1. Định hướng của cô giáo
Cái Loan học ở lớp cháu là con cô Lý
Hiệu trưởng. Hồi học lớp 1,
tên của nó là Phạm Thị Loan. Lên lớp 2 đổi thành Phạm Bích Loan, sang năm lớp 3
nhãn vở của nó là ghi là Phạm Kiều Loan và cho đến bi giờ, lớp 5, tên của nó là
Phạm Mỹ Loan.
Thằng Lâm toét ghét cái Loan lắm nên giờ
ra chơi viết thêm dấu nặng
vào tất cả nhãn vở của cái Loan thành “Loạn”. Cái Loan khóc
dãy dụa rồi chạy lên mách mẹ nó! Chiều hôm í thằng Lâm bị cô chủ nhiệm áp tải
lên ngồi ở phòng làm việc của Ban Giám hiệu viết liền một lúc 4 bản kiểm điểm.
Cái Loan gầy như con cò bị kiết lỵ
(đấy là lời thằng Lâm toét hay gọi thế). Hai mắt nó cận lòi, làm gì cũng lóng
nga lóng ngóng. Ngồi trong lớp nghe giảng mồm nó thường há ra chảy cả nước dãi nhưng
chả nhớ gì (thằng Đức đen bảo nó nghe bằng mồm nên kiến
thức chui cả vào bụng, cứ ỉa là hết). Học trước, quên sau thế nhưng khi nào bảng xếp loại
học lực của nó cũng đều đạt loại giỏi!
Giờ ra chơi nhảy dây nó cứ lăn xả vào nhảy, không vướng
chân thì cũng vướng tay, ngã uỳnh uỵch… Nó hát rất
tệ, nghe cứ như
mèo cái gào đêm, nhưng cậy là con cô Lý hiệu trưởng nên bao giờ nó cũng được cô giáo cử lên
hát và cả lớp phải vỗ tay như cô chủ nhiệm dặn. Cái Loan còn bảo, hè sang năm nó sẽ sang Nga luyện thanh để về thay Mỹ Tâm đang ngày
càng xuống. “Mỹ Loan sẽ tiêu diệt Mỹ Tâm!”. Nó bảo thế
Hôm tổng kết học kỳ, trường cháu thi văn nghệ. Cái Loan đăng ký hát hai bài. Cô chủ nhiệm bắt cả lớp phải đi từ sớm để làm fan cho
nó. Cô í chọn 4 đứa con giai cao nhất lớp phải cầm 4 cái bảng ghi chữ L, O, A,
N để vẫy vẫy khi cái Loan hát. Lúc đến lượt cái Loan lên sân khấu, thằng Lâm
toét phụ trách chữ A tự dưng bị đau bụng nên cầm luôn cả bảng có chữ A chạy ra nhà xí, thế là ba thằng còn lại cứ cầm ba chữ L, O, N vẫy loạn cả lên…
Hôm sau cô chủ nhiệm bị cô hiệu trưởng phê bình là
“công tác định hướng kém”.
2. Định hướng của ông trẻ
Ông trẻ cháu là đại tá hẳn hoi nhá! Ông
í đi bộ đội từ năm 16 tuổi, bi giờ về hưu luôn một mạch ở quê. Tên ông trẻ cháu
là Thành, do ngày xưa
có nhiều chiến công mà bây giờ lại còn rất hay gương mẫu nên mấy ông cán bộ ở xã đều gọi ông cháu là “lão Thành cách mạng”. Ông cháu chả nói gì, chỉ
bảo “mấy thằng đểu”.
Tuần rồi ông trẻ cháu lên Hà Nội đi châm
cứu. Từ nhà cháu đến nơi châm mất 8 cây số. Ông nội cháu bảo “Để tôi đưa đi”,
ông trẻ khoát tay bảo “vẽ chuyện”. Ông nội cháu lại bảo “Đường Hà Nội như tơ nhện, lâu không đi lạc như bỡn”, ông trẻ
cháu lại bảo “Rừng xanh núi đỏ thời xưa em còn thuộc
như chỉ tay, kệ em”…
Trưa hôm ấy ông trẻ cháu dắt xe đạp đi, trước khi đi ông trẻ cháu còn ngoái lại bảo “4 giờ chiều em về”. Đúng 4 giờ chiều, đã thấy ông trẻ
dắt xe về, miệng kêu “Xong”. Ông cháu thè lưỡi lắc đầu khen “Chú giỏi”.
Đi được 3 buổi chiều về đúng giờ, đến
buổi thứ 5, mãi 6 giờ vẫn không thấy ông trẻ cháu đâu. Ối giời ơi! Bố cháu mí
chú Hùng thì sùng sục dắt xe đi tìm ông còn ông nội mí bà cháu thì đi ra đi vào
cứ như con hổ bị nhốt…7
giờ, 8 giờ rồi đến 9 giờ 30 tối, giữa lúc mọi người đang định gọi về quê hỏi thì ông trẻ cháu lọc xọc dắt xe về, mặt mày bơ phờ, áo quần xệh xạc. Líu ríu đỡ ông trẻ
ngồi vào ghế, bà cháu hỏi “Chú đi đâu đi đâu giờ mới về?”. Ông trẻ cháu hổn hển
bảo “Lạc đường”. Mọi người bảo “Chú đi đường ấy 3 ngày 6 lượt sao lại còn lạc”. Ông trẻ cháu bảo “Khổ! Gần bệnh viện châm cứu có cái cần cẩu
cao nghền nghện, 3 hôm nay nó đều chỉ về phía nhà mình nên em cứ theo hướng đấy mà đi. Hôm nay giở giời thế nào….nó
lại chỉ mẹ nó sang hướng khác, báo hại em đạp xe rã cả người
mà chỉ toàn thấy những đê là đê. Khổ!”.
Ông cháu lắc đầu cười như mếu rồi bảo
“Thời này mà chú còn định hướng kiểu ấy, chết là cái chắc!”
3. Định hướng của ông nội
Chiều nay cháu vừa được 9 điểm đấy! Thế
mà ở nhà ông cháu lại làm bà cháu bị què chân!
Tất cả cũng chì vì cái tật của ông cháu
là cứ rỗi là kê lại đồ đạc trong nhà.
“Cả nhà thì đã đi vắng, chỉ có mỗi hai cái
thân già, thế mà ông mày lại dở quẻ đòi kê lại tủ”. Bà cháu thút thít bảo thế.
Trước đấy bà cháu đã gàn nhưng
ông cháu phẩy tay bảo “yên tâm, đã định hướng
rồi, để tôi”.
Ông chạy sang nhà chú Dũng hàng xóm túm
tay lôi xềnh xệch anh Việt điếc con chú ý sang. Anh Việt cao, to, đen, hôi mà
khỏe lắm. Mỗi bữa anh ý ăn hết 6 bát cơm nhưng ăn xong chỉ ngủ, chẳng phải làm
gì vì anh ý bị điếc. Anh ý ghét ăn thịt chỉ thích ăn tôm trong khi mẹ anh ý lại
suốt ngày mua thịt về nấu. Anh í hay nhì nhàu “ôm hì chả ua, huốt hày khi ào
ũng ịt, ịt!” (tôm thì chả mua, suốt ngày khi nào cũng thịt, thịt) mọi người nghe cứ cười bò cả ra.
Cái tủ của ông bà cháu vừa to mà lại vừa
nặng. Ông cháu đi một vòng quanh tủ nghiên cứu rồi phân công bà đứng ở đầu tủ
phía trong, anh Việt đứng đầu tủ phía ngoài còn ông cháu đứng giữa để làm chỉ
huy ra lệnh. Ông cháu phổ biến bằng tay cho anh Việt xong, gật gật cái đầu để
hỏi. Anh Việt điếc giơ ngón tay cái rồi cũng gật gật đầu kêu “ô ghê”.
Đứng vào vị trí xong, ông cháu vừa khoát
tay một cái anh Việt đã cong người xô cái tủ lao ầm ầm ngay vào phía trong. Bà cháu luýnh quýnh thế nào bị kẹp dí vào tường la oai oái. Ông cháu phát hoảng xua tay rối rít hét ầm lên “Thôi
thôi thôi thôi…”. Anh Việt chả nghe thấy gì lại cứ tưởng ông cháu vung tay động viên, phấn khởi
mắm môi đẩy thật lực…..
May làm sao đúng lúc ấy mẹ cháu lại vừa về đến
nhà…!
Bà cháu bây giờ cứ ngồi một chỗ ôm chân
xuýt xoa kêu “Tưởng
chọn ai lại chọn đúng thằng điếc mà định hướng, rõ khổ!”.
Khổ trong gia đình. Khổ ra đất nước!
Khổ trong gia đình. Khổ ra đất nước!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét