Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

HÃY YÊU CHỒNG NHƯ YÊU MỘT THÁNG LƯƠNG.
Vì sao ư? Vì như cậu cũng biết đấy, tớ trầy da tróc vảy mới lấy được chồng, lại túm được một anh chàng đúng nghĩa là người đàn ông của gia đình, thì họa có là điên mới để sểnh ra cho đứa khác. Nhưng quan trọng hơn hết (điều này thì cậu giỏng tai mà nghe cho kỹ này, vì là nỗi lo không của riêng ai): Bỏ chồng có nghĩa là hằng tháng đi tong một tháng lương đấy, cậu hiểu chưa? 
Cậu sẽ xì giọng: Ôi một tháng lương thì bõ bèn gì, so với khoảng trời tự do lồng lộng ở ngoài kia, và cái viễn cảnh sáng ngời “từ nay không phải hầu bố con thằng nào”! Đến cả cái nhà, cái xe buộc phải chia đôi đây mà còn chưa tiếc, thá gì một tháng lương! 

Tất nhiên cậu đúng. Một tháng lương thì có là gì so với một cái nhà hay một con xe, nhưng vấn đề là: Có thế thì mới là phụ nữ! Rằng đôi khi mất những cái nhỏ mà người ta lại cảm thấy tiếc hơn những cái lớn đấy, cậu hiểu không?
Đây, ngồi yên, để tớ giảng cho! Cái nhà, tiếng là to vậy, nhưng nói cho cùng, nó cũng chỉ là một cái hình hộp chữ nhật, hữu hình đấy mà cũng là vô hình đấy, trong cuộc sống của cậu. Vì thường thì người ta chỉ cảm nhận rõ ràng về những thứ chui vào mình, hơn là những thứ mình chui vào (Thề! Và đây là tớ nói hoàn toàn nghiêm túc nhé, đừng có mà nghĩ xiên nghĩ xẹo!). Thế nên, khi cậu mất cái nhà, chưa chắc là cậu đã thấy hụt hẫng bằng mất một tháng lương đâu nhé! Cả cái xe cũng thế. Tiếng là tài sản chung, nhưng thử hỏi, mấy khi cậu được đặt đít lên đó, mà cầm lái thì là chuyện không tưởng rồi, đúng không, với một người thi bằng lái 6 lần mới đỗ (mà hình như còn là đỗ vớt như cậu). Thế nên, cái xe ấy nếu mất đi, cũng chưa chắc cậu đã cảm thấy thiếu nó, khi ít nhất, cậu hoàn toàn có thể thay thế điều đó bằng cách gọi taxi.


Nhưng còn một tháng lương thì sao? (Ở đây ý tớ là tháng lương của hắn – gã chồng đáng ghét của cậu). Tháng lương là thứ hằng tháng được đối phương kính cẩn đặt lên tay cậu, vừa là có ý: “Cậu với tớ cùng nhau góp gạo thổi cơm chung”, vừa là hàm ý:
 “Vậy, tối nay thì sao?”. “Tối nay chẳng sao cả!” – Đương nhiên phụ nữ chúng ta luôn kiêu hãnh nghĩ thế (dù có thể không làm thế), nhưng hãy nghĩ mà xem, vào những đêm mồng 5 hằng tháng (nếu như cơ quan chồng cậu cũng đổ thẻ ATM vào ngày mồng 5 hằng tháng), cái cảm giác nằm cạnh nhau nó mới linh thiêng làm sao! 
Khi tiền bạc đề huề, tương lai dài rộng, đủ để có thể nằm dài cạnh nhau sung mãn như đang nằm sưởi nắng ở Hawaii và cùng tự tin nghĩ đến ngày mai. “Ngày mai sẽ là ngày sum họp – Đã tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp!” – Phải, chính hắn! Vì vào ngày mai, tức ngày mùng 6 hằng tháng, thể nào vợ chồng cậu cũng sẽ tíu tít dẫn bọn trẻ đi ăn nhà hàng (thực ra chỉ là một cái quán nhỏ), và đến đoạn tính toán, cậu sẽ hào sảng rút cái thẻ ATM (mà cậu biết chắc là nó còn tiền và thậm chí là còn nhiều), rồi sau đó là kiêu hãnh ký tên mình lên tờ bill ấy. Cái kiêu hãnh của một người có tiền và có quyền tiêu tiền của người khác (tức chồng bạn) một cách đường hoàng, hợp pháp. Điều mà nếu như cậu cặp bồ, thì đừng có mơ mà cầm được cái thẻ ATM của hắn, và nếu có lúc nào đó được cầm, thì cũng còn lâu, cậu mới có được cái tâm thế tự tin và đàng hoàng đến thế!
Vậy, tại sao cậu không học cách yêu chồng như yêu một tháng lương? Rằng, hãy nằm cạnh chồng như nằm cạnh một tháng lương, một chiếc thẻ ATM? Mặc kệ cái câu anh chàng huyền thoại không tay không chân Nick Vujicic nói: “Tình yêu không tìm kiếm những bảng giá”. Vì chỉ khi nằm cạnh một tháng lương, thì cậu mới có thể cảm thấy yên tâm đến thế, khi nghĩ đến ngày mai, hay ít ra, là một tương lai gần nhất? Hôn nhân là gì, nếu không phải là nơi để ta yên tâm nghĩ đến ngày mai?
Như cậu cũng biết đấy, nhà tớ mấy tháng nay không còn thuê giúp việc. Thằng cu con đi trẻ rồi, đã đành, nhưng cũng còn là chính sách thắt lưng buộc bụng thời khủng hoảng. Dĩ nhiên là cũng vất lắm, và còn là hẫng nữa, khi bao lâu có người để sai quen rồi. Chung quy cũng chỉ vì một tháng lương. Thế nhưng, cái cảm giác không còn phải trả lương cho người giúp việc nó cũng lại dễ chịu làm sao, để ít ra cuối năm có được một cái tết trọn vẹn vì không phải “cung tiến” toàn bộ số tiền thưởng tết (giúp việc nhà tớ lại toàn chơi nguyên một năm lương mới chết!). Nhưng dễ chịu hơn cả, là cái gì, cậu biết không? Là vợ chồng tớ dạo này yêu nhau hơn hẳn! Một tình yêu bình dị nhưng vẫn đủ lớn để cùng nhau chia sẻ những tháng lương! 

Thề với cậu là chỉ có những ngày tháng đặc biệt này (khi nhà tớ chưa bao giờ là không có giúp việc như lúc này), thì con tim chúng tớ mới đập những nhịp tim mãnh liệt đến thế. Khi thi thoảng lại nhận được những tin nhắn dịu dàng và âu yếm đến thế: “Anh à (à nhân đây tớ cũng khuyến cáo cậu là đừng bao giờ gọi đàn ông là “anh ạ” đấy nhớ, “anh à” nghe linh thiêng hơn nhiều), nước em đã đổ đầy hai phích, đồ đã giặt, nhà đã quét, vậy nếu chiều anh về trước thì tranh thủ lau nhà và phơi đồ giùm em (đây tớ không dùng từ “giúp” nhé, “giùm” nghe mênh mang hơn), anh nhớ! (từ “nhé” tớ cũng không khuyên dùng nhé, “nhớ” nghe du dương hơn nhiều)! Hay: “Em à (chồng tớ gần đây cũng lây bệnh ưa dùng hô ngữ ở đầu câu như tớ), nhà anh đã lau sạch như lau như ly rồi nhé, đồ cũng đã phơi, chắc qua đêm là khô, để sáng mai anh dậy sớm gấp. Còn giờ thì anh phải chạy đi “sinh hoạt chi bộ” với hội trong ban một chút đây, lâu không ngồi...”. 

Đấy, cậu thấy chưa, đàn ông mới đáng yêu làm sao khi nhà không có giúp việc, hay khi họ cần được “hỗ trợ pháp lý” cho việc đi nhậu, hay khi họ chậm lương. Chính xác đấy, không lúc nào đàn ông có thể đáng yêu hơn khi họ cần xin ta đi nhậu, hay khi họ bị chậm lương. Vì đó là những lúc họ cảm thấy họ có lỗi với ta hơn cả (hơn cả khi họ có bồ), khi biết rằng: Ta đã yêu họ như yêu một tháng lương, và hơn thế, còn như yêu một người giúp việc.

Vậy, cậu nghĩ là cậu sẽ vẫn bỏ chồng? Ừ, thì cậu bỏ đi! Đố đấy! Nhưng nên nhớ, mẹ tớ đây này, năm nay U.60 rồi nhé, cả hai ông bà dính tiểu đường mấy năm nay, giờ thậm chí còn không thèm nằm cạnh nhau nữa nhé, nhưng tại làm sao mà vẫn yêu nhau? Là vì lương hưu của bố tớ, với quân hàm đại tá, thì thề là đầy cô cậu mới đi làm cũng phải gọi bằng cụ nhé, thế nên còn lâu mẹ tớ mới buông bố tớ ra. Đã thế, thi thoảng còn lên giọng dọa: “Ông mà không phải với tôi, để tôi buồn phiền quá mà đi trước (ở tuổi này người ta không dọa bỏ, chỉ dọa uống thuốc tiểu đường quá liều), là ông... mất một tháng lương đấy!”, làm bố tớ sợ xanh mắt (dù lương mẹ tớ chỉ bằng 2/3 lương bố tớ). Đấy, cậu thấy chưa, một tháng lương quan trọng là thế, thế mà cậu định biếu không cho đứa khác tiêu sao?

Còn nếu như cậu nghĩ, tớ lải nhải nãy giờ với cậu, chỉ là vì đã trót cầm một khoản “lót tay” nào đó từ chồng cậu thì cậu hơi bị nhầm đấy nhé! Vì nếu là chồng người khác, thì tớ phải chơi nguyên cả một năm lương cơ, thế mới bõ! Mà thời buổi này, đố ai dám cho nhau một tháng lương, vì có khi, chỉ cần đầu tháng đóng tiền học cho con, là đã hết...
Cậu tính bỏ chồng? Chà, “sang” gớm nhỉ! Chả bù cho ai không may lấy phải tớ, thì cầm bằng như lĩnh án tù chung thân. Vì một lẽ hiển nhiên là lấy tớ thì dễ, mà bỏ tớ thì hơi bị khó đấy nhé! Huống hồ là được tớ bỏ! Cứ gọi là ngồi đấy mà mơ!
                                                                            (LĐ) - Số 93 - Thứ bảy 27/04/2013

BÀI HÁT THỜI HOA ĐỎ

Ở bài trước, đã đưa lên bài thơ thời hoa đỏ, nay nói thêm về bài hát thời hoa đỏ













Thời hoa đỏ và nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng

Thoi hoa do va nhac si Nguyen Dinh Bang
Cứ đến mùa hè, dưới khung trời ngập màu phượng vĩ cùng tiếng ve bỏng rát những đường phố Hà Nội, nhiều cặp tình nhân bên nhau hay những người lang thang một mình trên phố cứ nha nhẩn câu hát: Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi, cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi, như nuối tiếc một thời trai trẻ…. Nhiều người cứ thắc mắc tại sao trong câu thơ của Thanh Tùng: Như máu ứa một thời trai trẻ hay đến vậy mà nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng lại thay bằng nuối tiếc trong ca khúc Thời hoa đỏ. Ông chỉ cười: Có lẽ cả đời viết nhạc của tôi sẽ có những nỗi buồn đọng lại, nhưng đó là những nỗi buồn trong sáng và đẹp, tôi không muốn hát lên một nỗi buồn bi lụy...
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng mở đầu câu chuyện bằng ca khúc Thời hoa đỏ - một ca khúc không chỉ là tiếng lòng của những con người đã đi qua một tuổi trẻ đắm say mà còn là ca khúc “ruột” của không biết bao thế hệ sinh viên mỗi tối ngồi gảy ghi ta hát trên những căn phòng nhỏ của các ký túc xá. 
Năm 1989, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cử 4 nhạc sĩ sang Nga dự một trại viết, trong đó có ông. Không có giày lông, áo măng tô chỉ may bằng vải ka ki không thể chống lại cái lạnh giá bên nước bạn, chỉ 1 tuần ông bị ho ra máu. Những người bạn Nga đưa ông đi cấp cứu và suốt 1 tháng trời nằm viện, xung quanh ít có người đồng hương, ông lại không quen với bánh mì và xúp chua, nên cái gì trước mắt cũng xa lạ, chỉ có nỗi buồn và nỗi cô đơn là gần gũi, đang giày vò ông từng giờ.
Sau 1 tháng, ông phải chuyển sang bệnh viện lao, hết nằm lại ngồi, ông lục trong ba lô của mình tập thơ 99 bài thơ tình, do một người bạn tặng trước lúc lên đường, để ngày ngày đọc cho khuây khỏa. Đọc đến bài thơ Thời hoa đỏ của nhà thơ Thanh Tùng, ông rất thích những câu thơ như thế này: Mỗi mùa hoa đỏ về/Hoa như mưa rơi rơi/Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/Như máu ứa một thời trai trẻ…
Ông chỉ cảm nhận những tình cảm của tác giả thơ qua câu chữ. Ông liên tưởng đến điệu quân tử vu dịch: Dặm trường thân gái một mình, gánh sầu xe nửa gánh tình chia đôi mà nàng Châu Long hát tiễn Lưu Bình trước lúc đi thi trong tích chèo Lưu Bình - Dương Lễ.
Nỗi buồn trong tích chèo cũng mênh mang, man mác như những câu thơ ấy và tự nhiên trong tim ông, những nốt nhạc bắt đầu thốt ra, chậm rãi, nao nao như những tiếng bước chân vọng về từ quá khứ: Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao, bước lặng trên con đường vắng năm nao, chỉ còn tiếng ve sôi ồn ào, mà chẳng cho lòng nguôi yên chút nào….
Bài hát ráo mực, ông ngồi hát một mình trên giường bệnh, lòng cảm thấy nhẹ bẫng khi nỗi buồn, nỗi cô đơn hơn cả tháng nay vợi dần và sau đó ông dần bình phục trở lại. Về nước, ông bắt tay vào việc thu âm ca khúc với tiếng hát Lệ Thu, giọng alto chuẩn, cách nhả chữ tròn trịa đã gợi được hình ảnh của những cánh phượng rơi và bước chân chậm rãi của đôi tình nhân dưới vòm lá kỷ niệm. Và bài hát như là chiếc cầu nối để nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng có thể gặp tác giả của ca từ trong ca khúc Thời hoa đỏ mà ông chưa may mắn một lần gặp mặt.
Nhà thơ Thanh Tùng đã được nghe ca khúc Thời hoa đỏ qua Đài Tiếng nói VN, lấy làm ngạc nhiên khi bài thơ của mình là thơ tự do nhưng khi vào nhạc lại nuột nà đến thế. Còn nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng “muộn màng” xin phép được đổi mấy chữ: “Nhất là chữ tan tác và máu ứa, tớ thấy nó buồn quá, mà kỷ niệm thì buồn là đương nhiên, nhưng phải là cái buồn man mác, lạc quan chứ không bi lụy”.
Ca khúc Thời hoa đỏ được liệt vào một trong những bản tình ca hay nhất của ca khúc Việt Nam thời đổi mới. Những nốt nhạc tha thiết bên những ca từ đẹp, giàu tính tượng hình. Đặc biệt, đoạn điệp khúc vang lên ở đoạn cuối như là tiếng ve và tán phượng hoa tan tác rơi và bên dưới là đôi tình nhân bước đi trong kỷ niệm gợi một tình yêu đẹp đến nao lòng: Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi, mỗi mùa hoa đỏ về…
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng cho rằng, ca khúc này mang âm hưởng của âm nhạc dân gian nhưng ông đã biến hóa, phát triển thành của mình, hiện đại hóa nó. Ông cũng cho rằng những ca khúc của ông đều có chất liệu dân gian như thế và đều gợi lại bóng hình quá khứ, nhưng không phải là quá khứ đã trôi đi vĩnh viễn mà là quá khứ đọng lại với cuộc sống hôm nay để người nghe soi vào đấy.
Để có được điều đó với ông là sự đánh đổi cả một đời. Sinh ra từ vùng quê chiêm trũng của tỉnh Hà Nam, 9 tuổi ông theo gia đình về sống ở Thái Bình. Làng ông thường làm gàu sòng mang xuống quê lúa bán vì quê ông nghèo, lúa ít, bán gàu cũng chẳng ai mua. Thông thường mỗi chuyến đi kéo dài 1-2 tháng là cùng, nhưng lần đi ấy, Pháp tràn xuống quê ông nên gia đình ông ở lại Thái Bình. Tuổi thơ ông đi đánh dậm, đơm con tép bắt con cua, đói khổ nhưng bù lại, những làn điệu chèo của quê lúa dần ngấm vào máu thịt ông.
Một tuổi thơ tự lập, một đời trai tự huyễn, một đời người không tự biến mình, tự lập ngay trong âm nhạc nên ông sống rất thật và đầy trách nhiệm với từng nốt nhạc.


Nhà thơ Thanh Tùng: Âm nhạc đã chắp cánh cho thơ của tôi.

Tôi viết bài thơ Thời hoa đỏ khoảng năm 1972 khi vừa đổ vỡ cuộc tình cùng người vợ ở Hải Phòng. Thời hoa đỏ là nỗi đau tột cùng thăng hoa thành định mệnh của đời tôi, thành tên gọi của Thanh Tùng. Vài năm sau, Thời hoa đỏ được nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, lúc đó làm trưởng ban thơ Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, xuống đất cảng chơi đã gặp tôi và đem về in lần đầu tiên.
Những năm 80 thế kỷ trước, tôi tình cờ nghe được bài hát của anh Nguyễn Đình Bảng trên sóng phát thanh. Khi ấy, tôi đã thôi làm công nhân ở nhà máy đóng tàu và đang bán sách văn học nước ngoài trên vỉa hè. Cảm giác khi nghe điệp khúc: “Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi... khiến tôi tưởng mình đang bay lên. Âm nhạc của anh Nguyễn Đình Bảng chẳng những chắp cánh cho thơ ca mà còn chắp cánh cho tôi vượt qua những hệ lụy đời thường đang trĩu nặng. Tuy nhiên, tôi cũng hơi tiếc cho vài câu thơ mình tâm đắc lại không vào được khuôn nhạc như: Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say”.
Bây giờ, thơ tôi cũng được anh Phú Quang phổ nhạc, tôi rất thích bài Hà Nội ngày trở về nhưng “ít sướng” như gần 30 năm trước khi nghe Thời hoa đỏ. Kỳ lạ là lúc gian khó như vậy, thơ tôi cũng không ra khỏi quỹ đạo thơ chống Mỹ, nhưng lại xuất hiện một Thời hoa đỏ thấm đậm vẻ đẹp buồn, trữ tình. Và anh Nguyễn Đình Bảng đã sẻ chia cảm xúc đẹp và buồn đó cùng chúng ta.


Lời bài hát Thời hoa đỏ:
Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Bước lặng trên con đường vắng năm nao
Chỉ có tiếng ve sôi ồn ào, mà chẳng cho lòng nguôi yên chút nào.
Anh mải mê về một màu mây xa, cánh buồm bay về một thời đã qua.
Em thầm hát một câu thơ cũ về một thời thiếu nữ say mê
(về một thời hoa đỏ diệu kỳ).


Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh sao xác đỏ tươi như nuối tiếc một thời trai trẻ…
Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi, như tháng ngày xưa ta dại khờ
Ta nhìn sâu vào trong mắt nhau…


Trong câu thơ của em anh không có mặt, câu thơ hát về một thời yêu đương.
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc em không đi hết những ngày đắm say.
Sau bài hát rồi em lặng im, cái lặng im rực màu hoa đỏ
Sau bài hát rồi em như thể em của thời hoa đỏ ngày xưa
Sau bài hát rồi anh cũng thế…
Anh của thời trai trẻ ngày xưa
Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi…
Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi…
Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi…



Bài thơ gốc:

(Thanh Tùng)
Dưới mùa hoa như lửa cháy khát khao
Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng
Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh
Chẳng chịu cho lòng ta yên.
Anh mải mê về một màu mây xa
Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ
Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa
Em hát một câu thơ cũ
Cái say mê một thời thiếu nữ
Mỗi mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi…
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa một thời trai trẻ

Hoa như mưa rơi rơi
Như tháng ngày xưa ta dại khờ
Ta nhìn sâu vào mắt nhau
Mà thấy lòng đau xót

Trong câu thơ của em
Anh không có mặt
Câu hát về một thời yêu đương tha thiết
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc
Em không đi hết những ngày đắm say

Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ
Không cho ai có thể lạnh tanh
Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ
Như vết xước của trái tim

Sau bài hát rồi em lặng im
Cái lặng im rực màu hoa đỏ
Anh biết mình vô nghĩa đi bên em.

Sau bài hát rồi em như thể
Em của thời hoa đỏ ngày xưa
Sau bài hát rồi anh cũng thế
Anh của thời trai trẻ ngày xưa.


Ca sĩ Lệ Thu hát thành công bài hát thời hoa đỏ.



Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

KHÚC HÁT SÔNG QUÊ
Tác giả bài thơ: Lê Huy Mậu
Tác giả bài hát: Nguyễn Trọng Tạo



Khúc hát sông quê
Ngỡ như người đã hát thay tôi
                        ngỡ như tôi đã lẫn vào câu hát
tuổi thơ ơi! !
quá nửa đời phiêu dạt
ta lại về úp mặt vào sông quê
như thuở nhỏ
úp mặt vào lòng mẹ
để tìm sự chở che...


Xin bắt đầu từ hạt phù sa
ta cúi nhặt tình cờ bên bờ sông tháng chạp
ôi! Phù sa
những cá thể tự do trong hành trình của đất
đêm nao
chớp bể, mưa nguồn
trong cơn thác lũ
trong sóng đỏ
đất đi
kiến tạo
sinh thành...



Em ơi!
quả ớt cay bổi hổi
trên bãi sông
thuở chưa dấu chân người
anh nghe nói
có một thời
tất cả còn hoang dại
tổ tiên ta chỉ hái lượm mà thôi
lại nghe nói
thuở ta chưa biết ăn gì cả
ta cùng cây cỏ sinh đôi
rồi cây cỏ ăn ta
rồi ta ăn cây cỏ
cũng là khi cay đắng, ngọt bùi
ta và đất kết giao
lấy dòng sông làm lời thề non nước...

chẳng biết ta đã ăn ở thế nào với đất
mà đất lở sông ơi!
nơi ta chăn trâu thả diều ngày cũ đã đâu rồi
hạt đất quê ta giờ đã bồi về đâu chẳng biết
có làng xóm nào sinh
có hòn đảo nào sinh
từ hạt đất bờ sông quê ta lở
như cuộc đời ta khuyết hao
để đắp bồi rờ rỡ
những sớm má hồng ríu rít cháu con ta...


Này dòng sông !
ai đã đặt tên cho sông là sông Cả?
ai đã gọi sông Cả là sông Lam ?
ta đơn giản chỉ gọi là con sông quê hương
tháng ba phù sa sóng đỏ
cá mương đớp ngọn lúa đòng đòng
tháng năm
ta lặn bắt cá ngạnh nguồn
tháng chín
cá lòng bong
ta thả câu bằng mồi con giun vạc
tháng chạp
ta nếm vị heo may trên má em hồng...

Để rồi ta đi khắp núi sông
ta lại gặp
tháng ba...tháng năm...tháng chạp
trong vị cá sông
trên má em hồng...


Này dòng sông
ngươi còn nhớ chốn ta ngồi ngóng mẹ
phiên chợ Lường vời vợi tuổi thơ ta
sao ngày ấy ta dễ ngoan đến thế
mẹ cho ta một xu bánh đa vừng
ta ngoan hết một ngày
ta ngoan suốt cả năm
ta thương mẹ đến trọn đời ta sống
quê hương ta nghèo lắm
ta rửa rau bến sông cho con cá cùng ăn
ta mổ lợn
con quạ khoang cũng ngồi chờ chia thịt
cá dưới sông cũng có tết như người
trên bãi sông
ta trồng cây cải tươi
ta ăn lá bướm ong thì hút mật
lúa gặt rồi- còn lại rơm thơm
trâu đủng đỉnh nhai cả mùa đông lạnh...


Cùng một bến sông
phía dưới trâu đằm
phía trên ta tắm...

trong ký ức ta
sao ngày xưa yên ổn quá chừng
một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng !...




Nguyễn Trọng Tạo viết lời bài hát Sông quê:
Qua nửa đời phiêu dạt
Con lại về úp mặt vào sông quê
Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ
Chở che con qua chớp bể mưa nguồn.
Từng hạt phù sa tháng ba tháng bảy,
Từng vị heo may trên má em hồng.

Ơi con sông quê con sông quê,
Ơi con sông quê con sông quê.

Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ
Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng.

Con cá dưới sông cây trồng trên bãi
Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm
Cùng một bến sông con trâu đằm sông dưới
Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn
Một dòng sông xanh chảy mãi đến vô cùng. 




Ca sĩ hát thành công bài hát Sông quê:


               Anh Thơ


Bài hát sông quê:

► 4:32


Duyên nợ tác giả thơ và tác giả bài hát:
           Đảm bảo nếu gặp lần đầu tiên không ai dám, dù là có khả năng tưởng tượng giỏi nhất, nghĩ rằng Lê Huy Mậu là nhà thơ. Ông béo tốt một cách nghi ngại, chất phác một cách đáng ngờ, và thật thà, rất thật thà đến mức ta phải nghĩ rằng trên đời này không bao giờ còn có sự léo lận gian trá đểu cáng phi nhân khi nhìn ông... nhắm mắt đọc thơ. Khổ thay những điều ấy lại hiện hết ra bên ngoài nên rốt cuộc, không cần cất lời người ta nhìn ngay ra một ông nông dân Nghệ An Lê Huy Mậu.
          Thế mà ông từng làm lính đồ bản ở chiến trường Tây Nguyên, làm hải quan Vũng Tàu, rồi mê làm thơ mà về ban tuyên giáo và sang làm chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật.
          Ông với Nguyễn Trọng Tạo là cặp bài trùng kể từ khi bài hát "Khúc hát sông quê" nổi tiếng. Nghe nói có năm nào đó, tỉnh Nghệ An tổ chức "Ngày thơ Việt Nam" rất hoành tráng huyện Diễn Châu quê Nguyễn Trọng Tạo. Tất nhiên là hai ông được mời về và được đón rước rất hoành tráng nhờ Sông quê. Thế là khách thơ từ Vinh ùn ùn về Diễn Châu làm Diễn Châu ngày ấy như trẩy hội. Người ta thông báo trước là yêu cầu Lê Huy Mậu đọc nguyên bài thơ nhưng ông lại... không thuộc. Thế là suốt buổi chiều phải ngồi tỉ mẩn chép ra giấy, đoạn nào quên thì lại gọi điện cho vợ Nhung ơi Nhung ơi câu ấy thế nào, thế là thành ra vợ lại là người đọc cho ông chép gần hết bài thơ. Mà ngày ấy cước điện thoại di động còn đắt lắm, nhưng biết làm sao được, nghiến răng mà giải quyết khâu oai thôi. Và cũng còn may là ông lại còn có bà vợ thuộc thơ chồng, chứ như tôi là xong béng, mình không thuộc đã đành, vợ lại càng "nỏ biết chi" nên đi đâu cũng phải kè kè cái laptop mua từ thời chưa đổi mới. Nhà thơ Thạch Quỳ nghe hết bài thơ bảo  tưởng bài thơ chỉ như bài hát thì thất vọng chết. Thạch Quỳ khen bài thơ hay, và sau này Lê Huy Mậu thổ lộ: Đấy là lời khen làm Mậu sướng nhất cho đến giờ.
          Lại một lần tôi rủ ông và nhà thơ Lê Quang Sinh cùng về Thanh Hóa, thăm lại nơi mà bốn mươi năm trước tôi đã từ đấy ra đi. Bạn bè tôi khi nghe tôi báo tin về thì rất mừng, đổ hết về Hậu Lộc tề tựu đợi tôi. Nhưng đến khi tôi giới thiệu Lê Huy Mậu là tác giả lời của bài "Khúc hát sông quê" thì ngay lập tức Mậu mới là chủ nhân của cuộc đón tiếp chứ không phải tôi. Gần như 100 phần trăm đám bạn tôi rút điện thoại ra, và lập tức từ đấy "Quá nửa đời phiêu bạt, con lại về úp mặt vào sông quê, ơi con sông dịu dàng như lòng mẹ, chở che con đi qua chớp bề mưa nguồn"... réo rắt cất lên, cả mấy chục cái điện thoại cùng hát một bài một lúc với rất nhiều ca sĩ, từ Anh Thơ đến Thu Hiền, từ Minh Phương đến Phương Thảo, có mấy đứa còn tự hát rồi ghi âm lưu vào đấy. Có cô bạn ngày xưa xinh nhất lớp, giờ già ơi là già, khều tôi ra nói nhỏ: Tao nghi lắm, trông cái ông xấu trai hiền khô thế kia mà viết được những câu hay thế à, tao ru cháu nội toàn bằng bài ấy đấy. Cứ đến câu "Một dòng trong xanh chảy mãi đến vô cùng" là nó ngủ. Muốn chắc chắn tao tua thêm vòng nữa là cu cậu say hơn chó con. Nó lôi trong lưng quần ra cái điện thoại "của con trai nó thải nó cho" hí hoáy một tí thì cũng ọt ẹt "Con cá dưới sông cây trồng trên bãi, lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm" và đấy là giọng nó hát, nó thu vào đấy để khi nào mệt không Lai vờ sâu được thì nó mở ra ru cháu...
           Trước khi có bài này thì Nguyễn Trọng Tạo đã có bài hát nổi tiếng "Làng quan họ quê tôi"- anh viết nhiều ca khúc nhưng bài này nổi tiếng nên mọi người quên hết các bài khác của anh. Một lần vào Vũng Tàu sáng tác, thực ra là ngao du và ăn nhậu mới là chủ yếu, trong số bạn nhậu ấy có Lê Huy Mậu. Lúc này Mậu chưa nổi tiếng, nên chủ yếu là đi đánh đu với Tạo, vừa như... học việc, vừa như chủ nhà để tiện bề qua lại. Một hôm trước khi chào Nguyễn Trọng Tạo để về nhà với vợ thì Mậu rón rén đưa mấy tờ giấy gấp tư nói lí nhí: Tối mà tỉnh bác đọc giúp cái. Thế rồi hôm sau khi Mậu đến lại khách sạn thì Nguyễn Trọng Tạo đã hát bài ấy thành nhạc rồi. Nghe xong Lê Huy Mậu nằm lăn ra giường giang cả 4 chân tay ra: Ta nổi tiếng rồi, nổi tiếng rồi. Thế mà rồi nổi tiếng thật.
          Nhưng nhiều người không biết rằng, nguyên thủy đấy là một bài thơ dài, và rất hay, hay hơn ca từ trong bài hát. Tôi có lần ngồi với cả hai người đã "trêu chửi" rằng, bác Tạo có công lớn nhất là đã lôi những câu thơ dở nhất của Lê Huy Mậu ra khỏi bài thơ và vô tình biến nó thành bài hát hay. Chứ "con cá dưới sông cây trồng trên bãi" là câu thậm vô lý. Cá không ở dưới sông thì cá trong... nồi à, cây không trên bãi thì cây trên đá à? Chả lẽ gặt lúa lại xơi cả rơm "Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm". Nguyễn Trọng Tạo không mắc mưu mà cười: Ca khúc nó có quy luật riêng của nó, nên nếu anh cứ đòi hỏi ca từ thâm sâu thì lại chả ai hát. Nhiều khi ca từ phải ngô nghê, như cắt như chặt vầng trăng chẳng hạn, "như da em nâu tươi màu suy nghĩ" chẳng hạn. Vì thế, để bảo vệ uy tín cho Lê Huy Mậu đi đâu tôi cũng yêu cầu Mậu phải đọc nguyên vẹn bài thơ cho mọi người nghe sau khi họ đã no nê với ca khúc. Và quả thực, những khi ấy thấy mặt Lê Huy Mậu dại hẳn đi, đọc thơ như khóc, và người nghe cũng im thít trong một tâm thế vô cùng căng thẳng mà không hiểu tại sao?
          Lê Huy Mậu có bà vợ là bác sĩ thú y, chuyên chữa bệnh chó mèo gà vịt mà nuôi con khôn lớn. Vấn đề là sau khi về hưu non thì chị chuyển sang... viết văn. Lê Huy Mậu rất cáu vì mình mất thế độc tôn trong nhà, nên dù là chủ tịch hội, tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Bà Rịa Vũng Tàu nhưng ông cương quyết không in bài của vợ và cũng không kết nạp bà này vào hội. Không in thì gửi nơi khác. Một hôm bà vợ cầm tờ báo Văn Nghệ trẻ về lừ lừ đặt lên bàn Lê Huy Mậu, ôi giời, một cái truyện ngắn với bút danh Hội An. Mấy hôm sau nữa lại một truyện ngắn của Hội An trên Văn Nghệ già. Và rồi cứ thế liên tục cái tên Hội An xuất hiện khắp trong nam ngoài bắc. Hiện nay sau khi được nghe một số bạn viết xui rằng viết kịch bản phim vừa nhàn vừa có tiền, chị lại đang cặm cụi viết kịch bản. Mậu lại càng... khiếp. Nhưng có lẽ nhờ thế mà Lê Huy Mậu, người tự nhận mình vừa già vừa lười vừa tồ bẩm sinh, cũng phải... noi gương vợ mà viết. Bằng chứng là anh mới mail cho tôi mấy bài thơ: chú đọc giùm anh xem nó... hay đến cỡ nào? 
           Có đi với Nguyễn Trọng Tạo và Lê Huy Mậu mới thấy Khúc hát sông quê là oách. Có lần thấy tivi đang "Khúc hát sông quê", tôi thử nháy máy cho Lê Huy Mậu, cả nửa tiếng vẫn chưa hết bận. Ấy là còn rất nhiều người khi biểu diễn, còn quên giới thiệu tác giả thơ là Lê Huy Mậu. Nhưng ai không biết thì không biết, chứ phàm là dân Nghệ Tĩnh, nhất là Nghệ Tĩnh xa quê thì đều biết. Cái nỗi nhớ nhà nhớ quê của người Nghệ Tĩnh nó ghê gớm lắm. Sức lan toả đoàn kết cộng đồng cũng khủng khiếp lắm. Thế là mỗi lần nghe Khúc hát sông quê thì có 2 nơi để gọi điện thoại tỏ lòng nhớ quê của mình là quê và... tác giả... Lê Huy Mậu nửa đùa nửa thật: Nhiều khi xấu hổ quá vì nghe người ta ca mình, đành phải bấm bụng, phôn cho Nguyễn Trọng Tạo, không ít lần đêm hôm khuya khoắt cũng phải gọi bác ấy, để nói rằng, vinh quang của bác, bác vào mà nhận lấy, em mệt lắm rồi. Chỉ nghe điện thoại cũng dễ bị thần kinh lắm, huống gì Lê Huy Mậu bị tiền đình mãn tính. Thì ngay tôi đây, có khi đang ngồi ở đâu đó cũng có người xin số điện thoại của Lê Huy Mậu. Hỏi để làm gì, bảo để em hát cho bác ấy nghe. Biết ngay là mấy ông uống đến độ rồi, phiêu rồi. Tất nhiên là tôi không cho vì tôi đã thấy nỗi khổ của Lê Huy Mậu rồi. Có hôm ngồi nhậu, có người gọi đến hát cho tác giả nghe, hết vợ đến chồng, xong lại đến con nữa, không đành tắt máy, Mậu mở loa ngoài bỏ điện thoại xuống bàn "chiêu đãi" cả bọn.
          Cũng may là Lê Huy Mậu biết mình biết người, nên nhiều khi thấy các cháu xinh đẹp xúm quanh xin chữ ký hoặc tán dương ngắm nghía trầm trồ thì dù rất sướng lão vẫn "ưu tiên" Nguyễn Trọng tạo trước, nếu lúc ấy có Nguyễn Trọng Tạo, còn khi không có thì Mậu cười rất tươi, hấc mắt sang tôi: chú thấy chưa?
          Vâng em thấy, thưa bác.
                                                                                                     Công Văn Hùng,  2011