Cuối tháng 7/1991, Đại tướng Lê Đức Anh được Bộ Chính trị cử làm phái viên sang Trung Quốc bàn bạc những vấn đề cụ thể việc bình thường hoá quan hệ hai nước. Cuộc hội đàm chính thức diễn ra tại Trung Nam Hải vào buổi chiều ngày 31/7/1991.
Xin trích, ghi ra đây một số đoạn trong lời phát biểu của hai Trưởng đoàn tại cuộc hội đàm này (Tài liệu lưu trữ tại Phòng Lưu trữ Văn phòng Chủ tịch nước):
Tổng bí thư Giang Trạch Dân: Tôi nhiệt liệt hoan nghênh đồng chí Lê Đức Anh và đồng chí Hồng Hà. Tháng 9 năm ngoái đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng chí Đỗ Mười đến làm việc ở Thành Đô, đồng chí Hồng Hà cũng có mặt. Hôm nay được dịp quen biết đồng chí Lê Đức Anh, tôi rất phấn khởi. Đồng chí đã hội đàm rất tốt với đồng chí Kiều Thạch. Đồng chí Lý Bằng đã gặp đồng chí. 1 giờ sáng nay tôi mới ở địa phương về đến Bắc Kinh. Hôm nay rất phấn khởi được gặp đồng chí. Theo tập quán của chúng tôi, xin mời đồng chí nói trước.
Đại tướng Lê Đức Anh: Tôi rất phấn khởi được gặp đồng chí Tổng bí thư. Tôi biết đồng chí rất bận nhưng vẫn giành thì giờ tiếp chúng tôi, chứng tỏ đồng chí rất quan tâm. Rất cám ơn đồng chí! Tôi xin chuyển lời thăm hỏi và chúc sức khoẻ của đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười, các đồng chí Cố vấn Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công tới đồng chí và nhờ đồng chí chuyển lời thăm hỏi đó tới đồng chí Đặng Tiểu Bình, các đồng chí lãnh đạo khác của Trung Quốc.
Đảng chúng tôi cử hai đồng chí chúng tôi sang thăm và làm việc ở Trung Quốc. Chúng tôi rất phấn khởi thấy được thành tựu mười năm cải cách của các đồng chí. Điều đó cổ vũ rất lớn Đảng và nhân dân chúng tôi.
Về công việc, chúng tôi đã thông báo về Đại hội VII, đã kiểm điểm việc thực hiện những thoả thuận ở Thành Đô cả về Đảng và Nhà nước xem việc gì làm được, việc gì chưa làm được. Tôi đã nêu tất cả với đồng chí Kiều Thạch. Hôm qua chúng tôi được đồng chí Lý Bằng tiếp và cho phương hướng giải quyết những vấn đề thuộc Nhà nước. Chúng tôi rất phấn khởi. Hôm nay gặp đồng chí Tổng bí thư, xin đề nghị đồng chí Tổng bí thư cho ý kiến về những mong muốn của Đảng chúng tôi, về việc Đoàn cấp cao Đảng và Nhà nước chúng tôi do đồng chí Đỗ Mười dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc mở đầu trang sử mới trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước sau hơn mười năm trắc trở. Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười, Bộ Chính trị và ba đồng chí Cố vấn mong rằng sự kiện đó sẽ được thực hiện trong năm 1991 này. Được như thế thì rất đáng phấn khởi không chỉ đối với lãnh đạo mà cả đối với toàn Đảng, toàn dân chúng tôi.
Từ nay đến khi có cuộc gặp cấp cao đó, đề nghị với đồng chí Tổng bí thư là các ban của hai Đảng gặp nhau trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng, kinh nghiệm lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước hết chúng tôi mời đoàn Ban Đối ngoại Trung ương Đảng của Trung Quốc sang làm việc với Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Việt Nam. Chúng tôi đề nghị các đoàn thể, các Hội hữu nghị Việt-Trung và Trung-Việt trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Gặp đồng chí, tôi có mấy ý kiến như thế, mong đồng chí cho ý kiến.
Giang Trạch Dân: Hôm nay được gặp đồng chí, tôi bỗng nhớ lại ngày 3 và 4 tháng 9-1990, những ngày gặp đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười. Sau cuộc gặp gỡ lần đó, đôi bên có nhiều cố gắng thực hiện thoả thuận ở Thành Đô. Nhưng do tình hình thay đổi và vì rất nhiều lý do, rất nhiều nguyên nhân khác, chúng ta chưa làm được hết, nhưng phương hướng chung có tiến triển. Hôm qua tôi đã đọc thư đồng chí Đỗ Mười gửi cho chúng tôi.
Chúng ta là hai đảng cầm quyền. Hôm nay tôi xin nói thẳng thắn. Sáng nay tôi gặp đồng chí Lý Bằng, đồng chí Kiều Thạch và nhiều đồng chí ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khác, chúng tôi đã bàn với nhau và chúng tôi hoan nghênh Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam do đồng chí Đỗ Mười dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc năm nay. Tôi rất đồng ý với ý kiến đồng chí Lê Đức Anh, các cơ quan của hai Đảng, qua lại trao đổi ý kiến với nhau. Ban Đối ngoại Trung Quốc sang thăm Việt Nam trước. Hôm qua đồng chí Lý Bằng đã trao đổi ý kiến với các đồng chí rất tốt. ý kiến chúng ta nhất trí với nhau.
Vì chúng ta là những người cộng sản, tôi nói theo nhận thức, theo quan điểm của đảng chúng tôi. Tình hình thế giới bây giờ rất phức tạp. Tôi biết đồng chí Lê Đức Anh hiểu biết hơn tôi về quân sự. Đồng chí là Bộ trưởng Quốc phòng, tôi là Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Đồng chí vào Trung ương làm việc ở Trung ương sớm hơn tôi. Tôi nói thẳng thắn, tôi giữ chức Tổng bí thư từ ngày 24-6-1989, từ đó đến nay, tôi không ngờ tình hình Đông Âu biến động và Liên Xô rối ren đến như vậy.
Chúng ta là những người cộng sản, phải thực sự cầu thị. Hiện nay xã hội chủ nghĩa đang thoái trào. Tình hình ngày nay khác tình hình khi nước chúng tôi giải phóng và khi nước các đồng chí được giải phóng. Nhưng chúng ta là những nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải khẳng định chủ nghĩa xã hội sẽ thắng lợi. Đồng chí phải thấy đây là quá trình đấu tranh hết sức gian khổ. Cho nên chúng ta là hai nước láng giềng, hai đảng cộng sản cầm quyền, không có lí do gì không xây dựng quan hệ láng giềng hữu hảo với nhau.
Ngày 9/11/1993 tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân tổ chức lễ đón, chào mừng Chủ tịch nước Việt Nam Lê Đức Anh
Từ sự đột biến ở Đông Âu và qua 25 tháng tôi công tác ở Trung ương, tôi nhận thức được rằng kiên trì xã hội chủ nghĩa là rất quan trọng. Các nước phương Tây lúc nào cũng muốn xoá chủ nghĩa xã hội khỏi trái đất này. Đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nhân dân Trung Quốc đánh đổ chính quyền Quốc Dân Đảng giành chính quyền. Chúng tôi xây dựng đất nước, không bao lâu, chúng tôi phải chống Mỹ viện Triều, sau đó chúng tôi cũng tham gia cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của các đồng chí. Cho nên phương Tây, nhất là Mỹ qua hai lần đọ sức bằng phương thức chiến tranh, chúng không xóa được chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Bọn chúng dùng biện pháp "diễn biến hoà bình" của Ngoại trưởng Mỹ Đa-lét, để đối phó với chủ nghĩa xã hội, đối phó với bức màn sắt- như Nixơn đã viết cuốn "Không đánh mà thắng". Cả Nixơn và Brêdinxki đều nhận định: Chủ nghĩa cộng sản- Chủ nghĩa xã hội sẽ bị tiêu diệt trên trái đất này. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời. Năm 1985 Nixơn đi Đông Âu. Sau khi về Nixơn dự đoán không bao lâu nữa Đông Âu sẽ có thay đổi lớn. Tình hình không may đã diễn ra đúng như Nixơn dự đoán.
Tháng 5-1991, trước khi tôi đi Liên Xô, Nixơn vừa đến Liên Xô trước đó 2 tuần. Thái độ của các nước phương Tây đối với việc viện trợ cho Liên Xô khác nhau. Đức, Pháp giữ lợi ích của Châu Âu. Mỹ, Nhật thái độ rất rõ ràng- Nixơn nói "Liên Xô phải triệt để đầu hàng, hạ vũ khí, phải quá độ sang tư bản chủ nghĩa bằng con đường hoà bình thì mới viện trợ, nếu không thì không viện trợ. Đối với âm mưu lật đổ, chúng có pháp bảo: Dùng chế độ đa đảng để lật đổ Đảng".
Chúng tôi rất cảnh giác chế độ đa đảng. Về mặt này chúng tôi kiên quyết chống hoạt động đa đảng. Quả thật như thế, En-xin vừa lên Tổng thống Cộng hoà Liên bang Nga liền thủ tiêu các cơ sở đảng ở cơ quan, xí nghiệp. En-xin đã từng là ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Đảng cộng sản Liên Xô. Nghe tin này như người Trung Quốc nói "Xúc mục kinh tâm"- Những điều trông thấy khiến ta giật mình. Hiện nay các nước phương Tây muốn dùng chiêu bài dân chủ, tự do, nhân quyền để thực hiện diễn biến hoà bình. Mỗi năm chúng tôi triệu tập đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc một lần. Tôi đã dự hội nghị đó hai lần. Quan điểm của tôi là, Đại hội đại biểu nhân dân là của dân, không đi theo con đường nghị viện kiểu phương Tây. Chúng tôi cũng có 8 đảng nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không cho phép đảng đối lập. Chúng tôi có tổ chức Hiệp thương chính trị, các đảng hợp tác với nhau dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Những đại biểu Quốc hội toàn quốc, phát biểu ở Quốc hội, anh không phải với tư cách nghị sỹ, với tư cách thay mặt một đảng nào khác mà là tư cách đại biểu của nhân dân. Sau khi giải phóng đất nước, ở chúng tôi xuất hiện Đảng Dân chủ, họ đòi luân phiên tham gia nắm quyền với Đảng chúng tôi. Về mặt này Mao Chủ tịch rất nhạy bén. Người đã phát động cuộc đấu tranh chống phái hữu. Phương hướng là đúng nhưng trong đấu tranh thiếu sót ở chỗ đã mở rộng quá mức. Chúng tôi bây giờ hết sức cảnh giác với tư tưởng luân phiên nắm chính quyền. Điều đó đáng sợ không phải là có tồn tại hay không tồn tại vấn đề đó mà là ở chỗ đảng có kiên quyết chống tư tưởng đó, có cảnh giác với âm mưu đó hay không. Nếu biết cảnh giác, có biện pháp, không sợ gì cả...
Đồng chí Chu Sỹ Lương (Trưởng ban Đối ngoại) đã từng hoạt động ở Thượng Hải đã thấy cảnh Quốc Dân Đảng cưỡi ngựa đàn áp thanh niên học sinh và những người cộng sản. Tôi nhớ rất rõ cảnh đó.
Điều thứ hai tôi nhận thức được đó là quân đội nhân dân phải tuyệt đối đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quân đội là cây súng, hình thái ý thức là cây bút. Với tư cách quân đội, đồng chí Lê Đức Anh lâu năm hơn tôi. Tôi làm nghề nào mới học nghề ấy. Tôi vừa đi hơn 20 tỉnh và thành phố trong tổng số 30 tỉnh thành. Tôi đã đi 18 quân khu. Trước đây tôi chưa được bầu làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Sau khi được bầu tôi thường xuyên đi thăm các quân khu. Đồng chí Lê Đức Anh hiểu tầm quan trọng của cây súng hơn tôi. Cây bút cũng rất quan trọng. Về tuyên truyền quả thật phải không ngừng cải tiến phương pháp tuyên truyền. Mục đích của tuyên truyền là đi sâu vào lòng người. Nếu ta chỉ theo cách cũ cứng nhắc không được. Tuyên truyền phải sống động, hoạt bát, không thế sẽ không có kết quả tốt. Về phương thức, về công tác tư tưởng, phải tính đến sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Ti vi hết sức quan trọng. Hiện nay ti vi rất phổ biến ở thành phố. Hàng ngày dân chúng cứ nghe, nhìn, rồi qua tai, mắt, nếu chúng ta không có năng lực phân tích sẽ hấp thụ những điều dở. Mao Chủ tịch đã nói: Nếu tư tưởng vô sản không chiếm lĩnh, tư tưởng tư sản sẽ chiếm lĩnh. Chúng tôi tiến hành "Tảo hoàng" (quét sạch những văn hóa đồi trụy), chúng tôi kiên quyết làm. Phải chống lại những văn hoá màu vàng. Trừ hủ bại. Đứng về ý nghĩa chính trị, việc quét này không thành vấn đề gì. Việc này ở phương Tây cũng không thể không chống. Đĩ điếm, cờ bạc, ma túy họ cũng phải chống. Tôi đã nói với phương Tây, với Nixơn tôi đã tiêu diệt những điều đó và đó là niềm tự hào của chúng tôi. Nay với đồng chí tôi nói thật, vẫn còn tồn tại những cái đó ở Trung Quốc, nhưng chúng tôi có thái độ kiên quyết chống nó, bài trừ nó. Chúng ta kiên trì bốn nguyên tắc cơ bản. Chống tư sản không chỉ chống văn hoá màu vàng. Phải chống cả tự do hoá tư sản. Đứng về góc độ phiên dịch chắc khó dịch diễn đạt hết hàm ý của nội dung này. Nội dung chống này bao gồm việc chống lại tất cả những tư tưởng chống chủ nghĩa cộng sản, chống chủ nghĩa xã hội, chống những sự thối tha đồi trụy của tư sản. Còn đối với những kỹ thuật tiên tiến, cách quản lý khoa học, văn hoá ưu tú của tư sản chúng ta lại phải học tập. Chúng tôi có chuyển hướng cải cách mở cửa, khuyến khích nước ngoài đầu tư nhưng phải tôn trọng pháp luật...
Trên tôi đã giới thiệu tóm tắt nhận thức của cá nhân tôi. Tôi tin rằng chuyến đi thăm của đồng chí thúc đẩy việc tiến tới bình thường hoá quan hệ hai đảng, hai nước. Qua đồng chí xin gửi lời thăm tốt đẹp tới đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười, các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng và các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuy rằng đồng chí Nguyễn Văn Linh làm cố vấn nhưng đồng chí đó đã để lại ấn tượng sâu sắc cho chúng tôi.
Chúng ta còn dịp vừa ăn cơm vừa nói chuyện (Đồng chí Giang Trạch Dân liền đọc một câu thơ rồi nói tiếp):
Tôi rất phấn khởi được gặp đồng chí. Hôm nay là bước mở đầu tốt đẹp của chúng ta.
Cuộc đàm đạo được nối tiếp trong buổi chiêu đãi ngay tối hôm đó, 31-7-1991 cũng tại Trung Nam Hải.
Giang Trạch Dân: ...Chúng ta đang đứng trước những vấn đề phức tạp hơn khi đất nước mới giải phóng. Khả năng lãnh đạo của từng cá nhân thế hệ cũ lớn hơn những người mới. Chúng tôi phải dựa vào các đồng chí cũ. Lãnh đạo hành chính điều quan trọng là phải dựa vào sự nhất trí. Trung Quốc có câu "Ba anh thợ da bằng một Gia Cát Lượng". Tôi cũng nhớ một câu nói nổi tiếng: "Sợ nhất lô cốt bị phá từ trong phá ra".
Năm nay xảy ra thiên tai lớn, nhiều năm chưa từng xảy ra nhưng chúng tôi tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng nhất định khắc phục được hậu quả. Chúng tôi vẫn lấy nông nghiệp làm cơ sở. Nói thật với đồng chí, Trung Quốc giải phóng đã hơn 40 năm. Hễ cứ được mùa hai năm liền là lại coi nhẹ nông nghiệp. Mao Chủ tịch nói "Trong tay có lương thực, trong lòng không hoang mang", "Dân dĩ thực vi tiên". Rất may, mấy năm liền Trung Quốc được mùa, dự trữ còn nhiều, không bị chấn động. Gặp thiên tai, chúng tôi không ngờ yếu tố tinh thần tốt như vậy. Điều đó thể hiện nhân dân tin tưởng vào Đảng Cộng sản, vào chế độ xã hội chủ nghĩa. Vấn đề này không giải quyết tư tưởng bằng báo cáo, phải bằng thực tiễn hành động. Nước lũ đến, Bí thư Đảng ủy xã đã đứng ra hàng đầu lo chống lũ, bà con rút đi hết, Bí thư là người rút cuối cùng. Những hành động thực tế đó lớn hơn nhiều lần báo cáo, hành động có sức thuyết phục lớn nhất. Bây giờ trước tình hình Trung Quốc gặp thiên tai, bà con Hoa kiều, số người có gốc Hoa ở các nước và rất nhiều nước quan tâm, nhưng cũng có nước hí hửng về việc đó. Bọn này tính toán chờ thời cơ hành động. Bọn này đã rút ra những bài học. Dựa vào học sinh, sinh viên tạo phản 3 năm không thành. Nay muốn đột phá vào cơ quan Đảng, Chính phủ, Quân đội. Phu-xích viết trong "Dưới giá treo cổ" có một câu nói tôi mãi mãi không quên. Phu-xích bị bọn phản bội bán rẻ, bị bắt và đã nói khi bị hành hình: "Nhân dân ơi! Tôi yêu nhân dân nhưng nhân dân đừng quên cảnh giác!" ý này rất hay, chúng ta phải luôn luôn cảnh giác.
Tôi hiểu rằng kinh nghiệm của đồng chí Lê Đức Anh rất phong phú. Các nước phương Tây bắt đầu tính toán đến vấn đề rất nghiêm trọng đối với chúng ta và vấn đề giáo dục thanh niên. Thanh niên dễ tiếp thu văn minh phương Tây. Tiếp thu kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của phương Tây, chúng ta không phản đối. Tôi thường xuyên có quan điểm tiếp thu những văn hoá ưu tú phương Tây. Nhưng phải làm cho thanh niên thấy nhân dân ta đã từng bị áp bức của các cường quốc... Bắt đầu từ năm nay, chương trình giáo dục cấp 1 của chúng tôi có phần giáo dục tình hình đất nước, có phần lịch sử cận đại vì thế hệ chúng tôi sớm muộn cũng đi gặp Các Mác nên chính quyền sau này rơi vào tay ai không thể không suy nghĩ. Tôi xin nói thẳng với đồng chí và nói nhiều vì lần đầu gặp đồng chí nhưng cảm thấy như người bạn lâu năm.
Lê Đức Anh: Khi ở chiến trường, tôi thấy rõ sự giúp đỡ của Trung Quốc. Tất nhiên có cả Liên Xô. Nhưng sự giúp đỡ của Trung Quốc cụ thể, thiết thực: Súng B40, lương khô, mũ cối, thuốc xoa chống muỗi, chống vắt v.v… Trong chống Mỹ, cứu nước, các đồng chí đã viện trợ toàn diện cho Việt Nam.
Giang Trạch Dân: Đó là việc cần làm.
Lê Đức Anh: Bây giờ Trung Quốc hơn 1 tỷ dân, đang tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, đó là viện trợ to lớn nhất, không thể đánh giá hết được.
Giang Trạch Dân: Tôi đã nghe thông báo về Đại hội VII. Thấy các đồng chí kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa , kiên trì chủ nghĩa Mác Lê-nin, tự đáy lòng tôi thấy rất phấn khởi.
Lê Đức Anh: Về quốc tế, đồng chí nói gọn đủ, tôi tiếp thu lập trường quan điểm của các đồng chí, điều đó làm tăng niềm tin ở tương lai xã hội chủ nghĩa đối với chúng tôi. Trong thời điểm này, Trung Quốc đóng vai trò cực kỳ to lớn trước sự tồn vong, còn hay mất của chủ nghĩa xã hội, của phong trào độc lập dân tộc trên thế giới. Đó là nhận thức sâu sắc của chúng tôi. Về phía Việt Nam chúng tôi kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa . Tất nhiên không cần lập mặt trận chống ai, nhưng Trung Quốc ổn định, vững, là niềm cổ vũ lớn cho phong trào cộng sản quốc tế.
Trở về Việt Nam. Ngày 3 tháng 8 năm 1991, tại cuộc họp Bộ Chính trị, sau khi tôi báo cáo kết quả chuyến đi Trung Quốc, các thành viên dự họp phát biểu sôi nổi và đồng nhất đánh giá chuyến đi đạt kết quả tốt và nhất trí mấy việc cần làm là:
- Thông báo về kết quả chuyến đi này với Liên Xô, Lào và Campuchia. (Trong đó có ý kiến của Cố vấn Phạm Văn Đồng: Không để các đồng chí Campuchia nghi ngờ mình, nghĩ mình mua bán với Trung Quốc trên lưng họ. Có thể cho các đồng chí Campuchia biết cả biên bản, sòng phẳng; để các đồng chí Campuchia rõ chuyến đi chỉ có hai vấn đề: Thông báo kết quả Đại hội VII và bàn bình thường hóa quan hệ, không có bàn kèm theo vấn đề Campuchia. Để các đồng chí đó thấy rõ thắng lợi chuyến thăm Trung Quốc là thắng lợi chung của Việt Nam và Campuchia, góp phần giải quyết vấn đề Campuchia).
- Thông báo về chuyến đi trong nội bộ Đảng và báo cáo với Quốc hội.
- Triển khai các công việc cần thiết trước mắt, nhất là các cơ quan chức năng như Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương và Thủ tướng Chính phủ để xúc tiến các bước trong tiến trình thực hiện bình thường hoá quan hệ Việt-Trung.
- Giang Trạch Dân: Quan hệ quốc gia với quốc gia, chúng tôi theo 5 nguyên tắc chung sống hoà bình- mấu chốt nhất là không can thiệp vào nội bộ của nhau. Còn giải quyết quan hệ Đảng với Đảng- chúng tôi theo 4 nguyên tắc- mấu chốt cũng là không can thiệp vào nội bộ nhau.
Người ta ai cũng mong muốn người trong họ hàng của mình tốt lên. Láng giềng cũng muốn láng giềng của mình tốt hơn. Như tôi đã nói đứng trước tình hình quốc tế hiện nay, xã hội chủ nghĩa đang thoái trào, những nhà nước do Đảng Cộng sản cầm quyền không còn bao nhiêu. Nên tự đáy lòng tôi hết sức tán thưởng đường lối Đại hội VII Việt Nam...
Đối với chúng ta phải kiên trì sự lãnh đạo của Đảng. Trong kinh tế, sở hữu nhiều thành phần nhưng phải lấy công hữu làm cơ sở. Đó là những điều tâm huyết của tôi. Lần đầu tiên được gặp đồng chí, tôi rất thú vị, nói hết lời.
Lê Đức Anh: Lần đầu tiên gặp đồng chí Tổng bí thư Giang Trạch Dân, tôi thấy rất thân tình. Những lời nói từ đáy lòng đồng chí nói ra được thể hiện cụ thể ở những nơi tôi đến tham quan: xã Tứ Quý Thanh, Công ty gang thép Thủ Đô …
Giang Trạch Dân: Đồng chí lớn tuổi hơn tôi, làm việc lâu năm hơn tôi, kinh nghiệm phong phú hơn tôi.
Lê Đức Anh: Chúng tôi ở nước nhỏ, tầm nhìn hẹp.
Giang Trạch Dân: Trung Quốc có câu nói "Con chim chích tuy nhỏ nhưng gan mật đều có". Tôi chủ trương bố trí cho cán bộ công tác ở cơ sở rồi mới điều lên trên, như vậy mới tốt.
Về quân sự, đối với tôi là ngoại ngạch. Bây giờ không phải tôi đi học bắn súng mà học xây dựng quân đội, xây dựng chiến lược của chúng tôi. Chúng tôi phải xây dựng chiến lược phòng ngự vì không có ý xâm lược ai. Chúng tôi phải tăng cường xây dựng quốc phòng. Bây giờ tình hình thế giới thay đổi nhanh. Có một điểm cần nghiên cứu về ý thức của Lênin: Chủ nghĩa đế quốc là chủ nghĩa tư bản dãy chết. Vì sao nó chưa chết? Nó rút kinh nghiệm. Ta cũng phải tổng kết kinh nghiệm cách mạng thế giới. Làm sao phải xây dựng tốt nhà nước xã hội chủ nghĩa của mình. Nói thật với các đồng chí, cuộc cải cách mở cửa do đồng chí Đặng Tiểu Bình đề ra thu được nhiều thành tích to lớn, nhưng kinh tế vẫn còn kém. Chúng tôi phải quyết tâm phát triển kinh tế, có phát triển mới có quyền phát triển. Có điều có thể khẳng định: Kinh tế phát triển, tài lực phong phú, chúng tôi cũng không xâm lược ai. Phải ổn định chính trị mới phát triển kinh tế được. Chúng tôi muốn có hoà bình để làm tốt công tác kinh tế. Nhưng điều đó hoàn toàn không phải do một mình chúng tôi quyết định được. Chúng tôi phải hết sức cố gắng. Trời không chiều ý người nên chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ mọi mặt, như thế tốt hơn chỉ nghĩ tới một mặt.
Tối hôm nay rất phấn khởi được làm quen với đồng chí, một lần lạ, lần sau quen. Chúc đồng chí một chuyến đi tốt đẹp (ông Giang dùng tiếng Pháp: "Bon voyage").
Đại tá Khuất Biên Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét