Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

VỀ HAI CÂU THƠ CỦA XUÂN DIỆU

Thưa ông Khoa!
Khi viết về thi sĩ Xuân Diệu, một nhà thơ mà tôi đặc biệt cảm kích, sau khi ca tụng câu thơ "Trái đất ba phần tư nước mắt - Đi như giọt lệ giữa không trung", ông lại cho rằng "đây là câu thơ hay một cách đột xuất, bay ra ngoài quỹ đạo quen thuộc của thơ Xuân Diệu". Ông viết như thế thì người đọc nên hiểu như thế nào? Theo dõi dư trấn xung quanh cuốn sách của ông, tôi biết có một nhà phê bình trong nước muốn chữa câu thơ ấy, thay chữ "Đi" bằng chữ "Trôi". "Trôi như giọt lệ giữa không trung". Tôi nghĩ cũng có lý. Còn ông thì nghĩ sao về điều này? 
Vũ Trung Nguyên
1085 N. Adams Street - Arlington, VA 24203


Xuân Diệu là thày dạy nghề của tôi, là một trong những tác giả tôi đề cập đến trong cuốn sách với lòng tôn kính và ngưỡng mộ sâu sắc. Tôi đặc biệt kính phục hai câu thơ của ông: 
Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung
Cứ như cách hiểu của tôi thì đây là câu thơ rất giản dị và kỳ vĩ, có tầm khái quát rất cao, lại rất điêu luyện trong kỹ nghệ đưa thực tế đời sống vào thơ, một công việc bếp núc nhà nghề không mấy dễ dàng mà ngay cả Xuân Diệu cũng không phải lúc nào ông cũng làm được. Xuân Diệu từng viết về việc khai thác than, phải lọc bao nhiêu tấn đất đá mới chọn ra được một tấn than như thế nào. Rồi chuyện đóng hộp dưa chuột. Ông kể rất tỉ mẩn là phải chọn loại dưa như thế nào, hình dáng kích cỡ ra sao, dưa không được vẹo vọ hay sứt sẹo, rồi rửa dưa thế nào, không được để lẫn một hạt cát khi đóng hộp. Đọc chỉ thâý quý tấm lòng của ông đối với công việc sản xuất, còn bài thơ thì đã trệch ra khỏi văn chương và trượt xuống việc bốc đất bốc đá hay kỹ thuật đóng hộp dưa chuột mất rồi, không còn là thơ nữa. Xuân Diệu viết về việc mở đường ở Mã Pí Lèng cũng thế. Cái thực tế rất cụ thể, rất chính xác như thế này cũng không phải là thơ: 
Đá nhỏ bắt đầu rơi lộp bộp
Sau lôi đá lớn đổ ầm ầm...
Chiêm ngưỡng Xuân Diệu một cách khách quan và sòng phẳng như thế để chia sẻ nỗi vất vả cực nhọc trong công việc sáng tạo thi ca với ông, càng thấy quý hơn, trân trọng hơn hai câu thơ tuyệt vời ở mọi phương diện của ông:
Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung
Tôi đi đã nhiều, lục lọi cũng rất nhiều trong kho tàng thi ca nhân loại, nhưng cho đến nay, tôi chưa thấy câu thơ nào giản dị và kỳ vĩ hơn thế, tài nghệ đến như thế trong lĩnh vực xây dựng hình tượng thơ và đặc biệt là kỹ nghệ đưa thực tế đời sống vào thơ. Trong nền thơ ca nhân loại, nếu xét về mặt tổng thể, thi sĩ Xuân Diệu của chúng ta chỉ ở một vị trí rất khiêm nhường, nếu đặt ông bên cạnh Lý Bạch, Đỗ Phủ, R. Tagor, Nguyễn Du, A. Puskin, Gơt...vv...Nhưng nếu mỗi thi sĩ chỉ được chọn ra hai câu thơ và chỉ hai câu thơ thôi, thì tôi ngờ rằng, có lẽ tất cả các bậc thiên tài kia đều phải ngả mũ trước hai câu thơ đó của Xuân Diệu. Hồn vía của hai câu thơ rất tuyệt vời ấy nằm trong một chữ. Đó là chữ "Đi". Còn nếu cứ tách bạch ra thì câu thơ "Trái đất ba phần tư nước mắt" chỉ là chuyện thực tế đời sống được nâng cao. Vì ai cũng biết, trái đất của chúng ta ba phần tư là biển. Từ đấy, Xuân Diệu nhìn thấy Trái đất "đi" như một giọt lệ thì hay thật. Nó hay chính ở cái chữ "đi" này. "Đi" là ở thế chủ động, và phải "đi" thì trái đất mới là một sinh linh, mới ra một thân phận. Còn "trôi" thì thành nước thật mất rồi, trái đất hóa vô cảm như dòng nước vô tri, câu thơ dễ dãi và lười nhác. Chữa thế là làm hỏng mất cả câu thơ.
Khi cho rằng câu thơ này bay ra ngoài quỹ đạo quen thuộc của thơ Xuân Diệu, là trong lòng tôi có chút băn khoăn. Thực tình trong thâm tâm, tôi ngờ câu thơ này không phải của Xuân Diệu vì nó nhuốm màu Huy Cận. Cái hay của thơ Xuân Diệu thường hay theo kiểu khác. Xuân Diệu có hai chặng đường thơ rất rõ rệt mà bất cứ người đọc tối thiểu nào cũng có thể nhận ra. Trước cách mạng là rạo rực yêu đương và sống cuống quýt, vội vàng. Sau Cách mạng, ông kéo thơ về mặt đất cần lao và cố gắng đưa thật nhiều thực tế đời sống vào thơ. Ông nhiều lần phàn nàn với tôi: "Cái mồm của thơ ta bé quá. Phải rạch nó ra để nhét đất đá của đời sống vào". Ông quan niệm thơ phải "Chân chân chân. Thật thật thật". Câu thơ này chẳng nằm trong khoảng nào trong cả đời thơ Xuân Diệu. Đã thế, nó lại có "hơi" Huy Cận rất rõ. Nỗi băn khoăn ấy cứ đeo đẳng tôi mãi. Một lần, tình cờ gặp Huy Cận, không hiểu sao, nhìn Huy Cận, tôi lại đâm ngờ vực cái linh cảm ấy của mình. Hình như tôi đã nhầm. Cái câu thơ rất siêu thoát ấy không phải của của Huy Cận chăng? Và rồi một lần khác, chẳng biết do giời xui đất khiến thế nào đó, tôi lại bộc lộ nỗi băn khoăn ấy với Huy Cận. Huy Cận đột ngột kêu lên: "Trời ơi, sao cậu biết chuyện đó? Ai nói với cậu thế? Câu thơ ấy đúng là của mình. Mình viết năm 1940 ở Huế. Xuân Diệu rất thích nên mình tặng Diệu. Bây giờ, thì mình thấy câu thơ ấy chính là của Diệu chứ không phải của Cận". Đến lúc ấy, tôi mới biết cái linh cảm của tôi đã không phản tôi. Câu thơ ấy đúng là của Huy Cận thật. Kể lại với bác và bạn đọc điều này, tôi nghĩ mình cũng chẳng làm điều gì phương hại đến uy tín của Xuân Diệu. Xuân Diệu như một đỉnh núi lớn. Có tách riêng ra một tảng đá, cho dù đó là vàng ròng ở dạng rất đặc biệt thì cũng không phải vì thế mà đỉnh núi đó thấp đi. Ngược lại, ta còn biết thêm một vẻ đẹp nữa của tình bạn giữa hai thi sĩ lớn, hai danh nhân văn hóa lớn của nền văn học hiện đại nước nhà: Xuân Diệu và Huy Cận. 

1 nhận xét:

  1. HG cũng mê hai câu thơ này lắm ạ! Thán phục vô cùng!!!!! Có thể diễn tả nhấn mạnh là "thích đến gai cả người" :). HG cũng cực kì tâm đắc với những ý phân tích về chữ "đi" của ông VTN trong lá thư này. Hồi mới đọc bài phê bình(chả nhớ có phải Trần Mạnh Hảo không) có chê vài điều viết về Xuân Diệu của Trần Đăng Khoa (trong cuốn Chân dung và đối thoại). HG thực sự "tức cả mình" khi thấy người này viết rằng: câu thơ mà TĐK ca tụng ấy ông ta vẫn chữa được- chữa chữ "đi" thành chữ "trôi"...
    Câu thơ đó có thể của Huy Cận ư? Nghe tác giả phân tích và nhớ lại phong cách thơ của hai ông thì lại thấy ... có lý. Nhưng sự thật như thế nào, mong chính thức được công bố. Bởi vì với tầm vóc như thế, câu thơ cần có chính chủ...

    Trả lờiXóa