Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

TIẾNG NGHỆ
Tác giả: Nguyễn Bùi vợi


Cái gầu thì bảo cái đài
Ra sân thì bảo ra ngoài cái cươi
Chộ tức là thấy mình ơi
Trụng là nhúng đấy đừng cười nghe em
Thích chi thì bảo là sèm
Nghe ai bảo đọi thì đem bát vào
Cá quả lại gọi cá tràu
Vo troốc là bảo gội đầu đấy em…
Nghe em giọng Bắc êm êm
Bà con hàng xóm đến xem chật nhà
Răng chưa sang nhởi nhà choa
o đã nhốt con ga trong truồng
Em cười bối rối mà thương
Thương em một lại trăm đường thương quê
Gió Lào thổi rạc bờ tre
Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn
Chắt từ đã sỏi đất cằn
Nên yêu thương mới sâu đằm đó em.


Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi sinh ngày 5-11-1933 tại Cát Văn, Thanh Chương, Nghệ An, mất ngày 8-5-2008. Ông từng học sư phạm tại Nam Ninh, Trung Quốc từ năm 1953-1956. Sau khi nhận bằng cử nhân, ông về dạy học tại Vĩnh Phú, sau đó chuyển công tác sang Ty Văn hóa Vĩnh Phú và là một trong những người sáng lập Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phú (cũ). Từ năm 1976-1996, ông công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Các tác phẩm tiêu biểu gồm: Con gái cô Út Tịch (truyện thơ, 1968), Trống trận đêm xuân (truyện thơ, 1970), Gươm thề Lũng Nhai (truyện thơ, 1982), Bông hoa cỏ - mặt gương soi (1982), Gió nóng (1983), Nắng đất rừng (truyện dài, 1984), Thơ giữa đời thường (1986)... Nhắc đến nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, độc giả không thể không nhớ tới các bài thơ nổi tiếng của ông như Tiếng Nghệ, Qua Thậm Thình...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét