Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

NGƯỜI ANH HÙNG VỚI QUẢ "TÊN LỬA" thứ 3

LTS: Như chúng tôi từng thông tin đến bạn đọc, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) và Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp chỉ đạo thực hiện công trình sách "Ký ức người lính" để ghi lại những ký ức chân thật, sống động của những người lính trong giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ đất nước, trong nhiệm vụ quốc tế, ký ức của người ở hậu phương...

Hội đồng môn niên khoá 1959-1962 của trường phổ thông trung học Chu Văn An, Hà Nội mỗi khi họp mặt thường nhắc đến người bạn học cũ, người phi công đã đi vào huyền thoại như một con đại bàng phát sáng trong đêm, người đã biến Mig-21 thành “quả tên lửa thứ 3” diệt B-52 của Mỹ: liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân Vũ Xuân Thiều.
Vũ Xuân Thiều sinh tháng 2/1945, là con thứ 7 trong một gia đình có 10 người con, quê gốc ở Hải Hậu, Nam Định. Ông Vũ Xuân Sắc, bố của Thiều là một chí sĩ yêu nước, sớm giác ngộ và có nhiều đóng góp cho cách mạng.
Phát huy truyền thống của gia đình, khi đang là sinh viên khoá 7, ngành Vô tuyến điện, Trường Đại học Bách khoa, Thiều đã cùng 10 người bạn cùng trường làm đơn tình nguyện và được tuyển chọn vào Quân chủng Phòng không - Không quân. Một tháng sau khi có quyết định, ngày 22/6/1965, các anh theo đoàn tàu lửa từ ga Hàng Cỏ hành trình qua Liên Xô đi học lái máy bay tiêm kích phản lực Mig-21.
Từ nước bạn, Thiều và các bạn mình được tin: Giặc Mỹ đã dùng máy bay B-52 đánh bom miền Bắc Việt Nam ở đèo Mụ Giạ, Quảng Bình. Các phi công Việt Nam cùng khoá học với Thiều, ai nấy đều thể hiện quyết tâm, ngày đêm luyện tập để nhanh chóng về nước, tiêu diệt nhiều máy bay địch, tìm cách bắn rơi B-52.
cựu chiến binh, Tổng cục Chính trị, quân đội, quốc phòng, an ninh, Vũ Xuân Thiều
Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều. nh tư liệu

Cảm tử lập chiến công lớn
Với thành tích học tập xuất sắc, năm 1968, Vũ Xuân Thiều về nước, nhận nhiệm vụ chiến đấu tại Trung đoàn 921. Sau đó, anh được điều về phi đội 5. Đây là đơn vị chuyên bay và chiến đấu ban đêm, gồm những phi công có trình độ kỹ thuật, chiến thuật cao, có lòng dũng cảm, mưu trí..
Thời gian này, máy bay B-52 Mỹ liên tục ném bom rải thảm trên đường mòn Hồ Chí Minh, nhằm ngăn chặn những hoạt động chi viện cho chiến trường miền Nam. Cuối năm 1971, một số sĩ quan không quân được cử đến Quảng Bình, Vĩnh Linh nghiên cứu hoạt động chiến đấu của máy bay B.52. Một số đơn vị rađa cũng được điều đến đây nhằm bảo đảm cho các đơn vị Phòng không - Không quân đánh thắng B-52 Mỹ.
Đêm 20/11/1971, được thông báo có B-52, Vũ Đình Rạng nhận lệnh xuất kích từ sân bay Anh Sơn (Nghệ An), phóng tên lửa trúng chiếc B-52 Mỹ, do phi công Kalp Wetter Haln điều khiển. Chiếc B-52 không rơi tại chỗ nhưng bị hỏng, phải hạ cánh xuống sân bay Nakhon Phanomb ở Thái Lan, sau đó phải tháo rời đưa về Utapao. Cuối tháng 12/1972, Kalp Wetter Haln bay trên một chiếc B-52 khác, bị tên lửa ta bắn rơi tại Hà Nội, bị bắt làm tù binh, đã khai với ta, trường hợp máy bay B-52 của Kalp bị Mig-21 của Vũ Đình Rạng bắn rơi.
Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Nich-xơn thông qua kế hoạch dùng máy bay B-52 đánh Hà Nội và Hải Phòng. Tối 27/12, được Sở chỉ huy thông báo có B-52 từ phía Mộc Châu đến, lúc 22 giờ 30, phi công Phạm Tuân nhận lệnh cất cánh từ sân bay Yên Bái, phát hiện mục tiêu, đã tăng tốc độ, đạt 1200km/h, bay lên độ cao 10.000m, phóng hai tên lửa ở cự ly 2.000m, tiêu diệt chiếc B-52 số 2 rồi vòng gấp sang trái, hạ cánh an toàn xuống sân bay Yên Bái.
Rút kinh nghiệm đánh B-52 của phi công Vũ Đình Rạng và Phạm Tuân, thực hiện quyết tâm: “Bắn rơi B-52, bắt sống phi công B-52 Mỹ”, thượng úy, phi công Vũ Xuân Thiều báo cáo với trung đoàn trưởng: “Lần sau khi phát hiện B-52, xin phép cho tôi được xuất kích tiêu diệt. Bắn mà B-52 không rơi tại chỗ, tôi sẽ xin lao thẳng vào nó”.
Không thể tiếp tục trực đánh B-52 ở các sân bay phía Bắc, Bộ Tư lệnh quyết định sử dụng sân bay Cẩm Thủy, Thanh Hóa, cho MIG trực chiến để tạo sự bất ngờ. Ngày 28/12/1972, phi công Vũ Xuân Thiều được lệnh đưa máy bay bí mật cơ động vào sân bay Cẩm Thủy để sẵn sàng đánh địch.
Đến 21 giờ 41 phút, Sở chỉ huy lệnh cho phi công 26 tuổi, Vũ Xuân Thiều cất cánh, với tên mật: XB-90, lên đánh vào một tốp B-52 bay vào đánh Hà Nội. Chiếc Mig-21 gầm lên, chạy đà rồi nhanh chóng vút lên không trung... 15 phút sau, Vũ Xuân Thiều được dẫn bay hướng về vùng trời Yên Châu (Sơn La). Nhưng Thiều phát hiện thấy B-52, khi đang ở độ cao 10km, góc vào 90 độ, cự ly chỉ 4km, anh phải nhìn bằng đèn, vì không dám bật rađa, để tránh các máy bay F4, F111 bảo vệ B-52.
Không thể bay vượt qua rồi mới vòng lại công kích, bởi như vậy đối phương sẽ phát hiện ra có Mig và kịp thời đối phó. Mặc dù ở cự ly gần, Thiều vẫn xin lệnh công kích. Quả tên lửa thứ nhất rồi quả thứ hai phóng về hướng chiếc B-52. B-52 bị trúng đòn, nhưng vẫn ngoan cố lao về phía trước, nhằm thực hiện ý đồ trút bom xuống Hà Nội. Không để những trái bom tội ác địch ném xuống Hà Nội, nhưng đạn đã hết, vũ khí duy nhất của Thiều lúc này là tinh thần cảm tử.
cựu chiến binh, Tổng cục Chính trị, quân đội, quốc phòng, an ninh, Vũ Xuân Thiều
Lá thư dang dở của Anh hùng Vũ Xuân Thiều
Thiều xin lệnh tấn công tiếp. Các sĩ quan ở Sở chỉ huy chưa kịp đưa ra chỉ thị gì, thì trên bầu trời Sơn La, một tiếng nổ long trời lở đất, liền đó một quầng lửa bùng lên sáng rực giữa đêm đen. Tại Sở chỉ huy, các sĩ quan điều khiển cũng nhận thấy tín hiệu của Thiều trên bản đồ bay đã hoàn toàn biến mất.
Ngày 29/12/1972, tỉnh đội Sơn La báo cáo: “Đêm qua, trên cánh đồng xã Tạ Khoa, Yên Châu, Sơn La, có một máy bay B.52 bị cháy rơi, một Mig-21 cũng rơi gần đó”. Một số phi công trong phi đội bay đêm nhận lệnh đến ngay Tạ Khoa, tìm đến khu vực B.52 của Mỹ bị cháy rơi. Chiếc Mig-21 của Vũ Xuân Thiều nằm cách đấy không xa.
Vũ Xuân Thiều đã thực hiện ý chí tiêu diệt địch khi cùng với chiếc Mig-21 biến thành quả tên lửa thứ 3 lao vào kẻ thù, như lời anh từng nói. Thêm một chiếc B-52 bị không quân Việt Nam bắn rơi, chiến công của phi công Vũ Xuân Thiều được ghi nhận. Sau này, vào năm 1994, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Vũ Xuân Thiều trong hồi ức 
Đại tá Vũ Xuân Thăng, anh trai Thiều kể: “Năm Thiều lên hai tuổi bị một mụn nhọt rất to ở sau lưng, dân gian vẫn gọi là “hậu bối”, tức ở vị trí rất nguy hiểm, hành hạ. Thiều sốt liên tục mấy ngày liền, tôi phải bế em ấp vào người cho khỏi đau nhưng tuyệt nhiên em không kêu khóc.
Sau này, khi đang học năm thứ 3 khoa Vô tuyến điện, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Thiều trốn gia đình đi khám nghĩa vụ quân sự. Đến khi trúng tuyển đợt đào tạo phi công của Quân chủng Phòng không - Không quân, em mới báo tin cho gia đình, mọi người đều bất ngờ và vui mừng.
Sau khi chú ấy đi học được chừng một năm, một hôm bố tôi qua trụ sở Đại sứ quán Liên Xô, ở Hà Nội, thấy ở bảng tin của Sứ quán có treo một dãy những bức ảnh của các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được đào tạo ở Liên Xô. Trong số đó có ảnh chú Thiều và dòng chú thích: “Người phi công này đạt thành tích xuất sắc trong quá trình học tập”. Bố tôi rất phấn khởi, về thông báo tin đó với gia đình. Anh chị em chúng tôi rất tự hào”.
Bà Vũ Thị Kim Bình, em gái người anh hùng, cho biết thêm: “Từ khi còn bé, anh Thiều rất thích chơi đá bóng và mô hình máy bay. Anh đã mơ ước trở thành phi công từ những ngày đó. Có lẽ vì thế, khi đang học lớp 10, anh đi khám tuyển quân sự, bị trượt ở vòng quay thử. Sau lần ấy, sáng sáng anh đều lên sân thượng tập thể dục. Anh nói rằng anh phải tập quay đầu để không bị chóng mặt trong lần khám tuyển sau. Anh nhất định thực hiện bằng được ước mơ của mình”.
Đại tá Vũ Đình Rạng, nguyên Đại đội phó bay đêm của Thiều kể: “Vũ Xuân Thiều là người điềm đạm và quyết đoán. Tôi nhớ có lần sau khi giảng bình bay về cậu ấy còn nói, nếu gặp B-52 mà bắn không rơi, tôi sẽ liều mình làm quả tên lửa thứ 3, nhất định tiêu diệt nó”.
Còn trong tâm thức của Trung tướng Nguyễn Đức Soát, người đồng đội, người bạn thân cùng phi đội bay đêm với Thiều, và vợ ông, bà Lê Hoàng Hoa, thì Thiều mãi sống trong lòng họ. Bà Hoa chính là cô nữ sinh Hà Nội xinh đẹp, khi đó đang du học tại Liên Xô, đã có mối tình đầy lãng mạn với anh phi công hào hoa Vũ Xuân Thiều, qua những bức thư tình tràn đầy niềm tin yêu, hy vọng, đặt trong chiếc phong bì màu xanh. Chuyện tình của họ, cả phi đội bay và nhiều người thân quen đều biết.
Trước "đêm định mệnh", Thiều đã gửi gắm cho Nguyễn Đức Soát hai phong thư, dặn rằng: “Mình không về, Soát đưa cái này cho mẹ mình, còn cái này tìm đưa cho Hoa”. Rồi anh cất cánh cùng chiếc Mig-21 thân yêu của mình... và mãi mãi không bao giờ hạ cánh. Người bạn, người đồng chí, phi công Nguyễn Đức Soát đã truyền lại những kỷ vật của Thiều cho người thân, sau đó thay anh làm người con hiếu thảo và nối tiếp mối lương duyên bạn mình để lại. 

Thu Vân - Đỗ Sâm



Những tấm tình son sắt

Tướng Soát từng không biết hút thuốc lá. Cho tới tận những ngày cuối cùng của tháng 12 năm 1972. Câu chuỵện gắn với những điếu thuốc đầu tiên ấy khiến vị tướng hôm nay vẫn rơi nước mắt…

Đó là đêm 28/12/1972. Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị cho xe ô tô vào đón Nguyễn Đức Soát lên hầm chỉ huy sau buổi giao ban buổi tối. Sau khi hỏi thăm về việc chuẩn bị chiến đấu cho bộ đội vào ngày mai, Đoàn trưởng thông báo: Trên chính thức công nhận đêm 28/12, Vũ Xuân Thiều (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam) đã bắn rơi 1 máy bay B52, và cũng chính thức công nhận Vũ Xuân Thiều đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. 

Tấm ảnh kỷ niệm ghi ngày cưới của vợ chồng tướng Soát (Ảnh do gia đình cung cấp).



Lại một người bạn, một người chiến sĩ nữa ra đi. Và hôm đó nỗi đau còn nhân đôi vì đại đội 3 mất 2 chiến sĩ: Thiều và Hùng (buổi sáng, Hoàng Tam Hùng đã bắn rơi 1 chiếc máy bay trinh sát vũ trang RA-5C, 1 F-4 và anh đã hy sinh ở Thường Tín). 

Nỗi đau mất mát chẳng bao giờ quen được. Tướng Soát nhớ lại: “Anh Nhị vốn là người ít nói. Cả hai anh em cứ ngồi lặng đi bên chiếc bàn. Sau đó anh Nhị rút trong túi ra bao thuốc lá Điện Biên bao bạc đã bẹp dúm vì nhét trong túi áo bông, lấy một điếu, châm lửa, rồi vứt bao thuốc lên bàn. Cảm giác im lặng thật nặng nề. Tôi bất giác cũng rút một điếu thuốc, và châm lửa, rít một hơi đầu tiên trong đời. Thật sự là sốc, tôi ho sặc sụa, vì đây là lần đầu tiên hút thuốc… Sau đó anh Nhị bảo tôi pha cà phê. Chúng tôi đã thức trắng đêm, cũng bởi muốn nương tựa vào nhau trong mất mát quá lớn lao này…”.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Vũ Xuân Thiều là một người bạn thân của tướng Soát. Một người mà tướng Soát đã dành cho những dòng thật trang trong trong cuốn nhật ký của mình. 

Ngày 29/12 của cuốn Nhật ký chính là để viết về Vũ Xuân Thiều: “Ra đa C-26 ở Cồn Thuỷ dẫn Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thuỷ lên đánh vào 1 tốp B52 bay vào đánh Hà Nội. Thiều gặp địch ở Sơn La, trong điều kiện không thuận lợi, ở H-10km, mà góc vào 90 độ, cự ly chỉnh 4km, Thiều lao vào công kích. Một phút sau, chỉ huy mất liên lạc với Thiều. Không biết tin Thiều có nhảy dù được hay đã hy sinh. Sợ nó đâm vào B52. Sợ nó thoát ly ra sau khi bắn bị cắm xuống núi. Hiện nay, bọn Mỹ đang đi cứu giặc lái tại Sơn La… 

Thiều là bạn thân của mình. Nó thông minh, sống chân tình và rất mực đức độ. Trong chuyện riêng nhiều lần mình đã tìm đến Thiều… Thật đáng tiếc bị mất những đồng chí rất tốt trước ngày thắng lợi. Thật tự hào có những người lính không tiếc cả cuộc sống của mình trong giờ phút thử thách quyết liệt của dân tộc và mang về những chiến công hiển hách”. 

Sau này, tướng Soát cùng đồng đội và gia đình đã mang phần mộ của liệt sĩ Vũ Xuân Thiều từ Sơn La về chôn ở Hà Nội.Vào dịp giỗ, anh và đồng đội lại đến nhà Vũ Xuân Thiều để cùng ăn bữa cơm với gia đình và ôn lại những kỷ niệm về anh. Và mỗi khi gia đình liệt sĩ Vũ Xuân Thiều có “công việc lớn” gì, anh đều góp mặt, như một người con trai- thay cho người bạn đã hy sinh của mình…

Còn một câu chuyện cũng rất riêng nữa của tướng Soát, chuyện về người vợ thân yêu của anh – chị Lê Hoàng Hoa. Một chuyện tình cảm động và cũng đầy ý nghĩa. 

Chị Hoa vốn là người yêu của liệt sĩ Vũ Xuân Thiều. Và tướng Soát lúc bấy giờ biết chị Hoa qua những lá thư chị gửi từ Liên Xô (cũ) về cho người yêu nơi chiến trường Việt Nam. Lính mà, chuyện gia đình là chuyện chung, chuyện người yêu là chuyện để tâm tình những lúc có thể bên nhau. Tướng Soát kể, chả thế mà những người lính được về phép 2 ngày, thì mất đứt 1 ngày: Gồm nửa ngày đi gửi thư của các chiến sĩ trong đơn vị cho gia đình, và nửa ngày đi nhận thư của các gia đình gửi lên. Nhưng lính là thế, tình đồng đội, sự gắn kết là thế!

Và cũng nhờ một lá thư của chị Hoa từ Liên-xô gửi về cho đồng đội của liệt sĩ Vũ Xuân Thiều sau khi anh đã hy sinh, mà cái “duyên vợ chồng” đã đến với hai người. Khi ấy, lá thư được chuyển đến tay Nguyễn Đức Soát, vì anh là đại đội trưởng, cũng vì anh là bạn thân của liệt sĩ Vũ Xuân Thiều.

Lá thư kể về những xót xa của cô sinh viên khi mất người yêu, rất xúc động. Đọc xong thư, Nguyễn Đức Soát viết thư trả lời, kể về chiến công anh dũng của Vũ Xuân Thiều và động viên Hoa vượt qua nỗi đau mất mát quá lớn này để tiếp tục học tập.

Tướng Soát kể: “Đồng chí Hoa (anh vẫn quen gọi vợ như thế, nhưng nghe thật ấm áp và gần gụi - PV) lúc đó chưa biết tôi là ai. Khi đọc thư của tôi xong, thì chị đoàn trưởng của ở bên Liên Xô mới nói với Hoa là báo Nhân dân số tết năm 1973 có đăng 1 bài và ảnh của tôi, và Hoa đã tìm đọc. Bài viết có tên là “Mừng các em tôi”, tôi viết về cảm xúc hoà bình khi Hiệp định Pari đã được ký. Tôi còn nhớ, thời chiến tranh, các em nhỏ khi đi học thường phải đội mũ rơm. 

Những lần gặp bọn tôi trên xe ô tô đi ngược lại, các em thường reo lên: “Các chú phi công ơi, các chú bắn hết máy bay Mỹ đi để chúng cháu đi học không phải đội mũ rơm và các chú thì không phải sống dưới hầm nữa”. Và đây chính là cảm xúc để tôi viết bài này…”

Chị Hoa đọc bài viết xong, đã biết chút ít về cái người viết thư cho mình là ai. Rồi thư đi, tin lại… Những tình cảm bắt đầu hình thành. Đến tháng 7/1973, Nguyễn Đức Soát được cử đi dự Festival thanh niên sinh viên thế giới ở Béclin. Chuyến đi bằng tàu hoả, xuất phát từ Việt Nam, qua Trung Quốc, tới Matxcơva (Liên Xô cũ), rồi mới sang Beclin. Khi sang Matxcơva, đoàn có ở lại 2 ngày và tướng Soát đã có cơ hội gặp một vài người bạn học cùng chị Hoa, họ cho biết chị Hoa vừa đi nghỉ vài ngày ở Matxcơva và đang trên đường trở lại trường ở Kisinhốp. “Không gặp được, nên tôi đã viết thư báo với Hoa ngày tôi sẽ từ Béclin về Matxcơva, dặn Hoa nếu có điều kiện thì ngày đó lên gặp tôi. Nhưng thật sự là tình cờ, vì khi lá thư còn chưa đến nơi, thì Hoa lại nghe được cuộc phỏng vấn của đài phát thanh Liên Xô với tôi trong những ngày tôi ở Matxcơva. Hoa liền xin với người phụ trách, rồi lại lên Matxcơva. Trong hơn chục ngày tôi đi dự Festival, Hoa ở Matxcơva, xin làm thuê ở một nhà máy để kiếm tiền mua vé tàu về Việt Nam (đợt đó đang nghỉ hè). Tôi còn nhớ, khi gặp Hoa, hai bàn tay Hoa đỏ tấy vì lao động…"

Đến ngày tướng Soát từ Beclin về, chị Hoa cùng em gái của liệt sĩ Vũ Xuân Thiều (cùng học ở Liên Xô) ra đón. Và đó là lần đầu tiên Nguyễn Đức Soát biết mặt người vợ sau này của mình.

Chuyến tàu chuyên xa (dành riêng cho đoàn thanh niên đi dự Festival) chính là chiếc cầu nối đầu tiên cho hai người gần lại nhau. Họ đã có chuyến đi đầu tiên cùng nhau, hành trình mười mấy ngày, qua cả Trung Quốc, thăm Vạn Lý trường thành… “Hoa về nước được 20 ngày thì sang học tiếp. Cũng thật tình cờ, ngày 12/9 Hoa đi, thì ngày 11/9, mẹ tôi lên Hà Nội dự buổi tuyên dương anh hùng mới (có mời các anh hùng cũ và bố mẹ lên dự cùng). Mẹ tôi và Hoa đã gặp nhau. Sáng hôm sau, ngày 12/9, 5 giờ sáng tôi đưa Hoa ra bến tàu. Hoa chỉ nói 1 câu: “Em mong sau 2 năm nữa em học xong, về nước, sẽ được găp anh ở ga với chiếc áo bộ đội pha màu gió…”

Lại một hành trình yêu qua thư kéo dài 2 năm. Đến năm 1975, chị Hoa về nước. Và đến năm 1976 thì đám cưới – cái kết đẹp cho một chuyện tình đẹp đã diễn ra tại Hà Nội. Và họ có một căn nhà ấm cúng ở khu nhà lính ở Nam Đồng!

Tất nhiên, những xa cách của họ vẫn còn, bởi làm vợ lính có bao giờ thôi vất vả. Sau khi cưới 3 ngày thì Nguyễn Đức Soát đi công tác miền nam 3 tháng. Sau đó về vài tháng lại đi Liên Xô (cũ) học 3 năm. Đến khi ông về nước (năm 1979), cậu con trai cả đã hơn 2 tuổi. Tướng Soát còn nhớ, lúc về nước, đang xếp hàng làm thủ tục hải quan, thì thấy một cậu bé lách qua cái liếp của sân bay Nội Bài ngày ấy, len vào, túm lấy gấu áo giật giật và gọi “Bố ơi”. Nhìn xuống, nhận ra con mình…

Chuyện về lính, lại là những chàng lính không quân hiên ngang trên chiếc én bạc, phong trần giữa bầu trời quê hương… quả thực kể mãi chưa hết và nghe mãi vẫn say. Nhưng nhớ nhất vẫn là cảm giác ung dung tự tại của họ, cái cảm giác mà đón nhận điều gì cũng nhẹ tênh, kể cả những chiến công dù lập được trong sự đối mắt ngày đêm với cái chết; kể cả những lần được phong tặng danh hiệu anh hùng… Bởi với họ, có một điều quan trọng hơn rất nhiều, đó là sự bình yên của vùng trời đất nước…
Tuyết- Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét