Anh hùng Út Tịch
Từng có mấy thế hệ ngồi trên ghế nhà trường đã đọc và thuộc nằm lòng những mẩu chuyện, nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng "Người mẹ cầm súng" của nhà văn Nguyễn Thi. Ba mươi tám năm sau ngày đất nước thống nhất, tôi trong số nhiều người tự hỏi rằng: không biết những người con của nữ anh hùng Út Tịch bây giờ ra sao?
Tôi quyết định tìm về xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) để tìm gặp mấy người con của nữ anh hùng Út Tịch, những Bé Lớn, Thanh, Hiển “ngọng”, quê hương Tam Ngãi, bến sông Bà Mi… Bỗng dưng tôi lại nhớ cái anh Hiển ngọng - nhân vật đặc biệt ấn tượng "Thằng Hiển, hai tuổi rưỡi, ôm súng của mẹ, ngọng líu hát:
Anh eng ta như ạn con ùi/Nó có dúng mình có dao găm/Nó éo cò thì mình ảy ô đâm"…
"Cũng may là đời tụi tui không ở đợ".
Ngồi bâng quơ chờ gặp Hiển "ngọng", tôi lại nhớ đến cuộc đời cơ cực của anh hùng Út Tịch lớn lên trong nghèo khó, ở đợ hết đời cha đến đời con. Cha của anh hùng Út Tịch là ông Nguyễn Văn Xương, sinh năm 1899, người làng Tích Thiện, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ. Vì gia đình nghèo túng không đất ruộng nên ông phải đi làm thuê mướn, ở đợ khắp nơi. Cuối cùng đã trôi dạt đến vùng Rạch Lá, Tam Ngãi, Cầu Kè bây giờ. Tại đây, ông đã gặp bà Lê Thị Mười, là người phụ nữ cùng cảnh ngộ. Khi đã thành vợ chồng, ông bà vẫn tiếp tục cuộc sống ở đợ cho nhà địa chủ Hàm Giỏi.
Út Tịch và hai người chị của mình (chị Hai Keo, chị Ba Cao) sinh ra và lớn lên trong nhà địa chủ Hàm Giỏi - một người giàu có, nổi tiếng xứ này, đến nay vẫn còn di tích đất ruộng, nhà cửa. Cuộc đời của ba chị em, vì thế không thể vượt qua số kiếp tôi đòi. Ngay từ nhỏ họ phải làm việc cho địa chủ để kiếm miếng ăn, hết Hàm Giỏi đến con ông ta là Hội đồng Thanh.
Năm 1944, ông Xương lâm trọng bệnh, phải ra Cầu Kè chữa trị, nhưng bệnh không giảm. Lo lắng trước bệnh tình của con rể, ông ngoại chị Út kêu cả gia đình về cất nhà ở đầu ấp Ngãi Nhất, giáp ấp Ngọc Hồ (chỗ chị ở thường gọi là Cây Sanh) với hy vọng đổi chỗ ở may ra ông Xương khỏi bệnh. Ông Xương mất năm 1944, lúc này Nguyễn Thị Út vừa tròn 13 tuổi, đã có 5 năm ở đợ nhà địa chủ Hàm Giỏi.
Trong ba chị em, Út là đứa "rắn mắt", cứng cỏi và gan dạ nhất. Năm 12 tuổi, Nguyễn Thị Út đã dám đánh trả lại địa chủ vì ức hiếp (ném dao cau vào tay vợ Hàm Giỏi, ném ớt bột vào mắt vợ Hội đồng Thanh). Hành động ấy, khí chất ấy tuy rất hồn nhiên và tự phát của tuổi thơ nhưng cũng dự báo một tính cách anh hùng quả cảm của Nguyễn Thị Út sau này. Nhớ chuyện ông Sáu Hò thông tin xã Tam Ngãi ngày xưa đặt bài hát về chuyện này :
Vợ Hàm Giỏi thây to, mặt mốc,/Vợ hội đồng Thanh vai cóc, mình lươn/Đập cho bể mặt, bể sườn,/Bản mặt chườn trờn, hết đánh Út chưa!/Út ơi, Út hỡi, bây giờ/Chìm ghe, sóng cả, con thơ, giữa dòng./Sông sâu phải chịu thua cùng...
Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh ra đời ra tuyên ngôn, kêu gọi toàn thể đồng bào cùng nhau đoàn kết phá xiềng xích nô lệ, giải phóng đất nước. Phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh, lan rộng khắp các địa phương. Cũng năm cha chị qua đời, chị được các anh em cách mạng giải phóng cuộc đời nô lệ cho cả gia đình, bằng việc trả 1 đồng bạc nợ cho Hàm Giỏi. Từ đây, cuộc đời ở đợ của chị đã chấm dứt và bước sang một trang mới.
Nhà anh Hiển ngọng bây giờ nằm đối diện cổng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cầu Kè, đây cũng là nơi hai vợ chồng nữ Anh hùng Nguyễn Thị Út - Lâm Văn Tịch an nghỉ vĩnh hằng. Cô vợ của Hiển rất quý khách, chưa kịp mời nước uống đã alô vài nơi hỏi nhắn chồng về "nhà có khách thành phố". Không phải đợi lâu, Hiển từ trung tâm phóng xe về nhà… Ngồi trước mặt tôi là "thằng Hiển ngọng" trong tác phẩm "Người mẹ cầm súng", bằng da bằng thịt, giờ đã là một trung niên tuổi 50.
Màu da ngăm đen sạm nắng cháy, rất ấn tượng, lại thêm khuôn mặt hơi lạnh có vẻ lầm lì ít nói, khác hẳn với "thằng Hiển ngọng" líu ngày xưa khiến người đọc cười rũ rượi: "Bụi đất tùm lum ở miệng hầm. Con Bé, một tay bồng em, một tay thò ra ngoài hầm, quấy bột. Nó bắc xoong lên ba cục đất, chụm bằng lá dừa. Bốn đứa nhỏ vẫn chổng mông lên trời. Con Thanh giương hai con mắt đen nhánh dòm ra. Thằng Hiển đang chửi, miệng ngọng líu: "ụ ẹ ằng ỹ!".
Ngồi nói chuyện, tôi phục Hiển sát đất vì trí nhớ rất tốt khi kể về cha mẹ cưới nhau trong tác phẩm "Người mẹ cầm súng" anh thuộc làu làu: "Một buổi sáng, Út có dè đâu, chú Chín dắt một anh bộ đội mặt mũi hiền khô đến nhà nói với má: - Con Út nó đã lớn. Tôi lựa được thằng này tướng tá coi cũng được, chị gả cho nó đi. Út chạy một hơi ra bờ sông, ngồi. Anh bộ đội đó tên là Tịch, người Khơ-me. Sau đó cả tiểu đội anh Tịch đến đóng tại nhà Út, Út rủ bạn gái tới nhảy cò, nhảy u, đánh banh, vật lộn cho anh Tịch chê, vì đàn bà con gái mà chơi những trò đó thì quá lắm! Nhưng anh Tịch vẫn không chê". Năm 1961, người con thứ năm là Lâm Thanh Hiển ra đời.
Chuyện về nữ anh hùng Út Tịch là chuyện kỳ lạ chỉ có ở Việt Nam. Có phụ nữ ở đâu như Út Tịch, vừa cầm súng đánh giặc suốt ngày, vừa đẻ sòn sòn gần chục đứa con. Con gái lớn nhất là Lâm Thị Bé (Bé Ba) là nhân vật chính thay mẹ ẵm bồng, chăm sóc cho một đám em nheo nhóc bây giờ là bà chủ khách sạn ở thành phố Vĩnh Long. Cô kế Lâm Thị Mỹ Thanh hiện đang sống ở TP Trà Vinh với nghề kinh doanh buôn bán trong chợ.
Cô Lâm Thị Kim Anh sinh sống ở Hòa Ân - Cầu Kè quê nội. Em kế của Hiển "ngọng" là Lâm Thanh Hùng và cô út Lâm Thị Xuân Hồng. Xuân Hồng đã có gia đình riêng ở tại thị trấn Cầu Kè, là cô bé út sinh ra được 14 ngày, thì mẹ Út Tịch hy sinh tại Gò Quao - Kiên Giang do bom B.52 Mỹ ném ngày 27/11/1968 cùng con gái Lâm Thị Thoa. Gia đình của Hiển còn có cô Lâm Thị Đồng Xuân đã mất từ nhỏ.
Hai vợ chồng anh Lâm Thanh Hùng (49 tuổi) sống ngay trên nền nhà má Út ngày xưa cạnh bến Bà Mi, có khoảng 3 công đất trồng bưởi, cam, nuôi cá và chạy thêm xe ôm nên cuộc sống cũng tạm ổn. Căn nhà anh đang ở là nhà lưu niệm của tỉnh xây tặng nơi thờ di ảnh của ba mẹ. Vợ của Hùng là cô Phạm Thị Rết, cô chủ đưa đò ngang qua sông Rạch Lá nối bến Bà Mi với ấp Ngãi Nhì - Tam Ngãi.
Chính tại bến Bà Mi năm xưa, mẹ chồng cô đã viết nên những kỳ tích lịch sử. Nhìn thấy cô Rết đưa đò, tôi lại nhớ đến hình ảnh những con sóng như con bò chồm lên, Út Tịch bị đắm đò, tay nắm đứa con nhỏ đưa lên cao, tay đẩy xuồng cho hai đứa lớn bám vào. Lên bờ còn chọc lét cho con cười ói nước trong bụng ra…
Nghe Hùng kể lại chuyện rất buồn: Từ khi sinh ra, má tui "như mèo tha con đi gởi" khắp nơi. Có gần 20 nơi tôi đã ở, nửa đêm thức dậy có người đưa xuống xuồng đi nơi khác. Trong đầu lúc nào cũng nhớ câu mấy cô chú dặn: "Đây là ba, đây là mẹ, đây là bà ngoại, ông nội… nuôi". Tui có đến mấy chục ba má, ông bà không thể nào nhớ hết được. Sau này giải phóng, tìm được mấy nhà "ba má" nuôi, còn lại không thể nhớ. Có lần ba tui ghé thăm, bồng tôi ôm một cái, ba khóc, còn tui thì hỏi "ba má nuôi" tại sao chú bộ đội khóc? Tui không biết đó là ba mình. Đó cũng là lần đầu tiên và lần cuối cùng tui gặp ba mà không biết gì hết".
Ngày huyện Cầu Kè giải phóng, mọi người bỏ chạy nhao nhác, tán loạn. Hùng được một người tốt bụng đem giấu vào nhà kho chứa quân trang của lính sợ chạy lung tung trúng đạn oan uổng. Hùng nằm im trong đống quân trang tha hồ nhún nhảy rồi lăn ra ngủ ngon lành. Hùng tỉnh dậy nhìn xung quanh nghe có tiếng người nói. Hùng len lén nhìn qua khe trống xem thử ai… mừng quá kêu to lên vì thấy mấy cô chú và ba má nuôi vừa gọi tên Hùng vừa sục sạo tìm kiếm.
Xưa nay con cái giống cha mẹ là chuyện thường tình, nhưng con dâu, con rể giống hệt cha mẹ chồng, cha mẹ vợ mới là chuyện lạ. Cô Kim Anh rất giống má Út Tịch tạng người gầy gầy, dong dỏng cao, rắn rỏi chắc nịch, nhưng tính nết thì nhu mì, trầm lặng hơn. Nhưng cô con dâu, vợ Hùng, như nhiều bà con nhận xét, rằng giống y chang tính cách Út Tịch ngày xưa.
Thấy cảnh cô con dâu Út Tịch đưa đò qua sông lanh lẹ, gọn trơn, tôi hỏi: Chở trên đò mấy đứa học sinh, lỡ nó chìm thì làm sao? Chẳng cần nghĩ ngợi lâu, Rết nói liền: "Mấy đứa nhóc này, đồ quỷ đó em nắm từng đứa quăng lên bờ như quăng dưa hấu". Tôi bật cười rất vui trong lòng khi nhớ lại chuyện mẹ chồng của cô ngày xưa. Dường như phụ nữ xứ này đều chân chất, gan góc như thế cả.
Năm 1970, Hiển "ngọng" và Kim Anh được Quân khu 9 bí mật đưa ra Hà Nội. Hiển được bố trí đi trước, Kim Anh đi sau theo đường Trường Sơn, nhưng dọc đường bị sốt rét nên đến Hà Nội sau Kim Anh hơn một tháng. Do công tác bí mật, nên trước khi đi hai chị em không hề hay biết gì cả, cho mãi đến khi tập trung tại Trường học sinh miền Nam số 8 ở Tam Đảo, mới gặp nhau. Tại quê nhà, ngày 14/5/1974, Huyện đội phó Cầu Kè, Lâm Văn Tịch hy sinh trong một trận chiến đấu ác liệt với giặc, trong khi hai con của anh đang ở Hà Nội được Đảng và Nhà nước cho lên đường sang Liên Xô học tập, giao lưu nên không hay tin cha mất. Còn các người con khác ở quê nhà, do gửi tứ tán các cơ sở nuôi nên cũng không hay biết tin cha hy sinh.
Trong số mấy chị em, Hiển "ngọng" là nhân vật "kè kè bên mẹ" như "băng đạn quấn quanh thắt lưng má Út". Anh kể lại: “Má tui thường để cho con ngủ say nửa đêm, mới lén xuống vỏ lãi chạy đi đánh giặc. Lần đó, ở căn cứ Gò Quao hai má con ngủ đến nửa đêm, má lén dậy hun tui một cái rồi nhẹ nhàng lấy đai thắt lưng, cắp súng nhảy xuống vỏ lãi.
Tôi tỉnh dậy, chạy băng băng theo bờ kinh đón đầu. Đến cây cầu khỉ, tui nắm hai tay vào thanh cầu, thả chân thòng xuống kinh, thế nào má tui thấy cũng dừng lại”. Quả nhiên khi vỏ lãi băng qua, nghe tiếng khóc của con trai, Út Tịch dừng lại, bế con chạy quày trở lại nhà. Hai mẹ con ôm nhau khóc suốt, rồi dỗ dành, năn nỉ con ngủ để đi đánh giặc. Ai ngờ đó cũng là lần cuối cùng, người mẹ của Hiển ra đi vĩnh viễn với chị Lâm Thị Thoa, không bao giờ về với Hiển và em gái Xuân Hồng mới sinh được 14 ngày… Kể đến đây, đôi mắt của anh Hiển đỏ hoe. Tháng 9/1975, Kim Anh và Hiển từ Liên Xô trở về quê hương, mấy chị em "gom" nhau lại vì có người chưa biết mặt nhau.
Từ trái qua: Vợ chồng anh Lâm Thanh Hiển bên mộ mẹ; anh Hiển " ngọng" đứng trước nhà riêng và hai anh em Hiển, Hùng và các con. |
Cuộc đời của nữ Anh hùng Út Tịch như một gánh xiếc rong, đi đánh giặc triền miên, đàn con bơ vơ, tìm hơi ấm trong vòng tay những đồng chí, đồng đội và nhân dân. Năm 1977, Hiển và Hùng học trường Thiếu sinh quân Quân khu 9. Sau đó, Hiển làm ở Thuế vụ tỉnh Cửu Long cũ, rồi làm cảnh sát giao thông đến khi tách tỉnh Trà Vinh thì anh nghỉ việc. Hai anh em Hiển và Hùng kể lại câu chuyện lúc mới giải phóng, nghèo đói quá, hai anh em lội sình đi bắt sò huyết sống, đập vào vách xuồng cho bể, rồi nhai ngấu nghiến, máu me đầm đìa cả miệng. Nếu như ngày xưa, Bé Ba thay mẹ ẵm bồng các em, rồi còn đi giao liên, thì ngày nay cũng chính Bé Ba là người "đỡ đầu" cho các em và cháu là con của Hiển, Hùng, Kim Anh có việc làm tại Vĩnh Long.
Tôi và Hiển “ngọng” trở thành bạn thân của nhau từ dạo đó, cũng đã có nhiều sự quan tâm, thay đổi cuộc sống gia đình những người con của Út Tịch nhưng nỗi niềm riêng thì mãi vẫn còn với thời gian cuộc đời. Cũng như người đời luôn nhớ những cô bé, cậu bé hồn nhiên tinh nghịch của nữ Anh hùng Út Tịch ngày xưa trong tác phẩm "Người mẹ cầm súng"
Hoàng Châu
Đọc lại về Người mẹ cầm súng, HG sống lại cảm giác vô cùng xót xa ... HG không thể hình dung nổi nếu mình ở vào hoàn cảnh đó... - Không thể nào làm được như thế, thậm chí phần mười thế.... Bởi vì thực sự HG chỉ là một người mẹ rất bình thường, và hết sức yếu đuối về tình cảm.
Trả lờiXóa