Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

THÂN PHẬN NGƯỜI THẦY

Người thầy ngày xưa sống với nghề, được xã hội trọng vọng, có quyền hành và có tự do trong việc tổ chức giảng dạy và đánh giá học sinh của mình. Còn người thầy ngày nay trong xã hội ta thì sao?
người thầy, giáo viên, 20/11
Chân dung người thầy hiện nay
Người thầy ngày nay nhất là đối với giáo viên phổ thông thực sự là một người “thợ dạy” nghèo về vật chất, vất vả áp lực trong công việc, thiếu tự do và quyền hạn trong chuyên môn, và do đó, cũng chẳng phong phú gì về mặt tinh thần.
Trước hết là chuyện cơm áo gạo tiền. Theo kết quả đề tài khoa học cấp Nhà nước do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, làm chủ nhiệm cho thấy: “Thu nhập bình quân từ lương và các phụ cấp theo lương trong khoảng từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Tính theo năm công tác thì lương giáo viên sau 13 năm từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng, sau 25 năm từ 4,1 đến 4,7 triệu đồng/tháng. GV mới ra trường ở cả 3 cấp học nhận mức lương trên dưới 2 triệu đồng/ tháng. Với số lượng GV như hiện nay, theo tính toán của đề tài, chỉ khoảng 50% GV các cấp có thâm niên dạy học từ 13 năm trở lên và được hưởng mức lương bình quân, 50% còn lại được hưởng dưới mức lương bình quân”1.
Cả hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam hiện nay tựa như một trường đua mà đích đến là đủ thứ danh hiệu gắn liền với cá nhân với tập thể.
Lương của giáo viên như thế, trong khi vật giá đắt đỏ, các thầy cô cứ phải sống tằn tiện qua ngày. Nếu hai vợ chồng cùng là giáo viên, nuôi hai đứa con ăn học, thì kể là đói. Có thực mới vực được đạo, bụng mà còn đói thì khó có thể nói chuyện lý tưởng “trồng người”, tiêu cực dạy thêm học thêm, mua bán, trao đổi điểm chác cũng từ đây mà ra, làm nền giáo dục đi xuống, làm hình ảnh người thầy nhếch nhác trong mắt học trò và xã hội.
Về thời gian, trước đây tuy vẫn thiếu thốn, nhưng người giáo viên còn thong dong về mặt thời gian vì họ chỉ dạy một buổi, nay đa số trường dạy hai buổi một ngày, nên họ phải có mặt ở trường từ sáng sớm đến chiều, về tới nhà lại còn phải lo chuyện gia đình, con cái, rồi bao nhiêu chuyện không tên như soạn giáo án, làm sổ sách, vv. Ngày này qua ngày khác làm họ mệt mỏi, những người có lý tưởng khi mới vào nghề vì vậy cũng phai nhạt dần.
Người thầy bị giao phó đủ thứ nhưng lại chẳng có quyền hành gì trong công việc. Các đề thi các kỳ kiểm tra trong năm đều do phòng và sở giáo dục ra. Nghĩa là giáo viên cứ dạy theo những gì có sẵn, nhưng ai đó bên trên họ lại là người giữ quyền đánh giá học sinh của họ.
Chuyện thiếu thời gian, thu nhập ở trên đã là vấn đề, thì chuyện áp lực trong nghề nghiệp là vấn đề trầm trọng, thường trực đối với người thầy hiện nay. Nhiều giáo viên nói với tôi là họ bị căng thẳng thường trực vì luôn chịu áp lực. Căng thẳng vì phải luôn lo đối phó với các đoàn thanh tra, kiểm tra từ Bộ, từ sở, từ phòng và từ ban giám hiệu trường. Có những đợt thanh tra, dự giờ có báo trước, nhưng cũng có nhiều lúc không báo trước. Để đối phó với các đoàn thanh tra, giáo viên nhiều lúc phải bố trí cho học sinh đóng kịch, tạo ra các giờ học “chất lượng” giả tạo, không phản ánh đúng chất lượng thật, không tốt gì cho học sinh và cho cả xã hội.
Người thầy còn chịu áp lực vì bệnh thành tích, hệ quả của cách quản lý giáo dục kiểu “thi đua khen thưởng”. Cả hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam hiện nay tựa như một trường đua mà đích đến là đủ thứ danh hiệu gắn liền với cá nhân với tập thể. Người ta nhắc lên đặt xuống các cán bộ quản lý, các giáo viên và cả học sinh đều dựa chủ yếu trên các thành tích thi đua khen thưởng này. Sự hơn thua trong các cuộc đua được đánh giá thông qua các thành tích điểm số bên ngoài. Vì phải đua, nhà trường khoán cho giáo viên làm sao đó để cuối kỳ, cuối năm, phải đạt bao nhiêu học sinh khá, giỏi, xuất sắc nhằm có được những con số đẹp trong các báo cáo. Ngoài chuyện này, hệ thống còn tổ chức vô số các cuộc đua khác, một người bạn giáo viên tiểu học viết thư cho tôi kể: “bọn mình dạy tiểu học đến trường ngày 2 buổi cho đến hết tuần. Tối về lại bao nhiêu việc không tên khác như làm báo cáo, soạn bài, làm các chuyên đề để lên lớp và ôn luyện cho các cuộc thi: Thi quản lí giỏi, giáo viên dạy giỏi các cấp, thi khảo sát chất lượng quản lí và giáo viên, hội thi hát dân ca, thi đàn piano, thi luật an toàn giao thông….Tháng 1 này (2013) chúng mình đếm có đến 6 cuộc thi quan trọng. Nghe thầy Hiệu trưởng công bố chúng mình hồn vía lên mây xanh cả, cảm thấy áp lực vô cùng”.
Người thầy bị giao phó đủ thứ nhưng lại chẳng có quyền hành gì trong công việc. Các đề thi các kỳ kiểm tra trong năm đều do phòng và sở giáo dục ra. Nghĩa là giáo viên cứ dạy theo những gì có sẵn, nhưng ai đó bên trên họ lại là người giữ quyền đánh giá học sinh của họ. Không có quyền gì, nhưng họ lại là người phải chịu trách nhiệm nếu như học sinh mình không đỗ đạt cao. Kiểu tổ chức thi cử đánh giá này thể hiện sự không tin tưởng và tôn trọng người thầy, đặt cả thầy và trò vào thế bị động, buộc họ phải đối phó một cách căng thẳng và tiêu cực. Với cách làm này, chúng ta hoàn toàn dễ hiểu tại sao giáo viên sẵn sàng dạy “văn mẫu” cho học sinh, vì chỉ làm như vậy mới có thể đối phó với các đề thi áp đặt từ trên xuống.
...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét