Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

MÙA THU ĐÃ VỀ-tản văn

Sau những ngày liên miên đi công tác, sáng nay tôi mới có dịp bóc những tờ lịch cũ trên bloc ở cơ quan. Cả một mớ những ngày xanh theo lịch rụng từng tờ. Tôi giật mình, trời ơi, thế là đã bước sang tháng tám mùa thu. Lạ lùng lắm. Chênh chao lắm. Đi qua chợ cứ thấy mùi thơm ngào ngạt khác thường. Phóng xe trên bờ đê chỉ thấy hiu hiu gió thổi và chuồn chuồn từng đàn lúc sà thấp, lúc bay cao. Thì ra heo may và mùa thu rón rén đã về.

Mùa thu là mùa của tôi. Không phải bởi tôi sinh ra trong tháng tám và bố mẹ tôi đặt cho tôi cái tên con gái là Thu mà tôi yêu mùa này. Tôi yêu mùa thu bởi chính mùa thu đẹp đến mê hồn quyến rũ. Hình như các thi sĩ, nghệ sỹ cũng thế. Man mác buồn, man mác nhớ vừa đủ để nên thơ, thành nhạc, thành tranh.


Không chói chang gay gắt như mùa hè, không yếu ớt le lói như mùa đông, 
không ẩm ướt run rẩy như mùa xuân, nắng thu vàng rực rỡ 

Bốn mùa trong năm thì mùa thu êm ái, nhẹ nhàng nhất. Thời tiết thật khoan khoái dễ chịu. Nắng, gió, mưa, sương đều khác ba mùa kia. Bắt đầu là nắng. Không chói chang gay gắt như mùa hè, không yếu ớt le lói như mùa đông, không ẩm ướt run rẩy như mùa xuân, nắng thu vàng rực rỡ. Nắng nhuộm vàng cả cây cối để lá vàng xao xác gió bay bay. Đi trong rừng thu, đi dưới tán cây mùa thu mà ngắm những sợi nắng vàng tơ xuyên qua kẽ lá, nghe từng tiếng lá vàng rơi, thoang thoảng tiếng chim gù xen nữa thì dẫu có sôi nổi yêu đời đến mấy cũng sẽ thấy lòng mình tự nhiên chùng xuống mà ngẫm nghĩ, mà chiêm nghiệm về cõi nhân sinh hữu hạn đời người. Đã qua rồi cái thời nông nổi vô tư. Đã để lại đằng sau những mùa hè sôi động của thời trai trẻ. Dịu dàng thế nắng thu. Và cũng mơ màng thế nắng thu. Từ lúc bình minh cho tới khi hoàng hôn buông xuống, cả ngày chỉ có nắng vàng. Bầu trời thu xanh thắm. Mây trắng nhởn nhơ bay. Tôi rất thích câu thơ “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh. Chiếc khăn trời này có nắng vàng nhuộm óng mà soi bóng xuống dòng sông xanh đang “dềnh dàng chở nước về xuôi” thì thật là tuyệt.

Gió mùa thu cũng khác. Se se lạnh. Man mác buồn. Không vồ vập hồ hởi như gió hạ; không tái tê, buốt giá như gió đông; cũng không nồng nàn phồn thực như gió xuân. Gió thu nhè nhẹ, thoang thoảng, như có, như không. “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ”. Câu hát ấy, lời ru ấy thật hợp cảnh hợp tình. Còn gì đẹp hơn, thanh bình và đáng yêu hơn khi bé nằm đu đưa trong nôi, có làn gió thu mơn man bé hé môi cười, có lời ru à ơi của bà của mẹ. Chỉ nhìn cảnh đó thôi thì bao nhiêu toan tính, bon chen thường nhật, bao nhiêu tất bật cho cuộc sống mưu sinh cũng đều tan biến hết.

Mưa thu cũng lạ. Buồn đến nát lòng. Có người nào lại không biết, không nghe đến bài hát “Giọt mưa thu” của nhạc sĩ Đặng Thế Phong? Trời ơi! Những ngày mưa ngâu rả rích, nằm cuộn một mình trong gác xép phòng trọ, nghe ca khúc này hay nghe thánh thót từng giọt ghi-ta nhạc Trịnh thì... đến phát khóc mất thu ơi! Mùa đông mưa phùn, mùa hạ mưa dông, mùa xuân mưa bụi, còn mùa thu mưa rả rích, qua ngày này sang ngày khác, nhất là tháng bảy mùa ngâu. Chức Nữ, Ngưu Lang cả năm trời mới gặp nhau nên lệ lòng sướng vui, buồn tủi mới ướt đẫm nhân gian đến thế. Một nỗi buồn thánh thiện. Một nỗi buồn đáng yêu. Ai không biết buồn nữa thì thực là một điều bất hạnh. “Mưa vẫn mưa bay, trên tầng tháp cổ”. Mưa đưa thu về gác nhỏ tìm ai? 

Một điều lạ nữa là sương thu. Mùa hạ không có sương rơi, tất nhiên rồi. Mùa xuân thi thoảng mới có. Mùa đông sương muối mù trời, có ngày mãi tận gần trưa mới tan sương. Còn mùa thu sớm chiều nào cũng có sương giăng. Sớm mai thức dậy, hay khi hoàng hôn buông xuống, nhìn về phía núi mờ xa hay trên mái rạ nhà ai gần đó thế nào cũng thấy một tấm khăn voan trắng mỏng vắt ngang trời. Khói lam chiều bay lên quyện với làn sương thu buông xuống nhiều lúc tôi cứ nghĩ đó là hồn vía của làng đang thăng hoa. Đời người cũng thế thôi, như gió thoảng mây bay, như sương giăng mờ ảo.

Thu đã về trước ngõ. Hãy đến cùng ta đi thu ơi! Rón rén thập thò làm chi nữa. Nắng cứ vàng đến thế. Mưa cứ rả rích rơi. Gió cứ hiu hiu thổi. Sương ảo mờ chơi vơi... Hãy đến cùng ta thu ơi! Đến để nghe khúc ru à ơi của mẹ, của bà. Đến để cùng ta nghe cha bồi hồi kể chuyện mùa thu cách mạng. Đến để cùng ta đưa trẻ tới trường. Mùa thu thân thương. Mùa thu yêu dấu. “Mùa thu tới với bao điều yêu thương”. “Mùa thu sang, anh cùng em lên đường...”. Bất chợt câu hát đó vang lên trong đầu tôi và đôi môi tôi mấp máy hát theo tự lúc nào không biết. Thế là mùa thu đã về!
Trang văn nghệ Chủ nhật - VOV2 (Đài TNVN)

NHỚ MÙA THU HÀ NỘI

Hà Nội bỗng gay gắt đến mấy ngày, chợt gió mưa, chợt bão giông, chợ nắng lên và thu buông mình xuống, ngày thu lao xao nắng, đêm thu lao xao gió, Hà Nội thu lao xao trái tim tình, nắng khẽ khãng hơn hương sữa đâu se lạnh , người trao nhau ánh mắt nồng nàn, những tâm sự bỗng khẽ cựa mình dạo phố, thoáng ngọc lan hòa quyện chút hanh hao.Thu Hà Nội đẹp đến mê hồn, lào nao lòng không chỉ người kẻ chợ, cho em gái thẩn thơ đi dạo phố líu ríu bước chân tự hỏi cốm đã về, cho anh trai gạt bỏ bộn bề của lo toan chật hẹp mắt đắm say ngắm nắng rót mật vàng, lá thu vương mình trên cỏ biếc thấy phố phường bỗng chốc khẽ lùi xa. 


Cảm xúc nhớ thương mùa thu Hà nội
Cảm xúc nhớ mùa thu Hà Nội
Ai dạo bước trên con đường thu Hà Nội, chẳng phải thi nhân cũng khẽ hát một mình, cũng sẽ vẫn vương, nhớ thương một nỗi niềm mà lòng mình chẳng thể nào gọi tên được. Bảng lảng bồi hồi đường tràng thi đã ngập sắc lá vàng, những hoa sữa, hoa lan sức hương thơm ngát Nguyễn Du rồi đấy, cho em đưa đẩy, cho em xao động trong hương thơm đưa đấy gió heo may se lạnh chẳng vô tình mà dẫn gót hồng vào quán quen từ lúc nào chẳng biết. Có nghe chăng cung đàn vọng lên từ góc phố, chiếc lá vàng cựa trong gió khẽ đung đưa như bản du ca rạo rực những ân tình. Đủ cho những tâm hồn tưởng gia nua theo năm tháng, những vết nhăn chày xước vệt thời gian, và đôi mắt không còn tia ấm áp chợt ngân lên chầm chậm những mơ màng.
Thu cho ta thêm yêu thương người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, mặc trái tim đón gió mát trong lành, để hồn thơ và tình ca thấm đẫm trong nốt nhạc dịu dàng, để ta thương thu trong miên man. Ai đã hát khúc thơ ru Hà Nội phả hơi sương se lạnh đến tâm hồn, cho ta say, cho ta mơ, cho ta ôm ấp tình yêu từ thủa lên 5 lên 10 cho đến bây giờ vẫn còn say đắm quá.
Ôi Hà Nội thu lặng nghe trong gió nhớ, có thấy tiếng rao nao động cuối con đường, có thấy tiếng cười trong sớm thu năm nào, thấy hình bong đó giờ ở chốn xa nào? Thu làm tim ai thêm mong manh, từng chùm đèn sáng lên rạng rỡ, lung linh hơn qua những vòm cây. Thu Hà Nội trong đêm sâu lắng người ta dễ hiểu nhau, dễ cảm thông hơn và bình lặng hơn.

Đêm thu cho ta tạm quên đi những bộn bề toan tính, những ham muốn cứ mãi réo gào, để mặc hồn mình hòa vào trời đất, thưởng thức một giấc mơ dài tựa vĩnh hằng. Rồi đêm sẽ sâu hơn, thu sẽ thu hơn, sương xuống và gió thêm chút giá, thèm được xỏ tay vào túi ai để lang thang trong gió khuya cho bờ vai nặng tựa những mái đầu mà chẳng ngọn heo may chẳng làm run được con tim hạnh phúc để cho em vô tư, em hát ca lục lọi sao trời trong thêm thu thanh khiết, cho gió vô tâm để hoa sữa nồng nàn và thu mãi sâu lắng như tâm hồn Hà Nội.
03-10 -2013

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU trong những ngày Cách mạng tháng 8 mới thành công

LTS: Câu chuyện cuộc đời của Nam Phương Hoàng Hậu sau Cách mạng tháng 8 thành công từng là chủ đề gây nhiều đồn đoán. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm sự kiện này, Đại tá Đặng Việt Thủy đã gửi tới Tòa soạn bài viết này, trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Theo tài liệu chính thống, vua Bảo Đại tên húy là Vĩnh Thụy, con độc nhất của vua Khải Định và bà Từ Cung (Đoan Huy Hoàng Thái hậu) sinh ngày 23 tháng 9 năm Quý Sửu (22/10/1913). 
Ngày 28/3/1922, Khải Định sách lập Vĩnh Thụy  làm Đông cung Hoàng Thái tử, người sẽ kế ngôi vua cha. Cũng năm đó, Vĩnh Thụy được vua Khải Định gửi gắm vợ chồng Charles - cựu Khâm sứ ở Trung Kỳ nhận làm con nuôi, mang về Pháp cho ăn học theo văn minh, văn hóa Tây phương. 
Cuối năm 1925, Vĩnh Thụy về nước để tang vua Khải Định, đầu năm 1926 nối ngôi, niên hiệu Bảo Đại, rồi tiếp tục sang Pháp học.
Năm Nhâm Thân (1932) Vĩnh Thụy ở tuổi 19, thành vua Bảo Đại đã 6 năm, được hấp thụ "một nền văn hóa Pháp" khá đủ nên vợ chồng Charles đưa con nuôi trở về Việt Nam. 
Nhân dịp này, người Pháp có chủ trương "chọn sẵn" cho Bảo Đại một người vợ "theo khuôn mẫu" có lợi cho họ. Tức là một người vợ phải có quốc tịch Pháp, và phải theo Công giáo, một lòng một dạ trung thành với mẫu quốc.
Vợ chồng cựu Khâm sứ Charles vốn đã quen biết với gia đình họ Lê Phát An từ khi còn ở Nam Bộ nên đã ngỏ ý để người cháu gái bên ngoại của Lê Phát An là cô nữ sinh Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh ngày 4 tháng Mười hai năm 1914 (tức 17 tháng Mười năm Giáp Dần) tại Gò Công, là con gái của Pierre Nguyễn Hữu Hào và bà Marie Lê Thị Bình, sẽ làm vợ của Bảo Đại.
Ông Nguyễn Hữu Hào là một phú hào nổi tiếng ở Nam Bộ, là con rể của Lê Phát An (cha của Lê Phát An là Lê Phát Đạt, tức nhà tỷ phú Huyện Sỹ - người giàu nhất Nam Bộ đầu thế kỷ XX). Các gia đình này đều có quốc tịch Pháp, và là những công chức do Pháp đào tạo. 
Do vậy, các quan chức lớn của Pháp như Toàn quyền A. Varenne, Khâm sứ P. Pasquier và vợ chồng Charles đều cùng nhất trí chọn Nguyễn Hữu Thị Lan làm vợ Bảo Đại.
Nguyễn Hữu Thị Lan là con gái thứ hai của vợ chồng ông Pierre Nguyễn Hữu Hào, tên bổn mạng là MarieThérèse (còn tên Pháp tịch phải ghi thêm là Jeanne Mariette Thérèse, nhưng viết tắt là Mariette Jeanne). Nàng Nguyễn Hữu Thị Lan đã du học ở Pháp từ năm 1927, vừa tốt nghiệp tú tài toàn phần trường Couvent des Oiseaux Paris, ở tuổi suýt soát với Bảo Đại. 
Biết nàng Lan nghỉ hè về nước thăm gia đình, vợ chồng Charles đã chọn chuyến tàu thủy từ Pháp về Việt Nam có nàng Lan, để Charles và Bảo Đại cùng đi.
Để cho đôi trai tài được biết nhau trước khi về nước, vợ chồng Charles đã khôn khéo tới trường nữ trung học Couvent des Oiseaux tại Paris gặp bà giám đốc trường này và ngỏ ý ngày làm lễ mãn khóa năm học 1932 sẽ mời Hoàng đế Bảo Đại của nước Việt tới dự và chọn nữ sinh Nguyễn Hữu Thị Lan đến tặng hoa dâng kính Hoàng đế Việt Nam. 
Dĩ nhiên giữa hai bên, nữ tu giám đốc của trường và cựu Khâm sứ Charles cũng đã bàn nhau về việc ý định chọn cô gái đất Nam Bộ, có đạo để có thể làm vợ vua Bảo Đại khi nhà vua về nước cầm quyền.


Hoàng hậu Nam Phương

Khi Bảo Đại tới chủ tọa lễ mãn khóa đúng như sự sắp xếp từ trước, một thiếu nữ xinh xắn đã ôm bó hoa tươi thắm tới dâng kính vua Bảo Đại, và được nhà vua chú ý.
Và khi cô nữ sinh Nguyễn Hữu Thị Lan tới trường Couvent des Oiseaux để giã từ Mẹ Giám tỉnh (nữ tu Giám đốc dòng), thì nữ tu Ambroise đã khuyên Nguyễn Hữu Thị Lan: "Con ơi! Nếu Chúa khiến cho ông vua thấy con, rồi lấy con làm vợ và con trở thành Hoàng hậu thì con nghĩ sao?". 
Lúc đó, Nguyễn Hữu Thị Lan chỉ nghĩ câu đó là lời vui miệng của Mẹ bề trên mà thôi. Nhưng không ngờ, câu nói trên lại như là "định mệnh" đã báo trước. Và có thể nói, "định mệnh" ở đây là có bàn tay "đạo diễn" và sắp đặt của người Pháp.
Trong dịp hơn một tháng trời chiếc tàu biển d'Artagnan lênh đênh trên biển cả, vợ chồng Charles đã khéo léo sắp đặt cho Bảo Đại làm quen với Nguyễn Hữu Thị Lan. 
Bởi cùng là người Việt xa quê đã lâu, cùng hấp thụ nền văn hóa Tây phương khá sâu, cùng đẹp trai đẹp gái, nên họ đã dễ cảm mến nhau, đôi nam nữ thanh niên này không mấy chốc đã trở nên đặc biệt thân tình. Đôi lứa đã hẹn về nước sẽ gặp mặt lại nhau ở Đà Lạt, vùng đất diễm lệ, mộng mơ.
Con tàu d'Artagnan cập cảng Vũng Tàu, đôi bạn trẻ bịn rịn chia tay. Nàng Nguyễn Hữu Thị Lan được gia đình đón về nhà ở đường Tabert (nay là Nguyễn Du), còn Bảo Đại và vợ chồng Charles được mời sang chiến hạm Dumont d'Urville để tiếp tục đường biển ra cảng Đà Nẵng. 
Ngày 2/9/1932 tàu cập bến, các quan Tây, quân ta đã đủ mặt đón vua Bảo Đại hồi loan.
Theo hồi ký của Bảo Đại, trong cuốn Con rồng An Nam (bản dịch của Nguyễn Đắc Xuân) ông đã kể lại quá trình chọn vợ và cưới vợ của mình như sau:
"... Ngày cưới của tôi được ấn định vào ngày 20 tháng Ba năm 1934". Lễ cưới được tổ chức trước sự hiện diện của đình thần và đại diện nước Pháp. Đây là một lễ cưới đổi mới, trước kia chưa từng có trong cung đình. 
Tôi cũng quyết định, sau khi cưới, tôi sẽ tấn phong cho vợ tôi làm Hoàng hậu - danh hiệu Hoàng hậu trước đó chỉ phong cho Thái hậu sau khi vị Hoàng đế băng hà. Tôi chọn hiệu cho Hoàng hậu mới là Nam Phương (Hương thơm của phương Nam - ĐVT). 

Và tôi ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng, màu chỉ dành riêng cho Hoàng đế.

Lễ cưới được tổ chức ngay trong phòng tiếp tân của điện Cần Chánh. Cũng giống như lễ đăng quang, triều thần đứng xếp hàng dọc theo tấm thảm đỏ và vàng dành riêng cho Hoàng đế. 

Lần đầu tiên trong lịch sử triều Nguyễn có một người phụ nữ xuất hiện giữa triều đình. Bà Nam Phương mặc một chiếc áo rộng, chân đi hài cong, đầu đội vương miện có đính vàng, ngọc, châu báu óng ánh. Bà đi một mình đến giữa tấm thảm, tất cả triều thần cúi đầu chào. 

Với một vẻ đẹp tuyệt vời, bà đi thẳng vào phòng lớn, tôi đang ngồi chờ bà trên một cái ngai thấp. Bà đến trước mặt tôi, cúi đầu chào tôi ba lần rồi vào ngồi ở cái trái bên phải của tôi. 

Buổi lễ ngắn ngủi chấm dứt. Nam Phương Hoàng hậu đã ở bên tôi. Chúng tôi sánh vai nhau bước đi trong tiếng nhạc mừng qua Tử Cấm Thành vào điện Kiến Trung, nơi ở và làm việc chính của chúng tôi...".
"Lời nguyện ước ở bên nhau của chúng tôi trên cao nguyên Đà Lạt nay đã thành sự thật".
Nam Phương Hoàng hậu là người đàn bà nhân hậu, suy nghĩ chín chắn nên cứ mỗi lần người Pháp muốn Bảo Đại phải thi hành những vấn đề có lợi cho mẫu quốc và có hại đến nền kinh tế và chính trị hay xã hội Việt Nam thì Bảo Đại đều bàn bạc với bà Nam Phương. 
Những lúc đó bà Nam Phương cư xử rất khôn khéo, vì biết nếu Bảo Đại mà gặp người Pháp thì khó trả lời nhận hay không nhận những điều kiện mà Pháp đưa ra.

Vì vậy, bà Nam Phương đã đề nghị mỗi khi gặp trường hợp khó xử với người Pháp thì ông nên tránh xa ít ngày, như vào rừng săn thú hay đi tắm biển đâu đó. Có thể đi kinh lý thăm các tỉnh bắc miền Trung như Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa...  
Được sự đồng ý của vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương còn hay xuất cung tham gia hoạt động xã hội từ thiện. Bà thường đến thăm các trường nữ học Đồng Khánh, Nữ công học hội, các tổ chức phụ nữ của người Việt và người Pháp, đến các nhà thờ nghèo để làm từ thiện. 
Bà nguyên là cựu nữ sinh trường Couvent des Oiseaux tại Paris, nên bà đã đứng ra bảo trợ cho trường Couvent des Oiseaux tại Đà Lạt dành cho nữ sinh trên toàn cõi Đông Pháp. Hằng năm tại Huế, vào mùa phát phần thưởng cuối năm học, bà được mời đến Nhà tiếp tân L' Acueil phát phần thưởng danh dự cho học sinh giỏi ở Trung Kỳ. 
Những người được bà trao giải thưởng lấy làm vinh dự lớn cho cuộc đời học sinh của mình. Những hoạt động từ thiện của bà không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn có tiếng vang đến các tổ chức quốc tế như Viện Hàn lâm Pháp, Hội Chữ thập đỏ thế giới... 
Nhờ những hoạt động xã hội từ thiện của bà mà năm 1939, trước lúc xảy ra chiến tranh thế giới thứ II (1939-1945), bà và gia đình đã được tiếp kiến Giáo hoàng và bà đã để lại Tòa thánh Vatican nhiều tình cảm tốt đẹp.


Cách mạng tháng Tám thành công, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị trao quyền lãnh đạo đất nước cho Chính phủ Cách mạng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị trao quyền lãnh đạo đất nước cho Chính phủ Cách mạng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Buổi lễ được tổ chức tại Huế. Ông Trần Huy Liệu đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời đã thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận ấn kiếm tượng trưng cho uy quyền của triều đại từ tay vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Cựu hoàng làm cố vấn cho Chính phủ.
Sau biến cố lịch sử đó, Nam Phương Hoàng hậu và các con rời điện Kiến Trung trong Tử Cấm Thành để về sống ở cung An Định bên bờ sông An Cựu. Lúc ấy có nhiều bà mệnh phụ tiến bộ có nhiều dịp lui tới thăm bà và kể lại tình hình cách mạng đang diễn biến ở Huế với bà.
Hoàng hậu Nam Phương từ khi lọt lòng mẹ đến khi đi học rồi lấy chồng làm vua, lên ngôi hoàng hậu đều được sống trong nhung lụa, kẻ hầu người hạ. Nên khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, toàn  dân Việt Nam đứng lên lật đổ ngai vàng, lật đổ chế độ phong kiến và kháng chiến chống thực dân Pháp thì bà Nam Phương rất lo sợ. 
Khi nghe tin phái đoàn Chính phủ Lâm thời vào Huế để yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị và phải nộp ấn kiếm cho cách mạng thì bà Nam Phương lại càng lo sợ hơn nữa.
Đến 2 giờ chiều ngày 26/8/1945, vua Bảo Đại đã loan báo việc đồng ý thoái vị và trao ấn kiếm cho phái đoàn Chính phủ tới tiếp nhận.

Bảo Đại triệu tập các quan trong triều đúng giờ trên phải có mặt ở Thế Miếu, nơi thờ tiên đế nhà Nguyễn để nhà vua báo cáo trước tổ tiên. Nhưng tới giờ phút chót, các quan văn võ đều lẩn tránh, chỉ có bốn quan văn võ đến dự.
Khi lễ báo cáo yết Liệt Thánh tất, thì các quan văn võ mới lục tục kéo nhau vào điện Kiến Trung để làm lễ bái biệt nhà vua và hoàng hậu. Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương đều đứng, còn các quan văn võ thì xếp hàng ngang và chắp tay cúi đầu vái ba vái. 
Lúc đó, Bảo Đại mặt lạnh như tiền, còn bà Nam Phương thì tỏ vẻ buồn, hai hàng nước mắt nhỏ từng giọt xuống gò má. Lễ xong, mọi người ra về, không ai nói với nhau điều gì, và chỉ cúi đầu im lặng lủi thủi bước đi.
Đến sáng ngày 27/8, ông Phạm Khắc Hòe - Ngự tiền Văn phòng của vua Bảo Đại - vẫn đến văn phòng làm việc như thường lệ (ông Phạm Khắc Hòe là người trực tiếp vận động nhà vua nhận lời thoái vị trao chính quyền lại cho nhân dân). 
Khoảng mười phút sau thì có người thị vệ của bà Nam Phương khệ nệ bê cái khay có phủ tấm vải vàng và để chiếc mũ Cửu Phượng của bà Nam Phương Hoàng hậu trên đó. Chiếc mũ này có đính 9 con phượng bằng vàng ròng. Đặt chiếc khay trước mặt ông Phạm Khắc Hòe, người thị vệ thưa:
- Dạ bẩm! Ngài Hoàng ban đưa mũ Cửu Phượng này trả cho cụ.
Ông Phạm Khắc Hòe rất đỗi ngạc nhiên:
- Sao lại "trả" cho tôi? Ông về tâu với Ngài rằng tôi không dám nhận và xin phép Ngài cho tôi qua chầu để nói rõ lý do.
Hai mươi phút sau, bà Nam Phương tiếp ông Hòe ở điện Kiến Trung. Bà Nam Phương hỏi:
- Tại sao tui cho người đưa cái mũ Cửu Phượng qua trả cho ông mà ông lại không nhận?
Ông Hòe thưa lại:
- Tâu, chúng tôi không dám nhận, vì đó không phải là của Ngự tiền văn phòng và hơn nữa cũng không phải là của riêng chúng tôi. 

Theo thiển ý chúng tôi, thì từ nay, trừ những cái thật sự là của riêng của Ngài, của Hoàng đế, của Đức Từ và của các quan chức, nhân viên thường trú trong Đại Nội, tất cả mọi thứ tài sản trong hoàng thành này từ cung điện, nhà cửa, ngọc ngà, châu báu, kiệu, xe, tán, lọng, cho đến bàn nghế, giường tủ, hồ sơ, dụng cụ văn phòng, dụng cụ nhà bếp... đều là của chính quyền nhân dân, phải được kiểm kê, đối chiếu với sổ sách và bàn giao lại đầy đủ cho các nhà chức trách mới... 
Vậy, đối với tất cả những tài sản, những vật dụng ở điện Kiến Trung mà không phải thật là của riêng Hoàng gia, xin đề nghị ngài ra lệnh cho các người chầu hầu phải xếp đặt lại mọi thứ đúng theo chỗ của nó, chớ không nên mang đi nơi khác, lỡ ra mất phải truy cứu trách nhiệm thì phiền lắm.
Cuộc nói chuyện giữa bà Nam Phương với ông Phạm Khắc Hòe đang diễn ra thì bỗng thấy vua Bảo Đại từ trong đi ra. Nhìn thấy Bảo Đại, ông Phạm Khắc Hòe vội đứng dậy, nhưng Bảo Đại vẫy tay bảo ông Hòe cứ ngồi, rồi Bảo Đại ngồi xuống bên cạnh bà Nam Phương. 
Bảo Đại bảo bà Nam Phương tiếp tục câu chuyện. Bà Nam Phương nhìn ông Hòe và nói:
- Qua những lời ông vừa nói, tôi càng thêm trách ông!
Ông Hòe vội thưa:
- Tâu, chúng tôi chưa hiểu ý Ngài muốn nói chi? Nếu chúng tôi có lỗi lầm chi đáng trách, xin Ngài cho biết rõ để chúng tôi nhận lỗi.
Bà Nam Phương chậm rãi nói:
- Tôi muốn nói rằng: ông là người của Việt Minh cài vào Đại Nội đã từ lâu. Điều này, tối hậu thư ngày 23 tháng 8 của Việt Minh đã cho biết khá rõ. Hôm nay, qua cách ông sắp xếp việc bàn giao tài sản cho Việt Minh, tôi càng thấy rõ hơn vai trò của ông. Ấy thế mà ông không hề cho tui biết trước một chút xíu chi cả. Việc chi cũng phải nước đến chân mới nhảy...
Ông Phạm Khắc Hòe nói:
- Tâu! Nếu chúng tôi quả thật "là người của Việt Minh cài vào từ lâu" thì đó là một vinh dự lớn cho chúng tôi. Chúng tôi không can chi mà phải chối. Nhưng sự thật là chúng tôi không có chân trong tổ chức Việt Minh, chúng tôi chỉ làm việc theo mong muốn của Tổ quốc, theo sự thúc giục của lương tâm và với tấm lòng thiết tha mà chúng tôi đã tích cực vận động Hoàng đế thoái vị và chúng tôi vô cùng sung sướng khi được Hoàng đế chấp nhận lời khuyên của chúng tôi. 
Theo lương tâm chúng tôi thì cuộc vận động ấy kéo dài gần hai tuần lễ là cả một quá trình báo cho Hoàng gia "biết trước" những gì sẽ xảy ra để Hoàng gia khỏi bị bất ngờ, tránh được tình trạng nước đến chân mới nhảy...
Nghe những lời "trần tình" của ông Hòe, vợ chồng Bảo Đại và Nam Phương tỏ vẻ cảm động, ngồi im và cùng nhìn nhau. Sau đó bà Nam Phương quay sang nhìn ông Hòe và nói:
- Câu chuyện hôm nay đã làm cho tui hiểu ông hơn và quý ông thêm. Để tỏ mối thiện cảm ấy, tui có một vật kỷ niệm nhỏ tặng ông.
Nói xong bà Nam Phương đứng dậy đi vào phòng lấy một chiếc cặp da láng bóng đưa tặng ông Hòe. Bà còn ý nhị liếc nhìn Bảo Đại. Thấy vợ có hành động như vậy, Bảo Đại vội đứng dậy đi vào trong nhà, mấy phút sau trở ra, nói: 
- Tui cũng tặng ông một chút kỷ niệm nhỏ.
Nói xong, Bảo Đại trao cho ông Hòe một bộ nút áo chẽn bằng đá xanh có nuốm bịt vàng. Ông Phạm Khắc Hòe cảm động, trân trọng cảm ơn Bảo Đại và bà Nam Phương, rồi cáo từ ra về. 
Nam Phương Hoàng hậu có những nét đẹp tiêu biểu của người phương Đông, dẫu rằng bà là con cháu nhà hào phú, vào làng Tây, học bên Pháp. Bà là người hiền dịu, vô cùng tự trọng, mang đầy đủ tính cách của người phụ nữ Việt Nam. 
Ở chốn cung đình, dù có đủ nhà học, có thầy giỏi dành riêng cho các hoàng tử, công chúa, bà vẫn cho các con ra theo học ở trường Đồng Khánh với niềm tha thiết mong mỏi chúng không tách khỏi cuộc sống đời thường, xa cách với trăm họ. 
Sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chính phủ phát động Tuần lễ vàng, góp tiền nuôi quân, mua vũ khí. Ngay trong ngày khai mạc tuần lễ ấy, bà đã cao cả tự nguyện tặng hết vòng, xuyến, kiềng vàng, bông tai đang đeo trên mình. 
Chủ tịch Trung Bộ là ông Trần Hữu Dực đã mời bà làm chủ tọa "Tuần lễ vàng". Tấm gương của bà đã làm cho các ông hoàng, bà chúa, các nhà tư sản ở Huế cảm động, hiến được nhiều vàng bạc, của cải cho Tổ quốc những ngày ấy. Sau đây là một số sự kiện diễn ra trong thời gian đó:
Ông Vĩnh Thụy (Bảo Đại) ra Hà Nội gần một tháng, được Cụ Hồ Chí Minh giao cho chức Cố vấn Chính phủ. Ở Huế, bà Nam Phương cũng được tin tức hàng ngày về ông Vĩnh Thụy ở Hà Nội  rất thoải mái, Chính phủ đã lo đầy đủ chỗ ở và việc ăn uống cho ông Cố vấn. 
Cụ Hồ cũng gặp ông Vĩnh Thụy nhiều lần để bàn việc nước. Ở Huế lúc này tình hình chính trị cũng sôi sục, hàng ngày có những cuộc biểu tình của nhân dân Huế hoan hô cách mạng và hô hào toàn dân đứng lên giành độc lập. 
Cuộc cách mạng buổi ban đầu rất cần nhiều thứ như tiền bạc để mua súng đạn và trả lương cho nhân viên Chính phủ. Một "Tuần lễ vàng" được tổ chức tại Huế. 
Ông Trần Hữu Dực được Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử vào Huế để lo tổ chức bộ máy chính quyền cách mạng ở Trung Bộ và phát triển các đoàn thể quần chúng. Để lo liệu kinh phí cho vô số nhu cầu, nhất là cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, Nhà nước đã công khai tổ chức những "Tuần lễ vàng", "Tuần lễ bạc", "Tuần lễ đồng" và kêu gọi toàn dân thực hiện hũ gạo đồng tâm. Tại Huế, "Tuần lễ vàng" được tổ chức và kêu gọi mọi người dân đóng góp của cải như vàng bạc và kim loại quý. 

Nghe lời hô hào của Chính phủ, nhân dân Huế đều tham gia tùy theo khả năng của mình kẻ ít, người nhiều đóng góp cho Chính quyền để dùng vào việc mua vũ khí, súng đạn chi viện cho cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ. 
Tờ "Quyết Tiến" thời đó đã viết là: "Một phân vàng là một cây súng tối tân, một ly vàng là một viên đạn lớn". Ngay khi "Tuần lễ vàng" khai mạc, bà Nam Phương là người tới đầu tiên để ủng hộ.
Từ khi Bảo Đại thoái vị và trở về làm "Công dân Vĩnh Thụy", thì bà Nam Phương ăn mặc rất giản dị. Tuy ăn mặc giản dị nhưng trông bà vẫn có nét đẹp và sang trọng như trước. Nhưng hôm đến khai mạc "Tuần lễ vàng" thì người ta rất ngạc nhiên tại sao hôm nay bà Nam Phương lại ăn mặc rất sang trọng. 
Quần áo dài với khăn vàng trên đầu, lại đeo chiếc kiềng vàng trên cổ, hai tai cũng đeo bông vàng, hai cổ tay cũng đeo hai đôi xuyến vàng. Mười ngón tay có mười chiếc nhẫn. Mấy bà mệnh phụ đi theo lấy làm lạ về cách trang sức của Nam Phương, nên họ khẽ hỏi bà:                 
- Bây giờ cách mạng rồi, Ngài còn ăn diện làm chi rứa?                    
Bà Nam Phương im lặng không nói gì.                        
 "Tuần lễ vàng" khai mạc vào ngày 17 tháng 9 năm 1945 bên bờ phía nam sông Hương. Khi bà Nam Phương vừa tới thì lễ khai mạc bắt đầu. Dược sĩ Phạm Doãn Điềm là Trưởng ban tổ chức "Tuần lễ vàng", đã mời bà Nam Phương hưởng ứng đầu tiên ủng hộ.Bà Nam Phương được hướng dẫn tới một chiếc bàn có trải tấm vải đỏ. Bà dừng lại bên chiếc bàn và từ từ cởi bỏ chiếc kiềng, đôi bông tai, đôi xuyến vàng và mười chiếc nhẫn vàng mà bà đã tháo ra từ mười ngón tay, rồi tất cả những thứ quý kim trên bà Nam Phương đặt vào mặt bàn.

Người thư ký ngồi ở bàn kiểm kê xong và ghi một tờ biên nhận có chữ ký của ông dược sĩ Phạm Doãn Điềm, Trưởng ban tổ chức.
Đến lúc này, mấy bà mệnh phụ đi theo mới hiểu rõ nguyên nhân tại sao hôm nay bà Nam Phương ăn vận khác thường với những đồ trang sức đầy trên người. Khi bà Nam Phương đã làm xong nhiệm vụ, mọi người chứng kiến đều vỗ tay hoan hô bà nhiệt liệt. Bà Nam Phương được gắn một huy hiệu có in hình cờ đỏ sao vàng. 
Sau đó ông Trần Hữu Dực mời bà Nam Phương làm chủ tọa "Tuần lễ vàng" tại Huế, từ hôm đó đến ngày 24/9/1945 mới bế mạc. Vì bà Nam Phương đứng chủ tọa nên sau đó nhiều bà mệnh phụ tại Huế đã theo gương bà Nam Phương tới hưởng ứng. 
Kết quả "Tuần lễ vàng" tại Huế đã nhận được 925 lượng vàng. Người thứ nhì đóng góp nhiều là ông Nguyễn Duy Quang (cựu Ngự tiền văn phòng của Hoàng đế Bảo Đại trước đó) đã ủng hộ 42 lượng; người thứ ba là ông Ưng Quang 40 lượng.
Ngoài việc đứng chủ tọa "Tuần lễ vàng", bà Nam Phương còn kêu gọi mọi người hãy giúp đỡ quần áo, chăn màn để giúp những người lao động nghèo đang thiếu mặc bởi mùa đông gió rét tại miền Trung đang diễn ra. 
Bà Nam Phương cũng tuyên bố với mấy nhà báo khi phỏng vấn bà như sau: "Tôi rất vui mừng và cám ơn Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đối đãi rất tử tế với gia đình chúng tôi. 
Chúng tôi rất vui mừng thấy chị em đã tiến rất mau trên con đường cứu nước. Từ trong nội mới dọn sang, nhà cửa xếp đặt chưa xong, hiện nay tôi chưa làm gì được nhiều, song nay mai khi nào chị em có việc gì cần đến tôi, tôi sẽ rất sung sướng mà gánh lấy một phần công việc." (Theo báo Quyết Tiến ngày 18/9/1945).
Tại Huế, không những bà Nam Phương không những tích cực hưởng ứng "Tuần lễ vàng" mà con viết một bức thư ngỏ gửi các bạn bè năm châu để báo cáo về độc lập tự do của nước Việt Nam mới giành được nền độc lập. 
Bức thư ngỏ này, bà Nam Phương gửi cho các bạn bè ở châu Âu, nó như một thông điệp để tố cáo sự trở lại của quân đội Pháp tại Nam Bộ, làm đổ máu nhân dân Việt Nam. 
Tờ Thông điệp này được đăng trong cuốn sách mang tựa "Ho-Chi-Minh Abd El-Krim" của Jean Renaud, và do Guy Boussac xuất bản năm 1949 tại Paris, và sau này cuốn "BAO DAI ou les dernies jours de l'Empire d' Annam" của tác giả D.Grandclément cũng có in lại. Thông điệp này được viết và gửi đi ngày 18/11/1945, nội dung như sau:
"Nước Việt Nam đã thoát khỏi ách nô lệ... Chính phủ Lâm thời Dân chủ Cộng hòa đã thành lập. Chồng tôi, ông Vĩnh Thụy tức cựu Hoàng đế Bảo Đại đã từng tuyên bố: "Vui lòng làm dân một nước tự do hơn làm vua một nước nô lệ" nên đã đồng ý thoái vị. 
Tôi cũng đã đồng ý với chồng tôi, nên chồng tôi đã làm Cố vấn trong Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Riêng tôi, tôi cũng đã cùng với các chị em phụ nữ giúp nhiều việc trong công việc xã hội ở nước chúng tôi. 
Chúng tôi chỉ đinh ninh phụng sự cho Tổ quốc của chúng tôi. Nhưng từ lâu nay bọn thực dân Pháp được sự che chở của phái bộ Anh đã xâm chiếm đất nước chúng tôi và miền Nam của nước Việt Nam hiện giờ, nơi chôn rau cắt rốn của tôi đang bị chìm đắm trong khói lửa.
Đồng bào chúng tôi trong ấy có cả thân quyến của tôi bị giết, bị hành hạ bởi sự tham tàn của bọn người xâm lược. 
Những bạn bè của tôi ở nhiều nước châu Âu, các ông các bà đã quen biết tôi, tất cả những người yêu chuộng tự do công lý, các người kêu gọi chính phủ của các người cương quyết can thiệp để ngăn cản bàn tay đẫm máu của thực dân Pháp ở miền Nam nước Việt Nam là các người đã làm ơn cho dân tộc chúng tôi, làm ơn cho tất cả phụ nữ chúng tôi và cho cả tôi nữa. 
Các người hãy tin chắc chắn rằng mối cảm tình nồng nàn của dân tộc chúng tôi, của riêng tôi đối với các người sẽ nhờ đó mà tồn tại mãi mãi.
Thay mặt cho mười ba triệu bạn gái của nước Việt Nam, một lần nữa tôi kêu gọi lòng bác ái nhân đạo của các người. Tôi mong mỏi các người không để cho chúng tôi phải thất vọng."

Bà Vĩnh Thụy
Cựu Hoàng hậu Nam Phương.
Năm 1946, trong chuyến đi cùng phái đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa sang Trung Quốc, Bảo Đại đã ở lại nước ngoài. Cũng trong năm 1946, Pháp theo chân đồng minh trở lại Việt Nam. Toàn  quốc lại bước vào một bước ngoặt mới của lịch sử: nhất tề đứng dậy kháng chiến. 
Súng lại nổ vang ở Huế, bà Nam Phương và các con phải vào trú ẩn trong nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế rồi sau đó được Pháp đem sang Pháp từ năm 1947. Bảo Đại được Pháp đem về làm Quốc trưởng cho đến năm 1953, chiến tranh giữa ta và Pháp đến hồi quyết liệt. 
Trên khắp các mặt trận quân ta thắng lớn buộc chúng phải tăng viện thêm. Năm 1954, trong trận Điện Biên Phủ lịch sử, Pháp thất bại nặng nề buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán.

Hiệp định đình chiến Genève 1954 được ký kết, lấy sông Bến Hải tạm thời làm ranh giới. Đất nước ta lại chia làm hai miền, miền Bắc độc lập, miền Nam đặt dưới sự chi phối của Pháp và sau này của Mỹ. 
Trong thời gian này bà và gia đình sang định cư tại Pháp. Cựu Hoàng sống ở Paris, còn bà sống trong một ngôi nhà tại Chadrignac ngoại ô Paris. Tại đây bà chỉ sống một mình cho đến năm 1963 bà đột ngột mất khi bên cạnh không lấy một người thân, hưởng dương 49 tuổi.

Lăng bà hiện nay ở Chadrignac, phía trước có một tấm bia khá lớn, chính giữa bia có một dòng viết bằng chữ Hán theo lối chân phương: "Đại Nam Nam Phương Hoàng hậu Chi Lăng".
Đại tá Đặng Việt Thủy

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

BÀI HÁT CHIM PONGKLE

Nhạc sĩ: Nhật Lai
Ca sĩ: Kim Nhớ





Lời bài hát Chim Pông Kle

1-
Chim ơi! Nhìn theo đôi cánh Poong Kle.
Chim của ta ơi!
Chiều êm nghe tiếng bâng khuâng trong lòng bao giờ
Lặng đưa lời hát buông trôi.
Dòng Xê - Băng -Hiêng lững lờ hớ ơ ơ ơ ơ
Chan chứa bao nhiêu tình và bao nguồn mơ

2-
Ai đó ngày đêm ôm súng đứng bên dòng Xê -Băng - Hiêng
Giữ cho đôi cánh chim Ch'rao mãi được bay lượn.
Giữ cho những quả Pơ - li
Giữ cho những bông hoa Pun hớ ơ ơ ơ ơ
Tươi thăm trên núi rừng của ta anh ơi.

ĐK:
Hỡi cánh chim  Poong Kle trong sớm mai lộng gió ngàn
Ta muốn nói với ai mà sao lòng ngại với lòng
Gửi lời về với tiếng gió sớm. hòa cùng lòng với tiếng chim non,
Con nước Xê-Băng- Hiêng dạt dào
Mà ai đứng vui bên dòng sông vững tay súng biên thùy rừng núi.
Hỡi cánh chim  Poong Kle trong sớm mai lộng gió ngàn...

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

6 LỜI KHUYÊN CỦA THẦY VĂN NHƯ CƯƠNG TỚI PHỤ HUYNH

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2013 - 2014, PGS Văn Như Cương đã có một bức thư gửi tới các bậc phụ huynh trường Lương Thế Vinh chia sẻ về việc dạy dỗ con cái. Trong thư thầy gửi gắm những tâm sự của mình về sự nghiệp trồng người hiện nay:
thayCuong-1378368081.jpg
PGS Văn Như Cương. 
"Nhân dịp đầu năm học mới, tôi xin gửi lời chào mừng tới các bậc cha mẹ học sinh trường Lương Thế Vinh. Tôi chân thành chúc các vị cùng gia đình mọi sự tốt đẹp, hạnh phúc.
Một trong những nhân tố làm nên thương hiệu Lương Thế Vinh là sự ủng hộ của các bậc phụ huynh về đường lối giáo dục nhà trường. Nhân dịp năm học mới, với tư cách Hiệu trưởng nhà trường, tôi xin gửi tới các vị phụ huynh đôi dòng tâm sự về việc dậy dỗ con em chúng ta. 
1. Xin các bậc làm cha làm mẹ hãy thận trọng và bình tĩnh khi nhận xét và đánh giá con cái của mình. Một số vị luôn luôn cho rằng con mình cái gì cũng nhất: xinh đẹp, thông minh, tài năng, trí tuệ…, họ tâng bốc con và làm cho đứa con cũng cảm thấy mình hơn người. Một số vị khác thì ngược lại, luôn luôn buồn bực vì con, chì chiết thậm chí mạt sát con, xem nó là thứ vất đi, khó dạy khó bảo, rồi chẳng làm nên cơm cháo gì…
Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh và điểm yếu. Nghệ thuật làm cha, làm mẹ là biết cách khuyến khích, khen ngợi, nhưng không đề cao "quá đáng" những điểm mạnh của con mình, mặt khác cần khắc phục mà không "vùi dập" những điểm yếu của nó. 
Một đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc một đứa trẻ tự ti, sợ hãi không phải là mục tiêu giáo dục của chúng ta.
2. Xin các vị đừng quá nuông chiều đến mức thỏa mãn mọi đòi hỏi của con cái. Hãy nhớ rằng con cái chúng ta luôn luôn 'được voi, đòi tiên', bởi vậy chúng ta cần cân nhắc trước yêu sách của con cái. Có thể các vị không thiếu tiền, nhưng ở đây là vấn đề giáo dục, nên có thể thừa tiền vẫn không cho. Trẻ em càng đươc nhận nhiều thì sự biết ơn càng giảm sút, mà đó là điều tối kỵ. Trước hết chúng phải biết ơn cha mẹ mình, biết rằng trong điều kiện kinh tế khó khăn cha mẹ đã vất vả như thế nào để nuôi con ăn học. Sự biết ơn đó chính là một động lực để thúc đẩy các con ra sức học hành. Đối với con cái, nếu 'yêu cho roi cho vọt' là quan điểm sai lầm thì 'yêu cho ngọt cho bùi' cũng sai lầm không kém.
3. Xin các vị đừng thương các con đến mức không để chúng đụng tay đụng chân làm bất kỳ việc gì, mà dành toàn bộ thời gian cho chúng 'dùi mài kinh sử'. Con muốn giúp mẹ làm bếp thì: 'Thôi con đi học bài đi, mẹ làm tí xong ngay', ăn cơm xong thì: 'Con nghỉ một lúc rồi học bài nhé, để mẹ rửa bát cho'.
Thế là có những đứa trẻ không bao giờ biết làm việc, kể cả những việc đơn giản như: quét dọn nhà cửa, lau rửa bát đĩa, ấm chén, tuới cây nhổ cỏ, vun luống tỉa hoa... Lớn lên chắc chắn chúng sẽ thành những kẻ lười biếng, xem thường lao động, coi kinh những người lao động. Là một thầy giáo lâu năm, tôi tin rằng: 'Không có lao động thì không có sáng tạo. Một người lười lao động thì chắc chắn không làm việc gì thành công'.  
4. Hãy dạy con cái chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc từ thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi người. Lòng thương người, tính đôn hậu là tính tốt cơ bản nhất mà mỗi con người nên có. Hãy để cho trẻ con chúng ta biết đến, nghĩ đến biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, biết bao số phận cay đăng, biết bao hoàn cảnh ngặt nghèo của rất nhiều người trong xã hội. Đối với những người như vậy một sự chia sẻ về vật chất và tinh thần, một lời động viên, một cử chỉ đồng cảm… chính là thể hiện lòng nhân ái đối với họ. Lòng nhân ái trong mỗi người sẽ xóa tan sự đố kị, sự vô cảm, sự thù hận... và làm cho trẻ con của chúng ta tốt đẹp và cao thượng hẳn lên. 
5. Hãy dạy con cái mình sống nhiều hơn với các thế giới có thật xung quang mình, đang xảy ra hàng ngày... để chúng đừng đắm mình và chạy theo thế giới ảo trên các trang mạng. Hãy làm sao để chúng nói chuyện, trao đổi, tâm sự… nhiều hơn với người thân trong gia đình chứ đừng suốt ngày đuổi theo những ảo ảnh trên mạng. Trong tình hình hiện nay các mạng xã hội trên Internet mang lại nhiếu nguy hiểm cho con trẻ chúng ta. Xin các vị hãy quan tâm điều này nhiều hơn, đã có rất nhiều trẻ em trở thành hư đốn, thậm chí phạm pháp vì quá mê say với thể giới ảo .
6. Về việc học tập của con em, trường Lương Thế Vinh chống lại việc học thêm một cách vô tội vạ. Nhà trường bố trí và sắp xếp kế hoạch thực hiện chương trình đủ để học sinh không phải học thêm. Việc học thêm chỉ mang đến những bất lợi cho học sinh: tốn tiền, tốn thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy hiểm vì đi đường, không có thì giờ để tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi… Học sinh Lương Thế Vinh được tuyển chọn một cách chu đáo, các em đều có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi hoặc khá. Học sinh như vậy, với đội ngũ thầy giáo có kinh nghiệm và với chương trình sắp xếp hợp lý… chúng tôi tin rằng việc học thêm là không cần thiết.
Trên đây là một số ý kiến tâm sự muốn ngỏ cùng các vị của một người thầy giáo già luôn luôn cảm thấy hạnh phúc khi học trò của mình thành đạt.
Tôi chúc các vị và gia đình hạnh phúc".