Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

LÒNG DÂN VỚI LỊCH SỬ NHÌN TỪ LĂNG VUA HIỆP HÒA

Tác giả: Lê Thanh Phong.
Người dân tự nguyện xây lăng Vua Hiệp Hòa, sau khi hoàn thành, họ đã bàn giao lăng vua lại cho con cháu nhà vua thuộc phủ Văn Lãng - Nguyễn Phước tộc. Sự kiện xảy ra vào ngày 13-14.8.2013 tại Huế. Mộ của Vua Hiệp Hòa - như báo chí miêu tả - “bé hơn mộ dân thường” và hoang tàn, lạnh lẽo.

Lòng dân với lịch sử nhìn từ lăng Vua Hiệp Hòa
Khu mộ vua Hiệp Hòa
Thậm chí, không có được một tấm biển chỉ đường đi vào mộ vua, ngay cả người dân Huế cũng không mấy ai biết được mộ Vua Hiệp Hòa. Nói rộng ra, không có nhiều người biết được lịch sử Việt Nam có một vị vua có tên Nguyễn Phúc Hồng Dật, niên hiệu Hiệp Hòa. Lịch sử có những uẩn khúc của nó và số phận của Vua Hiệp Hòa là một uẩn khúc.

Vua Hiệp Hòa (1847 – 1883) vị vua thứ 6 Vương triều nhà Nguyễn
Nhưng xin không bàn đến, bởi vì đó là công việc của các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà khoa học, chỉ xin được chia sẻ điều gần gũi hơn, xác thực hơn, đó là tấm lòng của người dân với di tích và di sản lịch sử. Một nhóm người tự thấy mình có trách nhiệm xây lăng cho Vua Hiệp Hòa, chỉ vì một lẽ giản đơn, Vua Hiệp Hòa không thể không có lăng như các vị vua khác của vương triều Nguyễn và càng không thể lãng quên ngài, vì đó chính là sự lãng quên lịch sử.

Hiện nay, lăng mộ của Vua Hiệp Hòa vẫn nằm ngoài danh mục của quần thể di tích cố đô Huế và không được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý, đây có phải là một sự lãng quên lịch sử hay không?

Nhóm người tự nguyện xây lăng vua lặng lẽ thực hiện tâm nguyện của mình. Tại lễ bàn giao, một đại diện trong họ nói về tâm nguyện đó trước Hoàng đế Hiệp Hòa rằng: Cầu xin cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, trẻ em được đến trường, nông dân có ruộng cày, công nhân có việc làm, trí thức có cơ hội phụng sự đất nước và cuối cùng là tiêu trừ nạn tham nhũng. Những người tham dự buổi lễ thắp những cây nhang đầu tiên trên mộ vua, có lẽ cũng không cầu xin gì riêng cho mình ngoài những điều cao cả như vậy.

Cái khác biệt có thể nhận ra ở sự kiện này so với chuyện cúng bái ở các lễ hội, đền thờ khác, đó là không có màu sắc mê tín, không ồn ào tự xưng công đức, không xin xỏ ngã giá với thánh thần. “Bá tánh” tham dự buổi lễ với tất cả sự thành kính của một người dân với lịch sử, cầu mong những điều tốt đẹp cho đất nước.

Đây là lần đầu tiên có chuyện người dân tự nguyện xây lăng vua và có lẽ cũng là lần cuối cùng, vì không còn vị vua nào không có lăng. Nhưng Việt Nam còn nhiều di tích, phế tích khác bị hư hại, xuống cấp và lãng quên. Những nơi đó đang chờ đợi có được sự ứng xử như với lăng Vua Hiệp Hòa.

Nếu không có sự trung thực với lịch sử, không có sự lễ độ với di sản thì đừng nói đến các nền tảng đạo đức khác.
(LĐ) - Số 189 - Thứ bảy 17/08/2013
Theo lịch sử, vua Hiệp Hòa, tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Dật, con thứ 29 và là con út của vua Thiệu Trị. Sau khi làm vua được 4 tháng, ông bị phế truất và đến ngày 30.10 năm Quý Mùi (tức 29.11.1883) thì qua đời. Sau khi ông mất, triều trình giao cho Phủ Tôn Nhân chôn cất theo nghi thức Quốc công và vì là vị vua bị phế truất (phế đế) nên vua Hiệp Hòa không được thờ trong Thế Miếu.
Lăng mộ của vua Hiệp Hòa tọa lạc ở khu vực đồi thông thuộc P.An Tây, TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) trước đó đã bị hoang phế vì không được trùng tu, sửa chữa.
Xót xa trước tình cảnh lăng mộ của một vị hoàng đế nhưng chịu cảnh hoang tàn, vừa qua, một nhóm thân hữu người Huế ở TP.HCM và Đà Nẵng đã đứng ra vận động quyên góp để trùng tu lại khu lăng mộ.
Theo đó, khu lăng mộ đã được trùng tu lại theo kiến trúc cung đình triều Nguyễn với đầy đủ các hạng mục, gồm: tẩm lăng, bi đình, sân bi đình, đường trung đạo, trụ biểu, bình phong, hiển long và ẩn long… đúng tiêu chuẩn của một khu lăng mộ của một bậc hoàng đế.
Người dân tự nguyện trùng tu lăng vua Hiệp Hòa
Lễ dâng hương hoàn công công trình
Các nhà Sử học Huế dự buổi lễ lễ hoàn công công trình trùng tu xây dựng lăng vua Hiệp Hòa
Xem 12+1 đời vua Nhà Nguyễn: Bấm vào đây.

1 nhận xét:

  1. "Cầu xin cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, trẻ em được đến trường, nông dân có ruộng cày, công nhân có việc làm, trí thức có cơ hội phụng sự đất nước và cuối cùng là tiêu trừ nạn tham nhũng".
    Không giống như trong nghị quyết, báo cáo nhỉ!

    Trả lờiXóa