Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

NĂM MỚI 2015-Ất mùi NĂM CON DÊ








Năm mùi nói chuyện dê
Những ngày xưa thân ái trên quê hương dù ở đâu chăng nửa, chắc hẳn không ai có thể quên được tiếng chim cu gù vang trong bụi cây vào những buổi trưa hè gay gắt, điệu sáo diều vi vu trong gió hòa lẫn từng hồi trống thu không dồn dập, báo hiệu chiếu tà, để bọn mục đồng kịp lùa trâu về chuồng trước khi trời tối. Rồi còn mái đình, cổng làng,lũy tre xanh, ao bèo, ngỏ xóm và vui nhộn nhất là tiếng kêu be be của đàn dê nhà vào mỗi buổi sáng. Bức tranh quê thật sống động, gây rạo rực hồn người, khi chứng kiến hoạt cảnh về hình ảnh của chú dê xồm, đang vểnh râu chờ đợi trước cổng chuồng, hinh mũi, ghết đầu,nghiêng cặp sừng dài về phiá sau, rất hiên ngang và oai phong lẫm liệt, càng làm nổi bật hàm râu của ' bác ' phất phơ trước gió sớm và sau đó với chiến thuật ' đánh nhanh đánh mạnh để tiến lên ... ' nên chỉ trong vòng vài phút, chàng đã làm tròn bổn phận với đám thê nhi thuộc quyền từ tơ, sồn sồn cho tới gái già, không bỏ sót một mạng. Tất cả rất thơ mộng và tình tứ, như hình đã hằn sâu trong tâm thức nhân gian khó làm ai quên được.
Là một con vật thân thuộc trong nhà, Dê được nuôi để lấy thịt , sữa và gần như tất cả các bộ phận trong cơ thể mà con người gọi là thuốc quý. Nhược điểm truyền kiếp của dòng họ nhà dê là mùi hôi và trên hết khả năng sinh lý thượng thừa của chàng dê đực, khiến cho các bà các cô ghét dê cay đắng. Tóm lại trong 12 con giáp, dê coi như không giống con nào, nên luôn là đầu đề của những mâu thuẩn, ghét thương, khiến cho nhiều nhà sinh vật học khi nghiên cứu con vật này cũng phải ngẩn ngơ,không biết sao mà kết luận.
Tuy nhiên có một việc mà ai cũng phải công nhận là dê bị người ngược đải và đối xử bất công. Điều này đã được thể hiện một cách rõ ràng trong ngôn ngữ VN, khi con dê được dùng làm đề tài để chỉ các chàng thích hảo ngọt, mỗi lần gặp đàn bà con gái , nhất là người đẹp , thì mắt chàng tròn xoe và lóng lánh như hai hòn bi, còn tay chân thì quơ quào múa may loạn xạ như con bạch tuộc. Ấy vậy mà người và con bạch tuộc thì chẳng hề hấn gì, còn dê vô cơ, vô duyên và chẳng hề đụng chạm tới ai, lại bị các bà các cô ghét bỏ thậm tệ, dù hầu hết mỗi lần đi chợ, ai cũng cố công tìm cho được thứ ngọc dương, về chưng thuốc bắc cho ' chàng ' xơi, để thêm tráng dương bổ thận.  Bên trời tây, dê cũng bị lăng nhục, qua các thành ngữ Anh-Mỹ, chẳng hạn như ' wear goatces ' dùng chỉ các chàng có râu cằm giống dê xồm, hay ' to get one's goat, really got my goat, getting another man's goat, don't look down, that what got my goat.. ' ' ' đều mang chung nghĩa bực mình, hằn học, gây chuyện. Nhưng nếu như thế thì quả thật là tréo cẳng ngỏng, vì ai cũng biết, ngay từ thời thượng cổ, từ Hy Lạp, Ấn Độ qua tới Trung Hoa, dê được dùng để tế thần, vật lễ trong ngày cốc sóc đầu năm, là thời gian nhà vua làm lịch năm mới cho cả nước :
' Dê vốn thật thuộc về việc lễđể hòng khi về hạng tư vănđể dành khi tế thánh tế thầnlại có thuở kỳ yên, kỳ phước..việc dê thì dê biết '(Lục súc tranh công)

Nên ta cũng đừng lạ gì về cuộc tranh luận giữa Đức Khổng và môn đệ Tử Cống, như Luận ngữ đã viết :' người nước Lỗ từ xưa có lệ mổ thịt dê đực làm lễ cốc sóc. Sau lễ ấy không còn nhưng lệ nộp dê vẫn tồn tại, nên Tử Cống muốn bỏ mà Khổng tử lại không chịu vì tiếc cái lễ.' Câu chuyện triết lý trên, chứng tỏ con dê đã đi vào tâm thức nhân loại rất sâu đậm và gắn bó vô vàn.

1-DÊ VÀ HỌ HÀNG BỘ BÒ :
Là con vật được loài người thuần dưỡng cách đây hơn hai vạn năm tại Trung Đông, Ấn Độ, sau đó mới tới Ai Cập các nưóc Phi Châu, phương Tây và Á Đông. Nhiều công trình khảo cổ cho thấy sự gắn bó giữa người và dê rất sớm, cho nên hình ảnh con dê được khắc trên các nông cụ, đồ binh khí dùng để săn bắn kể cả cán rìu, dao và các vách đá,hang động.. Có lẽ vì dê được nuôi trong nhà lại hiền lành, ích lợi nên người xưa đã chọn là một trong mưới hai con vật , làm đơn vị tính thời gian. Dê cùng họ hàng như cừu, linh dương và sơn dương.. thuộc Bộ Bò, được các nhà khoa học xếp vào bộ Artiodactila, có móng chẳn, nhai lại. Dê nhà là loài gia súc nhỏ, do sự kết hợp giữa dê rừng (Capra Aegagerus) và linh dương (Capra Falconeri). Dê ăn đủ mọi thứ cây cỏ nhưng món khoái khẩu nhất vẫn là lá so đủa và dâm dương hoắc, có tác dụng làm ham muốn tình dục. Đây là một nghi vấn có liên quan tới khả năng sinh lý thượng thừa của dê đực mà các nhà sinh vật học tới nay chỉ đoán mà chưa chứng minh được. Sừng dê rổng cong về phía sau, con đực có chòm lông cằm gióng như râu của người. Tất cả các loài dê và họ hàng đều có khả năng leo trèo và chạy nhảy trên các sườn núi, đèo dốc cheo leo rất giỏi mà con người dù có võ thuật cũng không đạt được.
Đây là khả năng sinh tồn mà Thượng Đế đã ban cho con vật hiền lành để trốn chạy trước các loài ác thú phải đối mặt hằng ngày. Tuổi thọ của dê từ 10-12 năm, mỗi lần trong năm con cái sinh hai lứa và thời gian mang thai là 150 ngày, con đực nặng chừng 60 ký còn con cái 50 kg khi được 6 tháng. Tánh tình dê ngang bướng, khó dạy nhưng không phải là loại ù ù ngớ ngẩn, ngược lại rất tinh khôn, biết nhà, biết chủ và làm được nhiều việc nếu người chủ không ngược đại chúng. Nhiều nước Trung Âu, Nam Mỹ , Ấn Độ đã dùng dê kéo xe và chăn chiên, canh giữ đàn cừu.
Thịt dê hiền, ngon, tất cả các bộ phận trong cơ thể đều ăn được nhưng quý nhất vẫn là bộ ngọc dương và bốn móng , được làm món tiềm thuốc bắc trong tứ linh hội, rất bổ dương, tráng thận. Dê nhà VN hiện gồm ba giống : dê bổn xứ không rõ xuất xứ, dê Ấn Độ do người Pháp và Ấn mang vào VN từ đầu thế kỷ XX và dê Mông Cổ mới nhập cư từ đầu thập niên 90. Về vóc dáng và trọng lượng, dê VN nhỏ hơn dê Ấn và Mông Cổ, hiện được nuôi để lấy lông dệt len làm mền và quần áo chống lạnh.. Ngoài ra còn có dê nhà lùn Camerun, dê sừng xoắn (Capra Folconeri) và dê núi (Capra Ibex Sibirica), tuy sống trên núi cao nhưng vẫn mang tập tính gần giống dê nhà.
Riêng loài tương cận với dê, có họ Cừu gồm Cừu bờm (Ammotragus Lervia) và cừu rừng (Ovis Musimon). Linh Dương (Oryx) thuộc nhóm móng chẳn, cùng họ với dê, cừu, hươu, nai.. sống trên các thảo nguyên Á,Phi, có tài nhịn uống nước nhiều ngày như lạc đà và sơn dương. Hiện có Linh dương Gazella, L inh dương ngựa, Linh dương Canna, Linh dương Ấn Độ, Linh dương Tía, Linh dương cao cổ.. tất cả đều là những loại thú quý hiếm hiện nay. Cuối cùng là Sơn Dương vốn được coi như tổ tiên của loài dê nhà, gồm có Sơn dương Gnou, sơn dương Salga, thịt sơn dương ngot và mềm nhưng quý nhất vẫn là huyết tươi giống như ngọc dương của dê nhà, chữa trị được nhiều chứng bệnh ngặt nghèo của con người. Mới đây tại rừng Vũ Quang, Hà Tĩnh (VN) mới phát hiện được ba loài thú quý hiếm thời tiền sử thuộc bộ dê là Nai Sửa hay Hoảng khổng lồ, Nai chạy chậm hay là Quang Khem và Sơn dương sừng dài , còn gọi là bò Vũ Quang hay là Sao La.

2-DÊ QUA CÁC MÓN ĂN:
Người xưa có nói ' ăn gì thì bổ nấy' như ngựa thì có pín và mã huyết tửu, cọp thì cao hổ cốt, rắn có rượu tam hay ngũ xà, gấu nổi danh với mật, khỉ thì có óc và dê cũng có món ngọc dương. Tại VN cũng như hầu hết các nước trên thế giới nhất là vùng Trung Đông, Ấn Độ, miền tây bắc Trung Hoa, Mông Cổ, Mãn Châu.. thịt dê là món ăn thông dụng và rất được ưa thích, đối với các dân tộc du mục. Do trên đã có rất nhiều món ăn được chế biến từ con dê như dê nướng, lẫu dê, tái dê, chả dê, dê nấu cary.. nhưng độc đáo nhất là món ngọc dương tiềm thuốc bắc. Ngoài ra trong dân gian còn truyền tụng món SƠN DƯƠNG TRÙNG của Từ Hy Thái Hậu đời Mãn Thanh và mới đây có món Tứ Linh Hội tại Sài Gòn và Cần Thơ VN.
+ NGỌC DƯƠNG TIỀM THUỐC BẮC:
Món quý này làm không khó nhưng khó ở chổ là làm sao có bộ Ngọc Dương để xài, vì trong đàn dê nhà phần lớn đều là dê cái. Ngọc dương tiềm thuốc bắc trị bệnh suy yếu và bổ thận cho nam giới. Cũng theo quan niệm ăn gì bổ nấy, người ta dùng Dương Nhục, có vị ngọt nhưng ăn vào làm cơ thể nóng lên, rất bổ ích cả nam lẫn nử nhất là những người đang sinh nở vì thịt dê có tác dụng trợ dương, bổ huyết, trị các bệnh ho suyển. Dương can tốt cho mắt, dạ dầy trị bệnh ói mửa, gầy ốm còn Dương tiết pha với rượu uống hằng ngày trị được bệnh choáng váng, nhưc đầu và đau lưng. Ngoài ra trong các hiệu thuốc bắc có bán Cao dương chữa bệnh còi thiếu máu và Dương nhục thang giúp phụ nử hồi sức.
+ TỨ LINH HỘI :
Vào thời vua Khang Hy nhà Mãn Thanh, đã thấy xuất hiện các món gà vịt tiêm thuốc bắc hằng ngày trong hoàng cung và nơi bàn ăn của các vị quan lớn và giới thượng lưu phú gia. Nhưng phải đợi tới khi Từ Hy thái hậu lên nắm quyền, thì món ăn trên qua cái tên ' Long Lân Qui Phụng' mới hoàn mỹ và đạt tới đỉnh cao. Tại VN ngay từ thời Pháp thuộc, nơi các thành phố lớn Hà Nội, Huế, Hải Phòng và nhất là Sài Gòn ố Chợ Lớn, trong các đại tửu lầu nổi tiếng của người Hoa như Đồng Khánh, Đại La Thiên.. cũng đã có món Long-Lân-Qui-Phụng tiềm thuốc bắc, được chế biến từ thịt Rắn-Mèo-Rùa-Gà.
Trong thiên đường xã nghĩa Việt-Cộng, từ năm 1982 tại nhà hàng Vĩnh Phát của Mạch Phú Cương ở Cần Thơ có bán món Long Lân Qui Phung tiềm thuốc bắc gọi là Tứ Linh Hội, gồm có Ngọc Dương, Rắn Rùa và Gà Ác. Về phẩm chất có sự khác biệt, vì ngày xưa món ăn được chưng cách thủy trong thời gian ba giờ nhưng bây giờ thì nấu trực tiếp với lửa điện hay lò gaz chỉ trong 30 phút, nên giảm nhiều bổ dưởng. Có thể quan sát nước trong hay là đục thì biết được cách nấu.
+ SƠN DƯƠNG TRÙNG CỦA TỪ HY THÁI HẬU
Đây la một trong những sơn hào mỹ vị gọi chung là thập trân mà Từ Hy thái hậu bày ra để đãi các sứ thần Tây Phương và Nhật Bổn vào năm 1874 tại Bắc Kinh. Muốn thực hiện món trên, các thợ săn tại tỉnh Hồ Bắc (Tàu), sau gần cả tháng trời lặn lội trong rừng sâu núi thẳm để săn bắt cho đủ sáu con Sơn Dương đang có thai trong vùng núi cao ở Thiên Tân. Dê núi đem về được chăm sóc cẩn thận hằng ngày bằng một loại cỏ quý có tên là ' Đông trùng Hạ thảo' chỉ mọc trong miền núi Vân Nam và Quý Châu mà thôi. Loại cỏ này có tác dụng bồi bổ gan và thận con người, về mùa hạ thì mịn màng , tới mùa đông trên ngọn cỏ xuất hiện một loại sâu dâu tổ kén, ăn rất bổ.
Dê ăn loại cỏ quý trên nên rất mập mạp và sinh con cũng khác thường. Trong đàn dê con chọn 14 con khoẻ mạnh khi được 2 tháng, đem làm sạch lông, moi bỏ ruột, sau đó ngâm chúng vào các thùng gổ to trong một hổn hợp nước gừng và rượu quý. Qua ngày thứ hai, vớt dê đem ngâm tiếp trong bể sứ tráng men, chứa hổn hợp sưa dêƯ tươi và nước sâm nhung. Được hai ngày đêm, người ta dùng hoa sen trắng đã được tách nhánh , dùng kim vàng xuyên từ hoa xuống tới cuống sen, rồi đem cắm đầy trên mình 14 con dê ngâm trong bể sứ. Để như vậy đúng 10 ngày, từ trong cơ thể dê, xuất hiện đầy những con trùng trắng bò trên hoa sen, được đầu bếp thu nhặt và chế biến thành món thập trân 'Sơn dương trùng' ngon bổ, trị được các bệnh lao phổi, tê liệt, bán thân bất toại và bất lực.

3-DÊ TRONG VĂN CHƯƠNG VÀ ĐIỂN TÍCH :
Trong kho tàng văn chương của thế giới qua nhiều thời đại, từ Âu sang Á, cả Trung Hoa lẫn VN, đã tìm thấy nhiều áng văn chương nói về Dê dưới mọi hình thức như truyện cổ tích ' Công Chúa lấy Chồng Dê' trong tuyệt tác phẩm ' Nghìn lẽ một đêm', truyện ' Con Dê Sáng ; của Ấn Độ, truyện ' Dê và Sói ' của A Phú Hản, truyện ' Dê và lũ sói ' của Pháp.. nhưng lý thú nhất vẫn là truyện ngụ ngôn VN ' Lục súc tranh công ' của một tác giả vô danh , thuật lại cuộc đấu trí đầy lý thú giữa sáu con vật thân thương trong nhà là Trâu, Ngựa, Chó, Heo, Gà và Dê. Nói một cách tổng quát, tác phẩm Lục Súc tranh công ngụ ý mượn sự tranh tụng của các con vật , để nói lên tâm lý ích kỷ và chủ quan của con người, trong sự chung đụng hay hợp tác hằng ngày, lúc nào cũng cho là ta giỏi và làm nhiều hơn kẻ khác, cho nên không thấy được những sai trái của mình, cho tới khi được người khác nhắc khéo, mới biết mình sai như trong đoạn :
' Dê nghe ngựa nói dê quá tệ,liền chạy ra vác mặt vênh râuDê nói rằng :" ta đọ với nhau "thử Anh lớn hay là tôi lớnMạnh thì lo việc nước việc vuaSong chớ khá cậy tài, cậy tướngAi có tài chủ ban chủ thưởngAi không công tay làm hàm nhai.."

Theo đó công việc của dê thật bình thường, không ai nhận thấy ngoài người chủ nuôi, gần giống như Bộ Lễ trông coi cả việc cúng tế, học hành, giáo dục, giúp vua trị nước.. quan trọng như vậy nhưng có mấy ai biết ?
Bên cạnh đó, trong dòng thơ quốc cấm thời Pháp thuộc (1884-1954), đã xuất hiện nhiều bài thơ nổi tiếng khuyết danh, mượn hình ảnh con dê trắng để chỉ giặc Pháp trong bài " Khu Bạch Dương Ca", hay mượn hình ảnh Tô Vũ, một đại quan thời Hán Vũ Đế, đi xứ Thuyền Vu bị bắt chăn dê trong mười mấy năm dài nơi miền quan tái, phản ảnh tâm trạng chung của Sĩ Phu VN khi quốc phá, gia vong , hay trong bài " Con Dê " chê biếm bọn tiểu nhân vì danh lợi, cam tâm làm tôi tớ cho giặc . Riêng cụ Trạng Trình theo truyền thuyết có để lại nhiều sấm ký có liên quan tới năm mùi, nhưng vui nhất là huyền thoại bài thơ " Dê cỏn buồn sừng " nói là của Hồ xuân Hương làm để trêu chọc bọn bạch diện thư sinh dốt nát mà lúc nào cũng muốn làm cha thiên hạ, cứ phê bình thơ với thẩn dù thơ của mình chẳng là gì :
'Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơLại đây cho chị dạy làm thơOng non ngứa nọc châm hoa rữaDê cỏn buồn sừng húc dậu thưa .'

+ DÊ TRONG THÀNH NGỮ VÀ ĐIỂN TÍCH :
Người nước Lỗ thời Đông Châu Liệt Quốc, có lệ phải mổ thịt dê đực để làm lễ Cốc Sóc, nhằm ngày Nguyển Đán. Lễ này về sau bị bãi bỏ nhưng dân chúng vẫn theo lệ củ mà nộp dê cho Triều đình. Câu chuyện bàn cải giữa Đức Khổng và môn đệ Tử Cống trong Luận Ngữ, quanh vụ Dê tế lễ,sự người Trung Hoa và VN giết trâu bò, dê để tế cờ khi xuất trận hay việc người cổ Hy Lạp dùng thịt dê để cúng tế thần Hecmet, đã nói lên sự linh thiêng và quan trọng của con vật này, nên không lạ lắm khi thấy hình bóng Dê xuất hiện rất nhiều qua các thành tích, điển tích và ngay trong thành ngữ Pháp, Anh,Mỹ..
- DƯƠNG TRƯỜNG : mượn nghĩa đen là Ruột Dê để nói lên sự khó khăn khổ nhục của đường đời ' lần theo nẽo tắt dương trường '
- DƯƠNG CHẤT HỔ BÌ : Ngoài da là con cọp, con hùm nhưng thực chất bên trong là con dê, ám chỉ bọn tiểu nhân thượng đội hạ đạp, bên ngoài thì luôn dương oai hùm, khoe nanh hổ hiếp đáp dân lành yếu đuối, nhưng đối với quan lớn và kẻ mạnh thì khiếp nhược hèn mọn như con dê.
- DƯƠNG THẠCH : Dê hóa đá, rút từ điển tích Vương Mãng cướp ngôi nhà Tây Hán , bị con cháu nhà Hán là Lưu Diễn và Lưu Tú nổi lên chống lại nhưng vì binh yếu thế cô, nên bị quân cuả Mãng vây ngặt trong thành Côn Dương. Lúc đó, để thưởng công và khích lệ quân sĩ của mình, Mãng cho tải tới thành mấy ngàn con dê khao thưởng ba quân nhưng không ngờ số dê trên khi tới nơi đã hóa hết thành đá. Nhờ đó quân tướng của Mãng bỏ theo Lưu Tú , cuối cùng khôi phục lại được cơ nghiệp tổ tiên, gọi là nhà Đông Hán vì dời đô từ Hàm Dương về Lạc Dương tỉnh Hà Nam.
- DƯƠNG XA : Xe do dê kéo, rút từ điển tích vua Tấn Võ Đế có quá nhiều cung tần mỹ nữ, không biết chọn ai, nên hằng đêm ngồi trên một chiếc xe khảm vàng ngọc do đàn dê kéo đi khắp các cung và theo ý đàn dê ngừng ở cung nào thì vua nghĩ đêm ở nơi đó. Để dụ đàn dê, các cung nữ lấy lá dâu cắm ngoài cửa, đồng thời muối rắc lối đi đẻ dê đánh mùi muối, nhìn thấy lá dâu kéo xe vào cung. Trong ' Cung Oán ngâm khúc ' của Nguyễn Gia Thiều có viết ' Dấu dương xa, lối cũ quanh co ' là mượn từ điển tích trên.
- NGŨ DƯƠNG BÌ : Chuyện năm tấm da dê, lấy từ tích Bá Lý Hề người nước Ngu thời Đông Chu Liệt Quốc, ba mươi mốt tuổi mới cưới vợ sanh được một trai. Có tài nhưng quá nghèo nên không có tiền đê lo lót tiến cử,nên không làm được gì nơi bản quốc, vợ là Đổ Thị biết ý khuyên chồng đi xa lập thân. Nhà nghèo, ngày tiển chồng, Đổ Thị làm thịt con gà duy nhất và dùng cánh cửa để làm củi đun bếp. Bôn ba khắp nơi hơn 10 năm, rốt cục Hề vẫn trắng tay đến đổi phải chăn trâu để kiếm sống. Thất vọng ông trở về nước Ngu tìm vợ con thì không còn, sau nhờ bạn tốt là Kiển Thức giới thiệu, nên được làm quan Trung Đại Phu. Rồi Tần đánh Ngu, cả nhà vua và Bá Lý Hề đều bị bắt làm tù binh. Tại Tần, Hề bị kẻ gian hãm hại nên phải bỏ trốn sang nước Sở và bị vua nước này bắt đi chăn ngựa tại Nam Hải. Về sau vua Tần Mục Công biết Bá Lý Hề là người hiền, nên tìm cách cứu về nước và phong chức Thượng Khanh Đại Tướng , còn gọi là Ngũ Cổ Thượng Khanh, vì vua Tần dùng năm tấm da dê đổi ông về. Từ đó Bá Lý Hề nắm quyền chính nước Tần , trong khi vợ là Đổ Thị cùng con vì nghèo đói phải lưu lạc tới đất Tần làm nghề giặt đồ mướn để nuôi thân . Sau biết được tin chồng hiện làm quan cao tuyệt đỉnh, Đổ Thị tìm cách gặp và vợ chồng con cái lại trùng phùng, nhờ bài ca đứt ruột do bà sáng tác :' Bá Lý Hề, năm bộ da dê ".
- THUẬN THỦ KHIÊN DƯƠNG : Là kế thứ 31 trong tam thập lục kế của chiến pháp Trung Hoa xưa, có nghĩa là thuận tay dắt con dê về. Thành ngữ ám chỉ chuyện đời thật thiên biến vạn hóa, không biết đâu mà lường được, cho nên phải biết nắm lấy thời cơ để tiên hạ thủ vi cường. Điển tích dựa vào câu chuyện Thôi Trữ thí Tề Trang Công thời Xuân Thu, vì vua này có manh tâm muốn chiếm dọat ái thê của Trữ là nàng Đường Khương. Để trừ khử tên hôn quân, Trữ giã bệnh và dùng vợ làm mồi dụ vua tới nhà mình, rồi phục binh giết chết. Tóm lại Vua Trang Công vì quá tự tin, đặt mình vào hoàn cảnh bơ vơ của con dê bên đường, để cho Thôi Trữ dể dàng dắt về nhà làm thịt.
- DÊ KỲ LỘ : Câu chuyện mất dê của người láng giềng Dương Chu. không tìm được vì đường có quá nhiều ngã rẽ. Đây là một câu chuyện mang tính chất triết lý cao siêu trong nền triết học Trung Quốc., chủ ý nói về chuyện học đạo, nếu ta cứ chú trọng phần tiểu tiết, thì chẳng khác gì người mất dê trước quá nhiều ngã rẽ, không biết con dê đã đi về hướng nào. Câu chuyện có liên quan tới Dương Chu, là một triết gia trước Lão Tử, ông chủ trương thuyết Vị Ngã, theo đó chỉ biết có mình mà thôi, nên nếu chỉ nhổ một sơi lông chân mà có lợi cho thiên hạ cũng không làm. Sau buổi tìm dê cho người láng giềng, Dương Chu đốn ngộ, bỏ thuyết vị ngã không theo nữa. Trong hoài cổ ngâm có câu :' Tái Ông được ngựa, lộ kỳ mất dê '.
- DỮ HỒ, MƯU BÌ : Vào đời Chu, có người muốn bày đại tiệc toàn thịt dê nhưng không biết làm sao cho đủ thịt. Sau khi suy nghĩ, ông ta tìm đến đàn dê thương lượng , muốn xin cắt thịt chúng, đàn dê nghe qua sợ quá bỏ trốn hết. Một lần khác cũng người này, muốn có một chiếc áo bằng da chồn nhưng không biết làm sao có da để mat. Sau khi suy nghĩ, ông ta tìm đến chồn thương lương, muớn được lột da chúng, bọn chồn nghe qua sợ quá, cũng bỏ trốn hết. Câu chuyện ngụ ngôn trên trích từ sách Phù Tử, nói về một sự việc nào đó, quá sức mình không thể làm được thì đừng làm, kẻo gây tiếng đời mai mĩa, chê cười.
- VỌNG DƯƠNG BỔ LAO : Ý nói mất dê mói chịu làm chuồng , thành ngữ rút ra trong chiến quốc sữ, đời Sở Tương Công thời Chiến Quốc, vì quá tin dùng bọn xu nịnh nên không chịu nghe lời quan đại thần Trang Tân, nên cuối cùng bị mất nước về nhà Tần. Nhà vua chạy trốn sang Trịnh và nhờ Trang Tân giúp lấy lại sơn hà, nhưng ông ta nói :" thấy thỏ chết mới nghĩ tới chó săn vẫn chưa muộn nhưng thấy dê chạy mất mới lo sữa lại chuồng , thì quá muộn rồi ".
Và sau cùng là câu chuyện người bán thịt dê nước Sở , đã thẳng thắn từ chối tất cả những bổng lộc và chức tước của vua ban, vì thấy mình chẳng có công trạng gì với nước non và dân tộc. Nụ cười của Thánh Nhân thật là thâm trầm và minh triết, qua những lời đối đáp giữa Chúa Tôi nước Sở, làm cho người sau ray rứt không yên :
" Trước vua mất nước, tôi mất nghề bán thịt dê. Nay nhà vua lấy lại nước, tôi có lại nghề bán thịt dê của tổ tiên, đủ ăn đủ mặc, vậy là mãn nguyện rồi. "
Hay khi vua muốn tới thăm, người bán thịt vội nói :" theo phép nước, kẻ có công được trọng thưởng thì vua mới đến nhà. Nay xét tôi, giặc vào nước tôi bỏ chạy giữ mạng chứ đâu phải vì nước. Nay vua bỏ phép nước mà phong thưởng hay tới thăm nhà kẻ không công, thiên hạ biết được sẽ cười ".
Người đời nay trong cõi phù du, được mấy ai như người bán thịt dê ?




Con dê trong thơ ca

VIỆT CHUNG Trong 12 con giáp, con dê (Mùi còn gọi là Vị) là con vật đứng vào hàng thứ 8, trước khỉ và sau ngựa. Dê tên chữ là Dương.Dê vốn là con vật miền núi, được thuần hoá nên có thể nuôi trong nhà. Hình ảnh con dê gây được những ấn tượng với người đời một cách khó quên. Đặc biệt của loài dê là dê đực hoặc dê cái đều có râu và có sừng, bản chất hiền lành và tràn đầy sinh lực.
Con dê trong thơ ca
Ai sinh vào năm dê đều mang tuổi Mùi. Đây là hình ảnh một cụ dê:
                        Tuổi Mùi là con dê chà
                        Có sừng, có gạc, râu ra um sùm.
                                                            
(Vè 12 con giáp)
Tuổi Mùi là tuổi tốt, dù mang tiếng là dê, nhưng dê dựng vợ, gả chồng theo các ông thầy lý số. Do đó, tuổi Mùi ai cũng thích, nhưng tánh dê thì không ưa:
                        Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi
                        Em đây luống những ngậm ngùi tuổi Thân.
                                                            
(Ca dao)

Người ta ăn thịt dê quanh năm, nhưng tết đến xuân về, món dê cũng được chọn là một thực đơn quí. Thịt dê làm được nhiều món ngon và bổ không thua gì thịt bò, thịt heo.
Tuy đứng sau con ngựa, nhưng con dê cũng biểu tượng sự sung túc, mang nhiều sức sống sung mãn, đem lại cho người đời sự ấm no, hạnh phúc:
                        Năm Ngọ, mã đáo thành công
                        Năm Mùi, dê béo, rượu nồng phủ phê
                                                            
(Vè miền quê)

Dê béo là dê thịt ngon nhất, một món ăn khá hấp dẫn được kể một trong ba cái thú vị mà con người ca ngợi, không ai là không thèm khi nói đến. Tuy nó thiên về vật chất quá, nhưng cũng là người trần mắt thịt, chớ có ai là Tiên, là Phật đâu:
                        Thế gian, ba sự khôn chừa
                        Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ.
                                                            
(Ca dao)
Người ta cũng thường liên hệ giữa con dê và người có máu dê. Bà con thường chỉ trích và cảnh cáo những kẻ già đa tình hay sàm sỡ một cách bừa bãi, có ngày gặp tai nạn:
                        Dê sồm ăn lá khổ qua
                        Ăn nhiều sâu rọm, chết cha dê xồm.
                                                            
(Vè)
Thói dê của bọn tình ái lung tung hoang tàng bị người đời nguyền rủa khá nặng nề.
                        Phụng hoàng đậu nhánh sa kê
                        Ông thần không vật mấy thằng dê cho rồi.
                                                            
(Ca dao)
Dê nuôi để ăn thịt và lấy sữa. Ngoài ra, người ta còn dùng dê để kéo xe thay cho ngựa và trâu bò. Dê kéo xe, thì những ai đọc tập thơ "Cung oán ngâm khúc" của Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều, đều nhớ đến những câu:
                        Phải duyên hương lửa cùng nhau
                        Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào...
                                                            
(Cung oán ngâm khúc)

Do điển tích vua Tấn Võ đế (Trung Quốc) thường dùng xe dê kéo đi mỗi đêm trong cung cấm, hễ dê dừng ở cửa phòng cung phi nào tức đêm ấy nhà vua sẽ ngủ với cung phi đó. Nên hàng trăm cung phi mỗi đêm tìm lá dâu non (loại dê háu ăn) đặt trước cửa phòng để xe dê dừng lại. Nhưng không được vua đến tìm thú vui, thì người cung nữ cảm thấy cô đơn lạnh lẽo:
                        Thâm khuê vắng ngắt như tờ
                        Cửa châu gió lọt rèm ngà sương gieo.
                        Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ
                        Dấu dương xa (xe dê) đám cỏ quanh co.
                                                            
(Cung oán ngâm khúc)

Trong thơ "Lục Vân Tiên", cụ Nguyễn Đình Chiểu có tả lúc nàng Kiều Nguyệt Nga trên đường quanh co, khúc khuỷu đến phủ đường của Kiều công:
                        Trải qua dấu thỏ đường dê
                        Chim kêu, vượn hú bốn bề núi cao.
                                                            
(Lục Vân Tiên)
Đoạn quan trạng Lục Vân Tiên "vinh qui bái tổ" gặp lại Nguyệt Nga, giữa lúc mọi người tổ chức vui mừng hạnh phúc của đôi trai tài gái sắc, thì lúc đó bộ mặt của Bùi Kiệm đã từng "dê" Nguyệt Nga, trở thành trơ trẽn:
                        Còn người Bùi Kiệm máu dê
                        Ngồi chai bộ mặt như giề thịt trâu.
                                                            
(Lục Vân Tiên)

Trong dân gian, từ dê đã biến dạng thành de. Chữ de gốc từ dê mà thôi. Nó làm cho ngôn ngữ thêm vô cùng phong phú, trữ tình:
                        Bắp non mà nướng lửa lò
                        Đố ai de được con đò Thủ Thiêm.
                                                            
(Ca dao)
De tức là gần gũi o bế, tạo hiểu biết kích thích cho nhau. Dê là thuộc tính của đàn ông, trái lại đàn bà cũng biết dê đấy chứ, nhưng không bạo dạn như đàn ông.Chữ de vào ca dao, nó khá hay vừa tượng hình, vừa tượng thanh, đầy sức quyến rũ:
                        Cam sành lột vỏ còn the
                        Thấy em còn nhỏ anh de để dành.
                                                            
(Ca dao)

Bản chất của cam sành là ngon ngọt, là bổ dưỡng, chất quí trên đời. Còn chữ "de để dành" có duyên không chê vào đâu được!
Dê con trông rất dễ thương, thường chạy giỡn hồn nhiên, nhưng nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã một lần chê lũ dê này:
                        Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
                        Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa.
Trong nghề điêu khắc, ca dao thợ mộc cũng có chỗ đứng của con dê, vì con dê là một trong ba con vật "tam sinh" (bò, heo, dê) trong các lễ hội được dùng để tế thần:
                        Bốn cửa anh chạm bốn dê
                        Bốn con dê đực chầu về tổ tông.
                                                            
(Ca dao)
Trong các trò chơi dân gian dịp tết, có trò chơi "bịt mắt bắt dê" hào hứng, sôi nổi. Đối với trẻ con, trò chơi này là thú vui hồn nhiên, nhưng đối với các cô cậu thanh niên, thiếu nữ là một dịp để tiếp cận đụng chạm vui đùa với nhau.
                        Giả vờ bịt mắt bắt dê
                        Để cho cô cậu dễ bề... với nhau
                                                            
(Vè)

Con dê suốt đời mang tiếng xấu một cách oan uổng, khi mọi cái xấu xa của người đời đổ trút lên đầu dê. Trong đó, có sự đồng hoá con dê với bọn thực dân cướp nước:
                        Này anh chị em lao khổ
                        Nông nỗi này ai tỏ chăng ai
                        Đã non tám chục năm rồi
                        Làm thân trâu ngựa cho loài chó dê.
                                                            
(Bài ca cách mạng)

Khi Nam Kỳ mất vào tay giặc, cũng có tác giả làm bài thơ "Con dê" nhằm chỉ trích bọn tiểu nhân làm tay sai cho giặc. Bởi nặng đầu óc nô lệ, nên chúng cam lòng cúi đầu để mặc tình giặc thao túng:
                        Giống nai sao lại tiếng bê hê
                        Đứng lại mà coi vốn thiệt dê
                        Đực cái cũng râu không hổ thẹn
                        Vợ chồng một mặt hết khen chê
                        Sớm phơi bốn móng sân Tô Vũ
                        Chiều gác đôi sừng cửa Lý Hề
                        Bởi nó sợ trâu kia dớn dác
                        Cam lòng chịu buộc lịnh vua Tề
Trong lúc đó, hầu hết sĩ phu đều giữ vững lòng thuỷ chung đối với quê hương Tổ quốc. Có người đã làm bài thơ "Tô Vũ" để gởi gắm tâm sự trung thành của mình:
                        Ngàn dặm Trường An mặt luống băng
                        Đoạn sầu căn dặn nỗi tằn mằn
                        Khôn đem tóc bạc thay đầu ác (1)
                        Dễ khiến lòng son đổi miệng lằn
                        Đêm lạnh ngù cờ sương lợt đợt
                        Ngày chiều dải mão (2) gió xung xăng
                        Muôn dê bao sá loài Hồ lỗ (3)
                        Một tưởng hàng vương, một nghiến răng
Tô Vũ là tôi trung của nhà Hán (Trung Quốc) đi sứ mang đất Hung Nô, bị chúa Hung Nô là Thuyền Vu giữ không cho về, dụ dỗ Tô Vũ đầu hàng nhưng không được. Thuyền Vu nổi giận đem Tô Vũ bỏ vào hang núi cho chết đói, nhờ uống sương đọng trên ngù cờ mà vẫn sống. Cuối cùng đẩy Tô Vũ đi Bắc Hải chăn dê, hẹn rằng khi nào dê đực đẻ thì mới tha về nước. Sau, nhà Hán đánh bại Hung Nô, Tô Vũ mới được tha về.

Còn Bá Lý Hề là tướng nước Ngu (Trung Quốc). Nước Ngu bị Tấn cướp, Bá Lý Hề lưu lạc sang nước Sở làm kẻ chăn dê. Vua nước Tần là Mục Công biết Bá Lý Hề là người tài giỏi, sai người mang 5 bộ da dê chuộc về làm tướng quốc. Sau, Bá lý Hề giúp Mục Công dựng nghiệp lớn.

Khi Bá Lý Hề lên đường lập công danh, người vợ nghèo đưa tiễn, đến lúc làm tướng quốc mải say mê công danh quên người vợ nghèo. Nàng lên đường đi tìm chồng. Nhân Bá Lý Hề bày tiệc có ca nữ múa hầu, nàng liền cải trang làm một ca nữ vào trước tiệc ôm đàn hát một khúc:
                        Bá Lý Hề năm bộ da dê
                        Nhớ ngày chàng ra đi, giết con gà mái ấp, thổi nồi cơm gạo vàng.
                        Chừ nay được giàu sang, quên ta sao?
Bá Lý Hề nghe câu hát ngạc nhiên nhìn kỹ thì nhận ra là người vợ thuở hàn vi, hai vợ chồng lại đoàn tụ.
"Hịch tướng sĩ" của Trần Hưng Đạo kể tội bọn sứ giả nhà Nguyên (Trung Quốc) sang nước ta hống hách, có đoạn:
                        Cú diều uốn lưỡi thấp cao
                        Bẻ bai triều bệ xiết bao nhục nhằn
                        Tuồng dê chó tưởng rằng đắc thế
                        Chốn triều đình ngạo nghễ vương công
                                                                        
(Hịch tướng sĩ)

Con dê trong thơ ca mang nhiều tiếng xấu do người đời gán cho một cách vô tội vạ, vì con vật và con người khác nhau. Con vật vô tri sống theo dục tính, còn con người có lý trí sống theo đạo đức. Lấy hình tượng con vật mà nói về con người hoặc ngược lại, chỉ là một lối ẩn dụ.
Con dê vốn ngoan ngoãn, hiền lành, có sức sống mãnh liệt sung mãn. Thịt ngon, sữa tốt. Thật ra, con dê dễ thương hơn là đáng ghét như con người đã có thành kiến từ lâu trong dân gian.

Năm Dê (Mùi) mà lại dê đáng quý (Quý Mùi) tượng trưng cho sự sung sức, nhất định sẽ là năm sung túc, dân giàu nước mạnh, Tổ quốc quang vinh.
Vĩnh Long, Xuân Quý Mùi 2003






THỊT DÊ-TƯƠNG GỪNG
Nhật Tiến
Thịt dê chấm vơi tương gừng
Ăn xong khí thế phừng phừng như...dê
Vợ rằng : Món ấy tuyệt ghê
Ngày mai ta lại thịt dê...tương gừng
Để rồi ta lại phừng phừng
Ngày ngày ta lại tương gừng...thịt dê
Đêm về vợ mới tỷ tê :
Mình ơi em khoái thịt dê...tương gừng
Để rồi ta lại phừng phừng
Ngày nào ta cũng tương gừng ...thịt dê
Đêm nào vợ cũng rủ rê :
Mình ơi nữa nhé thịt dê...tương gừng.

Hà Nội, tháng 6 năm 1993.

Thần dê và các nữ thần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét