Bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao đã đi
cùng một chặng đường lịch sử quan trọng của đất nước và gắn với biết bao thế hệ
người Việt.
Nhạc sĩ Văn Cao - tác giả “Tiến quân ca”
Trước ý kiến của một đại biểu Quốc hội về việc
sửa lời Quốc ca vì không phù hợp với xu thế hiện nay, Lao Động trao đổi với một
số nhạc sĩ, nhà nghiên cứu về vấn đề này.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân -
Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN: Không khéo sẽ lặp lại như cuộc thi sáng tác quốc ca năm
1981
Lịch sử của Quốc ca nước ta đã nhiều lần được chính tác giả
hoặc đồng nghiệp cũng như công chúng chỉnh sửa, không chỉ sửa ca từ mà còn cả âm
nhạc để đi đến một bản phổ chính thức. Nay, trước những ý kiến đóng góp cho việc
sửa đổi Hiến pháp 1992 có liên quan đến Quốc ca, tôi trao đổi thế này: Việc đề
nghị chỉnh sửa câu “Đường vinh quang xây xác quân thù” trong lời 1 bài Quốc ca
cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước, theo chúng tôi là một đề
nghị đáng ghi nhận, nhưng rất nên suy nghĩ, cân nhắc thận trọng.
Vì lời
ca đã in sâu vào tâm trí của bao thế hệ đồng bào và chiến sĩ cả nước, trở thành
biểu tượng của lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Việc thay ca từ mới có thể phù
hợp với yêu cầu của cuộc sống hôm nay, nhưng chưa chắc đã ăn nhập với văn cảnh
tổng thể của tác phẩm, nếu không khéo sẽ lặp lại như cuộc thi sáng tác quốc ca
vào năm 1981 và cuối cùng không đi đến kết quả gì.
Hơn nữa, cho đến thời
điểm này, bà Nghiêm Thị Băng (vợ của nhạc sĩ) đang hưởng quyền thừa kế về bản
quyền tác phẩm “Tiến quân ca”. Việc thay đổi lời Quốc ca cần xin ý kiến của gia
đình nhạc sĩ Văn Cao.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm
bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN: Quốc ca là biểu tượng của lịch
sử
Với tư cách một công dân, tôi cho rằng, không cần thiết phải
thay lời của Quốc ca, bởi Quốc ca đã được coi như một dấu ấn lịch sử, đi cùng
lịch sử khai sinh ra nhà nước VN. Hơn nữa, Quốc ca là biểu tượng của lịch sử. Vì
thế, trên thế giới, bên cạnh một số nước có thay đổi Quốc ca, như Nga chẳng hạn,
thì phần lớn các nước vẫn giữ Quốc ca từ khi thành lập thể chế, nhà nước ấy.
Luật Sở hữu trí tuệ quy định tác giả có quyền giữ nguyên vẹn tác phẩm
của mình (quyền nhân thân), nếu muốn thay đổi nội dung thì phải có trao đổi và
được phép của người có quyền sở hữu tác phẩm. Với việc thay đổi lời của Quốc ca,
trong trường hợp có những yêu cầu cấp thiết khác vì lợi ích quốc gia thì Nhà
nước vẫn có quyền thay đổi, nhưng vẫn nên có thông báo với chủ sở hữu tác phẩm.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Không nên đổi lời
Quốc
ca là chuyện của một thời đại, của lịch sử. Theo tôi, không nên sửa đổi lời Quốc
ca. Quốc ca Pháp “La Marseillaise” còn có lời “kinh khủng” hơn nhiều, nhưng nước
Pháp vẫn không thay Quốc ca của họ. Việc sửa đổi Quốc ca trước hết cần có ý kiến
của gia đình, của bà Văn Cao. Hơn nữa, tôi thấy chưa tôn trọng tác giả, khi mà
trong Hiến pháp 1992, Điều 142 chỉ ghi “Quốc ca nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa
Việt Nam là nhạc và lời của bài “Tiến quân ca”, mà không ghi rõ tên tác giả.
Nhà văn, nhà nghiên cứu Ngô Tự Lập: Quan trọng nhất là ý chí của
người dân
Theo tôi, việc đổi lời hay không đều có mặt hay của nó
và nói chung không quan trọng lắm. Quan trọng là ý chí của người dân: Người dân
chọn cách nào. Cả hai cách đều đã có tiền lệ trên thế giới. Quốc ca Pháp “La
Marseillaise” ra đời vào giữa cuộc Cách mạng Pháp, lời “đằng đằng sát khí”,
nhưng người ta vẫn giữ nguyên. Trong mọi trường hợp, chúng ta không nên quên
rằng Quốc ca, cũng như mọi tác phẩm nghệ thuật, đều có tính thời điểm của nó.
Nếu giữ nguyên, chúng ta cảm nhận trong lời bài hát không khí hào hùng
của một thời cách mạng. Còn nếu đổi lời, thì không có nghĩa là lời cũ dở, cũng
không có nghĩa là từ bỏ quá khứ, mà chỉ là phản ánh thông điệp của một giai đoạn
mới. Việc này cũng giống như thay đổi khẩu hiệu, chẳng hạn trước đây trong thời
kỳ kháng chiến ta có khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sau này trong
xây dựng đất nước, chúng ta lại có khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai”.
Trong mọi trường hợp, chúng ta không nên quá câu nệ vào nghĩa cụ thể của
bài hát. Bài hát chính thức của một tổ chức, hay cộng đồng, còn, và có lẽ là chủ
yếu, có ý nghĩa nghi lễ, biểu tượng. Tôi biết, một công ty coi bài “Năm anh em
trên một chiếc xe tăng” là bài hát truyền thống của mình. Họ đâu có ý định lái
xe tăng!
Tôi xin nói thêm, là còn có một cách thứ ba: Đó là chỉnh sửa lại
lời. Chẳng hạn, câu “Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca”, chỉ cần chuyển thành
“Súng ngày xa chen khúc quân hành ca” là chúng ta đã gắn kết được quá khứ cách
mạng với hiện tại hòa bình.
Trích lời Quốc ca Pháp (Theo Wikipedia): Run sợ đi,
những bạo chúa và ngươi, những kẻ phản bội Điều sỉ nhục đến từ mọi phía Run sợ đi! Những âm mưu giết cha mẹ của các ngươi Cuối cùng sẽ phải nhận lấy cái giá phải trả của nó! (2 lần) Tất cả đều là lính để chống các ngươi Nếu như họ ngã xuống, những anh hùng trẻ của ta Nước Pháp sẽ sinh ra những người con mới, Tất cả sẵn sàng chiến đấu chống lại các ngươi. Điệp khúc: Hãy cầm lấy vũ khí, hỡi những công dân! Hãy lập nên những đội quân! Tiến lên! Tiến lên! Hãy để cho dòng máu nhơ bẩn Tưới đẫm những luống cày của chúng ta! |
Quốc ca từng được chỉnh sửa (Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cung
cấp):“Tiến quân ca” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944.
Đây là một bản hành khúc phục vụ kịp thời theo yêu cầu của cách mạng. Tháng
8.1945, Bác Hồ đã chọn “Tiến quân ca” là Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa và sau khi đất nước thống nhất, năm 1976, Quốc ca nước CHXHCN Việt Nam vẫn
là bản “Tiến quân ca” cho đến nay. Trước và sau khi được chọn chính thức là quốc ca của đất nước, bài “Tiến quân ca” đã được sửa một đôi lần. Cụ thể như sau: Phần ca từ trong bài hát ở thời điểm mới ra đời đã có nhiều khác biệt so với sau này như: câu mở đầu “Đoàn quân Việt Minh đi” được sửa lại là “Đoàn quân Việt Nam đi”. Câu thứ 6, lời 1 “Thề phanh thây uống máu quân thù” được chính tác giả Văn Cao sửa thành “Đường vinh quang xây xác quân thù” hoặc như câu kết “Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là nơi đây ước nguyền!” được Văn Cao sửa thành “Núi sông Việt Nam ta vững bền”, nay lại được hát thành “Nước non Việt Nam ta vững bền” (câu này không phải do tác giả sửa lời). Còn về phần nhạc, trước ngày “Tiến quân ca” được cử hành trong lễ Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình (2.9.1945), nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu đã bàn với Văn Cao thống nhất sửa trường độ (độ dài của nốt nhạc) trong “Tiến quân ca”. Cụ thể là rút ngắn trường độ của chữ đầu tiên “Đoàn... quân” và xuống còn 1/8 độ dài từ nốt trắng trở thành móc kép và chữ “... xác” (xây xác) ba nốt đen thành một nốt đen rưỡi. |
Về Quốc ca Liên Xô và Nga (Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cung
cấp):
Quốc ca Liên Xô được viết năm 1944, âm nhạc do nhạc sĩ
Alexander Alexandrov (1883-1946) viết, lời do Sergey Mikhalkov (sinh năm 1913)
cùng viết với Gabriel El-Registan (1899-1945). Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991,
để phù hợp với tình hình chính trị, Nga đã bỏ quốc ca cũ và sử dụng “Bài ca yêu
nước” của M.Glinka làm quốc ca, song chỉ có nhạc mà không có lời. Do áp lực phản
ứng của nhân dân trong nước, nên khi Tổng thống Nga Putin lên nắm quyền lần thứ
nhất năm 2000, ông quyết định sử dụng lại Quốc ca Liên Xô (giữ nguyên phần âm
nhạc) và mời chính tác giả phần lời Sergey Mikhalkov viết lời mới.
Lời cũ: (Quốc ca Liên Xô)Vinh quang thay tổ quốc tự do của chúng ta Thành trì vững chắc của tình đoàn kết các dân tộc Đảng của Lenin là sức mạnh nhân dân Đưa chúng ta tới thành công của chủ nghĩa cộng sản (Trích điệp khúc) Lời mới: (Quốc ca Liên bang Nga) Vinh quang thay, Tổ quốc tự do của chúng ta Nơi các dân tộc anh em muôn đời gắn kết Và trí tuệ nhân dân được tổ tiên truyền lại đến hôm nay Vinh quang thay Tổ quốc! Chúng con tự hào về Người.
(Trích điệp
khúc)
(LĐ) - Số 127 - Thứ năm 06/06/2013
Lời bài tiến quân ca:
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét