Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

VỀ QUÊ

Nhạc: Phó Đức Phương
Ca sĩ: Ngọc Tân

http://baicadicungnamthang.net/bai-hat/ve-que-2637.html
Theo em anh (thì) về, theo em anh (thì) về
Thăm lại miền quê, nơi có một triền đê
Có hàng tre ru khi chiều về...
Ơi quê ta bánh đa bánh đúc
Nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt
Nơi tuổi thơ ta trải qua đẹp như giấc mơ...
Ơi quê ta dầu sương dãi nắng
Phiên chợ nghèo lều tranh mái xiêu
Kìa dáng ai như dáng chị, dáng mẹ tôi...

Đưa nhau ta (thì) về, đưa nhau ta (thì) về
Nơi mẹ đưa nôi, nơi sáo diều chơi vơi
Với dòng sông bên lở bên bồi...
Bao nhiêu năm theo dòng đời đua chen
Phiêu bạt nơi phồn hoa cát bụi
Đôi khi cánh cò xưa lạc vào giấc mơ tôi.
Nước qua cầu thời gian trôi mau
Nơi bền lâu là nơi lắng sâu
Thiếu quê hương ta về, ta về đâu?

(KẾT)
Một chiều, bưng bát (ớ) cơm quê
Rưng rưng ta hát (ớ) giọng quê dãi dề...

Nghe bài hát này, ít ai tin được Phó Đức Phương lại sinh ra và lớn lên ở giữa thủ đô Hà Nội, và lại càng khó tin đó là một tác phẩm viết theo ''đơn đặt hàng'' của Đoàn Quan họ Bắc Ninh.

Thời gian ấy, Phó Đức Phương được mời lên Bắc Ninh sáng tác cho đoàn quan họ. Nghệ sĩ Thúy Cải là trưởng đoàn đề nghị anh viết cho giọng hát Hai Tráng một ca khúc mới, phù hợp với cấu trúc chương trình mà đoàn đang xây dựng. Cô nhường cả căn phòng làm việc của mình cho nhạc sĩ sáng tác. Mấy đêm liền trằn trọc, bỗng câu hát đầu tiên bật ra: Theo em, anh (thì) về! Theo em anh (thì) về, thăm lại miền quê, nơi có một triền đê, có hàng tre ru khi chiều về. Và thế là cả nhạc lẫn lời theo nhau tuôn chảy. Đến câu Kìa dáng ai như dáng chị, dáng mẹ tôi thì nước mắt nhạc sĩ cứ trào ra. Anh phải dừng lại lấy khăn mặt lau nước mắt đầm đìa. Quá xúc động, anh phải bỏ dở ở đấy, đến tối hôm sau mới tiếp tục hoàn thành. 
Tại sao với Về quê, Phó Đức Phương lại khóc nhiều đến thế? Hóa ra mẹ nhạc sĩ vốn là người nhà quê phiêu dạt lên thành thị. Dù được sinh ra ở nơi phố thị phồn hoa, nhưng tâm thức tha hương luôn bám chặt lấy tâm hồn người nhạc sĩ này. Cội nguồn làng quê dường như luôn hiện diện trong tâm hồn người Việt sống bao đời nay và mãi không mất đi. Chính vì vậy mà nhạc xẩm, nhạc sến hay nhạc vàng rất dễ làm người ta xúc động, bùi ngùi. Nhạc sĩ Phó Đức Phương lý giải: Xẩm, sến hay vàng đều có chung nguồn gốc ở lũy tre làng. Tha phương cơ hàn làm nên xẩm, gặp phố chợ thành ra sến, nhập vào giới tiểu tư sản hóa nhạc vàng. Về quê kết hợp cả 3 chất ấy, nhưng nó bình dị và sáng trong hơn...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét