Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

NHỮNG VẾ ĐỐI KHÓ-MÓN NỢ LỊCH SỬ

Những vế đối khó trong lịch sử đều ẩn chứa tâm tư và lời gửi gắm của tiền nhân. Những thế hệ trước đã có công khai phá và làm phong phú tiếng Việt trong trò chơi câu đối, vậy chúng ta – trong giai đoạn đổi thông tin bùng nổ hiện nay – càng nên phát huy  thú chơi tao nhã này để gìn giữ và tôn vinh vẻ đẹp trong sáng của tiếng Việt.


1. Vế đối khó nhất mọi thời đại:
Giai thoại về vế đối này cho rằng ngày xưa Trạng Quỳnh rất si mê Đoàn Thị Điểm… Một lần biết bà đang tắm, Quỳnh liền đến bên nhà tắm và đòi bà cho vào ‘xem’. Bà một mực từ chối, nhưng Quỳnh cứ nằng nặc, năn nỉ đòi vào. Nhanh trí bà nghĩ ra một cách đối phó, bà nói sẽ ra một vế đối, nếu Quỳnh đối được sẽ cho vào xem. Quỳnh đồng ý. Vế đối là:
“Da trắng vỗ bì bạch”
Quỳnh loay hoay mãi cho đến khi bà tắm xong mà vẫn chưa đối được. Trạng Quỳnh vốn nổi tiếng là người hay chữ, trong hoàn cảnh muốn xem người đẹp tắm nên (chắc chắn) ông đã sử dụng hết tài năng của mình ra để đối, nhưng vẫn không đối được đã cho ta thấy độ khó của vế đối trên.
Từ ‘bì bạch’ theo nghĩa tiếng Hán cũng chính là ‘da trắng’. Như vậy bản thân vế đối này đã chính là một câu đối. Từ ‘bì bạch’ còn là một từ tượng thanh mô tả tiếng kêu của tay vỗ vào mình khi có nước chảy. Vậy thì bì bạch ở đây vừa là tượng hình (da trắng) vừa là tượng thanh (tiếng động).
Các vế đối trong lịch sử:
a. Rừng sâu mưa lâm thâm. Rừng là lâm, sâu là thâm nhưng chưa đạt vì chưa hợp với hoàn cảnh và lâm thâm chỉ là một từ tượng hình.
b. Đêm đen sờ dạ tối. Đêm là dạ, đen là tối nhưng cũng chưa hợp với hoàn cảnh. Đây là một câu mô tả tâm trạng của một tên quan tham. Từ dạ tối chỉ có nghĩa tượng hình.


2. Đối được thì mời vào nhà chơi:
Một lần Trạng Quỳnh đến nhà Đoàn Thị Điểm chơi bị chó đuổi chạy rồi phải nhảy tót lên cây hồng. Đoàn Thị Điểm ra nhìn thấy rồi ra vế đối:
“Thằng Trạng Quỳnh ngồi trên cây cậy dái đỏ hồng hồng”
Nếu Trạng Quỳnh đối được mới đuổi chó đi mà mời vào nhà chơi.
Hồng là cây hồng, quả hồng… Nhưng cây hồng cùng giống với cây cậy.
Trạng Quỳnh nghĩ nát óc không ra nên phải ngồi mãi trên cây.

3. Vế đối mía mật kẹo đường
Một lần Quỳnh từ phố Mía về, Thị Điểm thấy Quỳnh đang ngồi, liền ra ngay một vế đối có ý trêu:
“Lên phố Mía gặp cô hàng mật, cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường”
Kẹo tiếng địa phương còn có nghĩa là kéo – kẹo lại là kéo lại.
Gặp câu đối ra toàn mía, mật, kẹo, đường; Quỳnh nghĩ mãi không ra vế đối, bí quá, đành đánh bài chuồn.
Sau có người khuyết danh đối là:
“Bà đồ Nứa đi võng đòn tre, đến khóm trúc thở dài hí hóp”


4. Vế đối nhìn nhau từ hai cửa sổ
Có một lần, Trạng Quỳnh và Thị Điểm nhìn thấy nhau từ hai cửa sổ đối diện nhau, Đoàn Thị Điểm ngẫu hứng bèn ra một vế đối:
“Hai người ngồi song song hai cửa sổ”
Chú ý vị trí của các từ: hai-song song-hai, song là hai và song cũng có nghĩa là song cửa.
Lại gặp một vế đối quá hóc búa, Trạng Quỳnh bí quá không đối được đành giả bộ tảng lờ, đi ra chỗ khác.
Vienhanlam đề xuất: 
Bán hàng rẻ mãi mãi bán hàng rẻ
Đúng vị trí các từ và mãi là bán (mại là mua).


5. Vế đối thịt mỡ dò chả
Một lần giáp tết Nguyên Đán trời mưa rả rích, Thị Điểm ngồi gói nem. Trông thấy Trạng Quỳnh đội mưa đi mua rượu về, cô bảo muốn nhắm nem thì ngồi xuống cùng gói với cô. Quỳnh trả lời: Chả (chẳng) thích nem, chỉ thích giò. Thị Điểm liền ra một vế đối:
“Trời mưa đất thịt trơn như mỡ, dò đến hàng nem, chả muốn ăn”
Và bảo nếu Trạng Quỳnh đối được câu này thì cho ăn giò. Trạng Quỳnh nghĩ mãi nhưng không ra.


6. Vế đối của ông chồng hai vợ
Ngày xưa có một ông có hai vợ… Hai bà này đều là hạng gớm mặt nên hàng ngày ra vào “va thúng đụng nia” dẫn đến cãi nhau. Một buổi ngồi trong phòng nghe hai bà vợ cãi nhau ngoài sân, trong đầu ông chợt nảy ra vế đối:
“Vợ cả, vợ hai, cả hai đều là vợ cả”
Có một người khuyết danh đối khá tốt là: 
“Con nuôi, con đẻ, nuôi đẻ há đợi con nuôi”


7. Vế đối liệt kê vật cùng giống
“Ngồi cống ao, chàng bắc chân chữ ngóe uống rượu thịt ếch, cóc có tiền lại còn nói ương”


8. Vế đối bỡn khách Tàu
Hai danh sĩ phương Bắc nghe tài Hồ Xuân Hương đến đưa danh thiếp ngỏ ý muốn cùng Xuân Hương đàm đạo chữ nghĩa. Theo thủ tục thời đó, chủ nhân đưa ra vế đối, nếu khách đối được thì mới ra mặt để tiếp khách. Vế ra của Hồ Xuân Hương như sau:
“Chân đi giày Tàu, tay bán bánh Đường, miệng nói líu lường, ngây ngô ngấy ngố”
Hai người khách phương Bắc nghĩ một lúc thì bỏ đi. Họ nhận ra rằng Xuân Hương qua vế ra có ý xem thường người phương Bắc, nơi có ba triều đại Hán, Đường, Ngô vốn là kẻ thù của người phương Nam.


9. Vế đối pháo binh
Trong kháng chiến chống Mỹ, nhà báo Nguyễn Thành ở Ban Quân sự, Báo Quân đội Nhân dân từng ra vế đối:
Pháo thủ pháo tầm xa, đánh địch tầm gần, tay thủ thêm thủ pháo.

Vế đối này khó là ở chỗ trong tổng 14 từ thì có đến 3 từ pháo, 3 từ thủ, 2 từ tầm. Khẩu khí của vế đối cũng thật hào sảng, hiên ngang, nên để tìm được vế đối lại là rất khó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét