Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

NGÀNH Y THI HÁT

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội trao tặng giấy khen kèm 350.000 đồng tiền thưởng cho 3 cá nhân dũng cảm tố cáo tiêu cực tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Thái HàLãnh đạo Hà Nội vừa giao cho Sở Y tế Hà Nội khen thưởng vụ "nhân bản" ở Hoài Đức (chỉ hạn chế cho 3 người thôi). Buổi trao thưởng hơi ảm đạm, có cả tiếng sụt sùi. Để thay đổi không khí, mời các bạn xem tường thuật buổi "Ngành Y thi hát":



Tác giả: Trần Văn Phúc

Ở nước ta, mọi ngành nghề đều có ngày kỉ niệm riêng, ngành nào chưa có tương lai sẽ có. Ngành y từ thời cụ Tuệ Tĩnh, qua thời danh y Lê Hữu Trác chỉ biết khám chữa bệnh chứ đâu biết đến ngày kỉ niệm. Năm 1985, Bộ Y tế quyết định lấy 27/2 làm ngày truyền thống. Cứ đến ngày này nhiều hoạt động được triển khai, vui nhất phải kể đến các cuộc thi văn nghệ…

Kỉ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán. Tháng giêng là tháng ăn chơi, người người đi lễ, nhà nhà đi lễ. Bởi thế không khí kỉ niệm ngày 27/2 thường tẻ nhạt: một lễ mít tinh nho nhỏ; thi thoảng có cô nhân viên trẻ nhận được bó hoa bạn trai tặng; ai đó nhận được tin nhắn kèm theo bài hát qua tổng đài quà tặng âm nhạc là mừng mừng tủi tủi khoe khắp và giữ tin nhắn ấy cho đến 27/2 của vài năm sau vẫn không muốn xóa.
Ngày 27/2 năm nay bệnh viện đón nhận Huân chương Lao động nên tổ chức lễ mít tinh lớn, có cả chương trình thi hát chào mừng.
Vui nhưng không quên nhiệm vụ. Để không ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh, lãnh đạo bệnh viện đưa ra một quy định miệng, rằng các khoa chỉ cử những nhân viên chây ỳ làm việc kém hiệu quả đi nhận huân chương!

Buổi sáng hôm ấy trời cũng không quang, mưa cũng không tạnh; trên trời có những đám mây xam xám bay, dưới đất có mưa rơi lắc rắc; tiết trời mùa xuân vẫn còn đó cái se lạnh của những ngày cuối đông vương sót lại. Mưa buông xuống mỗi lúc một dày hơn, ban đầu chỉ là những hạt nhỏ li ti gọi là mưa bụi, sau nặng hạt dần trông tựa như những sợi tơ Hạc cầm; tiếng mưa nghe rí rắc nhặt khoan cứ ngỡ tưởng tiếng đàn của vua David xưa hiện về từ trong kinh Cựu Ước.
Hội trường bệnh viện chẳng mấy chốc đã chật kín người. Cái lạnh của trận gió mùa đông bắc cuối cùng thổi tăng cường từ đêm qua cũng không đủ làm giảm bớt sức nóng của cuộc thi hát sắp sửa diễn ra. Ngay sát cửa ra vào, mấy chàng mấy nàng đang ư ử luyện thanh tranh thủ trước khi bước ra sân khấu. Ngay bên trong cánh gà, cô MC ngày thường xinh tươi là vậy, hôm nay tản bộ từ Phòng Công đoàn bệnh viện đến hội trường, quãng đường ngắn dưới mưa lạnh cũng đủ làm ướt cả mái tóc bồng bềnh như mây của cô; mưa rơi nhạt nhòa khắp má khắp mặt cô làm cho lớp phấn son trát tạm càng trở nên nhòe nhoẹt. Cô MC tranh thủ trang điểm lại chút nhan sắc, mắt thỉnh thoảng lại đánh về phía anh Trưởng Phòng Tổ chức mà cô có tình có ý đã từ lâu, mặt cô đỏ dần, đỏ dần, chỉ có cặp môi là còn hơi thâm thâm vì lạnh và chưa kịp bôi son lại.
Mưa vẫn chẳng ngừng rơi; đúng 10 giờ 30 cuộc thi hát bắt đầu.
Diễn văn khai mạc, Giám đốc bệnh viện đọc một bài viết sẵn thật là dài, trong đó không quên nói tới những thiệt thòi của ngành y trong lĩnh vực âm nhạc. Theo lời Giám đốc, ngành nào cũng có bài ca truyền thống rất hay, thế mà ngành y thì chưa có. Năm 2008, ngành y tế cũng đã tổ chức cuộc thi với qui mô lớn viết ca khúc riêng cho ngành; hơn 400 ca khúc đã được các nhạc sĩ tâm huyết viết ra; khổ nỗi, ca khúc nào cũng vậy, nhân viên y tế nghe mà chẳng thấy ca khúc dính dáng gì đến ngành y - ngoại trừ mấy từ bác sĩ, áo trắng, bệnh viện...

Thành viên ban giám khảo cuộc thi toàn lãnh đạo chủ chốt: phía bệnh viện có 18 người tròn, từ bà Trưởng Nhà giặt, ông Tổ trưởng Tổ giữ xe, cho đến Giám đốc bệnh viện; thêm 2 vị khách mời là lãnh đạo cấp trên; liên hoan tổng kết tính vuông vắn vừa đúng bốn mâm, nhà bếp thịt một con lợn mán cắp nách có đánh tiết canh, thịt mười con gà chạy bộ, chim cò quay nướng có cả, tha hồ đánh chén.

Hình thức chấm thi là cho điểm trực tiếp giống như SV96. Nghe kể trước cuộc thi, ban chấm thi có tham khảo qua cô cháu gái bên đằng ngoại nhà vợ của con trai em vợ ông Giám đốc, hiện đang là học sinh hệ trung cấp của Khoa Nhạc cụ Truyền thống Trường Âm nhạc ngoài thành phố. Đồn rằng ở trường ấy sinh viên đi thi điểm cao lắm, có lẽ toàn những thiên tài âm nhạc nên thi hết môn hay thi tốt nghiệp toàn điểm mười là mười, thi thoảng được chín phẩy chín, hãn hữu lắm mới bị chín phẩy tám, chẳng may được chín phẩy năm là coi như vất đi không thèm chấp. Hôm vừa rồi cô thi hết học kì môn Tì bà thuộc chuyên ngành một - môn mà cô đã bỏ bao tâm sức học tập và rèn rũa ròng rã gần hai năm trời - cô chỉ cần đứng im một chỗ, chân trái hơi chùng để trọng lượng thân thể dồn cả vào đấy, chân phải hơi dạng ra để đập nhịp, mắt nhìn ban giám khảo không chớp, tay trái giữ nguyên trên phím đàn, tay phải làm động tác “quạt chả” đúng năm lần, quạt đi quạt lại như thế vài lần, được chín phẩy chín điểm ngon ơ. Có người thắc mắc tại sao trường ấy thi đơn giản vậy? Cô trả lời rằng, đàn Bầu có mỗi một dây mà đang còn phải học mười mấy năm mới đánh được bài ru con, đàn của cô nhiều dây hơn học hai năm mà “quạt chả” được như thế đã là tốt lắm rồi…

Cuộc thi hát dự kiến ngoài mấy giải nhất - nhì - ba sắp xếp theo cơ cấu, còn lại tất cả đều được giải khuyến khích. Cuối năm bình bầu “chiến sĩ thi đua” và “người tốt việc tốt” có liên quan nhiều tới kết quả cuộc thi hát lần này; vì thế mà ai ai cũng hào hứng tham gia, kể cả người không có năng khiếu ca hát…

Mở đầu cuộc thi là tiết mục đồng ca của Khối các Phòng Ban kế cận, với hành khúc: “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi” của Nhạc sĩ Thanh Phúc.

Nhân viên Khối các Phòng Ban kế cận đông nhất bệnh viện, việc làm đầu năm lại chẳng có, nên tất cả đều tham gia hát, tạo nên một dàn đồng ca hùng hậu áp đảo về số lượng. Dàn đồng ca sắp xếp vị trí đứng theo thứ tự cao thấp của chức vụ, thành ra trông lố nhố như hàm răng bà lão làm ai nhìn vào cũng phải buồn cười.
Với chất giọng mạnh mẽ kiểu lấy thịt đè người, dàn đồng ca hát to, vang, hào hùng, vành không tròn lắm nhưng tiếng thì rất rõ. Lời ca át cả tiếng nhạc đệm, khán giả phía dưới đang ồn ào bỗng phải im như thóc ngâm để nghe.
Lời bài hát:
Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi
khí thế tiến công là sức mạnh thần kì...
Nam lĩnh xướng mải hát quá, khi vung nắm đấm lên phụ họa chẳng may đánh rơi mic. Mặc kệ, anh cứ tiếp tục hát, giọng của anh vẫn vang lên rất hào sảng.
singer4
 Phía dưới có vài lời xì xào bàn tán: hát nhép; hát nhép…
cKết thúc bài hành khúc: khán giả ào lên vỗ tay cổ vũ rầm rầm; tiếng huýt sáo, tiếng la hét, tiếng trầm trồ thán phục tạo nên cảnh tượng huyên náo lạ kì chưa từng có; không khí trong hội trường vui như chưa bao giờ được vui, xúc động như chưa bao giờ được xúc động…
Ngoài trời mưa càng thêm nặng hạt.
Trong lúc ban giám khảo đang thảo luận, MC nam tranh thủ làm cuộc phỏng vấn  bỏ túi cho chương trình thêm sinh động. Quay sang anh cán bộ Phòng Tổ chức, MC cười cười hỏi: “Thưa anh, hôm nay dàn đồng ca khối kế cận hát rất hay, hay đến bất ngờ; Vậy trước khi đến với cuộc thi hát này, nhân viên khối kế cận luyện tập như thế nào? Và cá nhân anh tập cầm càng lĩnh xướng ra sao?”. Anh nhân viên Phòng Tổ chức lúc hát xong mặt trắng bợt trắng bạt, giờ đã lấy lại được sức bình sinh vốn có; anh nở một nụ cười tươi như hoa, rồi ào ào trả lời: “Vâng! Trước tiên cho tôi xin được cám ơn ban giám khảo, cám ơn quý khán giả có mặt trong hội trường ngày hôm nay! Sở dĩ dàn đồng ca khối kế cận hát rất hay và rất đều như hôm nay là bởi chúng tôi đã có quá trình luyện tập khá công phu. Đã lâu lắm rồi, tuần nào chúng tôi cũng tập hát ở ngoài quán Karaoke, có tuần tập đến hai ba buổi. Cá nhân tôi làm nhiệm vụ cầm càng lĩnh xướng nên về nhà còn phải bỏ công bỏ sức tự tập thêm bằng cách tôi bắt vợ con ra ngoài đóng hết cửa chính, đóng cả cửa sổ lại, rồi tôi vào buồng chui đầu vào chiếc chum đại mà hát. Ban đầu giọng hát của tôi vừa phô vừa ngang như cua bò, nhưng nhờ chui đầu vào chum hát hàng ngày mà đến nay giọng tôi đã tốt hơn hẳn. Những cuộc hát Karaoke gần đây tôi luôn dẫn đầu với 100 điểm, nên tôi đã đủ tự tin tham dự các cuộc thi hát tầm cỡ như Việt Nam Idol để sòng phẳng tranh tài cùng Uyên Linh hay Văn Mai Hương…”.
Cả hội trường vỗ tay rào rào. Mưa lại càng thêm nặng hạt.
Giám đốc thay mặt ban giám khảo nhận xét thật là dài, đại ý là: Hát tốt, hát tốt; bất ngờ, bất ngờ; chủ đề bài hát “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi” là rất phù hợp với Khối các Phòng Ban kế cận… Giám đốc còn chỉ thẳng tay vào mặt cô thư kí trẻ mà nói “Tôi yêu em! Tôi thích giọng hát của em rồi đó”. Cô thư kí mặt đang từ hồng đỏ thoáng chuyển sang màu tim tím thủy chung như da quả cà dái dê mua ngoài chợ huyện.
Phần chấm điểm: giám khảo nam cho 10 điểm, ngoại trừ ông Tổ trưởng Tổ trông giữ xe cho điểm 6; anh Trưởng Phòng Tổ chức ngồi cạnh thấy vậy xoay ngược số 6 thành số 9, dúi thêm một con số 9 nữa vào tay phải ông Tổ trưởng Tổ trông giữ xe, thế là thành 9,9 điểm; giám khảo nữ toàn cho 9,5 điểm.
Sau tiếng hô “chín phẩy năm” cuối cùng của MC nữ vừa dứt, cả hội trường lại vỗ tay rào rào.
Ngoài trời mưa âm thầm lặng lẽ tuôn rơi.
Tiếp theo, MC nữ duyên dáng trong tà áo dài thướt tha: Kính thưa quý vị và các bạn! Trong không khí vui tươi kỉ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, tiết mục đơn ca nữ Khoa Mắt xin dành tặng cho tất cả khán giả có mặt trong hội thi hát hôm nay một ca khúc trữ tình sâu lắng, đó
là ca khúc “Đôi mắt” của nhạc sĩ Xuân Hồng.

Xin quý vị dừng ồn
Con mắt là cửa sổ tâm hồn của em!
MC nam: Vâng, thưa quý vị và các bạn! Đôi mắt em là cửa sổ của tâm hồn, là bài thơ hay nhất, là lời ca không dứt...Mặc dù ngành y tế chưa có ca khúc truyền thống, nhưng Khoa Mắt đã nhanh chóng tìm được một bài hát tạm gọi là phù hợp nhất để hát trong những dịp như thế này. Xin quý vị hãy chú ý lắng nghe và ủng hộ cho Khoa Mắt.
Nữ y tá Khoa Mắt hôm nay mặc chiếc áo mỏng và trắng muốt nhìn xuyên thấu thấy cả thịt da và nhiều thứ khác; chiếc váy cô mặc cũng trắng và mỏng, đã thế lại thiết kết hệt cái bu gà khoét cửa phía trước để lộ từ sát khớp háng trở xuống đến một phần ba trên hai xương cẳng chân; phần còn lại của chi dưới được che kín bởi đôi bốt giả da mua từ hồi cả Khoa Mắt làm chuyến xuất ngoại đầu năm qua biên giới Lạng Sơn. Khuôn mặt cô trang điểm theo trường phái xanh ra xanh, đỏ ra đỏ, trắng ra trắng. Nghe kể hồi cô chưa thi vào trường Trung cấp Y của tỉnh, theo chúng bạn rủ vào tận miền Nam làm thẩm mĩ viện lại cái mũi cho đẹp. Cô có sở thích đặc biệt là đeo kính trắng không số, nhiều hôm đi ngủ vẫn đeo. Làm mũi vừa được một ngày cô đã đeo kính - giống như làm nhà đổ cốt pha chưa đông cứng bê tông - sống mũi mới làm bị chiếc kính trắng đè lõm xuống, làm cho chóp mũi ngỏng cao lên như muốn chọc thẳng vào mặt người đối diện, tênh hênh dưới chóp mũi là hai lỗ mũi đen xì xì mọc ra tinh lông là lông. Cô rất thích hát và trời phú cho cô giọng hát chẳng giống ai: với những bài hát trữ tình, đang thì con gái nhưng giọng hát của cô khàn khàn như người mắc bệnh K vòm giai đoạn cuối nghe đến là thương; pop - rock là sở trường của cô với phong cách hát ngang không ra ngang dọc chẳng ra dọc; những bài bolero cô sử dụng kĩ thuật đẩy âm thanh thoát ra qua khe hẹp của hai hàm răng, nghe có cảm giác tưng tức kiểu phù phù như chuột chù thổi ống bếp bị đứt hơi giữa chừng; với bài hát theo phong cách cổ điển lãng mạn cô hát kiểu lào xào tựa hồ như gió lay ngọn tre già; hát opera giọng cô như chanh me pha muối kèm thêm ít ớt dầm; ưu điểm nổi bật nhất của cô là lấy hơi rất tốt và ngắt câu cũng rất độc…
Ban giám khảo ngồi phía dưới chăm chú xem cô y tá Khoa Mắt biểu diễn, thái độ của mỗi giám khảo một khác nhau: Giám đốc và Phó giám đốc ngồi ngây như phỗng ra dáng rất nghiêm chỉnh; Trưởng Phòng Tổ chức mắt nhắm hờ kiểu mơ màng, thỉnh thoảng lại nhếch mép cười nụ không ra nụ mỉa mai không ra mỉa mai; chị Tổ trưởng Nhà giặt giả bộ khóc rưng rức; ông Tổ trưởng Tổ trông giữ xe ngủ gật; chị Trưởng Phòng Công đoàn hai tay giơ lên trời, đung đưa tấm thân béo ục ịch họa theo điệu nhạc, chỉ chờ cô y tá hát xong là nhẩy dựng lên rồi hét “Tôi thích giọng hát của em! Tôi thích những chỗ em linh hơn là em phiêu! Bây giờ tôi tát em một cái em có khóc không? Ha… ha… ha…”…
Ban giám khảo có sự phân công từ trước, đến lượt anh Bí thư Đoàn Thanh niên nhận xét tiết mục của cô y tá Khoa Mắt. Trước khi nhận xét, anh Bí thư từ từ thò tay ra sau gáy dứt sợi dây chun buộc mấy túm tóc rồi lắc lắc cái đầu để tranh thủ “khoe hàng”. Điểm lại trong bệnh viện, những người làm công tác đoàn từ xưa đến nay, tính cách ai ai cũng sôi lên sùng sục như nồi nước phở bò đang ninh một đống xương ngựa, trong máu anh nào cũng có tí chất nghệ sĩ nên các anh đâm ra lười cắt tóc. Tóc anh Bí thư dài xõa ngang vai, túi quần của anh lúc nào cũng có sẵn một nắm dây chun để buộc tóc lại thành túm đằng sau cho gọn. “Khoe hàng” xong, anh nheo mắt cười cười nhìn cô y tá đang đứng chờ sẵn sàng ứng khẩu với anh trên sân khấu, rồi anh buông thõng một câu nhận xét kèm một câu hỏi hơi xóc: “Nghe em hát cứ như một cô gái vừa bị cưỡng ép xong; Vậy tôi hỏi em một câu, nếu trong bệnh viện này tôi nhận là người hát hay thứ hai thì em có dám nhận là người hát hay nhất không?”. Cô y tá lại đứng đờ người ra “như cô gái vừa bị cưỡng ép”, họng cô cứng lại chẳng biết trả lời thế nào…
Khán giả vỗ tay rào rào. Mưa cũng bắt đầu rơi rào rào.
Phần cho điểm hệt như lần trước: giám khảo nữ cho toàn 9,5 điểm; bác Tổ trưởng Tổ trông giữ xe cho 6 điểm lại bị anh Trưởng Phòng Tổ chức lật ngược số 6 rồi dúi vào tay bác thêm một số 9.
Ngoài trời mưa chuyển sang nhịp rơi lúc nhặt lúc khoan. Trong hội trường bệnh viện cuộc thi bắt đầu vào giai đoạn gay cấn. Lác đác vài khoa lên gặp từng thành viên ban giám khảo rỉ tai chuyện thầm kín, giám khảo thì gật đầu như bổ củi.
MC nam thủng thẳng bước ra sân khấu, giọng bắt đầu lả lơi: Thưa quý vị và các bạn! “Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra” là ca từ trong bài hát “Yêu nhau ghét nhau” của nhạc sĩ Vi Nhật Tảo, được trình bày bởi một “cặp đôi hoàn hảo” là nam bác sĩ và nữ y tá chuyên khoa Chấn thương sọ não. Xin mời quý vị thưởng thức ca khúc này.
Lại nói về MC nam. Anh là cháu ruột của ông Trưởng Phòng Tổ chức. Thời học sinh, anh mải mê đàn ca sáo nhị nên khi thi vào trường thuốc mỗi môn anh đều bị thiếu một tí điểm; ba năm thi đại học chưa đỗ, bác anh liền gửi sang Trung Quốc học nghề bắt mạch, châm cứu, bốc thuốc đông y. Về nước với tấm bằng cử nhân đông y, anh được bác đưa vào bệnh viện gắn cho tấm biển bác sĩ vào ngực để làm việc ở Khoa Nội chuyên về tim mạch. Bản tính thích văn nghệ, ngày ngày đến bệnh viện anh tranh thủ thời gian ngắm đất, ngắm trời, ngắm bệnh nhân mà tức cảnh sinh tình làm thơ. Vì thế mà những câu thơ anh viết vừa gợi tình, vừa gợi ảnh, vừa gợi thanh làm cho các em y tá hộ lí trẻ mê tít thò lò. Viết về mưa, anh có câu thơ thật hay: Mưa khẽ khàng rơi trên mái tôn. Có người vặn lại anh rằng mưa rơi vào mái tôn thì làm sao khẽ khàng được? Anh trả lời đốp ngay vào mặt: Phàm những cái gì tưởng là vô lí thì đó lại là thơ. Viết về mùa Thu, thơ của anh thật ấn tượng: Thu đã đến nhẹ nhàng như chưa đến. Đọc xong câu thơ này ai đó đừng vội qui kết mùa Thu trong thơ anh giống như một thằng ăn trộm! Nghe anh kể, mấy nhạc sĩ có tiếng đã đến tận nhà anh xin thơ về phổ nhạc. Hiện nay anh đang chuyển sang viết thơ thiền. Với anh, thơ thiền là tâm linh, là cơ duyên, là linh giác, là định mệnh, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là mốt mà lại đẻ được ra tiền. Có ông nhạc sĩ nổi tiếng tận ngoài thành phố mò về nhà anh hỏi mua bằng hết những bài thơ thiền anh sáng tác; nhạc sĩ còn đặt trước hàng trăm bài thơ thiền rồi sẽ mua đứt để về phổ nhạc dần dần; dự định đến khi có đại lễ phật đản quốc tế quay lại tổ chức ở Việt Nam nhạc sĩ sẽ mở một đại nhạc hội về nhạc thiền - thơ - và có cả múa nữa...
Trở lại với tiết mục của “cặp đôi hoàn hảo”. Sân khấu tắt bớt đèn cho có vẻ mờ ảo hơn. Tiếng Organ đệm cho ca khúc “Yêu nhau ghét nhau” vừa cất lên, cặp đôi nam nữ uốn mình đung đưa theo điệu nhạc, mắt trao mắt, tay trao tay thật là tình tứ. Lời ca bắt đầu hòa quyện với lời ca. Khán giả xem hát mà sướng mắt, nghe hát mà sướng tai, từ sâu thẳm cõi lòng thấy rộn ràng xao xuyến, vỗ tay cổ vũ rì rào không ngớt.
Được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, “cặp đôi hoàn hảo” khoa Chấn thương sọ não càng hát càng say. Nữ nhân viên với chất giọng khàn khàn, khi hát nổ râm ran giữa câu tựa như hát Quan Họ. Nam nhân viên với chất giọng nhừa nhựa cứ đến gần cuối câu nhạc lại rung lên bần bật, hết câu vẫn ngân nga vô bờ, làm nhiều người nghe phải sụt sịt.
Đang hát đến dở chừng, có lẽ do quá xúc động, nữ y tá khoa Chấn thương sọ não quên lời nên hát lại, nhưng hát đi hát lại vẫn cứ quên làm cho vòng hát cứ quay tít như bị lỗi đĩa. Nam bác sĩ được cái thông minh bẩm sinh nên ứng biến rất nhanh, cứ lẽo đẽo hát theo sau nữ y tá. Khán giả nhiều người nhầm tưởng lỗi đĩa CD thật nên vội qui kết cho “cặp đôi hoàn hảo” này hát lip – sync.
Nét nổi bật của tiết mục “Yêu nhau ghét nhau” là phần hết hiệp một chuẩn bị bước sang hiệp hai của ca khúc, anh bác sĩ chế thêm mấy câu rap cho có tí màu sắc.
Câu rap anh chế là:
Con cào cào cắn con châu chấu
Con châu chấu cấu con cào cào…
cào cào ơi, cào cào hỡi…
Châu chấu cắn, cắn cào cào…
cắn vào đâu? Cắn vào đầu…
cấu vào đâu? Cấu vào đầu…
Anh Trưởng Phòng Tổ chức người béo tròn, mặt cũng béo tròn tựa như thửa ruộng trồng màu, trông khuôn mặt thật tốt tươi phì nộn đến mức chẳng cần giấu cảm xúc mà người ngoài vẫn không sao đoán nổi. anh thay mặt ban giám khảo nhận xét: Hai bạn hôm nay hát rất tốt; nếu các bạn bỏ nghề y đi làm ca sĩ thì cỡ như Quang Linh và Hà Hồ phải đóng cửa bỏ đi ăn mày đến hết cả cuộc đời, mấy vị ca sĩ hò hét kiểu “cào cào châu chấu” gì ấy mà nhìn thấy các bạn phải tránh từ xa.
Cứ thế, lần lượt các khoa lên hát các bài hát có chủ đề rất là hợp với đặc điểm công việc của khoa mình.
Khoa Hồi sức cấp cứu Nội gửi tới khán giả “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của nhạc sĩ Trần Hoàn.
Đội Vận chuyển cấp cứu chuyển đến hội trường “Tiếng hát giữa rừng Pắc Pó” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ.
Khoa Phục hồi chức năng hát bài “Dấu chân tròn trên cát” của nhạc sĩ Trần Tiến, có phần múa phụ họa của Vũ đoàn Khoa Ngoại cắt cụt chi.
Khoa Tâm thần hát hai bài, tự biên tự diễn cả phần dẫn chương trình. Bài thứ nhất, nam nhân viên tự giới thiệu bài hát, nhưng chẳng hiểu do quá xúc động hay sao mà anh không nhớ nổi tên bài hát, đành giới thiệu là bài hát có câu “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”. Thì ra đó là bài “Em ơi Hà Nội phố” của Nhạc sĩ Phú Quang. Tiết mục thứ hai do nữ bác sĩ thể hiện cùng dàn đồng ca phụ họa, bài hát “Dấu chân phía trước” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Phần tự giới thiệu bài hát, nữ bác sĩ mắc lỗi nói nhịu thành “Giấu chân về phía trước”…
Khoa Y Pháp vừa mới thành lập, có nhiệm vụ giúp cơ quan pháp luật tìm ra các dấu hiệu và bằng chứng phạm tội. Tiết mục dự thi của khoa là bài hát “Đất quê ta mênh mông” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp suýt bị mất điểm oan vì bị ban giám khảo cho rằng “bài thi lạc đề”. Cũng may, trước khi ban giám khảo vào cánh gà trao đổi kín về tình huống nảy sinh chưa thống nhất này, lãnh đạo khoa Y Pháp đã kịp thời lên tiếng thanh minh. Chẳng là, trong bài hát có câu “Mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh, nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc”. Rõ ràng trong Bộ luật Lao động quy định phụ nữ không được làm những công việc nặng nhọc, mà đào hầm suốt cả cuộc đời như thế là quá nặng nhọc rồi. Hơn nữa, phụ nữ lao động nặng nhọc có tuổi nghỉ hưu sớm, mà trong bài hát này người phụ nữ vẫn phải đào hầm đến tận lúc “phơ phơ đầu bạc” là không đúng theo Bộ luật Lao động. Chuyên ngành Y Pháp với chuyên môn vượt trội của mình đã phát hiện ra cái điều mà bấy lâu chưa ai phát hiện ra, giúp bà mẹ đào hầm năm xưa cất lên tiếng nói đấu tranh cho những  chị em phụ nữ cùng cảnh ngày nay. Khoa Y Pháp còn tuyên bố sẽ mạnh dạn yêu cầu cơ quan có chức năng tìm cho ra bà mẹ đã đào hầm để tuyên dương anh hùng lao động gấp mười lần những anh hùng lao động khác…
Phần chấm điểm vẫn theo một mô típ: giám khảo nam cho 10 điểm hoặc du di cận 10; giám khảo nữ luôn cho 9,5 điểm; riêng ông Tổ trưởng Tổ trông giữ xe bao giờ cũng giơ điểm 6 lên, lại bị anh Trưởng Phòng Tổ chức lật ngược số 6 rồi dúi thêm một số 9 nữa vào tay ông.
Mà kể cũng lạ, từ ngày anh Lại Văn Sâm làm MC SV96 đến nay, chẳng hiểu tại sao chị em rất thích “chín phẩy năm”? Cái này muốn làm sáng tỏ từ gốc rễ đến củ quả cần phải có nhiều công trình nghiên cứu, có nhiều cuộc điều tra xã hội học thật công phu về tâm lí chị em, điều tra cả anh Lại Văn Sâm nữa xem anh đã bỏ cái gì vào đấy để chị em chết mê chết mệt với “chín phẩy năm”…, như nắm phải...
Giấy khen đoạt giải được bệnh viện in sẵn một loạt, in thừa cả chục bản cho chắc ăn phòng khi viết sai, có chữ kí rõ ràng của Giám đốc bệnh viện phía dưới, kèm theo con dấu đỏ chót. Tổ thư kí chỉ việc viết tên cá nhân và khoa đạt giải vào trong giấy khen bằng bút mực là xong. Tất cả các khoa phòng lên nhận giải; nhưng do nhiều giải quá, nên hai vị lãnh đạo cấp trên cùng ông Giám đốc, bà Phó giám đốc cứ phát giấy khen theo đúng số lượng cho tất cả mọi người dự thi; sau đó các vị tự đi tìm đổi lại giấy khen cho nhau…
Cuộc thi sẽ kết thúc tốt đẹp một cách trọn vẹn nếu như không bị xảy ra vài sự cố nho nhỏ. Chẳng là khi công bố giải tiết mục đồng ca có lĩnh xướng, cả cuộc thi chỉ duy nhất có hai tiết mục là “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi” và “Giấu chân về phía trước”; Khoa Tâm thần bị xếp giải nhì, trong khi Khối Phòng Ban kế cận hát không hay bằng lại được giải nhất; thế là Khoa Tâm thần ì èo mãi, nhưng vẫn không làm gì nổi nên có người bóng gió dọa sẽ tung chuyện này lên Blog. Một sự cố nữa là sau khi phát giấy khen xong, đếm đi đếm lại còn dư có 8 tờ, trong khi bệnh viện in thừa những 10 tờ. Vậy là hai tờ giấy khen bị ai rút ruột mất và rút từ bao giờ? Theo dự kiến, số giấy khen còn thừa sẽ phát cho 10 thành viên ban tổ chức văn nghệ để cuối năm họ được bình bầu danh hiệu “chiến sĩ thi đua”. Nhưng nay chỉ còn có 8 tờ, thế là phải tổ chức bốc thăm. Hai người không được giấy khen mặt nặng như đá, lại là hai người chanh chua nhất, thành ra chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra trong nay mai.
Ngoài trời, mưa bắt đầu trở nên tầm tã, nhưng tempo chỉ nhanh hơn mức độ nhặt khoan một chút; thỉnh thoảng có một trận gió mùa đông bắc từ xa đang thổi tới từng chập từng chập rồi nhanh chóng yếu dần; mùa xuân đang thật sự hiện diện, cây cối đang bắt đầu nảy lộc đâm chồi, cái lạnh sắp sửa bị xua đi để thay vào đó là mùa xuân ấm áp. Nhân viên nhà ăn chạy lên báo bữa cơm liên hoan đã làm xong, đĩa lòng lợn đang nóng hôi hổi, bát tiết canh đỏ au au, những anh gà trống tơ và những chị gà mái ghẹ đang nằm tròn trên đĩa, những chú chim cò quay vàng ươm đang ngóc đầu chờ quan khách và những cá nhân đoạt giải cuộc thi đến chuẩn bị nhậu một bữa cho ra trò mừng tấm huân chương và mừng cho cuộc thi hát thắng lợi. Quãng đường từ hội trường lên nhà ăn xa tới gần trăm mét, nhiều anh nhiều chị sợ mưa rơi ướt mái tóc đẹp nên vô tình lấy ngay tờ giấy khen chưa kịp đổi để che đầu. Hai vị khách mời cùng ông Giám đốc, bà Phó giám đốc được nhiều người đi bên cạnh che giúp. Mưa rơi nhiều quá, chỉ sợ mưa làm ướt hết giấy khen, chỉ sợ mưa làm hỏng mất giấy khen, cuối năm khối người mất oan danh hiệu “chiến sĩ thi đua” và “người tốt việc tốt”.
Trách ông Trời sao nỡ vô tình thế không biết!

Cảnh Kỳ
Tôi cũng làm trong một bệnh viện, nhưng ở đội vận chuyển cấp cứu. Ngày 27/2, bộ phận vận chuyển cấp cứu chúng tôi hát bài CÔ GÁI SÀI GÒN ĐI TẢI ĐẠN của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, đạt giải đặc biệt luôn.

Thanh Chung
Bài "Đất quê ta mênh mông" là do bên khoa sản trình bày. Câu đầu tiên là "Mẹ đặt vòng từ lúc tóc còn xanh, nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc.."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét