
Mong đến ngày kiệu rước em qua
Kết duyên se thắm mặn mà
Mà giờ cách trở, nhạt nhoà tháng ba.

Chùm thơ tình hoa lục bình với kiếp lênh đênh, trôi nổi



1-BÀI THƠ: HƯƠNG LỤC BÌNH
Tác giả: Giọt Buồn Không TênEm là vậy một loài hoa mộc mạc
Vẫn lặng thầm trôi dạt tháng ngày qua
Không kiêu sa không hương sắc mặn mà
Màu tim tím đậm đà trên quê ngoại

Lá buốt xanh sắc màu duyên con gái
Nhụy vàng ươm ngơ ngẩn mãi hồn tôi
Tím thủy chung cho lòng chợt bồi hồi
Hương nhè nhẹ khi màn đêm giăng lối

Thương thân em cả một đời trôi nổi
Mãi lênh đênh không mõi bước sông hồ
Đời bềnh bồng xuôi con nước nhấp nhô
Mặc ngày tháng đẩy xô theo sóng bạc


Cả đời em là nỗi buồn man mác
Sống cô đơn trong khao khát đợi chờ
Nhìn bầu trời bằng đôi mắt ước mơ
Cho hương sắc lững lờ trôi xa mãi


Bởi tên em chỉ là loài hoa dại
Hương Lục Bình còn đọng mãi trong tôi.



2-BÀI THƠ: KIẾP LÊNH ĐÊNH 

Tác giả: Bình Minh
Ta trả cho người giấc mộng xưa
Những chiều nắng tắt những cơn mưa
Em về nơi ấy bình yên nhé!
Một kiếp lênh đênh mấy cho vừa

Lạnh lùng trôi dạt giữa dòng sông
Áo mặc phong phanh tím sắc nồng
Ôi cái thân em loài hoa cỏ
Lên tủi phận đời sắc hư không

Mây trôi bèo dạt ở khúc sông
Sắc tím theo anh khỏi chạnh lòng
Bãi bùn em đậu không sầu úa
Cát sỏi đá cằn chết lạnh đông.




3-BÀI THƠ: NHƯ CÁNH LỤC BÌNH
Tác giả: Nhật Lệ
Cuộc đời trôi nổi mênh mông
Xót xa cho phận bềnh bồng vô duyên
Yêu người mong phút thuyền quyên
Nhưng sao chỉ nhận ưu phiền trong tim

Cố công dầy sức đi tìm
Ước mơ nhỏ bé đang chìm tháng năm
Hạnh phúc nào quá xa xăm
Người ta khuất bóng bặt tăm bỏ mình

Thân tôi như cánh lục bình
Trên sông bát ngát lặng thinh chốn này
Rộ hoa cho bướm vui say
Rồi khi hết mật chờ ngày lãng quên

Dòng lệ chảy ngược lên trên
Bàn tay níu giữ bấp bênh mối tình
Hãy đưa tôi đến bình minh
Để tôi thấy nó đẹp xinh thế nào

Ai trong êm ái ngọt ngào
Sao tôi mang nặng nỗi đau...lục bình.../.



4-THƠ LỤC BÁT: TÂM SỰ LỤC BÌNH 

Tác giả: Nguyễn Đình Huân
Trên sông có một loài hoa
Vừa trôi vừa nở mặn mà chân quê
Chiều chiều ra đứng chân đê
Nhìn theo hoa tím trôi về nơi đâu

Xứ người em đã làm dâu
Bỏ anh ở lại nỗi sầu lênh đênh
Như bông hoa tím bồng bềnh
Lục bình ơi! đứng ven kênh anh chờ

Hoàng hôn buông xuống tím mờ
Ngóng em chỉ thấy lập lờ bèo trôi
Em về đâu giữa dòng đời
Bên sông anh thấy mưa rơi trong lòng

Em về nơi ấy vui không
Có được hạnh phúc bên chồng xứ xa
Có khi mô chợt nhớ nhà
Nhớ lục bình tím loài hoa quê mùa

Nhớ anh hàng xóm ngày xưa
Chèo con xuồng nhỏ đón đưa đi về
Khi xưa em đã hẹn thề
Mai sau em sẽ là thê của chàng

Bây giờ em đã sang ngang
Tình sao cay đắng bẽ bàng người ơi.



5-THƠ LỤC BÁT: LONG ĐONG NHƯ CÁNH LỤC BÌNH 

Tác giả: Toàn Tâm Hòa
Anh về tìm lại dấu yêu
Hoàng hôn tím cả trời chiều buồn tênh
Sông chiều lặng gió mông mênh
Con đò rẽ nước lênh đênh ngược dòng

Từ ngày em bước theo chồng
Như con sáo sậu sổ lồng bay xa
Câu hò chiều vọng ngân nga
Mà quay quắt nhớ người ta não lòng

Tôi về ngồi tựa bến sông
Nhớ từng kỷ niệm đếm đong một mình
Nhìn theo những cánh lục bình
Thấy đời đầy những gập ghềnh truân chuyên

Em đi xây mộng thuyền quyên
Có khi nào nhớ một miền xa xưa
Con sông, bến nước, rặng dừa
Những đêm trăng sáng đong đưa trao tình

Thấy mình phận số chênh vênh
Thân như những cánh lục bình long đong
Xuôi theo nước lớn, nước ròng
Cuốn trôi hết tuổi xuân hồng đơn côi

Tôi tìm ký ức xa xôi
Một thời hoa mộng xa rồi còn đâu!



6-BÀI THƠ: HOA LỤC BÌNH
Thơ: Phan Thanh Tùng 

Thân em như cánh lục bình
Nổi trôi con nước duyên tình lẻ loi
Phận đời bèo dạt mây trôi
Nên em đâu dám màng nơi sang giàu...

Lỡ yêu sai mối tình đầu
Nên em trôi nổi chân cầu, bến sông
Mỗi khi con nước lớn ròng
Em lên em xuống bềnh bồng thế thôi.

Thân em hèn hạ anh ơi
Nhưng em vẫn giữ cho đời mảng xanh
Ba chìm, bảy nổi lênh đênh
Đến mùa hoa tím chòng chềng lòng ai..?

Đợi gì trong đám con trai
Qua cầu rút ván bi hài mình em
Xát thân bèo bọt yếu mềm
Nát tan hóa tí bùn nhèm đáy sông!

Em mơ có một mảnh Chồng
Quàng lên áo phụ tan bồng lệ rơi
Em nguyện đến hết kiếp người
Kiếp sau em vẫn yêu người ấy thôi...!

BÁN HÀNG CHỢ

BÁN HÀNG CHỢ 

Của ngon vào chợ tìm ngồi
Thách nài là việc của người bán mua
Dằng dưa thì chợ mau trưa
Đưa về thì ngại, đổ bừa tiếc ngơ!
Tình tang là chuyện ỡm ờ
Nằn nì chóng chán, bâng quơ lại vồ!

7-4-2017-hxd
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi

Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

VỀ THƠ ĐƯỜNG

Tác giả: Trần Ngọc Diệp
Trước tiên mình xin chép mấy bài thơ Đường của các nhà thơ nổi tiếng,để mọi người tham khảo.

1- THAN NỢ.
Quản chi công nợ có là bao!
Nay đã nên to đến thế sao?
Lãi mẹ lãi con sinh đẻ mãi,
Chục ba chục bảy tính làm sao.
Ra đường kẻ cả dừng chân hỏi,
Vào cửa người sang ngửa mặt chào.
Quyết chí phen này trang trải nợ,
Cho đời rõ mặt cái thằng tao!
Nguyễn Khuyến.


2-THƯƠNG VỢ!
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo xèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng mười mưa,dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.

Tú Xương.

3-HANG CẮC CỚ
Trời đất sinh ra đá một chòm,
Nứt làm hai mảnh hỏm hòm hom.
Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn,
Luồng gió thông reo vỗ phập phòm.
Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm,
Con đường vô ngạn tối om om.
Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc,
Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm.
Hồ Xuân Hương.

Thơ Đường thể thất ngôn bát cú (7 chữ, 8 câu), là một thể thơ có niêm, vận rất nghiêm, đến mức khắt khe. Vận (vần) phải là thanh bằng, nghĩa là thanh huyền hoặc thanh không. Vần nằm ở chữ thứ 7 của các câu 1, 2, 4, 6 , 8.

Câu 1 và 2 của bài thơ gọi là 2 câu mở, câu 3, 4 là 2 câu thực, câu 5, 6 là 2 câu luận, câu 7,8 là hai câu kết. Câu 3 và câu 4 phải đối nhau, đối lời, đối ý. Câu 5 và 6 cũng phải đối nhau như vậy. Câu 1, 2, 7, 8 không cần đối.

Dưới đây là sơ đồ luật:
Luật bằng vần bằng :
1- B B T T T B B
2- T T B B T T B
3- T T B B B T T
4- B B T T T B B
5- B B T T B B T
6- T T B B T T B
7- T T B B B T T
8- B B T T T B B.

* Luật trắc vần bằng :
1 - T T B B T T B
2 - B B T T T B B
3 - B B T T B B T
4 - T T B B T T B
5 - T T B B B T T
6 - B B T T T B B
7 - B B T T B B T
8 - T T B B T T B.

B là bằng gồm thanh huyền và thanh không, T là trắc gồm các thanh sắc, hỏi, ngã, nặng.
Luật là vậy, tuy nhiên cũng có gợi ý: 1, 3, 5 tùy ý, 2, 4, 6 phân minh.

Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

VỀ "CON LẠC CHÁU HỒNG"

Viết nhân ngày giổ Tổ

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba.


Hai chữ Lạc Hồng bắt nguồn từ đâu?
Với môn lịch sử đa số chúng ta là người ngoại ngạch. Nhung dù sao vẫn là con dân Việt.

Theo truyền thuyết, Đế Minh- một vị vua đất Bắc khi tuần du phương Nam đã mang một phụ nữ đẹp về làm vợ sinh ra Lộc Tục. Ông cho con lớn Đế Nghi làm vua đất Bắc và để chàng con thứ Lộc Tục thông minh hơn cai trị phương Nam hiệu là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương kết hôn với Long Nữ sinh ra Sùng Lãm tức là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Nghi là Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, dòng giống Việt ra đời. Con của Âu Cơ gọi là Hùng. Hùng trưởng hay con cả của Mẹ Âu Cơ lên làm vua, đó là Hùng Vương đời thứ nhất. Vua đặt tên nước là Văn Lang; quan văn gọi là Lạc hầu; quan võ gọi là Lạc tướng còn dân tình gọi là Lạc dân. Ấy là truyền thuyết. Và cũng mãi sau này đọc thêm mới biết vậy. Trước đây mình đâu có để tâm môn lịch sử cho lắm, học đối phó là chính.

Cách nay ít năm, trong lần về Phú Thọ, tôi đã ghé thăm bảo tàng Hùng Vương. Dịp đó mới ngắm kỹ các họa tiết trống đồng: cảnh sinh hoạt; con thuyền; chim Lạc; cách ăn mặc... Cảm giác lúc ấy rất hồ nghi, cứ như đang xem bức phù điêu mô tả về người da đỏ Bắc Mỹ vậy.

Với hai chữ Lạc Hồng, có mấy chủ thuyết sau.
Nhà nghiên cứu Đào Duy Anh - trong các cuốn Lịch sử Việt Nam cổ đại và Nguồn gốc Dân tộc Việt Nam đã cho rằng nguồn gốc người Việt cổ bắt nguồn từ vùng Động Đình Hồ Vân Nam mà sử Tàu xưa gọi là Bách Việt, trong quá trình Nam tiến đã hợp huyết với người bản địa; sinh ra người Việt Mường cổ. Những cái thuyền trên trống đồng là thuyền người Giang Nam di cư về phương Nam. Còn những con chim đó là chim Lạc - vật tổ của người Việt- loài chim có nguồn gốc từ vùng Giang Nam di cư theo người Việt dọc theo miền duyên hải. Sách Lĩnh Nam Chích Quái có đề cập đến họ Hồng Bàng. Và chữ Hồng hay Hùng chỉ rằng dân Việt có nguồn gốc từ họ Hồng Bàng. Một người bạn đã từng theo học nhiều Gs sử học nổi tiếng Trần Quốc Vượng; Phan Huy Lê; Hà Văn Tấn thì cho biết rằng chữ Hùng trong chữ vua Hùng bắt nguồn từ tiếng Mường cổ để gọi người đứng đầu.
Có nhà sử học cho rằng Gs Đào Duy Anh đã viện dẫn cổ sử để sáng tác.ra câu chuyện về nguồn gốc người Việt cổ và chữ Lạc chả liên quan gì tới hình con chim trên trống đồng Ngọc Lũ. Nhưng các nhà lịch sử sau này đều dẫn theo Đào Duy Anh cho rằng Lạc là tên loài chim đã di cư theo người Việt xuống phía Nam -totem của người Việt. Còn một nhà sử học khác lại trích dẫn nhiều thư tịch cổ; ví dụ một đoạn trong sách Tàu cổ Giao châu Ngoại vực ký ghi "Ở đất Giao chỉ có Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng ... Họ sử dụng hoa lợi từ Lạc điền" và nhiều cổ thư Tàu khác để chứng minh rằng lập luận của cụ Đào Duy Anh là chưa đủ cơ sở. Ông cho rằng Lạc Việt là cách người Tàu gọi đất nước của người Việt xưa kéo dài từ vùng Vân Nam Quý Châu đến mạn Quảng Bình sau này.

Ở Trung quốc; dân tộc Choang phân bố chủ yếu ở Quảng Tây. Họ có tiếng nói và chữ viết riêng, có nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Trong từ vựng của người Choang, Lạc = hiểu biết, minh triết. Người Choang biết đúc trống đồng và cũng có truyền thuyết đẻ trăm trứng. Vậy chữ Lạc là tiếng Choang?

Đa số học giả Việt, Pháp và Thái lan cho rằng Lạc Việt là cái tên người Tàu gọi một tộc người sống ở vùng Bách Viêt - Giang Nam Phúc Kiến ngày nay. Người Lạc Việt được cho là thủy tổ của người Kinh; người Mường và người Choang và người Bố Y. Số khác cho rằng Lạc Việt là cách người Tàu gọi đất nước của người Việt (Yue) cổ.

Vậy ngày giỗ Tổ có rừ khi nào? Và đó là ngày giỗ vị vua nào ? Sách sử chép lại rằng trong 18 đời vua Hùng đã có tới 108 vị vua từng trị vì chứ không phải 18 vị như nhiều người vẫn nghĩ. Có suy luận răng đó là ngày giỗ Lạc Long Quân- người sáng lập triều đại Hùng Vương nhưng ý kiến này không có cơ sở. Sau khi con trưởng lên ngôi vua thì ngài cũng không ở lại và không biết ngài đi đâu. Ghi chép xưa nhất còn lại là sắc chỉ của vua Minh Mạng năm 1917 sức cho tỉnh Phú Thọ lo việc cúng tế các vua Hùng vào ngày 10 tháng Ba âm lịch. Tất nhiên, việc cúng tế này đã được duy trì từ rất lâu trước đó.

Lịch sử thường được viết lại theo hướng tự tôn dân tộc. Đâu phải nhà sử học nào cũng làm được như dòng họ nhà Tư Mã Thiên!

Cá nhân tôi nghĩ rằng cho dù các từ Lạc Hồng có gốc gác từ tiếng Hán; tiếng Việt hay tiếng Choang cổ thì "con Lạc cháu Hồng" vẫn đang là niềm tự hào của con dân đất Việt!
Blog Phạm Văn Quang


Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

HOÀNG HÔN

 HOÀNG HÔN
Chói chang suốt cả ngày cô đơn
Mặt trời chìm im khe nước nhỏ
Một mình chơi trốn tìm ở đó
Để muộn chiều tím lịm hoàng hôn!
2/4/2017-hxd
(Ảnh St)


Ảnh st