Món Châu chấu rang lá chanh
- quê tôi lại gọi là Cào cào rang lá chanh
Quê tôi làng Đún, xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà, cũng như nhiều miền quê khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, người dân gắn bó với nghề nông, với canh tác cây lúa nước. Vì thế, mỗi vụ cấy trồng, con Châu chấu cùng với nhiều loài côn trùng khác, lại thi nhau sinh sôi nẩy nở phá hoại mùa màng.
Ngày xưa, vì chưa có thuốc trừ sâu, người nông dân “nhất cử lưỡng tiện”, đánh bắt Châu chấu để bảo vệ mùa màng; rồi lại dùng chính chúng làm món ăn khoái khẩu; nhưng tôi thấy, chỉ chế biến được mỗi món “Châu chấu rang lá chanh”.
Chế biến món Châu Chấu rang lá chanh:
Con Châu chấu đem chần nước sôi để mất mùi hôi, rồi rút đầu bỏ ruột, nhặt bỏ cánh, bỏ càng, rửa sạch, sóc chút muối để ráo nước.
Phi hành mỡ, cho Châu chấu vào đảo kỹ, sau cho nước dưa chua, mắm muối gia vị vừa đủ, khi sôi nên nhỏ lửa cho đến khô kiệt, Châu Chấu sẽ giòn tan có mùi thơm ngậy, màu sắc vàng rơm, bắc ra tra lá chanh thái nhỏ là ăn được.
Món Châu chấu rang lá chanh là món ăn dân giã có vị giòn tan, bùi ngậy và mùi thơm của lá chanh, được ví là món “Tôm đồng bay”, ăn với cơm gạo mới, rau muống chấm tương, thực là món ăn hấp dẫn ở quê nhà.
Đời sống của con Châu chấu và cách đánh bắt:
Con Châu chấu lúa, mỗi địa phương có cách gọi khác nhau; quê tôi lại gọi là “con Cào Cào”, nghe nói trong Nam Bộ người ta cũng gọi như thế? Tôi còn nhớ mãi, hồi giặc Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, lớp học chúng tôi có gần bốn chục anh, quê ở nhiều tỉnh khác nhau từ Quảng Bình trở ra; học viên nằm giường tầng, ở chung một nhà, đóng quân sơ tán tại Quán Hiệp, xã Liên Hiệp, Quốc Oai, Hà Tây. Có lần tôi nói: “Ở quê tôi gọi con Châu chấu là con Cào cào...”, thế là cuộc tranh luận nổ ra, ai cũng cho địa phương mình là đúng, không ai chịu ai; sau đề tài tranh luận lại chuyển sang: “Tất cả các loại cá con đều là con Tép...”. Sở dĩ, ở một số địa phương Bắc Bộ, gọi gộp cả những con cá nhỏ vào với con tép, con tôm (con), thành ra con tép, hay “mớ tép”.
Con Châu chấu - quê tôi lại gọi là con
Cào cào
Con Cào cào - Quê tôi lại gọi là con Châu
chấu
Đến nỗi, tôi phải “phớt Ăng lê ” rút lui ra ngoài không tham gia tranh luận nữa, xem máy bay chiến lược B52 từ căn cứ Ut apao ở Thái Lan bay qua Lào, qua Sơn La, Hòa Bình, Hà Tây rồi vào đánh phá thành phố Hà Nội. Tiếng máy bay B52 nghe “ù ỳ, ù ỳ... ” nặng nề như tiếng cối xay lúa, vọng xuống từ trên “chín tầng mây”; tiếng máy bay phản lực như xé rách trời đêm... Đến gần nửa giờ sau, trận đánh kết thúc, tôi vào lại nhà mà cuộc tranh luận về “con Cào cào - Châu chấu” và “các con cá con đều là con Tép” vẫn chưa hạ hồi phân giải.
Con “Cào cào” hay “Châu chấu” là cách gọi của mỗi địa phương, không sai, nhưng dễ dẫn đến nhầm lẫn "ông nói gà, bà nói vịt"... Nhưng phải công nhận rằng, nói theo sách giáo khoa dậy vỡ lòng hồi tôi đi học, con Cào cào có đầu nhỏ và nhọn, con Chấu chấu có đầu to và tầy. Còn về mặt sinh học, con cá con không thể là con Tép, cũng theo sách dậy vỡ lòng trong bài: “Bà Còng đi chợ trời mưa / Cái Tôm, cái Tép đi đưa bà Còng …”, cái Tôm, cái Tép đi sau bà Còng được vẽ cùng một loài, chỉ to nhỏ khác nhau... Chả trách, giặc Tàu, giặc Tây rồi đến giặc Mỹ, thua ta là phải.
Con Châu chấu có hai loại: - Châu chấu lúa là loài nhỏ sống chủ yếu ở đồng lúa - Con Châu chấu Ngô hay còn gọi là Châu chấu Tre là loài lớn, thường có màu sắc sặc sỡ, chúng sống ở bụi tre, bụi lau sậy, bãi ngô..., ở châu Phi chúng bay rợp trời, tàn phá cây cối mùa màng, nên người ta còn gọi là “giặc Châu chấu”, rất tiếc loài này lại không thể ăn được.
Khi cây lúa đang thì con gái, Châu chấu phát triển mạnh nhất, chúng ăn lá non của lúa. Người nông dân đi đánh bắt Châu chấu từ sáng sớm tinh mơ, khi sương mai còn dăng dăng đậu trên ngọn lúa; họ dùng dậm (đánh cá) hay vợt lưới lớn chao nhanh trên mặt ruộng, chao từ phải sang trái rồi ngược lại, cứ như thế lần lượt cho đến hết thửa ruộng. Những đàn Châu chấu bị ướt đẫm sương đêm, đều dính vào dậm, vào vợt, rồi người ta đem Châu chấu chần vào nước sôi để mang ra chợ bán.
Con Châu chấu vụ này còn non tơ, thường gọi là Châu chấu “cốm”, cánh mới nhú, chỉ phủ được nửa thân. Các nhà tạo mẫu đã lấy ý tưởng “tơ, cốm ” của bộ cánh non mới nhú của con Châu chấu để sáng tạo ra bộ cánh ngắn duyên dáng của thiếu nữ, để hở chút lườn non cho thêm phần hấp dẫn. Con Châu chấu vụ này chưa trưởng thành, mình lép kẹp, rang ăn kém ngon.
Vợt bắt Châu chấu
Khi vào vụ gặt lúa chiêm và vụ gặt lúa mùa; con Châu chấu đã trưởng thành có bộ cánh dài, mình bóng bẩy béo múp, con cái chứa đầy bụng trứng, “cõng” con đực nhỏ hơn ở trên lưng, để kết đôi sinh sản, nên chúng bay nhảy chậm chạp. Vì thế, bọn trẻ con dùng vỉ ruồi đuổi đập tới tấp, bắt chúng cho vào chai. Bọn trẻ tinh nghịch hơn còn nghĩ ra trò “câu Châu chấu”: Chúng bắt một con Châu chấu cái buộc chặt vào đầu que, rồi đưa ra nhử những chàng Châu chấu đực “háu gái”, chúng nhẩy ngay lên dính chặt vào lưng con cái, vì thế mà bị bắt. Con Châu chấu vụ này to bằng đầu đũa, nhiều trứng, rang với lá chanh, ăn có vị giòn, bùi, ngậy chẳng kém gì tôm đồng; nên được ví là “Tôm đồng bay”.
Con Cà Cuống
Con Muỗm
Cũng vào vụ gặt, người đi gặt lúa còn tranh thủ bắt những con Muỗm, con Cà cuống về nướng làm quà cho bọn trẻ. Con Muỗm nướng thơm phức béo ngậy. Con Cà cuống nướng có tinh dầu thơm cay tự nhiên, nên thành ngữ có câu “Cà Cuống chết đến đít vẫn còn cay”, để ví những ai đã không làm được việc nhưng lại hay cay cú. Nước chấm pha tinh dầu Cà cuống, chấm với bánh cuốn Thanh Trì mỏng tang, cũng là món điểm tâm thanh tao của người Hà Nội xưa.
Ngày nay, người ta lại quay về ăn các món côn trùng như người Thái Lan, vì chúng rất sạch mà lại nhiều đạm, tránh được các bệnh về tim mạch và béo phì. Con Châu chấu, con Cào cào, con Muỗm, con Cà cuống… ở quê tôi gần như tuyệt chủng. Món Châu chấu rang lá chanh chỉ còn lại trong ký ức của những người cao tuổi. Cuộc tranh luận về “con Cào cào hay con Châu chấu” vì thế mà cũng phai nhạt dần, chẳng mấy ai buồn nhớ tới chúng nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét