Con rồng An Nam (1) (trích Hồi ký cựu hoàng Bảo Đại). Đây là cách nhìn từ một cá nhân, có thể là không chính xác với sự thật lịch sử. Nhưng qua đó ta có thể hiểu thêm buổi đầu trứng nước của cách mạng và sựu ấu trĩ của một ông vua nô lệ.
".... Tạ
Quang Bửu, phụ tá của Phan Anh-tổng trưởng bộ Thanh niên (trong
chính phủ Trần Trọng Kim), là người cho tôi biết có một nhóm kháng chiến
được thành lập ở miền thượng du, vùng Cao Bằng có tên là "Liên đoàn Việt
Minh". Linh hồn nhóm này là Võ Nguyên Giáp, được Tạ Quang Bửu nói đến với
đầy nhiệt tình. Sau những cuộc hành quân du kích chống Nhật, "Việt
Minh" bắt liên lạc được với đồng minh Trung Hoa và Mỹ đồng thời với cả
Pháp và ngay cả với Khâm sai của tôi ở Bắc bộ là Phan Kế Toại. Nhưng tôi cũng
không liên lạc được với Phan Kế Toại nên không có sự khẳng định cùa ông ấy. [1]`
Tạ Quang Bửu, Võ Nguyên Giáp
"... Có rất nhiều tin xấu đến tai
tôi. Nguyễn Văn Sâm, người đại diện của tôi ở Sài Gòn chưa thấy tới nhiệm sở.
Nghe đồn ông ấy bị ám sát sau khi rời khỏi Huế. Ai đã giết ông ấy? ... Ở Hà Nội
cũng đang xẩy ra những biến cố rất quan trọng. Ngay sau khi Nhật đầu hàng, có
những toán xung phong dưới quyền Võ Nguyên Giáp đột nhập vào thành phố và mở
cửa nhà tù dưới cặp mắt thản nhiên của Nhật Bản. Ngày 17-8, dưới sự xúi giục
của những toán này, có cuộc biểu tình tụ tập 20 ngàn người trước Nhà Hát Lớn.
Mọi người đều hô to "Độc lập" và trương cờ mới màu đỏ sao vàng, mà có
người nói là do Kampetai [2] đặt ra... Cờ Đế quốc Việt Nam bị giật
xuống...
"Ngày hôm sau, khâm sai của tôi, phải
bỏ nhiệm sở và được thay thế bằng một Ủy Ban chỉ đạo lâm thời... vô danh. Ngày
19, toán xung phong "Việt Minh" được tăng cường bởi một đám đông vừa
đi vừa la hét, chiếm đóng các công thự: tòa Thống sứ, Tòa án, Kho bạc, trường
Đại học và các trường trung học... không những quân đội Nhật có phận sự duy trì
kỷ luật, không có phản ứng mà còn mở kho súng phân phát cho lính vệ binh Đông
Dương [3].
"Những tin tức đó bị ít nhiều xuyên
tạc khi đến tai tôi. Về tình hình Nam Kỳ thì còn thiếu chính xác hơn nữa. Bác
sĩ Phạm Ngọc Thạch, thủ lãnh "Thanh niên Tiền phong",
hình như từ ngày 15-8 đã đứng đầu một Mặt trận Quốc gia trước khi thành lập một
Ủy ban hành pháp lâm thời đặt trụ sở tại dinh Thống đốc dưới sự chủ tọa của một
người tên là Trần Văn Giầumà theo Tạ Quang Bửu, người thông tin cho tôi,
Giầu là người thuộc về Việt Minh. Cũng như ở Hà Nội, Nhật cũng không có phản
ứng gì ở Sài Gòn...
"Cái quan trọng hơn hết cả là ở chỗ
nào cũng có những cuộc ám sát và sự mất tích, đặc biệt là những nhân vật quốc
gia.
"Ngay ở Huế cũng có những truyền đơn
được phân phát. Và có những nhóm không biết nghe lệnh từ đâu, tụ họp và di
chuyển trong thành phố, tới tận sát Thành nội.
"Ngày 22-8, đại tá chỉ huy quân đội
Nhật ở Huế tới xin triều kiến và nói với tôi là theo lệnh của Chỉ huy Đồng
Minh, quân đội Nhật đã bố trí xong hệ thống bảo vệ an ninh thành nội và mọi
người trong Thành. Đường từ cầu Tràng Tiền ra cũng như tất cả những lối vào
Thành đã bị chắn. Tôi cực lực phản đối quyết định này và nói: “Tôi tuyệt đối khước từ sự bảo vệ của ông. Tôi ra lệnh cho ông bãi
bỏ hệ thống phòng vệ vì tôi không muốn một quân đội ngoại quốc làm đổ máu dân
tộc tôi.” [4]
"Để chắc chắn là lệnh của tôi được
thi hành, tôi trao cho ông ta một công hàm có dấu ấn của tôi, trút cho ông
trách nhiệm phải duy trì trật tự quanh Thành nội. Tôi ghi thêm là phải mở lại
tất cả mọi cửa vào Thành để mọi người tự do ra vào như thường lệ.
"Sau đó ít lâu, giám đốc Bưu điện Huế
xin được gặp tôi. Ông ta đưa cho tôi một điện tín nhận được từ Hà Nội. Nội dung
bức điện tín: "Trước lòng quyết tâm của toàn thể dân
tộc sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập quốc gia, chúng tôi kính cẩn xin
Hoàng Thượng làm một cử chỉ lịch sừ là trao quyền lại". Điện tín này được ký bởi "Ủy ban
Nhân dân Cứu quốc đại diện mọi đảng phái và mọi tầng lớp nhân dân". Nhưng
không có tên ai.
"... Sáng ngày 23 chung quanh tôi đều
trống không. Từ ông Trần Trọng Kim tới mọi tổng trưởng, chả ông nào có mặt. Chỉ
còn người em họ là hoàng thân Vĩnh Cẩn ở cạnh tôi.
"Những lời tâm sự của Tạ Quang Bửu
trở lại trong trí tôi: Cái Mặt trận Việt Nam Độc Lập Đồng minh Hội" là
cái gì để có thể động viên quần chúng, thực hiện những ước vọng của đám đông và
bây giờ lại bảo tôi phải làm gì?
"Tôi không biết ai là những thủ lãnh.
Vậy mà những người này lại có những tiếp xúc với Đồng Minh Trung Hoa, Mỹ, Pháp,
khi mà những lời kêu gọi tôi gửi cho Tổng thống Truman, Thống chế Tưởng Giới
Thạch, Anh hoàng và tướng de Gaulle đều không được trả lời... Những lãnh tụ này
có súng ống, có phương tiện, nắm được chính quyền dễ dàng trong khi tôi sống
trơ trọi trong một kinh thành đã chết. Sự thành công dễ dàng của các lãnh tụ
này phải chăng là đó là dấu hiệu họ đã nhận được mệnh trời? Quần chúng có một
bản năng rất là chắc chắn. Bản năng này, trong những giờ phút lịch sử, luôn
luôn đưa họ tới những người đã nhận được sứ mệnh phải dẫn dắt họ. Đã đến lúc
tôi phải có một sự lựa chọn để dung hòa số phận của tôi với số phận của dân tộc
tôi... là tôi phải ra đi.
"Nhưng ai là người tiếp nhận sự ra đi
của tôi?
"Tôi bảo người em họ Vĩnh Cẩn và Ngự
tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe ra ngoài thành Nội hỏi tin tức về Việt Minh. Cả
hai trở về chả biết chi cả. Tôi đành đánh đại một bức điện tín gửi trống không
"Ủy ban Nhân dân Cứu quốc" ở Hà Nội. Tôi viết:
"Để trả lời kêu gọi của Ủy
Ban, tôi sẵn sàng tự rút lui. Trong giờ phút quyết định của lịch sử đất nước, đoàn
kết là sống, chia rẽ là chết. Tôi sẵn sàng hy sinh hết mọi sự để có thể thực
hiện được sự hợp quần. Tôi xin những người cầm đầu Ủy Ban mau vào Huế để tôi
trao lại quyền hành".
"Ngay trong đêm hôm đó, với sự giúp
đỡ của Vĩnh Cẩn, tôi thảo bản chiếu Thoái vị.
"Sáng ngày 25-8, có hai đặc phái
viên, đại diện "Việt Nam
Độc lập Đồng minh" từ Hà Nội vào: Trần Huy Liệu, trưởng phái đoàn, là phó
chủ tịch Ủy ban. Một người gầy gò trông rất thảm hại, đeo kính đen để giấu cặp
mắt lé. Người đi cùng là Cù Huy Cận, trông cũng quá tầm thường. Tôi hơi thất
vọng.
Trần Huy Liệu
"Trần Huy Liệu đưa cho tôi một giấy
Ủy quyền có mang chữ ký không rõ là của ai. Ông tuyên bố một cách rất long
trọng:
-Nhân danh nhân dân Việt Nam, cụ Hồ Chí Minh, chủ tịch Ủy Ban Giải Phóng,
cho chúng tôi cái danh dự đến Ngài để tiếp nhận quyền hành.
"Đó là lần đầu tiên tôi nghe đến tên
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đưa bản chiếu thoái vị. Trần Huy Liệu đọc bản chiếu
cùng với Cù Huy Cận rồi 2 người nói riêng với nhau trước khi quay lại nói:
-Thưa Ngài, nhân danh nhân dân Việt Nam chúng tôi chấp nhận hoàn toàn
bản chiếu này. Nhưng chúng tôi cũng xin đề nghị với Ngài là nên tổ chức một
nghi lễ vắn tắt để trong buổi lễ Ngài đọc bản chiếu trước công chúng.
Ngay buổi chiều hôm đó, trước vài ngàn
người mặc triều phục được tụ tập vội vã trước cửa Ngọ Môn, tôi đọc bản chiếu
cuối cùng của triều Nguyễn đề ngày 25-8-1945.
"Bản chiếu bắt đầu bằng:
Để toàn dân Việt Nam có hạnh
phúc!
Để Việt Nam
có được độc lập!
Trẫm tuyên bố sẵn sàng hi sinh mọi sự...
"Và kết luận bằng:
"Trẫm thích được làm công
dân một nước độc lập hơn làm vua một nước bị trị"
Hoan hô Việt Nam
độc lập!
Hoan hô nước Cộng hòa Dân chủ!
"... Trong một bầu không khí ngượng
ngập, tôi đưa chiếc ấn tượng trưng quyền hành cho Trần Huy Liệu.
"... Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận tiễn
tôi ra khỏi cửa. Trước khi chia tay, người đại diện Ủy ban Giải phóng nói với
tôi:
-Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn mời ngài ra Hà Nội để cùng thiết lập những thể
chế cộng hòa.
Tôi trả lời: -Thưa ông trưởng phái đoàn, tôi xin ông cho tôi gửi lời cám ơn Hồ
chủ tịch và sẽ không quên ra Hà Nội theo lời mời của Chủ tịch.
"... Trở thành công dân Vĩnh Thụy từ
khi thoái vị, tôi không có việc chi làm ở Huế. Tôi quyết định theo lời mời của
Hồ Chí Minh ra Hà Nội. [5]
Cố vấn Tối cao của Chính
phủ
"Ngày 6-9 tôi tới Hà Nội. Tôi được ở
căn nhà của thị trưởng Hà Nội cũ, đường Gambetta (Hoàng Diệu?). Sau khi tắm
rửa, tôi đi đến Bắc Bộ Phủ (dinh Thống sứ cũ) để dự bữa ăn buổi tối được tổ
chức để đãi tôi.
"Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng bộ Nội vụ
đón tiếp tôi và khi ra ngồi bàn, đưa tôi tới trình diện Chủ tịch Hồ Chí Minh
vừa mới tới. Ông bắt tay tôi một cách thân mật, cám ơn tôi đã tự rút lui và nói
thêm:
-Chúng ta sẽ cùng nhau làm việc cho nền độc lập của đất nước.
"Ngày hôm sau 11 giờ tôi gặp lại Hồ
Chí Minh và nói chuyện riêng với nhau. Thái độ của ông khác hẳn với ngày hôm
qua; Ông đối với tôi có vẻ kính trọng và xưng hô với tôi như ở trong cung điện
khi dùng chữ Ngài tương đương với chữ Sire trong tiếng Pháp, gần như thiếu một
điều là xin lỗi đã lên nắm quyền:
-Thưa Ngài, chúng tôi không có liên quan gì đến bức điện mà ngài nhận
được ở Huế đòi ngài phải thoái vị. Riêng về phần tôi, như khi tôi đã nói ngày
22-8, tôi muốn ngài vẫn đứng đầu nước và cử tôi làm thủ tướng chính phủ mới.
Tôi không tán thành những kẻ đã làm áp lực với ngài để ngài phải thoái vị.
Tôi cũng trả lời với cùng một lễ độ khi
dùng danh từ tôn kính là Cụ (Vénérable) và cam đoan là tôi chỉ muốn làm một
người công dân thường để chung sức xây dựng một nước Việt Nam mới, thống
nhất và độc lập.
"Hồ Chí Minh có vẻ yên tâm và đưa ra
một bức tranh đầy phấn khởi, khác hẳn với sự dè dặt trong những câu nói lần
trước:
-Tất cả những giấc mơ của ta đang được thực hiện cùng một lúc. Không
những thống nhất và độc lập sắp được Đồng Minh chính thức công nhận mà chiến
tranh kết liễu, Nhật bản đầu hàng cũng cho phép chúng ta tiến tới một chế độ
được toàn dân ủng hộ muôn người như một. Trong chế độ này mỗi người chúng ta
đều có một tương lai kỳ diệu. Độc Lập, trở thành một Từ ngữ biểu tượng của đất
nước, mãnh liệt như làn sóng thủy triều dâng lên từ đáy biển cả, khiến không có
công cuộc nào mà chúng ta không thực hiện được...
"Trong cái áo varơ cổ cao đã sờn
rách, với đôi giày săng đan thô lỗ và bộ râu lơ thơ, Hồ Chí Minh giống một nhà
tu khổ hạnh đồng thời cũng giống một nhà nho Việt Nam thời xưa được đào tạo
trong nền văn hóa Trung Hoa, thiên về thi tứ, văn chương triết học hơn là về
hoạt động chính trị.
"Có sự ngược lại là từ thân hình mảnh
khảnh, yếu ớt và từ cặp mắt sáng ngời như đang lên cơn sốt, thoát ra một niềm
tin truyền cảm rất khắc phục, đồng thời cũng tỏa ra một sự thanh thản rất ấn
tượng. Những câu nói của ông Hồ đều có dấu ấn của một ý nghĩa sâu xa về con
người, của một sự chối bỏ mọi bạo động. Ông Hồ hoàn toàn có ý thức về những
thực tại và nhưng tất yếu của Việt Nam . Ông cũng biết chiều hướng biến
chuyển lịch sử dựa vào sự tự học và sự hiểu biết tất nhiên về thế giới Âu Tây
cũng như thế giới Trung Hoa và thế giới Nga (tr129).
"Sau hơn một giờ nói chuyện, ông Hồ
kết luận:
-Tôi yêu cầu ngài tham dự những buổi họp của hội đồng các bộ trưởng và
nhận chức vụ Cố vấn tối cao của chính phủ.
"Yêu cầu này làm tôi bất ngờ. Tôi
thật không bao giờ nghĩ sự góp phần kiến tạo một nước Việt Nam mới của tôi
dưới hình thức này. Nhưng khi nghe ông nói, không thể chối cãi được ông Hồ là
người muốn độc lập và thống nhất một cách cuồng nhiệt, nên tôi nhận lời. [6]
"Hội đồng bộ trưởng họp mỗi tuần một
lần. Ngày 8-9 tôi dự phiên họp lần đầu tiên..
"... Thật ra hội đồng gồm 3 nhóm.
Nhóm cố cựu gồm những người theo chủ tịch
Hồ Chí Minh từ thuở ban đầu như Trần Huy Liệu. Những người này sống lâu năm ở
Nga, ở Trung Quốc hay biết nhau trong tù. Những người này chống Pháp kịch liệt.
Nhóm thứ hai gồm những người gọi là giáo
sư trường Thăng Long, một trường tư về Luật [7] ở Hà Nội mà những nhân vật trong ban
giảng huấn đều thuộc thành phần đại trí thức rất hiểu biết về chính trị. Trong
số những người này có Võ Nguyên Giáp. Cũng có những người là cựu cán bộ của
đảng Cộng sản được hợp pháp hóa khi Mặt trận Bình Dân lên nắm quyền ở Pháp như
Phạm Văn Đồng. Những người này đều có văn hóa Pháp, thông minh và có óc cởi mở.
Tuy chống đối kịch liệt chủ nghĩa thực dân, tranh đấu hăng say cho nền độc lập,
những người này không muốn đoạn tuyệt với nước Pháp.
Sau cùng là những người gọi là những người
"ngả theo", như Dương Đức Hiền, cựu chủ tịch Tổng hội sinh viên Hà
Nội, hay Nguyễn Mạnh Hà, cầm đầu Thanh niên hoạt động Công giáo. Đa số những
người này đều là kỹ thuật viên xuất thân từ những Trường Lớn của Pháp nhưng
không được (Pháp) dùng đúng với bằng cấp và khả năng của mình.
"Hồ Chí Minh ngồi ở một đầu bàn và
tôi được ngồi đối diện ở đầu kia.
"... Có một ngày, trong buổi họp Hội
đồng có cuộc bàn cãi khá sôi nổi giữa Hồ chủ tịch và Vũ Trọng Khánh, bộ trưởng
bộ Tư pháp ngồi bên phải cạnh tôi. Sau buổi họp Vũ Trọng Khánh đưa cho tôi một
cuốn sách nhỏ và nói với tôi:
- Ngài có vẻ ngạc nhiên về phản ứng của vị chủ tịch chúng ta. Đọc cuốn
sách này ngài sẽ hiểu rõ hơn.
Tôi nhìn cái tít "Cuộc đời Nguyễn Ái
Quốc" do A. Marty, trùm mật thám của Phủ Toàn quyền thảo. Tôi hỏi:
- Ai là Nguyễn Ái Quốc?
Khánh nhìn tôi rồi đưa đầu về phía Hồ chủ
tịch đúng vào lúc ông đi gần chúng tôi để ra khỏi phòng họp. Ngạc nhiên vì điệu
bộ chúng tôi, ông lướt mắt nhìn cuốn sách rồi nhún vai, nhếch mép cười một cách
hóm hỉnh, bước ra khỏi phòng họp không nói một lời.
"Về đến nhà, tôi vội vã đọc cuốn
sách. Nguyễn Ái Quốc chỉ là một tên trong số cả mấy chục tên khác trong cuộc
đời phiêu bạt trước khi trở thành Hồ Chí Minh... Cuốn sách của Marty ngưng lại
ở đoạn này. Giáp là người kể tiếp cho tôi từ khi ông Hồ trở về nước năm 1941 và
thành lập Việt Minh ngày 19-5 ở Cao Bằng.
"... Sự giao thiệp của tôi với các
"đồng sự" rất là tốt đẹp. Nếu tôi gọi là các anh thì họ đều gọi tôi
với cái tít Ngài. Hồ Chí Minh muốn mọi người phải xưng hô như vậy. Tôi đặc biệt
gắn bó với Vũ Trọng Khánh. Ông ta có vẻ trơ trọi vì không nằm trong đảng...
"... Tôi nhận được tin Phạm Quỳnh,
cựu thủ tướng của tôi, bị bắt, cũng như Ngô Đình Khôi, anh của Ngô Đình Diệm và
người con là Ngô Đình Huân, thư ký riêng của đại sứ Yokoyama. Tôi can thiệp với
Hồ Chí Minh:
- Thưa cụ, ai cũng muốn giúp cụ mà tôi là người đầu tiên. Xin cụ rộng
lượng. Khi cụ mới cầm quyền cụ thả hết mọi người tù. Xin cụ ra lệnh thả những
người bị bắt từ khi đó.
- Thưa ngài, không thể được, dân sẽ không hiểu.
- Ít ra cụ cũng thả những người cộng sự của tôi. Họ không có trách nhiệm
gì cả.
- Tôi hứa với ngài tôi sẽ lo chuyện đó.
Thật ra cả hai, Phạm Quỳnh và Ngô Đình
Khôi bị giết ngay từ đầu mà ông Hồ không biết. [8]
"... Giữa chúng tôi (Bảo Đại và ông
Hồ) hoàn toàn có sự thông cảm. Trong những buổi đàm đạo, không bao giờ đả động
gì đến những vấn đề về hệ tư tưởng. Chúng tôi cùng đi với nhau đến gặp
Sainteny, người thay Messmer làm ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc bộ. Chúng tôi cũng
đi gặp người Mỹ và những phái viên của họ: Lansdale ,
thiếu tá Patti, và sau này là tướng Gallagher. Tôi thấy Hồ Chí Minh nói tiếng
Anh khá được.
"... Trong những cuộc đi gặp như vậy
tôi luôn luôn được đẩy đi trước, khiến tôi phải nói: thưa chủ tịch tôi chỉ là
cố vấn. Trái lại trong những buổi họp và biểu tình, tôi chỉ được ngồi bên phải.
Sau tôi mới hiểu đó chỉ là những thủ đoạn. Chính phủ được chấp nhận nhưng không
được công nhận bởi Đồng Minh. Sự có mặt của tôi cho chính phủ có bộ mặt hợp
pháp hơn và tôi chỉ là bảo lãnh. [9]
[1] tr 113
[2] Kampetai: Mật vụ Nhật.
[3] Lính “Khố đỏ”.
[4] tr 117
[5] tr 121
[6] tr 130
[7] thật ra chỉ là một trường trung học.
[8] tr 134
[9] tr 135
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét