Lê Chí Trung
Bây giờ mà thở ra nhớ thời bao cấp không
khéo có người lại bĩu môi cho mình là cái nhà ông Lý Toét dở hơi cám
lợn... Ờ, nhân nhắc đến từ “Lý Toét” mới thấy cuộc đời này ngày càng lắm
Lý Toét, với cái kiểu trùm chăn lên lớp con cháu: giờ chúng mày sướng
lắm rồi, đầy đủ lắm rồi, nếu so với thời đói rách của tụi tao... Hừ.
Thật buồn cười.
Trong
thời đại bùng nổ về phát triển, những bước tiến chóng mặt của khoa học
kỹ thuật vừa ngày càng kéo gần khoảng cách giữa con người trên trái đất,
vừa ngày càng đưa nhân loại tiến xa hơn vào vũ trụ, vậy mà loại tụt hậu
như anh, đi bộ được vài mươi bước đã bảo là sướng lắm rồi?...
Có
thể mình cũng giống ông Lý Toét thật, ngồi quán cóc Sài Gòn những ngày
sắp đón năm mới Giáp Ngọ, bỗng nhớ thiết tha thời bao cấp.
Ôi,
có rất nhiều chuyện ở thời bao cấp mà mỗi khi hồi tưởng lại không khỏi
ngán ngẩm tự hỏi “lẽ nào đó là những gì mình đã trải qua?”. Ngay giữa
thủ đô Hà Nội, suốt mấy chục năm từ 1960, khắc vào ký ức cuộc sống đô
thị là cảnh người ta hau háu chen chúc, thậm chí cãi vã nhưng vẫn tuân
thủ việc xếp hàng, bằng rổ rá rách hoặc bằng một cục gạch vỡ đôi, để mua
mỗi người một lạng thịt tiêu chuẩn hàng tháng, lại còn bị mấy bà mậu
dịch viên vênh mặt quát tháo như chủ quát đầy tớ...
Rồi
thì cảnh lọ mọ dậy từ hai ba giờ sáng, chen lấn xếp hàng để gánh được
mỗi nhà một gánh nước máy chảy ri rỉ ở vòi nước công cộng... Cảnh nhăn
nhó bấm bụng xếp hàng chờ đến lượt được chui vào nhà xí công cộng (vừa
hôi vừa dơ) ở các khu tập thể trước giờ đi làm buổi sáng...
Những
cảnh bây giờ nhớ lại thấy buồn cười hơn là chua xót. Chẳng nói đâu xa,
ngay ở cái phố ngoại ô nhà tôi thuộc quận Ba Đình hẳn hoi đấy nhưng rất
nhiều gia đình không có nổi cái nhà xí, phòng tắm trong nhà. Nhớ những
ngày hửng nắng trong mùa đông dài rét mướt, đám trẻ con phố tôi con gái
con trai tồng ngồng hứng nước tắm giữa sân cho đỡ phải xách vào nhà vừa
xa vừa sợ nước mất hơi ấm...
Thời
ấy ai cũng biết rằng cuộc sống của mình quá khổ, nhưng xung quanh mình
ai ai cũng đều sống như vậy, không còn cách nào khác để tồn tại, để chia
sẻ tình cảm mến thương với đồng bào miền Nam, để sẵn sàng hi sinh tất
cả cho tiền tuyến trong cuộc chiến đấu giải phóng đất nước. Đã có một
thời bất thường như thế trong dòng chảy lịch sử của một đất nước luôn
phải vùng dậy, đứng lên trước những cuộc chiến tranh xâm lược của những
nước lớn tự cho mình cái quyền bành trướng thiên hạ.
Tôi
không phải là nhà chính trị, càng không muốn biện minh hay thi vị hóa
sự hỗn mang nghèo đói của cái thời bao cấp đói kém, khốn khổ ấy, nhưng
đúng là đất nước này thời ấy không còn con đường nào khác để xông tới
đương đầu với những cuộc chiến tranh bất khả kháng, để được trở thành
một quốc gia độc lập.
Cuộc
sống luôn có được và mất. Giờ đây có rất nhiều điều, mà nếu bình tâm
hơn, ta lại thấy con người và bộ máy công quyền chưa chắc đã đẹp hơn cái
thời bao cấp. Ngày ấy gần như không có quan tham nhũng nhiễu người dân,
không có những vụ tham ô gây thất thoát công quỹ tương đương thu nhập
bình quân một năm của cả mấy chục ngàn gia đình người lao động... Quá
lắm cũng chỉ có vài anh cán bộ tham nhũng vặt, bớt xén vài cân đường,
hộp sữa. Con người thời bao cấp ấy sống hiền hoà nhẹ tênh, không chà đạp
lên nhau, chà đạp lên mọi giá trị, không cuống cuồng bất chấp tất cả để
mưu cầu danh lợi.
Tôi
biết, có những ông cán bộ cấp trung ương đã vừa không nhận quà biếu vừa
mắng xa xả khi người thân quen được giúp đỡ đến nhà cám ơn. Có những
bao thuốc lá tiêu chuẩn quý giá mà người hàng xóm tặng cho đám thanh
niên lên đường ra trận. Có những thầy cô giáo, thầy thuốc, kể cả mấy anh
công an khu vực... khi người dân cần đến họ đã luôn sẵn sàng phục vụ
hết lòng mà không một cử chỉ, câu nói mưu cầu lợi ích. Thanh niên trí
thức và cận trí thức thì mê mệt Ruồi trâu, Thép đã tôi thế đấy... bởi họ
khát khao được sống, được dâng hiến đời mình cho sự nghiệp cao đẹp đấu
tranh giải phóng con người như các nhân vật trong sách. Tất cả những cái
đó phải đâu là sự u mê lý tưởng? Với chúng tôi đó chính là cái đạo làm
người, là sự trong trẻo hơn tất cả những triết lý mang màu sắc tôn giáo,
chính trị.
Mẹ
tôi mất vào một trưa mùa đông năm 1968. Ngay từ sáng sớm bà đã bò ra
khỏi giường bệnh, lén mua mấy gói xôi đi thăm hỏi mấy bà bạn già trong
phố. Dường như bà linh cảm trước cái chết và không muốn ra đi không một
lời từ biệt bạn bè... Lại có gia đình người mẹ của bạn tôi ở khu tập thể
3B Ông Ích Khiêm, quận Ba Đình, nhận nuôi con của bạn bè đi chiến
trường với một lời cam kết tự nguyện, rằng từ bây giờ tôi có thêm đứa
con thứ tư, nếu chẳng may anh chị không thể trở về từ cuộc chiến tranh
khốc liệt thì tôi sẽ mãi mãi là mẹ của cháu. Hay là việc nhường nhau
suất xe đạp phân phối quí như cái xe gắn máy đời mới bây giờ cũng chẳng
phải là chuyện hiếm thời những năm sáu mươi, bảy mươi ấy.
Những
chuyện đối nhân xử thế kiểu này ngày nay hơi xa lạ, mà nếu kể ra không
hợp ngữ cảnh người ta lại cho rằng mình ngụy tạo. Tôi cứ nghĩ vẩn vơ,
không biết có được bao nhiêu con người hôm nay tự hỏi mình, ta đã sống
ra sao cho cuộc sống này và liệu chúng ta đã tử tế hơn những gì tốt đẹp
của ngày hôm qua mà đôi khi ta giễu cười trong tâm thức? Liệu có được
bao nhiêu người trong chúng ta hôm nay băn khoăn khi chứng kiến cuộc
chạy đua tỷ lệ nghịch giữa một bên tiện nghi vật chất ngày thêm chất
chồng sau những quay cuồng, giành giật với một bên tâm hồn con người
ngày càng teo tóp, nghèo nàn thảm hại?
Ai
cũng quen tặc lưỡi đổ thừa tất cả cho mặt trái của cơ chế thị trường để
được vô can trách nhiệm. Khổ nỗi, cái trách nhiệm muôn đời về việc sống
tử tế đâu chỉ đặt trước cửa các cơ quan công quyền, mà còn (và trước
hết) ở mỗi thành viên trong xã hội. Sự suy thoái đạo đức ngày càng
nghiêm trọng của xã hội hôm nay có phải do chúng ta chỉ dồn sức chạy
theo các dự án chục tỷ, trăm tỷ, nghìn tỷ, mà xao lãng xây dựng nền móng
đạo đức, lối sống ngay từ trong gia đình, ngay từ trong trường học và
ngay từ những khẩu hiệu trên đường phố khiến cho chúng trở nên nhạt
nhẽo, vô cảm?
Cuộc
sống thời nào cũng vậy, ngoài cơm ăn áo mặc còn rất cần những giấc mơ
và lòng tử tế để nuôi dưỡng tâm hồn. Sự lãng mạn của con người không chỉ
gói gọn trong những chuyện “Hồn bướm mơ tiên”, cũng không phải thứ tình
yêu da diết một chiều bất lực... Nét đáng yêu nhất của sự lãng mạn
phải chăng là khi con người được sống là mình, sống với chính mình - mà
dường như đó lại là cái mà chúng ta đang thiếu?
Cà
phê Sài Gòn cuối đông mà không có mùa đông, không có cái rét phong
phanh cắt da cắt thịt như ở phương Bắc. Nhưng hoài niệm về sự co ro
trong giá rét, giống như cái thời bao cấp ấy, vẫn có nhiều nét đẹp khó
phai mờ trong tâm thức. Nhớ đấy một thời, chỉ xin đừng như cái nhà ông
Lý Toét trùm chăn, hé mắt nhìn ra...
Người Đô Thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét