Tác giả: Nguyễn Quang Quân (Huy Nguyên)
1. Hồi còn công tác, có thời gian tôi phụ trách một Nhà Văn hóa cấp
huyện. Khuôn viên Nhà Văn hóa huyện rất rộng, tòa nhà xây cất hiện đại, một hội
trường với 600 ghế ngồi và 6 phòng làm việc với các thiết bị và tiện nghi sinh
hoạt đầy đủ. Riêng tôi, ngoài phòng Giám đốc làm việc ở tầng trệt, còn có một
phòng nghỉ ở trên lầu, có giường tủ đầy đủ để ngủ nghỉ lúc nào tùy ý. Công việc
ở Nhà văn hóa thì nhàn, ngoài công tác nghiệp vụ không nhiều do các tổ chức
năng thực hiện, thỉnh thoảng anh em phục vụ các đại hội, hội nghị, lễ lộc của
Huyện ủy, Ủy ban huyện ở hội trường. Khi có các đoàn hát về mướn hội trường để
diễn, anh em phải làm việc cả ngày lẫn đêm. Cực nhưng vui, vai trò cán bộ Nhà
văn hóa lúc này trở nên quan trọng hơn, vì phải cùng với đoàn hát làm nhiệm vụ
quản lý, tổ chức đêm biểu diễn, từ khâu phân phát giấy mời, bán vé, giữ gìn
trật tự….Những lần như thế, về đêm tôi thường ở lại phòng nghỉ, vì các buổi
biểu diễn tới khuya mới kết thúc, và sau đó tôi phải nhắc nhở, coi ngó việc dọn
dẹp, thu xếp hậu trường.
2. Hôm đó, đoàn cải lương Sài Gòn về biểu diễn vài buổi. Xe chở
đoàn và tư trang về mấy chiếc xe tải lớn. Thường những lúc này, tôi cho dọn dẹp
mấy phòng sinh hoạt câu lạc bộ, dành chỗ cho nhân viên của đoàn nghỉ tạm. Một
số khác, thường các cặp vợ chồng, sau buổi diễn đem đồ ngủ lên tầng lầu hội
trường, mắc võng hoặc trải chiếu ngủ cho thoải mái. Chỗ đó nằm trên lối đi về
phòng nghỉ của tôi. Đêm diễn đầu tiên rất thành công, hội trường đông nghẹt,
khán giả đứng choán các lối đi. Đông vui lắm và chúng tôi cũng mệt nhoài vì
công việc. Như thường lệ, tối đó tôi ở lại, ngủ trong phòng nghỉ. Sáng hôm sau,
tôi dậy sớm, rời phòng lúc 5 giờ, về nhà. Vừa mở cửa bước vào hội trường, tôi
nghe tiếng rên rỉ nhè nhẹ, và trong ánh sáng nhờ nhờ của ngọn đèn bảo vệ từ
ngoài hành lang chiếu vào, hiển hiện một cặp nam nữ đang ôm riết lấy nhau làm
tình trong mùng, chăn phủ hở hang, chiếu ngủ xộc xệch trải tạm dọc hàng ghế.
Góc bên kia, là một cặp đang còn chìm trong giấc nồng, bộ ngực người đàn bà
phơi trần khá rõ. Cảnh tượng này cũng bình thường, nhiều lần tôi thoáng thấy
khi các đoàn hát về diễn, tôi cứ làm lơ, đi qua họ, về lối cầu thang xuống
dưới, mở cổng lấy xe ra về.
Thường buổi tối làm việc, sáng hôm sau, chỉ cần bảo vệ trực, bộ phận
hành chính có mặt, các nhân viên khác có thể nghỉ bù, tuy nhiên vì nhà gần, tôi
cũng đảo qua cơ quan lúc 9 giờ để kiểm tra và xử lý các công việc cần thiết.
Ngồi ở sa lông trà nước khoảng nửa giờ, tôi ra khỏi phòng đi bách bộ kiểm tra
qua tình hình khu vực. Đến góc sân sau, dưới tấm bạt che nắng, một cặp nam nữ -
chắc là vợ chồng diễn viên đang lui cui nấu nướng. Anh chồng thì nhễ nhại mồ
hôi chụm bếp, chị vợ thì ngồi trên khúc cây phe phẩy chiếc quạt. Thấy tôi đi
qua, nhìn vào, họ nhoẻn miệng cười, gật đầu chào. Tôi thấy vậy ghé vào, cũng là
để thăm hỏi xã giao.
- Sao anh chị không ra quán ăn cho tiện, giá cả ở đây rẻ lắm!
Anh chồng nhanh nhẩu nói:
- Anh thông cảm, vợ em không thích cơm nước hàng quán, nên tới đâu em
cũng
đi chợ nấu ăn cho cô ấy!
Khuôn mặt anh ta trông quen quen. Họ có vẻ biết rõ vai trò của tôi ở
đây. Bắt gặp cái nhìn chăm chú của tôi, anh này có vẻ bẽn lẽn, ấp úng nói:
- Xin lỗi giám đốc chuyện hồi sáng. Không ngờ giám đốc dậy sớm thế!
Tôi hơi ngớ người, nhưng hiểu ngay. Chắc là cặp hì hục sáng nay. Tôi lờ
đi, như không biết, nói vui:
- Anh cũng giỏi đấy nhỉ? Anh chị là diễn viên à, đóng vai gì trong vở
diễn lúc tối
vậy?
- Dạ, em đóng vai vua, còn cô ấy chỉ là nhân viên phục vụ của đoàn.
- À, tôi nhớ rồi, trong vở diễn có một ông vua oai nghi lẫm liệt đã ra
lệnh giam
vào lãnh cung một bà thứ phi dám can thiệp vào việc triều chính. Nhưng
sao vua không đưa vợ xuống thành phố ở khách sạn, ăn nhà hàng, mà thổi
nấu vất vả thế này?
- Em chỉ là diễn viên hạng ba thôi mà! Vai vua là dễ nhất, ai đóng chẳng
được. Chỉ xuất hiện mươi phút, ngồi đó cho quần thần thưa thốt, nói mươi câu
theo kịch bản có sẵn là xong. Tụi em hưởng lương công nhật, đâu có bao nhiêu.
Chỉ có các diễn viên ngôi sao, lãnh thù lao cao mới ăn ở như thế. Tụi em thì
sao dám với được!
Thường các đoàn ca kịch cải lương của Sài Gòn về tỉnh lẻ diễn, họ thu
hút rất đông người xem là nhờ sự có mặt của các ngôi sao tên tuổi. Các nghệ sĩ
tài danh này thường đi xe riêng, họ về nghỉ tại các khách sạn ở thành phố.
Trước buổi diễn, họ đánh xe lên, hóa trang và bắt tay vào diễn ngay. Diễn xong,
ra xe về lại khách sạn. Chỉ có các diễn viên hạng xoàng, các nhân viên phục vụ
mới đi xe của đoàn, và trong thời gian lưu diễn họ đành ăn ngủ theo sự sắp xếp
của đoàn và của địa phương. Anh bạn này cũng thế, trên sân khấu thì làm vua,
nhưng xong vai diễn, anh trở về với đời thường khốn khó, cùng vợ ăn ngủ tạm bợ
thế này. Vai chính trong vở diễn do các đào kép tài danh đảm nhận, thường là
những con người với cuộc đời khốn khó, chịu nhiều đày ải, gian truân. Nhân vật
chính chịu nhiều đau khổ theo số phận, bằng tài năng và bản lĩnh riêng, họ phấn
đấu vượt lên phận số, tìm được cuộc đời tươi sáng, hoặc chìm lấp trong số phận
đau thương. Tất cả tùy thuộc vào kịch bản của các soạn giả và bàn tay dàn dựng
của đạo diễn. Trong tôi bỗng dưng nảy sinh một ý nghĩ, và tôi nói với anh bạn
diễn viên:
- Giữa sân khấu và cuộc đời hình như có nghịch lý này. Các diễn viên
đóng vai chính, trên sân khấu họ thể hiện những cuộc đời đau khổ, gian truân
làm rơi nước mắt bao người, nhưng khi về với cuộc đời thực, họ là những người
giàu sang, sung sướng. Còn những diễn viên như anh, trên sàn diễn là ông vua
với quyền hành tuyệt đối, phú quý không ai bằng, nhưng rời sân khấu, anh về với
cuộc sống khó khăn, khổ nghèo. Theo anh thì tại sao như vậy?
Anh chàng có vẻ lúng túng trước câu hỏi bất ngờ của tôi. Chị vợ lanh lẹ
hơn, cướp lời chồng:
- Có gì mà khó hiểu, do tài năng chứ sao! Anh có tài mới thành nghệ sĩ
ngôi sao, mọi người hâm mộ, được trả thù lao cao ngất, còn diễn viên tôm tép
như chồng em, tài hèn sức mọn thì nhận lương thấp, thu nhập có khi không dủ ăn,
cũng phải thôi!
Chị ấy nói đúng. Tài năng thì ở đâu cũng được trân trọng và người tài
xứng đáng có thu nhập cao, có quyền hưởng cuộc sống vật chất đủ đầy. Sân
khấu diễn về cuộc đời, nhưng nếu cuộc đời như vở diễn thì buồn lắm, vì như thế
cái giả dối lan tràn. Người nghệ sĩ lên sân khấu đóng vai, nhưng trở về với đời
thường, họ phải sống thực như bao người khác. Nếu tiếp tục diễn, sẽ chắng ai
tin, vì nó kệch cỡm, ngu ngốc, lố bịch làm sao! Tôi thấy buồn buồn với ý nghĩ
ấy, nên đành dừng câu chuyện ở đây!
20.9.13
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét