Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

VĂN NGHỆ SĨ UỐNG RƯỢU


Rượu có từ hơn 8.000 năm trước công nguyên và người ta bảo đó là một phát minh vĩ đại của loài người, sau lửa. Từ đó, "Phi tửu bất thành lễ" (không rượu chưa thành lễ), không rượu cuộc đời cũng nhạt nhẽo buồn chán. Khi vui, lúc buồn  người ta đem rượu ra uống. Đám cưới  uống chén rượu chung vui, đám tang cầm chén rượu chia buồn. Ăn uống là một thứ văn hóa ẩm thực và uống rượu cũng là một nét văn hoá - văn hoá uống rượu.
Lưu Linh tên chữ là Bá Luân, người đời Tấn, Trung Quốc. Ông là một người trong nhóm Trúc lâm thất hiền (bảy người hiền trong rừng trúc), tính tình phóng khoáng, thích uống rượu. Và, uống không biết say. Ông có làm bài thơ "Tửu đức tụng" ca tụng đức uống rượu: "Có bậc tiên sinh đại nhân, lấy đất trời làm một buổi, vạn ngày làm thoáng chốc, nhật nguyệt làm then phên, lấy khắp bốn phương tám hướng làm sân ngõ. Đi về không dấu vết, ở chẳng nhà cửa, màn trời chiếu đất, tự do tự tại. Dừng lại thì nâng chén ôm bầu, khi đi thì đeo bình đeo nậm. Duy lúc này chỉ có rượu là hay, ngoài ra thì còn việc gì nữa?" (Dịch đoạn đầu).Nhờ bài thơ này mà Lưu Linh được lưu danh trong thiên hạ.
Người xưa chia cảm nhận rượu ra các cung bậc. Đi qua bao đời, ta thấy có những người uống rượu rất hay, và có những người rất dở; có những bậc hiền tửu, tiên tửu, và cũng có loại cuồng tửu, cẩu tửu. Uống rượu lợi hay hại, người ta đã nói rất nhiều, nhưng câu trả lời đang còn ở phía trước, tuỳ từng người, và từng trường hợp. Ở đây, tôi chỉ muốn giới thiệu một phương diện văn hoá của văn nghệ sỹ: uống rượu. Đối với một số người,  "Rượu kích thích lòng ham muốn, nhưng lại thiêu trụi tài năng" (W. Shakespeare). Đối với phần lớn văn nghệ sỹ, uống rượu như một nhu cầu để sống và viết. Cách uống rượu của họ cũng khác với nhiều người. Họ uống rượu không phải vì nghiện rượu, mà rượu chỉ là một trong những điều kiện để cảm xúc thăng hoa. Chúng ta có thể trân trọng những người biết dùng rượu như họ. Dùng rượu mà có những tinh hoa nghệ thuật đế đời thì cũng được chứ sao!
Sau đây là một số trường hợp văn nghệ sỹ Việt Nam uống rượu có tính điển hình, tôi kiếm tìm từ sách báo, tổng hợp từ internet, có chắt lọc, chỉnh sửa, trình bày  thành một ghi chép liền mạch, dễ hiểu, để chúng ta cùng tham khảo.


1. Tản Đà (1889 - 1939):
   

Tản Đà nói về thơ, rượu:
Trời đất sinh ra thơ với rượu
Không thơ, không rượu sống như thừa
Công danh hai chữ mùi men nhạt
Sự nghiệp trăm năm nét mực mờ
                 (Ngày xuân thơ rượu)
Ông biện minh cho cái sự say của mình:
Say sưa nghĩ cũng hư đời
Hư thì hư vậy, say thời cứ say
Đất say, đất cũng lăn quay
Trời say, mặt cũng đỏ gay, ai cười?
                         (Lại say)
Trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến, nhà văn Nguyễn Vỹ kể: "Sau khi tuần báo Phụ nữ đăng bài thơ Gởi Trương Tửu của tôi, một buổi chiều tôi đến chơi ở tòa báo, bỗng thi sĩ Tản Đà từ bên ngoài bước vào. Một chiếc khăn đóng đã viền mòn, đáng lẽ đội trên đầu ông lại đeo tòn teng trong cánh tay. Vẫn chiếc áo lương thâm cũ mà tôi đã thấy ông mặc năm năm trước. Ông hỏi cô thư ký: "Có ông Nguyễn Vỹ ở đây không?". Cô bạn cười chỉ tôi: "Thưa ông, Nguyễn Vỹ đây ạ"... Ông đưa tôi lên tàu điện, phố Hàng Bông. Nửa giờ sau đến một gian nhà ở ấp Thái Hà, nhà của ông. Ông lấy chai rượu và hai cái cốc ra. Tôi không biết uống rượu, nhưng vì xã giao không dám nói ra, sợ phật ý thi sĩ có tiếng là "Lưu Linh Việt Nam". Tôi cứ để mặc ông rót rượu ra cốc... ông bắt đầu hỏi tôi: "Tôi thích bài thơ Gởi Trương Tửu của ông, nên mời ông uống rượu. Trương Tửu là ai?". "Thưa cụ, bạn cháu ạ". "Ông ấy có biết uống rượu không?". "Dạ, anh ấy tên là Trương Tửu, thì cụ khỏi hỏi! Vả lại dòng dõi Trương Phi đấy ạ!". "Hôm nào rủ ông ấy đến uống rượu với tôi". "Dạ". "Nhưng tôi giận ông lắm vì một câu trong bài thơ của ông. Tôi định gặp ông thì tôi bảo". "Thưa cụ, câu nào ạ?". "Sao ông lại bảo: Nhà văn An Nam khổ như chó? Ông so sánh nhà văn chúng ta với kiếp chó, mà ông không hổ thẹn ư?". "Thưa cụ, nếu cháu so sánh nhà văn với chó, thì chó nó thẹn, chớ sao nhà văn lại thẹn?". Ông Tản Đà làm thinh nốc hết ly rượu, rồi rót luôn một ly nữa. Mặt ông vẫn chưa đỏ. Bỗng dưng ông phì cười, tiếng cười nổ lên đột ngột và kêu to, làm tôi giật mình. Xong, ông nói, không ngó tôi: "Ông làm tôi bượch cười!" (ông Tản Đà hay nói bượch cười). Rồi ông rưng rưng nước mắt... Tự nhiên tôi cũng muốn khóc như ông. Mặt Tản Đà đỏ như quả gấc!Trương Tửu kể về "Bữa rượu tam đỉnh" độc đáo của Tản Đà như sau: "Chúng tôi uống rượu ở trên căn gác nhà số 417 tại Bạch Mai, chỗ cụ Tản Đà mở phòng xem số Hà Lạc và dạy Hán văn. Thi sĩ rót rượu mời chúng tôi: "Thứ rượu này có ngâm đan sâm và đương quy, uống đậm giọng mà không hại cho sức khỏe. Hai ông cứ uống thật say, không nhức đầu chóng mặt gì đâu mà ngại". Chúng tôi chưa kịp đáp lời, cụ đã lại nói tiếp: "Để hôm nay tôi xào nấu các thức ăn, hai ông xem. Tôi làm bếp lại có phần giỏi hơn làm văn... (cười và quay lại gọi gia nhân) Này anh Nhỏ, anh đặt cái hỏa lò nhỏ lên bàn này tôi... Được rồi! Anh đặt luôn cái soong chả dê này lên cái hỏa lò nhỡ kia, thêm tí mỡ vào... Được rồi! Bây giờ anh nhóm lửa cái hỏa lò to kia lên để nấu canh, húp cho giã rượu... Kìa, hai ông xơi rượu tự nhiên đi... Đấy ăn trên lửa có phải ngon không? (cười to). Một bữa rượu, ba cái hỏa lò! Sang thật! Ngày xưa vua chúa dùng ngũ đỉnh, hôm nay ta dùng tam đỉnh chứ thua gì !"... Đáp lại thịnh tình của chủ nhân, bạn tôi, ông Nguyễn Đình Lạp, nghiêng mình thưa: "Chúng tôi được hầu rượu cụ hôm nay, thật lấy làm hân hạnh và vui vẻ lắm". Tôi tiếp lời bạn, thân mật hơn: "Chúng tôi không ngờ một nhà thơ tài hoa của núi Tản sông Đà lại nấu nướng thức ăn có nghệ thuật đến thế" (Trương Tửu - Uống rượu với Tản Đà).Năm 1938, Tản Đà 50 tuổi còn nhà thơ Trần Huyền Trân mới 25 tuổi. Vậy mà giữa họ đã có một tình bạn vong niên, cái chất xúc tác cho tình bạn hiếm có ấy chính là... men rượu. Bài thơ Mộng uống rượu với Tản Đà của Trần Huyền Trân đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy (1938) là một sự đồng cảm sâu sắc của một nhà thơ mới với một nhà thơ cũ, sinh bất phùng thời: "Cụ hâm rượu nữa đi thôi/Be này đã cạn hết rồi còn đâu!Rồi lên ta uống với nhau/Rót đau lòng ấy vào đau lòng này/ Say đâu? Lòng chửa được đầy/Cái đau nhân thế thì say nỗi gì?/Đường xa ư cụ? Quản chi!/Đi gần hạnh phúc là đi xa đường... Rót đi, rót... rót đi thôi/ Rót cho tôi cả năm mươi tuổi đầu/Nguồn đau cứ rót cho nhau/Lời say sưa mới là câu chân tình".Vũ Bằng - tác giả Món ngon Hà Nội tâm sự:"Người như Tản Đà để ở xa mà kính trọng, cảm phục thì được, chứ ở gần thì không thể nào chịu nỗi!...Bất cứ ở đâu ông cũng coi như chỗ không người, ăn uống bừa bãi, nói lè nhè ầm ĩ, có khi đương yên lành chẳng làm sao bỗng đổi ra giọng gay gắt với người đối thoại, tuồng như ông chính là đấng trích tiên thật, thiên hạ ai cũng sợ ông..." (Vũ Bằng - Tản Đà uống rượu làm cho tôi say đến bây giờ, NXB Văn học, 1970).
Phan Khôi - người "vinh hạnh" được "quan tòa" Tản Đà lên án, đòi đem ra Văn Miếu đánh đòn , cũng đã nhận xét như sau: "Cái lối đánh chén của ông Hiếu kề cà mất thì giờ lắm, tôi chịu không được nên ít khi tôi ngồi trọn bữa rượu với ông. Ông đem hỏa lò để ở bàn mà tự làm lấy món ăn. Có khi mãn một tiệc ăn, người nhà phải thay than trong hỏa lò đến năm sáu bận. Thường thường một mình ông vừa ăn uống lại vừa viết nữa. Ông cho có thế mới là thú (Tôi với Tản Đà thi sĩ, Tao Đàn số 9-10, năm 1939).
Chính Tản Đà cũng thường tự coi mình là "Khổng tử chi đồ", "trích tiên", một thế ngoại cao nhân, tỏ ra khác biệt với người dương thế. Ngô Tất Tố là bạn thân của Tản Đà (nhưng đã tuyệt giao với ông trong suốt 10 năm cuối đời) có lần phác họa về con người ông: "Không có tiền thì rầu rĩ, oán trách, rũ người ra như con cú, thế mà một khi có tiền thì lại không muốn làm việc gì hết, chỉ uống và ăn, hết ăn lại uống. Chưa uống thì bảo không có rượu như cái máy không xăng nhớt không chạy được, uống vào say rồi thì nằm khoèo ra ngủ và lý luận một mình rằng say mà làm việc thì hỏi đời còn có cái gì thú nữa?". 


2. Nguyễn Tuân (1910 - 1987):
 
 
Nguyễn Tuân được coi là người sành ăn. Nhà văn Tô Hoài nói: ông Tuân rất mê lối sống ngông của ông Tản Đà. Mà Tản Đà là một ông ăn uống chúa cầu kỳ. Nguyễn Tuân học theo, dần dần lại nổi tiếng hơn cả thầy, có khi còn mang vạ.
Một dạo ông viết bài ca ngợi phở, giò chả. Lúc ấy xã hội đang thiếu gạo, ăn phở là vi phạm chính sách lương thực. Thịt càng hiếm, giò chả là thứ xa xỉ, nhiều người dân như đã quên hẳn mùi vị các món ấy. Nguyễn Tuân bị phê phán lên bờ xuống ruộng. Đến nỗi bà bán rong giò chả gần nhà ông phải ái ngại cho ông: " Chúng nó ăn ngập răng thì không ai nói, ông thì ăn bao nhiêu, tôi bán cho ông tôi biết chứ. Khốn khổ, phở giấy, giò giấy mà hành người ta."
Ăn, đối với Nguyễn Tuân là một nghệ thuật, và cách ăn của ông khá cầu kỳ. Uống cũng vậy. Nguyễn Tuân thường xuyên uống rượu, coi đó như một nhu cầu không thể thiếu. Có khi uống nhiều, say tuý luý, nhưng thường là chỉ nhấm nháp một ly, bằng thứ rượu ngon, chọn lựa rất kỹ của mình. Đi đâu, ông thường mang theo, ủ ấm trong người chai rượu dẹt,  thỉnh thoảng đứng trước cảnh trời nước gợi hứng, lấy ra rót một ly nhỏ khề khà. Những khi có được chai rượu ngon (Cognac của Pháp chẳng hạn, có thể do Thủ tướng PVĐ, hay một vị nào đó quý ông và được ông quý, biếu), ông mời  bốn người bạn rất quý của mình đến uống. Đồ nhắm là đĩa mắm thu nhỏ, bốn cây tăm xỉa mắm và nâng cốc hạ ly, để nói về những chuyện tâm đắc của mình.
Trong "Vang bóng một thời", nhiều lần Nguyễn Tuân kể về thú nhấm nháp sang trọng của người xưa (Truyện Hương cuội: Chiều ba mươi tết, cụ cử, cụ tú, cụ kép cùng thưởng tiệc rượu Thạch lan hương, người bõ già kính cẩn chắp tay đứng sau lưng chủ, có vẻ cũng thèm say lắm. Rồi mỗi một chén  ngừng là một lời thơ trong trẻo cất lên, cứ thế cho tàn hết một buổi chiều). Người kể Hương Cuội cũng là người hay rượu . Vũ Bằng kể rằng Nguyễn Tuân có khi "ngưu ẩm", cũng có khi khệnh khạng một mình, một chiều bên hồ Tây với một ly Mai quế lộ.
Gần đây, có vài tờ báo Việt ngữ tại hải ngoại đăng lại một bài hát nói "Say", bảo của Nguyễn Tuân làm từ năm 1931, cách đây gần 80 năm. Điều đó khiến nhiều người ngạc nhiên,  thú vị, không hiểu có đúng là của Nguyễn Tuân không, vì xưa nay không ai thấy thơ ông đăng báo. Xin dẫn ra đây 4 câu mưỡu đầu:
Hạnh hoa thôn đã đây rồi,
Chơi đi cho thỏa một đời thông minh,
Nợ men gấp mấy nợ tình,
Cõi trần ướm hỏi Lưu Linh mấy chàng? 
Trong bút ký "Một ngày theo Nguyễn Tuân đi chơi Huế", Nguyễn Quang Hà kể:
 "Trong đò của ngư dân trên phá Tam Giang, đò nào cũng có bếp, có lò than để chiều khách ăn đặc sản của phá. Hôm nay Nguyễn Tuân không ăn trên đò, ông bảo đem lò than và tôm lên ngồi bên giếng Cam Lồ ngay dưới chân núi Túy Vân  để nhấm nháp. Ông tự nướng lấy tôm. Đôi đũa ông gắp tôm lật đi lật vê. Ông chìa một con tôm vừa gắp trong lò ra, đưa đến trước mặt tôi, ông bảo:
- Em ạ, nướng tôm còn một chút lòng đào như thế này, ăn mới biết thế nào là vị tôm ngọt. Tôm phá Tam Giang, tôm rằn nước lợ ở đây ngon nhất nước đó, em à.
Vừa nướng tôm, ông vừa lấy ra từ túi áo ngực trái một chai rượu chỉ to bằng bốn ngón tay và cũng lép như bàn tay, ông chạm chai vào vai trần của tôi:
- Em có thấy chai rượu ấm lên không? Hơi nóng của trái tim ủ nó nóng lên đấy. Uống rượu nóng thế này mới bốc và mới biết thế nào là hương thơm của rượu Ông lấy trong túi áo kia một chiếc chén nhỏ bằng hạt mít. Ông chắt rượu ra đó, mỗi chén rượu, ông lại nhắm một con tôm lòng đào. Ông đưa cho tôi một chén rượu:
- Nào em, hãy nếm một chút hương vị thanh tao của cuộc đời này đi!
Quả nhiên uống rượu nóng thấm thía một cách kỳ lạ. Tôi chợt nhớ câu thơ của Nguyễn Bính: "Em rót cho anh nước rượu đầu. Hai đứa uống chung và lại thẹn. Nghẹn ngào hai đứa uống chung nhau".


3. Văn Cao (1923 - 1995):
  
Có một nhà thơ - nhạc sĩ cũng thường xuyên làm bạn với rượu, đó là Văn Cao. Thật ra, ông ít khi uống, mà nhiều hơn, ông chỉ "ngồi thiền" trước chén rượu. Người ta nói những người uống rượu như thế là những người "mượn rượu", mượn chuyện uống rượu, mượn cái không khí rượu để ngẫm nghĩ một điều gì đó, chuyện trò tương tác với bạn bè anh em, hay cô đơn du hành trong tâm trí tới những vùng xa lạ nào của tâm tưởng.
Đúng là rượu gắn bó với phần lớn cuộc đời Văn Cao, nhất là trong khoảng 40 năm cuối đời ông. Nhưng vì ông uống rượu theo kiểu riêng như vậy, nên lượng cồn chảy vào người không nhiều. Có những buổi Văn Cao chỉ ngồi trước độc nhất một chén rượu, như thế thì rượu trong chén cũng đã nhạt hơi và theo lời khuyên của các thầy thuốc bây giờ, đó chỉ là cách uống rượu dưỡng sinh. Nhưng kỳ lạ là khi Văn Cao uống rượu theo kiểu của ông với đám đàn em, thì cách rượu của ông không hề ngăn trở hay làm mất hứng bất cứ ai trong bàn rượu, dù đó là những anh chàng đang độ hảo hán coi vài ba chai sáu lăm như đồ bỏ, coi vài chục vại bia hơi như trò súc miệng. Cái nét đẹp ấy, bây giờ người ta hay gọi là "văn hoá" trong chiếu rượu của Văn Cao, là ông biết chờ bạn rượu, biết lắng nghe người khác nói, dù đó là những đứa em út, và khi tới lượt mình, thì biết nói những điều tâm huyết, biết kể chuyện đời một cách nhẹ nhàng, và tuyệt đối không khoe khoang. Nghe Văn Cao bên chén rượu nói chuyện hay kể chuyện rất thích, vì ta có cảm giác một không gian thân mật ấm cúng bao phủ cả chiếu rượu, len lách vào từng người uống rượu, và ngay khi nghe Văn Cao kể chuyện, thì những chuyện buồn, những chuyện đau đớn của ông vẫn lâng lâng. Người như thế không biết oán thù, không sâu hận, nhưng bao giờ cũng biết nhớ, nhớ một cách rõ ràng, chính xác từng chuyện một đã xảy ra với mình trong đời.


4. Vũ Hoàng Chương (1916 - 1976):
  
 Vũ Hoàng Chương sống ở Sài Gòn, từng được vinh danh thi bá ở Miền Nam. Thơ ông sang trọng, có dư vị hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc thái Đông phương.
Nhiều người nói, nhà thơ Vũ Hoàng Chương là "con sâu rượu", một thi sĩ nghiện ngập. Chúng ta luôn nhớ hai câu thơ này của ông:
Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Ðời vắng em rồi say với ai!
Vũ Hoàng Chương được mệnh danh là "nhà thơ say". Không phải là cái say "không còn biết chi đời" như ông đã nói, mà chỉ là "gác mọi chuyện qua một bên để bay lên". Đọc "Thơ say", ta thấy men càng nồng. thơ càng bay. Vũ Hoàng Chương vẫn thèm khát "được say" đến cùng tận:
Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta!
Cổ chưa khô, đầu chưa nặng, mắt chưa hoa
Tay mềm mại, bước còn chưa chếnh choáng
Chưa cuối xứ mê ly, chưa cùng trời phóng đãng
Còn chưa say hồn khát vẫn thèm men.
Nhờ hơi men mà ông làm được những bài thơ hay như thế!
(*3,4 : Kể theo Thanh Hải - Uống rượu với nghệ sĩ )


5. Bùi Giáng (1926 - 1998):

 
Bùi Giáng là một nhà thơ có kiến thức uyên bác, giỏi ba ngoại ngữ: Pháp, Anh, Đức, đã cho xuất bản trên 60 cuốn sách (14 tập thơ, 19 dịch phẩm, 6 sách giáo khoa và nhiều tập biên khảo triết học và thơ) và hiện còn 10 tập thơ và nhiều bản dịch chưa được công bố. Ông nổi tiếng trên văn đàn với lối thơ "xiêu đình đổ quán" mà ông có thể "nhẩm bút" cả chục bài liền trong quán rượu hay quán cà phê. Tên ông đã trở thành một huyền thoại văn chương. Ông xưng danh là Trung Niên Thi Sĩ, cùng hàng loạt biệt danh trào lộng khác. Suốt hơn bốn thập kỉ sống cuộc đời giang hồ, chân đất túi vải rong chơi mọi nẻo phố đường, nghêu ngao ca hát, làm thơ, vẽ tranh, ứng xử giữa (với) đời như một thiên tài và một kẻ khùng điên, thật khó mà phân biệt.
Đi đâu cũng vậy, bên mình Bùi thi sĩ cũng có một bầu rượu, một cái túi cói đựng đầy thơ và một cây bút để chép thơ khi có hứng. Ngày nào cũng đi, cứ 200 mét thì dừng lại uống mấy ngụm "rượu suông" rồi mới đi tiếp. Bùi Giáng "say" là để "tỉnh", say nhưng vẫn "đi làm" bình thường: Làm chim bay cò bay, làm cảnh sát giao thông ngoài phố.
Anh Nguyễn Thanh Hoài - người cháu từng sống gần gũi nhất với thi sĩ Bùi Giáng trong những năm tháng cuối đời ông tại căn nhà nằm trong một đường hẻm thuộc Q.Bình Thạnh, TP.HCM đã kể: "Sáng sớm, ông đơn độc ra đường, hễ uống xong ly cà phê là ông chuyển qua uống rượu và rong chơi khắp Sài Gòn bất kể mưa nắng. Ông đi bộ là chính, nhiều khi đi suốt ngày - nếu có về nhà cũng chỉ nghỉ chân một lát, sau đó lại tiếp tục ra khỏi nhà, là đà lãng đãng trên đường trong cơn nửa say nửa tỉnh. Khi nào về nhà, ông thường mang quà phân phát cho mấy cháu nhỏ trong nhà, cất những bài thơ đã làm, ăn qua loa vài miếng cơm, rồi... đi nữa! Nếp sinh hoạt đó cứ đều đặn lặp đi lặp lại cho đến khuya ông mới chịu dừng bước. Thông thường trước khi đi nghỉ, dầu nhâm nhi rượu trắng suốt ngày ông vẫn ngồi thiền khoảng một tiếng mới ngả lưng xuống giường. Còn như những lúc quá say thì "bạ đâu ông nằm đó", những lúc ấy gia đình phải ẵm ông vào phòng mới được."


6. Nguyên Hồng (1918 - 1982):
 
 Nguyên Hồng là người xuề xoà, ưa nhường nhịn người khác. Nhìn ông râu tóc lởm chởm, quần áo nâu nhàu nhĩ, ôm cái cặp căng phồng sờn trơ cả cốt, rảo bước trên hè phố, ai cũng tưởng đó là một lão nông về phố, một con người cũ kỹ của thời quá vãng xa xôi. Được gần ông, nghe ông nói, mới biết đó là nhà văn  Nguyên Hồng  nổi tiếng, với tâm hồn ông rộng mở, tươi mới lạ thường. Văn ông là kiếp người lầm than, thơ ông là giang sơn cẩm tú, anh hùng hào kiệt. Nhưng ông Nguyên Hồng đó thường xuyên uống rượu một mình ở nhà riêng, trên đường đi, hay nơi phòng làm việc . Rượu thường là loại xoàng, lơ lớ, nhàn nhạt, có thể mua ở bất kỳ quán nào. Mồi nhậu có thể là cái bánh mỳ khô, cơm nguội, hoặc sang hơn là thịt chó.
Có lần ông nói về tác dụng của rượu: "Có nhiều người rượu vào tính khí rất khác thường, vừa la ó, cáu máu, nổi nóng, đánh nhau, xấu tính, còn rượu của nhà văn thì phải khác, rượu của nhà văn thì phải có tiếng chim, có thiên thai, có nhiều nhân vật, có cái không gặp, không biết nhưng khi viết ra thì rất thật. Mình có gặp Năm Sài Gòn hồi nào đâu mà Năm Sài Gòn trong "Bỉ Vỏ" "vẫn sống".


7. Tô Hoài (1920...)
  
Bây giờ Tô Hoài đã ở tuổi 90, vẫn viết trên chiếc bàn cũ, vẫn sống đạm bạc ở phố Đoàn Nhữ Hài trong căn nhà mua bằng nhuận bút truyện "Vợ chồng A Phủ". Ông từng đi vài chục nước, xuất bản gần hai trăm đầu sách, nếm trải đủ mùi vị trong nghề.
Từ lúc qua tuổi 80,Tô Hoài đi đứng có hơi chậm, nhưng rượu vẫn đều đều, tửu lượng vẫn cao. Mỗi khi có "lộc" lại chiêu đãi bạn bè. Anh em trong giới cần, bác chi viện một cách vô tư "không hoàn lại". Nhiều lần đi lấy nhuận bút xong, Tô Hoài hay tìm đến ngôi nhà ở phố Nguyễn Thượng Hiền, đưa bạn ông, Nguyễn Văn Bổng đi uống bia. Khi ấy ông Bổng mắt đã kém, cứ đặt tay lên vai bạn, lẫm chẫm đi bộ ra quán uống, trò chuyện, rồi Tô Hoài lại đưa bạn về. Tật bệnh mà được thủ thỉ thế thì đến chết cũng không quên được. Ông chẳng giàu đâu, vừa qua một cuộc nhập viện 2008 "thập tử nhất sinh" phải cấp cứu ở Bệnh viện Việt Pháp, tốn đến hàng triệu đồng một ngày.
Trong bữa rượu, ông có thể uống ba thứ: bia, rượu vang rồi rượu nặng. Rất nhiều người trong bữa rượu chỉ uống được một thứ, uống hai ba thứ khác nhau rất dễ chết. Với ông, hai ba loại cũng vậy thôi, không thành vấn đề! Ông không uống nhâm nhi, uống theo kiểu Nga. Tô Hoài vào quán lặng lẽ kín đáo, gọi một vài chén vại, mỗi chén làm một hơi là ra đi. Rượu đế, rượu whisky, ông ực một cái, cạn ly, rồi chữa cháy bằng nước lọc. Càng uống càng tỉnh, vậy mới lạ, không bao giờ có chuyện "rượu vào lời ra". Không bao giờ ồn ào. Càng uống giọng càng nhỏ nhẹ, càng tinh tế với nụ cười duyên dáng.
Cụ thường lên Tây Bắc, lăn lộn với người Mông trên các đỉnh núi cao, cụ ăn mèn mén, uống rượu mèn. Vào Sài Gòn, được bạn cho uống rượu chuối hột vừa thơm vừa ngọt của Miền Tây, uống một lần, Tô Hoài rất thích, gặp bạn khoe: "Rượu chuối hột, hôm qua mình thấy mình cường tráng như thằng con trai!"
Với vốn sống ấy, Tô Hoài có lần kể  truyền thuyết về người đàn bà: Thời khai thiên lập địa, trần gian chỉ có đàn ông không có đàn bà, họ sống rất cô đơn - Họ cầu Chúa, Chúa dạy rút lại một cái be sườn của mình ra, thổi nó, chiếc be sườn biến thành đàn bà - Như vậy người đàn bà là một phần thân thể của người đàn ông.
Người Mông thì khác, ban đầu cũng chỉ có đàn ông, cô đơn quá. Một đêm người đàn ông nằm mơ thấy một người khác giới, người đàn bà - người đàn bà của giấc mơ biến thành người đàn bà cho đàn ông - Người đàn bà là người của giấc mơ mà thôi.
(*5,6: Nhiều chỗ kể theo Nguyễn Quang SángRượu với các nhà văn)


8. Hoàng Trung Thông (1925 - 1993):
1
Hoàng Trung Thông triền miên những cơn say. Không biết ông kết thân với rượu từ bao giờ. Ông đã dùng rượu như nhu cầu thường nhật. Rượu cũng làm cho hình ảnh của ông trở nên bé nhỏ, dị mọ đi trong con mắt của người đời, những ai không hiểu ông, không hiểu nhân tình thế thái trong cuộc đời. Có thể ông nhận biết được điều đó, ông nhận ra những gì mà rượu mang lại cho mình, nhưng đã trót say nhau rồi, ông không bỏ được, để rồi ông lại say nhiều hơn.
Bà vợ biết ông hay rượu, trong nhà bà bao giờ cũng chăm chút ngâm trữ nhiều loại rượu ngon để chiều chồng và đãi bạn của chồng. Kèm với rượu ngon là những thứ đồ giã rượu phòng khi chồng say. Khổ nỗi, Hoàng Trung Thông lại không thèm rượu ở nhà. Ông thèm đến nơi đông vui, đến nơi có bạn hữu thì thứ men say kia mới đủ sức quyến rũ làm cho ông thăng hoa. Ngót những năm dài, rượu đã trở thành gánh nặng cho vợ con ông, và trước tiên là bản thân ông. Nhiều khi ông không còn giữ được phong độ của mình, làm cho căn bệnh huyết áp của ông thêm trầm trọng.
Khi còn đang là Viện trưởng Viện Văn học, ông hay uống rượu ở 91 Bà Triệu. Bạn bè và nhân viên cũ của ông kể lại: Mỗi buổi sáng, ông thường đi sớm tạt qua 91 Bà Triệu uống rượu và trò chuyện với bè bạn trước khi đến cơ quan. Buổi chiều đã thấy ông ở đó.
Hoàng Trung Thông có thói quen uống rượu từ từ chậm rãi, dường như mượn rượu để trò chuyện nhiều hơn là uống rượu. Một ly rượu có thể kéo dài cả giờ đồng hồ, nếu gặp bạn chuyện. Ngày mới nghỉ hưu, ông thường đến cơ quan cũ. Những bạn bè yêu quý ông thường hay mời thủ trưởng cũ ra quán cóc đãi rượu. Có rượu vào, ông nói chuyện rất hay. Chuyện đông tây kim cổ, các tri thức uyên bác, bao nhiêu hiểu biết về tinh hoa văn hóa Trung Quốc, thơ Đường v.v... ông đều đem hết vào những tiệc rượu. Với những người vốn kiến văn không đủ để mê ông nói chuyện thường tìm cớ cáo lui ra về. Chỉ vài ba người hiểu ông, mê tri thức uyên bác của ông mới ở lại cùng ông cho đến phút cuối. Khi môi đã mềm, bàn chân đã bước đi không vững nữa ông mới chịu để anh em dìu về nhà.
( Kể theo Như Bình) 


9. Nguyễn Quang Sáng (1932...)

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng không còn sống trong căn nhà nhỏ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa nữa. Gia đình ông dời về quận 7 (TP HCM) ở trong căn nhà đẹp, trồng cây sa kê thật lớn, có chiếc bàn trà ngoài hiên. Ông ngồi đó, uống trà Thái Nguyên, nhìn mưa rơi, mái tóc bạc trắng như ký ức. Vẫn tung tẩy nhậu...
Về quận 7, nhà ông phải đi qua sông, khu ấy xưa gọi ngoại thành, nay lại thuộc vùng "đất nóng" của đầu tư trong thành phố. Xưa ông mua miếng đất chỉ có căn nhà nát, cậu con trai cả là kiến trúc sư thiết kế, rồi xây thành căn biệt thự ba tầng lầu. Cậu con trai thứ hai mua xe hơi chạy đi làm, có cả gara rộng.
Cuộc sống của ông đã vào lúc thái bình. Không còn vất vả  như trước nữa. Về quận 7, xa trung tâm, gọi điện cho ông lúc nào cũng thấy ông ái ngại, đi xa lắm đó, có tới được không? Nhưng ông thì ngày nào cũng có lịch nhậu. Ông có một người bạn, ở cùng quận 7, làm quan chức ngân hàng, nên mỗi lần có lịch nhậu ông thường nói bạn chở xe hơi đi.
Còn không, ông gọi taxi tới. Ở tuổi của ông, nhậu như một thói quen bè bạn chứ không phải là để sát phạt, tạc thù. Nó như là một nhu cầu trong cơ thể, được gặp và trò chuyện, vậy thôi. Ông đi lại cũng không còn nhanh nhẹn như xưa.
Thế nên, cứ lên xe, kêu tài xế chạy tới địa chỉ, nhậu xong lại gọi taxi về, mất trăm ngàn nhưng mà nhàn thân, khỏi lo lắng mệt nhọc. Nhậu trong thành phố ông chỉ tới vài nơi quen.
Như quán 6A Trần Cao Vân chẳng hạn, ông thuộc từng mặt khách quen ở đó. Ông nói, quán đó không sang cũng chẳng hèn, không xô bồ mà cũng không quá nghiêm túc. Nó vừa vặn với ông. Vừa lai rai uống bia vừa coi đá banh, thấy cuộc sống nhẹ nhàng lắm.
Nhưng nhậu như Nguyễn Quang Sáng lại là nhậu ra công ra việc. Bạn bè ông, có những người là bạn đọc lâu năm thành bạn, đều là những người thành đạt. Trên bàn nhậu, biết bao công việc được nói, biết bao chuyện được kể, và từ đó nó hình thành nên những kế hoạch và công việc tiếp sau.
Nguyễn Quang Sáng uống rượu không bao giờ say. Chưa ai thấy ông trong tình trạng say bất tỉnh. Ông luôn biết được điểm dừng của mình. Và trước khi say mềm, ông luôn biết nói lời chào tạm biệt để tìm đường về nhà.
Có lẽ cuộc sống vất vả với người vợ bị đau ốm nhiều năm và ba đứa con nhỏ đã tập cho ông một thói quen như thế. Có lẽ chính vì điều ấy, mà dù ông có đi đâu và làm gì, gia đình ông vẫn giữ được sự ấm áp...
(Theo Nguyễn Khang)


10. Trịnh Công Sơn (1939 - 2001):
 
Trong giới văn nghệ sĩ VN, ai cũng biết Trịnh Công Sơn là một "tửu đồ" có thể sánh vai với nhà thơ rượu nổi tiếng Lý Bạch. Ông còn nổi tiếng về cái tài uống rượu "chay", tức là chỉ ngồi uống tì tì mà không cần ăn gì, không cần "phá mồi" (từ ngữ dân nhậu thường dùng để chỉ những kẻ uống thì ít mà... ăn thì nhiều). Giống như là thi sĩ Lý Bạch thường chỉ làm thơ trong những lúc túy lúy càn khôn, một phần không nhỏ tác phẩm Trịnh Công Sơn cũng được sáng tác ra trong những cơn say và một số bạn bè ông đã cho rằng trong một lúc say sưa nào đó thì Trịnh Công Sơn chứ không phải ai khác, mới là người hát nhạc Trịnh Công Sơn hay nhất. Sau này, thoát chết trong cơn bạo bệnh lần thứ nhất trở về, Trịnh Công Sơn đã từ bỏ rượu và đã thú nhận rằng ông đã gặp khó khăn trong sự sáng tác thời gian đầu khi bỏ rượu. 
Trả lời trong một cuộc phỏng vấn, Trịnh Công Sơn đã nói: "Trước đây, rượu là kẻ đồng hành với tôi trong cuộc sống. Không thể thiếu rượu được. Nó là chất xúc tác tốt để tôi làm việc. Uống để vui đời, chứ không uống để say. Uống thì ngòi bút trơn tru hơn, cọ vẽ bay bổng hơn và trí tưởng tượng được dịp trôi nổi về những bờ cõi ngẫu hứng lạ lẫm hơn. 
Giờ đây, tôi đang tạm thời xa rượu vì sức khỏe, tạm khất lại một thói quen đã cùng mình như hình với bóng trên những đoạn đường dài của sáng tạo. Tôi hy vọng là mọi việc cũng sẽ ổn thỏa thôi". Ta có thể thấy "rượu" bàng bạc trong từng lời nhạc của Trịnh Công Sơn. "Còn thấy gì sáng mai đây thôi ta còn bạn bè. Giọt rượu nào mãi chua cay trong tình vẫn u mê..." (Tình Xa), "Có ai đang về giữa đêm khuya, rượu tàn phai bước chân đi ơ hờ..." (Nghe những tàn phai), "Chén rượu cay, một đời tôi uống hoài, trả lại từng tin vui, cho nhân gian chờ đợi..." (Phôi pha), "Hôm nay ta say, ôm đời ngủ muộn, để sớm mai đây, lại tiếc xuân thì..." (Một cõi đi về), "Tiếng thì thầm từng đêm nhớ lại, ngỡ chỉ là cơn say..." (Như một lời chia tay). Có một chuyện ít ai biết là Trịnh Công Sơn nổi tiếng về uống rượu không chỉ trong nước mà còn ở cả nước ngoài nữa. Bằng chứng là hãng rượu nổi tiếng Martell đã mời Trịnh Công Sơn đến Pháp (họ chỉ mời những người nổi tiếng thôi) để nếm thử loại rượu quí được chưng cất và để dành lâu đến 65 năm (cả một đời người). 
Hoàng Phủ Ngọc Tường trong bài ký "Người Uống Rượu" đã viết : Vâng, tất cả âm nhạc của Sơn là nỗi buồn, và cái để chuyển tải nỗi buồn là ly rượu. Trong tiếng Hán Việt người ta thường dùng từ "giả" cho một số nghề nghiệp như tác giả, soạn giả, diễn giả, chứ ít ai dám phong "nhà" cho kẻ say giống như Lý Bạch. Nhà thơ vĩ đại đời Đường này đã cho rằng: "Tự cổ thánh hiền giai tịch mịch./ Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh" Tạm dịch: Xưa nay các bậc thánh hiền đều yên lặng. Chỉ có người uống rượu là để lại tên tuổi. Như vậy Trịnh Công Sơn là một "ẩm giả" đích thực, như một nhà triết học hiện sinh chung tình với hiện hữu
(Sưu tầm)

1 nhận xét:

  1. CCK có ốm đau gì không ạ? Lâu lâu HG không thấy CCK post bài mới...

    Trả lờiXóa