Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

CHUYỆN TÌNH KHÔNG TÊN

Nhớ về ngày 30-4
Tác giả: Nguyễn Thái Sơn
Sau trận bom cánh rừng nghi ngút khói
đại đội thanh niên xung phong lại khuyết mấy người
chọn quãng vắng em đằm mình trong suối
nước mát lành làm dịu nỗi đau
xe tôi đợi thông đường, nép dưới bụi tre gai
tên tuổi nhau chúng mình chưa kịp hỏi
bàn tay em níu vai tôi
tin cậy
- bàn tay vừa vuốt mắt bạn chiều nay
mảnh bom sắc lẻm
cơn sốt rung cây
cánh võng vải hoá thành “tấm liệm”
thuở giặc giã đời người nhanh như đếm
gặp lần này chắc gì có lần sau
thương - yêu - vội - vàng 
chẳng ai nỡ tiếc nhau
nụ hôn thời chiến tranh nửa ngọt ngào nửa đắng
phút hoà nhập hai cuộc đời trong trắng
rừng chuyển gió ngả nghiêng
sao băng vạch chéo trời…
tôi hai mươi
em cũng sắp hai mươi? 
dãy đồi ấy tên gì
cánh rừng bao nhiêu tuổi ?
lưng ép lá khô
cỏ rối cùng tóc rối
nửa đêm thông đường
tay đành gỡ tay nhau…
chỉ vậy 
rồi xa
có gặp lại đâu
Máu với Thịt mà như là sương khói 
em về được quê hương hay thành tro bụi
thế hệ mình
bao chuyện 
hoá không tên !...
 

VỀ QUÊ

Nhạc: Phó Đức Phương
Ca sĩ: Ngọc Tân

http://baicadicungnamthang.net/bai-hat/ve-que-2637.html
Theo em anh (thì) về, theo em anh (thì) về
Thăm lại miền quê, nơi có một triền đê
Có hàng tre ru khi chiều về...
Ơi quê ta bánh đa bánh đúc
Nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt
Nơi tuổi thơ ta trải qua đẹp như giấc mơ...
Ơi quê ta dầu sương dãi nắng
Phiên chợ nghèo lều tranh mái xiêu
Kìa dáng ai như dáng chị, dáng mẹ tôi...

Đưa nhau ta (thì) về, đưa nhau ta (thì) về
Nơi mẹ đưa nôi, nơi sáo diều chơi vơi
Với dòng sông bên lở bên bồi...
Bao nhiêu năm theo dòng đời đua chen
Phiêu bạt nơi phồn hoa cát bụi
Đôi khi cánh cò xưa lạc vào giấc mơ tôi.
Nước qua cầu thời gian trôi mau
Nơi bền lâu là nơi lắng sâu
Thiếu quê hương ta về, ta về đâu?

(KẾT)
Một chiều, bưng bát (ớ) cơm quê
Rưng rưng ta hát (ớ) giọng quê dãi dề...

Nghe bài hát này, ít ai tin được Phó Đức Phương lại sinh ra và lớn lên ở giữa thủ đô Hà Nội, và lại càng khó tin đó là một tác phẩm viết theo ''đơn đặt hàng'' của Đoàn Quan họ Bắc Ninh.

Thời gian ấy, Phó Đức Phương được mời lên Bắc Ninh sáng tác cho đoàn quan họ. Nghệ sĩ Thúy Cải là trưởng đoàn đề nghị anh viết cho giọng hát Hai Tráng một ca khúc mới, phù hợp với cấu trúc chương trình mà đoàn đang xây dựng. Cô nhường cả căn phòng làm việc của mình cho nhạc sĩ sáng tác. Mấy đêm liền trằn trọc, bỗng câu hát đầu tiên bật ra: Theo em, anh (thì) về! Theo em anh (thì) về, thăm lại miền quê, nơi có một triền đê, có hàng tre ru khi chiều về. Và thế là cả nhạc lẫn lời theo nhau tuôn chảy. Đến câu Kìa dáng ai như dáng chị, dáng mẹ tôi thì nước mắt nhạc sĩ cứ trào ra. Anh phải dừng lại lấy khăn mặt lau nước mắt đầm đìa. Quá xúc động, anh phải bỏ dở ở đấy, đến tối hôm sau mới tiếp tục hoàn thành. 
Tại sao với Về quê, Phó Đức Phương lại khóc nhiều đến thế? Hóa ra mẹ nhạc sĩ vốn là người nhà quê phiêu dạt lên thành thị. Dù được sinh ra ở nơi phố thị phồn hoa, nhưng tâm thức tha hương luôn bám chặt lấy tâm hồn người nhạc sĩ này. Cội nguồn làng quê dường như luôn hiện diện trong tâm hồn người Việt sống bao đời nay và mãi không mất đi. Chính vì vậy mà nhạc xẩm, nhạc sến hay nhạc vàng rất dễ làm người ta xúc động, bùi ngùi. Nhạc sĩ Phó Đức Phương lý giải: Xẩm, sến hay vàng đều có chung nguồn gốc ở lũy tre làng. Tha phương cơ hàn làm nên xẩm, gặp phố chợ thành ra sến, nhập vào giới tiểu tư sản hóa nhạc vàng. Về quê kết hợp cả 3 chất ấy, nhưng nó bình dị và sáng trong hơn...

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

BÀ TIẾN HAY ÔNG LÙI CŨNG RỨA THÔI.

Mấy ngày qua tôi nhận được rất nhiều tin nhắn yêu cầu Nhà báo độc lập lên tiếng về vụ Bà Kim Tiến.
Trong sở trường của tôi có hai món rưỡi được ưu tiên: Giao thông, Giáo dục và một phần về Y tế.
Món Y Tế xem ra tôi quan tâm ít hơn bởi lý do tôi cho rằng: tất thảy thần dân của ngành này toàn là trí thức cả, họ cũng như bà con ta biết tỏng tòng tong mọi sự thể cả, chả hơi đâu mà , như một câu ngạn ngữ Việt là :”Dạy đĩ vén váy” cả.
Anh không viết thì nó vẫn …tiêu cực, anh viết nó vẫn tiêu cực, có khi còn tiêu cực hơn ấy nên trong mảng này, tôi cày ít hơn.
Thế nhưng, hôm nay, đáp lại thịnh tình của Quý bạn, tôi xin kể một câu chuyện có thực một trăm phần trăm, tôi chưa xin phép nên tạm đổi tên nhân vật chính , là Giáo sư, hiệu phó một trường Đại học Y khoa lớn của VN, thành ông “Võ Như Lành” cho nó …lành.
Câu chuyện như sau:
.
Năm 2008 tôi về Quảng Ngãi tìm tư liệu và chuẩn bị làm phim về cụ Huỳnh Thúc Kháng. Khi đang chụp ảnh phần mộ của cụ trên núi Thiên Ấn thì một bác già khả kính đến nói với tôi:
- Anh làm ơn chụp cho đoàn bác vài kiểu ảnh kỷ niệm. Máy bác hết phim (hồi đó con chụp bằng phim).
Nói rồi ông gửi tôi cái danh thiếp và hẹn gặp lại ở nhà khách UBND tỉnh Quảng Ngãi gần đường Hùng Vương.
Nhìn tấm danh thiếp tôi khoái ngay và chỉ sau một giờ tôi đã đem đến nhà khách biếu quý khách một bộ ảnh rất đẹp, không lấy tiền.
Cảm kích vì nghĩa cử đó và nhận ra mình là đồng hương, quê tôi ở Cẩm Khê, nhà ông ở Xuân Huy, Lâm Thao một làng nhiều Tiến sỹ nhất Việt Nam từ năm …1970 chỉ cách nau hơn chục cây số, ông tiếp tôi rất nồng hậu.
Khi tôi khéo léo hỏi ông (có ghi âm) về chuyện Y đức thì vị giáo sư bạc đầu này nhận ra ngay.
Ông nói:
-Tôi không trả lời anh đâu, nhưng tôi kể cho anh nghe câu chuyện của chính gia đình tôi, rồi anh làm gì thì làm.
.
Tôi nghe xong câu chuyện mà xúc động. Câu chuyện này có lẽ đủ tư cách giải thích tất thảy những chuyện vui buồn của ngành y tế, từ chuyện tiêm vaxin chết người đến chuyện Cát Tường, chuyện dịch sởi v.v…
.
Nghe xong câu chuyện này, thiết nghĩ các bạn sẽ hiểu rằng nếu bây giờ, bà Kim Tiến xuống, bà Kim Tiền lên hoặc ông Kim Lùi nhậm chức, thì cũng rứa cả thôi.
.
Cảm ơn Giáo sư N.N.L kính mến, cảm ơn nhân vật chính trong câu chuyện bi hài này là BS Huy, ông đã nói lên cái code của sự thể, khỏi phải tư duy nhiều hơn khi ta là dân Việt.
Dưới đây là câu chuyện của GS Vỏ Như Lành.
.
-Một lần tôi về phép đúng vào dịp người em tôi bị đau vùng bụng cấp, rất nguy kịch, phải đi bệnh viện ngay ban đêm.
Là nhà nghề tôi leo lên xe đi cùng. Vào khu vực phòng cấp cứu, tôi vui mừng nhận ra vị trưởng phòng cấp cứu là BS Huy, một học trò giỏi của tôi trong trường y.
Khi khiêng băng ca vào phòng, hai lần tôi giáp mặt với BS Huy nhưng tôi chợt nhận thấy hình như anh ta không muốn chào tôi.
Anh đeo khẩu trang nhưng làm sao tôi quên được vầng trán, ánh mắt, dáng đi của một SV đặc biệt đã học tôi 6 năm trời.
Và đêm ấy, theo gợi ý của cô y tá và sự chỉ dẫn của một người lạ, người nhà tôi phải chi ra 2 triệu bôi trơn cho kíp mổ.
Một tuần sau em tôi ra viện.
Tôi cầm tiền lên thanh toán viện phí và chủ trương đối diện với tay sinh viên xưa, nay đã trở thành kẻ bất trị này.
Khi tôi vào phòng y vụ, vừa chìa giấy tờ ra thì cô nhân viên chừng 30 tuổi đứng bật dậy, giọng nói trầm ấm, thân tình:
-Mời thầy đi theo em.
Mặc dù tôi chưa dậy cô này ngày nào nhưng nghe giọng nói thân thiện, tác phong rất chân tình, tôi vô thức bước theo cô.
Cô đưa tôi lên thẳng phòng …cấp cứu. Đến cửa, cô nói:
-Mời thầy vào, Sếp em đang chờ thầy!.
Cô mở cửa ấn tôi vào căn phòng mát rượi và đi ra.
Khi chỉ còn hai người, BS Huy ôm chầm lấy tôi.Anh nói ngay:
-Thầy ngồi đi, em biết là thầy giận em lắm. Rồi em sẽ giải thích ngay để thầy hiểu.
Tôi lắng nghe.
Vẫn con người ấy, thông minh, lanh lợi, tin cậy và thân tình. Anh ta nói:
…………………………………………………………….
…………………………………………………………….
“ Và nếu hôm đó, thầy trò mình nhận nhau, tay bắt mặt mừng thì có thể, người nhà thầy…chết!.
Nếu kíp mổ nhận thấy họ đang phải thức ba tiếng đồng hồ giữa đêm khuya để mổ một ca không – phong – bì thì chất lượng chuyên môn, các biện pháp hỗ trợ sẽ chạy theo kiểu không – phong – bì thầy ạ.
Bởi vậy, khi gặp thầy, em làm lơ, tính sau kíp mổ sẽ gặp lại thì Thầy đã về rồi.
Hôm nay, em xin tạ tội cùng thầy và em phải nói rằng, em có được như ngày hôm nay là nhờ thầy, Xin thầy đừng từ chối món quà này của em, coi như vài thang thuốc bổ để chăm sóc thầy khi không được gần thầy” .
Huy nói rồi lấy một gói giấy mỏng, gói ghém chu đáo sẵn nhanh tay nhét vào túi trong áo veston của tôi.
Tôi hoàn toàn mất tự chủ.
Sự thể diễn ra hoàn toàn ngoài suy đoán, dự cảm của tôi. Huy vẫn như cậu sinh viên hiếu hạnh, chu đáo và giỏi giang nằm xưa.
Cuối cùng, tôi hỏi:
- Tôi có dạy các anh làm thế không?.
- Dạ, thưa thầy, cái lỗi chính nằm ở chỗ ấy ạ. Cái chính là vì các thầy đã không dạy những cái đó, những cái cần – phải – dạy.
Tôi ớ ra, hỏi cho rõ thì BS Huy nhẹ nhàng:
-Ngày làm luận văn tốt nghiệp, các thầy cho một câu hỏi: Người BS chế độ XHCN khác với người BS tư bản ở chỗ nào?.
Nếu ai trả lời rằng, điểm khác biệt đó là người BS XHCN không cần tiền bạc vẫn làm tốt chức phận của mình thì được điểm cao.
Thực tế không phải thế.
.
Tôi bắt đầu hiểu ra vấn đề. Hình như toàn bộ bi kịch là ở đây. Hình như chúng tôi có lỗi. Không có BS nào là không cần tiền cả. Tôi ngậm ngùi thăm hỏi hoàn cảnh BS Huy. Anh nói:
.
“ Sau khi ra trường, con về phục vụ tại một bệnh viện chuyên ngành chăm sóc cán bộ tại Hà Nội.
Bệnh nhân của BV này tòan loại VIP.
Đến bữa trưa, con đem cặp lồng cơm đã nguội hắt có vài cọng rau muống đen xì và nửa quả trứng kho mặn vợ chuẩn bị ra ăn trong khi những bệnh nhân kia chơi gà luộc nửa con, giò chả ngập chân răng và họ luôn có quyền bắt ne bắt nét chúng con.
Đến một lúc, con nghĩ: tại sao cùng là người sao họ sướng thế. Sao mình ra sức phục vụ, ăn học từng ấy năm, tận tụy, hiểm nguy mà khổ thế.
Phải “chặt”!.
Lần đầu con chặt, cầm cái phong bì hơi cũng run tay nhưng về sau quen dần, càng chặt càng bén, chặt nhát nào ra nhát ấy.
Về sau con cũng đứng lớp, cũng dạy học trò nghề y cao quý này, ra trường chúng cũng biết chặt, chúng chặt giỏi hơn con, chặt nhát nào ra nhát ấy”.
.
Tôi không biết nói gì lúc này nữa.
Trong không gian này, tôi không biết ai là thầy, ai là trò nữa. Hình như BS Huy đang dạy cho tôi bài học vỡ lòng về sự bất hợp lý trong những vận động xã hội đã xảy ra, đang xảy ra.
.
Trên đường về, tôi giở phong bì ra, đếm được mười triệu. Tôi lẩm cẩm nghĩ: Lãi 8 triệu và một bài học quý từ cuộc sống, thôi thì….
.
Câu chuyện của GS Lành đến đây là hết. Không gian nhà khách UBND tỉnh Quảng Ngãi trầm hẳn xuống. Tôi cũng chẳng biết bình luận gì thêm. Phải chăng, chúng ta đã tạo ra một không gian để phát triển một loại mâu thuẫn xã hội đằng đẵng dăm chục năm và rồi hôm nay ta đắm mình trong bi kịch đó, bi kịch mà một nhà văn đã nói: Cái lò xo bị nén xuống ba tấc, khi bật lên, nó sẽ bật lên chín tấc.
Những tiêu cực trong ngành y tế sẽ còn dài chứ không dừng lại ở đây kể cả khi thay ba bộ trưởng.
Bao giờ cái thiết chế y tế, từ đào tạo đến các nguyên tắc về phúc lợi, nhân đạo, chính trị thay đổi theo hướng tích cực, có lý có tình thì tình hình sẽ tự nó tốt lên, các bạn ạ.
 Huy Cường.

XIN LỖI HÀ NỘI

Tác giả: Mạc Văn Trang   
Đúng vào dịp 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, tôi lại có việc phải vào Sài Gòn. Nhưng trước hôm đi, tối 1/10, ngày khai mạc Đại Lễ tôi đã tranh thủ chạy xe máy dạo quanh Hồ Gươm, Ba Đình và mấy phố chính, cảm nhận không khí Đại Lễ để vào còn có cái khoe với bà con trong Nam, đang ngóng trông về Hà Nội. 
   Ngay buổi tối hôm ấy tôi đã cảm thấy điều gì đó không ổn.  
   Những dòng người chen chúc nhau lộn xộn khắp các phố phường ở trung tâm. nhất là quanh bờ Hồ, trước tượng đài Lý Thái Tổ... Người ta háo hức, xô đẩy nhau như vào sân vận động xem đá bóng, chứ không phải để trải nghiệm những giá trị đặc sắc của Thăng Long- Hà Nội, nơi "lắng hồn núi sông ngàn năm"...
 
   Rồi dù xa Hà nội, tôi vẫn tối tối theo dõi các hoạt động Đại lễ được chiếu trên Tivi, đặc biệt là chăm chú xem buổi truyền hình trực tiếp lễ Diễu binh, diễu hành "lớn nhất trong lịch sử" tại quảng trường Ba Đình sáng 10/10 và Đêm hội Văn hóa, nghệ thuật kết thúc Đại Lễ tại sân vận động Mỹ Đình tối 10/10. Tất cả đã qua đi, còn lại cảm nhận: lễ hội thật công phu, hoành tráng, tưng bừng, đông đúc... Nhưng sao vẫn không thấy tâm hồn xao xuyến, lâng lâng và con tim nhiều rung động tha thiết, tự hào về Hà Nội?
   Đêm khuya, Sài Gòn mưa lạnh như tiết trời thu Hà Nội, tôi vẫn nằm trằn trọc. Rồi chợt nhớ ra điều gì, tôi bật dậy mở máy tính, tìm trên mạng ‘Những ca khúc nổi tiếng về Hà Nội" và mở ra, nằm nghe một mình trong đêm tĩnh mịch. "Đây Hồ gươm, Hồng Hà, Hồ Tây... Đây lắng hồn núi sông ngàn năm"...; "Hà Nội ơi, phố phường dãi ánh trăng mơ, liễu mềm như gió ngây thơ"...; "Hồ Gươm hôm nay chiều về thu, làn nước xanh xanh lặng lờ trôi, soi bóng tháp Rùa như đắm chìm trong nắng vàng"... Lạ lùng thật, chỉ nghe hát thôi, không có hình ảnh minh họa như xem Video ca nhạc, mà từng lời hát lan tỏa trong tâm hồn lại hiện lên một Hà  Nội linh thiêng, sâu lắng, êm đềm, mơ mộng, sang trọng khiến con tim dâng lên bao nỗi niềm yêu thương, tự hào rưng rưng khôn tả xiết... Ngay cả những thời khắc nguy nan 1972, B52 Mỹ ném bom hủy diệt thì  "Mặt hồ Gươm vẫn lunh linh mây trời, càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô, ... chân ta bước lòng ung dung tự hào"... Rồi sau chiến tranh, những tháng năm đầy kham khổ, túng bấn thì: "Em ơi Hà Nội phố, ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa..." và " Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thấm nâu... Chiều thu Hồ Tây... đàn sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời"..., "Tây Hồ mênh mông... sương thu lan trong gó...". Rồi người Hà Nội ra đi bốn phương... "Ôi nhớ hồ Gươm xanh thắm, nơi tháp rùa nghiêng soi bóng, thành cũ Thăng Long, hồn nước non thiêng còn lắng đâu đây, dấu xưa oai hùng..." . Lạ lùng nhất là bài hát Tiến về Hà Nội của Văn Cao viết năm 1949, khi cuộc kháng chiến còn chủ yếu với súng kíp, gậy tày, lựu đạn... mà đến mùa Thu 1954, ngày 10 tháng Mười đoàn quân chiến thắng tiến vào Hà Nội đúng theo "kịch bản" của Văn Cao. "Trùng trùng quân đi như sóng ... lấp lánh lưỡi lê sáng ngời...Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng... Thật trầm hùng, hào sảng mà mà dung dị, êm đềm đúng với hình ảnh những người con của Hà Nội chiến thắng trở về sáng láng, hân hoan, thân thiết với nhân dân... Đó không phải là những chiến binh khí thế ngút trời, hùng hổ, nện gót giầy rầm rập tiến vào thành phố. Và dân Hà Nội cũng không xô đẩy, chen nhau, chạy bổ ra đường, hò hét, nhảy cẫng lên, vồ vập ôm hôn các chiến sĩ... Đúng như lời Văn Cao: "Trùng trùng say trong câu hát... Năm cửa ô đón mừng...nở năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh..." Người Hà Nội mừng vui khôn xiết, đứng kín hai bên đường nhưng cử chỉ vẫn chừng mực, giữ gìn, lịch thiệp. Các mẹ các cô mặc áo dài, nét mặt rạng ngời, tay cầm hoa tươi và những lá cờ nhỏ đón đoàn quân trong nụ cười và nước mắt; các chàng trai thì đánh đàn, kéo acooc và hát vang cùng đoàn quân...  "Chúng ta ươm lại hoa, sắc hương phai ngày xa, ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu...". Cảnh tượng ấy, không khí ấy thật đặc sắc, chưa thấy ở đâu, đúng là tâm hồn, cốt cách Hà Nội, thể hiện chiều sâu và tầm cao văn hiến Thăng Long -  Hà Nội. 



   
Có phải cái thiếu chính là 10 ngày Đại lễ đã không thấy được hồn cốt ấy của Hà Nội? Nhưng tại sao?...
   Ngày 13/10 tôi ra Hà Nội, vợ tôi bảo, may quá anh đi hộ đám cưới con cô em họ, còn em đi đám cưới con bà bạn bên hàng xóm. Tôi lại tranh thủ chạy xe máy qua mấy phố trung tâm và quanh Hồ Gươm. Đúng là không còn một thảm cỏ xanh nào sống sót; còn ngổn ngang nhiều thứ và cờ phướn, khẩu hiệu, đèn lồng ... vẫn đỏ rực khắp nơi... Nhưng không đến nỗi như một số người kêu "Sau Đại lễ, Hà Nội như cơn bão đi qua", "Cả Hà Nội như một bãi rác khổng lồ!...". Không! Hà Nội đang đẹp trở lại. Đó là nhờ những anh chị em lao động Vệ sinh Môi trường đã miệt mài, cắm cúi quét dọn, chuyên chở rác suốt ngày đêm không ngừng nghỉ để Hà Nội được gọn gàng, sach sẽ. Và những anh chị em trồng hoa, chăm sóc hoa khắp Hà Nội trước, trong và sau Đại Lễ. Những bồn hoa, chậu hoa tươi rực rỡ tỏa sắc hương khắp Hà Nội, nhất là quanh Hồ Gươm, quảng trường Ba Đình. Các thảm hoa kết hình rồng và các biểu tượng của Hà Nội thật kỳ công, tinh xảo. Hoa tươi khắp nơi dưới trời Thu, Hà Nội thật đẹp. Nhưng có ai biết rằng những người công nhân vẫn còn lam lũ ấy đã vất vả và kiên nhẫn suốt ngày đêm: "Chúng nó nhổ cây, bẻ cành, giẫm nát, ta lại khôi phục, trồng mới; lại giẫm nát, lại trồng mới và chăm sóc cho luôn luôn hoa tươi!

   Không biết Hà Nội đã nhớ cảm ơn và khen thưởng những anh chị em làm vệ sinh môi trường và trồng hoa tươi chưa? Đó là hai lực lượng chính yếu đã làm đẹp cho Hà Nội nói chung và Đại Lễ nói riêng, tương phản với những gì còn lại!
   Tôi mở thiếp mời đám cưới ra để xem lại địa chỉ. Thiếp mời không phải viết chữ ta và có chữ "song hỉ" hay đôi bồ câu, đèn lồng như thường thấy. Bìa thiếp có chữ Wedding. Kính mời.... Tôi thầm nghĩ, hai vợ chồng cô này cùng ở quê đi bộ đội, chuyển ngành ra làm gì ở Hà Nội mà oai thế: thiếp mời kiểu Tây lại tổ chức đám cưới tại trung tâm Hà Nội, ngay cạnh Nhà hát lớn, ở một địa điểm sang trọng vào loại đẹp nhất của Hà Nội. Tôi đến trước giờ ăn một chút để tìm xem có ai ở quê ra còn trò chuyện. Kia rồi trong góc hội trường thấy một đám người lớn, trẻ em nhốn nháo đúng kiểu quê ta rồi. Tôi bước lại thì một chị lạnh lùng hỏi: "Bác nhà trai hay gái"?..."Nhà trai phía bên kia!". Tôi tiu nghỉu quay lại, nhìn phía nhà trai không thấy ai quen, toàn bộ đội, quan chức thì phải. Tôi định vào chỗ mấy mâm còn vắng đợi xem... thì cái bà đang đứng đó xua tay: "Ba mâm này nhà cháu đăng ký rồi!". Tôi quay ra cửa, bỏ phong bì vào cái hòm hình trái tim, rôi định đi về thì cô em họ, chủ tiệc, túm tay lôi vào, ấn ngồi xuống cái mâm còn khuyết một chỗ: "Báo cáo các thủ trưởng, đây là ông anh em!" Thế là tôi đã nhập cuộc... Tiếng MC oang oang qua 2 chiếc loa thùng cỡ đại, chỉ đạo cho "hội hôn" răm rắp làm theo: "Xin hội hôn nổ những tràng pháo tay thật ròn rã đón cô dâu, chú rể lên sân khấu!"...; " Mời thân phụ, thân mẫu cô dâu chú rể lên sân khấu!"; "Chú rể trao nhẫn cho cô dâu!"; "Cô dâu, chú rể cùng rót sâm - banh mời song thân"; "Các vị quý khách cùng hai họ rót bia đầy cốc chuẩn bị chúc mừng... Tôi hô 1,2,3... tất cả cùng zô, zô, zô... nhé!"... Rồi dàn "nhạc sống" ra sân khấu. Không thấy nhạc công đâu. Nhưng loa phát ra tiếng nhạc xập xình, réo rắt và ca sĩ uốn éo... mấp máy môi. Thế mà loa phát ra giọng hát của một ca sĩ chuyên nghiệp nào đó rất quen thuôc. Tôi quay sang ông bên canh: "Nó hát nhép à?". Ông thản nhiên: "Nó cho quả lừa, các cụ chả biết đâu!"...Ở dưới cứ ăn rào rào. Ở trên sân khấu các "nhép sĩ" cứ thay nhau trình diễn!... 
   Tôi chuồn ra khỏi tiệc cưới lúc còn chưa tan, đến trước cửa Nhà hát Lớn lặng ngắm nó hồi lâu và chợt nhớ tới nhận xét của một người bạn Pháp nghiên cứu khá nhiều năm về Hà Nội: Ở Pháp đã diễn ra một quá trình Paris hóa nước Pháp thì ở Việt Nam lại diễn ra quá trình nông thôn hóa Hà Nội... Phải chăng đám cưới vừa nói cũng là một ví dụ? (Chứ đâu vì "ma chê, cưới trách" mà tôi lại kể ra!).
   Tôi đã hiểu ra điều gì đó. Tôi đã sống và làm việc ở Hà Nội hơn 40 năm. Đã làm việc, tiếp xúc với khá nhiều người Hà Nội gốc (tức là họ sống ở Hà Nội trước 10/10/1954). Vậy mà bây giờ tôi mới thực sự nhận ra mình vẫn là anh nhà quê, bắt đầu giác ngộ về Hà Nội. 

   Tôi thấy quá thương mến và cảm phục những người Hà Nội gốc. Trước sự ngang nhiên, ào ạt, nhập cư của những người nhà quê chúng tôi, người Hà Nội chỉ phản ứng một cách yếu ớt, tế nhị, kín đáo. Người nhà quê rất tự tin, hùng hổ đảo lộn cả Hà Nội, ngày càng nắm quyễn lãnh đạo từ phường cho đến quận, rồi cả thành phố và các cơ quan trung ương đóng tại Hà Nội. Người Hà Nội gốc thành thiểu số, họ co cụm lại và bền bỉ, khéo léo bảo vệ những giá trị của mình...Người Hà Nội khó có thể làm lãnh đạo, quản lý được trong bối cảnh xã hội mới, vì họ biết rộng, làm gì cũng cân nhắc cẩn trọng; họ quá nhạy cảm, tế nhị, ngại va chạm, sợ làm tổn thương người khác và rất sợ bị tổn thương... Với sự lịch lãm, tài hoa, tâm hồn phong phú, tinh tế của mình, họ thường sáng tạo được những giá trị cao trong các lĩnh vực khoa học, âm nhạc, hội họa, văn học... Còn lãnh đạo thời nay đòi hỏi phải biết mưu mẹo và đấu tranh, "dám nghĩ, dám làm" mọi chuyện, phải "dấy lên phong trào", "Quyết tâm phấn đấu", "Đồng loạt ra quân", "Chỉ đạo quyết liệt", "Quyết tâm đột phá"... Những thứ đó đều xa lạ với tư duy và cách ứng xử của người Hà Nội. Thế là người nhà quê chúng tôi được thể vừa nắm quyền, vừa làm giàu ào ạt trước con mắt ngỡ ngàng của người Hà Nội. Và chúng tôi đương nhiên thành người Hà Nội mới, đem lại cho Hà Nội một sức sống mới...  kiểu nhà quê! ("Hà Nội của cả nước"... mà!). Vì vậy Đại Lễ, theo quan điểm của người nhà quê chúng em nghĩa là phải vôi ve lại nhà cửa, phải làm thật to, phải dài ngày, phải thật nhiều khẩu hiệu, băng rôn, cờ phưỡn, kèn trống, loa đài tưng bừng khí thế, đèn xanh đỏ nhấp nháy khắp nơi, hàng quán bung ra bóp chẹt và người như nêm, chen nhau bẹp ruột, trai gái cấu véo nhau chí chóe... 
   Ông cha ta nói đúng quá: giàu có thể một đời, còn sang phải ba đời. Cơ sự nó là như thế, mong được cảm thông và thành thật xin lỗi Hà Nội. 

20/10/2010

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

BIỂN BỜ

Tác giả: Đinh Thu Hiền

Không có nghĩa mỗi lần sóng vỗ
Là nồng nàn hôn cát đâu anh!
Vâng em hiểu ngoài khơi vừa ngập gió
Đưa sóng vào rồi đẩy sóng xa thêm...

Không có nghĩa những con tàu đêm đêm
Chưa ngủ bởi hải đăng còn thao thức
Thăm thẳm giữa đại dương màu mực
Biết về đâu nếu chỉ một thân tàu?

Cuối chân trời sao và biển hôn nhau
Bờ lặng lẽ cúi đầu không dám khóc.
Mai sóng lại về thôi, mỏi mòn và nặng nhọc
Thở cạnh bờ trong giấc ngủ vô tâm!

Hoàng hôn ơi! Sao mắt bờ quầng thâm?
Xưa biển hứa ngàn năm yêu cát trắng!
Phiêu du mãi để con thuyền khô đắng
Sóng có bao giờ yên lặng đâu, bờ yêu!

Đại dương xa, gió rủ rỉ rất nhiều
Sao tiếng thở từ ban chiều vọng lại?
Không có nghĩa mỗi lần nghe sóng nói
Yêu rất nhiều là cho cả bờ đâu!

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

CÓ PHẢI EM MÙA THU HÀ NỘI

Tác giả: Tô Như Châu

Tháng tám mùa thu
    lá khởi vàng em nhỉ
Từ độ người đi
    thương nhớ âm thầm

Chiều vào thu nghe lời ru gió
Nắng vàng lơ lửng ngoài hiên
Mắt nai đen mùa thu Hà Nội
Nghe lòng ấm lại tuổi phong sương

May mà có em cho đường phố vui
May còn chút em trang sức sông Hồng
Một sáng vào thu bềnh bồng hương cốm
Đường Cổ Ngư xưa bắt bước phiêu bồng

Thôi thì có em đời ta hy vọng
Thôi thì có em sương khói môi mềm
Có phải em mùa thu Hà Nội
Nghe đâu đây lá ướt và mi xanh
Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát
Lững thững Hồ Tây một dáng Kiều
Có phải em mùa thu Hà Nội
Nghìn năm sau níu bóng quay về

Phải nơi đây miền Thanh, Nghệ Tĩnh
Phải nơi đây Hồng Lĩnh - Ba Vì
Phải nơi đây núi Nùng, sông Nhị
Lớn đậy con người đất Tổ Hùng Vương
Anh sẽ đi
Cả nước Việt Nam yêu dấu
Đẹp quê hương gặp lại tình người
Bước nhỏ long lanh hồn nghệ sĩ
Mơ Quang Trung vó ngựa biên thuỳ
Ngày anh đi
Nhất định phải có em
    đường cỏ thơm giong ruổi
Sẽ ghé lại Thăng Long
    thăm Hoàng Thành, Văn Miếu
      chắc rêu phong đã in dấu bao ngày

Đã nghe
    bập bùng trống trận
Ngày chiến thắng Điện Biên
Sáng hồn lửa thiêng
Xuôi quân về giữ quê hương
Hôm nay mùa thu
Gió về là lạ
Bỗng xôn xao con tim lời lá
Bỗng xôn xao rơi vàng tiếng gọi
Lệ mừng gặp nhau ngàn phím dương cầm

Có phải em mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu lót lá em nằm
Bên trời xa sương tóc bay
Hà Nội ơi em có hay
Quê hương thần thoại hiển linh hồn sông núi
Nắng thu muôn màu rực rỡ trong hồn anh

Đà Nẵng, tháng 8-1970.

Tháng11-2000 Tô Như Châu từ Đà Nẵng có gửi tặng NK tập thơ "Có phải em mùa thu Hà Nội" nxb Đà Nẵng-1998 gồm 36 bài. Tô Như Châu
(Đặng Hữu Có) sinh 1934, quê An Hải, Sơn Trà, Đà Nẵng-cư trú ở 136 Trần Phú-TP Đà Nẵng, dt.3897798; Hội Viên Hội VHNT Đà Nẵng. Nhà anh ở bên kia Sông Hàn, Năm 2000,tuy đã trên 60 xuân Thi sĩ vẫn cưỡi chiếc Honda 67 màu Bordeaux đã cũ vù vù đi "bỏ báo" kiếm cơm.

"Anh con ngựa già chưa mỏi vó
Vẫn thênh thang bược nhẹ quanh đời
Đi tung bờm tóc gió
Quẳng gánh hương xa lên tiếng gọi mời
Em cầu vồng bao nhiêu sắc
Tháng giêng hồng rất mỏng rất mênh mông".



Bài thơ "Có phải em mùa thu Hà Nội" anh viết vào tháng 8-1970, lúc Đà nẵng còn bời bời bom lửa chiến tranh, tình cờ anh gặp một cô gái Hà Nội chính gốc. Qua vài lần tiếp xúc & thưởng thức tiếng dương cầm thánh thót từ bàn tay trắng trẻo nuột nà mềm mại như thiên thần, lời nói dịu dàng như gió thoàng của Nàng, bỗng dưng đánh thức dậy trong lòng thi sĩ cả lịch sử hào khí của ông cha, của hồn Trưng Vương sông Hát Giang, Và thế là bài thơ ra đời...Bài thơ được Nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc năm 1972, sau này được các Ca sĩ Hồng Nhung,Thu Phương hát trở nên nổi tiếng. Nhạc Sĩ đươc giải thưởng, nhưng tên người sáng tác "lời" (thơ) thì bị "quên" một cách hữu ý? Công luận (báo chí dư luận xã hội) đã nói về sự bội bạc của người bạn một thời bên xóm chài nhỏ ven bờ sông Hàn cùng anh! 

Bài thơ đã qua 40 năm, nay đọc lại và hát lên...Ta cứ ngỡ nhà nhạc sĩ Việt vĩ đại Trịnh Công Sơn hiển linh hoá thân vào hồn thơ Tô Như Châu để ca ngợi "dáng Kiều thơm " tinh hoa của hào khí nghìn năm Thăng Long-Hà Nội. Chao ôi, thơ là hồn người, là tình người đi suốt dọc chiều dài lịch sử đất nước 4000 năm dân tộc ta dân tộc anh hùng!Thời gian gần đây, nhạc phẩm vẫn thường đứng đầu các cuộc bình chọn của giới trẻ, thế nhưng, tác giả lời ca của nó gần như bị bỏ quên. Bản thân nhà thơ và các tổ chức văn nghệ, báo chí trong nước đã nhiều lần lên tiếng can thiệp nhưng quyền lợi của nhà thơ vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Trước khi qua đời, Tô Như Châu là nhân viên phát hành báo tại Đà Nẵng. Viết về Hà Nội hay như vậy nhưng không ai có thể ngờ rằng, được một lần ghé thăm Hà Nội là ước mơ của ông, vậy mà cho tới ngày nhắm mắt, ông vẫn không thể thực hiện được ước nguyện này. 


Bài thơ này đã được nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc:


MỘT CHIỀU NGƯỢC GIÓ

Tác giả: Bùi Sim Sim
 Ảnh đính kèm

Em ngược đường, ngược nắng để yêu anh
Ngược phố tan tầm, ngược chiều gió thổi
Ngược lòng mình tìm về nông nổi
Lãng du đi vô định cánh chim trời

Em ngược thời gian, em ngược không gian
Ngược đời thường bon chen tìm về mê đắm
Ngược trái tim tự bao giờ chai lặng
Em đánh thức nỗi buồn, em gợi khát khao xanh

Mang bao điều em muốn nói cùng anh
Chợt sững lại trước cây mùa trút lá
Trái Đất sẽ thế nào khi mầu xanh không còn nữa
Và sẽ thế nào khi trong anh không em?

Em trở về im lặng của đêm
Chẳng còn nữa người đông và bụi đỏ
Phố bỗng buồn tênh, bờ vai hút gió
Riêng chiều này - em biết, một mình em...




Bài hát: Một chiều ngược gió
Nhạc: Hoàng Mỵ
Ca sĩ: Diệu Hiền





Xem thêm:  
-Em ngược đường ngược nắng để yêu anh
-Anh ngược đường ngược nắng để yêu em!