Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

DÒNG NƯỚC

Tác giả: Nguyễn Xuân Hưng

Lát nữa, đứa em họ mà từ trước đến giờ Hoà mới chỉ nhìn thấy trong “webcam” sẽ từ trên trời đáp xuống. Nó sẽ hiển hiện thật sự đến bên anh. Hoà đứng dõi mắt về phía đường băng, lòng bồi hồi và hơi hoang mang.

Trước khi Hoà trở thành sinh viên, mối quan hệ giữa bố và người chú ruột hầu như không mấy động chạm đến Hoà. Hoà chưa bao giờ gặp chú ấy. Tấm ảnh một đứa bé tám tuổi cách đây nửa thế kỷ không thể gợi cho Hoà cảm giác gì về chú giờ đây đã là một ông già như bố. Bà trẻ kể:
- Khi ông nội cháu còn ở chiến khu, chưa tiến về thủ đô, thì bà nội cháu đã mang chú ấy di cư vào Nam.
- Sao mọi người ít nói đến chú thế hả bà?
- Chú ấy đi lính, là sĩ quan chế độ Sài Gòn, sau năm bảy lăm, có đi cải tạo một vài năm. Rồi sau đó vượt biên luôn, giờ ở Mỹ. – Bà trẻ cũng chỉ nói về chú rất vắn tắt và có phần thương cảm. – Cũng vất vả chứ không sung sướng gì. Khổ cái tâm.
Có lẽ, mối quan hệ ấy cứ mờ nhạt đi, nếu không có một hôm, một bà già xuất hiện ở nhà Hoà…
Linh cảm mách bảo Hoà đó là bà nội. Bà tóc bạc trắng, nếp nhăn nhiều dù cho son phấn rất khéo cũng vẫn lộ rõ. Gương mặt bà có phảng phất nét mặt trầm tư của bố. Bà dè dặt chào mọi người, nhưng khi gặp ông, trên khoé mắt bà hiện lên ngấn lệ. Bà nói:
- Già quá rồi. Tôi tính về đây để chết.
Ông lặng lẽ cười, điềm đạm bảo:
- Bà cứ về mà sống vui…
Bà kể:
- Đến đâu rồi cũng phải quen đấy. Canada đồng cỏ hun hút. Buồn.
Nhưng rồi ở chơi ít ngày, bà vẫn ra đi mà không ở lại. Bà bảo cả nhà:
- Tôi biết tôi chưa thể chết được. Con với cháu mình ngược xuôi làm ăn không cho tôi đi đâu, dù cho lâu lâu mới gặp chúng nó một lần. Nhất là ngày giỗ tết, thì chúng nó ở Mỹ ở Anh cũng về. Mình còn ngồi đấy là chúng còn gốc gác, chứ không rồi tản mát hết…
Bà lại rưng rưng nước mắt. Ông gật:
- Phải đấy. Chúng nó cần bà…
Hoà cũng xúc động. Nếu như mình bị tan biến giữa trời đất khác, tiếng nói khác, thì sẽ thế nào? Bà chăm chú nhìn Hoà hồi lâu, rồi bảo:
- Con Hoa cũng cỡ tuổi cháu Hoà...
Chính nhờ bà mà Hoà đã liên lạc được với cô em họ. Chỉ cần một cái “nickname” để hẹn nhau lên mạng là hai người đã có thể “chat” với nhau. Internet quả là một thế giới toàn cầu trẻ trung, kỳ ảo. Xa xôi mà thật là gần gũi. Có thể nhìn thấy nhau chả khó khăn gì. Một cô gái có nét mặt thanh tú, thoạt nhìn có thể là trầm tĩnh, nhưng khi cười thì rất xinh tươi. Hai anh em nói với nhau nhiều chuyện, bằng bàn phím, bằng thứ ngôn ngữ “chat” ngắn gọn hiện lên màn hình. Cô đã kể cho anh cuộc sống của cô. Đôi lúc lại hỏi anh có tưởng tượng được không?
- Em đã lái xe đi học mấy chục cây số mỗi ngày.
- Anh ở ký túc xá đi bộ lên giảng đường.
- Sướng thế. Làng quê mình thế nào hả anh?
- Ờ, thì cũng núi non, sông, cánh đồng… Nói chung chắc là đâu cũng giống nhau cả thôi. Chỉ có con người là có khác.
- OK, con người, chính là nhờ con người sống ở một mảnh đất làm nên những nền văn hoá.
- Nhà anh cấy vài sào lúa…
- Là bao nhiêu ki lô mét vuông?
- Một sào 360 mét vuông.
- Ôi, không thể tin được. Quá nhỏ bé. Anh có tưởng tượng được không, bên này người ta bón phân phải rải bằng máy bay.
- Mùa này thu hoạch lạc, ông rất thích rang lạc cả vỏ. Từ bao năm nay, tối anh học khuya, vẫn thấy ông vừa nhấm rượu vừa bóc lạc lốp bốp.
- Bóc lạc thế nào?
- Em định hỏi…?
- Em thấy hạt lạc trong siêu thị, màu đỏ, mềm…
- Đó là hạt lạc, ông thích lạc rang cả củ, còn vỏ.
- Uh, em đâu có nhìn thấy củ lạc.
- Ô… Thế cây lạc, em biết không?
- Không. Em đâu có biết.
Chuyện quê, chuyện cuộc sống, rồi đến chuyện tuổi trẻ.
- Em đã yêu ai chưa?
- Có. “Six”.
- Sao?
- Em yêu sáu người đàn ông rồi.
- Ô… Cùng lúc hả?
- “No”, lần lượt.
- Hơi nhiều.
- Hiện nay em đang sống với “my boyfriend”, cũng là dân mình làm ở một sàn giao dịch chứng khoán.
- Sao bà bảo em chưa có gia đình?
- Sống… thử thôi, chưa biết có OK không. Em có tự do của em.
- Quá tự do.
- Khả năng tình dục của anh thế nào?
- Gì thế?
- Tình dục. Anh thích loại nào?
- Anh chưa từng yêu ai.
- Kỳ quá. Em không hiểu (trên màn hình hiện ra một cái mặt nạ biểu lộ sự kinh hãi). Vậy thì anh phải đi khám bác sĩ, có thể anh bị bệnh gì, em coi hình anh khoẻ mạnh thế cơ mà?
- Ôi trời ơi… Anh có gien từ ông đến bố, sẽ đẻ nhiều con, những đứa con khoẻ mạnh, ương bướng như bố em, khí phách như bố anh.
- (Một cái mặt nạ cười toàn răng toe toét) Bây giờ ít có người muốn đẻ nhiều, “sex” là vấn đề của con người hiện đại…
Chỉ đến khi nói chuyện học hành, hai người mới hiểu nhau nhanh chóng. OK liên tục. Cả hai đều học kỹ thuật. Toán học, vật lý học và kho tàng tri thức của nhân loại thì ở bất cứ đâu cũng dùng những ký hiệu như nhau…

