Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

NGƯỜI MẸ BÌNH DỊ CỦA TÔI!

Đất nước ta trải qua cuộc chiến đấu gian khổ đầy những mất mát và hy sinh to lớn của dân tộc mới giành được thắng lợi và thống nhất đất nước. Trong đó sự hy sinh thầm lặng của các bà mẹ là sự đóng góp vĩ đại để làm nên chiến thắng lịch sử ấy.

Là người con sinh ra khi đất nước còn chiến tranh, thế hệ 6X của tôi cảm nhận được sự hy sinh cao cả của mẹ mình đã cống hiến cho quê hương, đã dành tặng cho Đảng những người con, người chồng yêu thương của mình để làm nên chiến thắng hào hùng của dân tộc mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào cho mình. Tôi muốn viết về mẹ Lê Thị Định của tôi, người đã sinh ra tám người con, trong đó tôi là cô con gái út trong một gia đình đã đi theo tiếng gọi của non sông.
Có câu ca dao: "Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ. Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha". Đúng thế, gánh nặng cuộc đời của cha mẹ tôi không chỉ là gánh nặng đời thường mà còn là gánh nặng non sông, đất nước thời chiến.
Từ khi cảm nhận được cuộc sống gia đình tôi không thấy mình có cha và cũng không nghe mẹ nhắc đến. Có một đêm khi đang ngủ, tôi bỗng choàng tỉnh giấc vì có bàn tay ấm áp ôm tôi vào lòng, mẹ tôi nói giọng thật nhỏ: "Thưa cha đi con!". Thì ra tôi cũng có cha và cha tôi là "Việt cộng". Thỉnh thoảng Người về thăm chúng tôi, mẹ tôi lại tiếp tế lương thực, tiền bạc, thuốc men cho cha và đồng đội. Hằng ngày mẹ buôn bán và làm lụng vất vả để nuôi chúng tôi nhưng không vì thế mà mẹ cáu gắt hay rầy la con cái.
Có một hôm tôi thấy mẹ thắp mấy nén nhang và khóc một mình rất lâu, sau này tôi mới hiểu ra lúc ấy anh ba tôi đã hy sinh trong một trận càn của địch, khi ấy anh vừa tròn hai mươi tuổi. Phải chăng nước mắt mẹ đã chảy ngược vào trong. Mẹ âm thầm và lặng lẽ như thế đó. Vào năm Mậu Thân 1968, người anh trai thứ tư của tôi lại hy sinh. Mẹ tôi như chết lặng, Người ngồi lặng im cả ngày, nước mắt ngân ngấn chứ không rơi từng giọt. Đó chính là sự chịu đựng phi thường của những bà mẹ thời chiến mà không có bút mực nào có thể tả xiết. Lúc ấy người anh thứ năm, thứ sáu của tôi lớn lên, mẹ tôi nghĩ: "Mẹ phải chọn một trong hai con đường, một là tiễn các anh lên đường cứu nước, còn nếu không hai anh lại đi lính chống lại cha mình và các anh". Cuối cùng mẹ lại khăn gói tiễn hai anh lên đường trong một đêm hè năm 1970. Mẹ chuẩn bị những món ăn mà các anh thích để các anh được ấm dạ, ấm lòng khi lên đường, đó cũng là tình yêu con vô bờ bến mẹ gửi gắm vào đó. Người không biết nói gì, chỉ thốt được hai câu mộc mạc như củ khoai, củ sắn, như chính con người của mẹ: "Mạnh giỏi nghe con, nghe lời các anh, các chú. Hoà bình về với mẹ". Tiếng hoà bình của mẹ tôi thốt lên lúc ấy là niềm mong mỏi của muôn triệu trái tim người vợ, người mẹ miền Nam đau đáu mong ngày thống nhất đất nước để vợ chồng, mẹ con được sum họp sau những ngày xa cách, để tránh được sự mất mát đau thương mà chiến tranh tàn khốc đem đến. Mẹ ôm chặt hai anh vào lòng như ôm chặt quê hương làng xóm thân yêu của mẹ

Mẹ tôi lại lần nữa dâng tặng cho Tổ quốc những khúc ruột của mình, mặc dù mẹ biết có thể mình sẽ không được nhìn thấy hai người con đang tràn trề nhựa sống của mình thêm một lần nào nữa. Sự hy sinh của mẹ tôi thật là vĩ đại! Mỗi khi nghĩ đến điều đó tim tôi lại nhói đau và thấy mình sao nhỏ bé quá!

Những tưởng nỗi đau sẽ không đến với mẹ nữa, nhưng cuối năm ấy, ba tôi đã anh dũng hy sinh trong một trận đụng nhau với giặc. Khi được tổ chức báo tin mẹ muốn thắp nhang lên mộ ba như bao người vợ khác nhưng điều đau đớn hơn nữa là ba tôi hy sinh bên dòng sông Cửa Tiểu, phải chăng ba tôi đã hoà mình vào dòng chảy của non sông để làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Lúc này mẹ như người hoá đá. Mẹ đã dâng tặng cho Tổ Quốc người chồng và hai người con trai mình rứt ruột đẻ ra. Những năm kế tiếp chiến sự ngày càng ác liệt, địch làm ấp chiến lược, bày ra luật tố cộng để cách ly cách mạng và nhân dân. Trong mảnh vườn sau nhà tôi, mẹ đã bí mật nuôi giấu chú Mười Em là bộ đội nằm vùng. Do có chỉ điểm địch đã vào nhà "xăm hầm" mẹ vội chạy ra vườn báo động nên chú Mười thoát được nhưng mẹ tôi lại bị giặc bắt. Tôi nhớ rất rõ đó là một buổi chiều mưa, trước khi ra xe về bót mẹ còn nói: "Chị em ở nhà đi học đừng cãi lộn, vài bữa mẹ về". Chị em tôi sợ quá khóc ròng. Sau đó các dì dẫn chị em tôi vào thăm và tìm cách lo cho mẹ về nhà.

Chẳng bao lâu sau mẹ được tin anh năm của tôi, người con trai mẹ mới đưa tiễn hôm nào bị giặc bắt. Mẹ lại tất tả mua sắm các thứ và dẫn chị em tôi đến nhà giam thăm anh. Khi đến nơi thấy anh bị thương ở chân trái, mẹ và chúng tôi bật khóc, anh cười và nói: "con còn sống mà sao mẹ lại khóc, gặp lại mẹ dù ở nhà giam con cũng vui rồi!". Tình cảnh mẹ con của chúng tôi lúc ấy tôi không sao tả xiết. Đến bây giờ mỗi khi nghĩ đến tôi vẫn rơi lệ. Giữa sinh và tử gần như gang tấc thì tình yêu máu mủ ruột thịt được nhân lên gấp bội lần. Mẹ chỉ vỗ về chúng tôi: đừng khóc và dặn anh: "khi bọn chúng tra hỏi, trả lời phải suy nghĩ đừng để ảnh hưởng các anh, các chú nghe con!".
Tấm lòng của mẹ đối với Đảng, đối với dân đỏ như son mặc dù trong hoàn cảnh thật éo le. Mãi sau này người anh trai tôi được trao trả ra miền Bắc theo hiệp định trao trả tù binh giữa ta và địch, mẹ tôi không biết cứ tưởng là anh hy sinh mà tổ chức không báo được. Mẹ lại khóc và tới bữa ăn cơm, mẹ lại dọn dư bốn cái chén và bốn đôi đũa để mời chồng và các con về ăn cơm chung với gia đình.

Ngày đất nước hoà bình khi nghe đài tiếng nói Việt Nam báo thống nhất đất nước, mẹ vui mừng khôn xiết. Việc đầu tiên mẹ làm là lau ba tấm hình của ba và hai anh trai, đặt ngay ngắn lên bàn thờ, lúc thắp nhang, mẹ vừa khóc, vừa trò chuyện với chồng và con của mình. Mẹ tôi là như thế đó, bình dị và chất phát, dù ít học nhưng lúc nào cũng xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng: "Kiên Cường, Bất Khuất, Trung Hậu, Đảm Đang". Tiếc rằng khi nhà nước phong tặng cho Người danh hiệu "Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng" thì người đã đi về nơi vĩnh hằng, mãi mãi để lại trong lòng chúng tôi tình thương yêu vô bờ bến.
Khi tôi trưởng thành và hạnh phúc được làm mẹ, tôi mới hiểu hết những nỗi nhọc nhằn mà người phụ nữ thời chiến đã trải qua và thật tự hào vì mình được sinh ra trên đời để làm con của mẹ. Con muốn nói với mẹ rằng: "Con yêu mẹ nhiều lắm, người mẹ bình dị, chân chất và rất đỗi cao cả của con".
 Cuộc chiến tranh đã kết thúc gần bốn thập niên, hình ảnh chiến tranh, bom đạn đã lùi vào quá khứ nhưng nhân dân ta mãi nhớ ơn những Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng đã tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc, trong đó có mẹ tôi. Cảm nhận sâu sắc về mẹ là hành trang giúp tôi vững bước vào đời. Tôi thật hạnh phúc vì mẹ mình đã góp phần trồng nên cây độc lập, kết quả tự do cho dân tộc. Ngày nay chúng ta đang xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như lời Bác Hồ kính yêu hằng mong ước. Mẹ hãy ngủ yên giấc ngủ ngàn thu mẹ nhé! Chúng con xin kính dâng mẹ muôn vạn đoá hoa cuộc đời tươi thắm.

Thái Th Chính, Giáo viêTrường tiu hc Hunh Văn Chính, Qun Tân Phú, tham gia cuộc thi cảm nhận "mẹ VN anh hùng TP HCM" do Sở GD và ĐT TP HCM tổ chức vào ngày 26/6/2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét