Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

NÚI ĐÔI

Tác giả: Vũ Cao


 

Bảy năm về trước em mười bảy
Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng
Xuân Dục, Ðoài Ðông hai cánh lúa
Bữa thì em tới bữa anh sang.

Lối ta đi giữa hai sườn núi
Ðôi ngọn nên làng gọi Núi Ðôi
Em vẫn đùa anh: Sao khéo thế
Núi chồng, núi vợ đứng song đôi.


Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới
Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau
Mới ngỏ lời thôi đành lỗi hẹn
Ðâu ngờ từ đó mất tin nhau.

Anh vào bộ đội lên Ðông Bắc
Chiến đấu quên mình năm lại năm
Mỗi bận dân công về lại hỏi
Ai người Xuân Dục Núi Ðôi chăng?
 


Anh nghĩ quê ta giặc chiếm rồi
Trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi
Mỗi tin súng nổ vùng đai địch
Sương trắng người đi lại nhớ người.

Ðồng đội có nhau thường nhắc nhở
Trung du làng nước vẫn chờ trông
Núi Ðôi bốt dựng kề ba xóm
Em vẫn đi về những bến sông?
  



Náo nức bao nhiêu ngày trở lại
Lệnh trên ngừng bắn, anh về xuôi
Hành quân qua tắt đường sang huyện
Anh ghé thăm nhà thăm Núi Ðôi

Mới đến đầu ao tin sét đánh
Giặc giết em rồi, dưới gốc thông
Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa
Em sống trung thành, chết thuỷ chung



Anh ngước nhìn lên hai dốc núi
Hàng thông, bờ cỏ, con đường quen
Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói
Núi vẫn đôi mà anh mất em!

Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo
Em còn trẻ lắm, nhất làng trong
Mấy năm cô ấy làm du kích
Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng.



Từ núi qua thôn đường nghẽn lối
Xuân Dục Ðoài Ðông cỏ ngút đầy
Sân biến thành ao nhà đổ chái
Ngổn ngang bờ bụi cánh dơi bay

Cha mẹ dìu nhau về nhận đất
Tóc bạc thương từ mỗi gốc cau
Nứa gianh nửa mái lều che tạm
Sương nắng khuây dần chuyện xót đau.


 

Anh nghe có tiếng người qua chợ
Ta gắng mùa sau lúa sẽ nhiều
Ruộng thấm mồ hôi từng nhát cuốc
Làng ta rồi đẹp biết bao nhiêu!

Nhưng núi còn kia anh vẫn nhớ
Oán thù còn đó anh còn đây
Ở đâu cô gái làng Xuân Dục
Ðã chết vì dân giữa đất này? 



Ai viết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau anh gọi: em, đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.

Anh đi bộ đội, sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.

 


Bài thơ Núi Đôi được Vũ Cao sáng tác dựa trên một câu chuyên có thật. Người con gái trong bài thơ là Trần Thị Bắc một nữ du kích Việt Minh quê ở xóm Chùa, thôn Xuân Đoài - Đoài Đông xã Phù Linh (Còn gọi là Lạc Long), huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Trần Thị Bắc mất ngày 21/3/1954 khi rơi vào ổ phục kích của đối phương. Trong thực tế, cô đã có chồng chứ không phải mới có người yêu như trong bài thơ.

Ngâm thơ:


 Xem phim:



Trong một lần hành quân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ qua Núi Đôi, thi sĩ Vũ Cao được người dân kể cho nghe câu chuyện về cô nữ du kích tên Trần Thị Bắc. Và những hình ảnh về cô gái làng Xuân Dục và mối tình của cô đã làm rung động trái tim nhà thơ này. Ngay trong đêm đó, ông đã cầm bút viết nên những dòng thơ mà không theo một thể thơ nào: "Núi vẫn đôi mà anh mất em!". Những câu thơ tiếp theo cứ viết ra cùng mạch cảm xúc mặc dù ông cũng chưa một lần gặp người dân quân ấy.

Ngày đó, ông Trịnh Khanh là bộ đội, đóng quân ở đại đội Trần Quốc Tuấn. Khi nữ du kích Trần Thị Bắc được cử đi học lớp y tá trên huyện đội Sóc Sơn, một người bạn cùng đơn vị với ông Trịnh Khanh đã kể về Trần Thị Bắc cho ông Trịnh Khanh nghe.
Tò mò về một cô du kích cùng quê, vừa xinh đẹp lại vừa có tiếng gan dạ, dũng cảm, ông Trịnh Khanh đã đến gặp gỡ, làm quen. Sau nhiều lần trò chuyện, cả hai đã dần cảm mến nhau. Nhưng phải hai năm sau đó, vào năm 1952, người lính cụ Hồ và nữ du kích Trần Thị Bắc mới ngỏ lời yêu nhau.
Đầu năm 1953, anh bộ đội tên Trịnh Khanh và cô dân quân Trần Thị Bắc tổ chức đám cưới ngay tại đơn vị của chú rể. Thế nhưng, cuộc sống vợ chồng của đôi bạn trẻ thật ngắn ngủi. Hai ngày sao khi cưới, họ tạm chia tay mà không hẹn ngày về. Ông Khanh theo đơn vị chuyển quân đến địa điểm mới. Thế rồi, ba tháng sau, người nữ dân quân làng Xuân Dục đã ngã xuống trước họng súng của kẻ thù, sau khi chị kịp báo động cho đồng đội chạy thoát ổ phục kích.
Khi Hiệp định Genève được ký kết, một buổi chiều cuối năm 1954, người ta nhìn thấy một anh bộ đội vai đeo ba lô bước về, nhưng không vào làng ngay mà ngồi thẫn thờ bên ngôi mộ chị Bắc ven gò Cầu Cốn. Ông Khanh nghẹn ngào như câu thơ Vũ Cao đã viết  “Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói/ Núi vẫn đôi mà anh mất em".
"Không hiểu vì sao nhà thơ Vũ Cao lại có thể đồng cảm, hiểu tâm trạng của người trong cuộc đến như thế", ông Khanh nói. Sau khi đất nước thống nhất, ông Khanh đã tới tìm gặp nhà thơ Vũ Cao. Nói chuyện một hồi, nhà thơ này mới bàng hoàng thốt lên: "Thế Bắc có chồng rồi à?"
Nhờ có bài thơ, Trần Thị Bắc mới được công nhận là liệt sĩ!

5 nhận xét:

  1. CCK ơi! Là chữ BẶT chứ không phải chữ MẤT: "Ðâu ngờ từ đó bặt tin nhau."; Là chữ KHUÂY chứ không phải chữ KHUẤY: "... khuây dần chuyện xót đau".
    Ngoài ra HG nhớ bản xưa đọc là "Mưa nắng khuây dần chuyện xót đau" chứ không phải "sương nắng". "Mưa nắng" về nghĩa cũng đầy đủ, phù hợp về cả ngữ cảnh, ngữ điệu hơn là "sương nắng", với lại trước đó tác giả đã dùng từ "sương" một lần cùng vị trí trong khổ thơ trước: "sương trắng người đi lại nhớ người" nên có thể ở đây có sự nhầm lẫn của độc giả. Tuy nhiên HG vừa xem trên mạng thì tuyệt đại đa số đăng là "sương nắng" nên chưa biết cãi làm sao :))
    Bức ảnh "Núi Đôi" mà CCK minh họa trong bài là một núi Đôi khác- Núi Đôi ở Hà Giang. Còn Núi Đôi với "Xuân Dục Đoài Đông hai cánh lúa" không như vậy, gần đó chẳng có núi đồi trùng điệp nào cả đâu, và trông cũng bình dị hơn. HG gửi CCK một bức ảnh này:
    http://4.bp.blogspot.com/-Md1XVZPy-mo/Uc0MeXED7XI/AAAAAAAAAPA/ccRlm7texZs/s400/nuidoi-phulinh-socson.gif
    Còn ở bài viết này có ảnh chụp cả mấy cái lô-cốt "khiếp hãi" ngày trước khi HG leo lên:
    http://www.baodatviet.vn/van-hoa/cong-dong-viet/201010/Tu-dinh-nui-doi-nho-mot-thoi-mau-lua-2273505/

    Trả lờiXóa
  2. Biết là đụng "bụt nhà" rùi, cảm ơn HG nhé!
    Ngày xưa chỉ được xem từ bản chép tay, cứ bực mình với câu: "Nắng lại bỗng dưng mờ ống khói" chẳng hiểu ống khói ở đâu ra, tại sao "lại". Sau này đọc nguyên bản thấy chữ "lụi" hay quá: "Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói". HG thật tinh tường, cả bài thơ chỉ cần gói lại bằng 2 câu thôi (như thơ Haiku): "Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói, Núi vẫn đôi mà anh mất em!" Chẳng cần định hướng kiểu: "Anh đi bộ đội sao trên mũ..."
    Tương tự câu: "Ðâu ngờ từ đó mất tin nhau", mãi sau này đọc thấy ghi là chữ "bặt", chữ bặt không tuyệt đối như chữ mất, nên dùng nó hay hơn nhiều. Nhưng CCk vẫn giữ theo link nguyên bản nên không sửa lại. Còn chữ "khuấy" thì chắc do lỗi chính tả của nguyên bản, không hợp lý như chữ khuây, CCk đã sửa lại.
    Ở miền trung du, hoặc vùng bán sơn địa, nhất là ngày xưa, nhiều sương trắng và sương muối buổi sáng và chiều tối lắm (phơi sắn thì tuyệt), lúc ấy lại hoang vu nhiều cây cối nữa, có lẽ người ta dùng từ "sương trắng" hơn là dùng từ "mưa nắng" như dưới xuôi! Còn việc dùng lặp từ thì không đáng kể, nếu không nói là cố ý dùng. Bởi lúc xưa đọc câu "Ai viết tên em thành liệt sĩ" thấy cứ ngang như thơ Bút tre vậy, nhưng nguyên bản lại đúng vậy! Sương trắng ở đây còn thể hiện sự lạnh lẽo và thời gian đi sáng sớm nữa.
    CCk đã đến Núi đôi (SS) nhiều lần. Ảnh Núi đôi CCk chọn cũng không ưng ý lắm, nhưng không thể chọn hai cái đồi-cây thật để minh họa cho hình ảnh đẹp trong tiềm thức về "núi đôi" (đã là thiếu nữ (đẹp) thì đi ra đường không được nói là quên vòng 1 ở nhà!). Ảnh cô gái mặc áo hồng và chàng trai mặc quần xooc cũng vậy, hiện đại thành thị quá và "già" hơn tuổi 17-20!.
    CCk muốn chọn lôcốt thấp, chưa bị hỏng, nhưng được mấy bức đều có nhà mới xây bên cạnh, nên chọn ảnh đó. Sau khi xem lại ảnh HG gửi, đã thay bằng 1 lôcốt cao, bị đạn phá hỏng, tuy cũng chưa ưng ý lắm.
    Biết HG thẩm thơ vừa chuẩn, vừ tinh tế, nên CCk không dám "một tấc lên giời" nữa, rón rén để khỏi múa rìu qua mắt...người địa phương có 2 quả đồi thâm thấp đó :))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. CCK... nhiều chuyện, hay đùa khiếp...!!!
      Gọi là lời ra lời vào cho vui, thỏa ý muốn được sẻ chia những suy nghĩ, chứ lắm khi CCK tranh luận với HG thật lực xong rồi... khen, cứ như vừa đấm vừa xoa, HG biết thừa đi ạ! ^^

      Xóa
  3. Riêng vê "Núi đôi" thì CCk không dám xoa đâu ạ! :))

    Trả lờiXóa
  4. Cảm nhận về câu sương trắng người đi lại nhớ người là gì ạ. Giúp e vs

    Trả lờiXóa