Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

BÁC HỒ ĐI CHÚC TẾT MỘT GIA ĐÌNH NGHÈO NĂM 1962


Trong hình ảnh có thể có: 1 ngườiTết Nguyên Đán 1962 một tháng trước tết, Bác Hồ gọi cục phó Cục Cảnh vệ Phan Văn Xoàn lên giao một nhiệm vụ đặc biệt mà chỉ có hai bác cháu biết: “Chú tìm cho bác một gia đình nghèo nhất ở Hà Nội, bác sẽ đi thăm họ lúc giao thừa!”.

Tôi có một tháng để đi khắp Hà Nội tìm cho ra một người nghèo nhất
Hà Nội ngày ấy không giàu, nhưng để tìm ra người “nghèo nhất” vẫn là một thách đố đặc biệt. Tôi liên hệ nhiều nơi, gặp nhiều người vẫn chưa xác định được ai “nghèo nhất”. Cho đến một ngày, một anh công an địa bàn gọi bảo tôi thử tới thăm một người phụ nữ gánh nước thuê ở khu vực anh.
Chúng tôi ghé vào một ngõ sâu trên phố Hàng Chĩnh, đó là một ngôi nhà tăm tối, phên liếp tạm bợ, bên trong chỉ có một chiếc giường tre và vài ghế gỗ lăn lóc. Bàn thờ lạnh tanh hương khói, mạng nhện bao phủ - dù đang là những ngày giáp tết. Có bốn đứa trẻ đang nằm ngồi vật vạ chờ mẹ mang gạo về. Chúng đói. Chủ ngôi nhà ấy là một người phụ nữ ngoài 40 tuổi, tên Nguyễn Thị Tín, góa chồng. Chị vốn là công nhân thất nghiệp và từ lâu nay sống bằng nghề gánh nước thuê. Với chị, tương lai và sự nghiệp của gia đình chỉ là con số 0.
Tôi báo cáo rằng nhiệm vụ Bác giao tôi đã làm xong. Bác gật đầu.
Tối giao thừa ấy, như thường lệ, Bác Hồ đi với đại diện Thành ủy Hà Nội thăm vài gia đình trong kế hoạch. Khoảng 11 giờ tối, Bác nháy mắt với tôi ngụ ý: giờ đến chương trình của hai bác cháu mình.
Chúng tôi tách đoàn, gồm năm người: Bác, người thư ký, một cán bộ địa phương, tôi và một vệ sĩ khác - cùng hướng về phố Hàng Chĩnh. Bác mặc áo bông, quần vải gụ, đi dép cao su, đội mũ len đen và quấn khăn choàng cổ. Không hóa trang nhưng phải nhìn kỹ một tí mới nhận ra Bác được.
Xe dừng ngoài ngõ cách 200 mét, cả đoàn phải đi bộ vào. Tôi đi trước, gần giờ giao thừa, hương đèn thắp sáng trên mọi bàn thờ. Con hẻm thật vắng và từ đằng xa, tôi thấy bóng chị Tín đang quảy đôi quang gánh đi ngược ra ngoài phố. Ngang mặt, tôi đứng lại và hỏi nhỏ: “Chị Tín phải không?”. “Vâng ạ!”. “Sắp giao thừa chị còn đi đâu?”. “Tôi tranh thủ gánh thêm vài gánh lấy ít tiền mua quà bánh tết cho các cháu, anh ạ!”. “Chị về đi, có khách ghé thăm!”. 
Người phụ nữ nghèo khổ xoay người lại nhìn những vị khách, rồi chị bàng hoàng buông rơi đôi quang gánh, chạy bổ tới, quì xuống, ôm choàng lấy chân vị lãnh tụ rồi khóc nấc lên: “Trời, sao Bác lại đến thăm nhà cháu?”. Bác Hồ rưng nước mắt: “Nhà cháu mà không đến thì đến nhà ai!”. Mọi người im lặng. Tôi, thêm một lần nữa, ngước nhìn vị lãnh tụ đất nước mình, thấy Người cao hơn tất cả.
Vào nhà, chúng tôi chia nhau thắp nhang đèn, bày quà bánh Bác dặn mang theo, chia một ít cho bốn đứa trẻ đang ngồi chờ mẹ trên chõng tre giữa nhà. Căn nhà bừng sáng, Bác quay sang hỏi về những đứa trẻ: Các cháu có đi học không? Chị Tín ngập ngừng: “Thưa, có ạ, nhưng thất thường lắm, ngày có ngày không. Chồng mất, cháu thất nghiệp, gánh nước thuê…”. Hỏi: Gánh nước thuê có đủ sống không? Ðến đây thì chị òa khóc: “Lo cái ăn từng ngày thôi, thưa Bác!”. “Giờ cháu có muốn làm việc không?”. “Thưa Bác, hoàn cảnh cháu thì không biết nói sao nữa, cháu muốn có chỗ làm để nuôi con, nhưng tứ cố vô thân, ai nhận cháu?”. Bác gật đầu không nói gì
Gần 12 giờ, mọi người chúc tết chị Tín và ra về. Lúc này ngoài đầu ngõ, tin Bác Hồ đến thăm nhà mẹ góa con côi của chị Tín đã bất ngờ lan truyền. Hàng xóm rủ nhau khoảng mấy chục người dân đứng chật trong ngõ chờ Bác ra. Tôi hơi bối rối. Bất thình lình Bác bước lại phía mọi người, tiếng vỗ tay vang lên.
Chờ mọi người im lặng, Bác nói: “Bữa nay Bác vui vì tình cờ gặp các cụ, các cô chú, nhưng Bác cũng rất buồn vì mới từ nhà cô Tín ra. Giờ này sắp giao thừa, các cô chú có biết cô Tín còn đi gánh nước thuê không? Tại sao cả một khu phố vầy mà không thấy ai quan tâm đến một gia đình như cô Tín?”. Im lặng, một đại diện khu phố nhận lỗi, hứa sẽ quan tâm nhà chị Tín. Bác tiếp tục: “Bác muốn nói về tinh thần “lá lành đùm lá rách” trong khu phố, nhưng cái lớn nhất vẫn là trách nhiệm của Chính phủ...”.
Bước lên xe, đó là năm đầu tiên tôi thấy đi chúc tết người dân về mà Bác thật buồn. Người quay sang nói: “Các chú thấy chưa? Hôm nay mình đã đi đúng người thật việc thật rồi, nếu mà mình báo trước với thành phố, hỏi nhà nào nghèo nhất thì chắc chắn không phải là nhà cô Tín rồi…”.
Về nơi Bác ở, Bộ Chính trị đã tập họp để chúc tết Bác và cùng đón giao thừa. Bác ngồi vào ghế, mọi người ngồi xung quanh. Bác im lặng tí rồi nói từ từ: “Bữa nay tôi có một chuyến thăm một nhà nghèo nhất thủ đô Hà Nội. Cô Tín, chủ nhà, giờ này còn phải đi gánh nước thuê để có tiền mai mua gạo cho con. Chúng ta đã quá quan liêu để không biết những câu chuyện như vậy ở ngay tại thủ đô đất nước mình. Tôi biết không chỉ có một nhà như chị Tín đâu, người nghèo còn nhiều. Một đảng cầm quyền mà để người dân mình nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Ðảng với nhân dân...”

Trong đời, tôi có một thập niên làm cận vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Câu chuyện chị Tín chỉ là một trong những câu chuyện tôi không thể nào quên.
Không quên, vì tôi còn theo dõi cho đến khi chị Tín được bố trí một việc làm phù hợp. Không quên, vì câu chuyện ấy cũng chỉ là một trong nhiều chuyến “vi hành” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã âm thầm đến với những người dân nghèo trong những ngõ ngách của thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành của miền Bắc thời bấy giờ.
Không quên, vì tôi nghiệm ra ý nghĩa lớn lao nhất của lãnh tụ gửi gắm với mình: “Khi tôi báo cáo Bác đã tìm ra được gia đình nghèo nhất Hà Nội cho Bác, Bác hỏi tôi có biết tại sao phải tìm nhà nghèo nhất? Rồi Người tự trả lời: “Tại Bác muốn nhìn thấy sự thật. Nếu để thành ủy sắp xếp năm nào cũng thấy toàn cái tốt. Những nhà Bác ghé đều là những ngôi nhà khá giả, sạch sẽ, quà bánh sẵn sàng. Vui nhưng không thể hài lòng vì biết mọi người đã được sắp xếp!”.

Té ra, điều mà Người cần tìm trong dịp tết ấy chính là một sự thật đúng với ý nghĩa của nó: sự thật của những người nghèo!

Theo: Lời kể của Thiếu tướng Phan Văn Xoàn - nguyên là cận vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2019

GIÃ TỪ CỐ ĐÔ

Nhạc sĩ: Phạm Mạnh Cương

Ca sĩ: Ngọc Hạ

Ca sĩ: Bảo Yến

Lời bài hát:
Một sớm mưa chiều tôi rời thành xưa.
Sông nước tiêu điều nhỏ lệ buồn đưa.
Hắt hiu tâm hồn vì không có ai.
Tiễn mình đi một lần cuối.
Tháng năm bẽ bàng tình duyên.

Nghe tiếng chuông chùa ngân vọng từ xa.
Sao thấy trong lòng một trời quạnh hiu?
Nước mưa vô tình làm hoen mắt ai.
Núi Ngự như chặn đường đi.
Vấn vương con đò bến xưa.

Bóng dáng một người,
biết chừ ở mô, mà tìm không thấy?
Nhớ những năm xưa,
tà áo tím hồng, tạ từ mấy câu.

Xa cố đô rồi nghe lòng sầu vương.
Trăng nước đêm nào Vỹ Dạ mờ sương.
Tháng năm âm thầm vọng về cố đô.
Để tìm bóng người tình xưa.
Để nghe những lời tiễn đưa.

1953

Ca sĩ: Trịnh Thế Phong:

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2019

NGÔI SAO BAN CHIỀU mối tình thời chiến và số phận kỳ lạ của bản tình ca.

50 năm vô vọng tìm nhau, một ngày nhận ra cả hai sống cạnh nhau trong cùng thành phố, họ vỡ òa hạnh phúc hội ngộ nhờ vào người hâm mộ. Tình yêu thời chiến của họ cũng mang số phận thăng trầm và kỳ lạ như chính bản tình ca họ viết cho nhau.

Đó là bản tình ca mà bao thế hệ thanh niên Việt Nam đã lặng lẽ hát cho nhau nghe nơi chiến trường bom đạn, trên giảng đường, ký túc xá, hay giữa ngổn ngang nhung nhớ nơi đất khách quê người…

Nhiều thập kỷ nhầm lẫn

Ngôi sao ban chiều của nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu, nhưng mấy chục năm ròng, tất cả những người say mê hát bài này, từ anh lính ngoài mặt trận, đến chàng sinh viên nơi giảng đường, cô công nhân đi xuất khẩu lao động tận trời Âu… đều không hay biết mà tất cả đều tin rằng đó là một sáng tác của nhạc sĩ Nga tài năng nào đó.

Thậm chí chính tác giả của ca khúc cũng không biết là cả thiên hạ bấy lâu vẫn lặng lẽ hát bài hát của ông mà cứ tưởng nhạc Nga.



Ngôi Sao Ban Chiều - Đinh Tiến Hậu

 

Bài hát Ngôi sao ban chiều

Nhạc sĩ Thụy Kha - một người bạn của tác giả, người đã từng say mê ôm đàn hát ca khúc này trong những hoàng hôn miền trung du Phú Thọ cho người yêu đầu nghe nhiều năm trước, cũng không hề hay biết nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu bạn mình chính là tác giả.
Mấy chục năm ròng, trên sân khấu, trên tivi, trên các trang web âm nhạc, thậm chí trong... giáo trình của Nhạc viện Hà Nội, Ngôi sao ban chiều đều được giới thiệu là nhạc Nga.
Cuốn sách Ali Baba và...40 ca khúc trữ tình của Nhà xuất bản Âm nhạc do tác giả Đào Ngọc Dung (nguyên hiệu trưởng trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương) biên soạn thậm chí còn "mạnh dạn" ghi tên tác giả của khúc tình ca là … I.P.Tchaikovsky.


Bài hát 'Ngôi sao ban chiều' bị nhầm là ca khúc của... I.P.Tchaikovsky trong cuốn 'Ali Baba và...40 ca khúc trữ tình' của NXB Âm nhạc. Tác giả cuốn sách đã ghi mấy dòng đính chính bên lề trang sách - Ảnh: T.ĐIỂU

Cho đến một ngày…
Đó là một ngày của năm 1995, trong một cuộc vui bạn bè có nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu, sự nhầm lẫn vô tiền khoáng hậu kia mới bị tác giả… phát hiện. Sự thật được "vỡ ra" từ một sự ngoại lệ.
Theo lệ thường, các nhạc sĩ khi gặp nhau sẽ hỏi nhau về những sáng tác mới. Nhưng cuộc gặp mặt hôm ấy, nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu muốn làm một ngoại lệ. Ông không hát cho bạn bè nghe sáng tác mới nhất của mình, mà xin được hát bài hát… cũ nhất.
Và ông bắt đầu cất lên những giai điệu trĩu nặng tâm tình của một trái tim yêu đang nhói đau vì chia cắt:

Màn chiều dần buông xuống/ gió ngàn vi vu/ lấp ló đầu hiên/ ngôi sao ban chiều. Gợi lòng ta xao xuyến/ nhớ người yêu/ nơi phương trời xa. Em thân yêu nơi đâu/ có nhớ tới chăng/ đôi ta năm xưa/ chung lời hẹn ước? Bấy lâu con tim ta/ vẫn nhớ tới em/ như ngôi sao Hôm/ bao ngày không mờ. Vì lòng ta mãi mãi/ vẫn còn nhớ em/ không bao giờ phai…


Một trong số rất nhiều lá thư bày tỏ tình cảm yêu mến vô bờ với ca khúc 'Ngôi sao ban chiều' mà công chúng gửi tới nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu - Ảnh: T.ĐIỂU

Nhưng ngay khi người nhạc sĩ vừa cất lên những giai điệu quen thuộc thì cả phòng "nhao nhao" phản ứng bởi đó là bài hát Nga mà họ vẫn hát chứ chẳng phải sáng tác của bạn mình. Lúc này, Đinh Tiến Hậu mới biết bài hát của mình lại được biết tới là bài hát Nga và lâu nay bao thế hệ, bao gồm cả những bạn bè thân thiết của ông đã say mê nó.
Thoáng buồn vì sự nhầm lẫn, nhưng Đinh Tiến Hậu lại rưng rưng xúc động bởi mấy chục năm sau khi sáng tác bài hát này, ông mới biết rằng bài hát của mình đã trở thành khúc tình ca riêng của bao đôi lứa, giúp họ đi qua những gian lao của đất nước, tình yêu.
Thêm nữa, người ta lại xếp sáng tác đầu tay của ông ngang hàng với những bản tình khúc Nga bất hủ.
Mừng cho sức sống mạnh mẽ của đứa con tinh thần, nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu bắt đầu hành trình "trả lại tên cho em" - lấy lại quyền tác giả của mình.
Người bạn thân - nhạc sĩ Nguyễn Cường đã mang câu chuyện này đến với nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Lưu nhờ viết bài "minh oan". Và ông Nguyễn Lưu đã là người đầu tiên viết bài "minh oan" cho Ngôi sao ban chiều trên báo Đầu tư để trả lại quyền tác giả cho bạn.
Từ bài báo minh oan này, nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu còn tìm đến Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nơi mà năm 1962 ông đã nộp bài hát làm bài dự kỳ thi tuyển vào trường và đã trúng tuyển.
Ông được xác nhận quyền tác giả, nhưng khi đi đăng ký bản quyền thì Cục Bản quyền tác giả còn phải nhờ xác minh từ nước Nga rồi mới chính thức cấp quyền tác giả cho ông.
Cũng từ đây, Đinh Tiến Hậu bị thôi thúc đi tìm lại "nguyên mẫu", nàng thơ trong bài hát đã mang tới cho ông bao tình cảm yêu mến của khán giả. Đó là người con gái Hải Phòng xinh đẹp có cái tên cũng rất đẹp Nguyễn Nguyệt Khanh - mối tình đầu trong sáng mà nặng sâu tình cảm của ông.


Càng nhận được nhiều tình yêu mến của người hâm mộ, người nhạc sĩ già càng bị thôi thúc bởi khát vọng tìm lại nàng thơ đã cách biệt nửa thế kỷ - Ảnh: T.ĐIỂU
 

Cuộc gặp sau nửa thế kỷ
Sau khi được trả lại quyền tác giả, Ngôi sao ban chiều càng nổi tiếng hơn, được yêu thích hơn, được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.
Nhiều người đã tìm đến nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu chỉ để nói với ông trong nghẹn ngào rằng bài hát của ông đã kéo họ đứng dậy, cho họ niềm tin ở tình yêu, cho họ nỗi mong chờ tin yêu để đi qua được sinh - tử nơi chiến trường hay đi qua trăm ngàn đau đớn của xa xách lứa đôi khác…
Một ngày năm 2010, một đoàn tới 7-8 người là cựu binh, cựu sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội vác đàn đến gõ cửa nhà ông, nhất quyết đòi ngồi bên ông để hát cho ông nghe bài hát đã theo họ ra chiến trường, cho họ niềm tin mãnh liệt vào một bóng hình chờ trông nơi hậu phương để họ mạnh mẽ sống, chiến đấu và trở về.
Lại có người từ tận Canada cũng gửi quà cho ông để tỏ lòng mến mộ với tác giả của ca khúc họ đã say đắm suốt tuổi trẻ của mình ở trường Đại học Tổng hợp…
Càng nhận được nhiều yêu mến của công chúng, nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu càng thôi thúc trong tim nỗi lòng muốn tìm lại người xưa. Càng tìm, ký ức xa xưa càng dội về ào ạt.
Năm đó cậu trai Đinh Tiến Hậu mới 17 tuổi, một cậu học trò nghèo, đem lòng yêu cô bạn cùng lớp xinh đẹp, thông minh kém mình 2 tuổi. Mối tình học trò trong sáng nhưng đậm sâu đã phải dang dở bởi Đinh Tiến Hậu bỏ học, đi xa kiếm tiền để nuôi ước mơ thi vào Học viện Âm nhạc.
Nỗi đau chia cắt người yêu đã hóa thành bất tử trong ca khúc đầu tay ông viết tặng nàng. Cũng chính ca khúc này, ông đã sử dụng làm bài dự thi vào Nhạc viện Hà Nội và đã trúng tuyển nhưng không thể theo học bởi chủ nghĩa lý lịch của một thời…


Sau 51 năm khúc tình ca ra đời, người nhạc sĩ mới tìm gặp lại được nàng thơ, mối tình đầu đẹp và đầy day dứt của mình - Ảnh: T.ĐIỂU

Ông đã thử vài lần lặn lội về lại thành phố Hải Phòng nơi ông từng sống thuở niên thiếu để tìm lại bóng hình dĩ vãng, nhưng người xưa mãi như bóng chim tăm cá. Tuyệt vọng, ông đoán có thể nàng không còn sống hoặc đã đi ra nước ngoài.
Vậy mà một ngày ông lại chợt nghe tin nàng từ… một người hâm mộ bài hát, hâm mộ mối tình đẹp trong khúc tình ca. Đó là năm 2013, 51 năm kể từ lần gặp cuối cùng với mối tình đầu.
Anh Đặng Tuấn, một người Hải Phòng gọi điện thoại đến cho ông chia sẻ rằng anh đã được ba mình dạy cho bài hát da diết của ông và rất yêu nó. Biết nhạc sĩ bấy lâu tìm kiếm lại nàng thơ không thấy, anh ngỏ ý muốn giúp tìm kiếm bà bởi anh rất xúc động trước mối tình đẹp.
Tưởng anh Tuấn nói chơi, nhưng sau vài ngày "lật tung" thành phố Hải Phòng lên, ông đã tìm được tung tích của người con gái trong bài hát nằm lòng của bao thế hệ. Hóa ra bà sống ngay tại Hà Nội, không xa nơi nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu sống.


Ông Đinh Tiến Hậu họp mặt cùng vợ chồng bà Nguyệt Khanh (tóc ngắn) và một người bạn - Ảnh: NVCC

Tìm thấy nhau khi cả hai đều đã gần 70 tuổi và đã đầy nhà cháu con, họ vỡ òa niềm vui, giữ tình cảm tốt đẹp.
Mỗi tháng bà Khanh gọi điện cho nhạc sĩ một đôi lần. Và hai cặp vợ chồng già giờ có thêm địa chỉ thăm viếng nhau, thân thiết như những người một nhà.
Vậy là, dù trắc trở, cả mối tình và khúc tình ca ấy, sau nửa thế kỷ đã cùng dắt tay nhau đi đến một cái kết thật đẹp.
Thiên Điểu


Lời bài hát Ngôi Sao Ban Chiều
Màn chiều dần buông xuống
Gió ngàn vi vu
Lấp lánh đầu hiên

Ngôi sao ban chiều
Gợi lòng tôi thương nhớ
Tới người yêu
Ở phương trời xa

Anh thân yêu nơi xa
Anh có nhớ chăng
Năm xưa đôi ta
Chung lời nguyện ước

Bấy lâu nay tim tôi
Luôn nhớ đến anh
Như ngôi sao hôm
Bao ngày mong chờ
Vì lòng tôi mãi mãi
vẫn còn khắc sâu
Một bóng hình ai

Người mà tôi yêu dấu
Đã về nơi nào
Tháng năm buồn trôi
Tôi vẫn mong chờ
Nhìn trời mây bát ngát
Lá xao xác rơi
Lòng thấy buồn thương

Ôi không gian bao la
Nhắn giúp cho ta
Anh nơi phương xa
Có còn chờ ta
Bấy lâu nay tim ta
Luôn nhớ đến anh
Như ngôi sao hôm
Bao ngày mong chờ
Vì lòng ta mãi mãi
Vẫn còn mang theo
Cả mối tình anh...

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2019

RESORT Ở TRUNG SƠN TRẦM

Đá ong tròn dựng cổng Asean
Hoa giấy tràn lan thắm cả giàn.
Tòa sảnh, nhà Công, sông nước lặng
Em ra trượt cỏ lộ nhân gian
Cầu qua, lượn dốc xe đôi lạng
Bể rộng trong xanh nước gợn làn
Nơi chỗ đông mà như thiếu bạn
Bâng khuâng đang ở nhớ đang lan...

Ngày 8/3/2019-hxd

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2019

CHUYẾN XE ÔM KỲ LẠ CỦA CHÀNG TRAI VÀO LÚC 9 GIỜ TỐI

Không có mô tả ảnh.

Chuyến xe ôm kỳ lạ ấy đã để lại trong chàng trai ấy nhiều xúc cảm không thể nào quên.
Được chia sẻ trên trang facebook có tên Hải Hồng, câu chuyện với tiêu đề “cuốc xe ôm nhớ đời” đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và tình cảm của người đọc. 
Đó là câu chuyện về một người xe ôm tật nguyền, nhưng không chịu đầu hàng số phận, ngày ngày bất kể nắng hay mưa vẫn chạy xe trên các nẻo đường để kiếm tiền phụ nuôi gia đình.
Ông có một mối tình đẹp nhưng đầy gian khó với một người phụ nữ . Nghèo khó và bị gia đình phản đối, thế nhưng họ vẫn luôn bên cạnh nhau, cùng nhau xây dựng một mái ấm hạnh phúc. Sự nỗ lực, sự yêu thương và biết vươn lên trong cuộc sống của họ khiến người đọc phải cảm phục.
Người đọc nhận xét rằng nhân vật chính là chàng trai đi xe ôm đã có môt chuyến đi kỳ lạ – kỳ lạ bởi từ khách, anh đã trở thành người đèo, từ 1 chuyến xe vội vã trở thành 1 chuyến xe chậm rãi để 2 người cùng lắng nghe, sẽ chia.
Câu chuyện cảm động ấy được kể lại như thế này:
“9 giờ tối, Xa Cảng Miền Tây.
Xách túi đồ dợm bước ra taxi, nhận một cái níu tay, tui quay lại, chú xe ôm đứng cong người nài nỉ “Đường giờ này mát mẻ lắm, con đi giúp chú cuốc xe đi. Ai thấy chú tật nguyền vầy cũng ngại đi nên chú chạy ế lắm. Con yên tâm đi, chú chạy được, chạy cẩn thận lắm”.
- Dạ được rồi, con đi. 
Và cái đoạn đường hơn chục cây số từ đó về Tao Đàn, tui đã được nghe một chuyện đời, một chuyện tình đẹp tái lòng. 
Chú năm mươi tám, ở quận 7, mỗi chiều năm giờ ra bến, chạy đến năm giờ sáng hôm sau. Ráo cũng như mưa, chục năm nay không dám nghỉ ngày nào. Mỗi đêm thường kiếm được trăm mấy hai trăm, mỗi tháng đóng tiền bến hết chín trăm. 
Cô thì đi nấu cơm cho công an phường, lương có triệu mốt nhưng được cái họ hay bỏ bữa, cô mang thức ăn về, nhà khỏi đi chợ. 
Cô đòi đi kiếm chỗ làm thêm, chú không cho. Chú biểu để mình chú cực là được rồi. Kể tới đây, chú cười hịch hạc: Đàn ông mình, cỡ nào cũng phải sống mà lo cho gia đình được, há con? 
Tui bắt đầu thấy ngưỡng mộ chú rồi đây, sau cái câu này. 
Bạn bè đang đợi, tui thì trễ hẹn nhưng bị cuốn vào câu chuyện tươi sáng của chú nên nghĩ mình cũng chẳng cần phải nhanh hơn. Tới đâu đó Thuận Kiều, thấy vai chú run run, tui hỏi thăm, chú biểu cái chân tật của chú, hễ trời lạnh lại nhức. 
- Thôi chú dừng xe lại đi, con chở cho.
- Đâu có được, ai làm vậy được con? Chú không sao , ráng chạy chút nữa, về bóp dầu. 
- Chú sợ con cướp xe hả? Xe chú cà tàng lắm rồi nha. Với lại con sẽ đưa túi xách con cho chú đeo. Chú dừng lại đi. 
Tui cũng chạy chậm, như chú. Thanh thản lắm, như đang chở ba mình đi dạo vậy.
Ngồi sau lưng tui, chắc ấm được chút đỉnh nên chú trải lòng hơn. 
Chú khoe hồi trẻ cô đẹp lắm, con gái Cai Lậy mà. Cô lên Sài gòn ở mướn cho nhà chủ mà chú làm bảo vệ. Ba má cô đâu có chịu chú bởi họ chê thằng này mồ côi mồ cút, nghèo mà còn què quặt nữa.
Họ sợ cô khổ khi về với chú. Nhưng cô hổng sợ, cô bỏ nhà theo chú. Ba má cô từ con gái. Ngày ba cô nhắm mắt, ông còn chưa tha cho cô mà. Chú phải đưa cô về, nửa đêm quỳ ngoài hàng rào lạy vọng vào. Rồi đi. 
- Chú biết cô thương chú lắm nên chú muốn cô được sung sướng. Mà muốn vậy thôi chứ tới giờ cô cũng chưa được sướng ngày nào. 
_Sướng chứ chú. Làm lụng thì ai cũng phải làm thôi, chỉ cần có người chồng thương mình như chú, con nghĩ cô sướng trong dạ lắm đó chớ. 
- Thiệt hôn con?
- Hổng tin, bữa nào chú về hỏi cô đi.
- Ừ. Mà tết nhứt tới bên nách rồi con há. Chắc chú phải ráng cày thêm chút đỉnh, vài bữa mua cho cô cái áo kiểu đẹp đẹp mặc Tết với người ta…
Tui nghe chừng trong lam lũ một trời yêu thương. Cái yêu thương không phải đôi vợ chồng đủ đầy nào cũng có được. 
Rồi chú khoe hai thằng con, thằng lớn hai mươi, thằng nhỏ mười ba, thằng nào cũng ngoan. 
- Em lớn đang còn đi học hay đi làm rồi chú?
- Nó học giỏi lắm con, học năm ba Đại học Sư Phạm. Mà thằng đó đẹp trai à nha, nó giống cô. Nó có hiếu lắm, hổng bao giờ dám xài tiền. 
- Nói vậy thôi chứ con nghĩ hồi trẻ chú cũng đẹp trai mà. Nghe em nó được vậy, con cũng mừng cho cô chú. 
- Ừ…thì…
Sao tui nghe câu trả lời như vướng đâu đó trong cổ họng. 
Câu chuyện còn đang dang dở, hai chú cháu đã tới nơi. Xuống xe, chú biểu bớt hai chục ngàn, cho cái công tui chở chú. 
- Chú bớt phân nửa luôn đi. Hehe
- Sao cũng được mà con.
Trả tiền xe xong, tui dắm dúi một ít vô tay chú, dặn dò:
- Chú về mua cho cô cái áo đi, áo màu tím nghen chú. Con tin cô sẽ thích. Mà cũng phải mua thêm cho chú một cái nữa. Cô mặc áo đẹp mà áo chú cũ quá, hổng xứng đâu nha. À quên, hai thằng nhỏ, mỗi thằng một cái nữa nhe. 
Chú cúi sát nhìn thứ tui vừa đưa, tay run run. 
Chào nhau, chú lại níu tui. Tui ghẹo:
- Tính cám ơn con nữa hay gì đây? Thôi khỏi, mai mốt có gặp nhau, chú chở rẻ cho con là được rồi. 
- Hổng có, hồi nãy chú hổng dám kể hết. Thằng con lớn của chú đó, là chú…nhớ nó quá nên chú tưởng tượng vậy thôi chứ sau khi thi đậu đại học, nó bị tai nạn…mất rồi con ơi.
Tới giờ mà chú còn chưa tin là nó hổng còn… Đêm nào cha con chú cũng nói chuyện… Nhưng con yên tâm, chú cũng sẽ lấy tiền này mà mua cái áo mới, để lên bàn thờ cho nó. 
Trời ơi!!!”.😢
HẢI HỒNG

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2019

SỬ VIỆT CHO CHÁU

Tập Một: Từ lúc lập quốc đến chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc

Bài đọc thêm số 1: (phần thảo luận của người lớn)
NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT và
QUAN HỆ CHỦNG TỘC VIỆT- HOA, VIỆT-MÃ LAI.


Không có mô tả ảnh. 
 Bản đồ HUGO
Chú ý :M175, màu xanh lá cây là chủng người Việt 35.000 năm trước. Một mũi tên màu đỏ Bắc tiến M122 là người Việt Hoa Nam.Một mũi màu đỏ thứ hai M 4 là từ Việt cổ thiên di qua Nam đảo.Hai dòng thiên di đó cách đây 10k năm.
M174 là đường thiên di chủng Môngloid các nay 45.000 năm. Vùng ven biển nay đã ngập dưới đại dương. Nhánh vào lục địa tồn tại.

Việt 122 + Mong 174= người Hoa nguyên thủy cách đây 10k năm.


Không có mô tả ảnh. 
Các vùng giáp ranh hợp huyết đầu tiên, tộc Hoa ra đời cách đây 10k năm là các tỉnh: Hà Bắc, Sơn Tây, Thiểm Tây, Tứ Xuyên

Không có mô tả ảnh. 
Tây Giang là nơi xuất phát trồng lúa nước thuộc Quảng Tây, đổ ra cửa đối diện Hồng Kông. Sông Dương Tử đổ ra Thượng Hải. Sông Hoàng Hà đổ ra vịnh Hàng Châu đối diện bán đảo Triều Tiên- Hàn quốc.

Không có mô tả ảnh.
Bản đồ minh họa xứ Bách Việt năm 222 TCN. Năm sau 221TCN, quân Tần bắt đầu xâm phạm đất Bách Việt.

Sử Việt Cho Cháu nhằm trang bị cho các công dân nhỏ tuổi nên chỉ nhấn mạnh những sự kiện từ cuối đời vua Hùng của nhà nước Văn Lang. Những sự kiện trước thời điểm trên ta gọi là tiền sử (Việt),
trong đó có đề tài nguồn gốc dân tộc các em sẽ học khi ở tuổi lớn hơn. Tuy nhiên đây lại là đề tài người lớn cần hiểu ý bộ sử, có thể khác với những bộ sử khác để trả lời khái quát cho các em nếu các em nêu câu hỏi, cũng như có thể thảo luận bổ sung ý, giúp cho người biên soạn điều chỉnh hợp lý nếu có ,để bổ khuyết cho những lần đăng sau.

1.Dân tộc, chủng tộc và sắc tộc.
Lâu nay ta dùng hai từ " dân tộc" rất lẫn lộn với chủng tộc, sắc tộc ; ví dụ câu: "Dân tộc Việt Nam hiện nay gồm 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số", thay vì nói : " Dân tộc Việt Nam hiện nay gồm 54 sắc tộc, trong đó sắc tộc Kinh chiếm đa số ". Sắc tộc đôi khi gọi tắt là tộc, là một nhánh của chủng tộc và chủng tộc là một nhánh của đại chủng tộc.
Thật ra " dân tộc" là một khái niệm gắn liền với khái niệm công dân và quốc gia. Trong một quốc gia, có thể khác nhau về chủng tộc và sắc tộc, nhưng cùng gọi là một dân tộc. Chính vì vậy ta mới gọi là "dân tộc": Việt, Hoa,Nhật, Hàn... dựa theo tên nước của họ.
Do đó trong bài này khi nói đến nguồn gốc người Việt cổ tới 221 trước CN, năm nhà Tần bắt đầu xâm lược Bách Việt, cần hiểu là nguồn gốc của "chủng tộc" Việt, trong đó bao gồm "sắc tộc" Kinh, và các sắc tộc khác.
Tuy nhiên, tuyệt đại các sắc tộc thiểu số trong dân tộc Việt hiện nay, như sắp trình bày dưới đây, lại cùng một chủng tộc với sắc tộc Kinh. Ngoại trừ sắc tộc Hoa thì có người đồng chủng, có người lai hoặc khác chủng Việt.
Sách sử nhiều tác giả từ xưa đến nay có 4 giả thuyết:
-1.người Việt có nguồn gốc từ đất China, hoặc là hậu duệ người Hoa, giả thuyết này được nhiều học giả ủng hộ nhất vì suy diễn từ truyền thuyết trong sử sách hai nước và quá trình Tàu cai trị Việt 1000 năm.
-2. người Việt có nguồn gốc Mã Lai.
-3.người Việt có nguồn gốc bản địa là Bắc bộ hiện nay. Hai giả thuyết 2-3 bị nghi ngờ vì bằng chứng mỏng manh.
-4.Từ 1955, sử ở miền Bắc cố đi theo thuyết bản địa dựa vào văn hoá Hoà Bình- Đông Sơn. Sau 1975 đến nay, quan điểm của Viện sử học Việt Nam không lùi quá xa vào quá khứ, dựa vào mốc thời đại đồ đá mới-đồ đồng cũ của thế địa chất Toàn Tân, trên cơ sở khảo cổ học của 3 miền hiện nay: văn hoá Núi Đọ- Hoà Bình- Đông Sơn (Bắc), Sa Huỳnh (trung), Óc eo ( nam) mà xác định dân tộc chứ không nhấn mạnh chủng tộc.
Nói cách khác là thuyết bản địa tự sinh độc lập cả 3 vùng, sau đó hoà nhập. Đó là quan điểm được dạy trong sách giáo khoa. Có lẽ quan điểm này muốn khẳng định ta độc lập với China và hoà hợp dân tộc cả 3 miền. Tuy nhiên có tác dụng ngược là tạo cho dân chúng hiểu đất đai người Việt cổ không dính líu gì với China nay, và Trung bộ lẫn Nam bộ là người Việt xâm lược đất chủng tộc Chăm, Miên. Trong khi hai sắc tộc Chăm và Miên nam bộ đa số là cùng chủng tộc Việt.

Đến nay di truyền học phân tử chứng minh cả 4 giả thiết trên đều không đúng. Tổ tiên loài người hiện nay trong đó có người Việt là từ Đông Phi. Những tổ phụ đầu tiên tại đây tính tuổi là khoảng 65.000 năm và nhánh đại chủng Nam Á thiên di đến tam giác Vân Nam- Quảng Tây- Bắc Việt cách đây 30 - 35.000 năm, định cư, tồn tại và lan toả đến nay là người Việt cổ.
Di truyền học phân tử có ưu điểm là dựa vào ADN tồn tại trong những người hiện nay chứ không dựa vào đo xương sọ đã bị chôn vùi. Vì xương sọ của người hiện đại (Homo Sapiens) tuy xuất hiện rải rác nhiều nơi trên toàn thế giới, tuổi dao động cách nay từ 40.000- 800.000 năm, nhưng không rõ nơi đó có bị diệt vong do biến đổi địa chất - khí hậu không. Cho nên trong cùng một vùng bé nhỏ như Bắc bộ, lại chênh lệch tuổi của tuổi sọ người giữa các điểm khảo cổ lên đến cả 150.000 năm. Tóm lại khảo cổ dựa vào sọ người chỉ xác định " từng có" nhưng không xác định " còn di truyền" đến nay không.
Theo di truyền học phân tử, quan hệ chủng tộc tính tại thời điểm cách nay 10.000 năm giữa Việt ,Hoa, Mã Lai và Mongoloid ( chỉ nhóm người Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ, Hàn Quốc) thì Mongoloid và Việt cổ đều từ gốc Đại chủng Nam Á (Australoid). Khác nhau, là nhóm Mongoloid thiên di ven biển vượt qua vịnh Hàng Châu rồi vòng lại ven Tân Cương dừng lại ven Tây Tạng cách nay khoảng 45.000 năm. Nhóm Việt cổ thuộc nhánh thiên di men dãy Himalaya và dừng lại tại tam giác Vân Nam- Quảng Tây- Bắc Việt cách đây 35.000 năm. Hai nhánh này tách nhau từ Nam Á, cùng Đại chủng Nam Á, nhưng không có ai là hậu duệ của ai.
Khoảng 25.000 năm sau khi định cư tại tam giác trên, tức cách nay khoảng 10.000 năm vào thế địa chất Toàn Tân, khi nước biển rút lộ ra những vùng đất rộng lớn: đồng bằng bắc bộ, Nam đảo Đông Nam Á và duyên hải Đông Á( thuộc China nay).Thời điểm đó, tại tam giác này đã hình thành văn hoá lúa nước. Bằng chứng là hạt lúa nước phát hiện đầu tiên tại Châu Á là giống lúa trồng tại Tây giang, con sông chính của Quãng Tây, gần Bắc bộ. Người Việt cổ bắt đầu làm cuộc thiên di mới theo hai hướng: Nam đến Mã Lai, tất nhiên trên đường thiên di đã để lại con cháu trên lãnh thổ Hồ Tôn (Chiêm Thành, miền trung) và Phù Nam( nam bộ). Hướng Bắc, vượt sông Hoàng Hà.

Chủng tộc Hoa chỉ xuất hiện 10.000 năm trở lại đây, là giống lai giữa Mongoloid cổ và Việt cổ khi hậu duệ người Việt cổ tại Hoa Nam vượt sông Hoàng Hà, và lan tỏa về hướng ranh giới Tân Cương, Tây Tạng hoà huyết với các dân tộc du mục Mongoloid.
Người Mã Lai là giống lai người Việt cổ với Đại chủng phương Nam còn sống sót rất ít trên các đảo sau đợt băng tan nhấn chìm thềm lục địa cổ cách đây hơn 20.000 năm, và những cư dân phía Nam cũng thiên di đến cùng kỳ.( Sự kiện duyên hải Đông Nam Á chìm dưới lòng biển có liên quan đến hình thành mỏ dầu khổng lồ ở Biển Đông mà thủ lợi lớn nhất hiện nay chỉ mới là Bruney. Các cường quốc đang tranh giành biển Đông ngoài việc kiểm soát hàng hải, còn một lý do né nói tới là nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ).
Nói cách khác thì cả người Hoa lẫn người Mã Lai mang dòng máu người Việt cổ. Người Hoa hiện nay mang đến 80% gien người Bắc Việt cổ. (theo tính toán của tiến sĩ sinh học Đỗ Kiên Cường. Người Mã Lai tỉ lệ khoảng 60% do cùng kỳ phía Nam Ấn cũng cùng thiên di đến.
Các bằng chứng gần nhất, trung thực và chính xác nhất là bản đồ gien của tổ chức HUGO ( Human Genom Oganisation): TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU GIEN LOÀI NGƯỜI thuộc National Geographic Association ( Hiệp Hội Địa Lý Hoa Kỳ). Bản đồ này bắt đầu thiết lập năm 1977 và đến năm 2011 là củng cố đầy đủ luận thuyết thiên di loài người mà gốc từ Đông Phi.
Bản đồ này làm đảo lộn quan niệm trước đây của các tổ chức tôn giáo, truyền thuyết nguồn gốc của nhiều dân tộc. Nếu như thuyết tiến hoá trước đây, thuyết big bang, sinh sản vô tính, chỉ nhạy cảm với tôn giáo; thì thuyết thiên di nhân loại lại còn rước thêm nhạy cảm chính trị hiện đại, người ta ít muốn bàn rầm rộ như World Cup. Bản đồ này cũng lý giải vì sao tiếng Việt nay lại cùng một lúc tồn tại ở vùng Đông Nam Á , cả China xưa cũng như nay. Giới học giả China lúc đầu phản đối kịch liệt, có lẻ không muốn đánh mất niềm tin dân tộc mình là trung tâm của mọi dân tộc, trời sinh để thế thiên hành đạo, là tổ phụ của châu Á. Nhưng sau đó 2007 các học giả China cũng thừa nhận Vân Nam là địa điểm đầu tiên người cổ từ châu Phi thiên di tới cách đây 30.000 năm.
Trong khi đó các nhà sử học Việt Nam xem như chưa nghe nói đến, mặc dù các thông tin công bố ban đầu từ 1997, nghĩa là cách đây đã 22 năm. Cuốn Lịch Sử Việt Nam của Viện Sử Học Việt Nam xuất bản năm 2013 và tái bản năm 2017 không hề nhắc tới công trình này nên chẳng biết tán thành hay bác bỏ. Chỉ nêu một câu lơ lững duy nhất: Trung quốc thừa nhận tổ tiên của họ đặt chân tới Vân Nam cách đây 30.000 năm!

Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Galileo có bị treo cổ thì quả đất vốn là khối cầu thì vẫn là khối cầu. Đường gien thiên di loài người chưa ai bác bỏ được. Gạt qua các thiên kiến dân tộc cực đoan, thì người Hoa là hậu duệ người Việt cổ đại, và gần hơn họ là hậu duệ của người Việt Hoa Nam.Nhưng
ngược lại hiện nay, người Hoa vốn mang 80% gien Việt cổ, 20% gien Mongoloid đang làm chủ một vùng đất rộng lớn, lấn cả phần đất tổ cha Việt mẹ Mông, ôm trọn Tân Cương và Tây Tạng cũng vốn là tiền thân tổ tiên của họ.

Cùng với những khám phá mới về địa lý địa tầng, việc xác lập bản đồ gien nhân loại, giải quyết tất cả những mâu thuẫn nhân chủng học cũ dựa vào đo sọ người. Theo đó người thông minh( Homo Sapiens) có xuất hiện trước, thậm chí cả triệu năm, các nơi trên địa cầu cũng đã diệt chủng và duy nhất chỉ còn cặp Eva- Adam Đông Phi 65.000 năm trước là tổ phụ của loài người.
Về phía Việt Nam, trước khi có công bố bản đồ HUGO, một số nhà dân tộc học như Bình Nguyên Lộc đã nêu nghi vấn đúng đắn về quan hệ chủng tộc Việt- Mã Lai, nhưng kết luận ngày nay đảo chiều, Mã Lai là hậu duệ Việt, trái với ông suy nghĩ, mặc dù Mã Lai ở phía Nam. Nhà văn gốc kỹ sư sinh học Hà Văn Thuỳ, với kiến thức sử học, văn hoá và sinh học của mình, trong nhiều năm chứng minh gốc người Việt từ Hoà Bình lan tỏa đến lưu vực sông Dương Tử; là những nỗ lực đáng trân trọng. Ngày nay HUGO đã kết luận cùng hướng với ông nhưng xa hơn: tận nam Hoàng Hà. Bác Sĩ Nguyễn Hi Vọng chứng minh Việt ngữ có nguồn gốc Nam Á chống lại thuyết ngôn ngữ Việt là từ Hán đầy đủ luận chứng thuyết phục, ngày nay có thể chứng minh xa hơn: ngôn ngữ Việt cổ ảnh hưởng lên tiếng Hoa chứ không phải ngược lại như lâu nay vẫn nghĩ.
Kỳ diệu thay, bản đồ HUGO lại làm sáng tỏ những mấu chốt truyền thuyết về dân tộc Việt ghi trong Đại Việt Sử Ký mà Toàn Thư trích dẫn là khớp đến 90%. Chỉ lệch về phạm vi nước Xích Quỹ của Kinh Dương Vương, phía Bắc không phải giáp nam sông Dương Tử mà xa hơn là giáp nam Hoàng Hà. Đồng thời gốc là vùng Vân- Quãng - Bắc Việt. Bản đồ thiên di cũng giải quyết vì sao cả người Hoa lại nhận ông tổ vùng lúa nước Thần Nông của người Việt cũng là tổ phụ của mình. Vì sao các đời vua huyền sử thời bình trị nhất lại gọi là đế Nghiêu đế Thuấn mà không gọi theo ngôn ngữ Hoa là Nghiêu Đế, Thuấn Đế? Vì sao có nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn, và di chỉ Giả Hồ- Hà Nam lại có nhiều nét tương đồng với đồng bằng Bắc Việt....
Cho nên dân tộc học, ngôn ngữ học và lịch sử học nhiều nước trong đó có Việt, Hoa phải viết lại giai đoạn tiền sử cách đây khoảng 5000 nghìn năm về trước, không phải chỉ riêng Việt Nam.
2.Di dân nhân tạo từ phương Bắc và tính độc lập dân tộc trong chủng huyết.
Từ 5000 năm trở lại đây; các bộ tộc lai Việt- Mông tức người Hoa nguyên thuỷ phía Bắc sông Hoàng Hà lớn mạnh. Chủng lai có ưu thế là không cận huyết nên chọn lọc tự nhiên về thể chất tốt hơn, khi sinh đẻ ít khuyết tật hơn. Đồng thời tỉ lệ sữa, thịt trong thức ăn của họ nhiều hơn phía Hoa Nam thuần lúa nước. Do đời sống du mục nên họ cưỡi ngựa, sử dụng vũ khí trên lưng ngựa thuần thục hơn. Trong thời đại cơ bắp là quyền lực, kỵ binh là số một, khi họ tiến hành mở rộng lãnh thổ, dù Hoa Nam có văn minh hơn nhưng chiến đấu không thể bằng Hoa Bắc.Trong vòng 3000 năm người Hoa Bắc xâm lược thống trị và hợp huyết với Hoa Nam. Họ thành lập các quốc gia rồi thôn tính lẫn nhau. Tất nhiên Hoa Bắc có một nửa dòng máu người Việt cổ,Hoa Nam giai đoạn đầu thuần chủng Việt, nhưng 3000 năm chung sống không tránh khỏi sự hợp huyết gần như toàn bộ, trừ một số chạy về phương Nam. Đó là lý do vì sao 80% người Hoa hiện nay có gien người Việt cổ, trong khi tuyệt đại người Việt tại Việt Nam ngày nay lại không mang gien đặc trưng của người Mông Cổ, Tân Cương,Tây Tạng, Hàn thời cổ đại.
Khái niệm Hán tộc, tiếng Hán chỉ xuất hiện sau khi Lưu Bang, gốc người sông Hán, (một chi lưu của sông Dương Tử) áp đặt sau khi diệt nhà Tần và đánh bại Hạng võ, lập nên triều Tây Hán năm 202 TCN. Trước đó, Tần Thủy Hoàng lập nên đế chế từ Hoa Bắc đến Hoa Nam. Tính đến năm 221 trước CN thì người Việt cổ chỉ còn độc lập từ phía Nam dãy Ngũ Lĩnh gọi là Bách Việt. Trong Bách Việt thì Văn Lang là dòng trực hệ của những người Việt, Âu Lạc gắn với An Dương Vương và Nam Việt gắn với nhà Triệu sau này là sáp nhập Văn Lang với chi xa hơn. Đó là lý do vì sao sử từ thời Nguyễn về trước cũng như Sử Việt Cho Cháu cùng xếp nhà Thục và nhà Triệu là triều chính thống của người Việt cổ . Dân tộc Việt hiện nay chỉ giữ được 1/3 vùng đất tổ của 35.000 năm trước, và chỉ so được một quận của Việt Hoa Nam 10.000 năm trước (tức Bắc Việt nay)
Bản đồ HUGO đồng thời cũng xoá bỏ tư tưởng độc hại là người Chăm miền trung, người Miên nam bộ không thuộc dòng máu Việt.
Từ Tần Thủy Hoàng đến nay đã có chính sử mọi việc trở nên rõ ràng hơn.Ta tạm lấy mốc 222 trước CN là điểm mốc cuối cùng khi ta đề cập đến khái niệm " người Việt cổ ". Năm 221 TCN, nhà Tần vượt Ngũ lĩnh xâm lược Bách Việt, thuộc về chính sử đối với người Việt, không còn là tiền sử nữa.
Trong Sử Việt Cho Cháu, khi nói đến "dân tộc" Việt là nói đến cộng đồng các sắc tộc phân làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ tiền sử đến chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc năm 938, dân tộc Việt là cộng đồng trên lãnh thổ Phía nam dãy Ngũ Lĩnh . Giai đoạn 2 từ 938 , dân tộc Viêt giành được độc lập với lãnh thổ ban đầu mà sữ cũ của ta cho là thuộc một phần nhà nước Văn Lang,(Bắc bộ chạy tới đèo ngang), sử Tàu gọi là xứ An Nam. Từ thời Lý Thánh Tôn đến các chúa Nguyễn mở rộng dần tới Mũi Cà Mau.

Sử Việt Cho Cháu khi nói đến "dân tộc Việt, dân tộc ta" là nói đến tổ tiên ; cả những người đang sống trên đất nước Việt Nam và cộng đồng người Việt hải ngoại, những người mà đến nay còn sử dụng tiếng Việt mẹ đẻ yêu quý. Tiếng Việt mà ngôn ngữ học hiện đại gọi theo tiếng Anh: Vietnamese language, loại tiếng nói từng làm mê mẩn giáo sĩ Alexandre Rhode và quốc tế ngày càng biết đến càng trân trọng. Họ ngạc nhiên vì sao qua 1000 năm nô lệ với chính sách đồng hoá, mà đến nay có lượng người sử dụng xếp thứ 12 trên 150 ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới, và một nước lớn như China lại vay mượn từ ngữ cổ của tiếng nói này. Hy vọng Sử Việt cho cháu sẽ đem đến những thông tin trung thực, dân tộc và nhân văn cho trẻ em trong khả năng của người biên soạn.
(đề tài ngôn ngữ, phong tục sẽ bàn chi tiết hơn ở các bài sau)

KỶ NIỆM DU XUÂN

Nghỉ dừng, ngồi ở trên xe
Sao lên mau thế, rụt rè đưa tay
Miếng vuông, một chút giãi bày
Thử xem có khác thứ này trong quân?
Chối rồi mà vẫn phải cầm
Chạm tay như níu, như thầm như mong
Ngày xuân chan chứa trong lòng
Để dành chẳng phải đếm đong lượng chừng
Nhớ lần đèo Gió đã từng
Dòng miên man cũng đã ngưng một vài
Tháng hai mười bảy ngày mai
Biên cương năm tháng nhớ hoài Hà Tuyên!

Ngày 19/02/2019-hxd
Ảnh St

 

CHÙA KEO

Bảo tồn gần 400 năm
Ven đê, tháng chín ngày rằm hội to
Gác chuông cong mái bên hồ
Gạo thân cổ thụ cành quơ ngang trời
Tháng hai xuân đợi lối mời
Thái Bình lần đến trong đời đầu tiên
Mắt ngưng hồn bóng chùa chiền
Vai tròn em dấu nét duyên mặn mà
Bồ đề lá vẫy xuýt xoa
Chùa Keo như chỉ mình ta thẫn thờ...


Ngày 17/02/2019-hxd