Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

QUANH QUẨN CHUYỆN MÈO

Phiếm đàm: Hồ Tĩnh Tâm
Trong 12 con giáp, mèo là con vật đứng hàng thứ tư (TÝ – SỬU – DẦN – MẸO), tính theo hệ can chi gồm sáu cặp âm dương của triết học phương Đông. Trong 12 con ấy, 1 là con không thật (THÌN), còn lại đều là vật nuôi, thân thuộc, gần gũi với con người.
Trong số những con vật nuôi, mèo là con vật đặc biệt hơn cả, bởi bản tính của nó vừa tỏ ra được thuần hóa hết mực, vừa tỏ ra hoang dã, rừng rú. Cứ nhìn những cô mèo, chú mèo nằm lim dim trong bàn tay ve vuốt của gia chủ, ai mà chẳng cho rằng mèo là con vật hiền lành, dễ thương. Nhưng khi nhìn cung cách nó nằm phủ phục rình mồi, hay khi bất chợt bắt gặp nó rón rén tìm cách ăn vụng, thì hẳn không ai lại không nhận ra bản tính hoang dã, rừng rú của nó.
Ca dao xưa có câu:
Con mèo, con mẽo, con meo
Vồ con chuột béo nhảy leo xà nhà
Câu ca dao này rõ ràng là nhằm chỉ ra tính hoang dã của mèo. Cứ nhìn cung cách ăn uống của nó thì sẽ thấy. Chó khi được cho ăn, nếu chỉ một mình thì nó sẽ nhẩn nha, chỉ khi nào có con chó khác xuất hiện thì nó mới vừa ăn vừa nhe nanh gầm gừ dọa nạt. Còn mèo, hễ được cho món ngon, dẫu chỉ có một mình, nó cũng ngoạm lấy, tha vào nơi xó xỉnh, ăn hết mới lại trở ra tha miếng khác. Bản tính hoang dã, hay giấu diếm thức ăn này, rất nhiều khi làm cho ông chủ của nó phát bực mình. Chẳng hạn như bắt được con chuột ở đâu đó ở bên ngoài, bao giờ nó cũng tha về giấu nhẹm trong hốc, trong kẹt nhà rồi mới ăn. Ăn không hết, chuột bốc mùi thúi rum chủ mới biết.
Bản tính hoang dã còn cho thấy, mèo rất hay bỏ nhà đi hoang; có khi nó bỏ đi cả một ngày, cả vài ngày không chừng. Bởi vậy dân gian mới có câu thành ngữ “mèo mả gà đồng”. Ý vận vào người là để chỉ những người đàn bà không tiết chính. Ví như Nguyễn Du có viết trong “Truyện Kiều”: “Ra tuồng mèo mả gà đồng, ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào”.
Mà cái thói động tình của mèo cũng xấu lắm. Đêm hôm khuya khoắt, mèo động cỡn cứ gào lên đòi ái ân thảm thiết. Tiếng gào thê thiết như tiếng trẻ khóc. Ở quê tôi, người ta đồn rằng, mèo già hóa cáo. Ấy là người tá ám chỉ mèo đã thành tinh. Thành thử ở quê tôi lại có câu: “Rắn phủ lồn mèo”. Đây chỉ là lời đồn đại, bởi vì ngay cả chuyện mèo duy trì nòi giống với nhau, cũng đã mấy ai nhìn thấy. Đối với mèo, chuyện này được tiến hành kín đáo vào ban đêm, khác hẳn với các anh chị Tuất, anh chị Mùi, anh chị Sửu, anh chị Hợi, anh chị Ngọ.
Nam Bộ có câu:
Mèo nằm giạn bếp vinh râu
Thấy con chuột chạy lắc đầu kêu ngoao
Từ câu ca dao ấy, đất phương Nam sinh ra điệu lý “Con mèo”, âm nhạc vang lên như tiếng mèo kêu, rất hợp với tâm lý thích bắt chước học nói của tuổi thơ. Người ta gọi loại âm nhạc này là những khúc hát đồng dao, dành cho trẻ con.
Lời chuyển thành điệu lý như sau:
Mèo nằm giạn bếp tạ lới lới kêu ngoao
Kêu ngoao ngoao kêu ngoao tình rồi kêu ngoao ư
Thấy con chuột chạy hổng bắt lắc đầu
Tạ lới lới kêu ngoao
Kêu ngoao ngoao kêu ngoao tình rồi kêu ngoao ư
Cứ nhìn những chú mèo đã no nê nằm dài trên sa lông sẽ thấy. Khi mèo đã thỏa mãn bản thân, bao giờ cũng thích tìm những nơi ấm áp, nằm ườn ra, hoặc cuộn tròn lại, lim dim ngủ cả buổi, cả ngày. Bấy giờ mèo tỏ ra hiền dịu lạ lùng. Có thể vì điều đó mà người đời mới ví chuyện bồ bịch là chuyện mèo mỡ, mới gọi chuyện đi o gái là đi o mèo. Bấy giờ ôm con mèo lên mà vuốt thì sướng lắm; bàn tay cảm nhận sự rùng rùng da thịt của mèo tới ấm nóng, mịn mượt, tới co rúm cả tấm thân mềm mại.
Khi no nê mèo chỉ thích lăn ra ngủ. Bấy giờ nó rất khảnh tính, tới cả món ngon nó cũng chỉ liếm láp vài cái gọi là. Vì vậy mới có câu: “Ăn như mèo”. Hay ví von: “Nam thực như hổ, nữ thực như miu”.
Chứ khi đói, mèo ta rình rập ra trò.
Cái thói thu minh rình rập của mèo, ít có con vật nào kiên trì được như nó. Nó có thể chăm chăm rình con mồi cả buổi mà không hề tỏ ra nóng vội, chán nản, không hề gây ra bất cứ một động tĩnh nào dù là rất nhỏ.
Cá dao có câu:
Con mèo con chó lom khom
Em tao nó ngủ mày dòm làm chi
Câu ấy có ý ám chỉ thói thóc mách, hay nhòm nhỏ của người đời. Nhưng rõ một điều là, chó không thể nào kiên nhẫn rình mồi được như mèo. Với nữa, xưa nay chó vẫn thường thua mèo nhiều chuyện, vẫn thường mắc hàm oan vì mèo.
Con mèo đập bể nồi rang
Con chó chạy lại phải mang lấy đòn
Mèo hơn chó ở chỗ biết leo trèo. Chính vì biết leo trèo mà người đời mới coi mèo là sư phụ của hổ.
Khả năng leo trèo của mèo thì ai cũng biết. Leo nhanh thoăn thoắt, nhảy nhanh thoăn thoắt, phóng nhanh thoăn thoắt. Khi nhảy, khi phóng, mèo có những thế rướn mình tuyệt đẹp. Cả đến thế ra đòn bằng hai bàn chân trước của mèo cũng vô cùng tuyệt chiêu, tuyệt diệu. Đó là thế võ linh miêu, ra đòn nhẹ như thinh không, nhanh như gió mà vô cùng hiệu quả, đối phương khó hòng tránh đỡ. Mèo khi tấn công cũng như khi phòng thủ, bao giờ cũng nhìn thẳng vào mắt đối phương mà không hề chớp mắt. Ánh mắt mèo lúc ấy lạnh tanh ("lạnh như mắt mèo"). Từng cú lắc đầu, từng cú nhảy qua nhảy lại, từng cú xoay chuyển, nhất nhất đều mềm mại, nhanh chóng, chính xác. Hơn bất cứ một con vật nào, mèo rất biết cách lấy yếu chống mạnh, lấy mềm chọi rắn. Nếu phải đối chọi với những con vật khác, nếu mèo vì nhỏ hơn mà không giành được phần thắng, thì cũng không bao giờ chịu thua. Ấy là nhờ sự nhanh nhẹn, uyển chuyển và chính xác đến tuyệt đỉnh. Đôi lúc, mèo tấn công con mồi ở trên cao, lỡ trợt chân rơi xuống, bao giờ mèo cũng kịp xoay người, tiếp đất bằng bốn bàn chân một cách nhẹ nhàng. Kèm theo các thế võ ấy, răng nhọn và vuốt sắc cũng là một lợi thế hiểm độc của mèo.
Về tài leo trèo của mèo, từ lâu dân gian đã có câu:
Con mèo trèo lên cây vông
Con chó đứng dưới ngó mong con mèo
Mèo rằng, sao chó chẳng theo
Lên đây mèo sẽ dạy leo cho mà
Về tướng mạo, mèo có đủ cả tướng văn lẫn tướng võ; vừa duyên dáng kiêu sa, vừa oai hùng, trí dũng. Vậy mà ca dao vẫn có câu:
Con èo nằm bếp ro ro
Ít ăn nên mới ít lo ít làm
Thực ra mèo không hề ăn ít chút nào. Vốn là thú săn mồi và ăn thịt, khi đói, mèo tấn công cả thằn lằn và rắn mối; còn không thì nó tìm cách tấn công nồi niêu, soong chảo, hay bất cứ thứ gì có chứa thức ăn ở trong. Về tài đạo chích này, mèo cũng rất đáng mặt đại ca. Nó rất biết cách mở nắp nồi, cạy cửa tủ. Nếu thấy được đồ ăn, bao giờ nó cũng ngoạm lấy miếng lớn nhất, ngon nhất mà tha đi.
Người đời nuôi mèo, nhưng vẫn ghét thói ăn vụng thành tinh của mèo. Thành ra người tuổi mẹo mới mang tiếng trong bài vè 12 con giáp.
Tuổi mẹo là con mèo ngoao
Hay quấu hay quào, ăn vụng qúa tinh
Vậy nhưng những đặc tính tinh khôn của mèo thì con người không hề phủ nhận. Bởi vậy người ta mới thích mèo, mới nuôi mèo, mới coi mèo như con vật để trị chuột trong nhà; vừa dùng để làm cảnh, vừa dùng để tạo sự sang trọng. (Đã có con xi lùn Nhật Bổn, tại sao lại không có con miu xù ĂngLê cơ chứ?)
Lạ lắm! Trong dân gian người ta vẫn hay nghe thấy người mẹ dạy con học nói đúng, nói nhanh bằng ca dao.
Con cá đối nằm trên cối đá
Mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo
Có khi lại còn thấy bà chơi với cháu, đố cháu bằng ca dao dân dã:
Con mèo lành sao kêu mèo vá
Con cá không thờ sao gọi cá linh
Con mèo từ rừng rú hoang sơ, về sống với người đã bao nhiêu triệu năm rồi, thân thuộc với người đã bao nhiêu triệu năm rồi. Ngày nay, nhiều nước trên thế giới đã tạo ra được những giống mèo làm cảnh có bộ lông tuyệt đẹp, có hình dáng cực kỳ đáng yêu. Tại sao ở nước ta lại sinh ra món ẩm thực từ thịt mèo nhỉ? Phải chăng người đã ăn hết cọp thì giờ phải ăn tới mèo? Hết thịt cọp thì tới thịt mèo. Hết cao hổ cốt thì tới cao miêu cốt. Lại còn đòi phải có cho được thịt mèo mun, xương mèo mun, mật mèo mun nữa cơ chứ !
Đã chọn mèo cầm tinh cho người, phải cho mèo lên ngôi với chứ! Mèo cũng biết làm xiếc, biết đóng phim, biết làm ca sĩ hát theo nhạc đệm. Mèo oai dũng và tài hoa biết mấy!
Trong thời nhiễu nhương chôm chỉa nhạc ngoại làm nhạc nhà, đã có ai nghĩ tới chuyện làm một Clip VCD âm nhạc bằng giọng mèo và giọng mèo hòa với giọng người chưa nhỉ? Những con mèo mướp, mèo mun xứ ta dễ thương biết mấy.
H.T.T.






Kết quả hình ảnh cho mèo 





 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét