NHỮNG TRUYỆN NGẮN CHỈ LỚN BẰNG LÒNG BÀN TAY
LỜI MÀO ĐẦU CỦA TÁC GIẢ
Tôi mượn đầu đề này của nhà văn Nhật nổi tiếng Yasunari Kawabata. Ông cũng có một chùm truyện ngắn với tên gọi như vậy. Cách đây ba chục năm chính tôi dịch và in báo một số truyện trong chùm ấy, nay thất lạc chẳng nhớ gì. Chỉ mang máng nhớ một truyện nói về người đàn bà nọ mang thai những mấy năm mới đẻ. Thì ra bà ta gắng chịu đến khi chiến tranh kết thúc mới dám cho con ra đời để tránh họa binh đao. Truyện khác về một người đàn ông từ xa về đến nhà thì vợ đã chết, người xám ngoét, nhăn nhúm. Suốt nhiều giờ liền ông ta dùng đôi tay khỏe mạnh của mình xoa bóp cơ thể vợ cho đến khi da thịt căng ra, đỏ hồng. Và bà đã mỉm cười với ông. Cả hai truyện đều rất ngắn, đúng chỉ bằng lòng bàn tay như tên gọi, nhưng ấn tượng để lại thật sâu sắc, trong khi suốt đời mình có lẽ tôi đã đọc đến cả núi sách, phần lớn thường dài mà đọng lại trong trí nhớ chẳng được bao nhiêu.
Vả lại thời gian gần đây do tuổi tác, tôi đọc nhiều các tác phẩm triết lý của người xưa. Các bậc thánh hiền như Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử hoặc Trang Tử đều rất kiệm lời. Nhiều khi cả triết lý vĩ đại chỉ nằm trong mấy chữ. “Tri giả bất ngôn, Ngôn giả bất tri” (Nói là không biết. Biết thì không nói) của Lão Tử là một thí dụ. Thơ Đường luật và thơ ngũ ngôn xưa cũng vậy. Cách nói của người xưa là không nói, mà chỉ gợi ý để người đọc tự suy ngẫm, tự tìm ra ý và cái triết lý sâu xa tác giả muốn nói.
Có người ví văn chương vốn dĩ như con đường bằng phẳng đã trải nhựa, đáng lẽ theo đó mà đi thì nhân danh cái mới, chúng ta cứ thi nhau phá phách đâm ngược rẽ xuôi, đào chỗ này, đắp chỗ kia, đến mức làm méo mó cả văn chương. Tất nhiên không ai phủ nhận những tìm tòi, sáng tạo chân chính để khỏi phải dẫm chân tại chỗ. Nhưng những gì đã định hình và được mọi người chấp nhận là chuẩn mực thì nên chăng cứ thế mà chấp nhận. Cái mới nằm ở nội dung, không nhất thiết ở hình thức và cách diễn đạt nội dung đó. Suy cho cùng, như Khổng Tử nói, văn dĩ tải đạo. Mà đạo thì giản dị, rạch ròi và luôn đi thẳng. Tôi nghĩ bộ com-lê chững chạc và chiếc cà vạt khiêm tốn cả thế giới đang mặc còn tồn tại lâu, và sẽ ngớ ngẩn nếu ai đó tìm cách làm một cuộc cách mang lớn nhằm thay đổi chúng.
Nhiều truyện ngắn của ta hiện nay, trong đó có truyện của tôi, công bằng mà nói, có thể rút ngắn từ một vài chục trang xuống vài ba trang hoặc thậm chí ít hơn mà vẫn truyền tải hết ý. Chưa chừng hiệu quả còn lớn hơn. Đấy là chưa nói việc bây giờ thời đại tin học với nếp sống công nghiệp bận rộn, hơi đâu người ta chịu nghe mình rông dài này nọ. Cá nhân tôi cũng luôn thích đọc những truyện ngắn và không muốn tác giả hiểu hộ cho mình.
Đó là lý do khiến tôi thử viết chùm truyện này. Những truyện chỉ lớn bằng lòng bàn tay. Còn việc chúng có được như tôi mong muốn hay không thì lại là chuyện khác.
1. NHỮNG NỐT NHẠC ĐEN TRẮNG
Căn phòng nằm trên tầng cao nhất một chung cư mới xây ở Vũng Tàu, nên dẫu xa bờ vẫn có thể nhìn thấy biển, nhưng lúc này biển chẳng có gì để nhìn vì trời đang mưa.
Trong phòng có ba người. Nửa nằm nửa ngồi trên chiếc đi-văng là một ông già gầy khô, tóc trắng, hai bàn tay nhăn nheo đặt lên đầu gối, với những chiếc ngón dài như ngón tay Chúa trong tranh của El Greco. Ông ngồi như thế đã lâu, hoàn toàn bất động. Đôi mắt cũng bất động nhưng không nhắm. Có vẻ ông đang ngủ thiếp. Nhiều người già vẫn hay ngủ thiếp cách ấy.
Hai người kia là anh con chưa đến bốn mươi, béo mập và mút hai đầu như chiếc bánh mỳ căng phồng, tóc húi cua lởm chởm, và đứa con gái mười tuổi dài ngoẵng như nhiều đứa khác ở cái tuổi ấy. Nó đang học đàn với bố. Những ngón tay nhỏ và ngắn lóng ngóng lướt trên phím đàn pianô. Thỉnh thoáng gặp chỗ khó, nó ngừng đàn ngước nhìn bố vẻ xin lỗi. Anh kia nói điều gì đấy rồi ngồi yên chờ con chơi tiếp. Khác với vẻ ngoài đồ sộ, thậm chí hơi dữ dằn, anh ta có giọng nói nhỏ nhẹ. Cả cách nói cũng nhỏ nhẹ.
Cách đây nửa tháng, đang đêm, ông bố gọi điện từ Hà Nội vào:
- Lúc nãy con thổi bài Hành Khúc của Verdi à?
Anh con giật mình:
- Vâng, làm sao bố biết ạ?
Ông bố không đáp, mãi lúc sau mới nói:
- Nó làm bố nhức đau nhói trong ngực.
Đó là bản Hành khúc Thắng lợi Ai Cập trong vở ôpera Aida nổi tiếng của Verdi. Anh vốn là nhạc công của Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội, chơi kèn trompet. Cũng ở dàn nhạc này, trước bố anh chơi đàn viôlông bè một, sau mắc chứng suy tim nên thôi.
Nghe bố nói thế anh thấy lo. Ông là người rất nhạy cảm, anh biết, nhưng ở cách hàng ngàn cây số mà nghe được con thổi kèn, lại còn đau trong ngực thì quả có cái gì đấy không ổn. Mấy ngày sau, thấy bố lại gọi điện kêu đau đầu khi anh thổi một bài nhạc buồn chuyển thể của Sô-panh, anh lập tức bay ra Hà Nội đưa ông vào ở cùng, dù vẫn như trước, ông thích sống một mình.
- Con bé tập pianô có làm phiền bố không ạ? - anh hỏi. Từ hôm có bố trong nhà, anh không thổi kèn nữa.
- Không, - ông đáp. - Ngược lại, còn thích.
Thế là hôm nay tự ông vào phòng cháu rồi ngồi bất động trên ghế suốt từ nãy đến giờ.
Anh con đang nhẹ nhàng giải thích tính chất một đoạn nhạc khó:
- Con chơi đúng nốt, đúng nhịp đấy, nhưng chưa có nhạc. Nhạc là hồn, là tình cảm, con biết rồi mà. Như chỗ này chẳng hạn, - anh cúi xuống dí ngón tay quả chuối vào mấy dòng nhạc. - Phải dịu dàng hơn, đặc biệt các phím đen. Phím đen không chỉ có màu sắc mà tình cảm cũng khác phím trắng. Biết nói thế nào được nhỉ?... Như ngày và đêm vậy, như niềm vui và nỗi buồn…
- Con không thích phím đêm, - cô bé lí nhí đáp.
- Nhưng đó là cuộc sống. Có ngày phải có đêm. Có vui ắt có buồn. Rốt cục bản nhạc cuộc đời nào cũng chỉ hai nốt đen trắng ấy, và chúng đang ở trong tay con. Con phải xử lý chúng cho đúng, phải làm sao để thành dòng chảy, mượt mà và tương phản. Đằng này con chơi khô khan, các nốt nhạc cứ như va vào nhau rơi tung tóe xuống đất. Con không thấy thế à? Nào chơi lại bố nghe.
Dẫu chưa lĩnh hội hết những lời triết lý kia của bố, cô bé ngoan ngoãn chơi lại cả bản nhạc, nét mặt căng thẳng như người lớn. Cả lần này nó vẫn chưa kết hợp nhuần nhuyễn được các nốt trắng đen ngày đêm, hạnh phúc và nỗi buồn ấy. Và chúng vẫn tiếp tục “va vào nhau rơi tung tóe xuống đất” như bố nó nói.
Lúc này bên ngoài mưa ngớt tự lúc nào. Thậm chí mặt trời chui khỏi đám mây, chiếu những tia nắng ẩm ướt vào phòng, làm các nốt nhạc đen trắng rơi vãi trong đó bỗng ánh lên rực rỡ.
Hai bố con học xong ra khỏi phòng từ lâu, ông già vẫn ngồi yên. Cuối cùng ông gượng dậy, đi về phía chiếc đàn rồi bò lổm ngổm trên sàn gỗ, cố nhặt những nốt nhạc rơi của đứa cháu. Thỉnh thoảng ông giơ một vài nốt lên soi dưới ánh mặt trời.
*
Tối ấy, khi vào phòng mời ông xuống ăn cơm, người ta thấy ông già đã chết, trên chiếc đi-văng vẫn ngồi. Hôm sau, khi lượm bố vào quan tài, anh con dùng hết sức mới gỡ được hai bàn tay nắm chặt của ông. Từ đấy hai dòng kim cương đen nhánh chảy ra, lấp lánh như những vì sao giữa sàn nhà sẫm tối.
Mãi sau này, khi lên mười bảy tuổi và chuẩn bị đi New York theo học pianô tại Nhạc viện Julliard, cô cháu “không thích phím đêm” của ông tình cờ thấy trong va-li một gói lớn những viên kim cương trắng muốt được gói cẩn thận trong tấm vải cũ bằng nỉ người ta thường dùng để phủ lên đàn viôlông.
Hà Nội, 30. 5. 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét