Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Bàn về LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG VIỆT NAM

SUY NGHĨ NHÂN ĐỌC  BÀI  “ MẤY SUY NGHĨ VỀ LỊCH SỬ VIỆT NAM VÀ TƯ TƯỞNG VIỆT NAM“ CỦA GIÁO SƯ  HÀ VĂN TẤN

“Một người lo bằng kho người làm” 
Tục ngữ Việt Nam
 1.    NỘI DUNG VÀ MỤC ĐÍCH CỦA BÀI VIẾT
Các nội dung chính của bài viết
·      Tóm tắt  bài viết của giáo sư Hà  Văn  Tấn
·      Tóm tắt lịch sử tư tưởng lý luận Việt Nam
·      Một số suy nghĩ cá nhân sau khi đọc bài viết

Mục đích của bài viết
Nội dung của bài viết là tóm tắt bài viết của giáo sư Hà Văn Tấn “Mấy suy nghĩ về lịch sử Việt Nam và tư tưởng Việt Nam”. Bài viết cũng trình bày một số suy nghĩ của cá nhân về lịch sử tư tưởng của dân tộc Việt Nam, gọi tắt là tư tưởng Việt. Mục đích của bài viết góp phần xem xét các điểm mạnh, các điểm yếu về tư tưởng lý luận của người Việt để mà khắc phục,  nhắm hướng tới tương lai tươi đẹp của đất Việt. 
Tư tưởng lý luận có ích không thể là tư tưởng thuần túy, lý thuyết mà luôn gắn chặt với thực tế, với lịch sử. Do vậy bài viết có thể hơi lan man về lịch sử hay một số sự việc tưởng như không liên quan đến tư tưởng Việt.

2.    TÓM TẮT BÀI VIẾT CỦA GIÁO SƯ  HÀ VĂN TẤN
Giáo sư Hà Văn Tấn  sinh năm 1937 tại Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, quê hương của thi hào Nguyễn Du. Ông là một nhà khảo cổ học, sử học,  Nhà Giáo Nhân Dân, nguyên viện trưởng Viện Khảo Cổ Học và đã được giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học.
Bài viết của giáo sư Hà Văn Tấn nhan đề “ Mấy suy nghĩ về lịch sử Việt Nam và tư tưởng  Việt Nam ” được đăng  trong cuối sách “ Một số vấn đề lý luận về lịch sử tư tưởng Việt Nam ” ( Viện Triết Học xuất bản năm 1984 tại Hà Nội ) và cuốn sách “ Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam” ( tác giả: giáo sư Hà Văn Tấn, nhà  xuất bản  Hội Nhà Văn, năm XB 2005). Bài viết này còn được đăng trên trang Web  TRIETHOC.EDU.VN
Bài viết của  giáo sư Hà Văn Tấn  ngắn gọn, hay và đầy sức thuyết phục.
Có 3 ý quan trọng  trong bài viết  của giáo sư Hà Văn Tấn:
· Từ khi dựng nước cho đến nay nhân dân ra rất ít làm lý luận, ít có tư tưởng, trừ một ít lý luận tư tưởng về quân sự và y học. Nguyên nhân chính là do chiến tranh,  do bị đô hộ và phải lo làm ăn.
.  Các tư tưởng của Việt Nam  đều là ngoại nhập.
· Các tư tưởng ngoại nhập  được du nhập một cách không đầy đủ và được biến đổi do sự kém cỏi của người Việt hoặc để phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam.
Các nhận định trên của giáo sư Hà Văn Tấn, một người có uy tín trong giới học thuật Việt Nam, thật là sắc sảo và chính xác, nhưng có lẽ cũng tạo cảm giác khá  tâm tư, khá đáng buồn, khá đáng lo cho người Việt chúng ta.
Trong một bài viết ngắn giáo sư không tiện trình bày, giải thích thật đầy đủ mọi khía cạnh và mọi giai đoạn của lịch sử tư tưởng Việt. Do vậy tôi xin mạn phép mở rộng vấn đề và bổ sung thêm lịch sử tư tưởng  Việt giai đoạn gần đây.

3.    Ý NGHĨA CỦA TỪ "TƯ TƯỞNG" TRONG BÀI VIẾT
Nghĩa của thuật ngữ “tư tưởng”  được dùng trong bài viết này có một số  đặc điểm sau:
·     "Tư tưởng" có  nghĩa không cần quá rộng, không quá cao siêu như chủ nghĩa, học thuyết hay hệ tư tưởng.
·     “Tư tưởng” có thể chỉ ở mức độ  như suy nghĩ, tư duy, lý luận, phát minh hay đơn giản là sáng kiến.
·     Từ “tư tưởng“ không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực triết học, chính trị, kinh tế,  xã hội,  văn hóa mà có thể trong bất cứ lĩnh vực nào như văn học,  nghệ thuật, khoa học tự nhiên, kỹ thuật và đời sống.
Đây là các đặc điểm của thuật ngữ “tư tưởng” dùng trong bài viết này mà ta nên làm rõ  ngay từ đầu để tránh có sự hiểu nhầm.

4.    CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN  TƯ TƯỞNG  VIỆT TRONG THỜI PHONG KIẾN
a.    Ảnh hưởng của  ngôn ngữ, chữ viết lên tư tưởng Việt
Sự tồn tại của chữ Việt cổ  chỉ  là giả thiết. Nước Việt bắt đầu phải sử dụng chữ Hán làm chữ viết từ thế kỷ 1 trước công nguyên. Chữ Hán còn được gọi là chữ Nho do sự du nhập chữ Hán gắn liền với sự du nhập Nho giáo. Đến thế kỷ 10 xuất hiện thêm chữ Nôm mà nguyên tắc là sử dụng ký tự chữ Hán để ghi âm tiếng Việt. Chữ quốc ngữ xuất hiện vào thể kỷ 17, dùng bảng chữ cái La tinh có cải biên, bổ sung để ghi tiếng Việt ( bỏ f, z, w, thêm đ, â, ơ v. v... thêm các dấu  thanh  ?, ~. \ /, .).
Khi chưa có chữ Nôm,  tồn tại một bộ chữ là chữ Hán và hai thứ tiếng Việt và  tiếng Hán ở xã hội Việt. Chữ Hán được coi như chữ cung đình, hành chính và học thuật. Việc học hành rất vất vả chứ đừng nói đến tư duy lý luận. Việc ghi lại âm tiếng Việt,  văn tiếng Việt là chưa thể. Các tư liệu trong thời kỳ này  đều là chữ Hán. Các tác phẩm văn học trong nước đã ít, lại viết bằng chữ Hán, và lấy toàn điển tích bên Tàu.  Đó là điều vô cũng thiệt thòi cho dân tộc Việt về mọi mặt như văn hóa, lịch sử, văn học, tư tưởng lúc đó và về sau này.
Việc xuất hiện chữ Nôm là  một sự cố gắng hết sức của ông cha ta nhằm giữ gìn tiếng Việt. Nguyên lý của chữ Nôm là các âm tiếng Việt  được ghi lại dựa trên bộ chữ Hán. Chữ Nôm cũng rất phức tạp và từ thế kỷ 10 nước Việt tồn tại hai thứ tiếng Việt, Hán, và hai bộ chữ Nôm, Hán. Tuy vậy chữ Hán vẫn là ngôn ngữ chính thức của hành chính và học hành thi cử. May mà có  chữ Nôm ta mới có các kiệt tác văn chương  như Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm và nhiều tác phẩm khác, tuy rằng cốt truyện,  điển tích và phong cảnh sinh hoạt vẫn hầu như lấy hoàn toàn bên Tàu. Ví dụ Việt Nam hầu như làm gì có tuyết mà văn  Việt vẫn nói về tuyết. 
Chữ quốc ngữ xuất hiện vào thế kỷ 17 nhưng phải đến cuối thế kỷ 19 (năm 1882) mới  chính thức thay thế hoàn toàn chữ Hán trong công việc hành chính. Dần dần chữ quốc ngữ thay thế chữ Hán trong mọi lĩnh vực hành chính, đời sống, văn hóa, học thuật.  Nhiều lĩnh vực  như văn hóa nghệ thuật, văn học, tư tưởng, giáo dục chuyển sang thời kỳ mới,  theo chữ viết mới và bắt đầu chịu ảnh hưởng của văn hóa, nghệ thuật và tư tưởng phương Tây.
Sự phức tạp của lịch sử ngôn ngữ, chữ viết đã gây rất nhiều phiền toái cho dân tộc Việt cả  trước kia và bây giờ về mọi mặt, đặc biệt là mặt văn hóa, tư duy tư tưởng. Trước đây do ngôn ngữ, chữ viết mà học hành khó, tư duy lý luận khó. Bây giờ thì nghiên cứu lịch sử và văn hóa, văn học xưa cũng khó vì các tài liệu xưa đều chữ Hán hoặc chữ Nôm. Các từ tiếng Việt  hiện này có đến hơn 80% từ gốc Hán.  Ví dụ điển hình  của sự rắc rối về tiếng và chữ là vừa rồi có sự tranh luận rất sôi nổi về các bản dịch của bài thơ nổi tiếng Nam Quốc Sơn Hà. Truyện Kiều  của Nguyễn Du, tuy viết bằng tiếng Việt nhưng ghi lại trên giấy bằng chữ Nôm, cũng chịu sự rắc rối  về tiếng và chữ khi chuyển từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ. Nhiều thành ngữ, tục ngữ là tiếng Hán hoặc nửa Việt nửa  Hán như " tiền hậu bất nhất", " tứ mã phanh thây". Phải chăng vì thế mà dân Việt ta tư duy lý luận hơi lủng củng, tủn mủn, không rõ ràng chăng,  và  điều đó có tác hại rất lớn đến sự phát triển của nước Việt.
Có hai nước châu Á lúc đầu có hoàn cảnh tương tự với nước Việt về mặt chữ viết là Nhật  Bản và Hàn Quốc. Các nước này lúc  đầu cũng chịu ảnh hưởng nhiều của Trung Quốc về về  ngôn ngữ và chữ viết, tư tưởng, văn hóa và nhiều mặt khác. Tuy nhiên sau đó các nước này đã xây dựng được cho nước mình một hệ thống ngôn ngữ thống nhất gồm tiếng và chữ viết độc lập với chữ và tiếng Hán, dù vẫn còn vay mượn tiếng Hán và chữ Hán. Điều đó giúp các nước này dần trở nên độc lập hơn với  Trung Quốc về tư tưởng, văn hóa và các mặt khác. Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả là dù chữ viết chịu ảnh hưởng của chữ Hán,  Hàn Quốc và Nhật Bản lại  rất độc lập về tư tưởng, tư duy lý luận.
b.    Ảnh hưởng của  nghèo đói,  chiến tranh và giáo dục kém lên tư tưởng Việt trong thời phong kiến
Nguyễn Đình Chiểu có một câu rất hay trong bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc “ Nhớ linh xưa, côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó”.  Câu văn nói lên thân phận của người dân  Việt xưa, chỉ lo làm ăn kiếm sống, lo nghèo, lo đói và lo nội chiến, ngoại xâm. Họ còn sức đâu, thời gian đâu  mà lo học hành, mà lo lý luận tư tưởng xa xôi. Dân trí ngày xưa rất thấp.  Người có học và có kiến thức hầu như chỉ đủ để phục vụ hệ thống hành chính và giáo dục. Các kiến thức  đều do từ bên Tàu xa xôi truyền lại, và gốc của kiến thức cũng mất đi nhiều.  Trong thời phong kiến, tại mỗi lúc, may ra được một vài người đỗ đạt, ngoài việc làm quan,  còn tranh thủ  lúc rỗi  rãi làm văn, làm  thơ.
c.    Ảnh hưởng của địa lý và giao thương  trắc trở lên
 tư tưởng Việt trong thời phong kiến
Bản đồ Việt Nam đến thời vua Lê chúa Trịnh về phía bắc, đông, tây đã  gần ổn định như ngày nay. Về phía nam thì mới đến xa nhất  là đến  Quảng  Bình. Vị trí địa lý thật hiểm trở, khó giao lưu vì nếu lấy Hà Nội làm trung tâm thì ba phía núi non, một phía biển. Giao thông thời đó rất kém, đi lại chỉ bằng đường mòn hoặc đường sông. Nguyễn Du đi sứ sang  Trung Quốc, ở lại Bắc Kinh có 20 ngày mà đi đường mất 14 tháng. Một trong các ông tổ của tôi là tiến sĩ Đinh Nho Hoàn (1671 - 1715) đã chết trên đường đi sứ  Trung Quốc về vì đường  đi quá vất vả. Năm 1980 bố tôi, là Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại Giao Đinh Nho Liêm và cũng là Trưởng đoàn đàm phán  của Việt Nam với Trung Quốc về Chấm dứt Chiến tranh Biên giới phía Bắc 1979, đi sang  Bắc Kinh để để đàm phán, chỉ bay mất 4 giờ đồng hồ. Giao thương đường biển của người Việt thở xưa hầu như chỉ ven bờ,  tàu thuyền bé và thô sơ. Các triều đại phong kiến Việt Nam không chú trọng giao thương với bên ngoài. Vị trí địa lý đã cản trở giao lưu của người, của  hàng hóa, hạn chế rất nhiều đến sự phát triển của nước Việt về mọi mặt,  trong đó có  tư tưởng lý luận.
Như vậy chữ viết, đói nghèo,  phương Bắc đô hộ, chiến tranh và  hạn chế giao thương  trong thời phong kiến  là các nhân tố góp phần hạn chế sự phát triển của nước Việt và tư tưởng  Việt. 

5.    SỰ DU NHẬP KHÔNG ĐẦY ĐỦ CỦA CÁC TƯ TƯỞNG NGOẠI NHẬP VÀO VIỆT NAM TRONG THỜI PHONG KIẾN
Phần này có thể hơi dài dòng và  giống  như liệt kê lịch sử. Tuy nhiên đây là liệt kê lịch sử phát triển của lý luận tưởng  Việt, và do vậy cũng phải theo dòng lịch sử của nước Việt.
Trong những giai đoạn lịch sử nhất định của nhân loại, những học thuyết, tư tưởng lớn chỉ xuất hiện ở những vùng, những quốc gia hoặc những dân tộc nhất định. Thời cổ đại các tư tưởng lớn đều xuất hiện ở Hy lạp - La mã, Trung Quốc, Ấn  Độ. Sang thời kỳ phong kiến nơi nảy sinh các tư tưởng lớn là châu Âu, Trung Quốc và sau này là Hoa Kỳ. Do Thái là dân tộc đóng góp nhiều tư tưởng vĩ đại cho nhân loại, ví dụ như nhà tư tưởng Karl Marx, nhà bác học Albert Einstein, nhà tâm lý học Sigmund Freud  đều là người  Do Thái. Việc du nhập tư tưởng vào một nước có thể do  giao thương, truyền đạo, có thể do nhu cầu du nhập tư tưởng để giải phóng dân tộc, có thể  do bị cưỡng bức trong thời kỳ ngoại xâm đô hộ.
Bài viết của giáo sư Hà Văn Tấn đã nói  rõ và nhấn mạnh về việc  du nhập  tư tưởng ngoại nhập vào Việt Nam:
·      Các tư tưởng khi du nhập đến nước ta thường không đầy đủ, hoàn thiện như ở nơi xuất xứ. Các tư tưởng du nhập thường không phải toàn bộ mà chỉ là một phần. Ví dụ với Nho giáo, sách nào cần, dễ hiểu thì mới được nhập sang. Các sách vở sâu xa hơn, nền tảng hơn  không được nhập về.
·      Các tư tưởng ngoại nhập khi vào trong nước ta còn bị biến đổi cho phù hợp với điều kiện chính trị kinh tế xã hội. Điều này cũng vừa có mặt hay, vừa có mặt dở.  Dân ta hiểu các tư tưởng ngoại nhập chưa chắc đã sâu, đã đầy đủ do ngôn ngữ, trình độ, ngữ cảnh.
·      Việt Nam, giống một số nước châu Á khác, ngoài du nhập các tư tưởng, tôn giáo từ Trung Hoa phong kiến, cũng du nhập, hay nói cách khác là bê gần như nguyên si mô hình triều đình, hành chính, triết học, y học, lễ nghi, thờ cúng, kiến trúc   và nhiều thứ khác. Ngoài ra còn  có sự du nhập và hòa nhập của  người Hán  từ Trung Hoa với người cộng đồng người Việt.
Như vậy không gian tư duy, tư tưởng của dân tộc  Việt bị ảnh hưởng, bị chi phối rất lớn bởi các mô hình, tư tưởng  ngoại nhập, chủ yếu là từ phương Bắc.
Tình hình nước Việt  ngay trước  ngày Pháp xâm lược
Thời kỳ phong kiến Việt Nam ngay trước ngày Pháp xâm lược là thời kỳ rất loạn lạc và kém phát triển.  Hết cảnh vua Lê chúa Trịnh đến nội chiến  Trịnh-Nguyễn, phong trào Tây Sơn, quân Thanh xâm lược, chiến tranh  nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn. Những sự kiện này được mô tả rất sinh động trong tác phẩm  Hoàng Lê Nhất Thống Chí.  Nhà Nguyễn giành lấy đất nước từ  nhà Tây Sơn. Nguyễn Trường Tộ, một trí thức Việt Nam cấp tiến lúc đó, đã đề nghị nhiều cải cách để phát triển đất nước. Tuy nhiên nhà  Nguyễn đã không chấp nhận. Nhà Nguyễn còn cấm các giáo sĩ phương Tây. Nhà Nguyễn thi hành chính sách coi trọng phát triển nông nghiệp là chính: "di nông vi bản", “trọng nông, ức thương” ( lại phải dùng tiếng Hán rồi ! ). 
Như vậy ngay trước khi Pháp xâm lược nước ta,  kinh tế xã hội  nước Việt phát triển kém và tư duy tư tưởng các mặt không có gì mới, trừ tư tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ.

6.    TƯ TƯỞNG VIỆT TRONG THỜI KỲ PHÁP THUỘC, TRONG CHỐNG MỸ VÀ SAU 1975
Đây là các thời kỳ  mà lý luận tư tưởng  Việt có  rất nhiều biến động, thay đổi và đồng thời cũng có nhiều điểm phức tạp và tế nhị, không dễ trình bày.
Thời kỳ Pháp thuộc giai đoạn trước 1927
Sự kiện chính trong giai đoạn này là các phong trào yêu nước chống Pháp với tư tưởng Cần Vương (phò vua cứu nước). Tư tưởng chính trong giai đoạn này là tư tưởng  phò vua chống Pháp. Tại thời điểm này nước  Việt có 3 ngôn ngữ là Việt, Hán, Pháp và 4 loại chữ viết: Việt Nôm, Việt quốc ngữ, chữ Hán, chữ Pháp ! .
Thời kỳ này trí thức  Việt đã  bắt đầu có sự dịch chuyển từ Nho học sang Tây học. Việc học, thi và dùng chữ Nho dần bỏ hẳn. Chinh sách của chủ nghĩa thực dân cũ chỉ tập trung khai thác thuộc địa, không chú trọng khai phá trí thức văn minh cho thuộc địa.  Thực dân Pháp có đào tạo trí thức cũng chỉ để phục vụ cho bộ máy hành chính thuộc địa. Do vậy Tây học phát triển khá chậm. Hệ thống giáo dục theo mô hình Pháp dần được triển khai ở các trình độ khác nhau trên cả nước.
Thời kỳ Pháp thuộc giai đoạn 1927- 1945
Phong trào yêu nước chuyển từ cần vương sang dân chủ tư sản và chủ nghĩa cộng sản.
·      Quốc Dân Đảng, với lãnh tụ  tiêu biểu là Nguyễn Thái Học, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Tam Dân (dân tộc, dân quyền, dân sinh)  của Quốc Dân Đảng bên  Trung Quốc với lãnh tụ là Tôn Trung Sơn. Quốc Dân Đảng Việt Nam chủ trương đấu tranh vũ trang, thành lập nhà nước độc lập cộng hòa theo con đường tư bản.
·      Phong trào Đông Du do  Phan Bội  Châu chủ trương,  với ý định dựa vào Nhật để giải phóng dân tộc, xây dựng nhà nước quân chủ lập hiến.
·      Phong trào Duy Tân do Phan Chu Trinh chủ trương  với nội dung cải cách dân trí, văn hóa, đòi độc lập dân tộc theo con đường hòa bình và hướng đi theo tư bản chủ nghĩa theo mô hình Nhật Bản. Phan Chu Trinh còn cùng với Lương Văn Can tổ chức phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục với nội dung : Bỏ lối học từ chương, du nhập những tư tưởng mới, phát triển văn hoá, thúc đẩy sử dụng chữ quốc ngữ thông qua các hoạt động giáo dục (dịch, viết sách giáo khoa), báo chí, tuyên truyền, cổ động. Chấn hưng thực nghiệp. Mở tiệm buôn, phát triển công thương.
·      Từ 1925 các tổ chức cộng sản ở Việt Nam xuất hiện. Sự du nhập tư tưởng  cộng sản vào Việt Nam có 2 mục đích là  giành độc lập dân tộc và mở rộng ảnh hưởng của quốc tế cộng sản ra toàn Đông Dương, thành lập Liên Bang XHCN Đông Dương ( do đó có giai đoạn Đảng CSVN có tên là Đảng Cộng Sản Đông Dương ). Phong trào Xô Viết Nghệ-Tĩnh năm 1930 là một minh họa cho việc du nhập nguyên si mô hình Xô Viết cùng với tư tưởng cộng sản  từ nước Nga vào Việt Nam.
Đã có sự chuyển dịch hoàn toàn từ Nho học sang Tây học.  Nhiều trường cao đẳng được mở. Đã có nhiều du học sinh Việt ra nước ngoài để học tập, mà chủ yếu là du học Pháp và  học tập khoa học, công nghệ và đã thành tài như Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Tạ Quang Bửu. Vẫn còn nhiều nhà trí thức nho học có tài, có uy tín như Huỳnh Thúc Kháng, Tản Đà, Phạm Quỳnh, Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Phan Kế Toại.
Trong  giai đoạn này lý luận tư tưởng Việt về các mặt phát triển khá mạnh. Các lý do của sự phát triển là do sự thay đổi chữ viết; sự du nhập tư tưởng văn hóa phương Tây và các cuộc cải cách của các nước châu Á  như Trung Quốc, Nhật Bản. Đây cũng  là  thời kỳ cực thịnh của văn học nghệ thuật  Việt Nam, được gọi là Thời Kỳ Tiền Chiến, với nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ và trí thức nổi tiếng.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945 -1954
Từ 1945 đến 1950 nhiều nhà trí thức Nho học và Tây học đã  tham gia  và đóng góp cho kháng chiến. Nội dung chủ yếu của công tác tư tưởng lý luận trong  giai đoạn này là  phục vụ kháng chiến và bước đầu xây dựng nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Giai đoạn 1950-1954 nhờ chiến dịch Biên Giới, Việt Nam đã giao lưu thuận tiện với phe Xã Hội Chủ Nghĩa mà quan trọng nhất là với Trung Quốc. Theo các số liệu  lịch sử chính thức, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ của phe XHCN, chủ yếu là Trung Quốc về nhiều mặt: lương thực, vũ khí, cố vấn quân sự, đào tạo cán bộ, chủ yếu là cán bộ quân sự. Thời gian đó có một số cơ sở an dưỡng, huấn luyện đào tạo cán bộ của Việt Nam bên Trung Quốc. Nhờ có sự giúp đỡ đó mà Việt Nam  đã thắng trận Điện Biên Phủ và  ký được hiệp định Genève. Trong giai đoạn này Việt Nam bắt đầu tiếp thu các  lý luận tư tưởng về nhà nước và mô hình, tổ chức  nhà nước xã hội từ nước Cộng  Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Liên Xô và phe XHCN.
Thời  kỳ  1954 – 1965
Ở Miền Bắc nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa bắt đầu  xây dựng cơ sở cho Chủ Nghĩa Xã Hội, thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đấu tranh thống nhất nước nhà và chuyên chính với kẻ thù dân tộc.
 Việc xây dựng và quản lý nhà nước căn cứ trên mô hình của phe XHCN mà chủ yếu là Trung Quốc  và có các dấu hiệu quá tả. Rất  nhiều mô hình và cơ chế vẫn tồn tại đến bây  như các tổ chức  Hội phụ nữ, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên và các tổ chức quần chúng khác. Kinh tế cũng theo mô hình của Liên Xô hoặc của Trung Quốc. Đối với nông nghiệp, thực hiện cải cách ruộng đất và hợp tác hóa. Thực hiện cải tạo tư sản công thương. Trong quá trình thực hiện cải tạo nền kinh tế có nhiều biểu hiện của quá tả trong cải cách ruộng đất như coi trung nông cũng là đối tượng cải tạo đấu tố, bỏ tù hay xử bắn. Bản chất dân Việt ta đâu có độc ác với nhau như thế, chẳng qua là do học tập các phong trào từ Liên Xô, Trung Quốc thời đó. Thi hành chính sách quốc hữu hóa toàn bộ tài sản của giới tư sản. Kinh tế theo mô hình quản lý tập trung, nhà nước độc quyền về sản xuất và phân phối. Chủ trương công nghiệp hóa theo mô hình của phe XHCN với các nhà máy Gang Thép Thái Nguyên, Hóa Chất Việt Trì, Cơ Khí Trung Qui Mô ( nơi hiện nay là Royal City) v.v. . . Cơ sở của nông nghiệp là các hợp tác xã nông nghiệp và nông trường   quốc doanh. Hết sức hạn chế kinh tế tư nhân cá thể và tư thương. Các mô hình này thường là bắt chước hay bê nguyên si từ Liên xô, Trung Quốc. Nhiều mô hình duy ý chí giống như bên Trung Quốc, Liên Xô cũ.
Các cán bộ học sinh, là con em công nông binh có khả năng được cử đi học tập ở phe XHCN. Về văn hóa văn nghệ có một số vấn đề với  nhóm Nhân Văn Giai Phẩm có tư tưởng tự do trong nghệ thuật. Mẫu người lý tưởng được đề cao cho thanh thiếu niên trong giai đoạn này là các thanh niên lao động chân tay, hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa cộng sản như Pavel Corsaghin ở Liên Xô hay Lôi Phong ở Trung Quốc.
Ở miền Nam Mỹ dần thay chân Pháp và ủng hộ  Ngô Đình Diệm nắm quyền làm tổng thống nhà nước Việt Nam Cộng Hòa. Ngô Đình Diệm theo chủ nghĩa quốc gia, lập nên đảng Cần Lao Nhân Vị. Sau khi dẹp hết các phe phái khác như Hòa Hảo, Bình Xuyên, Ngô Đình Diệm cai trị miền  Nam với những khó khăn và hạn chế nhất định. Chế độ Diệm  bị đe dọa bởi lực lượng  cộng sản nằm lại miền Nam và được chi viện thêm từ miền Bắc. Diệm gây xung đột với Phật giáo. Ngô Đình Diệm vốn là quan lại triều Nguyễn, cai  trị  miền Nam theo lối gia đình trị và phong kiến, không muốn Mỹ can thiệp sâu vào miền Nam, do cũng có tinh thần dân tộc. Đó chính là các lý do làm cho Ngô Đình Diệm  bị lật đổ, thay bằng chính quyền của các tướng trẻ, học Mỹ về, thân Mỹ. Kinh tế miền  Nam lúc đó cũng có một số biến đổi, phát triển tốt ở mức độ nhất định theo hướng tư bản chủ nghĩa, một phần nhờ được Mỹ viện trợ khá nhiều, tuy nhiên cũng chịu sự thao túng lớn  của tư bản Hoa kiều. Các tư tưởng, văn hóa Âu Mỹ cũng du nhập vào miền Nam, điển hình là chủ nghĩa hiện sinh, nhạc hiện đại  Rock, Jazz. Tình hình chính trị ở miền Nam thời kỳ này cũng chứng tỏ  lý luận tư tưởng, cụ thể đây là tư tưởng chính trị của dân Việt là khá kém cỏi. Đảng Cần Lao Nhân Vị của Ngô Đình Diệm mặc dù theo chủ nghĩa dân tộc, quốc gia nhưng lại mang phong cách phong kiến, độc tài gia đình trị. Các đảng phái khác cũng rất yếu ớt , không có khả năng tập hợp lực lượng tạo ra sức  mạnh chính trị. Quyền lực thực chất do các tướng lĩnh trẻ được Mỹ ủng hộ nắm giữ như Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu. Có lẽ đây là một trong các nguyên nhân làm cho miền Nam thất bại trước miền Bắc. Hàn Quốc có cùng hoàn cảnh tương tự như miền Nam lúc đó nhưng các đảng chính trị tỏ ra hoạt động có hiệu quả, thực sự góp phần vào công cuộc phát triển  Hàn Quốc.  Nếu miền Nam cũng phát triển giống như Hàn Quốc thì tình hình sẽ phức tạp hơn nhiều.
Thời kỳ chống Mỹ 1965 – 1975
Đây là thời kỳ chống ngoại xâm cực kỳ ác liệt và vinh quang của dân tộc  ta. Đất nước ta, dân tộc ta đã chiến thắng vẻ vang. Tuy nhiên tổn thất cũng rất lớn. Nền kinh tế, nhất là kinh tế miền Bắc bị thiệt hại nặng nề. Hao tổn về sức người còn đáng kể hơn.  Nhiều nhân lực, tinh hoa của đất nước đã vào bộ đội, công an và đã hy sinh trên chiến trường. Đây là  những tổn thất khó bù đắp. Giai đoạn này vẫn có nhiều cán bộ học sinh được cử đi học ở các nước XHCN. Lớp các cán bộ học sinh đi học trước đó đã bắt đầu phát huy tác dụng và có  nhiều nhà khoa học có tầm cỡ trong khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật,  khoa học xã hội. Tuy nhiên việc cử  người đi học ở giai đoạn này có điều dở là những học sinh giỏi nhất lại toàn cử đi học khoa học cơ bản như toán, vật lý lý thuyết hay các ngành khoa học cơ bản khác chứ không phải đi học kinh tế, dù rằng có học kinh tế thì cũng là kinh tế XHCN. Điều này cũng gần giống chủ trương Công Nghiệp  Hóa XHCN.
Do giáo điều và ấu trĩ cùng với việc đang chống Mỹ  nên một số chủ trương chính sách về con người  trong giai đoạn này và giai đoạn 1954-1965  tỏ ra không thích hợp như hạn chế con cháu địa chủ, tư sản, công chức lưu dung vào các đại học lớn hay đi học nước ngoài  nhưng lại không cấm vào  ngành sư phạm !.
Về cơ bản giai đoạn này tư tưởng lý luận chủ yếu tập trung vào vấn đề đường lối chống Mỹ. 
Thời kỳ khủng hoảng kinh tế 1975 – 1986
Thời điểm giải phóng miền Nam 1975 là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên thực tế đây lại có thể coi là một trong các thời kỳ phát triển  rất kém của  kinh tế Việt Nam, mà chủ yếu là do các chủ trương, chính sách không đúng đắn về kinh tế. Sự yếu kém của tư tưởng Việt thể hiện rất rõ trong giai đoạn này: duy ý chí, giáo điều, quá tả về  phát triển kinh tế. Một vài cán bộ lãnh đạo  không biết gì về kinh tế, cũng nhảy sang làm quản lý kinh tế. Mô hình kinh tế xã hội là tập trung, bao cấp, nhà nước nắm và quản hết mọi thứ. Nhà nước tăng cường kiểm soát mọi mặt, hạn chế  tối đa kinh tế cá thể, tư nhân, hạn chế tối đa giao lưu hàng hóa ngoài mâu dịch quốc doanh. Có một số mô hình kinh tế duy ý chí kiểu " chỉ với đôi dép lốp, mo cơm quả cà cũng phải tiến lên Chủ Nghĩa Cộng Sản". Các  mô hình kinh tế điển hình là mô hình kinh tế cấp huyện  mà điển hình là hợp tác xã Định Công ở Thanh  Hóa, hay mô hình công trường đại thủ công như công trường xây hồ  Kẻ Gỗ. Nhà nước nắm độc quyền sản xuất và phân phối với việc phân phối nhu yếu phẩm theo tem phiếu, đồng thời ngăn sông, cấm chợ, hạn chế kinh tế cá thể. Một số biện pháp hành chính quá tả được thực hiện như đình chỉ sản xuất, tịch thu tài sản, dọa bỏ tù một số hộ sản xuất tư nhân như vụ Vua Dép Lốp Nguyễn Văn Chẩn ở phố  Nguyễn Thái Học Hà Nội,  hay việc khám nhà của những người có dấu hiệu giàu có. Anh  vợ tôi, hồi đó là thuyền trưởng tàu viễn dương, có cái máy nghe nhạc, máy ảnh cũng phải gửi nhà tôi vì sợ bị khám, bị tịch thu. Một số cán bộ lãnh đạo có tư tưởng cấp tiến về kinh tế đều bị kỷ luật. Đây là thời kỳ mức sống toàn dân xuống khá thấp. Có thể khẳng định đây là giai đoạn có các sai lầm lớn về phát triển kinh tế. Lý luận tư tưởng về các mặt khác cũng không có gì mới.  Những điểm yếu cơ bản của lý luận tư tưởng Việt bộc lộ rất rõ trong giai đoạn này.
Thời kỳ đổi mới 1986 - đến nay
Nhà nước Việt Nam với phong trào đổi mới đã từng bước tự do hóa nền kinh tế, từng bước chấp nhận nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế. Đến thời điểm này  nhà nước thừa nhận có 4 thành phần kinh tế là nhà nước, tập thể, tư nhân và đầu tư nước ngoài (FDI).
Trong giai đoạn này phe XHCN đã sụp đổ,  sự viện trợ về kinh tế và  chỗ dựa về cơ sở lý luận CNXH không còn nữa.  Do đó đặt ra nhiều yêu cầu cho công tác lý luận tư tưởng cho riêng nhà nước Việt Việt Nam
Giai đoạn đầu của đổi mới đã mang lại những kết quả nhất định, làm cho  sản xuất phát triển, đời sống toàn dân khá lên rõ rệt. Tuy nhiên khoảng 10 năm gần đây sự phát triển kinh tế xã hội  bắt đầu bộc lỗ những điểm yếu về nhiều mặt, và tư duy, lý luận tư tưởng cũng có nhiều vấn đề cần xem xét kỹ:
·      Kinh tế phát triển chậm lại. Mô hình các tập đoạn lớn, các tổng công ty nhà nước tỏ ra không hiệu quả, không những không có lãi mà còn làm lãng phí, thất thoát  quá lớn. Tài sản  nhà nước, vốn ODA, chui vào túi các cá nhân qua cổ phần hóa, phần trăm hoa hồng của hợp đồng kinh tế  của nhà nước. Kinh tế tư nhân phát triển không bền vững, có ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế và phát triển xã hội. Thu nhập theo đầu người của Việt Nam năm 2014 là khoảng 2052 USD, chỉ bằng 1/5 mức trung bình của thế giới và chỉ bằng 1/3 Thái Lan. 
.         Tham nhũng, lãng phí phát triển rất đáng lo ngại. Đã có dấu hiệu có âm mưu can thiệp vào chính trị,  nhà nước của các tập đoàn kinh tế nhà nước và tư nhân. Hình thành các nhóm lợi ích  mưu toan  tranh dành lợi ích cục bộ. Đảng đã phải khôi phục lại  Ban Nội Chính Trung Ương và lập ra Ban chỉ đạo Trung Ương về phòng chống tham nhũng do đích thân Tổng Bí Thư làm trưởng ban. Theo thống kê của Tổ chức Minh bạch  Thế giới năm 2014, chỉ số tham nhũng của Việt Nam là  31, xếp hạng 119/175, năm 2015 chỉ số tham nhũng Việt Nam  vẫn là 31, xếp hạng 112/168 trong các nước được khảo sát trên toàn thế giới.   Có vẻ như công nhân viên chức, có thể vì lương quá thấp so với nhu cầu sống, đã tự trả lương cho mình qua  tham nhũng. Và có vẻ tham nhũng, buôn chức quyền là một trong các hình thức kinh doanh lãi nhất.  Tham nhũng cực kỳ tinh vi,  liên quan cực kỳ phức tạp, hầu như không thể tìm ra,  không thể đưa ra xét xử. Hình như chống tham nhũng bây giờ chẳng khác như chống chính bản thân mình, và không ai muốn, không ai dám, không ai có thể chống tham nhũng.
·      Bộ máy quản lý  nhà nước vẫn lạc hậu, theo cơ chế hành chính bao cấp, thời  chiến, và tỏ ra không thích hợp để  phát triển kinh tế, xã hội.  Các báo cáo, thống kê về kinh tế xã hội không chính xác, một chiều.
·      Lý luận tư tưởng phát triển không theo kịp yêu cầu của phát triển kinh tế xã hội.  Ví dụ đưa ra khái niệm " Kinh tế thị trường định hướng  XHCN " nhưng đến nay vẫn chưa giải thích rõ ý nghĩa của khái niệm đó. Việc xây dựng pháp luật và giáo dục toàn dân  tự giác,  sống theo pháp luật, sống có văn hóa tỏ ra rất yếu kém.
·      Theo nhận xét cuối năm 2015 của đại diện Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) tại Việt Nam về kinh tế Việt Nam: hết tiền đầu tư, nợ công tăng cao sát trần, năng suất lao động tăng quá chậm. Đây là các dấu hiệu xấu cho nền kinh tế Việt Nam.
.  Nguồn thu, ngân sách trung ương, địa phương  có dấu hiệu cạn kiệt. Do vậy một số chủ trương chính sách mới về tài chính  trong y tế, giáo dục, giao thông và một số lĩnh vực khác là nhằm tăng nguồn thu ngân sách, nhưng lại làm tăng gánh nặng chi tiêu lên người dân.
·      Vì phát triển kinh tế, kiếm tiền mà pháp luật, đạo đức, văn hóa có biểu hiện thụt lùi do chay theo lợi ích kinh tế với bất cứ giá nào. Các bảo tàng nổi tiếng, cơ quan nhà nước như bảo tàng Cách Mạng, bảo tàng Lịch Sử, bảo tàng Mỹ Thuật, bảo tàng Quân Đội đều cho thuê đất, thuê nhà để kinh doanh nhà hàng ăn uống, giải khát. Việc  làm ăn được và giàu có được coi là tiêu chuẩn  quan trọng nhất để đánh giá con người. Thành ngữ "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" tỏ ra đúng trong giai đoạn này. Tâm lý con người  trong  làm việc, kiếm sống vẫn có tâm trạng như trong giai đoạn đói kém. Vì lợi ích kiếm tiền con người dễ dàng giả dối, lừa đảo, bất chấp pháp luật và  luật đạo đức. Đạo đức, văn hóa, văn minh rất xuống cấp. Một số người trong tầng lớp mới giàu nổi (new rich) tỏ ra vô học, thiếu văn hóa, thiếu đạo đức, thiếu cái gốc của một nhà tư bản chân chính.
·      Giáo dục không những không phát triển mà còn có nhiều yếu kém, gây bức xúc trong xã hội do chất lượng thấp và gây nhiều tốn kém và vất vả cho các gia đình có con đi học. Việc đào tạo và sử dụng nhân tài có nhiều vấn đề rất nghiêm trọng. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan thì tư tưởng, tư duy  lý luận về  đường lối phát triển giáo dục  sai lầm là nguyên nhân chính.
.  Dân trí và mức sống của nhân dân hầu như không được nâng cao,  cải thiện. 
·      Nhiều mặt khác cũng rất yếu kém như, quản lý nhà nước, thủ tục hành chính, y tế, giao thông,  giáo dục làm cho đời sống người dân ngày càng vất vả.
·      Đô thị, nhất là thủ đô Hà Nội, phát triển không có qui hoạch cơ bản, lâu dài và hợp lý. Kết quả là biến thủ đô thành một thành phố lộn xộn, ô nhiễm ồn ào với giao thông, nhà cửa, buôn bán.  Phố Lê Duẩn ở  trung tâm Hà Nội, bên cạnh công viên Thống Nhất thường xuyên có người dừng xe máy ,  ôtô đi tiểu tiện ngay bên vỉa hè. Hà Nội bao nhiêu năm hầu  như không có công trình nào  đáng kể về kiến trúc mỹ thuật, ngoài cầu Nhật Tân do Nhật giúp xây dựng. Phải chăng câu tục ngữ “Người làm sao, của chiêm bao làm vậy”  là đúng đối với người Việt ?.
·      Quan hệ không ổn định với  Trung Quốc chưa có cách giải quyết triệt để  gây ra không ít khó khăn về các mặt xã hội, kinh tế, quốc phòng cho Việt Nam.
Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có nhiều nhưng có một nguyên nhân chính là lý luận tư tưởng của người  Việt bế tắc và  đặc biệt có nhiều vấn đề trong giai đoạn hiện nay.  Ví dụ như chính sách kinh tế  chuyển từ kinh tế tập trung XHCN sang kinh tế thị trường mà không có đường lối,   sự  chỉ đạo, điều khiển, kiểm soát, một cách chuyên nghiệp.   Đưa ra thuật ngữ “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” mà chưa có sự giải thích rõ ràng. Chưa có các chính sách đường lối phát triển cụ thể các mặt một cách thích hợp. Do sự tham nhũng, sự phát triển hỗn loạn,  yếu kém về nhiều mặt nên Đảng đã phải khôi phục lại một số ban cũ của Trung Ương Đảng như Ban Nội Chính,  Ban Kinh Tế. 

7. NGUỒN GỐC VÀ CƠ SỞ CỦA TƯ TƯỞNG,  TƯ DUY LÝ LUẬN CỦA NGƯỜI VIỆT HIỆN NAY
Tư tưởng, tư duy lý luận người Việt hiện nay có các nguồn gốc, có cơ sở hay bị ảnh hưởng  chủ yếu bởi các yếu tố sau:
 . Tính bản địa và  tính thừa kế của  nước Việt: Đặc điểm về lịch sử,  dân tộc, đất đai, địa lý, khí hậu bản địa  của nước Việt là một yếu tố cơ bản tạo nên đặc điểm  của tư tưởng, tư duy lý luận người Việt hiện nay. Có thể gọi đó là yếu tố cục bộ, yếu tố bản địa.
 .  Ảnh hưởng của đô hộ và giao thương  với phong kiến phương Bắc  với các đạo Nho, đạo Phật,  đạo Lão,  với hệ thống hành chính, giáo dục, kiến trúc, các nghi lễ sinh hoạt ( thờ cúng, ma chay, cưới xin  v.v. . .).
.  Ảnh hưởng của văn minh phương  Tây cũ thông qua chế độ thực dân cũ của Pháp như hành chính, giáo dục văn hóa nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, đạo Thiên Chúa.
.  Ảnh hưởng của Chủ Nghĩa Cộng Sản và phe XHCN mà chủ yếu là  Trung Quốc vầ Liên xô trong giai đoạn  từ 1930 (  thời điểm du nhập Chủ Nghĩa Cộng Sản vào Việt Nam) đến  năm 1989 (  năm sụp đổ của Liên Xô và phe XHCN). Rất nhiều người đi học ở các nước phe  XHCN và có nhiều sự giao lưu văn hóa tư tưởng với phe XHCN  trong giai đoạn này.
.  Ảnh hưởng của  xã hội và chế độ nước Việt Nam từ 1954 đến nay. Chú ý  việc tách yếu tố ảnh hưởng  này  ra khỏi yếu tố ảnh hưởng của  Chủ Nghĩa CS và phe XHCN  ở trên có vẻ không được rõ ràng lắm nhưng thực ra là cần thiết vì chế độ XHCN ở Việt Nam có đặc trưng riêng của mình và có ảnh hưởng quan trọng hơn.
.  Ảnh hưởng của văn minh Âu Mỹ  qua sự can thiêp của Mỹ  ở miền Nam trong giai đoạn 1954-1975
.  Ảnh hưởng của  văn minh Âu Mỹ và trên thế giới trong giai đoạn gần đây qua sự giao lưu tích cực với phương Tây thông qua mở cửa,  giao lưu  trao đổi văn hóa, giáo dục và số lượng sinh viên du học ngày càng tăng.
Như vậy phong cách, đặc điểm  chung của tư tưởng, tư duy lý luận  Việt chịu  sự tác động, ảnh hưởng chồng chéo hết sức phức tạp của các yếu tố kể trên.
Để đánh giá cụ thể yếu tố nào ảnh hưởng như thế nào đến tính cách, tư duy tư tưởng của người Việt chúng ta có vẻ khá khó khăn phức tạp. Ở mỗi con người Việt cụ thể các ảnh hưởng này cũng thể hiện khác nhau. Ở mỗi cá nhân, các đặc điểm chung  của người Việt về tư tưởng, tư duy lý luận  cùng với sử ảnh hưởng của  quê hương, dòng họ, gia đình, môi trường sống, học tập, làm việc của người đó sẽ tạo nên một đặc thù   tư tưởng, tư duy lý luận riêng cho  chính người đó. Như vậy tư tưởng, tư duy lý luận, suy nghĩ của một người Việt cụ thể rất đa dạng,  có thể  từ hết sức đơn giản đến rất phức tạp, tùy thuộc vào hoàn cảnh sống và lớn lên của họ. Điều đó giải thích tại sao tư tưởng, tư duy lý luận của người Việt tuy khá thấp nhưng rất phong phú và đa dạng, nhưng hình như có vẻ  đa dạng  quá mức cần thiết chăng ?.
Ở đây có một điểm cần chú ý là, so với Lào, Campuchia, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác, nước Việt chịu ảnh hưởng cực mạnh và khá trực tiếp của hai luồng văn hóa tư tưởng hơi cực đoan từ phong kiến Trung Quốc và từ  hệ thống Chủ Nghĩa Cộng Sản.  Điều đó có khi lại là dở vì tư tưởng Việt vốn cứng rắn và bảo thủ, kết hợp với hai luồng tư tưởng cực đoan đó  đã hình thành một chế độ và xã hội tương đối bảo thủ, khó thay đổi. Do vậy trong tương lai nhiều khả năng nước Việt sẽ  phát triển kém hơn thậm chí so với Campuchia và Lào,  chứ đừng nói so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, hiện nay đều hơn Việt Nam về nhiều mặt.


8.    CÁC NHÀ TƯ TƯỞNG LỚN CỦA VIỆT NAM.
 ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA TƯ TƯỞNG   VIỆT NAM.
 SO SÁNH TƯ TƯỞNG VIỆT NAM VỚI CÁC NƯỚC KHÁC

Các nhà tư tưởng lớn của Việt Nam
Như ngay đầu bài này đã khẳng định, các tư tưởng lớn  của Việt Nam cho đến này chủ yếu là  yêu nước, quân sự và một ít về y học. Và do vậy các nhà tư tưởng lớn của Việt Nam đều là các anh hùng dân tộc, nhà yêu nước và một số  nhà văn, danh y.
·      Các nhà yêu nước và quân sự có Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Trần  Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Quang Trung, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp v.v. . .
·      Danh y có Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
·      Nhà văn có Nguyễn Trãi, Nguyễn Du.
·      Nhà cải cách có Nguyễn Trường Tộ.
·     Triết học có  Trần Đức Thảo
·     Toán học có nhà toán học Ngô Bảo Châu
Đặc điểm chung của tư tưởng Việt Nam
 Có  một bài viết nhan đề “10 đặc điểm của người Việt Nam trong mắt người nước ngoài”, tôi xin đưa ra đây để mọi người tham khảo. Tuy nhiên tôi cũng như một số người khác cho rằng tác giả bài này là người Việt vì chỉ có người Việt mới hiểu người Việt như thế. Cụ thể  các đặc điểm đó như sau:
1. Cần cù lao động song dễ thỏa mãn nên tâm lý hưởng thụ còn nặng.
2. Thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động.
3. Khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm).
4. Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không có ý thức nâng lên thành lý luận.
5. Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học "đến đầu đến đuôi" nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tự thân của mỗi người Việt Nam (nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện, vì kiếm công ăn việc làm, ít vì chí khí, đam mê).
6. Xởi lởi, chiều khách, song không bền.
7. Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích hơn đời).
8. Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn. Còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện.
9. Yêu hòa bình, nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cục.
10. Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng).
 Có lẽ không được nghiêm túc lắm trong một bài nghiên cứu nhưng riêng cá nhân tôi, tôi thấy người Việt vừa có đặc điểm của Chí Phèo lại vừa có đặc điểm của A.Q. Có nghĩa là vừa sống liều, sống không có luật pháp như Chí Phèo, vừa tự phụ và hay dùng phép thắng lợi tinh thần như A.Q  ! ? .
 Các nhận định trên đúng sai thế nào xin mời mọi người ngẫm nghĩ. Cá nhân tôi, tôi vẫn nhất trí  với ý kiến của giáo sư Hà Văn Tấn trong bài viết giáo sư là  tư tưởng người Việt Nam trong lịch sử hầu như là các tư tưởng về quân sự cùng với một số tư tưởng về y học, văn học. Còn lại tư tưởng  Việt hầu như thiếu vắng các tư tưởng lớn về kinh tế,  khoa học, kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc. Một nhận định như thế  thật là  đáng buồn, đáng xấu hổ, đáng lo cho người Việt chúng ta.
Một vấn đề cần quan tâm là thuật ngữ  “tầng lớp trí thức”,  thuật ngữ chỉ một nhóm người có vẻ chịu trách nhiệm chính về lý luận tư tưởng. Trí thức thì vẫn có nhưng không nên có khái niệm về một  “tầng lớp trí thức”, một khái niệm thực tế không tồn tại vì liệu có ai tự cho mình không có học, không có tri thức.  Có lẽ chỉ nên phân biệt như phương Tây là công nhân cổ trắng ( làm việc ở văn phòng, viện nghiên cứu) và công nhân cổ xanh (làm việc ở nhà máy, trong trang trại nông nghiệp).
So sánh  Việt Nam với một số nước
Có thể  nói dân tộc nào, quốc gia nào tồn tại đến ngày nay đều có sự vĩ đại riêng của mình. Tuy nhiên mức độ vĩ đại, lĩnh vực vĩ đại thì khác nhau. Đó là thực tế phải chấp nhận.
Các dân tộc, quốc gia hàng đầu trên thế giới vĩ đại về nhiều mặt có thể kể ra là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Pháp, Đức, Anh, Israel, Mỹ, Singapore. Quốc gia  và dân tộc Việt Nam ta chỉ vĩ đại về mặt chống ngoại xâm, còn các mặt khác đều có nhiều điểm yếu kém. Hơi dài dòng nhưng rất có ích việc xem xét một số quốc gia và dân tộc vĩ đại sau đây:
·      Trung Quốc:  Trung Quốc là nước và dân tộc ta cần có sự quan tâm hết sức đặc biệt vì: 1. Việt Nam và Trung Quốc có một lịch sử liên quan đặc biệt về mọi mặt. 2. Trung Quốc là nước hiện có sự thành công và vai trò quan trọng trên thế giới. 3. Đối với Việt Nam Trung Quốc có vai trò rất quan trọng về nhiều mặt: kinh tế, chính trị, an ninh.
Trung  Quốc là một trong nôi của nền văn minh nhân loại.  Trong lịch sử cận đại Trung Quốc cũng chịu nhiều biến động: nhà Thanh bị lung lay trước sức ép của phương Tây rồi đến nội chiến, chiến tranh chống Nhật, cách mạng văn hóa. Tuy nhiên Trung Quốc đã vượt qua tất cả và hiện nay nằm trong tốp 6 cường quốc thế giới về mọi mặt. Các nhà tư tưởng và các tư tưởng của xưa và nay Trung Quốc đều rất vĩ đại.
Một điều đến giờ chưa thể giải thích được là tại sao Việt Nam, một nước có liên hệ mật thiết với Trung Quốc trong lịch sử, địa lý, văn hóa hình như lại chưa  học hỏi được từ Trung Quốc những kinh nghiệm hay về phát triển. Và không những thế, mối quan hệ Việt Nam -Trung Quốc cũng đang ở trong trạng thái rất không ổn  định, gây khó khăn cho Việt Nam về nhiều mặt.
·      Nhật Bản:  Nhật bản là một nước nghèo về tài nguyên và cũng cóc văn hóa gắn với  văn hóa Trung Hoa. Nhật Bản nhờ 2 sự  kiện lớn trong lịch sử là: 1. cách mạng  Minh Trị Duy Tân 1867 học tập theo mô hình phát triển của phương Tây.  2. Sau chiến tranh thế giới thứ II, mặc dù là nước bại trận nhưng Nhật Bản đã tranh thủ sự hỗ trợ của Mỹ về hỗ trợ kinh tế và bảo đảm an ninh (hiệp ước an ninh Nhật Mỹ) đề phát triển kinh tế với tốc độ và kết quả kinh ngạc. Người Nhật có các phẩm chất đáng kinh ngạc về ý thức trách nhiệm và kỷ luật, tinh thần cần cù và sáng tạo.
·      Israel:  Israel (Do Thái) là một dân tộc và quốc gia đáng kinh ngạc. Là một trong một số dân tộc lâu đời nhất  trong lịch sử loài người nhưng hàng ngàn năm không có quốc gia cho đến tận năm 1947. Israel giờ đây là một quốc gia hùng mạnh về mọi mặt tuy dân số chỉ khoảng 15 triệu người. Dân tộc Israel nổi tiếng trên toàn thể giới về kinh doanh, khoa học kỹ thuật và nhiều mặt khác. Karl Marx, Einstein, nhà tâm lý học Sigmund Freud, đạo diễn Steven Spielberg và 50%  số các bác học đoạt giải Nobel  có gốc  Do Thái. Một nửa các hoạt động kinh doanh lớn trên thế giới là của người Do Thái.
·      Singapore:  Singapore là một quốc gia châu Á kỳ diệu với những người dân kỳ diệu. Có điểm hơi đặc biệt là 75% dân số Singapore là người  Hoa và lãnh tụ Lý Quang Diệu cũng là người  gốc Hoa. Tuy nhiên đường lối phát triển và chính sách của Singapore không giống Trung Quốc và độc lập với Trung Quốc.
So với các nước trên Việt Nam có vẻ như  yếu kém  nhiều về lý luận tư tưởng và phát triển kinh tế xã hội. Một điều còn đáng lo hơn là có vẻ  dân ta chưa ý thức được sự yếu kém đó để vươn lên.
Ảnh hưởng của  tư tưởng, tư duy kém
 của  người Việt lên một số mặt của xã hội Việt Nam
Tư tưởng, tư duy lý luận kém cũng góp phần  vào nhiều cái kém cỏi của người Việt, đất Việt. Sau đây một vài minh họa:
Kiến trúc, nghệ thuật tạo hình nghèo nàn, chủ yếu bắt chước  nguyên xi Trung Quốc và Pháp. Trong thời phong kiến và thời Pháp còn được một số công trình kiến trúc, tác phẩm nghệ thuật đáng quan tâm. Còn về sau này thì mọi thứ quá tệ, trừ gần đây nhất là cầu Nhật Tân. Còn ngay giữa thủ đô, sát hồ Hoàn Kiếm có 3 công trình có thể coi là thảm họa của kiến trúc Việt là tòa nhà Ủy Ban  Nhân Dân thành phố Hà Nội, tòa nhà Bưu điện  Trung Tâm ( do Trung Quốc giúp xây), và tòa nhà Hàm Cá Mập ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Không biết các nhà kiến trúc Việt nghĩ gì về 3 công trình này ?.
Văn học thời kỳ phong kiến hầu như theo khuôn mẫu  Tàu. Đến thời kỳ Pháp thuộc, nhờ ảnh hưởng của phương Tây văn học có nhiều sự đổi mới, sáng tạo, tác giả và tác phẩm tài năng, nhất  là thời kỳ tiền chiến. Thời kỳ chống Mỹ cũng có một số tác phẩm văn học tạm được. May mà người Việt còn một số kiệt tác văn chương như Hịch tướng sĩ, Bình Ngô Đại Cáo, Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm. Ngôn ngữ văn học như từ ngữ, câu chữ hiện này cũng kém, cũng thua xa ngôn ngữ thời tiền chiến với văn thơ của Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Tô Hoài, Ngô Tất  Tố, Nguyễn Bính, Tố Hữu v.v. . . Cá nhân tôi chỉ thấy hiện nay có một số nhà văn có ngôn ngữ văn học với từ ngữ, câu văn sáng sủa, chân phương, truyền cảm như Nguyễn Huy  Thiệp, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà v.v. . . Nội dung, thể loại văn học  chạy theo văn học mạng Internet, văn học ngôn tình theo kiểu Trung Quốc. Thể loại tạp văn, hồi ký có vẻ nở rộ.
.  Các văn bản chính thống, báo chí, đài, vô tuyến hiện nay nhiều khi dài dòng, lủng củng, hình thức, sáo rỗng, một chiều, không có thông tin.  Nhiều bài chỉ nghe qua tiêu đề đã biết cấu trúc và nội dung và năm sau giống hệt năm trước . Một bài diễn văn, báo cáo, tổng kết, bài phát biểu đại khái có lời lẽ, nội dung và bố cục như sau:" Nhân dịp. . .Theo kế hoạch thì. . .Năm qua có nhiều khó khăn khách quan. . . Với sự chỉ đạo của cấp trên và sự cố gắng toàn cơ quan .  . ., Đã đạt được nhiều thành tích . . .Vẫn còn nhược điểm, sai sót nhỏ cần khắc phục . . . Kế hoạch năm tới là . . . Sẽ cố gắng và quyết tâm . . . Nhất định sẽ thành công. . .". Hầu như không có lãnh đạo nào có khả năng nói không giấy, mà thường đọc các bài viết do tổ thư ký chuẩn bị trước. Nếu lãnh đạo nào, có lúc nào đó nói ngoài giấy tờ thì nói năng ề à, từ ngữ tầm thường, câu kéo lủng  củng,  không rõ ý rõ lời,  giống như cách nói của một bác nông dân lâu ngày không ra thành phố.
.  Giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự yếu kém của tư tưởng lý luận. Thời phong kiến giáo dục tuy vậy còn tuân theo cái sự chặt chẽ, nghiêm khắc của Nho giáo, và có nhiều người giỏi như các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Ngô Tất Tố. Hay thời Pháp thuộc giáo dục tuân theo hệ thống giáo Pháp, cũng có những ưu việt nhất định. Thời đó có một lớp trí thức rất tài năng được đạo tạo theo hệ thống giáo dục  Pháp  tại Việt Nam hoặc bên Pháp như các giáo sư Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Trần Đức Thảo  và nhiều trí thức, văn nghệ sĩ khác. Sau này  chịu ảnh hưởng thêm giáo dục của phe XHCN cùng với những  cải cách giáo dục được đề xuất vội vàng, thiếu khoa học. Và kết quả là giáo dục ngày càng xuống cấp, tạo gánh nặng cho toàn xã hội và mọi gia đình.  Giáo dục là ngành phải đổi mới đầu tiên, đổi mới sâu sắc nhất,  vì  như Bác Hồ đã nói " Vì sự nghiệp 10 năm trồng cây, vì sự nghiệp 100 năm trồng người".
.  Các mặt khác như  công thương kỹ nghệ  qua các thời kỳ cũng yếu kém trừ lý luận chiến tranh và y học cổ truyền. Điều đó thể hiện qua các tài liệu lịch sử, văn học và các di tích, ta ít thấy dấu hiệu của một nền sản xuất, thương mại phát triển mà chủ yếu là  thể hiện của một nền kinh tế nông nghiệp, sản xuất  nhỏ và buôn bán nhỏ.
    Vấn đề thiên tài và nhóm người ưu tú Việt Nam
Các dân tộc vĩ đại, quốc gia vĩ đại  trong lịch sử của mình đều có những thiên tài hoặc một nhóm người ưu tú giúp đất nước vượt qua khó khăn hay có sự phát triển nhảy vọt. Ví dụ cụ thể như:
. Nước Nga  thời xưa có Piốt đại đế (Peter I). Cách Mạng tháng Mười có Lênin và  hiện nay làPutin. Lênin vừa là một nhà cách mạng vừa là một nhà quản lý nhà nước xuất sắc, đã có nhiều lý luận về nhà nước XHCN và  đã sáng suốt để xuất chính sách Kinh Tế Mới rất hợp lý, cho phép tư bản tư nhân tạm thời tồn tại.
. Nước Pháp có Napoléon làm cả châu Âu run sợ và tạo các nền tảng cơ bản nhiều mặt như hành chính, luật pháp, giáo dục cho nước  Pháp hiện đại bây giờ.
. Trung Quốc có Đặng Tiểu Bình, người đã đưa Trung Quốc từ bị Cách Mạng Văn hóa tàn phá trở thành một nước hùng cường về kinh tế, chính trị và ngoại giao.
. Singapore có  Lý Quang Diệu, người tạo ra sự thần kỳ Singapore.
- Hàn Quốc có Park Chung Hee, lãnh tụ dẫn dắt Hàn Quốc trong công cuộc cải cách và phát triển  Hàn Quốc.
. Israel, Nhật Bản tuy không có cá nhân thiên tài nổi bật tầm thế giới thế giới nhưng đều có những nhóm người lãnh đạo kiệt xuất, đem lại vinh quang cho đất nước, cho dân tộc.
. Việt Nam thì chỉ có mỗi chủ tịch Hồ Chí Minh giỏi trong lĩnh vực  đấu tranh giành độc lập.  Các cá nhân lãnh đạo còn lại chỉ khá trong lĩnh vực quân sự và chính trị, còn quản lý đất nước, phát triển kinh tế  xã hội thì có lẽ đều rất kém mà không biết mình kém. Và minh chứng cho điều đó là tình trạng đất nước hiện nay. Điều đó rất phù hợp với nhận định của giáo sư Hà Văn Tấn là người Việt chỉ giỏi quân sự, còn các lĩnh vực khác khá kém cỏi. Theo cảm tính của cá nhân tôi thì  trong 10 năm tới Việt  Nam chưa thể xuất hiện một nhóm người Việt Nam ưu  việt có khả năng đưa đất nước thoát khỏi khó khăn hiện nay. Đó có lẽ là một nhận định khá đáng buồn, khá tiêu cực và khá bi quan. Tôi huy vọng nhận định  trên của mình là sai !.

9.    CÁC VẤN ĐỀ VỀ LÝ LUẬN TƯ TƯỞNG 
PHẢI GIẢI QUYẾT HIỆN NAY Ở VIỆT NAM
Như phần trên đã nói, Việt Nam hiện này đang đối mặt với nhiều thách thức. Kinh tế phát triển kém, nợ công cao, năng suất lao động thấp, thiếu nguồn vốn phát triển.  Bộ máy hành chính quan liêu, bao cấp, tham nhũng. Các mặt khác như văn hóa xã hội, môi trường, giáo dục, y tế, giao thông, quan hệ với Trung Quốc v.v. . .cũng không mấy sáng sủa.  Một trong các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó chính là người Việt hoặc không có các lý luận tư tưởng thích hợp  cho sự phát triển trong giai đoạn vừa qua  chứ chưa nói đến việc triển khai lý luận tư tưởng nếu có. Có thể liệt kê  một số vấn đề về lý luận tư duy hiện nay:
·      Lý luận tư tưởng  thường tủn mủn, vụn vặt,  giáo điều, duy ý chí, một chiều, hình thức, có tính chất chắp vá, chữa cháy.
·      Nhiều ý  tưởng kỳ quặc, rất vô lý  nhưng vẫn tuyên truyền và xã hội vẫn chấp nhận như “nhà cho người thu nhập thấp”, “rau sạch”, ”xã hội hóa”,  hay khẩu hiệu coi “đổi mới  giáo dục như một trận đánh” v. v. . . Phải chăng người Việt có thói quen tự lừa dối  mình  và lừa dối nhau bằng các từ ngữ trống rỗng,  vô lý kiểu đó.
·      Hay dùng thuật ngữ, lý luận chung chung, sáo rỗng, ngụy biện để biện minh cho sự yếu kém.
.         Các nhà lãnh đạo các bậc từ cao, trung đến thấp hầu như không được đào tạo cơ bản về quản lý nhà nước, kinh tế và các mặt khác, tỏ ra yếu kém về chính trị, khả năng  lãnh đạo, quản lý, khả năng chuyên môn. 
·      Nhiều  tổ chức, mô hình, phong trào tỏ ra không còn thích hợp nhưng vẫn tồn tại dù rất sáo rỗng, mất thì giờ, ví dụ như phong trào thi đua. Đang tồn tại một số các tổ chức, hội quần chúng vô bổ,  chồng chéo,  tốn kém.  Ví dụ như đã có Đoàn Thanh Niên lại còn có Hội Thanh Niên Sinh Viên.  Đã có  Công Đoàn hàng năm lại có  Hội Nghị Công Nhân Viên Chức. Chú ý rằng hầu hết các tư tưởng,  tổ chức, mô hình, phong trào hiện nay của nước ta đều bê nguyên si từ Trung Quốc, Liên Xô trong những năm 1950 – 1970. Phải chăng với nước Việt, hoàn cảnh, tình hình là không có gì thay đổi  sau hơn  60 năm ?.
·      Việc tìm ra và sử dụng hợp lý những người có tài năng lãnh đạo, quản lý, có trí thức giỏi, có năng lực  để lãnh đạo, quản lý đất nước tỏ ra rất nan giải. 
·      Tư tưởng lý luận Việt về phát triển hiện nay đang phân vân giữa ổn định xã hội và phát triển xã hội, không biết ưu tiên bên nào.  Ưu tiên ổn định xã hội thì sẽ phát triển  kém và ngược lại ưu tiên phát triển thì lại sợ mất ổn định xã hội. Người Việt vẫn còn có tâm trạng lo sợ mơ hồ, không rõ lý do về sự đe dọa an ninh từ ngoài nước và ngay bên trong đất nước. Do vậy vẫn chi tiêu quá lớn cho quốc phòng và an ninh. Có vẻ như người Việt sợ chính mình là nhiều hơn ? ! .
·      Nếu tìm được tư tưởng lý luận, đường lối thích hợp thì cũng rất khó triển khai vì  tài nguyên của cải cạn kiệt, bộ máy nhà nước yếu kém, con người yếu kém, thiếu ý thức trách nhiệm và thiếu ý thức tự giác.
Muốn thoát khỏi hoàn cảnh hiện nay, muốn theo kịp các nước trên thế giới và khu vực, Việt Nam rõ ràng phải thay đổi, đổi mới toàn diện,  triệt để,  nhanh chóng  một lần nữa về mọi mặt. Có thể gọi đó là công cuộc đổi mới lần thứ 2.

10. BÀN THÊM MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN 
Một số vấn đề hoặc chưa được bàn kỹ, hoặc chưa được nhắc tới được đưa vào mục này.
a. Bài viết này là một bài nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu về lịch sử tư tưởng Việt Nam và các đặc điểm của tư tưởng Việt Nam
Đọc xong bài viết này có một số bạn hỏi tôi mục đích nội dung bài viết là gì và tại sao không đưa ra các giải pháp cho các vấn đề nêu ra. Tôi xin nhắc lại đây chỉ là một bài nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu về lịch sử tư tưởng tư duy Việt Nam và các đặc điểm của tư tưởng lý luận Việt Nam. Việc đưa ra các giải pháp khắc phục hết sức khó, vượt khỏi khả năng của tôi. Các giải pháp cho tình hình hiện nay  của Việt Nam sẽ được đề cập trong một bài viết khác nhan đề: " Bàn về sự phát triển của Việt Nam trong tương lai ". Mong các bạn đón đọc.
b. Sự du nhập không đầy đủ và  bị biến đổi của các tư tưởng ngoại nhập là đặc điểm quan trọng trong lịch sử tư tưởng Việt Nam
Sự du nhập không đầy đủ và bị biến đổi của tư tưởng gốc vào Việt Nam là vấn đề nhiều khi rất dở, tôi xin giải thích thêm. Ta lấy một ví dụ là  Nho giáo. Xuất xứ Nho giáo là từ Trung Quốc, trong hoàn cảnh xã hội, lịch sử và thiên nhiên Trung Quốc. Nho giáo có một ý nghĩa rất lớn lao qua hàng nghìn năm phát triển của Trung Quốc và hiện này vẫn được coi trọng, vận dụng ở Trung Quốc. Từ Trung Quốc du nhập sang Việt Nam Nho giáo trước hết là mất gốc, và chỉ được truyền sang Việt Nam một phần, có thể nói phần nổi, phần ngọn của đạo Nho do nhiều lý do như ngôn ngữ, trình độ. Người Việt du nhập, hiểu, và  dùng theo cách của mình và do không hiểu sâu nên vận dụng máy móc, không biết tùy biến. Đạo  Nho (đạo Khổng), cũng như người Trung Quốc, nhiều chỗ rất thâm sâu mà người Việt mình vốn hiền lành có khi không hiểu hết. Đạo Nho, ngoài  việc là đạo của tự nhiên, đạo của con người đạo của xã hội, còn là nguyên lý  cai trị của nhà nước phong kiến, liệu dân Việt ta đã hiểu hết không, đó là chưa nói đến vận dụng.  Ngoài ra nhiều triều đại phong kiến Việt Nam còn coi trọng cả  đạo Nho và đạo Phật cùng một lúc. Điều đó cũng có cái hay, cũng có cái dở. Đạo Phật chú ý đến cái đức mà không đề cao phát triển xã hội, kinh tế. Hay ngay như Chủ Nghĩa Cộng Sản, đã ra đời ở nước Đức, đã lớn mạnh ở Liên Xô, liệu người Việt đã hiểu hết, đã vận dụng linh hoạt các nguyên lý của Chủ Nghĩa Cộng Sản chưa ?. Trong khi đó ta thấy nước Đức, nước Nga hay ngay cạnh ta là Trung Quốc bây giờ đều là cường quốc thế giới và họ vững vàng về lý luận phát triển đất nước của họ như thế nào. Người Việt nên xem xét kỹ bản thân mình hơn nữa về  tư duy, lý luận tư tưởng, nếu không thì tình hình sẽ chẳng khá hơn dù có 10 năm hay 30 năm nữa. Và có khi 10 năm nữa ta sẽ tụt hậu so với  Campuchia và Lào.
Một ví dụ khác về việc hiểu lơ mơ về các  tư tưởng bên ngoài là  cách đây khoảng 40 năm tôi có đọc trên báo về một nghiên cứu sinh  làm luận án tiến sĩ với đề tài  đại loại " Sự tha hóa của chủ nghĩa hiện sinh phương Tây". Cái sai ở đây là sống ở Việt Nam thì làm sao hiểu được  tại sao chủ nghĩa hiện sinh ra đời và phổ biến ở phương Tây. Hơn nữa không biết được chủ nghĩa hiện sinh lý đích thực, lý thuyết mà chỉ  biết qua các biểu hiện tự nhận là chủ nghĩa hiện sinh của tầng lớp ăn chơi ở miền Nam lúc đó.  Đó còn là ví dụ về một cái dở của người Việt, đôi khi quá tự tin, cho rằng cái gì mình cũng biết, cũng giỏi, cũng nói được,  cũng làm được.
c. Chủ tịch Hồ Chí Minh là  nhà yêu nước có xu hướng thiên về dân tộc chủ nghĩa
Như sử chính thống đã viết, Bác Hồ ra đi từ bến Nhà Rồng là tìm đường cứu nước, cứu dân. Mục đích của Bác Hồ cũng giống như Phan Chu Trinh, Phan Bội  Châu là mưu cầu độc lập cho dân tộc, dân chủ và hạnh phúc cho nhân dân.  Và Bác Hồ đã tìm thấy chủ nghĩa cộng sản như một phương tiện để đạt ước mơ của mình. Như vậy Bác Hồ đã du nhập Chủ Nghĩa Cộng Sản do nhu cầu của dân tộc, nhân dân. Bác Hồ có những điểm khác so với một số lãnh tụ cộng sản lúc đó là Lê Hồng Phong, Trần Văn Cừ là những người theo tinh thần quốc tế cộng sản triệt để, muốn xây dựng một chế độ cộng sản ở toàn liên bang Đông Dương và do vậy có giai đoạn Đảng Cộng Sản Việt Nam có tên là Đảng Cộng Sản Đông Dương. Bác Hồ vì dân tộc, hiểu dân tộc và dựa vào đoàn kết toàn dân tộc, kể cả quan lại, địa chủ, tư sản  để  giành độc lập dân tộc. Giai đoạn sau này một số người lãnh đạo đã xa rời đường lối đoàn kết toàn dân của Bác Hồ, tiến hành cải cách ruộng đất quá tả, tiến hành cải tạo tư bản công thương quá tay. Kết quả là gây nhiều thiệt hại cho đất nước. Hiện nay Việt Nam lại phải thừa nhận  tư bản tư nhân. Ở đây ta lại thấy một tư tưởng ngoại nhập nếu vận dụng tốt thì rất có lợi cho dân tộc, cho đất nước và ngược lại  tư tưởng ngoại nhập được bê nguyên si, áp dụng giáo điều hoặc được thay đổi cho phù hợp với ý muốn chủ quan, duy ý chí của một vài cá nhân  thì lại rất có hại.
d.  Người Việt hiện đang luẩn quẩn, đang không thoát ra khỏi  cách tư duy lý luận của chính mình. Kẻ thù lớn nhất của người Việt hiện nay chính là bản thân mình.
 Đó điều quan trọng nhất, khó khắc phục nhất, lâu khắc phục nhất hiện nay ở nước ta 
Lấy ví dụ như người Nhật chẳng hạn, tư duy lý luận của họ rất rõ ràng, rành mạch. Làm việc với họ, họ bày cho cách tư duy.  Ví dụ, khi phải giải  giải quyết  một vấn đề, họ nhắc phải xét đến 3 yếu tố quan trọng nhất: đầu tiên là hoàn cảnh, sau đó là mục đích  và cuối cùng là phương tiện. Nghe có vẻ đơn giản nhưng họ nhắc nhở là phải đi đến bản chất của từng  3 yếu tố: Bản chất của hoàn cảnh, nguyên nhân của nguyên nhân vấn đề là gì, sau đó mục đích của mục đích, mục đích cuối cùng là gì, cuối cùng là mới tìm phương tiện của phương tiện. Họ lấy ví dụ rất sinh động là chim làm tổ trên cột điện làm hỏng đường dây điện, cần phải đuổi chim. Lúc đầu đuổi chim không ăn thua. Sau đó người ta thấy rằng mục đích là không để cho chim làm hỏng đường dây điện và họ xây tổ  cho chim trên đỉnh cột điện, và chim không còn làm tổ ở chỗ cột điện có dây điện nữa. Người Việt ta thì hay nhầm lẫn lung tung giữa hoàn cảnh, mục đích và phương tiện. Hiện nay tư tưởng lý luận  người Việt đang theo kiểu chờ sai sót, sai đâu thì sửa đấy.  Biểu hiện của kiểu tư tưởng này thể hiện rất rõ ở các lĩnh vực giáo dục, giao thông, y tế và luật pháp và các lĩnh vực khác. Trong các lĩnh vực này thấy cái gì nổi cộm, bức xúc, có vấn đề lại chỉnh một tí,  sửa một tí.  Sự luẩn quẩn về tư duy tư tưởng này chắc chắn sẽ kéo dài rất  lâu nữa. Tôi rất hy vọng rằng khẳng định đó  của cá nhân tôi là sai.
e.  Việt Nam phải bắt đầu từ đâu để thoát ra tình trạng yếu kém về  tư tưởng, lạc hậu về mọi mặt như hiện nay 
Như ở trên tôi đã nói, bài viết này là một bài nghiên cứu về lịch sử tưởng Việt Nam, do đó nội dung của bài không nhất thiết phải có phần chỉ ra giải pháp cho các vấn đề. Tuy nhiên theo gợi ý của một số bạn bè và suy nghĩ cá nhân, tôi cũng xin có một số ý kiến sau:
Người Việt  trước hết phải nhận thức và thừa nhận được sự yếu kém của người Việt về tư tưởng lý luận. Người Việt phải học tập các dân tộc tiên tiến ưu việt khác. Người Việt phải sửa đổi nhanh chóng, toàn diện, triệt để những yếu kém về tư tưởng lý luận của dân tộc Việt. Người Việt phải nhận thấy kẻ thù lớn nhất hiện nay của người Việt chính là bản thân mình, mối nguy cơ lớn nhất trước mắt của Việt Nam là sự tụt hậu của đất Việt so với thế giới. Một đất nước Việt Nam có thu nhập theo đầu người là 2052 USD, chỉ bằng 1/5 mức trung bình của thế giới và chỉ bằng 1/3 Thailand và chỉ số tham nhũng là 31, xếp hạng 119/171 nước trên toàn thế giới  Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu CGI, năm 2015, Việt Nam có thứ hạng 56/140 nền kinh tế. Các lĩnh vực  khác Việt Nam có thứ hạng thấp gồm: Thể chế (85/140); Phát triển thị trường tài chính (84/140); Đào tạo và giáo dục sau tiểu học (95/140); Cơ sở hạ tầng (76/140); Trình độ kinh doanh (100/140); Sẵn sàng công nghệ (92/140); Đổi mới sáng tạo (73/140)  Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP)  lập báo cáo và  cho biết: Chỉ số phát triển con người ( HDI) năm 2014, Việt Nam được xếp thứ 116/188 nước, tức là ở thứ hạng trên của nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình.  Với các số liệu xếp hạng thế giới như vậy mà dân Việt không mấy người lo lắng, xấu hổ thì thật là nguy to cho dân  tộc Việt Nam
. Việt Nam phải chống được tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Đây là điều kiện tiên quyết và cực kỳ khó.
Việt Nam phải tiến hành công cuộc đổi mới lần thứ 2, phải đổi mới triệt để, toàn diện, sâu sắc. Phải đổi mới ngay trong Đảng,  trong Chính quyền, trong Nhân dân và trên toàn đất nước, về mọi mặt. Điều này rất khó, cực kỳ khó.
Việt  Nam phải tập hợp được những người Việt ưu tú nhất, chân chính và yêu nước trong và ngoài Đảng,  trong và ngoài nước để tập trung trí tuệ tiến hành công cuộc đổi mới lần thứ 2 một cách sâu sắc,  toàn diện và triệt để. Đây là điều rất không dễ. 
. Việt Nam phải thức tỉnh, phải làm cho toàn dân ý thức được mối nguy trong tương lai là sự ngày càng tụt hậu của đất nước. Phải phát động một phong trào yêu nước xây dựng đất Việt phồn vinh giống như các phong trào yêu nước chống giặc ngoại xâm trước đây. Đây  cũng là điều cực kỳ khó.
. Việt Nam phải đoàn kết được toàn  dân  Việt trong và ngoài nước cùng chung tay xây dựng  đất nước Việt Nam.
. Việt Nam phải nhận rõ mục đích cuối cùng là độc lập dân tộc, hạnh phúc nhân dân, phồn vinh nước Việt. Còn lại tất cả chỉ là phương tiện. Quan trọng nhất là chọn được đường lối  đúng đắn và thực thi được đường lối đó. Đây cũng là điều cực kỳ khó.
Nói như trên thì có vẻ quá chung chung, ai cũng nói được. Tuy nhiên đây là một bài nghiên cứu lịch sử nên không tiện  nói kỹ, nói chi tiết. Tôi xin hẹn trong một bài viết khác sẽ trình bày rõ hơn về  những vấn đề này.
 11.    KẾT LUẬN
Xin nhắc lại  Việt  Nam chắc chắn  phải đổi mới một lần nữa. Vấn đề là bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào. Đó là việc hết sức khó khăn. Trong những nội dung quan trọng, phải đổi mới ngay, đổi mới trước tiên là  tư duy, lý luận  tư tưởng. Phải chọn được các giải pháp phát triển cho mọi lĩnh vực, chọn những  nhà quản lý, lãnh đạo có năng lực, có đạo đức. Cuối cùng là phải huy động toàn dân thực hiện các giải pháp đã đề ra.
 Để kết luận, tôi tóm tắt các ý chính của bài như sau:
- Khẳng định lại nhận định của giáo sư Hà Văn Tấn là: trong lịch sử phát triển của dân tộc, lý luận tư tưởng Việt Nam là thiếu và kém  về  hầu hết mọi lĩnh vực trừ lý luận tư tưởng về quân sự và một ít về y học cổ truyền. Việc du nhập  và vận dụng các tư tưởng ngoại nhập cũng rất kém.
- Lo lắng về một khả năng đang sợ cho sự phát triển của Việt Nam là lý luận tư tưởng  của Việt Nam sẽ vẫn quanh quẩn nhỏ nhoi, tủn mủn,  vụn vặt, thiếu kém như bao nhiêu năm qua với các thử nghiệm và sai lầm.
- Nghĩ kém thì làm cũng kém, và kết quả là tình trạng tụt hậu, kém phát triển như hiện nay. Kẻ thù lớn nhất của người Việt hiện này chính là bản thân mình. Phải có sự thay đổi ngay về tư duy, lý luận tư tưởng  và áp dụng cho được các đổi mới đó.  Việt Nam phải tiến hành ngay công cuộc chấn hưng nước Việt  một cách toàn diện, triệt để, sâu sắc. Có làm như vậy thì dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam mới có thể phát triển và đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới.
-  Bốn trụ cột của công cuộc chấn hưng nước Việt:
   +  Đổi mới tư duy tư tưởng của người Việt
   +  Đổi mới trong Đảng CSVN
   +  Chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí
   +  Thực hiện công cuộc đổi mới lần thứ 2

12. TÀI  LIỆU THAM KHẢO
[1]  GS Hà Văn Tấn. Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam. Bài ” Mấy suy nghĩ về lịch sử Việt Nam và tư tưởng  Việt Nam” . nhà  XB Hội Nhà Văn, năm XB 2005.
[2]  GS Trần Đình Hượu. Lịch sử tư tưởng Việt Nam thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
[3]. GS TS  Vương Đình Huệ,  ủy viên BCT,  trưởng Ban Kinh Tế TW. "Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế".
Bài viết 2016.
http://vtc.vn/truong-ban-kinh-te-trung-uong-5-giai-phap-thuc-day-nang-luc-canh-tranh-quoc-gia.2.592027.htm#home|news
[4] Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch Đầu Tư Bùi Quang Vinh. "Tham luận tại Đại Hội Đảng lần thứ 12".
[5]  Website vi.wikipedia.org. Các thông tin về lịch sử và số liệu về các quốc gia.
[6]  Một số sách vở, tài liệu và trang Web khác.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài này. Mong các bạn có sự góp ý và trao đổi.
Hà nội, cập nhật ngày 03/02/2016
Đinh Hùng