Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

MẸ VẮNG NHÀ

Tác giả: Nguyễn Thi


Phim Mẹ vắng nhà:



Viết sau khi Người mẹ cầm súng ra đời, vẫn dựa trên những tính cách của đám con chị Út Tịch. Nguyễn Thi muốn bổ sung thêm việc miêu tả tính cách, sinh hoạt của chúng để cắt nghĩa những băn khoăn của độc giảí: vì sao một người mẹ đông con như vậy lại có thể rảnh rang, bình tỉnh theo du kích đánh giặc suốt ngày đêm ? Truyện cho thấy: những đứa trẻ đã sống thật ấm áp trong sự đùm bọc, cưu mang đầy tình nghĩa và trách nhiệm của bà con lối xóm, dù Ba Má chúng luôn vắng nhà. 

Truyện: Mẹ vắng nhà

Nắng đứng ngọn. Gió ngoài sông Hậu vẫn thổi vào lồng lộng. Đã mấy ngày liền sáng nào cũng mưa, trời oi và đục màu khói thuốc. Nắng lên làm cho trời cao trong xanh. Lớp áo cát phủ quanh mình củ khoai lang bị bom hất vung vãi trên vồng bây giờ đã khô trắng và óng ánh dưới nắng. Quanh mái chòi, sau những hơi rung chuyển của đạn đại bác, những hạt mưa cuối cùng còn bám lại chấp chới như những hạt trai.
Con Bé lại leo lên ngọn dừa. Nó đứng hẳn lên một bẹ lá, dòm ra xa. Gió và nắng trên cao đã làm mắt nó long lanh ướt. Nó lắng nghe những âm thanh dội lại từ phía trước mặt. Tiếng bom nổ, tiếng rít của máy bay phản lực, tiếng đò máy chạy ngoài sông, tiếng trời chuyển kéo dài... tất cả đều dậy lên rồi chìm đi ngay trong khoảng không bao la của buổi ban trưa. Nó đang chờ những tiếng nổ rõ hơn. Đó là những tiếng súng trường thường mở đầu cho một trận đánh, nghe chắc như tiếng chày nện đất, rất quen thuộc của chị em. ờ, những tiếng ấy sao mãi chưa nổi lên.
Đêm hôm kia má ghé về nhà một lần. Nước mưa đọng dưới cằm má như những giọt mồ hôi lúc má đứng trên rẫy khoai. Má ôm lấy thằng em nhỏ, tấm choàng của má đụng và mặt con Bé mát lạnh. Thằng em thiu thiu ngủ, má lật đật đi mở hầm lấy đạn nhét đầy thắt lưng và bụng súng, rồi lại đi. Trước khi ra sân, má vuốt tóc con Bé, dặn:
- ờ nhà nấu cơm đừng chắt nước kẻo bị phỏng nghen! Mai má về.
Con Bé nghe tiếng má phóng qua cái mương trước nhà rồi mất đi trong tiếng đại bác rền rĩ và tiếng mưa. Nó nghĩ, cái cầu trơn nên má nhảy qua mương đi cho lẹ.
Sáng nay má lại đi qua nhà. Má ngồi xuồng cùng với các cô du kích. Tiếng má gọi dậy lên từ xa. Chị em con Bé đang lúi húi lùi khoai dưới bếp, kéo nhau chạy ra. Má cạy mũi xuồng, treo trên bến tắm cho chị em nó chùm bánh ú, đưa dầm dứ dứ vào cái bụng của thằng Hiển đang cởi truồng chồng ngỗng, rồi lại bơi đi gấp. Các cô du kích tựa súng vào vai, để lộ hai cùi tay và ngực áo bết bùn, đất, vỗ tay hoan hô chị em con Bé. Chị em con Bé vỗ tay hoan hô lại má và các cô, cái thuyền đầy lá ngụy trang, lô nhô đầu súng, trôi khuất sau lùm cây te tua vì đạn đại bác còn sót lại những cánh hoa dành dành trắng muốt. Từng cuộn nước xoáy do mái dầm bơi nặng tay của má in lại trên mặt rạch. Con Bé chờ nghe tiếng súng nổ. Từ sáng tới giờ nó đã leo lên đó mấy lần. Bốn đứa em đứng dưới nhóng tin chị. Thằng Hiển vẫn cởi truồng, đứng dạng chân, nghiêng cổ, dòm. Con Anh lớn hơn một chút, bắt chước chị, leo lên cây bình bát mé rạch, ngửa cái cổ rám nắng và cái cằm như núm cau nhóng lên. Con Thanh cao hơn con Anh một đầu, nhúm tóc chóp đuôi bò của nó kẹp nhỏng sau gáy, nó đang rán sức bồng thằng em út và chỉ tay lên cái bóng chị cao tít tắp trên ngọn dừa như một con chim, để dỗ em...
Con Bé nhìn về phía đó. Nơi trước đây có những đốm vàng của các rẫy khoai, những đường viền xanh của những vườn cây mà nó biết rất rõ ở đó có những cây bưởi vẫn trổ bông trắng, những đám mía tây đánh lá, những hàng dừa xiêm với tay đụng trái và những rặng mãng cầu trĩu quả. Bom đạn giặc đã xóa đi tất cả. Bây giờ, trong tàn rụi đó, chỉ có thấy nóc gác chuông nhà thờ Bà Mi nhọn hoắt như một lưỡi dao lấp lóa trong nắng bên cạnh cái bóng chuồng cu đen đúa của đồn dân vệ. Xa hơn nữa là lằn sông cái, mây như từng tảng núi đá vỡ ra đang sà mình xuống đó.
Lát nữa, súng sẽ nổ ở hướng đó, nó biết vậy. Đó là mặt trận của má và các cô. Con Bé đã từng đến đó nhiều lần, mỗi lần cô giao liên trên huyện chạy đến nhờ nó đưa giùm thơ hỏa tốc ra cho má. Khi đi, nó hay mang theo cái thúng. Dọc đường về nó sẽ lượm những củ khoai bom hất vung vãi trên vồng hoặc nhào vào những đám mưa trấu phụt ra từ bên hông nhà máy chà gạo, hứng lấy đầy thúng để tối về un muỗi cho em. Nhưng điều thích thú hơn hết là trong những chuyến đi này nó được ghé vào coi trường học. Nó hay giương đôi mắt tròn vo say sưa nhìn cái miệng cũng tròn vo của cô giáo dạy học trò hát. Thỉnh thoảng cô lại vẽ lên bảng những chữ cũng thiệt tròn trịa như chính bàn tay của cô vậy. Con Bé không biết chữ. Nó chưa được đi học vì còn mắc em. Nó nghĩ đến cái trường học như một trò chơi mà cô giáo chính là nó, còn đám học sinh kia là đàn em nó ở nhà. Con Bé chưa kịp được đi học, thì trường đã bị giặc đốt trụi. Bây giờ, đứng trên cây dừa, nhìn xuống cái dãy xanh biếc của vườn chuối nhà trường, mắt con Bé bị ngắt ra từng khúc màu vàng úa. Trong ánh nắng chói chang, nó nhìn thấy những chữ tròn vo màu phấn trắng từ đó chấp chới bay lên. Cô giáo hát hay cũng đi du kích rồi, bây giờ cô cũng đi theo ở hướng đó. Mà sao súng vẫn chưa nổ?
- Thấy má chưa chị Hai?
Đàn em nhóng cổ lên nhìn chị bằng những đôi mắt thèm muốn như chính chị chúng đã mọc ra đôi cánh mà bay lên đó vậy.
- Chưa! - Mắt con Bé vẫn không rời những dòng phấn trắng kỳ lạ. 
Con Thanh ôm thằng em đã tuột xuống đến đầu gối, hỏi:
- Chừng nào dòm thấy?
- Một chút nữa thấy má heng chị?
Con Bé vẫn nhìn về phía lớp học, không trả lời em. Thằng Hiển áp bụng vào gốc dừa, cái miệng ngọng líu của nó rối lên như chị nó đã gọi được má về trên ngọn dừa mà chưa kịp xuống với nó vậy.
- Má dặn sao Hiển? - Con Bé quát.
- Hiển không ngâm nước mừ...
- Má dặn chừng nào má đi đánh giặc thì không được đòi má kia mà!
Từ nhà bên, bỗng có tiếng người hỏi với ra:
- Đứa nào đòi má mày đó, Bé?
- Thằng Hiển đó nội ơi!
Đó là bà Sáu Hò hàng xóm, chị em con Bé vẫn gọi là bà nội. Tiếng bà xen với tiếng nước tưới ào ào:
- Đòi, đòi, đòi... Nhắc nó hoài nó nhảy mũi rồi làm sao. Nơi trận mạc súng đạn chớ dễ dàng gì. Từ rày đứa nào còn đòi là tao đánh nghe không! Leo chi cho em chóng mặt vậy Bé.
- Con dòm má mừ...
- Nó đi đánh giặc, biết ở đâu mà dòm?
Con Bé cười ngấc ngư trên ngọn:
- Nội à, bò ăn dây lang của nội kìa.
Hui... bò... ò! Đó, con đuổi nó đi rồi. Lát má con về nội nấu khoai ăn nghen nội!
- Cha mẹ mầy!
Thường như vậy, bao giờ câu chuyện của lũ trẻ bên kia cũng làm cho bà lão bên này lên tiếng. Bà lão tay cứ làm, miệng cứ rầy. Còn lũ trẻ thì cứ việc làm theo ý chúng, bởi những lời rầy của bà lão thông thường đều là những lời khen. Sự việc đó quen thuộc như hai nhà đã được dựng lên chung một cái sân và đi chung cây cầu mương trước cửa.
Con Thanh là em kế con Bé. Nó vốn ít nói. Khi nào muốn tỏ ra vâng lời thì nó hay đi làm một việc gì đó. Nghe bà Sáu nói, nó xốc thằng em nhỏ lên, lôi thằng Hiển rồi lại kêu con Anh trên cây bình bát xuống. Khi cả bốn đứa đã gom lại thành một chùm thì cả chùm lại nhóng cổ lên dòm chị. Trước mắt thằng Hiển, người mẹ hiện ra như bóng mát của những tàu dừa đang đung đưa qua lại trên thân cây, rồi như có phép tiên, cái hình ảnh lung linh vui mắt ấy bỗng biến ngay vào cái miệng tròn vo của nó, mang theo vị ngọt của những cái bánh, mùi thơm của những trái chuối mà bà con Tam Ngãi vẫn để dành cho chị em nó, gởi cho người mẹ trên đường từ mặt trận trở về. Con Anh thì mong mẹ qua màu vàng lấp lánh của những cục đạn bọc trong túi mẹ. Đó là thứ đồ chơi mà mẹ nó vẫn dạy nó tập đếm. Cái tiếng đếm một, hai, ba quen thuộc ấy giờ đây như đang vang lên trên ngọn dừa rồi cứ âm ỉ mãi trong cái lỗ xỏ bông tai nhỏ xíu của nó.
Con Bé cũng không mong mẹ về. Nó leo lên ngọn dừa như thường ngày nó vẫn leo. Việc đó quen thuộc như cây dừa vốn đã mọc ở trước nhà nó từ lâu lắm. Khi nó mới nói đỏ đẻ được tiếng "dừa" thì cây dừa đã cao nghệu gấp ba nóc nhà nó và thân cây dừa đã sần sùi những vết đạn ngang dọc của thằng Tây. Tuy những vết thương đó đã thâm đen nhưng mẹ nó có thể kể ra từng vết một thuộc lòng như kể chuyện đời xưa của mình. Lần đầu tiên nó tì cái bụng rám nắng vào gốc dừa muốn leo lên thì bà Sáu la rầm lên, nhưng mẹ nó không rầy mà chỉ cười. Như một con cắc kè xinh xắn, vừa tập leo vừa nghênh cổ và mở to đôi mắt đen nhánh nhìn lên ngọn dừa cao vòi vọi. Nó leo lên được một lúc rồi lại tuột xuống. Cho tới một hôm, nó đứng lên được một bẹ lá, hoa mắt nhìn ra xa. Cả đất cả trời, từ bụi chuối tới cây cầu tre, cái gì cũng làm nó reo lên hỏi mẹ. Hôm đó nó hái những trái dừa khô liệng xuống. Nghe tiếng dừa rơi lịch bịch người mẹ ngừng tay, từ trong bếp dòm ra, nghĩ rằng con mình đã có thể nhờ cậy được. Từ đó, người mẹ vác súng đi công tác nhiều hơn, con Bé bồng hết em này tới em khác. Cây dừa xem ra chẳng lớn hơn bao nhiêu so với nó. Ngày ngày nó leo lên đó, như một trò chơi báo tin những nơi bị máy bay bắn cho cô bác xuống hầm. Nó hay đứng say sưa nhìn về phía trường học, nơi có những hàng chữ tròn vo màu phấn trắng bay lên. Đứng trên đó, nó còn nhìn thấy cả những nơi ba má nó đang đánh giặc. Dưới mắt nó, con đò, xóm chợ, rặng trâm bầu, bụi chuối, tất cả đất trời Tam Ngãi đều nhỏ xíu, thiệt ngộ, in như má và các cô các chú người lớn đã xếp đặt ra như vậy. Cũng như chị em nó đã từng lấy gạch vụn bên chùa ông Bổn về xây hầm núp và biến con mương trước cửa thành con sông Hậu để thả xuồng lá tre.
Từ phía lằn sông, bỗng một vừng khói cuộn lên. Con Bé nhổm chân lên dòm. Má đánh rồi chăng. Người mẹ hiện ra trong mắt nó, đầu tiên chỉ là một chấm đen nhỏ xíu mà nó vừa nhận ra dưới một rặng cây nào đó, đám khói kỳ lạ.
- Má sắp về heng chị Hai?
- Thấy má rồi heng chị Hai?
Con Bé không trả lời em, mắt nó không rời đám khói lúc càng bốc cao. Má có nhìn thấy nó không? Đôi mắt nó mở to. Gió ngoài sông thổi vào cái miệng đang há tròn của nó mát rượi.
- Thấy má không chị Hai? Chị Hai không nói mừ...
Nghe em hỏi nhí nhố, con Bé càng tin mình đã nhìn thấy má thật. Dường như má đang xung phong, chụp tay kia chọi lựu đạn, lưng má vẫn choàng tấm vải nhựa ướt nước mưa như buổi đêm má ghé về nhà. Bỗng dưng gò má con Bé mát lạnh. Cảm giác đó làm cho nó nhớ đến bàn tay của má. Bàn tay nhỏ nhắn hay thọc lét vào bụng thằng Hiển. Đêm đêm, mỗi lần má đi chiến đấu về, bàn tay ấy vẫn rờ lên trán chị em nó, làm nó choàng mở mắt dậy. Nó bật la lên: - Má đó! Mấy cô đang chạy theo má đó! Má thổi tu huýt đó! Má ngoắt nữa. Má ngoắt tao đó nghen! - Nó nhún nhảy cười híp mắt, hàm răng chuột trăng trắng lấp ló sau mớ tóc lòa xòa - Hiển ơi, Hiển à, má biểu em không được lội sông nghen! Má biểu con Thanh quậy bột cho em ăn rồi lát nữa má về nghen! Đó! Má chọi lựu đạn đó!... Rồi...
- Má không kêu em ha chị Hai?
- Con Anh hả?
- Ừa.
- Má không nói với mầy.
Cái đuôi tóc như đuôi vịt xiêm của con Anh lắc lia:
- Má có nói mừ...
- Ai biểu mầy giành ăn với em. Đứa nào không ngoan má không thèm về với. Đó, má rượt tụi nó đó! Má đang leo cây ổi đó, thấy chưa? ý, má cầm cờ nữa thấy chưa? Má bắn đùng đó, thấy chưa?
Bốn đứa em há miệng như bốn con chim non:
- Không thấy mừ...
- Em không thấy mừ...
Bà Sáu đang tưới trầu lại phải nheo mắt dòm lên:
- Mầy thấy má mầy thiệt hay chơi, Bé?
- Con thấy thiệt nội à!
- Trẻ nhỏ bây giờ mắt có ông sao thiệt mà. - Tay làm miệng nói, bà lão làm như mấy gốc trầu chính là lũ cháu mình vậy. - Đây ra đó đi cả buổi chớ gang tấc gì ha? Làm sao mà bây dòm thấy? Đã nói nó đang đánh giặc thì đừng có dòm nó, mày nghe không Bé?
- Dạ ạ á á...
Tiếng dạ như tiếng reo làm cho thằng Hiển đã leo lên được một khúc nhất định không xuống. Bắt đầu từ trong đám khói con Bé vừa khám phá ra đó, bây giờ hình ảnh người mẹ lại hiện ra trước mắt lũ trẻ, cao lớn sùng sững như một đám mây. Những buổi trưa vào mùa này, Tam Ngãi hay có những đám mây màu núi đá như vậy. Chúng cuồn cuộn bay qua đầu con Bé, tỏa bóng xuống đàn em nó ở dưới, và văng vẳng lẫn với tiếng gầm gừ của máy bay phản lực như có tiếng má từ trên đó hỏi nó nấu cơm có nhớ đừng chắt nước không? Cho đến lúc đám khói đã tan đi, đám mây cũng bay qua mất, chỉ còn lại một lằn vàng sáng và sắc của lằn sông cái, con Bé lại thấy mẹ hiện ra ngay giữa lằn sông ấy. Đôi mắt má nửa như giận gì nó, nửa như thương nó, muốn ôm lấy nó, má sẽ bồng thằng em nhỏ, con Thanh sẽ được tự do lội xuống rạch ngụp lặn, thằng Hiển sẽ được má cho cầm cây cạc-bin. Con Anh lại được tập đếm đạn. Nhưng má chưa về. Hay là má đã về rồi mà còn núp lại, biết đâu một chút nữa, từ trên ngọn dừa, má sẽ ú dà, ló đầu ra, tóc tai dính đầy sình đất, rồi ôm tất cả mấy đứa vào lòng. 
Trận đánh vẫn chưa xảy ra bởi vì sau khi đám khói tan đi thì cái nóc chuồng cu hót nhà thờ Bà Mi vẫn còn. Trên lằn sông, thấp thoáng thấy màu xanh hoặc đỏ viền dưới hông của những con đò máy trôi qua lại. Trong đám vườn của khu trường học, màu vàng úa đã được che mát bởi bóng mây hồi nãy bay ngang. Con Bé tuột xuống. Đàn em tưởng như chị nó mang luôn cả má xuống theo. Nhưng khi con chị đã tuột xuống tới đất mà không thấy má, lũ em lại dòm ngược lên. Dường như má cùng với trận chiến đấu hồi nãy đã biến mất vào trong những trái dừa xanh biếc đó. Con Bé hiểu ý đàn em, nó gom tất cả lại, nói: 

- Bây giờ chơi đi học, nghen! Đứa nào học giỏi mai mốt má cho đi học thiệt. 

Thằng Hiển nhảy tưng tưng, nhúm tóc vàng hoe tròn ủm của nó phập phồng như đang thở: - Em học giỏi nghen chị, má cho em bắn chóc đùng!
Con Anh giơ cái cằm núm cau ra:
- Em học giỏi hơn nó, em được đi học trước.
- ừ cho đi hết. - Con Bé gật đầu với cả ba đứa.
Đàn em tranh nhau ngồi vào một chỗ. Con Bé kẹp lại tóc, thả ống quần xuống, lấy cái nón của má đội lên đầu. Nó cố bắt chước cái dáng đi khoan thai, một ngón tay móc vào quai nón của cô giáo khi cô bước vào lớp. Đàn em cũng làm y hệt đám học trò, đứng cả dậy cười hắc hắc chào cô. Hình ảnh người mẹ đã biến mất trong mắt lũ trẻ. Bây giờ thì chắc người mẹ hoàn toàn yên tâm để đi đánh giặc ở xa.
Con Bé treo nón lên, mặt tỉnh khô, nó bẻ một nhánh trâm bầu làm thước. Bảng đen thì có sẵn tấm bảng khẩu hiệu ông Sáu và tổ thông tin đã treo bên gốc dừa trước ngõ. Con Bé chưa biết chữ, nhưng các cô du kích đã dạy nó đánh vần thuộc lòng những dòng khẩu hiệu đó. Mấy đứa em chống hai tay ngồi dòm chị. Giống như cô giáo, con chị đưa mắt nhìn đám học trò của mình, cũng với đôi mắt ướt có thể ánh lên những vệt sáng tự hào và thông minh. Nó nhóng chân lên, bàn tay tròn trịa cầm cành trâm bầu nhịp nhịp trên tấm bảng một cách chăm chú. Đàn em há miệng dòm theo tay chị như chỉ sợ hàng chữ sẽ chui tọt vào miệng một đứa nào đó, mất cả phần mình. Con Bé đánh vần từng tiếng: 
- I mờ im, tờ im tim huyền tìm, mờ y my ngã Mỹ, mờ a ma huyền mà, đờ anh đanh sắc đánh... Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt! Bắt đầu heng!
Đàn em líu ríu đánh vần theo. Thằng Hiển ngọng líu, nói không kịp hai đứa lớn. Con Anh ngoe ngoảy bao giờ cũng giành phần đọc xong trước. Nó ngồi giữa con Thanh và thằng Hiển, gọn tròn như một củ khoai, hai má núng nính ửng da mận ngoắt qua ngoắt lại. Con Thanh ngồi cao hơn em một cái đầu. Nó nhìn con Anh bằng đôi mắt nghiêng nghiêng không thèm chấp. Nó có hàng lông mi dài và đã nhìn cái gì thì nhìn thiệt lâu. Tối ngày nó tha thủi ở nhà, kể từ ngày nó biết phân biệt được tiếng máy bay các loại và tiếng nổ của đạn đại bác xa gần để giữ em, thay cho con Bé chạy đi hỏa tốc. Nó ngồi đó, hiền dịu, mở to đôi mắt nhìn tấm bảng, vừa đọc vừa mân mê mái tóc mai, mặc dầu một 
Đan một thứ dụng cụ để bắt cá. tay còn ôm thằng em nhỏ ở trước bụng và bên cạnh nó, con Anh luôn luôn ngoe ngoảy thúc vào người. Thằng em nhỏ nhìn vào miệng ba đứa lớn rồi cũng bi bô la lên rối rít y như trong cuộc này phải có mặt nó vậy.
Bên kia, thấy lũ trẻ đã tụ lại chơi lớp học, bà Sáu đặt nồi khoai lên bếp. Bà vừa chụm lửa, vừa ca kệ nói, làm như lũ trẻ lúc nào cũng ngồi chung quanh bà: - Con mẹ bây à, ờ hồi bằng tuổi bây nó còn cởi truồng leo cau mướn, có khoai đâu mà ăn...
Ngoài kia gió mát rượi như ngồi đưa võng. Bóng lá dừa đu đưa trên đầu lũ trẻ. Tiếng bom nổ và tiếng đại bác dậy lên rồi tan biến đi ngay, chúng không thể lấn lướt được cái không gian vốn đẹp đẽ này. Giọng đánh vần ngọng nghịu của trẻ con lại vang lên, tưởng như cái lớp học bị giặc tàn phá kia đã được dời về đây, dưới gốc dừa mát mẻ này. Đó cũng là nơi ông Sáu, nơi những chiều không mưa, hay ra ngồi đương lọp và nói thơ cho lũ trẻ nghe. Cũng là nơi các cô du kích, mỗi lần bao bót trở về, hay ngồi nán lại để kiểm điểm và ăn bánh. Cũng chính nơi đó qua mỗi ngày gốc dừa lại mang thêm những vết thương mới vì bom đạn Mỹ. Thương tích chằng chịt khắp thân dừa không sao đếm được. Nhiều vết xoáy sâu, mở toang hoác ngay trên những vết đã thâm đen vì đạn Tây cũ. Cũng chính ở đó, khi giặc chạy rồi, khói bom vừa tan, màu cháy xám của thuốc nổ còn ám trên đường xóm, chị em con Bé lại rủ nhau ra moi đầu đạn ghim quanh gốc dừa để dành cho ông Mười quân giới. Bóng lá dừa lại ve vuốt trên lưng lũ trẻ, cũng như từ bao năm nay nó đã che mát khoảng đất trước ngõ nhà. Vào mùa này, cứ mỗi buổi trưa trời tạnh ráo, cây dừa lại như vừa được tắm gội, cao lên vòi vọi. Những tàu dừa rẽ ngôi như tóc chải vươn lên hong nắng. Những vệt nước mưa loang lổ khô dần, thân dừa sứt sẹo lại mang nguyên màu rám nắng của da người.
- Tờ im tim huyền tìm.. Mỹ mà diệt! Diệt Mỹ ngụy, nghen!
Hàng chữ trắng lung linh trong nắng. Lúc treo tấm bảng lên, người dân Tam Ngãi chẳng ai nghĩ rằng ở đây lại thành một lớp học. Ngày ngày, chen vào giữa những đợt bom và đại bác, lũ trẻ chơi lại trò chơi đó. Và cũng vẫn bài học đó, mỗi ngày, những cặp mắt tròn vo của chúng lại mở ra thêm những hiểu biết ngây thơ kỳ lạ mới. Khi thì bà Sáu vừa rầy vừa bưng(1) sang một rổ khoai để lớp học ăn cho no bụng, vì mẹ lớp học vắng nhà. Khi thì đang giữa buổi học, thằng Hiển phát lên tiếng chửi nghe quen thuộc: "ụ ẹ thằng Mỹ", giọng ngọng líu của nó làm cho lũ trẻ cười um lên. Khi thì con Thanh phát hiện thấy bác Hai huyện ủy đứng nép ở bên kia rạch nhìn sang chị em nó thiệt lâu, rồi bác cười. Khi thì con Bé tự cảm thấy mình là cô giáo thật. Cô giáo đã có nón đội đầu, có bao bàng cầm tay, nhưng cô giáo còn phải nói chuyện gì với học trò nữa chớ? Nó nghiêng đầu, ngẫm nghĩ, cười tủm tỉm, vành môi trên hơi cong lên:
- Tìm Mỹ mà đánh là như má đánh giặc vậy, heng! Tụi bây chịu không?
- Chịu mừ. - Con Thanh gật đầu, nhẽn tóc chót đuôi bò của nó ở sau gáy chớp lên một cái, thằng em nhỏ liền níu ngay lấy, cho vào miệng.
- Hiển cũng chịu. Hiển đi với má heng chị?
Thằng Hiển vừa toan nhổm dậy thì bị con Anh ôm lấy cái bụng tròn:
- Tao đi mang đạn cho má bắn chóc đùng, không cho mày đi!
- Má của em mừ...
- Má của tao chớ của mày hồi nào?
Thằng nhỏ càng gỡ, con Anh càng ôm chặt, mặt hai đứa đỏ lơ đỏ lưởng.
Nếu người mẹ trở về, và nếu có thể đem đàn con ra trận được, trường hợp này chắc là má sẽ cho chúng theo. Nhưng lũ trẻ không cần biết điều đó. Trong cuộc giành nhau nầy, đứa nào cũng đinh ninh rằng mình sắp được ôm súng theo mẹ ra mặt trận thật. Bởi vì đối với chúng xem ra chẳng có gì cản trở: con đường đất giồng Tam Ngãi vẫn rộng rãi, sạch mát, ngày ngày đạn đại bác giặc khoét sâu từng mảng trên đó nhưng cũng không cản được chúng chạy qua chạy lại, mẹ chúng cũng vẫn đi trên đó từ nhà ra mặt trận, rồi lại từ mặt trận trở về. Còn bầu trời Tam Ngãi của chúng thì ngay cả trong hơi bom nổ hay trong giấc ngủ cũng vẫn xanh biếc, mênh mông. Đó, bà Sáu ở bên kia lại phải lên tiếng. Con Bé can em bằng cách đánh vần thật lớn lên. Con Anh sợ chị đọc hết nên vội buông thằng Hiển ra. Thằng Hiển đang khóc nhè nhè ê a, miệng cũng đổi ra tiếng đánh vần rất gọn. Lớp học lại tiếp tục. Thường như vậy, người mẹ hiện về trong lòng lũ trẻ rất nhanh, chen vào giữa lớp học, hệt như một bóng xuồng vụt bơi xuống rồi lại vụt bơi đi trên con rạch trước cửa. Dường như má về rất dễ dàng và má ra đi cũng thật nhẹ nhàng. Lũ trẻ đã quen với hình ảnh ấy đến nỗi chẳng bao giờ chúng có ý nghĩ đòi mẹ ở nhà. Chúng giành nhau người mẹ cũng như đã từng giành nhau bầu trời Tam Ngãi này là của chúng, con sông Hậu nhìn ra ngút mắt kia cũng là của chúng. Người mẹ nằm trong những cái quen thuộc ấy. Má đi đánh và cảm thấy không bao giờ vắng nhà. Một đám mây cuồn cuộn bay ngang cũng có thể dễ dàng thay thế má. Ngọn dừa cao vút, nhìn được rất xa làm cho người mẹ vắng nhà hóa gần lại. Trò chơi nhìn mẹ dỗ em của con Bé cũng sinh ra từ đó.
- Tìm Mỹ mà đánh! Đờ anh đanh sắc đánh! Đứa nào đánh vần rõ được chữ đánh thiệt to mai mốt má cho đi học.
- Em mừ - Thằng Hiển nhổm dậy.
- ờ anh anh đắc ánh!
Con Anh quay ngoắt lại:
- Đờ anh đánh sắc đánh, chớ! Mai không cho nó đi học nghen chị Hai? 
Con Bé chẳng những không gật đầu mà lại còn quát lại con Anh, lông mày nó cong lên:
- Mày ngoe ngoảy vậy không cho mày đi. Bắt mày ở nhà giữ em tao đi!
Lập tức hai tay con Anh lắc lia:
- Em giống má, chị Hai cho em đi mừ... Em không ở nhà mừ...
- Mầy giống má hồi nào?
- Má nói má giống em mừ...
- Mầy giống má hay má giống mày?
- Em giống má cái mũi con mèo mừ. - Rồi nó ngửa cổ, muốn khóc giơ cái mũi con mèo lên - Đờ anh đanh sắc đánh... mà không cho người ta đi mừ... 
Con Thanh nói:
- Em giống má cái mắt to, heng chị Hai?
- Em cũng giống má cái tóc nữa -Thằng Hiển bây giờ cũng nói kịp, tay nó cầm chỏm tóc trên đầu lôi lên. Má vẫn xoa đầu nó và kể rằng hồi nhỏ má đi ở đợ, tóc má cũng vàng hoe, cứng còng, in như nó vậy.
Con Bé không vội can đàn em. Chính nó cũng cảm thấy mình giống má. Cô giáo trường làng mà nó đang cố bắt chước đó bỗng biến ngay đi cùng với cái tay đang gõ nhịp của cô. Trước mắt nó, hình ảnh người mẹ hiện ra rõ ràng như có thể ôm chầm lấy được. Nó nói:
- Tụi bây giành nhau, tao biểu má không cho đứa nào đi hết. Ngồi yên nghen! 
Nó nhìn đàn em không chớp rồi lấy tay gạt mớ tóc lòa xòa trên trán như kiểu người lớn gạt mồ hôi sau một việc làm vất vả. Mỗi lần về, má cũng hay nhìn nó và đàn em nó như vậy, trán má cũng đẫm nước mưa và má cũng đưa tay gạt ngang như vậy. Nó dựng nhánh trâm bầu xuống gốc dừa và nghĩ như má vừa dựng cây súng cạc-bin vào gốc cột. Nó vắt hai vạt áo và hai ống quần như kiểu nước mưa trên đường về đã hắt vào người nó. Chúm chúm bàn tay, nó giúi vào bụng mỗi đứa một cái, nói:
- Cho mỗi đứa một cái bánh nè... -Rồi bẽn lẽn, vành môi trên hơi cong lên, nó nói tiếp
- Tao cũng giống má, heng!
Con Thanh gật đầu. Thằng Hiển dòm lom lom vào tay chị để tìm xem còn có cái gì nữa không. Con Anh lắc đầu:
- Chị Hai không giống má mừ...
- Sao không giống?
- Không phải bánh, mừ...
Con Bé ngoắt người đi:
- Mầy nói tao không giống, lát má về tao không chia bánh cho mầy nữa. Rồi, ai biểu mầy nói tao không giống má.
Con Anh khóc:
- Không... giống thiệt mà...
- Để một mình mầy giống hết, nghen!
Lập tức con nhỏ nín ngay.
Lớp học rộn lên vì người mẹ rồi lại tiếp tục. Bóng dừa đã hơi ngả sang một bên. Sông Hậu mênh mông thỉnh thoảng lại thổi vào Tam Ngãi những cơn gió biển. Trong gió nghe như có tiếng hát. Mùi cá muối lẫn với mùi bom na-pan từ những xóm cồn cũng theo vào. Những con vồng màu phù sa hiện ra với nắng nhấp nhô như những lượn sóng. Trên đầu những ngọn sóng ấy, đường xóm trải dài cùng với những bóng tre, bóng dừa và bóng trẻ con qua lại. Như những ông già Tam Ngãi thường nói, sau này miền Nam giải phóng, bắt cả bọn Mỹ, ném cho mỗi thằng một cái xẻng, hẹn cho chúng một thời gian phải lấp cho hết những hố bom, hố đạn đại bác chúng đã gây ra trên miếng đất sinh sôi này.
- Tờ im tim huyền tìm Mỹ mà đá  đánh!...
Như con chim biển lần đầu tiên dang cánh lướt mình trên sóng, con Bé cũng đang muốn tìm hiểu ý nghĩa lớn lao của mặt biển trải ra sau hàng chữ đó. Nó nghĩ phải nói thêm với đàn em những gì nữa chớ? Nó thương cây dừa trước ngõ, vì hàng ngày nó leo lên đó nhìn má -Có phải nói như vậy không? - Nó thương má lắm, vì thằng Mỹ chưa chịu chết hết nên má còn phải đi đánh chúng, má vắng nhà hoài nên cứ thương má hoài.
Lớp học kết thúc vì bà Sáu kêu tất cả sang ăn khoai. Gốc dừa còn đó, tấm bảng khẩu hiệu cũng còn treo đó, ngày mai hoặc chỉ một lát nữa, con Bé sẽ gom đàn em lại đây. Bài học đầu tiên sẽ vang lên, níu chân những người qua lại. Chắc chắn hình ảnh người mẹ sẽ lại trở về trong mắt lũ trẻ, má sẽ chen vào lớp học, vội vã mà khoan thai, chùm bánh ú mang trên đầu súng, đôi mắt to long lanh của má sẽ nhìn đàn con như muốn ôm chặt từng đứa vào lòng.
Rổ khoai đã gần hết, con Bé chưa kịp nói ý nghĩ thương má của mình với đàn em thì từ phía Bà Mi, bỗng súng nổ rộ lên, bắt đầu là những tiếng súng trường nghe chắc nịch. Bà cháu kéo cả ra sân. Không gian lặng hẳn lại, nhường cho tiếng súng dội về mỗi lúc một căng. Lũ trẻ đứng dòm chị. Con Bé nghiêng tai, vành môi cong cong của nó hơi động đậy rồi thình lình mở to: 

- Má đánh rồi!
Lập tức nó leo lên ngọn dừa. Bà Sáu can không kịp. Bà lọng cọng gom mấy đứa nhỏ rồi cũng đứng nhóng lên, chờ tin nó. Khói đã che mất cái chuồng cu bót Bà Mi, chỉ còn cái nóc nhà thờ nhọn hoắt đâm lên giữa đám khói như một cái đinh.
- Đúng má đánh rô ô ô ì...
Con Bé thét lên lanh lảnh, rõ hơn. Đúng là má rồi! Má đang bắn, đang đốt lên những đống lửa kia. Lằn sông cái bị khói che mất một khúc. Cánh đồng cạnh đó đen lại.
- Má đốt bót rô ô ô ì...
Súng nhỏ nổ rát hơn. Tiếng súng lớn dồn dập nghe lồng lộng. Cả xóm đổ ra, nhóng lên ngọn dừa. Tiếng reo của con Bé bay xuống, lẫn vào trong tiếng dọn dẹp của bà Sáu, tiếng bơi xuồng vội vã trên rạch và tiếng gọi con ơi ới của các bà bên xóm chợ. Đám khói lúc càng bốc cao. Đó, con Bé lại nhìn thấy một chấm đen vụt thoáng qua trong đám khói. Từ đây đến đó xa lắm, con sông Hậu chỉ nhìn thấy như một lằn nhỏ vàng rực, nhưng biết đâu cái chấm đen đen ấy chẳng phải là một con người? Có ai cãi lại với nó đó không phải là má đâu!
- Má xung phong rồi nghen! Tiến lên má... á... á... - Tiếng nó kéo dài, văng vẳng. Chắc má đã chạy vào trong đám khói rồi. Các cô du kích đang chạy theo má. Cô Thà, cô giáo ở cái trường làng bị giặc đốt đang chạy lên, một chút bụi phấn trắng còn vương trên vai áo. Súng nổ rộ hơn.
Tiếng súng quân ta xung phong... Con Bé tụt xuống dưới gốc thì đàn em đã sẵn sàng. Thằng Hiển ôm tiểu liên, con Anh vác súng máy, con Thanh đeo "bá đỏ", thằng em nhỏ cầm cờ. Nhánh trâm bầu vẫn dựng sẵn ở gốc dừa, con Bé cầm lấy, đó là cây cạc-bin.
Nắng chiều viền quanh đám khói, hắt ra chung quanh những tia lửa đỏ rực. Bắt đầu từ vách lá sau nhà, lũ trẻ xung phong vọt qua bờ mương núp sau gốc dừa trước ngõ, nổ súng về phía trước thật dữ dội.
Sáng hôm sau, giữa lúc máy bay đang quần đảo, có một người đàn bà vác súng, tay cầm lá ngụy trang, bước vào trong xóm. Tiếng cười đi trước, con người đi sau, cả xóm len theo bóng cây nghe chuyện chiến đấu của má. Má vắt tấm choàng lên vai, trao súng cho con Bé, cây súng có treo chùm bánh ú, rồi ôm lấy mấy đứa con. Đi vài bước, má lại dừng để trả lời cô bác. Cả xóm ai cũng muốn hỏi thăm má một câu. Tiếng má kéo dài trên đường xóm. Thằng nhỏ trên tay má bi bô, cạy những miếng bùn khô dính trên áo mẹ. Lũ trẻ chạy theo mẹ như lũ gà con.
Con Anh chạy lon ton lên trước chân mẹ như sợ mấy đứa kia sẽ tranh hết phần mẹ của mình. Nó nói:
- Con thấy má xung phong mừ...
- Con cũng thấy má nữa...  Thằng Hiển nói theo.
- Thấy làm sao? - Người mẹ hỏi.
- Thấy má vậy nè...
Nó chụm hai chân, nhảy tới một bước như kiểu má nó vẫn nhảy qua bờ mương trước cửa.
Thấy thằng Hiển được mẹ hỏi, con Anh vội níu lấy áo mẹ:
- Con cò lót ổ cây đa heng má, má đi đánh giặc cho con, không phải cho thằng Hiển heng má?

Thằng Hiển vội níu lấy tay mẹ như đánh đu:
- On... ò... ót ổ ay đa, cho on nữa heng má?
Người mẹ cười xoa mớ tóc tròn ủm của đàn con: 
           - Ừa, cho hết mấy đứa.
Bà Sáu bỗng lên tiếng, bà đang nhắc rổ khoai trên gác bếp xuống: - Nó đang ở với tao, mẹ đám bây về cho nó lý con cò con vạc om sòm vậy? 
Người mẹ cười ngất, môi má thoáng vết trầu đỏ tươi. Má xốc luôn thằng Hiển lên một tay nữa, hít vào má nó, rồi cả hai tay bồng hai đứa con, má bước nhẹ nhàng qua cây cầu mương trước cửa vào nhà đi thẳng xuống bếp. Đó là má Nguyễn Thị út, người anh hùng của quân đội chúng ta.
Bót Bà Mi bị san bằng. Trường học đã lập tức được dựng lại. Tối hôm đó, má út bảo con:
- Lát má đi mượn xuồng, ngày mai con Bé dắt em vô trong Bà Mi, chở gạch vụn trên bót về xây hầm núp ngoài trường mới với các bạn. Trường làm xong, má cho chị em bay đi học hết.
Con Bé vừa rửa chân vào. Nó cứ để nguyên hai ống quần đang xả dở dang, mở to mắt như hai miệng ốc, dòm mẹ. Đàn muỗi từ ngoài sân theo vào vây quanh khuôn mặt nó, vo ve trước cái miệng há tròn của nó. Bộ dạng nó tựa như đang hát. Bài hát mà nó đã từng đứng nghe một cách rất say sưa khi ghé ngang lớp học, mỗi lần cầm thư hỏa tốc ra mặt trận cho má, trở về.
- Má cho con đi học thiệt nghen!
Nó thót lên giường, xổ mớ tóc của má xuống lưng, vừa chải vừa tẩn mẩn tết lại từng bím một. Cho đến lúc má ru xong thằng em ngủ, tóc má đã thành một bím dài, trông lạ hoắc, giống hệt như cô giáo sắp tới của nó vậy.
Rồi một buổi sáng, con Bé dắt đàn em đi học, mọi cái đối với nó đều vừa quen thuộc, vừa bỡ ngỡ. Vẫn cô giáo du kích, niềm ao ước mai sau của nó đó, một tay cầm nón, một tay ôm bao bàng. Vẫn gian lớp học mà chị em nó vừa góp sức làm ra. Cô giáo kể chuyện đánh giặc thật là mê. Trên bàn cô bây giờ có thêm một cây súng chiến lợi phẩm thật mới. Mỗi lần máy bay tới bắn phá xóm, cô dẫn lũ trẻ ra hầm núp, bàn tay đầy phấn trắng của cô chong súng theo máy bay. Buổi trưa, trời trong, chị em con Bé lại được cô dẫn ra chỉ cho thấy cây dừa trước ngõ nhà mình. Giờ này, má lại vắng nhà. ở xa chỉ thấy gió biển làm cho những tàu dừa khẽ đu đưa, giống hệt như má đang đứng đó vuốt tóc nhìn chị em nó.
                                                                                        6-1966
                                                                                     Nguyễn Thi

1 nhận xét:

  1. Một Nam Cao mới của Đất Nam Định, xuất sắc. Giá Ông không hy sinh...

    Trả lờiXóa