*

*   *
Máy bay kềnh càng đã bò trên đường băng hướng về phía nhà ga. Hoà nhớ lại một buổi “chat” dài đột xuất với cô em họ. Đó là ngày mà hai chiếc máy bay như thế này đâm vào toà nhà tháp chọc trời New York. Hoa có vẻ xúc động mạnh. Họ đã nói chuyện với nhau về chiến tranh.
- Anh biết chiến tranh hả?
- Trong ký ức của anh, chiến tranh là mùi đất ẩm mốc của căn hầm chữ A hồi sơ tán. Tóm lại anh không trực tiếp… Nhưng biết.
- Làng mình có bị bom không?
- Bom đã phạt rặng tre tơi tả, làng hiện ra dưới bầu trời mất hẳn vẻ ấm áp, lúc ấy anh thấy hoang mang.
- Bây giờ em đã thấy chiến tranh ở trước mũi mình, rất khác những gì anh nói. Không thể tưởng tượng được toà nhà ấy lại sụp xuống như vậy. Có lẽ em phải làm một cái gì…
- Ông nội và bố anh cũng đã đi bộ đội.
- Em cũng biết bố em cũng có thời chiến binh, nhưng mà ổng đâu có kể gì về thời đó với em. Em không thể hiểu họ đã ở hai phía bắn nhau?
- Đó là lịch sử.
- Mai em sẽ vào thư viện để tìm hiểu về lịch sử, về chiến tranh. Khó có thể cắt nghĩa được. Đa số con em mình bên này đều lao vào kỹ thuật và tránh xa các ngành xã hội học. Tâm lý phi bản xứ và tha hương bao giờ cũng như sợi dây xiết chặt trên đầu họ.
- Đó là cái vòng kim cô.
- Kim cô là sao?
Lúc đó, Hoà nhìn thấy cô em họ hoa tay lên, nhún vai rất Tây trong “webcam”…
Du khách đã lục tục vào ga. Hoà nhận ra ngay cô em họ. Hơi nhỏ nhắn so với tưởng tượng của anh.
- Helo, chào anh. – Cô bối rối, có chút lóng ngóng ngập ngừng.
Hoà chìa tay ra:
- Em đi đường có mệt không? – Hoà nhìn gương mặt đẹp của cô em họ, son phấn qua loa có phần vội vàng.
- Không, em khoẻ. Chắc em kỳ lắm hà?
Hoà bật cười:
-Một người đi ra từ màn hình vi tính, nói thứ tiếng Việt ngồ ngộ, dễ thương. Cũng… kỳ chứ.
Cả hai cùng cười vui vẻ. Thật là dễ chịu.
Hoa trải tấm bản đồ ra:
- Đường đi về quê thế nào, anh?
Hoà chỉ vào bản đồ:
- Hai anh em mình đi tắc xi về Hà Nội, lên tàu hoả đến đây, coi như ngược theo sông Hồng, rồi xuống đi ô tô đến đây, từ đây đi xe ôm về huyện, ở đó có xe ngựa đưa anh em ta về làng.
- Bao xa?
- Là khoảng hơn trăm cây số.
- Như vậy em thường lái xe hơn một giờ.
Hoà tủm tỉm cười:
- Bây giờ mới gần đứng bóng mặt trời, sẩm tối về đến nhà đã là may, em ơi…
- Kỳ quá hả. Nhiều cái kỳ quá.
Chuyến đi suôn sẻ, khi hai anh em về đến đầu làng, dải núi Hiệp Sơn trước mặt đã ngả màu sẫm. Bầu trời loe lên màu son đỏ rực. Bà trẻ lò dò đi ra ngoài ngõ, nhìn tận mặt hai anh em, kêu lên:
- Ông ơi, cháu ông về rồi đây. Sáng nay tôi nghe thấy chim khách kêu, biết ngay có chúng nó về.
Rồi rất nhanh chóng, nhiều người đã kéo đến lố nhố ở sân.
Bà trẻ dẫn hai đứa vào nhà. Hoa vấp nhẹ một cái vì ngạch cửa. Một ngọn đèn dầu chỉ đủ soi một quầng sáng chỗ giường ông. Ông đang thiêm thiếp. Râu tóc ông như khói toả lên gương mặt gầy gò cũ kỹ. Chính vì ông ốm nặng mà thôi thúc Hoa đã trở về chứ không chờ dịp nào khác nữa. Nhưng giờ đây, cô đứng lặng, đăm đắm nhìn ông không biết nói gì. Mí mắt ông động đậy, rồi ông nhìn lên với con mắt mờ đục. Bất giác Hoa kêu lên:
- Ông ơi!
Ông khẽ cử động bàn tay. Cô để bàn tay mình vào lòng bàn tay xương xẩu của ông.
Rồi điện bật sáng. Chỉ một ngọn điện cũng làm cho ba gian nhà tràn đầy thứ ánh sáng trong biêng biếc. Hoa nhìn rõ từng đốm tàn nhang trên gương mặt của ông như lay động, từng cái râu bạc cứ óng ánh như thể ông sắp nói câu gì. Bất giác, cô cứ có cảm tưởng ông là con chim nhỏ hoá thạch, đã xây xong cái tổ và đang thiếp nghỉ trước một chuyến bay xa lắm…

*

*   *
Hoà dẫn Hoa cùng ra ruộng lạc. Bây giờ mùa lạc đang vào củ. Hoà đã giảng giải cho cô em họ cách thức sinh thành củ lạc:
- Sau khi ra hoa, cái nhuỵ đã chúc vòi về đất để kết quả.
- Thế đáng lẽ phải gọi là quả lạc.
- Nhưng cái quả ấy lại lớn lên trong ruột đất, nên tiếng Việt mình phải gọi là củ lạc, em ạ. Nó đặc cách được là cội rễ.
Hoa yên lặng…
Một đám trẻ đủ mọi lứa tuổi đang chơi đùa trên triền đê. Chúng đốt một đám lửa nhỏ, khói lên ngoằn nghèo như một dải mây mềm lượn lên từ cỏ. Hoà sà vào với chúng, anh bảo Hoa:
- Mới ngày nào anh cũng như chúng, chăn trâu thả diều triền đê này, ôm cây chuối bơi dưới sông kia. Và bới trộm lạc nướng ăn nhí nháu.
Hoa thoáng ngơ ngác, nói:
- Còn tuổi thơ của em… Biết nói thế nào nhỉ. Tràn đầy màu sắc, hình khối, tốc độ. Nhưng ít màu cổ điển. Đâu có lãng mạn…
- Lãng mạn? – Hoà ngạc nhiên – Anh lớn lên đã thấy sông thế này, đê thế này.
- Em không biết, nhưng em cảm thấy rất thoải mái.
- Hồi xưa làng còn toàn bộ đường đất, không điện, chiều chiều lũ lượt gánh nước sông.
- Các nước công nghiệp phát triển họ chi tiền nhiều lắm để giữ môi trường. Em có đi du lịch một số nơi, cũng đến như thế này, gọn ghẽ hơn, sung túc hơn, nhưng cứ trống trải thế nào ấy. Có lẽ ở đó vắng tiếng người…
Hoa quỳ xuống, cũng cùng bới ra những củ lạc với Hoà và với lũ trẻ con. Tiếng vỡ vỏ lách tách, một mùi thơm kỳ lạ làm sướng khứu giác của một cô gái đến từ chân trời khác. Không thể nào tưởng tượng được là bố cô cũng đã sống ở đây, ông bà tổ tiên cô đã hít thở cái không khí làng quê này, chắc là cảm giác ấy có sẵn trong cô từ sâu thăm thẳm nguồn cội tế bào đã làm nên hình hài và tâm tưởng của cô. Chỉ chờ có dịp này mà thức dậy trong cô nên mới quen thuộc đến thế này.
Lũ trẻ bắt đầu chạy ù xuống tắm sông. Cả một khoảng sông đằng kia vụt xôn xao. Không gian lay động. Hoa bảo:
- Anh Hoà, dòng sông này dẫn đến đâu?
- Sông này trông gầy thế này thôi, nhưng nó sẽ nở ra ở phía dưới kia, nhập vào sông Cái.
- Sông gì?
- Chính là sông Hồng, thường gọi là sông Cái.
- Cái?
- Đấy mới là từ thuần Việt. Cái là Mẹ, là to lớn, vĩ đại.
- Sông Mẹ?
- Nó chảy đến biển Đông.
Hoà tươi cười:
- Em nhập vào dòng nước này, rồi cũng ra biển, đến bên kia đại dương…
Cả hai không nói nữa. Cùng nhìn đăm đắm dòng nước trôi thao thiết. Rồi một ngày gió sẽ đưa hạt nước về nguồn trong hình hài của mây bay, của mưa rơi… Và dòng nước cứ rì rào tươi mới vĩnh cửu đến muôn đời như nó đã trường tồn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét