Nhạc
sĩ Nguyễn Đình Bảng mở đầu câu chuyện bằng ca khúc Thời hoa đỏ - một ca
khúc không chỉ là tiếng lòng của những con người đã đi qua một tuổi trẻ
đắm say mà còn là ca khúc ruột của không biết bao thế hệ sinh viên
mỗi tối ngồi gảy ghi ta hát trên những căn phòng nhỏ của các ký túc xá.
Năm 1989, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cử 4 nhạc sĩ sang Nga dự một trại viết,
trong đó có ông. Không
có giày lông, áo măng tô chỉ may bằng vải ka ki không thể chống lại cái
lạnh giá bên nước bạn, chỉ 1 tuần ông bị ho ra máu. Những người bạn Nga
đưa ông đi cấp cứu và suốt 1 tháng trời nằm viện, xung quanh ít có
người đồng hương, ông lại không quen với bánh mì và xúp chua, nên cái gì
trước mắt cũng xa lạ, chỉ có nỗi buồn và nỗi cô đơn là gần gũi, đang
giày vò ông từng giờ.
Sau
1 tháng, ông phải chuyển sang bệnh viện lao, hết nằm lại ngồi, ông lục
trong ba lô của mình tập thơ 99 bài thơ tình, do một người bạn tặng
trước lúc lên đường, để ngày ngày đọc cho khuây khỏa. Đọc đến bài thơ
Thời hoa đỏ của nhà thơ Thanh Tùng, ông rất thích những câu thơ như thế
này: Mỗi mùa hoa đỏ về/Hoa như mưa rơi rơi/Cánh mỏng manh tan tác đỏ
tươi/Như máu ứa một thời trai trẻ
Ông
chỉ cảm nhận những tình cảm của tác giả thơ qua câu chữ. Ông liên tưởng
đến điệu quân tử vu dịch: Dặm trường thân gái một mình, gánh sầu xe nửa
gánh tình chia đôi mà nàng Châu Long hát tiễn Lưu Bình trước lúc đi thi
trong tích chèo Lưu Bình - Dương Lễ.
Nỗi
buồn trong tích chèo cũng mênh mang, man mác như những câu thơ ấy và tự
nhiên trong tim ông, những nốt nhạc bắt đầu thốt ra, chậm rãi, nao nao
như những tiếng bước chân vọng về từ quá khứ: Dưới màu hoa như lửa cháy
khát khao, bước lặng trên con đường vắng năm nao, chỉ còn tiếng ve sôi
ồn ào, mà chẳng cho lòng nguôi yên chút nào
.
Bài
hát ráo mực, ông ngồi hát một mình trên giường bệnh, lòng cảm thấy nhẹ
bẫng khi nỗi buồn, nỗi cô đơn hơn cả tháng nay vợi dần và sau đó ông dần
bình phục trở lại. Về nước, ông bắt tay vào việc thu âm ca khúc với
tiếng hát Lệ Thu, giọng alto chuẩn, cách nhả chữ tròn trịa đã gợi được
hình ảnh của những cánh phượng rơi và bước chân chậm rãi của đôi tình
nhân dưới vòm lá kỷ niệm. Và bài hát như là chiếc cầu nối để nhạc sĩ
Nguyễn Đình Bảng có thể gặp tác giả của ca từ trong ca khúc Thời hoa đỏ
mà ông chưa may mắn một lần gặp mặt.
Nhà
thơ Thanh Tùng đã được nghe ca khúc Thời hoa đỏ qua Đài Tiếng nói VN,
lấy làm ngạc nhiên khi bài thơ của mình là thơ tự do nhưng khi vào nhạc
lại nuột nà đến thế. Còn nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng muộn màng xin phép
được đổi mấy chữ: Nhất là chữ tan tác và máu ứa, tớ thấy nó buồn quá,
mà kỷ niệm thì buồn là đương nhiên, nhưng phải là cái buồn man mác, lạc
quan chứ không bi lụy.
Ca
khúc Thời hoa đỏ được liệt vào một trong những bản tình ca hay nhất của
ca khúc Việt Nam thời đổi mới. Những nốt nhạc tha thiết bên những ca từ
đẹp, giàu tính tượng hình. Đặc biệt, đoạn điệp khúc vang lên ở đoạn
cuối như là tiếng ve và tán phượng hoa tan tác rơi và bên dưới là đôi
tình nhân bước đi trong kỷ niệm gợi một tình yêu đẹp đến nao lòng: Mỗi
mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi, mỗi mùa hoa đỏ về
Nhạc
sĩ Nguyễn Đình Bảng cho rằng, ca khúc này mang âm hưởng của âm nhạc dân
gian nhưng ông đã biến hóa, phát triển thành của mình, hiện đại hóa nó.
Ông cũng cho rằng những ca khúc của ông đều có chất liệu dân gian như
thế và đều gợi lại bóng hình quá khứ, nhưng không phải là quá khứ đã
trôi đi vĩnh viễn mà là quá khứ đọng lại với cuộc sống hôm nay để người
nghe soi vào đấy.
Để
có được điều đó với ông là sự đánh đổi cả một đời. Sinh ra từ vùng quê
chiêm trũng của tỉnh Hà Nam, 9 tuổi ông theo gia đình về sống ở Thái
Bình. Làng ông thường làm gàu sòng mang xuống quê lúa bán vì quê ông
nghèo, lúa ít, bán gàu cũng chẳng ai mua. Thông thường mỗi chuyến đi kéo
dài 1-2 tháng là cùng, nhưng lần đi ấy, Pháp tràn xuống quê ông nên
gia đình ông ở lại Thái Bình. Tuổi thơ ông đi đánh dậm, đơm con tép bắt
con cua, đói khổ nhưng bù lại, những làn điệu chèo của quê lúa dần ngấm
vào máu thịt ông.
Một
tuổi thơ tự lập, một đời trai tự huyễn, một đời người không tự biến
mình, tự lập ngay trong âm nhạc nên ông sống rất thật và đầy trách nhiệm
với từng nốt nhạc.
Nhà thơ Thanh Tùng: Âm nhạc đã chắp cánh cho thơ của tôi.
Tôi viết bài thơ Thời hoa đỏ khoảng năm 1972 khi vừa đổ vỡ cuộc tình cùng người vợ ở Hải Phòng. Thời hoa đỏ là nỗi đau tột cùng thăng hoa thành định mệnh của đời tôi, thành tên gọi của Thanh Tùng. Vài năm sau, Thời hoa đỏ được nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, lúc đó làm trưởng ban thơ Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, xuống đất cảng chơi đã gặp tôi và đem về in lần đầu tiên.
Những năm 80 thế kỷ trước, tôi tình cờ nghe được bài hát của anh Nguyễn Đình Bảng trên sóng phát thanh. Khi ấy, tôi đã thôi làm công nhân ở nhà máy đóng tàu và đang bán sách văn học nước ngoài trên vỉa hè. Cảm giác khi nghe điệp khúc: Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi... khiến tôi tưởng mình đang bay lên. Âm nhạc của anh Nguyễn Đình Bảng chẳng những chắp cánh cho thơ ca mà còn chắp cánh cho tôi vượt qua những hệ lụy đời thường đang trĩu nặng. Tuy nhiên, tôi cũng hơi tiếc cho vài câu thơ mình tâm đắc lại không vào được khuôn nhạc như: Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say.
Bây giờ, thơ tôi cũng được anh Phú Quang phổ nhạc, tôi rất thích bài Hà Nội ngày trở về nhưng ít sướng như gần 30 năm trước khi nghe Thời hoa đỏ. Kỳ lạ là lúc gian khó như vậy, thơ tôi cũng không ra khỏi quỹ đạo thơ chống Mỹ, nhưng lại xuất hiện một Thời hoa đỏ thấm đậm vẻ đẹp buồn, trữ tình. Và anh Nguyễn Đình Bảng đã sẻ chia cảm xúc đẹp và buồn đó cùng chúng ta.
Lời bài hát Thời hoa đỏ:
Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Bước lặng trên con đường vắng năm nao Chỉ có tiếng ve sôi ồn ào, mà chẳng cho lòng nguôi yên chút nào. Anh mải mê về một màu mây xa, cánh buồm bay về một thời đã qua. Em thầm hát một câu thơ cũ về một thời thiếu nữ say mê
(về một thời hoa đỏ diệu kỳ).
Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi Cánh mỏng manh sao xác đỏ tươi như nuối tiếc một thời trai trẻ… Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi, như tháng ngày xưa ta dại khờ Ta nhìn sâu vào trong mắt nhau…
Trong câu thơ của em anh không có mặt, câu thơ hát về một thời yêu đương. Anh đâu buồn mà chỉ tiếc em không đi hết những ngày đắm say. Sau bài hát rồi em lặng im, cái lặng im rực màu hoa đỏ Sau bài hát rồi em như thể em của thời hoa đỏ ngày xưa Sau bài hát rồi anh cũng thế…
Anh của thời trai trẻ ngày xưa Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi… Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi… Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi…
Bài thơ gốc:
(Thanh Tùng) Dưới mùa hoa như lửa cháy khát khao
Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng
Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh
Chẳng chịu cho lòng ta yên.
Anh mải mê về một màu mây xa
Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ
Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa
Em hát một câu thơ cũ
Cái say mê một thời thiếu nữ
Mỗi mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi…
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa một thời trai trẻ
Hoa như mưa rơi rơi
Như tháng ngày xưa ta dại khờ
Ta nhìn sâu vào mắt nhau
Mà thấy lòng đau xót
Trong câu thơ của em
Anh không có mặt
Câu hát về một thời yêu đương tha thiết
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc
Em không đi hết những ngày đắm say
Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ
Không cho ai có thể lạnh tanh
Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ
Như vết xước của trái tim
Sau bài hát rồi em lặng im
Cái lặng im rực màu hoa đỏ
Anh biết mình vô nghĩa đi bên em.
Sau bài hát rồi em như thể
Em của thời hoa đỏ ngày xưa
Sau bài hát rồi anh cũng thế
Anh của thời trai trẻ ngày xưa.
Ca sĩ Lệ Thu hát thành công bài hát thời hoa đỏ.
|
Hai ông Thanh Tùng, một ông vợ bỏ, một ông vợ mất. Mà thơ viết, nhạc soạn đều hay cả. Chả lẽ muốn có thơ đằm, nhạc tuyệt đều...
Trả lờiXóaNguyễn Nga
Trả lờiXóaVợ chồng tôi ở Hải Phòng. Nhà thơ Thanh Tùng là bạn sáng tác cùng thời với nhà tôi (nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa) Nhà thơ thanh Tùng và vợ cũ là Thanh Nhàn đến thăm gia đình tôi nhiều lần. Chúng tôi chừng kiến cuộc đời sáng tác thơ và các mối tình duyên của ông. Chồng tôi có viết một bài về ông và bối cảnh ra đời của bài Thời Hoa Đỏ vào ngày nhận được tin TT mất ở Sài gòn. Cụ thể: Bài Thời hoa đỏ TT in lần đầu tiên năm 1979, lúc nhà thơ TT và bà Thanh Nhàn đang sống hạnh phúc. Năm 1984-1985 gia đình họ tan vỡ vì có người thứ 3 là một nhà văn (cũng ở Hải Phòng chen vào). Mối tình mới của bà Thanh Nhàn cũng chỉ được 3 năm thì tan vỡ, rồi (1986/1987?) bà chạy trốn ra Quảng Ninh và mất vì bệnh tim. Sau khi bà Thanh Nhàn mất nhà thơ TT kết hôn với người vợ thứ 2. Thanh Tùng sống với người vợ này chỉ được 3 năm. Năm 1993, ông vào Sài Gòn và sống với người đàn bà thứ 3 quê gốc Hải Phòng, làm ở công ty vệ sinh (công ty môi trường đô thị bây giờ). Nhà thơ TT không bao giờ được cho là nghiện rượu, dù ông biết uống. Sơ lược cuộc đời nhà thơ TT là vậy.