Bây giờ là 01h30 đêm mà Blog thì vẫn báo là 11h30 AM
Vợ sinh. Tôi đón cha lên thành phố. Nếu nói là đón mẹ
lên thì thích hợp với hoàn cảnh hơn. Nhưng mẹ tôi đã xa cõi đời từ lúc
tôi lọt lòng. Sự ra đi của mẹ, trong
thâm tâm tôi vẫn luôn là một sự đánh đổi quá nghiệt cùng của tạo hóa, mà
nỗi đau đớn còn dành lại một vị đắng ở đầu môi. Và người ở lại phải
sống tốt cho cả hai phần đời. Tôi đã có thật nhiều cố gắng.
Cha tôi, người đàn ông lam lũ. Cha gầy, gầy lắm, mà không phải chỉ gầy
do sức khỏe, mà thời gian đã ngấm dần trong từng thớ thịt cha, già cỗi
và yếu ớt. Người đàn ông cô độc ngần ấy tháng năm của tôi.
Bao
nhiêu lần ôm cha ngủ. Từ bé, lúc lớn lên đi xa trở về, hay khi tôi đi
làm có tiền thường gọi điện cho ông: “Cha, lên thành phố với con, con lo
được mà”. Ông hỏi dò “Có thiệt không đó, cu con? Không để tiền cua gái
hả?” Rồi ông cười khà khà. Hôm sau đã có mặt ở nhà tôi. Mang nào gà, nào
vịt, nào trái cây. Và không quên mang theo một cúc rượu để cha con nhâm
nhi. Nhưng sao lần này, nằm cạnh ông, nhìn ông ngủ, tôi …tôi không diễn
tả nỗi cảm xúc của mình. Nước mắt ở đâu cứ như nước sôi đang đun trào,
cứ thế đẩy vung mà ra. Chắc vì tôi mới được làm cha, chắc lẽ thế.
Tôi lấy vợ rất muộn. Vợ là người thành phố, con nhà danh giá. Nhưng với
nỗ lực và cố gắng của mình, tôi độc lập về kinh tế, không phải dựa bóng
nhà vợ.
Khi mọi người quây quần quanh thằng Mỏ (con trai yêu quý
của tôi), nhìn nó kháu khỉnh đáng yêu quá. Nhà vợ rất đông người tới.
Ai cũng đòi được bế thằng Mỏ nụng nịu. Bà ngoại thằng Mỏ (là người rất
khó tính) nói “Ông Nội bế cháu đích tôn một chút này”, cha đưa tay ra
định bế thì bà ngoại khựng lại.
“Trời ơi, tay ông nội sao thế,
thế thì hỏng da của cháu mất….”. Bà ngoại giữ thằng Mỏ lại trong lòng,
vừa nói vừa nhìn bàn tay cha tôi dò xét.
“Ờ….vâng, tôi lỡ…để tôi…đi rửa..”. Cha tôi ấp úng rồi đi ra nhà sau để rửa tay.
“À, chắc ông mới làm than đó má”. Tôi nói đỡ, rồi theo cha ra sau. Mọi
người lại xúm lại đòi bế thằng Mỏ. Cha tôi rửa tay, và đúng là ông làm
than thật. Tức là ông phơi mớ than củi mang từ quê lên để cho vợ tôi nằm
hong, khỏi nhức mỏi đau lưng sau này. Nhưng ông làm xong từ sáng sớm
rồi kia mà, lẽ nào cha tôi đã già nên lẩm cẩm rồi, chẳng còn nhớ mà rửa
tay nữa. Cha ơi…
Thấy ông đứng cặm cụi rửa tay, khó nhọc. Tôi tiến lại “Cha, để con rửa cho cha”.
“Thôi đi cu con, hồi bé cha rửa tay rửa chân cho mày, giờ học đòi à, nhưng chưa đến lúc đâu….”.
“Đưa con coi nào”, tôi giằng lấy tay ông. Trời ơi, hai bàn tay ông chai sần, những lớp da bị tróc mẻ, nham nhỡ đỏ lừ.
“Cha bị sao thế, cha đừng rửa bằng xà bông nữa”… Tôi nói.
“Ờ, hồi trước, hồi trẻ ấy, cha mày đi xây, bị xi ăn, bị dị ứng. Hôm qua
tao thấy trước sân nhà mày có chỗ bị hỏng, tao hòa ít xi gắn lại. Ai
ngờ lâu thế mà nó cũng bị lại…”.
Ông nói rồi lững thững đi vào.
Vừa đi vừa chùi chùi hai bàn tay vào áo, cái dáng còng còng như oặn trĩu
bởi yêu thương. Cha bước đi không còn vững nữa rồi, năm tháng ơi...
Là trưởng phòng kinh doanh một công ty, tôi đi tối ngày, tranh thủ chạy
về lúc trưa, lúc tối muộn. Nên cha làm gì, mọi người làm gì tôi cũng
không rõ hết. Nhà tôi ở ngoại ô. Có một khoảng sân nhỏ, trồng một ít cây
cối. Trong những tháng ngày này, được làm cha, được sống trong cảnh gia
đình sum vầy thế này. Tôi ngỡ cuộc đời như một giấc mơ. Hay đúng hơn là
cuộc đời ai rồi cũng đến lúc sống đúng như một giấc mơ, khi đã cố gắng
thật nhiều.
Từ chuyện bàn tay, mà cha chưa bế cháu Mỏ một lần
nào. Không chỉ vì ánh mắt e dè của bà ngoại thằng Mỏ. Mà có lẽ ông tự ái
(bệnh người già mà), ông muốn mọi người được vui. Và hơn hết ông thương
thằng Mỏ, như bà ngoại nói “da cháu còn nhạy cảm, như thế là không
tốt”. Tôi cũng chỉ im lặng. Vì nghĩ mọi thứ đều hợp lý. Hay tại vì cha
là đàn ông (yêu thương để trong lòng), ít ra cha cũng không như bà
ngoại, khi một ngày không ẵm thằng Mõ vài lần nũng nịu là ăn cơm không
nổi.
Thế là cha tôi, ngày ngày lầm lũi ngoài khoảng sân nhỏ. Ông
nấu nước Vằng (một loại lá cho người đẻ uống rất tốt), ông quét sân,
thỉnh thoảng qua chỗ mấy ông già cùng khu phố ngồi chơi. Rồi lại thỉnh
thoảng về ngắm thằng Mỏ. Vợ tôi còn bảo “ở nhà ông còn giặt cả tả, quần
áo cho Mỏ”. Mặc dù có bà ngoại, hay mấy cô em vợ tôi, mà họ toàn giặt
máy. Nhưng khi chưa kịp bỏ vào máy là ông lại bê đi giặt tay. Bà ngoại
cũng không muốn ông phiền lòng, nên cũng đành im lặng. Nhưng tôi biết
sau đó bà ngoại lại lén bỏ vào máy giặt lại, may mà bà không để cha
biết….
Thời gian cứ thế trôi đi, cuộc sống bình lặng êm đềm.
Nhưng tình cảm trong tôi đang dậy sóng, vì từ Cha thiêng liêng, mỗi lúc
vợ hay bà ngoại bế thằng Mỏ đều chỉ vào tôi bảo “Gọi ba đi, ba ba, ba
ba”. Thằng bé chỉ nhìn rồi cười, đáng yêu vô vàn vô tận.
Cho đến
một ngày, khi tôi đang đi công tác tỉnh, vợ gọi điện “Chồng, về nhà đi,
ông nội vào viện rồi”. Tôi về ngay, về liền. Cha tôi đứng lên chiếc ghế
đẩu để phơi tả cho thằng Mỏ, bị trượt ngã. Khi tôi về đến nơi ông đã
tỉnh, bác sĩ ái ngại nhìn tôi bảo cha chỉ bị chấn thương nhẹ, cần điều
trị vài ngày là hết nhưng tinh thần thì đáng lo, cần để tâm tới ông
nhiều hơn. Bà ngoại và vợ nhìn tôi ái ngại. Nước mắt tôi cứ chực tuôn
chảy. Cha ơi...
Tôi về nhà lấy đồ cho cha. Tôi lục túi của ông.
Một ít quần áo, một tút thuốc quê đã hút phần nữa. Và…một cuốn sổ, nhỏ
bằng lòng bàn tay, màu nâu cũ kỹ, một chiếc bút được kẹp ở giữa. Tôi tò
mò, tôi mở nó ra, mở ngay trang đang kẹp bút. Tôi đọc:
“Vậy là
cháu nội tôi đã chào đời được một tuần. Nhìn con trai vui, mới biết mình
đã già, đã sống hết phần đời mình mất rồi. Buồn vui lẫn lộn. Khi về bên
kia gặp vợ, có thể an lòng. Nhưng mà sao già này buồn quá. Muốn được ôm
thằng Mỏ vào lòng quá. Mà…. Già này nhớ những tháng ngày xưa, khi vợ bỏ
lại hai cha con ra đi, một mình nuôi con trai. Một mình bế nó trên tay,
một mình cho nó uống sữa, một mình ru nó ngủ, trong đêm thâu. Ôi mới
như hôm qua đây thôi, mà sờ lên mái tóc đã bạc trắng mất rồi. Con trai
à, cháu Mỏ à, già này yêu hai cu lắm…. Bàn tay chết tiệt này, sao mày
lại giở chứng đúng lúc thế….”.
Tôi lật tiếp những trang viết đầu, những ngày tháng đầu:
“Vợ, anh nhớ em, nhớ nhiều…anh không có gì để ví được”…. Em yên lòng,
anh sẽ nuôi con, anh sẽ sống cho cả hai cuộc đời, anh sẽ làm được… “Vợ,
anh không chịu được nỗi đau này…..” “Vợ ơi…”
Dài lắm, tôi đọc
mãi, đọc mãi, đến lúc những dòng chữ nghệch ngoạc của cha nhòa đi bởi
nước mắt tôi nhỏ xuống. Tôi mới dừng lại. Cha viết nhật ký. Ông giấu tôi
kỹ quá, giấu tài quá. Đàn ông như cây Lim cây Táu, mà tâm hồn ông như
Liễu như Mai, rũ xuống vì yêu thương, rũ xuống vì tình cảm, rũ xuống vì
cô độc. Ôi, cha già của con!
“Anh ơi làm gì lâu thế, đi đưa đồ vào cho nội thay đi, anh còn ngủ ư”. Vợ tôi kêu vọng lên lầu.
“Ờ…anh biết rồi….”. Tôi quẹt nước mắt. Gấp nhật ký của cha, bỏ lại cẩn
thận. Tôi phải lén đi ra, bởi không muốn ai nhìn thấy mình đang khóc,
rồi phi ngay xe tới bệnh viện. Cứ tưởng được làm cha, cảm thấu được nổi
thương xót khi cha mình đã ở tuổi xế chiều. Nhưng mà, thực sự giờ tôi
mới nghiệm ra một điều, là với cha mẹ, dù mình có đi mòn cả lối đời cũng
không thể nào thấu hết những tình thương yêu mà họ dành cho con cái.
Không thể hết được đâu. Cho nên, dù ở vị trí nào, cũng chỉ biết sống cho
tốt, cho thật tốt, thế mà vẫn cảm tưởng như tình cảm mình đáp lại cho
mẹ cha cũng chỉ là gáo nước giữa đồng khô nắng cháy mà thôi. Những hình
ảnh về cha hiện lên trong đầu, mắt tôi đỏ ngầu hoen lệ, chứa chan.
“Cha…”, tôi mở cửa phòng bệnh viện.
“ Gì đấy cu con, cha đây mà, cha có trốn đi đâu chớ, cái thằng này”.
Cha vẫn gọi tôi như thế. Cả phòng bệnh đông lắm. Cha tôi ngồi dựa vào
tường, tay đưa gói bánh cho đứa trẻ con ai ở giường bên, cha bụm bụm vào
má nhóc con đó.
Tôi chạy lại, mặc kệ ai nhìn, mặc kệ là gì đi
nữa, tôi ôm lấy cha. Tôi quay mặt vào tường, cho những giọt nước mắt lăn
chảy không ai thấy, tôi nói trong tiếng nấc: “Cha, xin lỗi cha, con đã
quên...”
Bệnh viện âm thanh ồn ả vốn dĩ, mà sao tôi nghe yêu thương đập đầy nơi tim…
Chủ blog thường xuyên thức đêm như vậy, không tốt cho sức khỏe...
Trả lờiXóa